Tinh Thần Khổng Giáo


Tinh Thần của Khổng Giáo

Bài của Đức Đạo Tổ Thoại Hà Nguyễn Hữu Phùng

(1935)

Khổng Phu Tử sanh trước kỷ ngươn 551 năm, kể đếm năm nay là năm 1935, cọng lại là 2486 năm, tưởng các nước Âu lẩn Á luận sự Văn chương Đạo đức của Ngài không phải là không đủ, nhưng xét kỹ lại coi, thì thấy hễ nhầm trào vua nào nước nào chịu cái thuyết của Ngài thì lập miểu thờ, khiến cả nước phải tuân theo lời dạy của Ngài; còn nhằm trào vua nào nước nào không vừa ý, thì phá miểu đốt sách, cũng có khi đến đổi chôn sống học trò của Ngài, như Tần Thỉ Hoàng kia vậy cũng không chừng. Xưa nay vẫn như thế, chúng ta cũng chẳng lấy chi làm lạ. Nhẩn đến lúc sau đây, Trung Hoa nổi lên cách mạng rập chê bai Đạo Đức của Ngài, làm cho trót trên hai mươi năm nay, danh tiếng của Ngài phải bị mất giá trị biết bao nhiêu! Đương lúc như vậy, ai cũng tưởng rằng Khổng Giáo không cò đứng vững trên thế kỷ thứ 20 này với Trung Hoa nữa. Chẳng những bọn China như vậy mà thôi, cho đến nước Việt Nam ta, những năm rốt đây, nhiều người trong làng Âu học cũng chê đè ruồng rẩy cái Văn Giáo của Ngài, là một thứ văn giáo để dạy khoa cử, cứ lo bề thủ cựu không chịu nghinh tân, làm cho tinh thần con người hóa ra nhu nhược, nên khó bước vào con đường tấn hóa, chớ không có làm điều chi cho ích lợi khiến cho đến đổi nước nào có tôn sùng văn giáo Khổng học thì lòng phá đổi cựu học đặng đem tân học thế vào.

Ôi thôi ! Bực Chí Thánh như Khổng Phu Tử, Lễ nghi Văn giáo như núi như biển, trời đất dầu đổi, chớ lễ nghi trật tự của Ngài khó ai đổi được, mà còn phải giữ chưa trọn với đời cạnh tranh vật chất này thay ! Ai là người có chí về Tinh Thần, về Lễ nghi, về phong tục, về Đạo Đức, thấy vậy mà chẳng buồn thầm!

Chúng ta sanh ra trót 2500 sau, nay lại đem cái học thuyết của Ngài ra mà bàn luận, nghe qua tưởng cũng chẳng đúng chi cho lắm, mà nhứt là người sanh ra tại xứ Nam Kỳ này, là xứ Nho học tiêu mòn đã lâu, Nho thơ không còn sót lại, vậy thì có biết chi đâu dùng làm tài liệu đặng khảo cứu mà phòng dám to gan luận đến tinh thần Đạo Đức của Khổng Phu Tử, đặng làm trò cười cho các bực đàng anh nơi xứ khác, là xứ có chịu văn hóa của Ngài nhiều thêm sách vở đầu đủ nữa sao ?

Xét sơ qua thì như vậy, đáng lẽ nín đi là phải, song le tưởng lại cho chính đáng, thì thấy rõ ràng ngày nay sự sống của Khổng Giáo nơi xứ này, chẳng khác chỉ mành treo chuông, nếu ai có lòng lo cho phong tục nước nhà, tưởng cũng nên để ý nhắc nhở vào Khổng học, tùy theo sức của mình biết, tưởng cũng không phải là không bổ ích vậy.

Muốn xét cho rõ biết tinh thần của Khổng học thể nào, thì khó xét cho tường tận được, vì như tôi đã nói ở trên rằng: Xứ Nam Kỳ này ngày nay đã không co bực lão sư túc nho, mà sữ kinh điển tịch đều thiếu, thì làm sao mà nghiên cứu cho tận tường được, vậy thì nay muốn xét cho rõ tinh thần của Khổng học, thì chi cho bằng chúng ta hãy xét tắc một việc, là xét coi những công việc của Khổng Phu Tử trọn đời làm những chi, hễ được bấy nhiêu thì cứ xét bấy nhiêu, lấy đó chúng ta suy ra, thì đủ thấy Tinh Thần của Khổng Giáo được chút ít rồi, tôi tưởng tính như vậy cũng là gọn. Vậy bây giờ chúng ta hãy bắt đầu xét công việc của Ngài làm những chi.

Từng nghe Phu Tử ta sanh nhầm đời kỹ cương đã rối loạn, đạo cha con, anh em, vợ chồng, bậu bạn, vua tôi, chi chi cũng không còn ai kể đếm tới nữa; vua chúa coi sự loạn luân là thường, cha con coi việc cướp giựt giàu sang là hơn, còn chi nói đến việc vợ chồng, anh em, bậu bạn, thì còn có nghĩa lý chi nữa đâu! Phu Tử ta thấy vậy, nên toan cải lương xã hội lại cho có trật tự, cho biết yêu thương nhau, nên những lời Ngài dạy đời, thì bắt đầu dạy việc Thảo thuận làm trước, vì Ngài xét rằng: nếu muốn cải lương cái chế độ của quốc gia xã hội thì trước hết phải cải lương cái chế độ cùa gia tộc mới được, vì tiếng tuy gọi là Quốc Gia chế độ, chớ trong ấy gồm có nhiều cái Gia Đình chế dộ. Gồm nhiều gia đình mới thành Tộc phái ; gồm nhiều cái tộc phái mới nên được cái Quốc thể; hễ gia đình thì có Gia trưởng chủ trương, Tộc phái thì có Tộc trưởng chủ trương; mà hễ Quốc thể thì có Quốc Quân chủ tể, còn tiếng Xả Hội là tiếng chung cho mỗi nơi nào có hội trưởng nghị sự, lập chế độ đặng ra hiệu lịnh cho người thuộc trong bộ phận của mình, buộc đều phải nghe theo; còn cái bộ phận của người ta, mỗi người đều là một cái Tiểu Phần Tử rất nhỏ nhen thuộc về trong cái xả hội nào mình đang đứng đó mà thôi; có hiệp được nhiều cái tiểu phần tử như vậy mới thành ra được một cái xả hội. Vì vậy nên nếu muốn cải lương cho mỗi xả hội đều có trật tự, thì hay hơn hết là phải dạy cho mỗi cái tiểu phần tử trong mỗi bộ phận đều phải biết Thảo, Thuận, Ngay, Tin làm trước.

Xét vì trong mỗi gia đình, nếu được anh em biết thương yêu nhau, vợ chồng biết dạy dổ nhau, cha con biết thuận thảo nhau, bậu bạn biết khuyên can nhau, lớn nhỏ biết kính nhường nhau, thì nào còn có lo chi trong nước không được yên, cả thiên hạ không được thái bình?

Bản tâm của Khổng Phu Tử đã quyết định như thế rồi, nên Ngài mới xét lại rằng: nếu muốn thi hành cho được cái mục đích ấy, thì trừ ra phải cho có một cái quyền cai trị người mới làm được, bằng không có quyền ấy thì làm sao nói ra cho người ta nghe và cho người ta tuân theo ? Đã biết rằng đương đời ấy kỹ cương đã rối loạn, song le cái quân quyền hởi còn mạnh, vì vậy nên Ngài mới chẳng nệ mệt nhọc, trải qua nước này, sang đến nước khác, giốc lòng chọn cho được một vị hiền quân nào biết chịu nghe theo lời Ngài chỉ bảo, đặng trao cái quyền hành chánh cho Ngài, thì Ngài mới đủ sức mà thi hành cái chánh sách của Ngài đã yêu ấp trong lòng, quyết làm cho có kết quả mới vừa bụng của Ngài; vì vậy nên Ngài thường nói rằng: «nếu có một vị Hiền Quân nào biết dùng ta lối giáp năm, thì đã ngó thấy khá rồi, bằng dùng đến ba năm, thi cái chánh sách đã thành tựu, phong hóa đã nên, cái chánh kiến của ta lo giúp đời cứu dân đều được hoàn toàn kết quả». Tiếc thay! Đương đời ấy chẳng phải là không có một vị thời quân nào không biết nghe lời Ngài, song cũng vì kẻ quyền thần nganh gổ Ngài lắm, sợ e nếu Ngài nắm được chánh quyền thì bất lợi cho bọn họ, nên mới kiếm nhiều phương thế gièm pha châm chích đặng làm cho vua tôi lạt nẻo nhau đặng có xa nhau. Cũng có lúc lại bị nước láng giềng sợ, nếu để cho Ngài đắc thế thì nước họ phải suy, nên lập kế phá hoại, làm cho nọ phải lầm, cho Ngài phải thất chí bỏ đi; cũng có khi có vua không trọn lòng cung kỉnh Ngài, nên Ngài thất vọng mà không chịu giúp.

Cái chí của Khổng Phu Tử ta lo làm Đạo giúp đời chẳng có chút mỏi, nên trọn đời Ngài đi khắp các nước, không có một nước nào là không có dấu xe của Ngài đi đến, tuy nhiều khi bị hoạn nạn cho đến đổi bị vây, bị đói, nhưng cái chí của Ngài chẳng có chút sè sụt, Ngài một tin nơi sức học của Ngài có thể cứu đời được, nếu như có ai thiệt lòng nghe theo lời Ngài chỉ dạy. Nhiều khi Ngài than rằng: «Ta nào phải như trái bầu trái bí gì đâu, lẻ nào treo hoài đó mà không ăn cho được». Vì cớ chi mà Ngài tin chắc nơi Ngài, là vì Ngài quá tin nơi Trời; Ngài từng nói rằng: Nếu Trời mà không muốn cho thiên hạ thái bình thì thôi, trái lại như Trời mà muốn trị yên thiên hạ, thì trong đời này nếu chừa Ngài ra thì nào còn có ai nữa đâu ! Ấy là cái đức tin của Ngài rất mạnh mẻ và rất lớn lao như thế, nên dầu cho Ngài bị nhiều việc cam go hiểm trở, song Ngài chẳng hề sờn lòng.

Trong những lúc Ngài dạo khắp các nước đặng dạy người và lo sữa phong tục cho đời cùng là định thi hành cái Giáo Lý của Ngài ấy, thì Ngài dạy những điều chi, mà Ngài quá chắc rằng cái thiên chức và cái nhiệm vụ của Ngài là cao tối trọng?

Như đã nói ở phía trước rồi, sự học của Khổng Phu Tử ta là dùng Luân Lý làm trọng; nên cái Giáo Lý của Ngài cũng dùng luân lý làm gốc; mà cái luân lý cũng chẳng phải chi là lạ, nó ở trong lòng người chớ chẳng có ở đâu xa, ai ai cũng đều có sẵn, nên những điều của Ngài đem ra chỉ dạy cho người cũng chẳng ngoài cái Chơn Lý bổn nhiên của mọi người đã có. Cái ấy là chi? Ấy là những luật nhựt dụng của người với người phải cư xử đối đải thù tặc vảng lai với nhau hằng ngày mà thôi. Như Ngài dạy kẻ làm vua người thì phải ở cho có Nhơn; kẻ làm tôi người thì phải cho có sự Cung kính; kẻ làm con ở với cha mẹ thì phải có Hiếu; người làm cha mẹ ở với con cái thì phải có lòng Từ, phép ở với cả thảy người trong nước thì phải cho có sự Tín v.v.

Giáo lý của Khổng Phu Tử đã chẳng ngoài vòng luân lý, nên sự dạy của Ngài là vụ cho mỗi người đều phải thật hành cái nghĩa vụ của mình, đặng đối đãi với người bền trên, người bề dưới, người trong thân, người ngoại thích, người láng giềng cùng cả thảy những người nào mà mình có quan hệ đến. Bỡi sự dạy của Ngài là vụ sự thật hành như vậy nên trọn đời Ngài chẳng hề mở miệng nói về chuyện chi quái gở, chẳng nói về việc ỷ sức mạnh, chẳng nói về việc rối râm và chẳng nói về thần quyền. Ngài cứ một lòng nói về phận sự Đạo Đức của mỗi người phải lo tròn phận sự mà thôi.

Cái chủ nghĩa của Ngài là thuộc về chánh trị; nếu ai chẳng xét rõ thì tưỡng rằng chánh trị (politics) với luân lý (moral) là hai việc khác nhau, bỡi ý tưởng rằng hai việc ấy khác nhau nên nhiều người chuyên trị về Chánh Trị học hay làm sái cái chủ nghĩa, rồi hóa thành Cách Mạng (revolution), là bởi chẳng biết dùng Luân Lý làm căn bản cho nền chánh trị mà ra. Nếu biết dùng Luân Lý làm căn bản cho chánh trị, thì nào có đến đổi như thế. Xét coi, nếu mỗi cái tiểu phần tử trong mỗi bộ phận đều biết làm xong cái nghỉa vụ của mình, cha phải đạo làm cha, con phải đạo làm con, anh phải đạo làm anh, em phải đạo làm em, chồng phải đạo làm chồng, vợ phải đạo làm vợ, bậu bạn cư xử với nhau cũng đều phải đạo, lần lần ra cư xử với chòm xóm láng giềng cũng đều hòa nhã, cứ vậy mà thi hành khắp cùng trong cã thiên hạ cũng đều yêu thương lấy nhau, thì nào có đến đổi chi phải gây ra đến phong trào phá hoại. Ấy cái chủ nghĩa của Khổng Phu Tử ta bắt đầu là phải sửa cái nền luân lý cho có trật tự là như thế. Ngài thường nói rằng: «Một nhà đua chen về sự thương yêu nhau, thì cã nước đua chen mà thương yêu nhau; một nhà đua chen về sự kính nhường nhau, thì cã nước cũng đua chen sự kính nhường nhau». Cái bản tâm của Ngài đã chủ ý dạy về sự thương yêu kính nhường như vậy, bảo sao Ngài chẳng lo sửa từ cá nhơn từ cái tiểu phần tử làm trước! Nếu mỗi người đều biết nghe theo lời dạy của Ngài, nhìn nhận rằng mình là một cái bộ phận nhỏ trong xã hội, nên phải lo làm cho tròn nghĩa vụ đặng giúp ích cho đoàn thể của xã hội cho được tấn hóa, thì sự dạy luân lý cho có trật tự kia mới thể có gầy nên sự nghiệp vững bền cho nền chánh trị, chẳng chối cải chi nữa. Xét kỷ như thế, thì thấy rõ ràng cái mục đích của Khổng Phu Tữ dạy từ cá nhân, là chỉ yếu đặng duy trì xã hội cho được tấn hóa về phương diện đạo đức mà thôi, nên cái chủ nghĩa của Ngài là cải lương xã hội, nên Ngài hễ thấy thời cuộc có chỗ chi không được khéo, thì Ngài liền lập thế đặng sửa đổi lại, chẳng chịu để cho tới rối loạn mà phải cải cách. Ngài thường nói rằng: «Phàm làm việc chi thì phải nương theo nền móng cũ mà làm, chớ chẳng nên sửa đổi mà xây cái mới».

Khổng Phu Tử đã có một cái chủ nghĩa luân lý chánh trị như thế, sao Ngài chẳng đề xướng lý thuyết của Ngài ra cho người ta khuynh hướng theo, lại phải đi tìm kiếm cho được một vị Hiền Vương nào biết nghe lời của Ngài đặng dùng Ngài thì Ngài mới thi hành cái chủ nghĩa ấy được, bằng không thì thôi? Bởi tính như Ngài vậy, nên trọn đời Ngài không làm được việc chi hết, cho đến đổi nội trong cả vòng Trung Quốc không chọn được một vua nào giúp đở được, rồi lại than thở muốn đi ra khai hóa cho các mán rợ cữu di, lời ăn tiếng nói đã không đồng, mà phong tục lại càng khác nữa, thì Ngài có phương thế nào mà thi thố cái chủ nghĩa của Ngài được? Nếu vậy cái chủ nghĩa luân lý chánh trị ấy nó không có tốt đẹp hoàn toàn bằng các chủ nghĩa khác sao?

Không, chẳng phải vậy đâu, Khổng Phu Tử ta sanh nhằm thời đại trật tự trong nước đều xiên ngã, trên là vua chúa quan quyền đều lấy lòng xảo trá đặng đối đải với nhau, dưới là các hạng dân bị mê mụi dốt nát, mặc ai muốn dắc đi ngã nào thì theo ngã nấy, chẳng biết sao là phải, sao là quấy; còn Phu Tử ta lại chẳng chịu phá hoại xả hội, cứ một lòng lo cải lương xả hội mà thôi; trong nước tuy là rắc rối, lòng người tuy là tinh yêu, song ngôi thứ hãy còn chớ chưa đổ nát, nên Ngài phải căn cứ vào cái trình độ, nương theo cái hoàn cảnh đương buổi ấy, đặng lập ra một cái chủ nghĩa sắp đặt trật tự của cái nền luân lý đã sẵn dạy từ đời Thượng Cổ củ các bực thánh Đế Minh Vương lại cho xong, đặng sữa đổi phong tục cho được hoàn toàn mỹ mản, chớ Ngài không chịu tự mình cải tạo một cái nền tảng mới đặng lập dị cầu cao. Ngài từng tự xưng mình rằng: «Ta thuật lại những việc xưa, chớ không lập ra một việc mới». Lấy đó mà xét thì đủ thấy cái lương tâm của Ngài thể nào rồi. Tuy cái Giáo Lý của Ngài chẳng được người đời sùng bái cho lắm, nên chẳng được chống chỏi với cái thời gian đương buổi ấy mặc dầu, song cái ảnh hưởng về sự nghiệp, về Đạo đức của Ngài di truyền dến ngày nay, cả thảy toàn cầu đều công nhận và khâm phục, đều cho Ngài rằng là một nhà đại triết học, cái bực người như vậy, cái công nghiệp của người như vậy, nào phải để cho người tầm thường, kẻ võ phu, bọn hủ nho mỉa mai đặng phê bình được đâu. Đã biết rằng Giáo Lý của Ngài thi thố ra đương đời không được, nên Ngài mới bị gian truân nhiều đoạn, song Ngài cũng đã hiểu trước rằng: gặp cái hoàn cảnh như Ngài đang lúc bây giờ, nếu muốn cải lương xả hội, trừ cái lý thuyết của Ngài ra, thì không còn phương phép nào cao hơn mà đối phó cho xứng đáng, vì cái Giáo Lý ấy nó đã thuộc về tinh thần, thuộc về Đạo Đức, mà nó là con đường của mỗi người phải dùng hằng ngày không được rời ra, vì nó là một cái Chơn Lý đã sẵn có trong Tâm của mỗi người rồi, chớ chẳng phải ở đâu xa mà phải tìm kiếm cho mệt nhọc, cần là cần phải trau giồi nó lại cho sáng suốt, làm cho nó mới lại, làm cho nó thiệt khéo, thiệt tốt, thiệt đẹp và đủ. Xét rõ về chính trị của Trung Quốc lúc xứa, từ Nghiêu, Thuấn, Vỏ, Thang, Văn, Võ truyền trao tâm pháp và trị pháp cho nhau, đều chẳng ngoài sự sửa cái Nhơn Tâm cho thành Đạo Tâm, vì vậy nên những việc nhựt dụng của nền luân lý cang thường là cần phải gìn giữ cho có trật tự là trước nhứt.

Khổ tâm của Phu Tữ ta hành Đạo cực nhọc như thế, là chẳng phải giốc lòng lập danh đặng kiếm công danh phú quí chi, chỉnh vì Ngài tự nhận lấy cái Thiên chức Ngài là phải khai đường dẫn lối đặng dìu dắy người vào đường ngay lẽ phải, đặng hạn chế cái tình dục và cái vật dục nó làm cho mờ ám cái lương tâm của con người đi, nó làm cho người quên hẳn rằng: Người sở dỉ khác hơn cầm thú là nhờ có một cái Lương Tâm này nó đã đựng đầy đủ cã Chơn Lý đả ban phú rồi khi ban sơ, cái Lương Tâm ấy nó rất lành, rất tốt, rất đẹp, rất khôn ngoan khéo léo, rất sáng láng trong sạch; hiềm vì người bị sai mê theo cái hoàn cảnh xấu xa nó triêm nhiểm đầm thấm vào mình đã lâu mà không hay không biết đặng chừa , đặng lánh, đặng rứt, đặng bỏ nó đi, mà trở về theo cái sơ tánh của mình. Cái chủ tâm của Ngài là như thế, nên Ngài cần dùng phải có một vị Hiền Quân giúp sức với Ngài đặng thi hành cái chánh giáo của Ngài mới được mỉ mãn. Chẳng phải cái chánh sách của Ngài là không được khéo, hay là không thích hợp với thời cuộc, hãy xét coi khi Ngài còn làm chức Đại Từ Khấu đó thì biết. Lúc đó trong tay Ngài cầm cả chánh quyền, Ngài cai trị nước Lổ có ba tháng mà nước Lổ cả được thái bình, nhà tối ngủ khỏi lo đóng cửa, đồ rơi rớt ngoài đường sợ mất, trong nước không kẻ phỉnh gạt lường lận, kẻ đi đường không lấn lướt nhau, mà lại biết kính nhường nhau, người làm ruộng không lấn ranh nhau, người buôn bán không nói thách giá, ấy là việc người với người đối đãi với nhau phần bề ngoài bề ngoài đó; còn việc cư xử với nhau bề trong nơi gia đình thì chẳng cần chi phải nói nhiều, vì cái chánh sách của Ngài là vụ Hiếu, Để, Trung, Tín làm căn bản cho nền Luân Lý làm đầu. Xét vậy thì đủ hiểu sự dùng Luân Lý làm gốc cho nền chánh trị đặng giúp ích cho xả hội theo Giáo Lý của Khổng Phu Tử nó quí hóa là bực nào.

Học thuyết của Khổng Phu Tử là vụ sự thật hành, hễ nói chi thì vụ làm cho được nấy, chớ không phải nói suôn, hay là biết nói mà không biết làm, hoặc là nói được mà làm không được, vì vậy nên Phu Tử nói rằng: «Ta cũng muốn đặt điều đặng nói tuốt, song xét lại sao cho bằng đem ra đặng làm cho chắc chắn, rõ ràng cho mọi người thấy, người biết là hơn». Bởi vậy nên sự Ngài dạy dổ, thì Ngài dạy vụ phải học cho rộng trước, vì có học được rộng, mới thấy xa hiểu rõ được; nhưng Ngài lại dặn rằng: «Phải học cho rộng, mà phải hỏi cho chính chắn, phải nghĩ cho kỷ lưởng, phải phân cho rành rẽ, chừng nào chắc chắn, không còn chỗ nghi nghờ nữa, thì phải gia tâm đặng làm cho nên việc, đừng thối chí». Sự học của Khổng Phu Tử nó rộng lớn bực nào thì tôi đây không rõ được cho lắm, song le lậy nơi một lời dạy của Ngài to tác dường ấy, thì đũ biết sức Ngài học thể nào rồi; nên đệ tử của Ngài từng ví Ngài như là mặt trời, tưỡng không phải là quá tặng vậy. Ngài vốn là người siêng học, nên Ngài mới có lòng siêng dạy người, vụ cho người làm nên được người như Ngài vậy. Ngài từng nói rằng: Từ khi Ngài nên 15 tuổi, thì Ngài đã gắng chí nơi sự học rồi, mà học cho đến năm 70 mới nên; nghe vậy, đủ biết sự học không cùng, so lại với câu «thập niên đăng hỏa» của mấy bác nho xưa khoe mình, nghĩ càng thêm ngợp!

Phu Tử ta học thì rộng, biết thì nhiều, song xem Ngài đem sự học ấy ra đặng ứng dụng với đời, thì coi không có chi là bề bộn nhọc nhằn cho lắm. Ngài thường nói: «Phải Nghĩa thì làm, chớ không lòng mưu lợi; phải Đạo thì giúp, chớ không lòng kể công: bởi bực quân tử thì cứ xét rõ nơi nghĩa vụ của mình mà làm, chớ nào phải như kẻ tiểu nhơn sao mà cứ so đo từ phân hào đặng kiếm lợi ?». «Đã biết rằng sự giàu sang thì ai lại không ham, sự nghèo hèn nào ai lại có muốn, song le nếu giàu sang mà phi Nghĩa, thì giàu sang mà làm gì, còn nghẻo hẻn mà trúng Đạo, thì dầu cho ăn cơm nguội, uống nước lạnh, nằm queo, co tay làm gối, thì cũng là vui». Vì sao Ngài lại vui cái thú nghèo đó hơn, mà lại khinh sự giàu sang phi nghĩa nọ? Nghèo mà vui nổi gì? Nghèo thì ăn cơm nguội, uống nước lạnh, nằm chèo queo, đó là thường, mà vui nổi gì? Sự giàu sang, sự nghèo hèn, ấy đều là vật ở ngoài thân ta; người đời mảng so đo cân lường lấy những vật bề ngoài ấy, đặng gọi là giàu, nghẻo, sang, hèn; rồi đề xướng lên cái tiếng: hễ ai dư giã những món đồ bề ngoài thân mình ấy thì cho là giàu sang, gọi là vinh; còn ai thiếu thốn đồ bề thân mình ấy thì cho là nghèo hèn, gọi vậy là nhục. Ấy là vinh nhục của phần đời cho, của phần đời gọi; ta thử hỏi coi cái đời kia nó có bền vững với đời của nó cùng chăng? Huống chi cái tiếng của đời cho, của đời kêu, của đời gọi, mà lại làm sao cho đủ gọi vinh, gọi nhục cho bực người đã có học Đạo, có biết Đạo rồi, thì biết có một món rất quí, rất tốt, rất báu, rất đẹp, rất đáng thương mến, đáng trân trọng, đáng gìn giữ từng giờ, đáng giồi mài từng bửa, ấy là cái Chơn Lý nơi Lương Tâm ta đó mà thôi; trừ vật này ra, thì chẳng luận là vật chi, hễ đời gọi rằng quí, người học Đạo coi dường bọt nước, xem thể mây bay kia, chớ nào có qui chi đâu!

Trong Lương Tâm người đã sẵn có Chơn Lý của Trời ban phú cho từ thuở ban sơ, mới gọi thật rằng là của quí cho, Chơn Lý ấy nó là Đạo, nó là Đạo dạy làm Con Người cho ra phải là Con Người, vì người hễ muốn làm cho nên Con Người thì phải biết Đạo làm người, mà Đạo làm người có chi lạ hơn là Nhân với Nghĩa. Bởi Khổng Phu Tử ta biết có Nhân Nghĩa là quí, ngoài Nhân với Nghĩa ra, thì chẳng có chi quí hơn nữa, nên trọn đời Ngài đem ra ứng dụng với đời, cũng chẳng chi lạ hơn là Nhân với Nghĩa.

Phu Tử đáp nghĩa chữ Nhân với chư môn đệ tuy có nhiều cách không giống nhau, ấy là cách dạy dổ đặc sắc của Ngài là tùy theo người nào có bịnh chỗ nào thì Ngài dùng thuốc chỗ ấy đặng chửa ngay vào đó cho mau lành, chúng ta nay góp nhóp lượm lặc lại các nghĩa ấy đặng xét coi, thì thấy rõ rằng: «Nhân» nghĩa là Thương Người, chớ có chi đâu lạ. Hễ người biết thương người thì đâu có làm hại người; hễ chẳng là hại người, thì phải đem lòng lo lắng, săn sóc, vừa giúp người, coi ngươi như mình vậy. Hễ biết coi người như mình, thì nào có chia rẻ ta Người ra làm hai. Hễ chẳng chia rẻ ta Người ra làm hai, thì Ta Người đã Hiệp Một như con một nhà rồi, vật chi Ta muốn thì Người cũng muốn. Người muốn thì Ta cũng muốn, xét được vậy thì nên biết sự kỉnh nhường nhau không chích mích nhau, mà hòa thuận với nhau luôn. Người trong một nhà biết kính nhường nhau, thì người trong môt xóm một làng cũng biết kỉnh nhường nhau, lần lần lớn ra cho tới người trong một nước cũng đều biết kỉnh nhau nhường nhau; càng ngày càng rộng thêm ra nữa, thì người trong cả thế giái cũng đồng biết sự kỉnh nhường như vậy, thì lo chi là thiên hạ không được thái bình! Ấy là cái nghĩa chữ Nhân gốc là Thương người mà ra, mà sự Thương người ấy nó làm ích lợi cho người là dương nào! Vậy thì cái Nhân ờ trong Lương Tâm này nó có đáng quí, hầu là những đồ bề ngoài cùa cái đời gọi quí đó, là quí?

Nhưng mà hễ biết được nghĩa chữ Nhân rồi, còn phảo biết nghĩa chữ Nghĩa nữa mới được, nếu biết Nhân mà không biết Nghĩa, thì cũng chẳng quí chi vậy. «Nghĩa» là Nhằm, là Phải, là Trúng mới gọi là Nghĩa, bằng chẳng Nhằm, chẳng Phải, chẳng Trúng thì là phi Nghĩa, thì là sái Đạo. Vì vậy nên việc chi mình xét nên làm, thì sẻ làm, bằng chẳng nên làm thì đừng làm. Ví dụ như cha thì phải biết thương con, con thì phải mến cha, chồng thì phải thương vợ, vợ thì phải thương chồng, anh em thì phải thương yêu nhau, ấy là phải Nghĩa đó. Nếu trái lại, cha nhà không thương, vợ nhà không mến, anh em nhà không hòa thuận, xóm giềng không kính nhường, mà lại đi thương cha người, mến vợ người, quí trọng anh em người, kính nhường xóm giềng ở đâu khác; làm như vậy có phải Nghĩa hay không? Vì vậy nên sự Thương nó cần phải cho nhằm Nghĩa mới được, nên hai hai chữ Nhân Nghĩa nó cần phải dính với nhau luôn luôn. Nếu sự Thương mà phải Nhân phải Nghĩa, thì trước hết phải Thương, phải Kính, phải Nhường người trong nhà, trong thân tộc làm trước rồi sau mới đem sự Thương, sự Kính, sự Nhường ấy ra mà Thương, mà Kính, mà Nhường người ngoài, cho đến cùng cả thảy người cả nước mới là phải cho.

Chánh nghĩa hai chữ Nhân, Nghĩa như đã tõ bày đó, nên Phu Tử ta hoặc dạy người, hoặc ứng tiếp vật chi đều chẳng ngoài hai chữ Nhân, Nghĩa. Mà biết cho rõ được, cho khỏi lầm lộn, thì Phu Tử ta dạy người trước hết phải Học rộng, phái Hỏi chính, phải Nghĩ kỷ, phải Phân rành rồi sẻ đem ra mà thật hành, nên như đã nói phía trước rằng Học thuyết của Khổng Giáo là vụ nơi Thật Hành. Song muốn cho được thật hành, Phu Tử ta chẳng những dạy phải Học rộng, phái Hỏi chính, phải Nghĩ kỷ, phải Phân rành mà thôi đâu, người học còn phải lắm công phu mới đem ra thật hành xong. Ngài dạy rằng: «Phàm việc chi hay là vật chi, phải khảo cứu cho cùng tột cái lý của sự vật đó, đừng cho một chỗ nào mà sự xét của mình không được đến tột; đã xét đến tột rồi, thì lại phải đem hết sức biết của mình cho tinh tế, mà tìm cho đến chỗ tinh vi của sự vật ấy, phải cho đàn tinh kiệt tứ, vụ thấu cho được chỗ kỳ cùng mới thôi».

(Sự học này cũng thể như ngày nay các khoa vật lý học, hóa học, bác vật học của Âu Mỹ vậy, song khác là khoa học của Âu Mỹ là xét cái vật lý của sự vật bề ngoài cảm xúc vào, còn Phu Tử ta xét lý sự vật nơi trong phát ra).

«Trong những lúc mà minh khảo cứu sự vật cho được tinh tế như vậy, thì mình phải thâu trọng cái phóng tâm của mình về, phải dẹp hết cái phóng túng nó chạy lăng xăng ở cảnh ngoài đó, đặng để một cái ý cho rất thiệt tình, rất quả quyết vào một việc của mình đang lo tìm kiếm xét nét đây; mà lại còn phải sửa cái tâm mình cho được trọn nhứt tâm vào việc ấy, đặng định một mối nào phải theo, con đường nào phải dùng đặng đi tới, rồi cứ theo đó mà phăn hoài đặng làm cho nên việc». Phàm việc chi, cứ dọn mình được như vậy hoài, ban đầu coi còn thấy có chỗ khó, sau lâu ngày hóa quen, nên hễ gặp việc thì biết, gặp việc thì thông, chẳng còn đợi phải mất ngày giờ mới là hiểu thấu chánh lý của nó.

Cái tư cách của mình dọn mình đã được có phương pháp hoàn toàn cao thượng như vậy, rồi «cứ nương lấy đó mà chỉ biễu cho những người trong nhà mình, người dưới quyền mình, đều phải do theo một cách thể ấy mà sửa mình; nếu có thế lực chút ít thì dạy luôn cho xóm giềng bắt chước theo, nếu được thế lực nhiều thì dạy tràng ra cả nước, được như vậy, thì nào có lo chi người trong nước không phát đạt được» ! Nếu mỗi người đều đủ trọn nhơn cách làm người rồi, gọi việc chi thuộc về Nhơn Đạo, đều biết dụng Hiếu, Đễ, Trung, Tín, Cung, Kỉnh, Khiêm, Nhượng; việc trong nhà vậy, việc ngoài đường cũng vậy, đều xử trọn Nhân, trọn Nghĩa, dầu cho gặp những việc chi khó khăn cho thế mấy nữa là cũng không mất ngày giờ cho mình xét đặng sự Phải mà làm, sự Quấy mà chừa, ấy những cái Công Hiệu như vậy là bỡi đâu mà nên? Có phải là bởi Giáo Lý của Khổng Phu Tử ta chỉ biểu dạy dổ người đều có phương pháp chánh đáng, có trật tự phân minh chăng? Mà những phương pháp ấy, Phu Tử ta dùng vật chi làm mụch đích đặng chỉ cho người biết đặng làm theo trúng một cách dễ dàng như vậy? Có chi đâu là lạ! Có chi đâu là xa! Phu Tử ta dùng có một vật là chỉ cho người phải tìm lấy cái Chơn Lý có sẵn trong Tâm Tánh của mỗi người rồi từ khi mới sanh ra, đặng mượn theo mà đi cho trúng đó chớ có chi đâu! Ngặt tự bấy lâu nay người bỏ cái Chơn Tâm, Chơn Tánh đó đi, không săn sóc đến nó, cứ bo bo đeo đuổi cái khí bẩm vật chất bề ngoài mà gọi rằng quí, cứ nong trang theo cái tình dục của xác thịt nó sai khiến, cứ lăn lóc chăm chúi theo nó hoài mà không dám cải cái mạng lịnh của nó, sợ nó rời ra mà hết sang đi chăng, nên đành quên bỏ ông Chủ Nhà của mình là cái Bổn Tánh tự nhiên rất tốt, rất lành, rất trong sạch, rất sáng láng kia, đàng để cho ông Chủ Nhà ấy bị cái hoàn cảnh bề ngoài nó sai bợm gia đình lôi cuốn vào đóng kính, khóa chặc lại trong một gian phòng, để tự ý cho bọn nó tung hoành theo tình dục bề ngoài, cho phu phỉ cái ý ham muốn của chúng nó, kiệu sải nước lớn nước nhỏ tùy theo tên nài với cái hàm thiết giây cương, đặng lo ăn thua với đời, mà ông Chủ Nhà không hay biết chi hết! Phu Tử ta thấy vậy biết là sái đường, nên nhắc nhở người phải nhớ lại nhà mình đã có ông Chủ sẵn rồi, phải tỉnh lại đặng nhìn biết lấy ông mà do nơi mạng lịnh cùa Ông, theo lời phải của Ông, đặng dọn dẹp nhà cửa lại cho sạch, lau chùi bàn ghế lại cho sáng, cắt khiến lại cho mấy đứa gia đinh phải tùng lịnh chủ nhà đừng nghe lời kẻ bề ngoài xúi dục, thì nhà cửa mới được trang hoàng vén khéo chắc chăn khỏi hư khỏi nát, chớ Ngài có kiếm cái căn bản nào ở bề ngoài, đặng đem nhét vào bảo ai phải phục tùng đâu, nên sự giáo dục của Ngài không phiền phức mà lại dễ làm là vì vậy đó.

Có kẻ bài bác rằng Khổng Phu Tử ta dạy người tuy là rất chánh đáng, song Ngài cứ dụng Cá Nhơn làm căn bản vị, nên sự dạy của Ngài chưa được gọi là hoàn toàn mỹ mản, vẫn còn cái chủ nghĩa ích kỷ ở trong, vì nếu theo cái thuyết luân lý, thì cái quan niệm của Ngài quá thiên trọng về tư cách của cá nhân mà thôi, nên mới khiến cho những bực quân tử nhà Nho hay quá ỷ mình là đúng bực thượng lưu, mà miệt thị những người chẳng biết Đạo Nho, hóa ra trong xả hội không được đầm ấm mà lại có hại cho đường kinh tế, thì sự ấy Phu Tử cũng khó bề từ nan rằng không có lổi vậy. Mà Phu Tử ta có lổi chăng ?

Tiếp theo bài trước tôi xin giải sự người công kích cái chủ nghĩa của Khổng Phu Tử dùng luân lý làm căn bản vị cho xả hội, nên mấy bực quân tử nhà Nho quá ỷ mình, làm cho cái hoàn cảnh hiện thời không được đầm ấm, vì nổi hai cái học thuyết Tân Cựu chưa dung hợp với nhau; thêm là không nghe Phu Tử giảng dạy sự kinh tế, nên cái học thuyết của Ngài chưa được gọi là hoàn toàn châu đáo.

Đã biết mấy bực nhà Nho ngày nay đó, cũng có qua ỷ mình rằng là bực lão thành, nên cũng có quá tự tôn tự cao tự đại một chút, song le muốn cho phân biệt hai tiếng nhà Nho, tôi xin chư quí đọc giả cho phép tôi giải thêm cho rõ sao gọi là người Nhà Nho, sao chẳng phải là người Nhà Nho, cho chư vị dể bề biện biệt, rồi sẻ đem lời phê bình Đạo Nho của Khổng Phu Tử. Xin chớ tưởng lầm rằng mấy cụ đồ, cụ tú, cụ nhiêu, cụ cử ấy đều là người Nhà Nho đâu! Người Nhà Nho là người ở trong Nhà Đạo Nho, Học theo Đạo Nho, Hành theo Đạo Nho, dạy dổ dìu dắc người theo nết na khuôn phép của Đạo Nho, người như vậy mới đáng gọi là người Nhà Nho; chớ chẳng phải những người học chữ Nho, biết đọc sách Nho, biết nhớ thuộc lòng những câu văn chữ Nho, đặng nói cho lia, cho nhiều, cho tráng câu đặng giậm vào câu chuyện nghe cho bùi tai mà gọi là người Nhà Nho đâu. Bỡi Đạo Nho với Chữ Nho, hai nghĩa rất khác nhau như trời với vực. Đạo là Đạo, còn Chữ là Chữ, không ăn thua với nhau chi hết.

Tiếng gọi rằng Đạo Nho ấy, là một cái Học Thuyết của Đức Khổng Phu Tử lập ra, mục đích và tôi chỉ rất chú trọng về sự Giáo Hóa. Nó tuy không phải như một cái tôn giáo nào, song sức mạnh của nó không tôn giáo nào bì kịp, là vì Đạo này dạy người có hai phần, một là hình nhi thượng học, và một phần hinh nhi hạ học, mà hai phần ấy đều do nơi những việc ứng sự tiếp vật, nhựt dụng thường hành của mỗi người phải có và phải biết, phải làm hằng ngày, hằng giờ, hằng thiếu thì không được, dầu cho trẻ nhỏ từ 6, 7 tuổi cho đến người già cả đầu bạc răng rụng cũng phải thông hiểu; dầu cho kẻ hèn hạ là bực ngu phu ngu phụ, cho thẳng đến bực Thánh Hiền là cũng không được phép rời; dầu cho trên hết là bực Thiên Tử dĩ chí bực thấp thỏi hơn hết là bực cùng dân, là cũng không được phép quên sót; dầu cho từ việc nhỏ mọn kín đáo còn đương ở trong bụng, thẳng đến việc lớn lao ra bao hàm cã kiền khôn võ trụ, là cũng không việc chi qua khỏi; dầu cho từ nơi chỗ gần là cái xác thân của mỗi người và việc của mỗi nhà, dĩ chi khắp cã thiên hạ thế giái, là cũng không một ai được phép xa lìa khỏi mình giây phút; dầu cho kẻ man di mọi rợ, thẳng đến người văn minh tấn hóa, bực nào là cũng không khi nào mà chẳng có nó ở trong Tâm mình; dầu cho thời đại nào cũng vậy, từ muôn ngàn năm lúc trước, thẳng đến ngày nay và luôn luôn tới muôn ngàn năm kế sau nữa, là cũng không khi nào làm cách nào mà mất bỏ nó được v.v… Dầu cho việc chi nhỏ mọn từ việc Cá nhơn đối với Cá nhơn, thẳng qua cho đến phần chánh trị, phần xả hội, phần nhơn quần, luân lý, triết học, đạo đức, tín ngưởng, trật tự, chế độ, lể nghi, phong hóa v.v… cũng không một việc gì mà Đạo Nho thiếu sót không có chỉ dạy đến.

Đạo Nho sở dỉ dạy được bao quát lớn lao như vậy, là chỉ có dụng Cá Nhơn làm căn bản vị, chỉ dùng cái thuyết Luân Lý đặng sửa cải tư cách của từ Cá Nhơn, khiến cho từ Cá Nhơn biết Tự Sửa lấy mình, mỗi người đều phải biết cái Nghĩa vụ của mình, mỗi mỗi người đều phải biết trau giồi cái Nhơn cách của mình cho được Chí Thiện, mỗi người đều phải tôn cái Đức Tánh của mình mà cũng phải trọng sự Học hỏi cho biết Đạo đặng làm theo cho nhầm Đạo. Ấy là sự Tu Thân của cách Đạo Nho dạy vậy đó. Cái triết lý của Khổng Phu Tử sở dỉ khác hơn các bực Giáo Chủ khác cũng tại nơi đó; mà Khổng Phu Tử sở dỉ làm được Khổng Phu Tử là cũng tại nơi đó. Khổng Phu Tử dạy người «Tu Thân», Ngài chẳng hề dùng mê tín, chẳng hề dùng lời huyển hoặc, chẳng hề dùng tên một vị quì thần nào đặng rùng ép người bảo phải sợ, phải tin; chẳng hề nói sự Tiền Nhân Hậu Quả, chẳng hề nói việc Thưởng Phạt Thiên Đàng Địa Ngục chi hết, Ngài chỉ day mỗi người biết Sửa Mình theo cho trúng Chơn Lý, cho trúng với Chơn Tánh, cho trúng với Bản tâm của Trời phú cho mỗi người thuở ban sơ mà thôi. Hễ mỗi người đều biết dược cách Sửa Mình như vậy, biết trau giồi cái Đức Tánh của mình như vậy, biết đem cái Lương Tri của mình về theo cái Lương Tâm của mình như vậy thì cái Nhơn Cách của mỗi người đều được tận thiện tận mỹ rối. Cái Nhơn Cách của mỗi người đã đều được hoàn toàn chí mỹ rối, thì mỗi người đều biết cái Nghĩa vụ của mình phải làm làm sao rồi. Hễ biết được chắc chắn cái Nghĩa vụ của mình phải làm làm sao rồi, thì nào có dám Tự Do Hành Động, vì biết rõ cái Thân này thuộc về một cái bộ phận nhỏ nhen của một Đoàn thể trong Xã Hội, nếu mình muốn cho Xã Hội được rở ràng, được phát đạt, được có danh lành tiếng tốt, thì cái Thân này trước phài Sửa cho được trong sạch, cho được dùng theo nhơn cách của một cái tiểu bộ phận của một cái đoàn thể trong Xã Hội của mình đương đứng đương ở, ấy là các Tu Thân của Khổng Phu Tử ta dạy đó. Thấy đó thì biết rõ nghĩa Tu Thân là Sửa Mình, chớ có chi đâu. Mà muốn cho được gọi rằng người biết Tu thân, thì trước hết phải Tu Tâm. Tu Tâm nghĩa là Sửa cái Tâm của mình cho trúng với Chơn Lý, cho trúng với Chơn Tánh, cho trúng với Bản Tâm khi ban sơ, chớ không chi lạ. Hễ người biết Tu Thân, Tu Tâm thì chẳng hề khi nào dám Tự Do hành Động, vì phải lo giúp đở đoàn thể của mình đặng làm nên sự nghiệp cho Xã Hội, vì mình đây, cái thân nhỏ nhen này đây, nó là một cái tiểu phần tử cùa Xã Hội mà thôi.

Ôi ! Người Nhà Nho, người Chơn Nho, người học Đạo Nho Chơn Chánh của Khổng Phu Tử ta, biết Tu Thân đặng lo cho đoàn thể, đặng lo cho Xã Hội như vậy, sao ai lại nở gọi cách dạy theo cái thuyết Luân Lý của Phu Tử ta thiên trọng về Cá Nhơn chủ nghĩa, nên những bực quân tử nhà Nho hay lo ích kỷ mà khiến cho hoàn cảnh ngày nay không được đầm ấm?

Muốn cho rõ thêm cái mụch đích của cái thuyết Tu Thân nó làm nên cho Xã Hội được tấn hóa, được phát đạt là dường nào, tôi xin giảng thêm cho rành cho rõ nữa, cho dể bề anh em suy xét.

Sách Nho có dạy rằng: Từ bực trên là bực Thiên Tử, dỉ chí đến bực thấp là bực Thứ Dân, ai ai rắc rắc, đều phải sửa mình làm gốc. Vì hễ là mỗi người đều Sửa Mình cho được rồi, thì chẳng lẽ bỏ qua cái gia đình của mình mà không Sửa, lẽ nào đành thấy người trong gia đình của mình chẳng biết lo tròn phận sự, mà mình nở bỏ qua không dạy không sửa hay sao? Nếu mình bỏ qua đi, thì chỉ nghĩa rằng mình không biết làm nghĩa vụ của mình cho tròn, thì cái Nhơn Cách của mình ở đâu? Nếu mình biết lo Nhơn Cách của mình cho tròn, thì thấy trong gia đình của mình nếu có ai là người chẳng biết Sửa mình, thì mình phải dạy họ cho biết; họ biết được rồi, họ làm được rồi, thì chíng là người trong cái gia đình của mình đều biết được Tu Thân đó. Người trong gia đình của mình đều biết và làm được sự Tu Thân, thì gia đình mình được vui vẻ đầm ấm, trật tự, thuận hòa, ấy chính nghĩa là Tề Gia đó, vì Tề Gia cũng nghĩa là Sửa Nhà cho có trật tự.

Hễ Nhà được yên rồi, trong Làng Xóm cũng được yên, vì Làng Xóm là nhiều cái Nhà mà hiệp nên chớ có chi, vậy nên Làng Xóm cũng gọi là một cái Tiểu Xã Hội vậy. Một cái Tiểu Xã Hội được yên, thì nhiều cái Tiểu Xã Hội khác cũng được yên, lần lần thành ra cả nước đều được yên, cả thế giới cũng đều được yên, ấy vậy gọi là chi đó, có phải gọi là Thiên Hạ Thái Bình hay không ? Thử coi Thiên Hạ Thái Bình như vầy là gốc tại đâu? Có phải gốc là do nơi mỗi mỗi người đều biết Tu Tâm, Tu Thân theo lời Khổng Phu Tử ta dạy hay không? Biết được vậy rồi, thì có lẻ đâu lại nở đổ tội cho Phu Tử dạy Luân Lý là quá thiên trọng về chủ nghĩa Cá Nhơn?

Cái mụch đích Chủ Nghĩa Cá Nhơn (le Principe de l’Homme – Humanity Principle) của Khổng Phu Tử dạy, là dạy mỗi người phải đều lo tròn Đạo Đức của mình, lo tròn Nghĩa vụ của mình, mỗi việc đều phải đến cho được cái địa vị Chí Thiện. Còn cái tiếng Cá Nhơn Chủ Nghĩa (Principle de l’Individualité – Individuality Principle) của người đời nay hay dùng đặng nói đó, là chỉ cho mỗi người ai ai cũng phải đều lo lấy cái tư lợi, lo ích kỷ, lo được riêng phần mình, chẳng quản phần người khác sống chết thế nào. Xin chư tôn chớ lẩn lộn hai cái chủ nghĩa, hai cái thuyết này, vì tiếng Chủ Nghĩa Cá Nhơn là làm theo Chánh Lý Đạo người Quân Tử phái làm (Quân Tử vụ ư nghĩa), còn tiếng Cá Nhơn Chủ Nghỉa là làm theo tình đời của hạng Tiểu Nhơn (Tiểu nhơn vụ ư lợi). Ấy bốn tiếng Chủ Nghĩa Cá Nhơn và Cá Nhơn Chủ Nghỉa nghe qua, nếu không phân biệt thì rất dể mà lầm, vì sự hành vi nó trái hẳn với nhau dường như mặt trời với mặt trăng vậy.

Dùng một cái ví dụ này nữa thì chúng ta thấy rõ. Ví dụ : một cái nhà trường là chỗ để hiệp lại nhiều tên sĩ tử, mà cái nhà trường lại được nổi tiếng, là nhờ nơi đâu? Có phải là nhờ mỗi tên sĩ tử đều biết lo tròn nghĩa vụ của mình chăng? Một cái xưởng công nghệ, là chỗ hiệp lại nhiều tên nhơn công, mà cái xưởng lại được có danh, cũng là nhờ mỗi người công nhơn trong xưởng đếu biết lo tròn phận sự. Một cái sư đoàn là chỗ nhiều tên quân lính hiệp lại đặng rèn tập, mà cái sư đoàn ấy lại được ngợi khen là cũng nhờ nơi mỗi tên lính đều biết lo xong, lo tròn trách nhậm của mình đó. Một cái gia đình, một cái gia tộc, là chỗ hiệp nhiều người bực làm con, nhiều người bực làm em mà nên. Nếu mỗi tên làm con, mỗi tên làm em, đều biết lo tròn phận sự của mình, đều biết được nghĩa vụ của mình, đều biết giữ luân lý đặng gìn giữ danh tiếng cho gia đình cho được bình yên trật tự, thì cái gia đình gia tộc ấy được danh thơm tiếng tốt. Nay chúng ta hiệp nhiều cái trường học ấy lại, hiệp nhiều cái công xưởng ấy lại, hiệp nhiều cái gia tộc ấy lại, thì thành ra một nước, mà nước ấy lại nổi danh, thì có phải đều là do nơi mỗi tên sĩ tử, mỗi tên nhơn công, mỗi tên quân lính, mỗi tên làm con, làm em, đều biết lo tròn Nghĩa vụ Cá Nhơn của mình mà ra đó chớ nào có lạ chút nào. Ấy là cái Chủ Nghĩa Cá Nhơn của Khổng Phu Tử ta dạy, là dạy mỗi người đều phải lo tròn phận sự của mình cho tận thiện tận mỹ, đặng hiệp chung lại cho nên một cái sự nghiệp cả thể cho quốc gia, cho Xã Hội, chớ nào có phải dạy cái Cá Nhơn Chủ Nghỉa như hoàn cảnh ngày nay đương chủ trương lo tư kỷ đó đâu.

Cái Tinh Thần Nhà Nho của Khổng Phu Tử đã dạy như đã nói sơ lược nơi trên đó, vậy thì nếu ai ai cứ đều do theo cái tôn chỉ đó mà làm theo, đặng Tu lấy cái Thân mình, thì lo chi Thân không được yên, Nhà không được vững, Nước không được thạnh trị, Thiên Hạ không được thái bình! Người nào được sửa mình theo lề luật ấy mới được gọi rằng là Người Nhà Nho, mới được gọi rằng người trong cửa Nhà Nho, mới được gọi rằng người Quân Tử Nhà Nho. Nếu được gọi là người Quân Tử Nhà Nho rồi, thì xử vào cái hoàn cảnh nào chẳng luận, thì cũng đều làm cho hoàn cảnh ấy đều được đầm ấm êm đềm bình an hết thảy. Tiếc vì người Quân Tử Nhà Nho ngày nay ít gặp, ít thấy, mà cũng ít nghe, trái lại người tiểu nhơn Nhà Nho thì đâu đâu cũng gặp, xứ xứ cũng thấy. Vì bực tiểu nhơn Nhà Nho này quá nhiều nên mới gây ra cái tiếng chẳng tốt chẳng lành chung cho Đạo Nho, mà hại cho danh giá của Khổng Phu Tử nữa.

Muốn biết Tiểu Nhơn Nho là người thể nào, kỳ sau tôi sẻ giải tiếp, đặng phân biện cho trọn cái vấn đề.

Kỳ trước tôi có hẹn với anh em rằng tôi sẻ giải tiếp đặng phân biện cho rành sao gọi là bực Quân Tử Nhà Nho, sao gọi là bực Tiểu Nhơn Nhà Nho. Trước khi chỉ rõ sao rằng là Tiểu Nhơn Nho, thì tôi xin phải giải nghĩa hai tiếng Quân Tử và Tiểu Nhơn ra cho rành cho mỗi người đều hiểu được hai cái danh từ ấy cho đúng, thì để phân biệt Quân Tử Nho với Tiểu Nhơn Nho, vì hai tiếng này cũng là tiếng Danh Từ vậy.

Hai tiếng Quân TửTiểu Nhơn, thường hay ở cửa miệng của người nhà Nho, vì trong sách Nho dùng hai tiếng này đã lâu và đã nhiều rồi, chẳng khác chi đời nay nói bực Thượng Lưu hay là bực Hạ Lưu vậy, ai cũng biết nói, song le tưởng cũng ít người hiểu cho đúng mà dùng trong khi chỉ vào một bực người nào hay một hạng người nào, vì Thượng Lưu cũng có Tiểu Nhơn mà Hạ Lưu cũng có Quân Tử vậy.

Thường thường người ta gọi người nào có văn học, ăn trên ngồi trước, giàu sang, nói chi thì người ta nghe nấy v.v. là người Quân Tử ; trái lại ai không ăn học chữ nghĩa, nghèo hèn, nói chi thì người ta bác bẻ, ấy là Tiểu Nhơn. Có người lại cho rằng : Hễ ai sai khiến người được thì là Quân Tử, còn ai bị người sai khiến thì là Tiểu Nhơn. Giải nghĩa danh từ và đặc tên hạng người như vậy thật sái hẳng với chánh nghĩa của hai danh từ ấy.

Khổng Phu Tử có kêu thầy Tử hạ dạy rắng : « Nhữ vi Quân Tử Nho, vô vi Tiểu Nhơn Nho », nghĩa là : nhà ngươi hãy làm người Nho bực Quân Tử, chớ làm người Nho bực Tiểu Nhơn. (Le Philosophe, interpellant Tseu Hia, lui dit : Que votre savoir soit le savoir d’un homme supérieur et non celui d’un homme vulgaire – G. Pauthier). Thầy Tử Hạ là một bực đệ tử trong hàng thứ nhứt của Khổng Phu Tử, mà Ngài còn răn dạy như vậy thay, vậy thì nào có phải ai là người có học mới được gọi là Quân Tử đâu. Lại Khổng Phu Tử cũng có nói : « Quân Tử dụ ư nghỉa, Tiểu Nhơn dụ ư lợi », nghĩa là : người Quân Tử thì hiểu rõ bên phần Thiên Lý hơn, còn kẻ Tiểu Nhơn lại hiểu rõ bên phần nhơn dục hơn. (L’homme supérieur est influencé par la justice, l’homme vulgaire est influencé par l’amour du gain – G. Pauthier). Xét câu này thì càng rõ không phải ai giàu có sang trọng thì là Quân Tử hết thảy, vì kẻ Tiểu Nhơn xảo bên đường mưu lợi lắm, hễ gặp việc chi hoặc tín điều chi, thì cũng sẵn có cái kế quyệt xảo đặng làm cho ra tư lợi rồi, ngoài cái việc lợi, thì phe ấy không còn đếm tới việc chi là phải quấy là nhơn nghĩa nữa, vì vậy nên bực người này mới giàu sang cho; còn người Quân Tử thì bo bo lo làm việc phải, thì nào dược giàu có bao giờ. Dùng hai câu của Khổng Phu Tử nói trên đây mà so sánh, thì thấy rõ Quân Tử với Tiểu Nhơn khác nhau là tại nơi Đức Tánh thể nào mà thôi, chớ không phải tại nơi học nhiều, hay là giàu sang mà gọi là Quân Tử, còn trái lại là Tiểu Nhơn đâu!

Người ở đời mà phê bình tư cách người ta bằng hai tiếng Quân Tử hay là Tiểu Nhơn, thì cũng đủ vinh cho người được khen và nhục cho người bị chê đó rồi; song le nếu phê như lời tôi đã nói ở trước rằng: «hễ ai có văn chương chữ nghĩa, giàu có sang trọng, ăn trên ngồi trước v.v. thì là Quân Tử, còn trái lại là Tiểu Nhơn», thì thật nhiều người bị chê hay là được khen đều không đúng như lời phê.

Luôn đây, tôi cũng xin trưng một vài lời của Khổng Phu Tử chỉ rõ các đức tánh sai biệt của quân tử và tiểu nhơn là thể nào cho chư tôn gẩm xét (rút trong Luận Ngữ).

Một: «Quân Tử thân đảng đảng, Tiểu Nhơn trường thích thích» nghĩa là: Người Quân Tử rộng rải, mỗi việc đều do nơi Thiên Lý mà làm, ở địa vị nào thì làm theo địa vị nấy, trên không hổ với Trời, không xấu với Tông Môn, dưới không thẹn với Đất, không để danh nhơ với nhơn quần xả hội, nên không một giờ khắc nào mà tâm địa không được vui vẻ thơ thới bình thường hoài; còn kẻ Tiểu Nhơn thì hãy bị vật dục sai khiến, bo bo cứ việc mưu lợi, một cái lợi nhỏ cũng không bỏ, dám làm đến việc cang danh phạm nghĩa đặng kiếm một món lợi chi đó, hay là kiếm một lời khen chi đó, chẳng kể cái lợi đó hay tiếng khen đó là vinh hay là nhục, miểng là được vinh mặt vinh mày một lúc với bạn bè thì thôi, vì vậy nên kẻ Tiển Nhơn không giờ phút nào mà không sầu não ái ngáy lo ngại cắn rức trong lòng. (L’homme supérieur a de l’égalité et de la tranquilité d’âme; l’homme vulgaire épouvre sans cesse du trouble et de l’inquiétude – G. Pauthier).

Hai: «Quân Tử Châu nhi bất Tỷ; Tiểu Nhơn Tỷ nhi bất Châu», nghĩa là: Muốn phân biệt sao gọi là Quân Tử, sao gọi là Tiểu Nhơn, thì xét những tánh tình cư xử và những sự hành vi của người nào ấy coi thuộc về Công hay là Tư thì mới rõ thấy. Xưa nay dầu cho bực Quân Tử hay là Tiểu Nhơn chi chi cũng vậy, cũng phải có người quen lớn thân thích, nên mới có kẻ hậu người bạc, kẻ thương người ghét; lại cũng có lúc xử việc này thì vầy, xử việc khác thì khác; hoặc là phải tùy theo thời thế mà thay đổi chế biến cái tư cách cùng là phận sự trong lúc phải làm, chẳng khác chi Trời ban ngày phải sáng mà ban đêm phải tối vậy, lúc thì phải có trăng cho tròn, mà có lúc lại cũng phải không có một chút ánh sáng vậy. Nhưng mà những lúc như vậy phải cho Công lý kìa mới được gọi là Quân Tử, bằng Tư tâm ích kỷ, vụ Lợi riêng, vụ Danh riêng, vụ báo cừu riêng, hay là rửa nhục riêng, mà chẳng quản đến sự Công lợi Công ích cho nhơn quần, chẳng nhớ trước liệu sau xét coi sự làm ấy, hoặc là nó sẻ làm cho tài sản, hoặc cho danh giá, hoặc cho nhơn sanh sẻ ra thể nào, chỉ lo ích kỷ mà thôi, người như vậy ấy chánh là kẻ tiểu nhơn vậy. (L’homme supérieur est celui qui a une bienveillance égale pour tous, et qui est sans égoisme et sans partialité. L’homme vulgaire est celui qui n’a que des sentiments d’égoisme sans disposition bienveillante pour tous les hommes en général - G. Pauthier).

Ba: «Quân Tử Hòa nhi bất Đồng, Tiểu Nhơn Đồng nhi bất Hòa». Như đoạn trên đã nói, muốn phân biện sao cho rõ ai là quân tử, ai là tiểu nhơn, thì hãy xét tánh tình cữ chỉ hành động của người ấy coi coi lo về nơi việc Công nghĩa hay là chuyện Tư lợi, vụ no cái Nhơn tâm hay là vụ vung bồi Thiên lý, vụ cho nên Nghĩa lớn hay là vụ kiếm Lợi vặc ? Nói cho thật kỷ, người muốn biên biệt Quân Tử với Tiểu Nhơn, thì chỉ nên xét cái tư tưởng của người kia Công hay Tư là đủ, song le Công hay Tư chẳng phải tự nơi mình phán đoán riêng theo Tư ý của mình, rồi giẩn dụ cho người khác theo phe mình đặng phán đoán. Nếu mình làm như vậy, thì chỉ nghĩa rằng mình Vị Ngã, Ích Kỷ, Tư Tâm dầu cho mình tuy gọi là người đứng vào hạng phê bình, mà chính mình là Tiểu Nhơn đó, tiểu nhơn tiềm tâm ích kỷ.

Muốn biết cái tánh tình cữ chỉ hàng động của bực Quân Tử, thì là khó, hãy xét lời Khổng Phu Tử nói trên đó thì rõ. Người Quân Tử biết Đạo có Một, mà Người thì vẫn nhiều; vì vậy nên xử với Người thì trong lòng vẩn biết dùng Đạo mà giúp nhau, việc hư nên quấy phải cũng đều nương sự Học đam ra dùng, đặng làm Nên cho nhau, chẳng hề bưng bợ nịnh hót lùa dở; dầu trong những công việc làm, tuy là ý tứ có khác nhau nên cải cọ nhau, nhưng mà những sự cải cọ ấy đều là vụ cho ra lẻ phải mà thôi, nên người ngoài thấy vậy gọi là chẳng đồng ý kiến, song thật trong lòng vốn chỉ có một mục đích là xét và làm cho được cùng lý mà thôi, nên dầu ý kiến tuy Chẳng Đồng, mà tâm chí tánh tình vẫn Hòa Hiệp với nhau; chẳng khác chi trong một bửa cơm tuy chẳng có món nào giống món nào, món thì cay, món thì mặng, món thì lặt, món kia chát, món nọ chua, nhưng mà nhờ nó khác tánh như vậy, mà người đầu bếp biết hiệp nó lại, nêm nếm cho nó hòa lại với nhau, thì ăn mới đẹp miệng. Ấy gọi là Hòa với nhau mà chẳng Đồng nhau vậy. Tiểu nhơn thì tư cách trái hẳng. Tiểu nhơn thì vụ sự a dua bợ đở, một người nói ra nhiều người Rập theo một phía, Đồng nhau một khuôn chẳng cần chi phải quấy, việc không nói có, chẳng đếm chi sự nên hư nó biết Đồng nhau bề ngoài, mà nó không biết Hòa nhau bề trong, nên nó phải rả, phải mòn, phải tiêu. Ấy gọi là Hòa mà chẳng Đồng vậy. (L’homme supérieur vit en paix avec tous les hommes, sans toutefois agir absolument de même. L’homme vulgaire agit absolument de même, sans toutefois s’accorder avec eux – G. Pauthier).

Bốn: Hỏi: Nếu như trên đã nói, bực Quân Tử thì hòa với nhau mà chẳng Đồng nhau, vậy Hòa với nhau hoài, lâu ngày sau khỏi thành phe đảng? Còn nếu xử sự mà không Đồng nhau, thì tánh nết phải phải cương quyết nghiêm nghị, lâu ngày sao cho khỏi chích mích? Nếu chích mích nhau thì phải xa cách nhau, vậy thì làm sau mà Hiệp với nhau cho được mà gọi là Hòa ? Nếu Hòa với nhau thì tâm tánh phải Đồng nhau, vậy thì chẳng khỏi thành ra phe đảng thì hóa ra chẳng khác Tiểu Nhơn. Vậy thì biết làm sao cho vuôn tròn được?

Đáp: Lời hỏi ấy rất đúng, Khổng Phu Tử biết trước rồi, nên đã có dạy rằng: «Quân Tử căng nhi bất Tranh, Quân nhi bất Đãng», nghĩa là: tánh tình người Quân Tử rất ngay thẳng, nên trong những cơn ứng sự tiếp vật đều đứng vào con đường lể pháp, tuy thật là nghiêm nghị, là vì buộc mình phải theo luật Chơn Lý, không Tư vị, vụ công nghĩa chớ chẳng phải muốn tranh hơn thua chi với ai, tuy ở vào địa vị hay là hoàn cảnh có đông người, song chỉ biết có Đạo làm Gốc, chẳng chịu tùy theo thế tục tình đời a dua nịnh hót với ai. Đã chẳng chen giành hơn thua với ai, vậy thì nào có chích mích ai bao giờ! Nhờ vậy nên tuy Hòa với người mà chẳng hề để cho người làm cho mình phải xiêu trôi, vẫn đứng vững nơi địa vị Trung lập, vẫn cứ noi theo Công lý chánh giáo, trơ như đá, vững như trổng, chẳng khác một cây Đồng trụ đứng giửa giòng sông, chẳng hề bị giọt nước làm cho xiêu được. Tâm địa đã chánh đại quang minh như vậy, thì nào có phe đảng gì! (L’homme supérieur est ferme dans ses résolutions, sans avoir de différends avec personne; il vit en paix avec la foule, sans être dans la foule – G. Pauthier).

Trước đây tôi xin đem ít câu cách ngôn của Đức Khổng Phu Tử ra đặng xét cho đúng mực nghĩa của hai cái danh từ sao gọi là Quân Tử, sao gọi là Tiểu Nhơn. Còn muốn cho phân biệt sao gọi là Quân Tử Nho, sao gọi là Tiểu Nhơn Nho, thì xin độc giả hãy bước đến vài bước nữa thì thấy rõ.

Ban đầu chúng ta trước xét từ cá nhơn đặng phân biệt quân tử và tiểu nhơn cho rành. Chúng ta dùng cây cân và cái gương theo những lệ luật mực thước của Khổng Thánh đã nói đó, thì chúng ta đã rõ từ người, từ người, từ hạng người, từ hạng người rồi, ai sao là đúng Quân Tử, còn ai sao là quân tử diện thị bối phi; ai sao là đúng tiểu nhơn, mà ai sao là tiểu nhơn đầu trộm đuôi cướp; vậy thì chúng ta hãy thoán con mắt qua thì đủ phân biệt được không lầm rồi; vậy nay chúng ta hãy xét sao gọi là người Nhà Nho? (Nghĩa sao gọi là người Nhà Nho, tôi đã giải nơi tạp chí số 1,2,3 rồi, nên đây tôi không đam vào nữa). Chúng ta trước đã xét từ Cá Nhơn của mỗi xưng rằng người Nhà Nho rồi, chúng ta đều phán đoán minh bạch không sai, vậy thì nay chúng ta đây cũng là Người Nhà Nho vậy, chúng ta hãy tự phán đoán lấy cá nhơn của mình thữ coi, coi tronh mình có mấy phần Quân Tử, mấy phần Tiểu Nhơn? Chúng ta gọi mình là Người Nhà Nho rồi, thì cái phần nào thuộc về Tiểu Nhơn mà nó đeo theo trong mình chúng ta đón ấy nó đều là Tiểu Nhơn Nho đó, hãy rức bỏ nó ra cho tuyệt; còn phần nào thuộc về hạng Quân Tử đó, thì phần ấy là Quân Tử Nho đó, hãy gìn giữ nó lại cho kỷ cang. Xét lời Khổng Phu Tử dạy Thầy Tử Hạ rằng: «Nhà ngươi hãy làm Quân Tử Nho, chớ làm Tiểu Nhơn Nho», xét rõ thì thấy Quân Tử hay Tiểu Nhơn là cái Đức Tánh mà thôi. Việc nào mình giữ lòng ngay thật chơn chánh, vụ nơi sự Công Nghĩa ấy là Tốt, ấy là Đức tánh của bực Quân Tử, trong những lúc như vậy thì mình được đứng vào địa vị Quân Tử Nho; còn những lúc nào không được vậy thì cũng là mình đây, mà mình phải biết mình rằng lúc này đó là lúc mình ở địa vị Tiểu Nhơn Nho vậy. Cũng là một mình mình, mà nếu mình phán đoán cho người ta được, thì tự mình cũng phải phân biệt lúc quấy lúc phải của mình, đặng mình tự sửa lấy mình cho chánh đại quang minh, phải diệc hết các tánh xấu xa trong mình cho đừng còn nữa, thì thấy những Đức Tánh Quân Tử Nho sẻ lộ ứng ra, khi ấy làm sao mà không Hòa với người Quân Tử Nho!

(Còn nữa).

Thoại Hà Nguyễn Hữu Phùng

(1935)