Việc Thờ Phượng


Việc Thờ Phượng

Giảng về cách sắp đặt trật tự trong việc thờ phượng

Bài giảng của Đức Tổ Sư Nguyễn Hữu Phùng

(Trích Đuốc Chơn Lý số 6 – Dec 1935)

Kính chư vị Thiên Phong Chức Sắc và Tín đồ nam nữ Lường Phái,

Cũng vì sắp đặt trong việc thờ phượng nơi Tòa Thánh Trung Ương đây và các nơi gọi rằng là tùng theo Trung Ương đặng Hành Chơn Lý, từ bấy lâu nay chưa được hoàn toàn, vẫn cứ vái thờ những bụt Thần hoang đàng hoài, nào là Tể Thiên Đại Thánh, nào là Thập Điện Diêm Vương, v.v…, ma không ra ma, Phật không nên Phật, vì vậy mà ngày nay tôi có đôi lời gọi là giảng giải chút ít trong cách sắp đặt thờ phượng lại cho anh em chị em xét, ngỏ hầu chấn chỉnh cho có vẻ trật tự một ít, đặng tranh cái tiếng kẻ chê chúng ta là người mê muội. Tưởng anh em chị em cũng nên để ý một chút, còn về phần nghe hay là không nghe, ấy tự nơi Lương Tâm của anh chị vậy.

Đức Chí Tôn mở Đại Đạo kỳ ba này, là dốc phá những cái mê tìn của con cái Người đã bị thói quen triêm nhiểm vào chẳng biết mấy mươi muôn đời muôn kiếp rồi. Cũng vì những thói mê tín ấy nên con cái của Người phải bị luân trầm khổ hải mà xây vần trì niếu lôi kéo theo cái bánh xe luân hồi chẳng biết ngày nào trở về Bạch Ngọc Kinh với Người được. Đức Chí Tôn thấy vậy, biết con cái của Người mảng bị luân hồi hoài, nên bị ma niếu quỉ trì, quên quê xưa cảnh củ, nên Người có than rằng:

Luân hồi nhiều kiếp ngu si càng nhiều.

Vì cớ chi mà Người than thở lại trái hẳn với lời người đời thường ví rằng luân hồi là tấn hóa? Chúng ta thử nghĩ coi: luân hồi mà tấn hóa nổi chi ! Luân hồi càng nhiều chừng nào thì lại càng ngu si nhiều chừng nấy thì có, chớ nào thấy tấn hóa nổi gì. Thử nghĩ coi, ai ai cũng biết rằng loài người sanh ra đây là nhờ một Điểm Linh Quan của Đức Chí Tôn mà ra, Đức Chí Tôn là Đại Từ Phụ của loài người, tiếng nói này ai ai cũng đều biết nói, và tiếng nói ấy thường dính hoài nơi cửa miệng của mỗi người, mà cớ sao loài người lại biết nói mà không biết xét? Nếu biết xét vậy sao lại quên hẳn rằng Đại Từ Phụ là Đức Chí Tôn, sao lại quên hẳn Người đi, mà vẫn cứ mơ tưởng, triếu mến, thương xót, hoài vọng, kính trọng hoài muôn ngàn thứ bụt Thần, không sao kể xiết, đành đoạn chia rẻ Lương Tâm Chơn Tánh của mình kính mến Đức Chí Tôn đi, đặng sang sớt qua cho mấy bụt Thần ấy? Nào là Thần Táo, Thần Địa, Thần Mọi, Thần Gông; nào là Bà Chằng, Bà Hồng, Bà Thủy, Bà Cốt; nào là Xát Ông, Xát Cậu, Xát Cô, Xát Tướng; nào là Ông Gốc, Ông Tà, Ông Hộ, Ông Tiêu; nào là Đạo Lộ Ngũ Hành, nào là Cô Hồn thập loại v.v…, ôi thôi giấy mực nào mà tả cho hết những tên tà ma quỉ mị mà gọi rằng Thần Thánh ấy; hơi hám đâu mà kể cho xiết những sự mê tín của loài người ! Mà nhứt là xứ Việt Nam ta đây, là chỗ chứa đủ các loài Ly, Mị, Vọng, Lượng, ma quỉ tinh yêu của các xứ khác đem lại, chẳng luận là ở xứ nào, hễ ai biểu thờ chi thì thờ, biểu cúng chi thì cúng, biểu vái chi thì vái, biểu lạy chi thì lạy, mà lại thờ phượng cúng kiến vái lạy một cách rất là cung kỉnh là khác nữa ! Xét vậy coi, có phải luân hồi nhiều kiếp ngu si càng nhiều hay không? Sao lại nở đành quên hẳn có Đức Chí Tôn kia là Đại Từ Phụ của loài người là một Đấng đã ban cho chúng ta một điểm Linh Quang đặng đến nơi cõi hồng trần này làm cho xứng danh phận Tam Tài, phòng có ngày trở về Bạch Ngọc Kinh mà Hiệp Nhứt lại với Thầy? Sao lại đành sang sớt cái lòng tín ngưởng chơn chánh kia mà đem chia năm xẻ bảy ra đặng thờ phượng những bụt Thần nọ? Sao chẳng chịu tự xét lấy mình coi làm cách lòng một dạ hai như vậy có chánh đáng hay không?

Đức Chí Tôn thấy rõ lòng dạ con cái của Người vì luân hồi nhiều kiếp quá nên quên cả cội nguồn, cũng như kẻ thế gian vì xiêu lạc nhiều đời quá nên quên xứ chôn nhau cắt rún, nên trót trên hai ngàn năm nay, Người thường cho Tứ Đại Thánh Nhơn giáng thế đặng nhắc nhở cái Bổn Nguyên của loài người không phải là ở nơi trên mặt trái địa cầu này, nên dạy phải một lòng tín ngưởng nơi một vị Thượng Đế mà thôi. Tuy lời dạy có khác nhau, là bởi tùy theo thời cuộc và tùy theo phong thổ đặng lập cách dạy cho người dể hiểu dể nghe, đặng biết nơi biết chỗ và biết phương thế đặng Tu Tâm Dưởng Tánh cho trong sạch đặng có thể mà trở về nơi chỗ Thiêng Liêng kia là quê cảnh đó.

Tứ Đại Thánh Nhơn qua đời chẳng bao lâu, thì lần lần nhơn sanh nếp củ cũng chẳng chịu chừa, bạ đâu vơ đó, nay cốt này, mai đồng kia, giả danh Thượng Đế, phỉnh gạt chúng sanh, chùa miểu linh đình, Thần Tiên tấp nạp. Chúng sanh vì quá vọng tâm, chi dốc giây phút làm Tiên Phật cho được nên ma quỉ mới có thể chen vào, bùa giấy phép ma, trừ tà diệt quỉ, xúm xích nhau đồn rùm chẳng khác loài ruồi bu bịnh ghẻ, những cơn đau đớn như vậy, dầu cho quan lương y dùng thuốc tẩy trược, cũng chưa ắc giống ruồi kia tiêu tan mau chóng được tất ?

Đức Thượng Đế rất đau lòng, vì thấy con cái của Người không ai dìu dắc, nên Người mới « thân thân giá hạnh Nam Thiên », đặng để mắt coi ra thế nào, khi Người xét rõ rồi, liền có một câu than thở như vầy :

Đã đòi kiếp dày công nhọc sức,

Dạy chúng sanh kỉnh Phật thờ Trời ;

Thương thay cũng tại số người,

Ngạo lời Thánh Huấn kỉnh lời quỉ vương.

Xét lời than thì thấy rõ một kiếp của Đức Chí Tôn giáng thế là một kỳ phổ độ chúng sanh đó.

Chúng ta thử nghỉ coi, lúc Nhứt Kỳ Di Đà, Thái Thượng, Phục Hy, Nhị Kỳ Tứ Đại Thánh Nhơn, cũng đều dạy phải nhìn nhận và tín ngưởng Một Thượng Đế mà thôi, chớ có dạy thờ phượng tôn sùng bực Thần nào khác, mà sao chúng ta ngày nay không nhớ mà làm theo, lại cứ ngạo báng khinh khi lời vàng đá của Phật Trời, lại nỡ chìu chuộng quí yêu lời ma quỉ hoài.

Bởi rõ lòng dạ nhơn sanh chưa được hoàn toàn giác ngộ rằng gốc Đạo là có Một, mà trời và loài Người cũng vẫn có Một, nên Tam Kỳ Phổ Độ ngày nay bổn thân Đức Chí Tôn giáng thế chỉ bày và giải rõ cho chúng ta rằng Đạo có Một mà Chơn Lý cũng vẫn có Một. Hễ ai biết rõ được Một ấy thì mới có thể mà Hiệp Nhứt với Thầy đặng về với Đạo, hằng trái Chơn Lý thì sẻ bị Ngũ Lôi Hỏa Kiếp. Vả hiệp nhứt là Hiệp Nhứt với Thầy với Đạo, chớ Thầy chẳng có dạy Hiệp Nhứt với ông Mô, ông Mô hết thảy. Nếu ông X hay ông Y nào buộc chúng sanh phải hiệp nhứt với ông ấy, thì tức nhiên ông ấy giả mạo danh Đạo đặng đoạt quyền của Đức Chí Tôn đó. Mà Đạo là chi? Chẳng nói ai cũng rõ biết rằng: Đạo là Chơn Lý đó, chớ nào có phải Đạo là vầy bè hiệp lũ, hay là cúng quải linh đình đâu?

Vậy nay chúng ta xét rõ thấu biết Chơn Lý là chuộng sự Tinh Thần, nếu Tinh Thần được Hiệp Nhứt được Hiệp Nhứt, biết có Một Thầy là Đức Chí Tôn, là Đại Từ Phụ, là Chúa Tể Kiên Khôn Thế Giái, là một Đấng Cha Chung, thì khuyên hảy dẹp các tư ý tư tâm, dẹp bỏ những tư tưởng sái quấy tự thuở vô thỉ đến nay, đừng tin quàn tưởng vơ rằng có bụt Thần nào khác dám làm tấm vách tương đứng giửa trung gian đặng ngăn cấm ai hay là che đở ai, chẳng cho chúng ta cầu nguyện hay là tín ngưỡng trực tiếp đến Đức Chí Tôn được, hoặc là phải nhờ cậy bụt Thần ấy làm gián tiếp thì mới có thể đem lòng thành kỉnh của ta đến trao lời lại với Đức Chí Tôn được. Hay là có thần thánh nào dám làm họa làm phước cho người mà đoạt quyền của Tạo Hóa được. Đức Chí Tôn có dạy :

Trời có Một thì Ta có Một,

Có Ta rồi nên cột có Người ;

Người nên Ta được thãnh thơi,

Ta Người chung hiệp Một Trời nào ba,

Ta Người nếu rẽ nhau ra,

Ta Người chia rẽ quỉ ma chen vào.

Xét đó thì đủ hiểu Trời với Linh Hồn ta cùng xác thân ta đây đều có Một mà thôi. Một mà Ba, mà ba cũng là Một, ngoài ra không còn có bụt Thần nào khác nữa. Nếu xác thân của người không chụi hiệp với Linh Hồn, thì làm sao Hiệp Nhứt với Trời được? Nếu chẳng được Hiệp Nhứt với Trời là tại nơi mình chẳng chịu tin cậy nơi Trời Độc Nhứt mà lại ỷ lại nơi bụt Thần khác, nên mới có loài ma quỉ chen vào đứng bực trung gian, buộc ta phải tin cậy nơi nó đó. Nếu chúng ta là con cái của Thầy mà chẳng trọn lòng tin cậy nơi Thầy, lại còn van vái cúng lạy Thần quyền nào khác, thì đáng gọi là con cái của Thầy hay không? Con người sao nỡ quên lời dạy: «Phải tin cậy Môt Trời Độc Nhứt», Thầy có dạy phải tin cậy nơi quỉ Thần nào đâu.

Bởi Đức Chí Tôn đã biết nơi cõi Tam Giái này không được sốt sắng lòng tín ngưởng nơi Trời Độc Nhứt, nên Người trước đã sai Tam Giáo Thánh Nhơn đến giảng dạy tột lý rồi, ví như Khổng Phu Tử thì dạy việc Hiếu Để Trung Tín Lễ Nghĩa Liêm Sỉ, đặng ngăn ngừa lòng tham dục, sự tham dục này thuộc về cõi Dục Giái, nếu lòng người biết điều Liêm Sỉ Lễ Nghĩa, thì đâu còn tham lam sự quấy, ham muốn điều hư ! Đức Thích Ca Mâu Ni thì dạy sự giải thoát đặng cứu những sự Khỗ trong vòng Sanh, Lão, Bịnh, Tử, vì loài người cứ quẩn quanh trong vòng ấy là đều bị sắc dục mà ra, hễ thoát được vòng sắc dục rồi, ấy là thoát nơi cõi Dục Giái đó. Đức Lão Tử thì dạy việc Đạm Bạc Hư Vô, ấy là chỉ chỗ cho thoát khỏi cõi Vô Sắc Giái đó. Tam Giáo Thánh Nhơn mỗi người dạy chúng ta cách thoát một cõi, nếu ai biết hiệp Tam Giáo lại được làm Một đặng trau giồi Tâm Tánh, thì là giải thoát luông cả Tam Giái rồi. Đến sau lại còn có Gia Tô Giáo Chủ còn chỉ cho ta rằng Thượng Đế tại Tâm, nên phải tin cậy một mình Đức Thượng Đế là đủ. Nếu chúng ta được y như lời Tứ Đại Thánh Nhơn dạy, và Hiệp Nhứt sự dạy lại làm một, thì nào lo chi chẳng về được với Trời, vì vậy nên Thầy có dạy :

Tứ Đại Thánh bốn nhà hiệp Một,

Mới đủ làm rường cột Cao Đài.

Đến lúc Tam Giáo Thánh Nhơn qua đời rồi, lòng người cũng còn yêu chuộng quỉ ma, nên Đức Chí Tôn muốn cho con cái Người được vẹn toàn Tâm Tánh, nên biết bao nhiêu phen sai người đến trấn nhậm nơi cõi Tam Giái, đặng trấn áp nhơn tâm cho được yên tịnh, đặng có vững bước vào con đường tấn hóa. Ất Tam Trấn là vậy đó. Là những vị Đại Hiền, những vị Thánh Tăng, những bực Đại Đức thay thế cho Tam Giáo Thánh Nhơn, tùy theo thời cuộc mà Thầy sai xuống đặng độ dẩn chúng sanh đó. Những vị Tam Trần này đã có tự bao lâu rồi, từ khi Tam Giáo Thánh Nhơn qua đời nhẩn sau, chẳng biết là mấy trăm mấy ngàn vị, chớ nào phải có ba vị Lý Bạch, Quan Công và Quan Âm đó đủ gọi là Tam Trân đâu ! Thánh Huấn có câu:

Thay Tam Giáo lập bàn Tam Trấn,

Tùy theo thời độ dẩn chúng sanh.

Lấy đó mà xét, thì rõ thấy Bàn Tam Trần của Đức Chí Tôn sai xuống trần định cho loài người là chẳng biết bao nhiêu người, chớ nào phải là có Ba vị kia đâu?

Cũng bởi chúng sanh mê mẩn chìm đấm theo Tả Đạo Bàn Môn nên coi lời dạy của những vị Tam Trấn ấy rất rẻ rúng, không chịu tuân theo, chẳng màn chẳng đếm tới, nên khi chư Thần trấn thủ Tam Giái về chầu chực có tâu lại tình hình chúng sanh thể nào, nên khi Đức Chí Tôn giá hạnh Nam Thiên đặng xem xét con cháu giống Tiên Rồng nơi Tam Giái thì quả y như lời Tam Trần đã tâu đó, nên Đức Chí Tôn có lời than thở rằng:

Phế Ngọc Kinh Nam Thiên giá hạnh,

Thầy bổn thân thấy cảnh đau lòng;

Các con rắn rắn rồng rồng,

Coi lời Tam Trấn như không chẳng màng.

Lại thêm bày lớp dị đoan,

Mê sa ma quỉ tội tràng vạ lây.

Xét đó thì chúng ta thấy rõ Tam Trần là có từ thuở nào cho đến bây giờ, chớ nào có phải là mới có lối trên 10 năm nay đâu?

Nhưng lòng Đức Chí Tôn là trời biển, chẳng nở để cho con cái của Người hư cho đến đổi lây tiếng xấu đến Người là Cha Chung, vì vậy nên Người phải thâu các bực Tam Trấn về, rồi bổn thân Người giáng thế dạy đời, đặng dìu dắc chỉ bảo cho cạn tiếng, chừng nào đến đâu hay đó, vì lúc mạt kiếp này, Ngũ Lội Hỏa Kiếp đương giàn kia. Người chẳng lẻ còn để trì hưởn mà Bổn Thân không đến dạy dổ cho ráo lời, lại nở cứ sai người đi thay mặt hoài được. Vì thấy chúng sanh quá sợ loài ma quỉ, cho đến đổi những chỗ thờ phượng Trời Phật cũng còn sợ ma quỉ đến phá khuấy, nên cũng phải cậy có Hộ Pháp đứng đó đặng gìn giữ ma quỉ giùm cho nữa, nên đã có Lịnh Người dạy triệt Hộ Pháp đi, không cần dùng nữa, hễ có Thầy đến rồi, thì trước mặt Thầy không ai được phép đứng đối diện. Còn Tam Trấn thì là vô số Thánh Thần Tiên Phật của Thầy sai hạ giáng từ bao giờ cho đến bây giờ, chớ chẳng phải là có ba vị kia mà thôi, mà những vị Tam Trấn ấy vì phận sự đã mản, nên Thầy đã rút về Trung Thiên rồi, không còn ở thế hạ này nữa mà phải đặt ngan vai với Thầy mà không trọn được đức tin; lại nếu có nhớ đến công ơn, thì hãy nhớ hết thảy chư Thánh chư Phật chư Tiên, chớ có lẻ nào lại quên ơn hằng hà sa số người có cống lớn trước mà lại trọng có ba người đó thôi; vì vậy nên đã cũng có Lịnh dạy dẹp mấy cái tượng ấy đi, bởi Đạo đã chẳng dùng hình tượng thì chớ, mà lại cũng chẳng lẻ chẳng nhớ công ơn nhiều vị lớp trước đã có công giúp Thầy hành Đạo, lại nở lòng treo có những tượng nào có kiểu sẵn của khách trú đã vẻ mà tưởng rằng có bấy nhiêu đó là đủ. Đức Chưởng Giáo cũng có cắt nghĩa rõ ràng những bực chư Thiên chư Thánh chư Phật chư Tiên đứng chầu lễ Đức Chí Tôn, thì sắp hàng tròn trước mặt Thầy như những hàng tinh tú đứng vòng nơi Tử Vi Cung vậy, chớ chẳng có một vị nào dám ngồi hoành đối ngan hàng với Thầy hay là đứng án trước mặt Thầy được.

Xét các cớ như trên đây đã nói, vậy ngày nay chúng ta cũng nên dùng nghi chư Thiên chư Phật thế vào hai cái nghi hai bên, mà không được đối án với nghi của Thầy ; làm như vậy thì đã trúng cách lịch sự mà nào có hại chi cho ba vị mà chúng ta gọi là Tam Trần tự trên mươi năm ấy đâu, ví dầu ba vị đó mà có quả là Tam Trấn thiệt đi nữa, thì cũng phải đứng sắp hàng vòng theo chư Thiên chư Phật mà chầu Thầy, chớ nào có phép gì ngồi ngan với Thầy đặng vuốt râu cho chúng ta lạy như lạy Thầy vậy bao giờ! Cái lễ phép là bực nhứt, dầu Đời dầu Đạo cũng vậy, thử nghĩ coi như cách sắp đặt như bấy nay vậy, có trật tự có phép tắc chút nào không? Dầu cho ba vị ấy còn sống, có Thầy giá ngự đến, thì ba vị ấy có dám ngồi ngan với Thầy mà vuốt râu như vậy hay không?

Người ta ai ai cũng trọng Trời Phật Tiên Thánh là phải, song tự lâu nay cũng quen con mắt theo cách cái sải ở chùa họ sắp Phật hàng ngan giãy giọc đầu chùa, bực nào cũng có, khác nào chợ Phật, hàng xén Phật, ai muốn việc gì, vô chùa sẵn đủ, miểng là đem tiền dưng cúng là rồi việc. Phật Thánh, ma quỉ, hộ pháp, chúa ôn, tiêu diện, quỉ sứ, đồng đình, xích lan, hà bá, thủy quan, cô hồn thập loại chi chi có sắm đủ đầy chùa, mặc sức cho người van vái cúng lạy.

Chúng ta nay, quyết chí tùng theo Chơn Lý, tin cậy Một Trời Độc Nhứt, dốc tu Tâm dưởng Tánh cho trong sạch cái kiếp thiêng liêng hầu về hiệp nhứt với Thầy như lời Thầy đã dạy, dốc thoát luân hồi, dốc được trường sanh bất tử, dốc xưng rằng mình theo Chơn Lý, dốc hiệp nhứt với Thầy, dốc lòng cầu Đại Đạo, mà nếu chẳng chịu hiểu rằng Đạo là có Một, lại muốn phô bày hình tượng ra đặng làm cách bán Trời buôn Thánh hay sao?

Bởi tôi nghe rằng nhiều người khóc lóc, dọn mất bàn Ông này Bà nọ của họ đi, họ tủi hổ, họ chua xót, nhứt là mấy bà già cả. Mấy bà này tủi khóc như vậy là phải, là vì cái tầm con mắt của mấy bà từ nhỏ đến lớn hễ đến chùa thì dốc coi chùa nào nhiều tượng, nhiều hình, nhiều bàn, nhiều cốt, nhiều ghế, nhiều nghi, chùa bao lớn mặc dầu, miểng là bàn ghế cho nhiều hàng ngủ vì chẳng đếm, dầu cho ngoài hàng ba hàng tư, ngoài hiên ngoài chài gì mặc dầu, miễng là cho nhiều lư nhan, cho nhiều chỗ đốt giấy tiền vàng bạc, cho nhiều chỗ cho họ lạy, thì họ vừa lòng và khen lại đồn rằng chùa đó lớn đủ Phật, dầu cho lạy rụng đầu gối mà họ cũng cười vui mà nói rằng khỏe. Ngày nay họ thấy Chơn Lý là Chơn Lý, không gạt ai một mảy, không chịu một chút nào dối trá, sái cái quen của họ nhiểm đã lâu rồi, bảo sao họ không khóc cho được! Thêm lại Trời Phật thì ở xa, yêu ma lại ở gần, nhũng bọn tả đạo bàn môn, ác tăng quỉ sống cũng nhiều, chúng nó thấy vậy lại càng lời to tiếng nhỏ, rủ rĩ rù rì, bảo sao các bà không tin cho được? Đương lúc Đệ Tam Tiểu Thời Kỳ này, là lúc Quỉ Vương Phật Tổ hai đường chống nhau, bao giờ quỉ cũng đứng trước Thần, lời dạy đã rành rành đó, sao không ai xét? Chúng ta đã gọi là người con cái của Thầy, chúng ta nở để lòng nào chẳng thương đồng bào chúng ta đương bị bẫy bị dò của quỉ vương rù quến cám dổ kia, mà nở chẳng ra tay tế độ, vậy chớ ai gọi rằng là người lập công bồi quả ở đâu? Mấy bà đã là người già cả quê mùa dốt nát, một mảnh giấy của Tòa Thánh gởi đến cắt nghĩa cho họ, hỏi lại mấy bà có biết gì không? Có hiểu gì không? Có hay có nghe điều gì không? Thì quả thật không hiểu chi ráo! Mà cũng không ai chịu giải nghĩa cho mấy bà nghe! Như vậy có trách mốc mấy bà được hay không, hay chúng ta nên trách chúng ta là người không làm tròn phận sự đặng giúp Thầy? Đã không ai chịu làm tròn công quả đặng giúp Thầy, mà ai ai cũng giành phần là hiến thân cho Đạo! Tâm Đạo! Một lòng một dạ với Đạo!

Kính thưa cùng Thiên phong Chức sắc và tín đồ nam nữ cả thảy đâu đâu.

Lời tuy phân tường chưa được cạn lý, song cũng đã dài quá rồi, e nói lâu nữa phải mệt anh chị, tuy chưa được cạn lý mặc dầu, nhưng bao nhiêu đó cũng đủ cho anh chị xét Đạo Lý chơn chánh của Trời là thể nào rồi. Đạo của Thầy, nhắc tắt ra vài câu Thánh huấn đã dạy, thì cũng đã hiểu Đạo là chi vậy.

Đức Chí Tôn đã có dạy rằng:

Đạo Thầy chánh chánh đường đường,

Đạo dạy cang thường, luân lý, nghĩa nhơn.

Đạo không dạy việc rối đời,

Đạo dạy con người dỉ Hiếu vi tiên.

Đạo là phẵng lặng trang bằng,

Dường như gió tạnh Trời trăng đêm rằm.

Đạo Trời có Một không đôi,

Đạo là Sự Sống cứu người thế gian.

Đạo không tách một rẻ hai,

Đạo là hiệp nhứt cả loài thế gian.

Đạo Thầy như nước trong ngần,

Đạo không xao dợn phân vân rộn ràng.

Đạo là phẵng lặng trang bằng,

Đạo không thử thách nhố nhăn cải Trời.

Chúng ta nếu để tâm chí vào đặng nghe, xét là làm theo những lời Thánh huấn đã dạy ấy, thì sự thờ phượng của Đạo dạy là dạy :

Phải tin cậy Một Trời Độc Nhứt,

Phải ân cần tuyệt dứt phàm tâm ;

Phải dồi đức hạnh cao thâm,

Phải cho Bác Ái, phải tầm Lý Chơn.

Chớ có lăn xăn lộn xộn chi đâu! Đức Chí Tôn muốn ta tìm biết Chơn Lý đặng học đặng theo, nên Người phải lập Đạo tràng nơi Trung Ương và Người cũng đã có dạy rằng :

Lập Trung Ương Thầy trao gánh nặng,

Dạy các con dứt hẳn phàm tâm;

Đừng lòng chia rẻ mà lầm,

Đừng lòng dại dột mà cầm rằng khôn.

Xét coi nội quả Kiên Khôn,

Có ai qua được Chí Tôn là Thầy.

Thầy đâu có dạ tự tôn,

Song Ngôi Chí Bửu Chí Tôn là Thầy

Lúc Đức Chí Tôn lập Trung Ương, chấn chỉnh nền Chơn Lý Đại Đạo, thì Người cũng đã có dạy rằng:

Đuốc Chơn Lý Trung Ương sán tỏ,

Người đi đường phải ngó mà theo ;

Thuyền đi vững lái êm lèo,

Bộ đi tránh khỏi hiểm nghèo gai chông.

Ấy là Đuốc Chủ Nhơn Ông,

Cả mưa chẳng tới, to dông không lờ.

Chúng ta đọc suốt các lời của Đức Chí Tôn đã dạy thì rõ biết rằng Đạo có Một, Một ấy là Chơn Lý, mà Chơn Lý ấy là vật trong tay của Đấng Chủ Nhơn Ông, là Trời, là Thầy, là Luật Tạo Hóa, là Chúa Tể Kiền Khôn thế giái, là Đại Từ Phụ, là Đức Chí Tôn vậy,

Vậy thì ngày nay chúng ta đã gọi mình rằng là người tìm Chơn Lý, hỏi vậy chúng ta có nên dẹp hết những cái vọng tâm, vọng tưởng, vọng cầu, đặng Định Tâm Tỉnh Trí lại mà Biết có Một Ngôi Chúa Tể Kiên Khôn là Một Ngôi Độc Nhứt, chớ không phải là hai, ba, bốn, năm gì nữa, như chúng ta đã lầm tự bấy lâu nay, thờ phượng bàn ghế nghi tiết cho chật chùa, cứ do theo cái phàm tâm hoài mà chia sẻ sang sớt cái lòng tín ngưởng chơn chánh của ta cho bụt Thần khác?

Đã biết rằng sự tín ngưởng là sự tự do của anh chị, tôi không dám cải chút nào, nhưng nếu tôi không giải ra cho minh bạch sự phải sự quấy, e tôi làm chưa tròn trách nhậm tôi chăng? Vậy nên tôi cáo đôi lời biện bạch gọi rằng là đủ phận sự của tôi rồi đó. Còn anh chị tôi không dám ép.

Nay kính,

Nguyễn Hữu Phùng