Vô Vi


Vi


Ngọc chiếu hào quang giọi đủ màu,

Hoàng ngôn khen tặng kẻ cung dâu

Thượng hòa hạ lục vui chi bẵng,

Đế Đạo danh nêu rạng Ngũ Châu


Thầy chào các con. Thầy cho các con bình thân.

Các con, hằng lâu Thầy không rảnh để dạy các con một bài Đạo. Thầy cho các con một bài, ráng tìm hiểu sẻ biết được mùi Đạo.

Các con phải nhớ rằng:

Chơn Lý là Đạo mà Đạo là Chơn Lý.

Vậy nghe thi:

Hai chữ Vô Vi mối Đạo Thầy,

Bốn mùa thay đổi cứ vần xây,

Chim bay cá lội hoa đua nở,

Ai thấy thợ nào có để tay.


Để tay sao gọi được Vô Vi,

Các trẻ lầm nghe nghĩ cũng kỳ,

Rộn rực lăng xăng tuồn dối trá,

Rằng đua công quả chốn trường thi.


Trường thi ai lập ở nơi nao,

Nào thấy đâu là cái bản rao,

Hễ có bảng rao là vật chất,

Khuyên đời khá tỉnh giấc chiêm bao.


Tỉnh giấc chiêm bao ớ trẻ bầy,

Đừng tìm non núi hoặc cung mây,

Cao Đài vốn ở lòng con đó,

Bỏ tánh tham si sẽ gặp Thầy.


Gặp Thầy cùng chẳng tại nơi lòng,

Bã lợi mồi danh lóng sạch trong,

Thấu rõ thế gian muôn tượng đó,

Nó đều không có cũng không không.


Không không có có, có chi đâu,

Có đó, rồi không thật rất mầu,

Muốn có, có cho, không cũng được,

Có không hỏi thử chỗ cao sâu.


Cao sâu phút chốc bỗng trang bằng,

Thể Đạo dường như nước với trăng,

Một lại ba, rồi ba lại một,

Khuyên đời định tỉnh chớ lo xằng.


Lo xằng thêm hại, các con ôi !

Tan hải xưa nay cuộc lở bồi,

Đạo chẳng bảo lo, lo trái Đạo,

Ai mà trái Đạo ắc hư rồi.


Hư rồi khó dựng nói càng thương,

Khuyên nhủ nhơn sanh tỉnh mộng trường,

Sóng gió ấy là nguồn mạch nước,

Gió êm sóng lặng nước như thường.


Nước lặng như thường chẳng đổi day,

Tự nhiên xây vận thể đêm ngày,

Gìn lòng giữ trọn Chơn Như Tánh,

Hai chữ Vô Vi mối Đạo Thầy.

Định Tường đêm 18 tháng 7 năm Nhâm Thân (1932)


Lời giảng của Đức Bửu Tinh:

Vi là Vô sở bất Vi: có làm mà chẳng thấy làm, chẳng thấy làm mà có làm; chẳng thấy có mà thiệt có, mới thiệt là Sự Sống Thiên Nhiên như bốn mùa vần xây, vạn vật sanh yên.

Điển Vô Vi là một mối Điển có một cái sức mạnh thiêng liêng cùng một gốc với với Nguồn Ngươn Khí. Nguồn Ngươn Khí có cái sức mạnh này mới vận chuyển thành Đạo, vì Đạo là Nguồn Ngươn Khí Hóa Sanh.