Vô Minh và Giác Ngộ


Vô Minh và Giác Ngộ

Bài giảng của Đức Hổn Ngươn Thiên Sư Chưởng Quản

(Jan 1935)

Chữ GIÁC nghĩa là Hay, Biết; nó có hai nghĩa khác nhau:

Một là mình biết mình hay rằng nhà mình có ăn trộm rình, hoặc là sẻ có ăn trộm rình, nên mình lập phương mà đuổi nó đi cho khỏi nhà mình. Cái tên rình nhà mình đặng lấy đồ của mình đó thì mình kêu nó là ăn trộm, còn cái tên mà rình đứa trộm đó thì là mình đây, song nhờ cái xét mánh lới chi chi đó, nên mình mới hay mới biết được mà lập thế đặng đuổi nó đi. Ấy là cái ví dụ bề ngoài cho dể thấy dể hiểu đó, đặng chỉ vào cái sự Hay, Biết về phần Đạo trong nghĩa chữ Giác thứ nhứt. Trong mình người ta nó có cái Đạo là quí, nay bị những cái phiền não làm cho người phải nóng giận mà quên Đạo Đức, cũng như nhà bị kẻ trộm nó lấy đồ báu vậy, nhưng mà một khi ta đã có phiền não, hoặc sẻ có phiền não, thì ta sẻ biết rằng việc này đây nó sẻ làm cho ta có phiền não, hay là ta đã có phiền não rồi, thì ta phải lập thế chi mà xua đuổi cai phiền não ra hay là làm cho nó tiêu tang mất đi thì Đạo Đức mới khỏi bị che khuất. Ta mà lập thế đặng xua đuổi cai phiền nảo được đó, là nhờ ta có Hay có Biết được cái phiền não nó làm cho che khuất cái Đạo Dức của ta, nên ta mới lập thế mà xua đuổi nó được; thì cũng như nhờ ta có Hay Biết trước rằng ăn trộm nó đã rình nhà ta, hay là nó sẻ rình nhà ta, nên ta mới kiếm cách đặng ngăn ngừa xô đuổi được, bằng không thì nó cũng tận thâu đồ báu ta vậy. Cái sự Hay Biết kêu bằng Giác Sát, mà ta Hay ta Biết được đó là nhờ có Thánh Giác của ta.

Hai. Một nghĩa khác nữa là: người người đều có cái Trí sáng suốt đủ thông hiểu mọi vật, nhưng mà bị cái Vô Minh nó làm cho ta tối tâm đi, không biết làm sao mà phân biện cho được, nên thường phải sai lầm hoài, sự sai lầm nầy là tại cái tối tâm của ta đó mà ra, cái tối tâm đó kêu là Vô Minh. Cái Vô Minh cũng như cái phiền não ở trước, song cái phiền não nó hại cái Đạo Đức của ta, còn cái Vô Minh thì nó làm hại cái Trí Huệ của ta. Bởi cái Vô Minh nó làm hại cái Trí Huệ của ta, nên ta phải tối tâm mờ ám không biết phân biện sự phải quấy chánh tà, cũng như kẻ ngủ kẻ say vậy. Vì vậy nên ta phải đánh thức cái giấc ngủ mê của ta, ta phải giải rượu cho ta, thì ta mới tỉnh được.

Hỏi:Ta đương ngủ mê, ta làm sao ta đánh ta thức được? Ta đương say rượu, ta làm sao giải rượu cho ta được?

Đáp: Được chớ nào không. Ta còn có người cứu ta, là người không mê đó, người không say đó cứu ta. Người ấy chính là Trí Huệ ta đó, miển là ta phải nghe theo cái Trí Huệ của ta mà thôi. Nghe theo cái Trí Huệ chớ đừng nghe theo cái tia xảo, cái tài trí, nếu nghe theo nó thì lại càng hại thêm, vì chúng nó chẳng hề thức tỉnh ta được.

Cái thức nó ở trong cái ngủ, mà cái ngủ cũng ở trong cái thức; cái tỉnh nó ở trong cái say, mà cái say cũng ở trong cái tỉnh; cái dốt nó ở trong cái hay chữ , mà cái hay chữ nó cũng ở trong cái dốt; cái dại nó ở trong cái khôn, mà cái khôn nó cũng ở trong cái dại v.v… Miển là đứng mê hoài một phía, ta phài đánh thức ta hoài mới được. Hễ ta gọi rằng ta đã thức rồi, thì liền thấy ta phải ngủ lại đó, ta đã gọi ta đã hay chữ rồi, thì liền thấy ta dốt lại đó v.v… Cái ta mê hoài một phía đó là tại cái Vô Minh, nó phá hại cái Trí Huệ của ta; nó làm cho ta không kỳ quyết cái việc của ta muốn đạt đến mụch đích.

Ví dụ như một người ngủ hoài không cần gia ai đánh thức dậy, thì họ ngủ riết đả thèm rồi thì họ cũng thức dậy vậy, có hại gì đâu, ấy là tại họ không có cái mục đích gì mà họ muốn đạt đến. Một người dại chẳng lẻ trăm việc cũng dại hoài, cũng có một đôi việc họ khôn chớ, song họ không chịu đạt đến cái mục đích là làm người phải khôn đó. Nay cái người ngủ ấy, họ có cái mục đích rằng: đúng bốn giờ sáng thì phải thức dậy mà học cho kịp bài vở kẻo thua súc chúng bạn, thì dầu cho họ ngủ bực nào nữa, mỗi lần thì tảng sáng sáu giờ họ mới thức giấc, mà ngày nay họ có cái mụch đích phải bốn giờ thì thức, thì lần thứ nhứt, tuy mê cách nào chớ lối năm giờ họ cũng thức rồi, nếu họ biết rằng là trể, họ dạy họ lại, họ chuyên tâm rằng bốn giờ phải vụt thức dậy mà thôi, rồi lần lần họ chẳng cần gì phải vụt thức dậy mà cái thức dậy đó nó là cái thường của họ đó. Vậy thì cái vụt giựt mình thức dậy đó là cái gì? Ấy chính là cái Giác Ngộ đó. Mà cái Giác Ngộ này nhờ cái Thánh Huệ mà ra; nếu nhờ cái Thánh Huệ mà thức tỉnh mình cho được Giác Ngộ mà mình gọi mình đã Giác Ngộ rồi thì lần lần cũng trở lại Vô Minh như kẻ thức bốn giờ sáng kia mà không lo lần tới nữa thì lần lần cũng ngủ quên tới sáng lại.

Chữ NGỘ nghĩa nó cũng như chữ Giác vậy, cũng là Hay Biết vậy, song nghĩa nó có hơi đầm thấm hơn chữ Giác. Ví dụ như làm một bài toán mắc mỏ quá, làm hoài tính hoài mà không ra, mình cứ gia công tìm kiếm mãi, rồi thình lình nó vụt hiểu vụt biết, liền cầm viết viết ra ngay được, ấy là Giác; còn mình cứ rầm ngâm mài miệt mải, lần mò riết rồi được trúng, ấy là Ngộ. Hai cách ấy cũng là Hay Biết hết thảy, nó là tiếng đôi; chớ không phải Ngộ là Gặp, thì là tưởng lầm vậy.

Chữ Ngộ nó có ba chữ khác nhau mà trùng tiếng. Một chữ Ngộ là Biết, một chữ Ngộ là Lầm, và một chữ Ngộ là Gặp, ba chữ viết khác nhau. Giác Ngộ nghỉa là Giác mà lại Ngộ nữa.

Đức Phật Thích Ca ban đầu Ngài lầm tưởng sự gải thoát ở đâu ở ngoài thân mình, nên Ngài mới tìm kiếm ở bế ngoài, nghe lời người mà hủy cái xác, làm trăm bề khỗ hạnh đặng tìm phương giải thoát mà không được, đến chừng cái Thánh Giác của Ngài nó làm cho Ngài Giác Sát được, nên Ngài mới duổi cái phiền nảo đi, rồi nhờ cái Thánh Huệ nó kêu Ngài thức tỉnh mà Giác Ngộ được; nếu như Ngài Giác Ngộ rồi, mà Ngài không đi dạy Đạo, có lẻ cái Vô Minh nó sẻ trở lại, nhờ Ngài đi dạy Đạo, nên Ngài càng ngày càng Giác Ngộ thêm hoài, nên mới gọi Ngài là Đại Giác, Toàn Giác. Đến đó cái Vô Minh nó mới thiệt là dứt cội dứt rể, không còn trổ nhánh nức chồi nữa được đó.

Đức Tổ Sư Hổn Ngươn Thiên Sư Chưởng Quản

(Jan 1935)