Tinh Thần Phật Giáo


Tinh Thần của Phật Giáo

Bài của Đức Đạo Tổ Thoại Hà Nguyễn Hữu Phùng

(1935)

Trước khi cầm ngòi viết đặng luận về Tinh Thần Phật Giáo, tôi nghĩ tới nghĩ lui hoài, rồi hóa ra bật cười, rồi tôi cũng tự mình tôi trào phúng lấy tôi rằng: Ồ chà! Tên này đây bây giờ bắt chước ai mà dám luận đến Tinh Thần Phật Giáo? Tu hồi nào? Học với ai? Đọc sách gì ? Có thuộc kinh kệ gì không? Có biết ăn chay trường là gì không? Hay là dọc cợt quẹt ba tờ nhựt báo quốc âm rồi cũng đâm ngan ra viết Tinh Thần Phật Giáo? Hay là đọc mót máy ít cuốn tạp chí nói việc chấn chỉnh Phật học rồi cũng đâm giọc ra đặng viết Tinh Thần Phật Giáo nữa? Hoặc là nghe lóm nghe liết mấy câu sáo ngữ của mấy chú sải làm đám ma chay, thí rế cô hồn, thuyết kinh thuyết kệ gì đó, rồi cũng đâm hoàn ra nói Tinh Thần Phật Giáo? Tự mình tôi cười lấy tôi vậy. Rồi tôi cũng tự mình tôi thưa lại với tôi, đặng tự mình tôi giải chào cho tôi rằng: Quả thật vậy, tên này nó không có tu chùa nào, nó không học với ai, nó không biết sách Phật là gì, cũng không phải là đứa dư giả gì mà có tiền mua sách Phật cho nổi, mà dầu cho nó có mượn mỏ của ai đặng đọc đi nửa, là sách Phật không phải rẻ rúng gì mà coi cho nổi với sự dốt nát của nó đó, lại nó chẳng hề có biết ăn chay ăn lạt là chi, chẳng biết ăn lục, ăn thập là sao hết thảy, nó chỉ biết ăn mày ăn xin tùy hỉ theo đồ của thiên hạ bố thí mà thôi, mà nó cũng quả thật là nhờ có đọc ba cái tờ nhựt trình quốc âm, coi ba cuốn tạp chí nói về Phật học, và nó nghe lóm ít câu thuyết pháp của sải làm ma chay đó, nên nó mới biết chút ít về Tinh Thần của Phật là thể nào, nên nó mới viết ra đây đặng cho anh em nó, những người nào cũng là bực quê mùa về sự học Phật như nó vậy, đọc coi cho giải muộn đó, và đặng nó rủ ren anh em đồng bực như nó , ráng sức tìm kiếm cái Chơn Lý trong vẻ tự nhiên của mình thấy, mình biết thể nào, đặng giúp đở lẩn nhau về phần tinh thần, tránh những điều mê tín mà thôi, chớ nó nào dám so sánh việc chữ nghĩa kinh kệ chi với bực chơn tu mà nó phòng ngại. Còn phần riêng về việc chữ nghĩa kinh kệ ấy, thì dầu ai cũng vậy, cũng phải để riêng phần ấy cho mấy bực hòa thượng kiết ma giáo thọ của nhà chùa giải cho nó nghe, chớ nó nào dám động đến đó mà phòng lo. Xét vậy được rồi, nên tôi liền cầm bút mà hạ xuống đặng viết cái vấn đề Tinh Thần Phật Giáo này đây vậy.

Ông Phật là Ông Phật, chớ không phải ông Phật là ông Thích Ca, còn ông Thích Ca là ông Thích Ca, chớ không phải ông Thích Ca là ông Phật. Vì sao vậy? Vì ông Thích Ca là một ông sanh đẻ nhà cùa họ Thích Ca đó mà thôi, còn không biết là mấy trăm ông Thích Ca khác nữa, cũng như Phật cũng không biết là mấy mươi trăm ngàn muôn ức triệu ông Phật khác nữa, từ đời trước đã có, đời nay đương có, và đời sau sẻ có nữa. Song le ông Thích Ca Tất Đạt Đa đó là một người của Ấn Độ khi ấy tôn xưng cho ông được cái danh hiệu là Phật lúc ông đương sống vậy, vậy đủ hiểu ông là một vị Phật trong muôn ngàn ức triệu các vị Phật khác mà thôi, chớ không phải một mình ông gọi là ông Phật được. Song muốn biết làm sao mà ông Thich Ca Tất Đạt Đa lại được người tôn là Phật tổ, cho đến ngày nay, hễ ai nói tới tiếng Phật thì cũng chỉ ngay vào ông mà nói, thì phải hiểu rằng ông là một người không có tánh mê tín như ai; ông là một người Giác Ngộ trước hết trong xứ Ấn Độ vậy. Hễ người mê tín thì không được Giác Ngộ, dầu cho có trường trai khỗ hạnh đời đời kiếp kiếp đi nữa, thì chúng sanh cũng hoàn chúng sanh, luân hồi cũng vẫn luân hồi, còn người Giác Ngộ thì chẳng hề mê tín, dầu cho ăn chi thì ăn nấy, rượu thịt cũng không ngại, mà trong một thời gian vắn vỏi, Phật cũng thành Phật mà thôi. Xét lấy ông Thích Ca Tất Đạt Đa đó thì đủ làm gương cho ai là người muốn thoát kiếp chúng sanh đặng thành Phật thì phải coi lấy đó đặng bắt chước mà sửa mình theo cách của ông sửa Tâm, sửa Tánh, sửa ý, sửa chí của mình đặng noi theo nghị lực của ông, thì mình ắc được thành Phật như ông chẳng sai. Chúng ta đã nhứt tâm Tín ngưởng theo Phật Thích Ca rồi, là vì hễ chúng ta mở miệng ra thì tôn thì tôn Ngài làm Bổn Sư, vậy thì chúng ta hảy cứ nhứt tâm mà Tín ngưởng theo Ngài, theo những lời dạy nào mà phát từ cửa miệng Ngài đặng chúng ta làm theo, tưởng chớ mê tín theo lời dạy của Phật nào khác hơn Ngài nữa.

Nay tôi luận qua Tinh Thần Phật Giáo đây, thì tôi vẫn rút tắc qua những lời của Ngài nói mà tôi để ý xét tới, biết chắc rằng quả là lời của Ngài đặng luận thôi, ngoài ra những lời nói nào, hay là những việc chi khó tin được, thì tôi xin không chịu mê tín theo ai hết thảy. Lời tôi sẻ luận đây, là tôi dùng tinh lực của tôi mà tôi luận ; tôi một cứ do nơi Lương Tâm tôi chọn những điều chi có ý nghĩa sâu xa trong việc học Phật, ý nghĩa sâu xa mà không phải là việc huyển hoặc làm cho người phải mê tín, những ý nghĩa ấy tôi biết tới đâu thì tôi đều đem ra đặng bàn giải lập luận theo sở kiến sở văn của tôi mà thôi, chẳng trộm theo ý kiến của ai, chẳng dùng lời sáo ngữ của ai đặng phụ họa theo, dầu có trùng nhầm những lời nào của bực cao kiến đã luận đến rồi, thì ấy là sự phước sự may mắn của tôi bàn trúng đó, còn nếu có lời nào trái hẳng với ý kiến của chư tôn đọc giả, thì xin miểng chấp cho tôi và cũng xin phê bình vào đặng vạch đường chỉ ngõ cho nhau, cho rõ thấu Chơn Lý, ngõ hầu đồng bước trên cỏi Tinh Thần của nhà họ Thích vậy.

Xét trong những lời của Tứ Đại Thánh Nhơn (Nho, Đạo, Thích và Gia Tô) dạy đời, thì chĩnh có một mình lời của Khổng Phu Tử dạy là dể hiểu dể nghe mà thôi, vì là lời của Ngài nói đều là sự hiện tại trước mắt, ai nghe cũng đều rõ được, song khó là khó có một điều, là không ai chịu làm theo cho giống lời Ngài dạy mà thôi; còn những lời dạy của Ba vị Giáo Chủ kia thì đều thật là khó hiểu, vì những lời của Ba vị ất dạy, phần nhiều đều là lời Nói Bóng, ai có để ý trầm ngâm đặng chính xét, thì hoặc may mắn hiểu được ít nhiều cùng chăng, nếu chẳng có để ý cẩn thận mà xét đến, cứ nghe suông qua, thì tôi chắc chẳng hề khi nào rõ được cái Chơn Tướng của lời nói của Ba vị ấy. Cái Chơn Tướng của lời nói đã chẳng thấy được, thì còn trông chi mà hiểu được đến cái Chơn Lý? Bởi vậy nên mới có sanh ra nhiều chi nhiều phái, là tại vậy đó.

Bài này ngày nay, đã gọi rằng là Luận về Tinh Thần của Phật Giáo thì tôi vẫn xin tìm kiếm nơi mục Tinh Thần của Đức Thích Ca mà thôi, còn những sự chi ngoài mục Tinh Thần của Phật Thích thì tôi xin kỉnh trọng những sách vở đã có, những truyền thuyết đã làm, những kinh tạng đã sẵn, cùng là những phim bóng đã chớp, những tuồng bài đã diển, nhữ bài của các vị chủ bút nhựt báo đã đăng, những lời của các Hòa thượng chư sơn đã giảng, tôi kính trọng như vậy, đặng để làm tài liệu, mà khảo sát về sau chớ tôi chẳng dám nối điêu một mảy.

Bài luận này, tôi phân ra nhiều chương, mỗi chương có nhiều đoạn, chưa biết đến đâu là cùng. Vậy bắt đầu tôi cũng xin luận sơ chương của Ngài giáng sanh.

Luận về sự tích Bồ Tát trước khi giáng sanh.

(Chương này phân ra ba đoạn)

Đoạn thứ nhứt : Nghe những vị tiền bối thuật chuyện và thấy một vài cuốn sách cùng là có đọc một đôi đoạn kinh ghi chép rằng : Đức Thích Ca Mâu Ni thành được bực Phật kiếp này, nhờ Ngài đã tu hành mấy trăm ngàn kiếp trước và cũng đã đắc đạo và cũng đã đến được bực Bồ Tát mấy kiếp trước rồi. Trước khi Ngài giáng sanh vào cửa họ Thích Ca đây, thì Ngài là một vị Bồ Tát ở tại cõi Đâu Suất Thiên, có Phật Đỉnh Quang chỉ bảo cho Ngài rằng: Còn phải giáng thế một lần nữa, đặng lo cứu độ chúng sanh cho giải thoát các điều tai nạn. Khi nào đã được mãn kiếp ấy rồi, thì mới được thành Phật.

Đoạn thứ hai : Ngài tự xét biết mình còn có một kiếp Nhơn Duyên lo cứu thế rất lớn lao như vậy, nên Ngài hằng lo chọn một nơi nào ở thế gian mà có nhơn duyên về phần xác thịt với Ngài, nghĩa là Ngài chọn một nơi nào ở thế hạ này, mà là một đôi vợ chồng nào có chí tâm mộ Đạo, có dẫy đầy phước đức, thì Ngài mới chịu đầu thai vào cửa nhà ấy, đặng Ngài mượn lấy cái xác thịt gọi là Con của Nhà ấy, đặng Ngài có được một cái xác thân vật chất của thế hạ này đặng có thể đi đứng nói năng, thì mới có thể Giác Mê chúng sanh được.

Đoạn thứ ba : Khi Ngài đã chọn được nhà của Vua Tịnh Phạn họ Thích Ca nơi xứ Ấn Độ, là nhà vua rất có Đạo Đức vừa vợ vừa chồng, đáng cho Ngài mượn xác dựa làm con, mà Ngài còn phải đợi cái thời giờ của Ngài đúng phải kỳ giáng thế thì Ngài mới chịu giáng sanh. Lúc Ngài xét đúng ngày giờ rồi, thì Ngài mới hóa làm một điềm chiêm bao cho Bà Ma Gia phu nhơn ngó thấy, trong lúc Bà đương ngủ trưa. Điềm chiêm bao ấy như vầy : Ma Gia phu nhơn đang ngủ trưa, Bồ tát hóa làm một điềm chiêm bao cho bà thấy, điềm chiêm bao như vầy: Có một người ngồi trên lưng một con Voi Trắng Sáu Ngà, chung vào nơi sường phía tay mặt của Bà, Người ngồi trên con voi này thì lại thấy phía trên người ấy còn có ba người hộ theo, một người cầm cái chày, một người cầm cái bánh xe và một người cầm một xâu chuổi. Đi theo mấy người này lại còn có nhiều người đờn ca xướng hát tiêu thiều nhạc trổi nghe rất êm tai.

Lời luận : Những việc của Bồ Tát trước khi giáng sanh xuống trần thế, theo sách vở kinh kệ thì nói chẳng biết là bao nhiêu sự huyền bí, chỗ nói nhiều, chỗ nói ít, thêm thêm bớt bớt, không biết cuốn nào làm chắc thiệt, vì những sự ấy đều là những sự khi Bồ Tát còn ở trên Trời, mà là không biết là mấy mươi muôn kiếp ở trên Trời như vậy, ngày tháng năm nào ở đâu, nói cũng không có thứ tự, biết đâu là chơn, biết đâu là giả, mà những kiếp như vậy, hỏi thử lại coi mấy ông viết kinh viết sách đó làm sao mà biết được mà chép ra đó. Mà còn người nào nói lại đó làm sao biết mà nói cho người chép? Song le hễ phàm người đã có chí tìm Chơn Lý của một sự vật chi, thì phải phăn phải tìm cho thấu đáo, thì mới mong rõ thấu được cái sự Thật của sự vật ấy cho. Vì vậy nên tôi đây, dám bạo gan bỏ hết những chuyện gì hoang đàng quá đi, không xét đến, không luận đến, chỉ tóm tắc lại có ba đoạn như tôi đã lược kể ra trước đây, đặng để ý mà luận cho ra Tinh Thần của Phật, lúc Bồ Tát còn đương ở cảnh Chư Thiên.

Đã rằng Bồ Tát ở cõi Đâu Suất Thiên thì đã có nghe Phật Đỉnh Quang dạy có phải tái sanh giáng thế lại một lần nữa đặng giác mê cho chúng sanh, rồi mới được thành Phật. Vậy nay ta xét coi cảnh Đâu Suất Thiên ở đâu ? Phật Đỉnh Quang là Phật gì ?

Đâu Suất Thiên là một cõi Trời trong sáu cỏi Dục Giái ; tiếng Phạn kêu là Tuçita, Tàu dịch là Đâu Suất, nghĩa là Hết sự Tham Muốn, biết đủ mùi đời rồi. Bực nào trong lòng biết mừng cho mình rằng mùi đời đã đủ, không còn sự tham, sự muốn chi nữa, biết được vậy nên biết thôi, mà lại mừng, lại vui, thì bực ấy được Sống ở cõi Đâu Suất Thiên vậy. Trong sáu cõi Dục Giái, thì cõi này nhằm cõi thứ tư, nó ở giửa cõi Dạ Ma Thiên và cõi Lạc Hóa Thiên.

Ba Cõi (Tam Giái):

Phật giáo chia Trời ra làm ba cõi là : Dục Giái: Cõi tham muốn ; Sắc Giái: Cõi vật chất ; Vô Sắc Giái: Cõi không Dục mà cũng không Sắc, duy còn có một cái Thức Tâm mà thôi.

Một - Cõi Dục Giái là chỗ chứa những lòng Tham Muốn. Trong sự tham muốn ấy có hai việc trọng hơn hết là Tham Dâm và Tham Ăn. Cái Dâm dục và Thực dục ấy nó đều ngụ ở trong cái Tình nên những sự mê luyến về Tình thì đều thuộc về cõi Dục Giái. Cõi này trên thì gồm cả cõi Lục Dục các từng Trời ; giửa gồm cả Tứ Đại Bộ Châu ; dưới đến tận nơi chỗ thập bát tằng Vô Gián Địa Ngục.

Hai – Cõi Sắc Giái là chỗ chứa những đồ có hình chất như thân thể của muôn loài ở thế gian, như lâu đài phố xá nhà cửa, như đất nước cây cỏ, như trân châu bửu vật. Nói tóm lại là những đồ vật chất hữu hình nào rất tinh xảo thì đều thuộc về cõi Sắc Giái ; mà trong những vật ấy, loài người là đứng vào bực Hình Chất thứ nhứt. Cõi này có chỗ chia ra làm 16, hoặc 17, hoặc 18 từng, là tùy theo bực người thiền định cao thấp thể nào, mà đều ngụ vào trong bốn cấp.

Ba – Cõi Vô Sắc Giái là cõi không một hình chất chi mà cũng không một màu sắc chi hết, duy còn có một cái Thức Tâm là cái Tâm biết phân biệt đặng trụ nơi các thiền định rất cao thâm vi diệu mà thôi. Cõi này đã là cõi không có hình chất mà cũng không có màu sắc chi nữa rồi, nên cái chỗ của nó là chỗ nào không nhứt định được, chỉnh biết nó là có bốn lớp hoặc bốn từng, gọi là Tứ Không Thiên.

Ba cõi này đều là chỗ thế giái của kẻ phàm phu buộc phải tới lui lai vảng hoài hoài, vì có vậy nên đời mới gọi là Sống Chết đó. Tuy là Ba (3) cõi, song nó vẫn thiệt là Sáu (6), vì ba cõi thì ở tại thế gian đây, trên mặt đất này đây, gọi là Dương Trần này, đặng Sống mà Gởi cái xác thân này, đặng lo tu hành mà bồi đấp cái thiện căn của mình, phòng khi Thát đặng Về nơi Ba cõi ở nơi Hư Không kia. Nơi Ba cõi Hư Không thật là xứ sở của ta đó, vì Tinh Thần gốc ở đó, Bổn Lai của ta là nơi đó. Người lúc Sống Gởi ở Dương Trần này, nhà Phật gọi là chỗ Địa Cư, tiếng Phạn gọi là Bhauma, tu hành cho vững, thiền định cho dày công phu, đến khi Thát Về nơi quê xưa cảnh củ của mình là Hư Không Cư, tiếng Phạn gọi là Antariksavasina ; về nơi đó được rồi, thì hoặc là được tấn hóa thêm đặng lên đến cõi khác, có lẻ được thong thã hơn ; nhứt là được lên đến cõi Vô Sắc Giái ; nếu chẵng được vậy, thì sụt xuống Vô Gián Địa Ngục.

Luôn dịp tôi cũng xin biên luôn mấy từng Trời ở nơi Ba cõi ấy cho đọc giả xem sơ qua cho biết tên, phòng sau có chỗ nói đặng khảo cứu cho tiện. Đây là tôi biên tên ba cõi thuộc về Tinh Thần, nơi Hư Không Cư mà thôi, còn Ba cõi thuộc về vật chất nơi Địa cư, thì là trên mặt trái địa cầu này đây, chớ không ở đâu khác, vì vậy nên trên chốn Địa Cư này gọi là Nhơn Giái, gồm đủ cả các Hình Thể Hình Chất của ba bực ở Hư Không Cư, và Vô Gián Địa Ngục mượn chỗ đặng gởi cái xác thân đặng tu thân sửa lổi hay là trồng thêm phước đức thì tùy duyên của mỗi người gặp cảnh ngộ.

Dưới đây, tôi tóm tắt theo kinh sách Phật đặng giải nghĩa sự sấp đặt Ba cõi thế nào, còn phần tín ngưởng cùng không là phần tự do của chư tôn đó, không ai có quyền bảo hay là ép ai tin hay là không tin được.

Muốn rõ cách Triết Lý nhà Phật sấp đặt mấy cõi Trời, thì phải do nơi hòn núi Tu Di Sơn làm trung tâm điểm thì mới phân tích ra được, song Sự Lý của hòn núi này tả ra không phải một đôi trương giấy gì mà tả cho hết, vậy xin để chịu lại đó, khi nào sẻ giải riêng phần của nó. Hòn núi Tu Di đây, tiếng phạn gọi là Sumeru, Tàu có chỗ cũng kêu là Tô Mê Lư, nghĩa là rất cao, rất sáng, ở dưới chơn nó có cái Phong Luân (bánh xe Gió), ở trên mặt thì có Thủy Luân (bánh xe Nước), ở trên chót có Kim Luân hay là Địa Luân (bánh xe Đất), v.v.., xin kiếu lại đó, để chờ khi khác, đây tôi xin kể Ba cõi Trời (Tam Giái).

Dục Giái – Lục Dục Thiên – Kamadhatu :

(Trước khi kể tên 30 từng Trời nơi Ba Cõi, tôi xin nhắc lại cho chư tôn nhớ rằng Ba Cõi sẻ kể tên ra sau đây đều là tên những từng thuộc về thiêng liêng ở trên Hư Không Cư mà thôi (Antariksavasina). Còn phần Địa Cư (Bhauma) cũng là ba cõi ấy song nó thuộc về phần Hình Chất, thì đều là người ở nơi trên mặt trái địa cầu này là Nhơn Loại chúng ta đây).

Cõi Trời này có sáu từng hay là sáu lớp, nên kêu là Lục Trùng Thiên, nó đều thuộc về phần Tham dục nên cũng kêu là Lục Dục Thiên.

Một – Tứ Vương Thiên – Từng này có Bốn vị Thiên Vương ở cai trị. Bốn vị Thiên Vưng này đều là hàng ngoại tướng của vua Đế Thích, ở trấn giữ nữa chừng núi Tu Di Sơn; chỗ ấy có một hòn núi kêu là Do Kiện Đà La (Yugamdhara). Hòn núi này có bốn cái chót, bốn chót núi ấy là chỗ ở của Bốn vị Thiên Vương đó vậy. Chỗ này là chỗ từng trời thấp hơn hết, bắt từ mặt đất kể lên từng trời này gọi là từng trời thứ nhứt đó. Bốn vị Thiên Vương đó cũng kêu là Hộ Thế Tứ Thiên Vương; còn từng trời đó kêu là Tứ Thiên Vương Thiên (Caturmahajakayika). Từng nảy cũng chia làm bốn hướng vậy, vì bốn chổ núi Do Kiện Đà La mọc theo bốn hướng trời. Phía Đông là Trị Quốc Thiên Vương ở. Phạn kêu là Dhritarastra. Vị này chuyên lo về việc cầm mối giềng cai trị và ủng hộ giữ gìn cho nước, nên ở trong động bằng bằng Vàng của núi Tu Di. Phía Nam thì là chỗ của Tăng Trưỡng Thiên Vương ở (Virudhaka), để chuyên lo người trong nước tu hành cho được thiện căn tấn phát, càng ngày càng thêm lớn lên, nên ở trong động bằng Lưu ly của núi Tu Di. Phía Tây phần của Quản Mục Thiên Vương (Virupaksa), dùng sức Thiên Nhản thanh tịnh đặng xem xét và ủng hộ cho trọn cõi Diêm Phù Đề, nên ở tại động bằng Bạc trắng của núi Tu Di. Phia Bắc là chỗ của Đa Văn Thiên Vương ở (Dhanada hay là Vaisramana), Vị này phước đức lớn lắm, danh vang cả thiên hạ bốn phương, nên ở trong động bằng Thũy tinh của núi Tu Di.

Hai – Điêu Lợi Thiên (Trayastrimsa). Từng Trời này là từng thứ hai ở trên chót núi Tu Di Sơn, trên cao hơn cõi Diêm Phù Đề. Người ở bực Trời này cũng còn có Tình Dục như người ở thế gian vậy. Từng này chịu ánh chói của mặt nhựt khác hẳn với ở thế gian; một ngày một đêm tại đây là 100 năm của thế hạ; người ở cõi này sống lâu đến ngàn tuổi. Chỗ này thuộc về phần cai trị của vua Đế Thích (Sakra-devenam-Indra). Vua ở thành Hỷ Kiến, cũng có chỗ gọi rằng Thiện Kiến (bởi chữ Tàu viết chữ Hỷ là Mừng và chữ Thiện là Lành, hai chữ tùng tim với nhau, khác chút ít, nên bản thì in chữ Hỷ, bản thì in chữ Thiện, tam sao thất bổn, nên chưa biết chắc là Hỷ hay Thiện). Sự tích của vua Đế Thích lắm chỗ ly kỳ, sau có lúc rảnh, tôi sẻ tả ra cho các bạn xem.

Từng Điêu Lợi Thiên đây, cũng kêu là từng Tam Thập Tam Thiên, vì cõi này có 33 từng Trời, danh hiệu đều khác nhau. Từng Hỷ Kiến Thiên ở giữa là chỗ vua Đế Thích ngự. Đông, Tây, Nam, Bắc, mỗi hường đều có 8 từng khác nhau, cọng lại là 32 từng, hiệp với từng Hỷ Kiến là 33, đều chung phần vua Đế Thích thống ngự. Ba mươi hai từng kia là : 1. Thiện Pháp Đường Thiên, 2. Sơn Phong Thiên, 3. Sơn Đảnh Thiên, 4. Bát Hoằng Tha Thiên, 5. Cu Tra Thiên, 6. Tạp Điện Thiên, 7. Hoan Hỷ Viên Thiên, 8. Quan Minh Thiên, 9. Ba Lợi Gia Đa Thiên, 10. Ly Hiểm Ngạn Thiên, 11. Cốc Nhai Ngạn Thiên, 12. Ma Ni Tàng Thiên, 13. Thi Hành Thiên, 14. Kim Điện Thiên, 15. Mạng Hình Thiên, 16. Nhu Nhuyển Thiên, 17. Tạp Trang Nghiêm Thiên, 18. Như Ý Thiên, 19. Vi Tế Hành Thiên, 20. Ca Âm Hỷ Lạc Thiên, 21. Oai Đức Luân Thiên, 22. Nhựt Hành Thiên, 23. Diêm Ma Na Sa La Thiên, 24. Liêng Hành Thiêng, 25. Ảnh Chiếu Thiên, 26. Tri Huệ Hành Thiên, 27. Chúng Phân Thiên, 28. Mạng Đà La Thiêng, 29. Thượng Hành Thiên, 30. Oai Đức Nhan Thiên, 31. Oai Đức Diệm Luân Quan Thiên, 32. Thanh Tịnh Thiên, hiệp với Hỷ Kiến Thiên là 33 từng Trời nơi cõi Điêu Lợi Thiên. (Phận sự hành vi của 33 cõi Trời này, xin để bài khác tôi sẻ giải tường, vì đây chẳng phải chỗ luận về việc ấy). Sự sấp đặt 33 từng Trời này khác hẳng với sự sấp đặt trong bộ Tam Tự Kinh, vì sao vậy, sau tôi sẻ giải rành thêm.

Ba – Tu dạ Ma Thiên (Yama hay là Suyama) cũng có chỗ kêu là Diệu Thiện Thiên.

Chữ Tu nghĩa là Khéo, Hay, Giỏi, Tốt. Chữ Dạ Ma nghĩa là Thời Giờ. Cõi Trời này khác hẳn với cõi trời Điêu Lợi Thiên. Nơi cõi này không sáng, không tối, không ngày không đêm, như ở cõi thứ nhì hay là cõi Trần vậy, vì ở đây mặt nhựt không soi thấu đến. Cõi này vẫn sáng sủa tươi tốt hoài, ngày như đêm, đêm như ngày, không phân biệt chi hết, người ở đó vẫn coi cái Thức Hoa nở hay là Hoa khép lại, đặng chia thời giờ mà thôi. Đã không phải là thời giờ của thế gian nữa nên gọi là Tu Dạ Ma, nghĩa là Thời giờ rất khéo rất đẹp rất tốt, tùy theo Thức Hoa đóng hay mở. Cõi này là cõi Trời thứ ba đó, tùy theo thời giờ của các thứ hoa mà vui vẻ, nên cũng gọi là cõi tùy theo thời giờ mà chia ra sự khái lạc.

Bốn – Đâu Suất Thiên (Tusita)

Trước khi vào giải cung thứ tư này, tôi xin giải sơ lược qua chút ít về phần cõi Dục, vì cõi Trời này còn thuộc về cõi Lục Dục, nên người ở cõi này cũng còn Tham Dục vậy, mà Dục nó có sáu phần, nên gọi là Lục Dục. mà Thích Ca Bồ Tát trước khi giáng thế kỳ chót đặng làm Phật, thì Ngài vẫn ở tại cõi này. Vì vậy nên cõi này đây, tôi phải để tâm mà giải rành hơn các cõi khác một chút cho đọc giả để ý vào mà nghĩ kỷ xét chính.

Dục nó có sáu phần, ở trong thân thể con người, ai ai cũng đều không khỏi bị nó phá hại làm cho mất phần thiêng liêng, làm cho phải sanh ra nhiều ít nghiệp khổ, làm cho phải quyến luyến trần duyên hoài. Lục dục (6 sự muốn) là :

1. Sắc dục : Thấy các màu như đỏ đen xanh trắng v.v. hoặc là sắc đẹp của con trai con gái mà sanh lòng ưa mến ;

2. Hình mạo dục : Thấy dụng mạo hình dáng người xinh đẹp mà thèm ngó ;

3. Oai nghi tư thới dục : Thấy nết đi tướng đứng yểu điệu hoặc là bộ tịch kiều mị, hoặc cười liếc có duyên của người mà sanh lòng mến triếu ;

4. Ngữ ngôn âm thinh dục: Nghe lời nói diệu dàng đầm thấm êm ái bùi tai khoái ý, hoặc là nghe những tiếng ca hát thâm trầm tao nhã mà sanh lòng yêu chuộng ;

5. Tế hượt dục : Để tâm nơi các món thân thể của người, như nước da mịnh màng, da thịt mát mẻ, tay chơn mềm diệu v.v. mà sanh lòng mê luyến ;

6. Nhơn tướng dục : Thấy nhơn tướng cốt cách của người điềm đạm chửng chàng mà sanh lòng tham muốn.

Xét trong sáu phần này, thì chúng ta thấy rõ cái Nghiệp của lòng Dục gây ra bởi sự Thấy hết năm, còn sự Nghe có một ; vậy ta hảy xét lại coi sự Nghe và sự Thấy ấy Gốc nó bởi đâu ? Mỗi việc chi cũng đều phải có Gốc mới sanh ra. Vậy Sáu phần Tham Muốn đây nó cũng có Sáu chỗ Gốc của nó mới sanh ra. Sáu chỗ Gốc ấy gọi là Lục Căn, là Nhản (con mắt), Nhỉ (lổ tai) , Tỷ (lổ mủi), Thiệt (cái lưởi), Thân (thân thể) và Ý (tâm ý). Bởi Lục Căn đây nên mới sanh ra Lục Cảnh (sáu cảnh) là : Sắc (sắc đẹp), Thinh (tiếng nói), Hương (mùi thơm), Vị (mùi ngon), Xúc (sự đá động), Pháp (sự bắt chước). Lục Cảnh đây cũng gọi là Lục Trần.

(Cái nghiệp của con người hảy còn nhiều nữa, chẳng phải tại Lục Dục, Lục Căn, Lục Trần đây mà thôi, song nơi đây vì tôi muốn giải rõ chỗ Dục Giái là chỗ chứa Lục Dục, nên phải nói sơ một đôi chỗ gốc rễ sự tội lổi của sự Dục bởi đâu mà sanh, phòng biết nơi biết chốn đặng kiếm phương thế mà chừa mà bỏ. Sau tôi có dịp tôi sẻ kễ thêm, vì đoạn này chẳng phải chánh mục đích để giải đủ các cảnh ấy, e nói nhiều lạc đề.)

Sắc, Tinh, Hương, Vị, Xúc, Pháp, đã gọi rằng Lục Cảnh hay là Lục Trân, nhưng mà nó cũng thuộc về sự tham muốn nên mới có sanh ra những cảnh ấy, nên nó cũng gọi là Luc Dục nữa.

Đây nói qua cõi Đâu Suất Thiên, nên trong Lục Dục ấy, phải bớt cảnh Pháp (bắt chước) chỉ nói năm cảnh kia là Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc mà thôi. Vì nơi Đâu Suất Thiên không có cảnh Pháp. Năm cảnh kia gọi là Ngũ Cảnh hay là Ngũ Dục hoặc là Ngũ Trần (năm cảnh sanh ra bởi lòng ham muốn của cỏi hồng trần). Đã biết năm cảnh nầy nó là cái Cảnh mà thôi, nó có biết Tham Muốn là cái gì ! Song bị lấy nó, khiến người phàm phu phải mê luyến lấy nó mà sanh ra lòng Tham Muốn, nên mới gọi nó là Dục. Còn phần nó tuy gọi rằng là cái Cảnh, nhưng nó là Vật làm cho người nhơ bợn Chơn Lý, ô uế cả Lương Tâm, nên phải gọi cảnh của nó là Cảnh Trần (cảnh bụi bậm). Kinh Phật luận Năm điều Dục này làm hại người rất lớn, có than một đoạn như vầy : « Thương thay cho chúng sanh, hằng bị năm phần Tham Muốn nó làm cho trong lòng tức giận, rồi hóa ra rầu buồn, biết vậy, mà sao cứ theo kiếm nó hoài không chịu thôi. Năm phần Tham Muốn này, nếu được nó cho được mạnh mẽ mau chóng chừng nào, thì khác nào như lửa đốt ghẻ chốc. Năm phần tham muốn đó, nếu có được nó là cũng không bổ ích chi hết, vì có được nó thì ví chẳng khác chi như loại chó như loại chó mà cần nhai cây đuốc vậy thôi. Năm phần tham muốn, nếu càng tranh giành nó chừng nào, thì ví chẳng khác như loài chim tranh giành cục thịt vậy thôi. Năm phần tham dục này nó đốt người, chẳng khác chi cầm ngọn đuốc cháy mà lại đi ngược gió. Năm phần tham muốn này nó hại người, ví chẳng khác như đi đường mà đạp nhầm rắn đọc. Năm phần tham muốn này nó có, không có thiệt, ví như được một món đồ chi trong lúc chiêm bao đó thôi. Năm phần tham muốn này nó không được trường cữu, ví chẳng khác đồ mượn trong giây phút. Người đời bị ngu dại nên lầm nó, mới tham muốn cho được năm phần ấy, cho đến khi chết rồi, mà cũng chẳng chịu bỏ nó đi, vì cái dại làm vậy nên mới chịu sự khỗ não đời sau không biết đâu mà lường mà đo mà tính cho được ».

Những vị ở tại cõi Đâu Suất Thiên đây, đều là những bực đã trải qua chẳng biết bao nhiêu kiếp nơi ba cõi phía dưới là cõi Tư Vương Thiên, Điêu Lợi Thiên và Tu Dạ Ma Thiên nên nào là Lục Dục hay là Ngũ Dục chi cũng đều nếm đủ rồi, biết đủ rồi, nên đã hết thèm hết muốn tới nó rồi, nhờ vậy nên trong lòng vui vẻ mà biết được rằng mình đã Đủ những sự Tham Muốn ấy rồi. Những bực được biết như vậy mà lòng không còn quyến luyến tới nó nữa, thì mới được về ở nơi cõi Đâu Suất Thiên đây.

Cõi Đâu Suất Thiên này, đã là cõi thứ tư (bắt đầu từ dưới mặt đất, bỏ cỏi Nhơn Giái, đếm lê), bỏ chót núi Tu Di Sơn lại phái dưới, nên nó là một cõi rất cao rồi, ở không không giữa trời, nên cũng gọi là Không Cư, ánh sáng của mặt nhựt không còn có ăn thua gì đến nó nữa.. Một ngày một đêm (12 giờ) tại đây là 400 năm ở thế hạ. Một năm tại đây là 14,400 năm ở nhơn gian. Người ỡ tại cõi này sống lâu đến 4,000 tuổi. So số tuổi với thế gian, thì người đó sống tại thế hạ đến 57,600,000 tuổi (năm ức, 760 muôn tuổi).

Tôi kể năm tháng ra cho đủ như vậy, chẳng phải tôi muốn kiếm giông dài làm chi cho nhọc, song vì tôi muốn xét cho biết rõ chỗ nói rằng: Đức Thích Ca Mâu Ni thành được Phật kiếp này là nhờ Ngài tu hành đã mấy trăm ngàn kiếp trước và cũng đã đắc đạo thành được bực Bồ Tát nhiều kiếp rồi, mà trước khi giáng thế kỳ chót thì Ngài còn ở tại cõi Đâu Suất Thiên đây. Nay dùng theo con số ngày giờ năm tháng như trên đây đặng tính coi, thì thấy rõ ràng mấy ngàn kiếp trước của Ngài tu, đều là kiếp xác phàm của Ngài tại cõi Địa Cư (Nhơn Giái) mà thôi, chớ nào phải là tu ở Hư Không Cư hay là ở chỗ Tây Phương Cực Lạc Quốc nào xa đâu! Vì người ở cõi Nhơn Giái sống lâu lối 100 tuổi, mà tại Đâu Xuất Thiên 12 giờ, thì là 400 năm ở thế hạ, vậy thì 100 tuổi tại cõi phàm, nó mới có 3 giờ tại Đâu Suất Thiên mà thôi. Nói tỷ mà nghe, dầu cho người đời thượng cổ kiếp sống lâu lắm cũng lối 1000 tuổi, thì 1000 tuổi cũng mới 2 ngày rưởi ở cõi Đâu Suất Thiên, thì 4000 tuổi ở tại Đâu Suất Thiên ắc phải đầu thai tại thế hạ này hết 612,000 kiếp, (ấy là tính về một kiếp là 1000 tuổi đó). Nhưng chẳng lẻ trong 612,000 kiếp ấy mà được hễ chết giờ này chỗ này, thì cũng trong giờ nấy đi đầu thai chỗ khác liền được sao, sao cũng phải lựa chỗ và lựa ngày đặng giáng sanh chớ! Vậy thì chúng ta cũng nên cho Ngài 2 ngày rưởi ở tại Địa Cư Thiên mà tu hành theo xác phàm và 2 ngày rưởi ở tại Hư Không Thiên đặng luyện kiếp và chọn chỗ lựa ngày mà giáng sanh, vậy thì Ngài phải có mặt tại thế hạ này hết 30,000 kiếp vậy.

Xét phỏng định sơ như vậy đặng xem những lịch sử của Ngài nói những kiếp trước của Ngài, kiếp thì làm con thú này, kiếp thì là người thế kia v.v., thì những việc ấy nào có phải là huyển hoặc đâu. (Coi đến đoạn giải Ba kiếp A Tăng Kỳ nữ mới rõ thêm).

Đã nói sơ rõ cõi Đâu Suất Thiên, xin nói tiếp luôn qua hai cõi Lục Dục nữa cho trọn Sáu cõi Duc Giái.

Năm – Hóa Lạc Thiên (Nirmanarati) hoặc kêu là Lạc Biến Hóa Thiên (Nirmanarataya).

Cõi này ở trên cõi Đâu Suất Thiên một từng, ở nhầm từng thứ năm của Dục Giái. Ở đây một ngày một đêm, thì là 800 năm của cõi thế hạ. Cõi này cũng còn thuộc về Ngũ Cảnh, hay là Ngũ Trần hoặc là Ngũ Dục, vì nó thuộc Dục Giái. Song le sự Tham Dục của người ở cõi này, không phải giống như các cõi kia, nên tự nơi mình dùng sức thần thông mà hóa ra cảnh nào mình muốn thích đặng vui thì cũng được, chẵng luận hình chất chi, hay là cách nào, nên cũng gọi là cõi Hóa Tự Lạc Thiên hoặc Diệu Biến Hóa Thiên.

Sáu – Tha Hóa Tự Tại Thiên (Paramrmitsvasavartina).

Cảnh này là một cảnh khoái lạc hơn hết trong Sáu cảnh Trời nơi cõi Lục Dục ; lại là cảnh ở trên hơn hết, nên nó mới làm chủ cả năm cỏi kia. Nó muốn chơi bời thế nào cũng được thích ý tự tại, chẳng cần chi phải dùng đến những đồ phải cần dùng nơi cõi dưới, tự mình hóa hiện ra, rồi muợn những vật nơi cõi ấy thích tình đặng làm vui cho mình là đủ, nên mới gọi là Tha Hóa Tự Tại. Người ở cõi này, với người làm đầu cõi Sắc Giái là cảnh Ma Hê Thủ La Thiên đề là những bực Ma Vương làm phá hại cho Chánh Giáo đó. Đức Bồ Tát đặc đạo nơi cội Bồ Đề, cũng là bọn nó biến làm Thiên ma đến trêu ghẹo thử thách Ngài, đặng dắc Ngài đi lạc nẻo khác đó. Người chơn tu hảy ráng coi chừng, đừng khinh khi kiêu ngạo ỷ mình mà phả bị bọn này.

Sắc Giái – Rupadhata

Người nào tu hành đã trải thoát qua Sáu cõi Dục Giái nơi Lục Dục Thiên rồi, thì mới được bước qua cõi Sắc Giái này, nếm thử cho đủ, đặng trải qua cho biết nó là mấy cõi, mà cái hại của nó là thế nào, mà trừ cho được tuyệt, để Tâm cho trong sạch, mới có thể tấn hóa thêm lên được, bước vào đến bực Phật. Bồ tát lúc chưa giáng thế lần chót, chưa đầu thai vào nhà họ Thích Ca, thì Ngài vẫn còn ở nơi Đâu Suất Cung, cõi Trời thứ tư nơi Dục Giái mà thôi. Nhờ Ngài trải qua chẳng biết mấy mươi muôn kiếp tu hành trước rồi, nên Lục Trần đã đủ, song còn phải một kiếp Trần Duyên chót nữa mới rồi, mới bước vào bực Chánh Giác được. Lúc Ngài giáng thế kỳ chót ấy, chính là lúc Ngài dọn mình đặng bước qua cõi Sắc Giái đây, đặng lo rửa cho trong sạch các Sắc, mới được thành Phật đó, nếu chẳng vậy thì Ngài cũng vẫn phải còn lưu lại Đâu Suất Thiên mà thôi.

Sắc Giái này gồm có Bốn Cõi Thiền, gọi là Tứ Thiền Thiên, nhưng còn thêm một cõi thứ năm nữa, lại kêu là Tịnh Phạn Địa. Tu hành trải qua được đủ Tứ Thiền Thiên và Tịnh Phạn Địa rồi, mà đã đều được thanh tịnh rồi, mới được bước qua Vô Sắc Giái đặng trau giồi thêm cho được Thiệt Không Không. Tới được địa vị Thiệt Không Không này, mới gọi là Hoàn Toàn. Chính lúc này là lúc xác thân của Thích Ca Tất Đạt Đa phải trau giồi lắm lắm đó. Vì vậy nên lúc Phật còn ở tại Đâu Suất Thiên, thì còn gọi là Bố Tát, đến chừng trải qua được kiếp Thích Ca Tất Đạt Đa rồi, biết dọn mình trong sạch rồi, biết Thiền Định theo bốn cõi Tứ Thiền Thiên nơi Sắc Giái rồi, và vượt qua đủ được bốn cảnh Vô Sắc Giái rồi, khi ấy mới được gọi là Phật, nên mới có danh xưng Thích Ca Văn Phật đó.

Cõi Sắc Giái này gồm có Bốn cỏi Thiền Thiên và một cõi Tịnh Phạn Địa. (Muốn rõ nghĩa chữ Thiền là thể nào, xin coi nơi Mục cuốn sau tôi sẻ giải rõ, vì nó nhiều cách và nhiều bực lắm. Nơi đây tôi chỉ giải sơ qua mấy cõi Sắc Giái mà thôi, vì nơi đây chưa phải là vấn đề phải giải chữ Thiền cho kỷ, sợ e phải lạc đề).

Bốn cõi Thiền là : Sơ Thiền Thiên, Nhị Thiền Thiên, Tam Thiền Thiên, và Tứ Thiền Thiên.

a. Sơ Thiền Thiên là bực sơ đẳng của cách Tham Thiền, đặng bước vào trong bốn lớp trời. Bực này gồm có bốn lớp trời là : Phạn Thiên (Brahmakayia), Phạn Chúng Thiên (Brahmaparsadya), Phạn Phụ Thiên (Brahmapurchita), Đại Phạn Thiên (Mahabrahma).

b. Nhị Thiền Thiên nghĩa là cách Tham Thiền lớp thứ hai, đặng bước vào cõi Trời Sắc Giái. Lớp này có Ba bực là : Thiếu Quan Thiên (Parittabha), Vô Lượng Phạn Quan Thiên (Apramanabha) và Quan Âm Thiên (Abhasvara).

c. Tam Thiền Thiên nghĩa là lớp Tham Thiền thứ ba, đặng tránh khỏi sự ô uế nơi Sắc Giái. Lớp này có ba bực là : Thiếu Tịnh Thiên (Tarittasbha), Vô Lượng Tịnh Thiên (Apramanasubha), Biên Tịnh Thiên (Subhakrtsna).

d. Tứ Thiền Thiên nghĩa là lớp Tham Thiền thứ tư, đặng dứt các sự nhơ bợn xấu xa nơi cõi Sắc Giái. Lớp này có ba bực là : Vô Vân Thiên (Anabharaka), Phước Sanh Thiên (Punyaprasava), Quảng Quã Thiên (Brhatphala).

e. Đã dứt được các Sắc nơi Bốn Cõi Thiền Thiên gồm có 13 lớp rồi, còn phải dọn mình cho trong sạch yên lặng nữa, đặng bước vào Bảy cái Địa vị sau này, Bảy Địa Vị ấy đều đứng vào hạng Tịnh Phạn Địa, là : Vô Tưởng Thiên (Avrha), Vô Thiền Thiên (Atapa), Vô Nhiệt Thiên (Sudrsa), Phổ Kiến Thiên (Sudarsama), Sắc Cứu cánh Thiên (Akanistha), Hòa Âm Thiên (Agnhanistha) và Đại Tự Tại Thiên (Mahamahesvara)

Lời dặn thêm : Nếu ai đọc đến đoạn Sắc Giái này, mà không để ý cho kỷ thì tưởng rằng cõi này, cõi Đại Tự Tại Thiên này là cõi cao quí nhứt, đã vượt qua từ lớp Phan Thiên nơi cõi Sơ Thiền, đến được luôn luôn nơi lớp Đại Tự Tại Thiên là lớp thứ 7 của cõi Tịnh Phạn Địa, nghĩa là lớp trên hết cũa cõi Sắc Giái, thì chắc là mừng lắm, vì tưởng đâu nó là một cõi siêu tuyệt rồi, hay đâu nó là một cõi rất độc hại ghê gớm hơn hết. Bởi cõi này là cõi đứng đầu trên hết cả 20 cõi Sắc Giái, nên Ma Hê Thũ La Là là con Ma Vương này thường hay hiệp với con Ma Vương cai trị nơi đây, nó đủ sức quyến rù kẻ chơn tu đặng phá hại Chơn Lý. Con Ma Vương này thường hay hiệp với con Ma Vương nơi cõi thứ sáu của Dục Giái, cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên đặng biến hóa vô cùng phép lạ, mà dụ dổ kẻ tu hành làm cho phá giái, dầu cho ai chí tâm mộ Đạo bực nào, bọn nó cũng kiếm đủ cách làm cho người ấy xiêu lạc qua tả đạo bàn môn cho được, thì nó mới chịu nghe cho. Chư tôn phải nhớ rằng Thích Ca Tất Đạt Đa lúc đã ngộ Đạo rồi, thì cũng còn bị bọn này thử thách 49 ngày ; Gia Tô Cơ Đốc (Jesus Christ) kia, cũng phải bị chúng nó cám dổ 49 ngày vậy, Đến chừng thấy hai Vị này nhứt tâm theo Chơn Lý, không còn chút nào Vọng nữa, thì bọn nó mới chịu lui xa cho. Xét vậy, nên tôi phải nói qua chút ít cho chư tôn rõ cái tài lực biến hóa của bọn này mà gớm cho nó ; nên ai là người muốn thật tu, thì chớ đem chút lòng Vọng, hễ có Vọng, thì phải mắc kế bọn này, vì nó đủ sức đam cả sự giàu sang của thế gian, đặng cho ai là người theo nó, miễn là đừng theo Chơn Lý thì thôi. (Xin xem các tích của nó dụ dổ quến rù Thích Ca Tất Đạt Đa và Gia Tô Cơ Đốc, lúc hai vị này đắc Đạo thì rõ). May là hai Vị ấy đã hoàn toàn Giác Ngộ, nên mới khỏi bị bọn nó cám dổ, nếu bựa bựa mứa mứa, thì ắc phải sa ngã rồi, huống chi là ai đương thời buổi này, tu hành chưa biết dưa múi ra sao, mới vừa vừa biết ọ ẹ một hai tiếng trường trai, mới lem nhem biết thẳng lưng quì gối tưởng Phật, cùng là mới vừa biết nhóp nhép một đôi chữ Tiên Thiên Hậu Thiên, mà đã gọi là phép tắc vô cùng, di sơn đảo hải, sái đâu thành binh, đặng gạt gẩm chúng sanh, thì những người như vậy nào có đến đổi chi cho bọn Đại Tự Tại Thiên hay là bọn Tha Hóa Tự Tại Thiên phải ra tay, bọn nó chỉ dùng một đứa tiểu tốt trong hạng Nhu Nhuyễn Thiên, lòi ra một cái gót chơn, thì đủ cho những ai kia gục đầu cúi lạy sát đất, tưởng đâu là Đức Quan Âm giáng thế, hoặc là bọn nó chỉ sai một đứa trong bọn Tạ Điện Thiên lòi ra đầu chơn ngón út thì cũng đủ cho ai kai sụp mặt, chắc rằng là Quan Thánh giáng lâm rồi, thì tự nhiên chúng nó đủ sai làm trò cười cho chúng nó, mặc sức hỉ hỉ cười cười đặng gạt gẩm kẻ mù mê. Thương thay! Thương thay! Thương cho kẻ dốt nát mà vinh mặt! (Đoạn này giải rành ra còn dài lắm, xin rút bớt một khúc, nơi đây chỉ nói tóm vài lời, còn tập sau sẻ đem ra làm mục riêng giải rõ)

Vô Sắc Giái – Arupadhata

Cõi này là cõi Tứ Không Thiên (Caturupabrama-Loka).

Người được thoát qua khỏi Dục Giái và Sắc Giái rồi, mới có thể mà tu đến Bốn lớp Trời này được. Người tu hành nhập định đã được vững vàng, Tâm không còn Vọng nữa, đã thoát ra mấy cái Ma kiếp thử thách rồi, trong Tâm không còn chi là Dục là Sắc nữa, nên cái Thức nó mới định được mà Trụ vào cảnh Vô Sắc Giái này, mới thật là cảnh Trời Không Không đó, nó có Bốn cảnh, mà không phải thật là Cảnh, vì nó là Không Không :

1. Không Vô Biên Xứ - Akasanantyayatama.

2. Thức Vô Biên Xứ - Vijnananantyayatana.

3. Vô Sở Hữu Xứ - Akincanyayatana.

4. Phi Tưởng – Phi Phi Tưởng Xứ - Naivasamjnanasamjnayatana.

(Bốn cõi này giải rõ rất dài, sau tôi sẻ giải về mục Tứ Thiên và Tứ Không cho dọc giả chư tôn, ai muốn rõ cách Tham Thiền Nhập Định là thể nào, kẻo người muốn học mà vô sư vô sách, nghe lời người chỉ quàn, thường bị lủ Ma Vương phá khuấy, nên chẳng biết bao nhiêu người sai lạc Chơn Lý mà phải xiêu ngã qua tả đạo bàn môn, là vì nơi một cái Nhập Định và Tham Thiền sái cách mà ra vậy).


Lịch Sử và Gia Phổ họ Thích Ca (Sakya)

Thích là họ của Phật Thế Tôn. Lúc Pháp nhà Phật mới đến Trung Quốc, kẻ sải còn xưng hô theo họ của mình, hoặc xưng hô là Trúc, hoặc kẻ đệ tử nhiều người xưng hô theo họ của thầy mình, như sải Chi Độn gốc là họ Quang, mà học Đạo với sải Chi Khiêm, nên cũng xưng hô mình là họ Chi; sải Bạch Đạo Du gốc là họ Phùng, mà học Đạo với sải Bạch Thi Lê Mật Đa nên xưng mình là họ Bạch v.v… Đến trào Tấn, người Đạo An định lại rằng: Phật vốn là họ Thích Ca, nên hễ ai vào cửa nhà Phật thì phải tùng theo họ của Phật, nên dùng họ Thích. Kịp đến lúc sau, có người đem kinh A Xá về Trung Quốc, thì trong kinh quả có dạy như vầy, nên thiên hạ phải tùng theo. Trong kinh A Xá dạy rằng : « Tứ Đại hà nhập hải, diệc vô bổn danh tự, đăng danh vi hải, thữ diệc như thì », nghĩa là: Nước bốn sông lớn chảy về biển, thì nước ấy cũng không phân biệt tên là nước của con sông nào, chỉnh đồng một mùi mặn với nước biển nên kêu là Biển, thì nay ai vào cửa Phật cũng vậy.

Pháp nhà Phật vào Trung Quốc có bốn giống là: Xái Lợi, Bà La Môn, Trưởng Giả, Cư Sỉ. Hễ người nào xuất gia học Đạo theo Như Lai thì cạo tóc râu, mặc ba bộ Pháp Y, không còn xưng hô họ gốc của mình nữa, chính kêu là đệ tử của Thầy Sa Môn Thích Ca mà thôi; vậy nên các bực Ty Kheo, các bục trong bốn giống đều cạo tóc râu để chứng rằng mình có đức tin, vững bền việc xuất gia mà học Đạo, thì phải diệt tên họ của mình, mà xưng rằng là « Thích Ca Đệ Tử », Đức Huệ Năng Đại Sư cũng xưng như vậy, nên lúc Ngài dưng sớ về Trào cho vua Cao Tông nhà Đường đặng Ngài từ chức, vỉ trong mình có bịnh, thì trong sớ Ngài có câu như vầy: « Triều Châu, tào Khê Sơn, Thích Ca Huệ Năng từ tật biểu » nghĩa là: xứ Triều Châu, núi Tào Khe, họ Thích Ca tên Huệ Năng dưng biểu từ chức vì có bịnh.

Sư Tăng Hựu có làm tập gia phổ của họ Thích Ca, biên rằng: Người con thứ tư của vua Ý Ma bị đày đến Tuyết Sơn, ở trong rừng Trực Thọ; khi người con thứ tư đẻ được một đứa con, thì vua rất mừng và nói rắng: đứa con này thiệt là đứa con Thích, nên nó mới được tự mình còn mà tự lập, nên đặt nó rằng họ Thích.

Giải nghĩa: Tiếng Thích nghĩa là Hay, Giỏi. Cũng có nghĩa rằng: Ở trong rừng Trực Thọ nên kêu rằng là Thích, vì tiếng Phạn kêu Trực cũng là Thích.

Cũng có sách nói rằng: Nước vua Ý Ma có cây đại thọ tên là cây Thích Ca rất xanh tốt, dìm dà; có thầy tướng nói rằng: Chỗ này sanh ra vị Quốc Vương, vì vậy nên vua Ý Ma đem người con thứ tư đến đó ở. Nhơn đó nên đặt tên giống là họ Thích.

Người Tiền Mục Ông giải rằng: Họ Thích là giống Xái Lợi. Ấy là giòng giống của vị đế vương, mà trong ấy có họ Thích rất sang trọng hơn hết, cai trị nước Trung Thiên Trúc, ở cã đô hội của bốn nước Thiên Trúc, người nào đi ra bốn phương mà ở chỗ ấy, hễ làm vua thì kêu là « Tắc Vương », còn làm dân kêu là « Tắc Chưởng » vì tiếng Thích với tiếng Tắc cũng giống nhau, chớ gốc cũng là một họ.

Thích Tử - Thích Nữ (Con giống Thích)

Thích Tử nghĩa là đệ tử của Phật Thích Ca mà ra, nên kêu là Thích Tử. Có câu rằng: « Phi Sa Môn, Phi Thích Ca Tử », nghĩa là: Chẳng phải là thầy Sa Môn, thì chẳng phải là con của Thích Ca. Trong kinh Lăng Nghiêm có câu như vầy: « Nại hà Như Lai diệc độ chi hậu, thực chúng sanh nhục, danh vị Thích Tử » ? nghĩa là: ví ý chi sau khi Đức Như Lai diệc độ rồi, mà những kẻ ăn thịt chúng sanh lại gọi mình rằng con giòng họ Thích ?

Kinh A Xá có nói rằng: Phật dạy các bực Tỳ Kheo, có bốn họ xuất gia không còn dùng họ củ của mình, chỉnh kêu rằng là thầy Sa Môn, con họ Thích mà thôi, bởi vì sanh ra đời là nhờ ta mà sanh, còn nên là nhờ là nhờ Pháp mà nên, cũng như bốn cái sông lớn đều ở nơi cái Nguồn A Nậu Đạt, núi Tuyết Sơn mà chảy ra vậy.

Có 4 câu phân biệt giòng họ Thích như vầy:

« Thị Thích Tử, phi Sa Môn, nải Vương Chưởng giả », nghĩa là: thiệt con họ Tích mà chẳng phải thầy Sa Môn, ấy là giòng nhà vua vậy.

« Thị Sa Môn, phi Thích Tử, Bà La Môn giã », nghĩa là: thiệt là thầy Sa Môn mà chẳng phải thiệt con giòng họ Thích, là Bà La Môn vậy.

« Thị Sa Môn, thị Thích Tử, Tỳ Kheo giả », nghĩa là: thiệt là thầy Sa Môn, mà thiệt là con giòng họ Thích, là bực Tỳ Kheo vậy.

« Phi Sa Môn, phi Thích Tử, nhị tiện tánh giả », nghĩa là: chẳng phải thầy Sa Môn, chẳng phải con giòng họ Thích, thì là hai họ đê tiện vậy, chữ phạn kêu là Sakyaputriya.

Thích Nữ: Thích Nữ cũng như Thích Tử vậy, nghĩa là giòng họ Thích, mà đều phe đờn bà, con gái.

Thích Môn:

Thích Môn nghĩa là Cửa của Thích Giáo. Chữ Môn nghĩa là chỗ thông vào, mà cũng có nghĩa là Sai Biệt, vì chúng sanh nào có duyên mà thông vào được, nên kêu là « Môn », mà cũng sai biệt hơn các Giáo khác, nên kêu là « Môn ».

Thích Đế:

Thích Đế là vị vua cai trị cõi trời thứ 33, là ông Thích La, nên kêu là Thích Đế, thường kêu rằng là Đế Thích ở cung Thiện Kiến.

Thích Ca (Sakya) là nói tắc Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni)

Thích Ca Mâu Ni là con vua nước Tịnh Phan Vương (Suddhoddana thuộc Nepal ngày nay), ở thành Ca Tỳ la (Kapilavastu), mẹ tên la Ma Dà (Maya), tên kêu là Tất Đa Thái Tử, đẻ ở nơi phương đông thành Ca Tỳ La, vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini). Đẻ rồi 7 ngày thì mẹ chết, người dì tên là Ba Đồ Ba Đề nuôi. Thầy Bạt Đà La Ni (Bharani) dạy. Lúc tuổi trẻ, đối với những hiện tượng của nhơn sanh thì đã có chỗ suy xét rồi (tư duy – SamyaSankalpa), nên hoặc khi ở dưới gốc cây Diệm Phú thì suy xét sự Khỗ của kẻ canh nông, hoặc thấy các loài cầm thú ăn thịt nhau mà nhàm cuộc nhơn sanh hay trang đấu, lại có khi dạo chơi trên bốn cửa thành, thấy cái tướng của kẻ sanh lão bịnh tữ mà nhàm , nên có ý trốn đời, bèn nương đêm trăng biểu tên hầu mình tên Sa Mặc là bạn với mình, cởi ngựa trắng tên Kiển Trắc đặng xuất gia tìm đến ông Bạ Ca Bà (Bhargava) mà nghe cái Đạo khỗ hạnh xuất ly, lại hỏi kiếm ông A Lam Ca Lam nơi nước Ma Yết Đà, phía bắc thành Vương Xá, núi Di Lầu (Meru) đặng nghe phái sải Tăng Khư thuyết pháp, rồi lại trở qua mà hỏi rõ Đạo với Quốc Đà La Tiên (Udraka). Trải qua mấy chỗ ấy đều chẳng đặng giống cái phép mầu của Ngài muốn kiếm, Ngài bèn bỏ vào làng Ưu Lâu Tần La, rừng Khỗ hạnh sửa mình một cách rất nghiêm khỗ trong 6 năm, hình dung ốm o gầy mòn, trải những sự khỗ rất gắt gao. Kế đó Ngài lấy làm sự khỗ hạnh này chẳng phải Đạo giải thoát đặng đến Niết Bàn, nên Ngài quyết định đổi sự hành vi những ngày trước, bèn đi tấm nơi sông Ni Liên Thuyền đặng rữa sạch bụi bậm đống dơ trong mình, chịu ăn cháo sữa của một người thôn nữ dưng, bèn ngồi nơi núi Chánh Giác, dưới gốc cây Bồ Đề mà suy xét, nói rằng: « Chẳng đặng bực Chánh Giác thì chẳng đứng dậy chỗ này ». Ngài xem cái phép Tứ Diệu Đề và Thập Nhị Nhơn Duyên, nhờ vậy mà thành bực Giác giả (Bouddha) Thế Tôn (Lokajestha) làm thầy được bực nhơn thiên. Thuở ấy Ngài được 35 tuổi. Từ ấy nhẩn sau, trên bốn mươi ngoài năm, Ngài du lịch bốn phương, dạy dổ các chủng loại. Qua đến năm kỷ ngươn 487 năm, thì Ngài Nhập Niết Bàn, nơi ngoài thành Câu Thi, dưới hai gốc cây Sa La, gói bằng những bông thơm trắng.

Cù Đàm (Gautama)

Cù Đàm là họ Phật từ đời Cổ Lai đến giờ, hoặc kêu là Cồ Đàm, Kiều Đáp Ma, dều là giòng giống họ Thích. Họ Thích có năm chưởng tộc kêu là : Cù Đàm, Cam Gia, Nhựt Chưởng, Thích Ca, xá Di.

Xét sự họ Thích Ca có nhiều tên như vậy, thì có nhiều lý thuyết như sau này:

Sách Thập Nhị Du Kinh xét cái nhân duyên của Cù Đàm và Xá Di, nói rằng : Sải Phạn Chí Cù Đàm là học trò của họ Cù đàm, người đời kêu rằng là Tiểu Cù Đàm, bị giặc giết nơi vườn Cam Giá hay là Cam Giá Quả, ông thầy hay được, bèn dùng thây của Tiểu Cù Đàm trộn với bùn, chia ra làm hai cục, niệm chú 10 tháng, thành hình ra một trai và một gái, bèn đặc họ là Cù Đàm, tên là Xá Di.

Kinh Phật Bổ Hạnh nói rằng: Người ông 6 đời của vua Tịnh Phạn, bị người bắn chết, mà từ trong khối máu mọc ra hai mục mía ngọt (cam giá), rồi hóa ra một trai một gái, nên lấy, nên lấy Cam Giá làm họ, biệt xưng là Nhựt Chưởng. Người con thứ tư họ này dời qua phía bắc mà ở, thủ xướng ra làm họ Thích Ca, biệt xưng rằng là Xá Di. Phật Như Lai là giòng rốt của giòng vua họ Cam Giá (Iksvaku). Cồ Đàm là họ giòng Thích Ca (Sakya) ở trong giòng Nhựt Chưởng (Suryavainsa). Họ Xá Di (Saki) là danh từ của tánh nết giòng Thích Ca như nhà Nho kêu là Thuần thục vậy.

Cù Đàm Di (Gautami)

Cũng kêu là Cù Đàm Di, Kiều Đàm Di, Kiều Đáp Di, những tiếng này đều là thinh âm của người gái kêu họ Cù Đàm. Trong kinh nói rằng mấy tiếng này đều là cái biệt hiệu của người Dì Phật Như Lai. Người Dì này tên là Ma Ha Ba Đồ Ba Đề, người ta lấy họ mà kêu, nên kêu rằng Cù Đàm Di, còn Phật Như Lai kêu dì bằng Kiề Đảm Di.

Họ Thích Ca (Sakya Muni)

Cũng kêu là Thích Ca Văn, Thích Ca Văn Ni, Thích Ca là họ vậy, là một cánh họ của giống Xái Đế Lợi, gốc kêu là họ Cù Đàm, sau chia họ mà xưng là họ Thích Ca, họ này cọng có 5 tên khác nhau. Chữ Thích Ca, Tàu dịch rằng “Năng” nghĩa là “Hay”. Có câu “Năng giả, Năng lực dả”, nghiã là Năng ấy là cái Năng lực vậy, hay là chữ Hay là Sức Hay vậy.

Kinh Huệ Huyển giải rằng: “Trong giòng Thích Ca, người nào có danh dự trọng vọng, thì kêu là Thích Ca Năng”.

Tên Mâu Ni cũng kêu là Văn Ni, Tàu dịch rằng là Tịch Mịch, cũng dịch là Nhơn (thương), Nhẩn (nhịn), Măng (đầy đủ), Nho (người học hay, lời nói hay, làm cho người yêu, hay làm cho người phục). Đã bỏ được cái lổi của ba nghiệp: Thân, Khẩu, Ý, mà yên lặng vắng vẻ vậy, ấy là chứng hiệu tôn xưng đức hạnh bề trong và bề ngoài của các bực Thánh vậy.

Mâu Ni (Muni):

Kinh « Đại Nhựt » giải rằng : Tiếng Mâu Ni là tiếng để giành kêu chung các vị Phật. Tàu dịch rắng Tịch (lặn lẻ), cũng gọi rằng Tịch Mịch. Tịch Mịch có hai nghĩa : một nghĩa lấy theo sự tích mà nói và một nghĩa xét theo lý mà nói.

Lấy theo sự tích mà xét, thì lúc Thái tử Tất Đạt Đa mới vào đầu thai nơi thành Tỳ La, thì khiến các con giòng họ Tích đều nín lặng không nói, nên Vua Cha phụ thêm cho kêu thêm hai tiếng Mâu Ni ; còn từ lúc xuất gia nhẩn sau thì thường trau giồi nết Nhà Thiền nên lặn lẻ không nói chuyện, bởi cớ ấy nên người đương thời cho hiệu là Mâu Ni Tiên, Mâu Ni là cái Tôn hiệu để kêu chung cho những người học Đạo mà nín lặn, ngăn đứt được ba cái nghiệp : Thân, Khẩu, Ý.

Kinh « Tỳ Nại Gia » có biên rằng : Thuở ấy Đức Bồ Tát ngồi xe báu, thì có trăm ngàn vị Nhơn thiên hộ đưa Ngài vào đầu thai nơi thành Tỳ La ; đương đời ấy, các con cái giòng họ Thích Ca tánh ý hay kiêu ngạo lẳn lơ, hay nói nhiều lời, mà đến lúc Bồ Tát vào thành đầu thai rồi, thì các vị vương tử ấy đều nín lặn không nói như bực Mâu Ni ; Vua Cha thấy vậy mới nói với các tôi rằng : Mấy đứa Thich Ca tử tự lâu nay tánh ưa nói và hay lẳn lơ, kiêu ngạo, ngày nay Thái Tử nhập kiếp rồi thì chúng nó đều nín lặn không nói như vị Mâu Ni, vậy thì nên đặt tên cho Thái Tử là Thích Ca Mâu Ni.

Kinh « Phật Bổn Hành » nói rằng : Lúc Bồ Tát đi đường, hay bước chậm đặng xem xét nghỉ ngơi, nếu có ai hỏi việc chi, thì Ngài nín lặn mà chẳng trả lời. nhơn dân thấy vậy mới nói với nhau rằng : « Ông Tiên này chắc là con giòng giống họ Thích », nên đặt tên riêng kêu ông là Thích Ca Mâu Ni.

Lấy theo Lý mà xét, thì hai tiếng Mâu Ni ấy nghĩa là lặn lẻ, thanh tịnh, ba nghiệp Thân, Khẩu, Ý đều tịch mịch, nên kêu là Mâu Ni, thì chỗ Phật chứng quả cũng đồng với các vị Thánh Nhơn bực Tam Thừa, đều là tịch mịch hết thãy, nên nương đó mà kêu Phật là Mâu Ni, vì tiếng đó để dành kêu các vị Phật và các vị A La Hán.

Kinh « Duy Thức Luận » nói rằng : « Ai không học cái nghiệp Thân Ngữ thì kêu là Thân Ngữ Mâu Ni ». Lấy đó mà xét thì biết ý nghĩa chữ Mâu Ni là người không học, nếu giải vậy thì cớ sao Dức Mâu Ni không học mà thành Phật ? Là vì hễ người đã đến bực A La Hán rồi thì đã được thiệt bực Mâu Ni rồi, các việc phiền nảo đều đã dứt hết rồi, không cần phải học với ai nữa mới gọi là Phật.

Kinh « Đại Nhựt Sớ » giải rằng : « Mâu Ni ấy là nghĩa tịch mịch, chỉ rằng cái Thân, Ngữ, Tâm của Phật cứu cánh đều tịch diệt, qua khỏi địa vị ngôn ngữ rồi, chớ khá lấy sự tiểu tịch diệt của các bực Nhị Thừa mà làm ví dụ, nên kêu Phật là Đại Mâu Ni ».

Kinh « Đồng Thập Nhị » luận rằng : Mâu Ni nghĩa là tịch mịch vậy. Hễ cái chỗ Tường Tịch thì nó Vị, Diệu, Tịch, Tuyệt, U, Thâm, Huyền, Viển, chẳng biết dùng lời nói chi mà giải nghĩa cho rõ hết được, cái Pháp giái như vậy là cái Pháp Tich Nhiêu Đại Diệt Độ chỉnh có Phật là một người cứu cánh được thanh tịnh như vậy, nên kêu là Mâu Ni.

Kinh « Đồng Thập Tam » nói rằng : Hai chữ Mâu Ni là cái hiệu chung của Phật vậy. Trung Quốc dịch là Tịch, nghãi là Tịch được các sự phiền nảo, tịch được các sự sanh tữ, nên được về ở chỗ Đại Niết Bàn ; khi ở cõi Tam Giái thì tịch được các lời luận xàm, đặng chứng rõ Chơn Lý vậy.

Thích Ca Phát Tâm

Kinh « Trí Độ » nói rằng : Trước ba kỳ A Tăng kỳ kiếp, có vị Phật kêu là Thích Ca Mâu Ni ; Đức Thế Tôn gặp được vị Phật này mà phát tâm và nguyện rằng xin y theo y theo vị Phật đó đặng làm Phật ; ấy là lời phát tâm trước hết của Thế Tôn vậy, nên nay Thế Tôn cũng được y như lời nguyện đó, được làm Thích Ca Mâu Ni, những công việc của Thế Tôn đi hành hóa cũng đồng ý như vị Phật kia vậy.

Kinh « Câu Xá » nói rằng : Đức Thế Tôn ta xưa kia là một vị Bồ Tát, thuở ban đầu trước hết, có gặp một vị Phật tên Thích Ca Mâu Ni, bèn đứng trước vị Phậy ấy phát lời hoằn thệ nguyện rằng : « Tôi xin ba lần làm Phật như Phật Thế Tôn này vậy » Vị Phật kia cũng chứng rằng : « Đến chừng mạc kiếp rồi sẻ ra đời, lúc tịch diêc sẻ ở lại mà sửa Pháp ngàn năm », nên Thế Tôn ta cũng nhứt nhứt đồng với vị Phật kia vậy.

Kinh « Pháp Hoa » nói rằng : Xưa kia, lúc kiếp quá khứ, đã lâu lắm rồi, có một vị Phật tên là Đại Thống Tri Thắng Như Lai, vị Phật này lúc chưa xuất gia thì có 16 người con, đến sau cũng đếu xuất gia làm bực Sa Di hết thảy, những người này đều nghe kinh Pháp Hoa mà được thành Phật. Người con thứ 10 ấy là Đức Thích Ca Như Lai ngày nay vậy. Nhưng mà trong kinh có nói rằng : Thuở ấy Như Lai đã từng dưng nuôi cho trăm ngàn muôn ức vị Phật đặng tịnh tu nết Phạn, mà tìm bực A Nậu Đa La Tam Mạo Tam Bồ Đề, thì lúc này chẳng phải là lúc của Ngài phát tâm ban đầu vậy.

Kinh « Bí Hoa » thì nói rằng: Thuở xưa lúc vua Vô Tránh Niệm trị nước San Đề Lam, người Bữu Hải Phạn Chí có một người con xuất gia học Đạo thành được vị Bữu Tạng Như Lai. Người Bữu Hải Phạn Chí cũng có xin vua cùng ngàn con của vua với nhiều người khác nữa đều phát tâm một lược đặng tu hành, trong số này đều nghe lời theo và nguyện xin về nơi chỗ Thinh Tịnh Phật Quốc, song có một ngàn đệ tử và năm người thệ giả lại nguyện xin về nơi thế giái ô trược. Rồi sau lại người Phạn Chí cũng phát 500 lời đại nguyện xin đế nơi thế giái ô trược. Phạn Chí đó là Thích Ca ngày nay vậy. Ấy là người bực thứ tư trong bực Phật Hiển Kiếp vậy; nhưng mà đây chỉnh ghi lúc một lần hóa kiếp của vị Hiển Kiếp Hóa Thân mà thôi.

Phẩm kinh « Thọ Lượng trong Phá Hoa » biên rằng: Ngôi Báo Thân của Đức Thế Tôn đã thành Đạo lúc quá khứ lâu lắm rồi.

Kinh « Phạm Vỏng » biên rằng: Ngôi Hóa Thân của Thế Tôn qua lại nơi cỏi Ta bà thế giái này đã 8,000 lần rồi.

Sự Tu Hành trong ba kiếp A Tăng Kỳ của Thích Ca:

Kinh “Trí Độ Luận” nói: Đức Bồ Tát hễ qua khỏi một kiếp A Tăng Kỳ rồi thì cũng trở lại một kiếp khác nữa. Kiếp A Tăng Kỳ đầu bài, trong lòng Bồ Tát chưa biết rằng mình đã được làm Phật hay chưa được làm Phật, qua đến kiếp A Tăng Kỳ thứ nhì, thì Bồ Tát trong lòng biết mình sẻ được làm Phật, tuy Ngài chưa nói rằng mình sẻ được làm Phật, nhưng Ngài đã rõ ràng biết mình sẻ được làm Phật, nên Ngài bèn phát ra lời nói không chỗ sợ sệt rằng: Ta qua đời sau sẻ được làm Phật là Thích Ca Văn Phật.

Từ đời quá khứ của Thích Ca Văn Phật đến đời Kế Na Thi Khí Phật, kêu là kiếp A Tăng Kỳ thứ nhứt, lúc ấy Bô Tát đã bỏ dứt Nhơn Thân cô gái rồi. Từ kiếp Kế Na Thi Khí Phật đến kiếp Nhiên Đăng Phật, là kiếp A Tăng Kỳ thứ nhì, lúc đó là lúc Bồ Tát dùng 7 cọng Sen xanh cúng dưởng Phật Nhiên Đăng, Ngài mặc áo da hưu, bỏ tóc xã, trây bùn. Lúc ấy Phật Nhiên Đăng thọ ký cho Ngài rằng: Ngươi đời sau sẻ làm Phật tên là Thích Ca Mâu Ni. Từ kiếp Phật Nhiên Đăng đến kiếp Phật Tỳ bà Thi, là kiếp A Tăng Kỳ thứ ba, qua kiếp thứ ba rồi, thì Ngài đã trồng được cái Nhân Duyên 32 Tướng Nghiệp.

Kinh “Câu Xá” luận rằng: Trước lúc Bồ tát phát tâm thì Ngài đã gặp một vị Phật tên là Thích ca Mâu Ni, từ khi gặp này nhẩn sau, thì Ngài đã cúng đường thêm 7 muôn 5 ngàn vị Phật nữa, vị Phật của Ngài cúng đường chót là Bữu Khiết Phật, cũng kêu là Kế Na Thi Khí Phật, ấy là mảng một kiếp A Tăng Kỳ thứ nhứt. Kế đó Ngài cúng đường thêm được 7 muôn 6 ngàn vị Phật nữa, vị Phật chót tên là Phật Nhiên Đăng, ấy là mảng kiếp A Tăng Kỳ thứ nhì. Từ đây, Ngài lại cúng đường thêm được 7 muôn 7 ngàn vị Phật nữa, vị Phập của Ngài gặp chót hết tên là Thắng Quang Phật, cũng kêu là Tỳ Bà Thi Phật, ấy là mảng kiếp A Tăng Kỳ thứ ba. Từ đây nhẩn sau, thì phái Tiểu Thừa xét trong 32 cái Nhân Duyên Tướng Nghiệp của Ngài mà giải ra sự 100 kiếp tu của Ngài.

Muốn biết một A Tăng Kỳ kiếp là bao nhiêu năm thì viết số ra 1 con zéro đứng trước, kế đó 60 con zéros, tiếng phạn kêu là Asainkhya.

Thích Ca nhờ Mật Giáo mà thành Phật:

Ngài đã làm hết thảy các việc phải đáng làm, nên được đến địa vị Bồ tát, rồi lại đã nương theo phép Hiển Giáo (dạy trống) mà tu hành, tới được nơi cảnh Sắc Cứu Cảnh Thiên, ngồi nơi kim cang bữu tọa, mà chứng được quả Vô Thượng Bồ Đế. Ngài ngồi nơi trên không gian mà suy xét đặng làm Phật quả cho viên mảng, nhưng mà Ngài chưa thay được cái bổn tánh của tự tâm. Vì vậy mà các vị Phật khắp trên Không Gian mới nhóm lại, thức tỉnh Ngài, cho Ngài biết phải bắt đầuThiền Định và trao cho Ngài cách Ngũ Tướng Quan Mô, bảo học đặng làm Phật quả Ngũ Trí viên mảng mới được.

Tuổi của Thích Ca xuất Gia:

Việc này có hai lời nói khác nhau:

Kinh “Trung A Xá”, kinh “Tăng Nhứt A Xá”, kinh “Đại Niết Bàn”, kinh “Bổn Hành Tập”, kinh “Lục Bộ Tạp Sư” đều nói rằng: Ngài 29 tuổi xuất gia, khỗ hạnh 6 năm đến 35 tuổi thì đắc Đạo.

Kinh “Tu Hành Bổn Khởi », kinh “Thoại Ứng Bổn Khởi”, kinh “Lục Đạo Tập” đều nói rằng: Ngài 19 tuổi xuất gia, 30 tuổi đắc Đạo.

Xét hai cái thuyết này thì cái thuyết thứ nhứt có lịch sử rõ hơn nên xét được, vậy phải tùng theo cái thuyết thứ nhứt.

Các tên lạ của Thích Ca:

Kinh “Quang Nghiêm” biên rằng:Đức Văn Thù Bồ tát vưng lịnh Phật bảo chư đệ tử rằng: Như Lai khắp bốn cõi ta bà thế giái này cứu độ chúng sanh, hoặc xưng rằng Nhứt Thiết Nghĩa Thành, hoặc xưng Viên Mảng Nguyệt, hoặc xưng Sư Tử Hẩu, hoặc xưng Thích Ca Mâu Ni, hoặc xưng Đệ Thất Tiên, hoặc xưng Tỳ Lư Dà Na, hoặc xưng Cổ Đàm, hoặc xưng Đại Sa Môn, hoặc xưng Đạo Sư. Ngài xưng như vậy trót ngàn ngoài tên, bảo chúng sanh ráng xét mà thừa nhận.

Bốn người hầu của Thích Ca là:

Văn Thù Bồ Tát, Phổ Hiền, Ca Diếp, A Nan.

Thích Ca Vô Sư:

Hoặc có người hỏi Phật: Thầy Phật là ai? Phật đáp rằng: “Ta đã không thầy, mà cũng không có bạn. Một người nào không có lổi lầm, dầu lạnh cũng ấm lại được. Những vị Phật đã thành rồi lúc trước đều là người không có Đạo mà thành Đạo được, là vì mình Tự Ngộ được nhứt thiết Pháp. Hễ lúc mình còn gây cái Nhơn, thì mình phải nhờ vị Sư Bảo chỉ dắt; đến lúc Nhân viên Quả mảng rồi, thì tự mình Ngộ lấy mình.” Người ấy hỏi thêm nữa rằng: cái vị Phật đầu bài trước hết, số một đó, có thầy hay không? Ngài đáp rằng: “Không có Thầy, chỉnh xét cái huyền diệu của Tánh Chơn Như đặng mình ung đúc mình, thì tự nhiên tự nơi mình phát ra cái linh trí mà thành được”.

Tất Đạt Đa (Siddartha):

Hay là Tất Đạt, Tất Đa, Tất Đa Án Tha. Chánh tiếng là Tát Bà Hạt Thích Tha Tất Đa (Sarvartha’siddha)

Trung Quốc dịch là: Nhứt Thiết Nghĩa Thành, nghĩa là: nhứt thiết việc nghĩa đều làm nên rồi. Ấy là tên của Phật Thích Ca thuở còn làm Thái Tử, con vua Tịnh Phạn vậy.

Kinh “Bổn Hành Tập” nói rằng: Đời nhà Tùy giải nghĩa chữ Tất Đạt Đa là Thành Lợi, nhà Hớn giải nghĩa rằng là tên hồi lúc làm Thái Tử. Đến lúc đắc Đạo, biết được cã thãy những Pháp, nên kêu rằng là Phật.

Kinh “Huệ Huyễn Âm” giải rằng: kêu cho đủ tến của Tất Đạt Đa là Tát Phược Án Tha Tất Địa. Tát Phược nghĩa là Cả Thãy vậy, Án Tha nghĩa là Việc vậy, Tất Địa nghĩa là Nên vậy, chỉ nghĩa là: Nhứt thiết những việc phải làm đều đã thành tựu rồi vậy.

Ngũ Ngũ Bá Niên (5 lần 500 năm) :

Lúc Phật sấp tịch diệt có nói tiên tri rằng : Hễ ta tịch diệt rồi, thì Pháp Giáo của ta thay đổi năm (5) kỳ, mỗi kỳ là 500 năm. Mổi kỳ thay đổi như vậy, thì những người thay đổi Pháp Giáo của ta đều có lập một cái tên riêng, đặng cho bền vững (kiên cố) cái Pháp của mình.

1. Kỳ 500 thứ nhứt kêu là « Giải Thoát Kiên Cố » vì kỳ này, Chánh Pháp của ta còn đương thạnh, nên các bực Tỳ Kheo đều còn đương theo Pháp Giáo của ta mà được Giải Thoát.

2. Kỳ 500 năm thứ nhì kêu là « Thiền Định Kiên Cố ». Bực giải thoát đã mòn mà cái Chánh Pháp Thiền Định Tam Mụi hởi còn vững vậy ; nên người nào còn nương theo đó cho vững thì đến được địa vị Giải Thoát.

3. Kỳ 500 năm thứ ba kêu là « Đa Văn Kiên Cố », vì lúc này các việc thiệt hành theo Pháp của ta đã gần suy, chỉnh còn nhiều bực Đa Văn nên còn được bền vững đặng duy trì Giáo Pháp của ta.

4. Kỳ 500 năm thứ tư kêu là « Tháp Tự Kiên Cố », vì lúc này Chánh Pháp của ta đã thiệt suy hết, nên những người yêu chuộng Pháp Giáo của ta chỉnh còn cất chùa cất tháp, gọi rằng thạnh mà thôi, nên kêu rằng là « Tháp Tự Kiên Cố ».

5. Kỳ 500 năm thứ năm kêu rằng là « Đấu Tranh Kiên Cố », vì lúc này Chánh Pháp của ta không còn chi gọi là còn nữa, người gọi rẳng dùng Chánh Pháp của ta đều lấy sự tranh đấu làm hơn. Những lời nói cùng những lời ca tụng gọi rằng là của ta đều tùy ý thêm bớt ẩn ánh đặng cho bền vững cái Giáo của mình mà tranh dành cao thấp với Giáo Lý khác nên kêu là «Đấu Tranh Kiên Cố».

Đệ tử hỏi thêm rằng: nếu như lời Tiên Tri của Phật nói vậy, thì Pháp Giáo của Phật sẻ tiêu mất hay sao ?

Phật đáp: Việc chi ở tại cõi Nhơn Thiên này đều chẳng qua khỏi luật tuần hoàn, hễ hết thạnh thì đến suy, hết loạn rồi đến trị ; Pháp Giáo của ta nơi cõi này cũng luân chuyển theo đó. Nhưng mà đến ngày mãng kỳ Đấu Tranh Kiên Cố rồi, sẻ có những vị La Hán ở nơi kỳ Đa Văn Kiên Cố trở lại lập công quả cho Pháp Giáo ta mà đam về nơi kỳ « Giải Thoát Kiên Cố » cho đặng có thể trờ về nơi Niết Bàn. (Còn tiếp)


Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới:

Triết lý Đạo Phật cho rằng:

Cả thảy nhựt nguyệt tinh tú và trái địa cầu này đây (Visible Universe with its trillions of galaxies) gọi là Một Bầu Thế Giới nhỏ (Tiểu Thế Giới).

Hiệp được 1000 thế giới nhỏ như vậy kêu là Tiểu Thiên Thế Giới (1000 cái Tiểu Thế Giới).

Hiệp lại được 1000 cái Tiểu Thiên Thế Giới lại thì kêu là Trung Thiên Thế Giới.

Hiệp lại được 1000 cái Trung Thiên Thế Giới lại thì kêu là Đại Thiên Thế Giới. Như vậy thì một cái Đại Thiên Thế Giới có được 1,000,000,000 (một tỷ) Tiểu Thế Giới vậy.

Mà toàn cả thế giới đến tới bực Tứ Thiền Thiên có được đến ba ngàn (3000) cái Đại Thiên Thế Giới. Vậy nên gọi là Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới. Cộng lại là 3,000,000,000,000 Tiểu Thế Giới hết thảy.

Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới này ở trong Tâm Phật, dùng Phật Nhãn ngó thấy được đó.

Thoại Hà Nguyễn Hữu Phùng

(1935)