Thoát vị đĩa đệm là căn bệnh rất phổ biến ở mọi lứa tuổi. Bệnh thường gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với đối sức và khả năng vận động của con người. Vậy thoát vị đĩa đệm là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và cách phòng tránh căn bệnh ra sao? hãy cùng tìm hiểu vấn đề này thông qua bài viết sau.

Thoát vị đĩa đệm là gì?

Thoát vị đĩa đệm là tình trạng phần nhân nhầy bị thoát khỏi lớp bao xơ của phần đĩa đệm. Khi phần nhân nhầy này thoát ra ngoài, chúng sẽ đi theo các vết nứt của vòng sợi và tràn sang ra bên ngoài. Từ đó gây ra sự tổn thương ở phần ống xương và rễ của dây thần kinh.

Khi phần đốt sống xếp lên các lớp đĩa đệm bị thương tổn thì sẽ gây ra sự thoát vị ở phần đĩa đệm. Thoát vị đĩa đệm còn có những tên gọi khác như vỡ đĩa đệm, trượt đĩa đệm.

Tình trạng thoát vị đĩa đệm có thể diễn ra ở một vài đĩa đệm hoặc thậm chí chỉ có một đĩa đệm bị thoát vị duy nhất. Những đối tượng dễ có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm đó là:

  • Người cao tuổi.

  • Nhân viên văn phòng, lái xe đường dài.

  • Người bị thừa cân, béo phì.

  • Người hay làm các công việc nặng nhọc như khuân vác, bê nặng.

  • Người mắc các bệnh lý về cột sống.

  • Người có chế độ ăn uống thiếu khoa học, thiếu chất.

Nguyên nhân thoát vị đĩa đệm

Theo như thông tin của phần phía trên bài viết, tình trạng thoát vị đĩa đệm xảy ra khi lớp nhân đệm bị thoát ra bên ngoài. Từ đó sẽ tạo điều kiện để các chất gây nên sự kích ứng giải phóng ra bên ngoài và gây nên các cơn đau cục bộ. Thậm chí còn khiến cho các dây thần kinh bị chèn ép dữ dội.

Thực chất, khi các đĩa đệm bị mài mòn theo thời gian, tình trạng thoát vị chắc chắn sẽ xảy ra. Cùng với đó là yếu tố về tuổi tác khi càng về già, lớp đĩa đệm sẽ bị mất nước dần. Điều này sẽ khiến cho lượng chất nhầy ở phần đĩa đệm trở nên khô cứng và càng bị rách hơn.

Thông thường, độ tuổi hay gặp phải thoát vị đĩa đệm là từ 20 đến 50. Trong đó, nhóm người làm các công việc nặng nhọc và người già là phổ biến nhất.

Sau đây là một số yếu tố làm tăng thêm mức độ trầm trọng của căn bệnh:

  • Mang vác vật quá nặng hay thực hiện các tư thế như xoay người, ngồi không đúng tư thế.

  • Cơ thể bị béo phì, thừa cân: Khi trọng lượng cơ thể tăng cao, vùng thắt lưng sẽ phải chịu áp lực đáng kể. Đây chính là yếu tố khiến cho phần đĩa đệm bị thoát vị nặng hơn. Chính vì vậy, muốn điều trị thoát vị đĩa đệm, điều đầu tiên mà bạn nên làm đó là giảm cân nếu không may mình bị thừa cân, béo phì.

  • Do yếu tố di truyền: Các nghiên cứu đã chứng minh rằng thoái hóa và thoát vị đĩa đệm đều có khả năng di truyền giống nhau. Nếu như trong gia đình bạn có bố mẹ hoặc ông bà không may mắc phải căn bệnh này thì có khả năng cao bạn cũng sẽ bị thoát vị đĩa đệm.

  • Do đặc thù của một số nghề nghiệp: Những người hay làm những công việc nặng nhọc, phải dùng lực của cơ thể để đẩy hoặc kéo thì rất có khả năng cao bị thoát vị đĩa đệm. Ngoài ra, những tư thế được lặp lại nhiều lần cũng khiến cho vùng cột sống bị căng ra và đẩy nhanh tốc độ thoát vị.

  • Thói quen hút thuốc lá: Chất nicotin có trong thuốc lá khiến cho máu không thể lưu thông một cách bình thường đến vùng đĩa đệm của cột sống. Đây chính là lý do khiến cho tốc độ thoái hóa trở nên mạnh mẽ và nhanh hơn. Không chỉ vậy, nó còn khiến cho quá trình chữa lành vết thương bị ngăn cản. Từ đó, phần đĩa đệm sẽ mất đi tính đàn hồi và dễ bị nứt hoặc rách. Hơn thế nữa, những người mặc dù đã phẫu thuật đĩa đệm rồi vẫn có nguy cơ bị thoát vị trở lại nếu vẫn duy trì thói quen hút thuốc lá.

  • Do liên quan đến vấn đề giới tính: Khả năng mắc thoát vị đĩa đệm ở nam giới thường cao hơn nhiều lần so với nữ giới.

Triệu chứng thoát vị đĩa đệm

Tình trạng thoát vị đĩa đệm nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng vô cùng nguy hiểm. Ngay khi phát hiện những dấu hiệu của bệnh, bạn nên đến các cơ sở y tế để các chuyên gia, bác sĩ chẩn đoán và đưa ra hướng điều trị đúng đắn. Một số triệu chứng điển hình của thoát vị đĩa đệm đó là:

  • Khi bệnh mới khởi phát, người bệnh sẽ bị rối loạn cảm giác.

  • Lực ở phần tay và chân trở nên suy yếu rõ rệt.

  • Khi thực hiện các tư thế như cúi người, hắt hơi hoặc ho mạnh thì cơ thể sẽ xuất hiện các cơn đau cục bộ.

  • Ngoài ra, một số tư thế như nằm nghiêng, nằm sấp quá lâu cũng sẽ gây ra triệu chứng đau kéo dài.

  • Ở nam giới có thể xảy ra vấn đề rối loạn cương dương.

  • Tần suất các cơn đau diễn ra rất bất thường, có xu hướng tăng khi hoạt động và giảm khi nghỉ ngơi. Chân tay bỏng rát, tê nhức như có kim châm vào.

  • Nếu bạn bị thoát vị vùng thắt lưng thì các cơn đau sẽ diễn ra dữ dội ở vùng đùi, mông và lan sang cả bắp chân.

  • Khi thực hiện các động tác như khiêng vác vật quá nặng, vùng thoát vị đĩa đệm sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất và khiến cho khả năng vận động bị suy giảm rõ rệt.

  • Số ít trường hợp còn xuất hiện tình trạng tay không có cảm giác khi cầm hoặc nắm một vật bất kỳ.

  • Tay, chân bị tê bì, nhức mỏi.

  • Xuất hiện các triệu chứng của rối loạn tiểu tiện như tiểu không kiểm soát, són tiểu… Nguyên nhân là do lúc này các dây thần kinh bị chèn ép bởi nhân nhầy ở phần đĩa đệm.

  • Bắp tay và bắp chân bị teo cơ.

  • Tình trạng thoát vị đĩa đệm nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ bị đau thần kinh tọa. Lúc này, cơ thể người bệnh sẽ luôn ở trong trạng thái mệt mỏi, sức khỏe sa sút và chán ăn.

Biến chứng của thoát vị đĩa đệm

Đau các dây và rễ thần kinh

Khi các đĩa đệm bị lệch khỏi vị trí ban đầu, các dây thần kinh ở xung quanh vùng cột sống sẽ chịu tác động nhiều nhất. Tùy thuộc vào mức độ mà các cơn đau có thể diễn ra một cách âm ỉ hoặc dữ dội. Nếu như người bệnh mắc phải căn bệnh thoái hóa đốt sống cổ, các cơn đau sẽ lan sang khu vực cẳng tay hoặc cánh tay. Nếu như bạn bị thoái hóa vùng cột sống thắt lưng thì từ phần lưng đến chân sẽ xuất hiện các cơn đau.

Nếu như bạn không kiểm soát được các cơn đau, càng về sau, vùng cơ chân và cơ tay sẽ bị teo lại và yếu dần đi. Điều này sẽ khiến cho quá trình hoạt động trở nên vô cùng khó khăn. Thậm chí ngay cả khi bạn không hoạt động thì những cơn đau vẫn có thể xuất hiện.

Rối loạn cảm giác

Biểu hiện rõ ràng nhất là xuất hiện cảm giác tê nhức, đau đớn ở các vùng da xung quanh khu vực bị tổn thương. Nguyên nhân là do các dây thần kinh chịu sự chèn ép quá mức và tạo điều kiện cho các cơn đau và tê bì xuất hiện. Người bệnh lúc này sẽ gặp phải những vấn đề vô cùng nguy hiểm nếu như không kịp thời điều trị.

Khả năng vận động bị hạn chế

Đây là điều chắc chắn sẽ xảy ra nếu như bạn bị thoát vị đĩa đệm. Nếu như các chi và các cơ thường xuyên bị tê nhức trong một khoảng thời gian dài thì rất có khả năng cao bạn sẽ bị teo cơ. Lúc này, khả năng vận động sẽ trở nên hạn chế, thậm chí bạn còn có nguy cơ bị tê liệt nửa người hoặc một phần của cơ thể. Đây chính là một trong số các biến chứng nguy hiểm nhất của căn bệnh thoát vị đĩa đệm.

Rối loạn hoạt động cơ thắt

Các cơ thắt có chức năng chính là điều khiển hoạt động bài tiết ở con người, đồng thời giúp cho các hoạt động liên quan đến tiểu tiện được kiểm soát một cách tốt nhất.

Thoát vị đĩa đệm làm tăng thêm mức độ rối loạn ở cơ thắt. Trong trường hợp nhẹ, bệnh nhân sẽ gặp phải tình trạng bí tiểu. Nếu như bệnh trở nên trầm trọng hơn thì quá trình tiểu tiện sẽ không thể kiểm soát một cách tốt nhất. Bạn có thể đi tiểu vào bất cứ thời điểm nào, thậm chí phần nước tiểu có thể thoát ra một cách mất kiểm soát.

Thoát vị đĩa đệm có thể gây ra hội chứng đuôi ngựa

Hội chứng đuôi ngựa là cụm từ dùng để chỉ về vấn đề dây thần kinh bị đè nén và chèn ép. Từ đó khiến cho hệ thần kinh ngoại vi bị tê liệt hoàn toàn. Hội chứng đuôi ngựa xảy ra 3 vị trí chủ yếu đó là:

  • Hội chứng đuôi ngựa ở phía trên: Thường xảy ra ở các đốt thoát vị L1-L2 và L2-L3. Lúc này, cả hai chi dưới sẽ bị liệt ngoại vi và cơ thắt bị rối loạn. Đồng thời, từ vùng đùi đến hai chân dưới còn bị liệt.

  • Hội chứng đuôi ngựa ở giữa: Thường xảy ra ở các đốt L3-l4 và L4-L5. Lúc này, các đầu ngón chân, phần sau đùi và cẳng chân sẽ bị mất cảm giác và khiến cho những động tác như gập chân gặp nhiều khó khăn.

  • Hội chứng đuôi ngựa ở dưới: Xảy ra ở các đốt thoát vị là L5-S1. Biến chứng điển hình là vùng đáy chậu bị rối loạn cảm giác và khiến cho hoạt động của chân bị hạn chế dần.

Phòng ngừa thoát vị đĩa đệm

Việc phòng ngừa thoát vị đĩa đệm là điều vô cùng quan trọng. Nó giúp cho bạn không có nguy cơ mắc phải bệnh lý cũng như gánh chịu những biến chứng có thể sẽ xảy ra. Để phòng ngừa thoát vị đĩa đệm, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:

Về chế độ sinh hoạt:

  • Dùng gối có độ mềm và không quá cao khi ngủ.

  • Tập luyện các bài tập thể dục thể thao nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng sức khỏe. Một số môn thể thao rất phù hợp cho người bị thoát vị đĩa đệm đó là yoga, đi bộ, thiền định...

  • Không nên mang vác những đồ vật quá nặng hoặc làm các công việc như khuân vác, bê hàng.

  • Nên có thói quen điều chỉnh tư thế khi ngồi, cần ngồi đúng tư thế và thích hợp. Để thực hiện được điều này, bạn cần phải lựa chọn các loại ghế và bàn làm việc có chiều cao vừa phải. Khi ngồi nên để thẳng lưng và không cong vẹo. Sau một thời gian ngồi quá lâu, bạn nên đứng lên đi lại và vận động một cách nhẹ nhàng để máu được lưu thông một cách tốt nhất.

  • Không nên đi giày cao gót, thay vào đó là chọn những đôi giày thể thao và giày bệt để không gây ảnh hưởng đến các đĩa đệm vùng cột sống.

  • Thực hiện việc xoa bóp, bấm huyệt một các thường xuyên và đều đặn.

  • Tạo tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng, stress.

  • Với những người bị thừa cân, béo phì, để tình trạng thoát vị đĩa đệm không trở nên trầm trọng thì việc giảm béo là điều rất quan trọng.

Phòng tránh thoát vị đệm bằng chế độ ăn uống hợp lý:

  • Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu hàm lượng canxi như phô mai, các loại sữa, đậu, rau cải xanh, cải bó xôi, đậu phụ hoặc các loại cá như cá hồi, cá mòi...

  • Nên ăn nhiều thịt heo, bánh mì, măng tây, ngũ cốc… để cung cấp các chất như vitamin D, vitamin K và Omega 3 cho hệ thống xương khớp.

  • Kiểm soát cân nặng cơ thể bằng cách hạn chế tiêu thụ các loại tinh bột hay thực phẩm giàu chất béo như các loại sữa nguyên kem, bánh ngọt, khoai tây chiên, gà chiên…

  • Kiêng sử dụng các loại đồ uống có cồn, các chất kích thích như bia rượu, thuốc lá...


Những thông tin liên quan đến vấn đề thoát vị đĩa đệm đã được chúng tôi cung cấp đầy đủ qua bài viết trên. Nếu như bạn không may mắc phải căn bệnh này, bạn nên càng sớm điều trị càng tốt. Việc chữa trị kịp thời sẽ hạn chế được mức thấp nhất những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Đây là yếu tố vô cùng quan trọng để giúp bạn có được một sức khỏe bền vững và khỏe mạnh.