Hồi xưa gia đình tôi ở trong
một căn nhà không rộng lớn lắm, cất bằng gỗ và theo kiểu townhouse ở bên Mỹ
này. Nhà tôi là căn nhà đầu trong dẫy nên thấy rộng rãi hơn được một
chút. Bên hông nhà hồi đó có một cây mận rất ít trái, một cây măng cầu,
và một cây vú sữa. Tôi thích nhất là cây vú sữa cao lớn, và ra rất nhiều
trái. Nó xum xuê và có bóng mát che một phần lớn của mái nhà phiá
sau. Đó là nơi chiều chiều tôi hay trèo lên nằm dưới bóng cây vừa đọc
truyện vừa ăn những trái vú sữa chín ngọt. Không biết có phải vì khi còn
nhỏ, thấp bé và muốn thấy cuộc đời sớm hơn nên tôi thích trèo lên trên những
chỗ cao để chơi.
Trái vú sữa vỏ dầy, có cái hình dáng căng tròn, đầy đặn và hấp dẫn như bộ ngực
của người con gái đã dậy thì. Khi người ta cắt trái vú sữa ra, nó nhỏ ra
những hạt nhựa màu trắng như màu sữa. Mùi vị của trái vú sữa rất ngọt,
nhưng không biết có ngọt và béo bổ như sữa mẹ hay không. Có lẽ vì những
đặc điểm đó người ta đã đặt tên cho nó là "cây vú sữa".
Nhà tôi có tám anh chị em.
Tôi là người áp út. Lúc tôi còn nhỏ cha tôi là thầy giáo dậy bậc
tiểu học. Hầu hết trong nhà tôi ai cũng vừa là con vừa là học trò của
ông, nên chúng tôi gọi ông bằng thầy. Sau khi mấy bà chị lớn đã lập gia đình và
đã có con cái, người anh lớn của tôi đã đi lính không quân, đóng xa mãi tận Đà
Nẵng, trong nhà chỉ còn lại thầy mẹ tôi, môt người chị kế tôi, và người em trai
út. Khi chúng tôi lên trung học thầy tôi làm phó giám thị của một trường
trung học tư Công Giáo.
Thầy tôi thường quan tâm về tình hình đất nước. Ông hay nghe đài VOA và
BBC mỗi ngày. Lúc đó TV chưa có thịnh hành và là một món đồ "xa xỉ phẩm", trong xóm may ra có
một hai nhà có TV đen trắng chứ cũng chưa có TV mầu. Tôi nhớ hồi tết Mậu
Thân thấy ông theo dõi tin tức cả ngày, tôi cũng tò mò nằm gần ông để nghe theo
vì muốn biết "tình hình" ra sao. Nghe thấy người ta chết chóc
quá nhiều tôi cũng lo sợ cho gia đình tôi. Nhưng ông trấn an tôi và
bảo là những chỗ đó xa xôi chứ không có ở gần nhà tôi. Ông bảo tôi hãy lo
đi chơi với mấy đứa trẻ khác, sau này cố gắng học cho giỏi “để giúp ích cho đất
nước”. Lúc đó tôi mới 11 tuổi, đầu óc còn thiển cận và hẹp hòi. Đối
với tôi, học hành cho giỏi trước hết để có tiền mua một cái TV mầu cho cả gia
đình coi. Phục vụ cho đất nước tính sau. Sau này khi lớn lên, tôi biết
được rằng thầy tôi lấy tên của một nhà cách mạng mà đặt tên cho tôi, tôi có ý
định hỏi ông nhưng rồi biến cố 1975, sau đó tôi đi học đại học ở Sàigon, rồi đi
vượt biên nên quên bẵng hẳn đi.
Năm 1971, thầy mẹ tôi gom góp tiền bạc trong nhà, và nhờ sự giúp đỡ của những
bà chị đã lập gia đình để xây lên căn nhà hai tầng, khang trang và rộng rãi
hơn. Nạn nhân là cây vú sữa và bóng mát yêu thích nhất của tôi.
Cho tới bây giờ tôi vẫn còn tiếc cây vú sữa. Nó không những chỉ là một
trong những kỷ niệm thân thương mà dường như là một phần của đời tôi, nó đã
phần nào che mát tuổi thơ của tôi. Cây vú sữa đã cho tôi một chọn lựa để
nhờ vào bóng mát của nó để nằm đọc truyện hoặc mơ mộng, thay vì đi chơi với
chúng bạn dưới ánh nắng gay gắt của những ngày hè.
Lúc xây nhà tôi mới biết là thầy tôi là người đã vẽ kiểu nhà, khi ông chỉ cho
tôi coi hai ba cái họa đồ với khuôn mặt rất đắc chí. Có lẽ đó là giấc mơ
của cả đời ông. Một căn nhà mới xây theo kiểu của mình đã vẽ ra là chứng
cớ cho những gì ông đã đạt được - về cả vật chất lẫn tinh thần. Chú tôi là
người thầu xây cất nên ông đứng ra xây. Mặc dù hoạ đồ căn nhà chỉ theo
cái nhìn từ bên ngoài và sơ sơ về bên trong, chứ không chi tiết, tỉ mỉ từ
trong ra ngoài như những hoạ đồ xây nhà (blueprint) chúng ta thấy bây
giờ. Nhưng điều đó cho tôi biết là thầy tôi có đầu óc rất sáng tạo, nhưng
ông không bao giờ để lộ ra cho ai thấy. Tôi có hỏi thầy tôi liệu có cánh
nào để giữ lại cây vú sữa, nhưng vì vị trí và cái thân cao lớn của nó, chú tôi
và thầy tôi nói không có sự chọn lựa nào khác. Thế là lần đầu tiên tôi
cảm thấy mất mát đi cái gì mình yêu quý rất nhiều trong cuộc đời.
Năm đó tôi đang học lớp chín, cũng đã cao lớn được một chút và đã bắt đầu tuổi
mông mơ. Tôi không cần phải trèo lên trên mái nhà để nhìn đời nữa, mà
muốn nhìn mọi người, mọi vật, bằng tầm mắt “người lớn” của mình. Nhất là
muốn nhìn sâu vào cặp mắt của mấy cô con gái xem có cô nào thích mình
không. Nhưng đôi mắt của cô nào trông cũng “mơ huyền mờ” vì sau này tôi
mới biết rằng tôi đã bị cận thị ngay từ lúc còn học tiểu học nhưng không biết
mà đi cắt kiếng cận. Lúc đó vào tuổi thanh niên, tôi trở thành cánh tay
phải của thầy tôi trong những việc bảo quản nhà cửa và cũng là cánh tay trái
của mẹ tôi, là tài xế chở mẹ tôi đi chỗ này chỗ kia. Thầy tôi đã chỉ cho
tôi cách sửa những chuyện lặt vặt trong nhà như thay con chuột/bóng điện, hoặc
cưa cả một xe gỗ mua từ nhà máy cưa dùng để nấu bếp.
Ông thường nhắc nhở tôi, “Sĩ kiêm bách nghệ” để khuyến khích tôi học hỏi và làm
những điều mới lạ.
Những năm đó bệnh suyễn của
ông càng ngày càng nặng. Mỗi lần ông lên cơn thấy rất là tội nghiệp và
tôi phải chạy cuống quít lên đi gọi ông y tá. Lúc đó phương tiện y tế ở
miền tỉnh còn rất eo hẹp, thuốc suyễn cũng không có hiệu lực. Cách nhanh
nhất là nhờ y tá chích cho một mũi thì chỉ một hai phút sau là có thể thở lại
bình thường. Nhưng sau đó thì ông lại đau nhức mình mẩy, cần phải đấm bóp
cho nhẹ đi. Tới khi tôi đi học đại học ở Saigon thì người em trai út thay
thế tôi lo chăm sóc cho ông mỗi khi bị cơn suyễn hoành hành. Cơn bệnh cứ
kéo dài như thế thêm hơn hai mươi năm cuối của cuộc đời ông. Mẹ tôi chạy
đầu này đầu kia để lo tiền thuốc vì thầy tôi không còn đi làm nữa sau
1975. Mấy người chị lớn mỗi người phụ thêm một tay, kể cả số vàng tôi
phải trả cho chủ tàu để vượt biên. Sau này khi tôi đi vượt biên và có
tiền phụ giúp một chút ít thì mẹ tôi mới đỡ vất vả được phần nào.
Tôi nhớ lần đầu tiên về Việt Nam thăm gia đình vào cuối năm 1996, sau hơn 16
năm xa cách, thầy tôi đem ra một xấp hình cũ của tôi đã chụp trong những năm
còn ở VN. Trên một số tấm hình có những dòng chữ (caption) bay bướm của
chính ông viết ngắn ngủi về ý nghĩa, nội dung cuả mỗi tấm hình. Đó là
những kỷ niệm của thầy tôi đã dành cho tôi trong những năm xa cách để bày tỏ
nỗi nhớ thương. Những gì thuộc về tôi được ông bao bọc kỹ lưỡng, sợ sẽ bị
phai nhòa hay mất mát đi. Trong những phút nói chuyện với tôi, ông
kể về cuộc đời cuả ông và những ngày thơ ấu ở ngoài bắc. Nhưng rất tiếc
là cuộc tâm sự giữa hai cha con tôi thường bị gián đoạn bởi khách khứa tới nhà
thăm hỏi tôi. Những hoài niệm về dĩ vãng của một ông già 84 tuổi lúc đó
vừa như là những truyền đạt về kinh nghiệm sống, vừa như những lời trăn trối
cho một thằng con trai yêu quý mà nó không nhận ra. Đứa con ông đã từng
đặt nhiều kỳ vọng vào, tưởng đã mất đi vĩnh viễn nhưng trước ngày ông nhắm mắt
lià đời nay đã trở về. Ông trao lại cho tôi những tấm hình đó. Biết
thầy tôi thích đồng hồ đeo tay, tôi cởi cái đồng hồ đeo tay rẻ tiền của mình
trao cho ông nhưng ông không muốn nhận, nói là tôi cần để xem giờ trên đường
về. Nhưng tôi nhất quyết đeo vào tay ông. Ông cảm động rơi
lệ. Đó là sự trao đỗi kỷ vật cuối cùng giữa hai cha con tôi. Có lẽ thầy
tôi biết rằng cuộc đời ông từ lúc đó chỉ còn đếm bằng từng giây, từng phút,
từng ngày như chiếc đồng hồ đeo tay, chứ không còn được tính bằng năm, bằng
thập niên nữa. Lúc đó tôi đã có khả năng để mua hàng trăm chiếc đồng hồ như thế,
nhưng không bao giờ tôi có thể mua lại những giây phút ở gần bên cha mẹ
tôi. Hình ảnh cuối cùng của ba người chúng tôi là hai ông bà đứng nắm tay
nhau tiễn tôi lên xe ra phi trường để về Mỹ. Thầy tôi rưng rưng nhỏ lệ,
mẹ tôi bám víu lấy ông sợ ông bị té qụy. Tôi không dám nhìn lâu mà vội
quay mặt đi chỗ khác.
Nếu nói đó là lần tiễn đưa cuối cùng thì quả là thằng con vô lễ vì nó không có
tiếng khóc hay nhỏ một giọt lệ nào cho người cha của nó. Ngược lại,
người cha đứng nhỏ lệ tiễn đưa thằng con về với thế giới riêng tư, giàu sang và
đầy tiện nghi của nó. Niềm vui cuối cùng của đời ông là hy vọng được thấy
mặt thằng con thêm một lần nữa bắt đầu vượt xa khỏi tầm với của ông, về không
gian lẫn cả thời gian. Nghìn trùng xa cách!
Sáu tháng sau đó, ngày 17 tháng năm, năm 1997, thầy tôi qua đời. Giòng
nước vẫn trôi, cuộc đời tiếp nối. Trôi đi mãi mãi là những mẩu chuyện về
cuộc đời niên thiếu của thầy tôi. Tôi vẫn tự trách mình tại sao không đủ khôn
ngoan lúc đó để ghi chép lại những gì ông đã nói. Tôi trở lại tiếp tục
cuộc sống riêng tư nhưng mang nặng một nỗi mất mát về cả tinh thần lẫn vật chất
mà không bao giờ có thể lấy lại được.
Sau khi thầy tôi mất tôi mới
nhận ra một trong những điều ông đã tâm sự với tôi có hàm chứa môt ước mơ rất
đơn giản. Đó là “giấc mơ hồi
hương”. Thấy tôi trở về gơi lại cho
thầy tôi sống lại những ngày tháng còn trai trẻ khi bỏ quê cha đất tổ từ miền Bắc
di cư vào Nam năm 1954, nhưng vẫn ấp ủ có ngày trở về. Hai muơi sáu năm sau đó, năm 1980, tôi theo
bước chân ông rời bỏ quê hương để tìm kiếm một cuộc sống tự do nơi xứ người và
đã có cơ hội trở về. Đối với những
người còn sức khoẻ thì cuộc hành trình từ Nam ra Bắc không còn là giấc mơ nữa
nhưng là việc đi lại bình thuờng. Nhưng
thầy tôi chỉ còn biết ôm ấp trong giấc mơ vì sức khỏe của ông không cho phép
ông thực hiện được điều ông mong muốn.
Mỗi khi nghĩ tới điều này tôi thường thấy thất vọng với chính mình và có
mặc cảm tội lỗi là đã không có cơ hội và điều kiện để giúp thầy tôi thực hiện
được giấc mơ của ông. Tôi đã có hơn một
cơ hội để trở về, nhưng ước mơ đơn giản của thầy tôi, dù chỉ một lần thôi, đã
bị cuộc đời từ chối.
Mẹ tôi để lại cho tôi rất
nhiều ảnh hưỏng, từ cách xử sự với mọi người đến lối sống đạo đức của bà.
Thầy tôi là người ít nói, nhưng mẹ tôi lại rất bặt thiệp và nhanh
nhẹn. Hồi đó tôi hay gọi bà là bộ trưởng ngoại giao. Mặc dù là đàn
bà trong xã hội Việt Nam, nhất là ở miền quê, ít có dịp ăn nói trước công
chúng, nhưng mỗi lần có cơ hội bà ăn nói một cách rất tự nhiên và hoạt
bát. Tôi cũng rất phục mẹ tôi vì cái tài tháo vát và lòng quảng đại của
bà. Bà không chỉ nói mà làm những gì bà đã dậy anh chị em chúng
tôi. Bà dậy chúng tôi là trong cuộc sống phải biết kính trọng người khác,
bất kể giầu nghèo, và phải có lòng thương người. Trong áo bà lúc nào cũng để
sẵn một số tiền trong một cái túi riêng để cho những người "ăn
mày". Đương nhiên ở đời không có ai hoàn toàn và thánh thiện một
trăm phần trăm. Có những lúc mẹ tôi buồn, lo lắng, hoặc bực mình, nhưng
ít khi tôi thấy bà biểu lộ ra trên khuôn mặt. Lúc nào trông bà cũng vui
vẻ, miệng cười tươi và hay ca hát, những bài thánh ca hoặc những lời kinh được
bà tự ghép nhạc vào. Như rất nhiều phụ nữ khác, mẹ tôi cũng “điệu” lắm.
Cứ nhìn vào những tấm hình bà đã chụp thì biết. Nhưng bà không sa hoa,
không phù phiếm. Bà chỉ là một bà nhà quê với hàm răng nhuộm đen như rất nhiều
người đàn bà “bắc kỳ” khác. Bà dậy tôi phải uốn lưỡi bảy lần trước khi mở miệng
ra nói điều gì khi nóng giận vì khi đã nói ra rồi thì mình không thể rút lại
được. Có lẽ vì thế những lúc gặp chuyện bực mình bà hay lẩm bẩm đọc kinh.
Rất tiếc đó là điều mà tôi không bao giờ học được của bà, vì tính tôi đôi lúc
nóng như lửa và cộc cằn.
Lần đầu tiên tôi về VN, khi tôi ra đi thầy mẹ tôi ra cửa đứng tiễn tôi.
Thầy tôi rướm mắt rơi lệ. Mẹ tôi thì buồn nhưng giấu kín niềm đau, chỉ
luôn miệng đọc kinh. “Cám ơn Chúa và Đức Mẹ đã đưa con của con về đây thăm
con. Xin Chúa và Đức Mẹ đưa nó đi về tới nhà được bằng an. Trả nó
lại cho vợ con nó.” Đấy, lòng mẹ bao la, hy sinh và cao cả như thế!
Mẹ tôi không miệng lưỡi, chẳng giả giối. Bề ngoài trông bà thản nhiên khi
thốt lên những lời cầu nguyện đó nhưng tôi biết trong lòng bà đau đứt
ruột. Tôi về VN thêm hai lần nữa trong khi mẹ tôi nằm trong bênh viện cấp
cứu. Mỗi lần chỉ vỏn vẹn một tuần lễ, chỉ vừa lâu đủ để gặp mặt bà nhưng
không lâu đủ để ngồi ăn với mẹ một bữa cơm sau khi bà bình phục. Ba mươi
năm xa cách mà cộng lại chỉ ở với mẹ được vỏn vẹn không đầy ba mươi ngày!
Theo như người em nói lại, năm cuối cùng của cuộc đời bà, mẹ tôi sống có vẻ đơn
côi, ít ăn, ít nói chứ không cởi mở và vui vẻ như xưa. Cuộc đời đôi lúc
thật oái oăm. Khi cuộc sống vật chất
không còn quan trong và ý nghĩa nhiều với mẹ tôi nữa thì bà có đầy đủ, sung
túc. Nhưng cuộc sống về tình cảm, sự
gần gũi với con cái là những gì bà muốn bám víu lại trong những ngày cuối đời
thì bà lại bị mất mát đi rất nhiều vì chị em chúng tôi lần lượt rời xa người mẹ
già, xa quê huơng. Nhưng tôi biết bà
không bao giờ trách móc chúng tôi, vì hơn ai hết bà hiểu rằng mỗi người chúng
tôi có cuộc sống, bổn phận, và trách nhiệm riêng cho gia đình nhỏ bé của chúng
tôi.
Môt điều tôi không bao giờ ngạc nhiên nhưng rất khâm phục mẹ tôi – theo như chị
em trong nhà kể lại - là bà luôn nhắc đến thầy tôi, thương xót cho ông vì đã bị
cơn bệnh hành hạ suốt nhiều năm cuối đời ông, và tiếc thay đã không đươc chia
sẻ với ông những gì chị em chúng tôi đã giúp lại cho bà. Đó chính là tình yêu chân thật và sâu
đậm. Mất đi là những cơ hội tôi có thể
gọi điện thoại về để chỉ nói được có một câu bà còn có thể nghe được lúc bà mới
bỏ điên thoại vào tai, “Mẹ ơi, mẹ có khỏe không?” Sau đó chỉ để nghe giọng
nói của bà vì cụ đã lãng tai quá nặng, không nghe được những gì tôi nói. Mẹ tôi
mất lúc quá nửa đêm ngày mồng 8 tháng 11 năm 2010 giờ Việt Nam (quá 12 giờ
trưa ngày 7 tháng 11 giờ đông bắc Mỹ.)
Thế là tôi đã vĩnh viễn mất đi cả hai bậc sinh thành, những người đã nuôi nấng,
dậy dỗ, và quan trọng hơn hết đã chuẩn bị cho tôi sống cuộc đời tha phương. Mặc
dù vẫn nuối tiếc những năm tháng phải sống xa thầy mẹ tôi từ khi tôi chưa đầy 23
tuổi, những ngày tháng đơn độc ở trại tị nạn, nỗi nhớ nhà da diết trong những
ngày đầu tiên khi mới tới Mỹ, tôi vẫn cám ơn và may mắn được sống gần thầy mẹ tôi
trong những năm đang trưởng thành để học được cái đạo làm người từ chính những
người đã sinh ra và dưỡng dục tôi.
Người ta thường nói, “Cha mẹ hiền lành để đức cho con.” Đối với
tôi quả đúng như thế! Có thể nói những gì tôi đang có ngày hôm nay một
phần lớn là nhờ vào cái “đức” thầy mẹ tôi đã để lại cho tôi. Như tôi đã
viết trong một bài ký sự gửi riêng cho nhóm bạn học hồi ở chủng viện mới đây,
mẹ tôi vẫn thường khuyên răn khi tôi còn nhỏ là phải có tính tự lập, không nên
nhờ vả đến người khác - kể cả cha mẹ hoặc anh chị em ruột thịt trong nhà.
Có lẽ một phần nào đó bà cụ cảm nhận được rằng tôi sẽ sống xa nhà sau này. Tôi thường nghĩ tới hai câu thơ của Trần
Trung Đạo (Võ Tá Hân phổ nhạc) mỗi khi nhớ tới thầy mẹ tôi:
Ví mà con đổi thời gian được
Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười.
Tôi mượn cây vú sữa để nói lên những kỷ niệm của tôi với cha mẹ tôi, từ nhỏ cho
tới khi lớn. Từ lúc có trí khôn cho tới bây giờ đã ngoài năm mươi,
với những vết thẹo thời gian ẩn hiện trên khuôn mặt. Đó là những nếp nhăn
trên trán và những sơi tóc đã bạc mầu. Cây vú sữa của tôi như người cha
đã che chở cho tôi khỏi nhũng ngày nóng bức của mùa hè. Nó cũng như là
một người mẹ hiền đã cho tôi bóng mát để dựa vào, cho tôi nếm mùi vị ngọt ngào
mà người ta đã so sánh với giòng sữa mẹ. Nó cũng như một người bạn, cùng nằm
đọc sách, cùng mơ mộng với tôi trên mái nhà, đã lắng nghe tôi than thở, hoặc
chia sẻ với tôi những nỗi vui buồn. Tôi cảm thấy cây vú sữa cũng mang lại
cho tôi rất nhiều may mắn (lucky charm) trong cuộc đời của tôi. Bây giờ
nhiều khi nghĩ lại, tôi vẫn còn nhớ và tiếc cây vú sữa bên hông nhà. Tôi
coi nó như là một phần của cuộc đời ấu thơ, là một thành phần trong gia đình
tôi.
2011-03-11