Vùng đất được tôn vinh

Vùng đất được tôn vinh

Đêm thứ bảy 26 Tết, trên hòn đảo Singapore có tiệc mừng Xuân của nhóm người Việt. Hơn ba trăm người được mời tham dự. Một số đang làm việc giữa thành phố Sing này. Ban tổ chức mời luôn một số bạn cũ nơi khác đến. Những người ngày ngày phải nói hàng chục thứ tiếng khác nhau, đây là dịp quý hiếm trong đời được nói chung với nhau một thứ tiếng : tiếng Việt. Họ, những con người địa vị giàu sang trong xã hội. Bằng cấp thì khỏi nói. Nhiều người có vài bằng tiến sĩ, thạc sĩ, Ph D, Master... của nhiều đại học lừng danh thế giới. Bằng cấp gom lại thừa làm một viện đại học.

Tại thành phố Sing nầy, họ sống trong những căn hộ giữa đô thị, trả trên 5, 10 ngàn đô một tháng. Họ đi những chiếc xe đắt tiền với ưu tiên đi lại trong thành phố đêm ngày. Yến tiệc mừng năm mới, xe hơi chiếm toàn bộ sân khách sạn năm sao, sừng sững nhìn ra biển.

Đại sảnh có nhiều tà áo dài gấm nhung xanh đỏ, xen lẫn bộ áo đầm đen đêm dạ hội. Họ chào nhau vẫy tay, ôm nhau hôn... nói chuyện trước hai câu đối đỏ ngày Xuân. Đám đông tụ dưới cây mai vàng long lanh đèn sáng. Đám người hình thành nhiều nhóm riêng biệt, nhóm trung học Taberd, Quốc Học, Gia Long, Jean Jacques Rousseau..., nhóm cùng quê nhà cũ, nhóm một thời các trường lừng danh Polytechnique, Havard, Cambridge... nhóm của tập đoàn kỹ nghệ, thương mãi đang hoạt động giữa phố thị nầy. Tất cả im lặng để nghe những bài hát thân quen của các ca sĩ được mời tới từ hai ba đại dương, có cả ca cổ quan họ, thơ sa mạc, điệu cải lương xuyên thấu con tim người.

Quanh bàn tròn cạnh sân khấu, Sinh trắng ngồi chung với bốn người bạn cũ trung học Pétrus Ký. Hắn là thành viên ban tổ chức đêm nay. Sinh cầm ly rượu nâu vàng giơ cao tuyên bố :

- Cám ơn mấy toa có mặt hôm nay. Lần đầu tiên lớp B2 cũ tụ lại tương đối đầy đủ.

Sinh trắng một thời du học Thụy Sĩ, Giám đốc nhà băng vùng Nam Mỹ, Phi châu, giờ phụ trách ngân hàng to đùng gần khách sạn nầy, người gắn bó nhiều quyết định quan trọng cho cái thị trường lên xuống mỗi ngày. Sinh đi vòng qua ôm choàng Quý hỏi lớn :

- Vợ con toa thế nào ?.

Giọng buồn chán, trả lời :

- Lúc này, moa giống các toa cả rồi. Bà đầm đã bỏ đảo Nouvelle - Calédonie về Montpellier cùng hai con. Tôi nhớ con gái quá. Con bé giống y chang bà nội. Tôi hiện nay ở lại luôn bệnh viện làm việc. Ngán đất liền quá rồi. Nhiều mệt mỏi !.

Robert Minh vồ sung sướng cười lớn :

- Giờ uống chúc mừng thằng Quý giống tụi mình. Cả đám bạn lớp B2 Pétrus Ký giống thầy Trung dạy triết, không vợ, già đầu không vợ.

Họ ngồi sát gần nhau hơn, tỷ tê chuyện trời đất xa gần, trên trời dưới biển.

*

* *

Lớp B2 giờ chia đôi, năm thằng ngồi đây ở ngoài nước, hơn hai mươi thằng còn lại trong nước. Thời gian qua có kẻ còn người mất. Có lắm người nên danh nên phận, có đứa có cháu nội ngoại, dâu rể đầy đàn.

Trong nước có đứa trở thành giáo sư đại học, hiệu trưởng, giám đốc... Năm nào đến ngày Tết, tụi nó, lớp cũ B2 tụ lại ăn tất niên ở nhà hàng Quốc Thái, Chợ Lớn. Thái mụn làm ông chủ ăn uống. Vô số mụn năm xưa còn in dấu lại trên lớp da trắng xám như tổ ong. Bạn cũ gặp nhau, nhắc đến thằng Sinh trắng trưởng lớp, thằng bác sĩ Quý, bác sĩ Thịnh, tiến sĩ Tuấn, tiến sĩ Minh vồ... Tụi nước ngoài thành đạt bằng cấp cao, chắc giàu có lắm. Trong nước có đứa mất dấu giang hồ.

Lúc còn bé có nhiều mộng mơ, ai ai cũng đều ao ước thành đạt. Khi già đầu, thường ôn lại ấu thơ, nhất là thời trung học. Thời sinh viên lắm phiền toái, giảng đường chật chội đông người, yêu thương rắc rối, ít ai buồn nhắc đến các cố gắng riêng tư để kiếm tiền tiếp tục học.

*

* *

Robert Minh vồ, có cái đầu bự, cái mặt Tây lai. Một thời đỗ đầu Master đại học Berkley, đoạt luôn cái award của viện đại học ngày ra trường. Hắn lấy dễ dàng hai mảnh bằng tiến sĩ mấy năm sau. Minh làm giám đốc, giám đốc người Việt trẻ tuổi nhất trong công ty khổng lồ của Mỹ ở vùng Iran, Irak.

Minh vồ thỏ thẻ với mấy bạn cũ :

- Tôi ráng làm việc thêm năm năm nữa cho đủ tuổi hưu, sau đó lãnh tiền về nước nghỉ ngơi lấy vợ. Nghĩ đến cái nóng xứ dầu hỏa mà phát khiếp !.

Tuấn cười :

- Moa đợi cậu về nước. Lúc này moa dạy học trong nước nên quen nhiều sinh

viên, sẵn sàng giới thiệu cho cậu làm vợ. Năm năm nữa e cậu già chát không cô nào thèm nhìn .

Chỉ có Sinh và Minh vồ lo học, lo làm, nhiều lo toan quên luôn lấy vợ. Tuấn Thời đó cũng thuộc loại xuất sắc, chẳng thua thằng nào. Tuấn hai bằng tiến sĩ . Hắn chu du khắp thế giới cho một công ty bự, công ty chuyên xử lý những chất độc tác hại đến con người, xử lý chất thải công nghiệp đổ xuống sông biển làm ô uế trái đất. Ba năm ở Nam Mỹ, hai năm ở Phi Châu, ba năm ở mấy thành phố Trung Quốc : Thẩm Quyến, Thượng Hải... Nhờ vậy Tuấn nói được nhiều thứ tiếng khác nhau. Hắn đi chu du ta bà thế giới, cô vợ cô đơn, buồn không chịu nổi nên ly dị cho khỏe đời.

Ba năm trở lại đây, hắn bán nhà bán xe bỏ công ty Mỹ về nước cho xong một cuộc rong chơi. Hắn muốn tập trung nghiên cứu hậu quả chất độc hóa học sau chiến tranh. Tuấn dùng tiền túi làm một phòng thí nghiệm riêng cho mình.

Hắn được mời đi dạy nhiều đại học trong nước. Từ đại học Cần Thơ quê Tuấn, cho đến đại học Buôn Mê Thuột trên cao nguyên xa xôi đất đỏ. Hắn quay về ngôi nhà cũ trên dòng sông Bình Thủy, nhà chỉ còn cô em gái và hai mẫu ruộng. Hắn đạp xe mỗi ngày khi đi dạy học ở Cần Thơ. Tuấn cười hát mỗi ngày. Hắn không lo đói.

Hắn nói bằng lời tâm huyết, giảng bài không thấy mệt trước đám sinh viên trong các nhà máy giấy, máy nhuộm, nhà máy chế tạo thuốc sát trùng, bột ngọt...Rồi thầy trò kéo ra sông nhìn lâu vào dòng sông đen bẩn, hắn thường tâm sự :

- Chất độc trong con sông từ những nhà máy quái đản kia có thể có nhiều

cách giải quyết được. Nhưng các em hãy nhìn từ thượng nguồn con sông có vô số chuyện chưa giải quyết được. Chất độc hóa học sau chiến tranh phủ kín bầu trời chúng ta đang thở, ăn sâu vào lòng đất, hòa tan vào mạch nước ngầm, giữ kín trong nước ao tù, chảy ra sông... kết quả các em nhìn thấy nhiều cái cây dị tật, hoa quả dị tật, nhiều con mèo con bò con chó con heo dị tật, nhiều con người dị tật, dính nhau... những phân tử li ti trên cơ thể người, thực vật, súc vật... biến dạng. Cái khổ nạn nầy còn kéo dài bao lâu nữa ? Nhiều công việc thầy cùng các em phải hiểu để làm và phải làm cho môi trường nầy.

Mộng ước của Tuấn còn lại là dành cho đám sinh viên trẻ tuổi. Lớp người trẻ im lặng nghe hắn giảng bài, nhiều tâm sự hoài bão tốt, nhiều bàn cãi không dứt...

*

* *

Đêm đón Tết năm đó kéo dài đến sáng. Khởi đầu còn dân ca, ngâm thơ, ca cổ... ru người. Phần cuối có chương trình của những ca sĩ nổi danh người Việt được mời tới hát nhạc ngoại quốc. Dù vốn liếng ngôn ngữ nước ngoài ít ỏi, nhưng nhại giọng thì không chê vào đâu được. Họ hát Madonna nên phải mặc gần giống Madonna Ca sĩ sẽ hết hay nếu không trình làng cái mông trắng tròn cái chân thon long lánh ánh sáng ... Họ hát nhạc Micheal Jackson thì phải quơ chân tay, giật lên giật xuống cho giống người ta, không thì mắc cỡ chết. Họ hát nhạc Rock phải rống la to, tóc phải để dài tua tủa, cho giống công quạ... Đám thực khách ùa ra sàn nhảy, ôm nhau nhảy cuống cuồng. Trông xa thật giống tây đầm. Không gian trông vui nhộn.

Quan khách tham dự chia sẻ niềm hoan lạc. Có nhiều người ngước đầu nhìn đỉnh tháp rực sáng trên cao, có lẽ họ có nhiều mơ ước cao bay cho ngày mai, cao và cao nữa. Có người nhìn xuống cúi đầu buông tay, có lẽ họ đang nhìn xuống đời mình ! Có lắm người khổ, không làm gì được. Cái quốc gia nhỏ bé chỉ có ba triệu người, bằng cấp quá nhiều, lại là con Rồng Thụy Si châu Á.

Có người ngoái cổ lại mỉm cười, có lẽ họ giống thằng Tuấn quay về cố quận. Nhiều người nhắm mắt yên ngủ ?

Năm người bạn cũ ngồi đến sáng, rồi ra phi trường đưa tiễn nhau. Bác sĩ Thịnh bay về Uc, chiều 3 giờ tới, còn kịp giờ khám bệnh cho thân chủ. Không khám, người khác khám mất toi. Bác sĩ Quý bay về đảo Nouvelle Calédonie kịp ngày mai đi làm.

Ai ai đều bận rộn, Thịnh nhắn nhủ Tuấn :

- Tuấn, cậu nhớ ghé thăm bà già dùm moa. Năm nay bà đã trên 80 tuổi. Nói dùm moa quá bận. Lúc này mày hiểu tao phải lo khám bệnh kiếm tiền trợ cấp vợ ly dị và hai con tháng mấy ngàn. Cái nhà khốn kiếp phải tám năm nữa mới xong. Chưa kể chiếc Jaguar... Thông cảm dùm mình.

Tuấn bắt tay từ biệt, rồi nói :

- Chín giờ tao đến Sài Gòn, trưa chủ nhật nầy tao dư sức ngồi ăn cơm với bà

già. Tháng nào tao với thầy Trung dạy Triết cũng đều ghé thăm cụ.

*

* *

Tuấn điện thoại nhờ thầy Trung đón ở phi trường, rồi về nhà Thịnh thăm bà cụ, nhà sau lưng nhà thờ cụ Nguyễn Huỳnh Đức.

Tình thầy trò xưa giữa thầy Trung và Tuấn, bây giờ họ trở thành đôi bạn tri kỷ trong suy nghĩ, tâm sự và việc làm. Ba mươi năm trước, giờ dạy triết của thầy là thú vị nhất. Đôi khi thầy đọc thơ cho học trò nghe khi cơn mưa chợt đến. Lớp học nhìn ra thấy nhiều cây đẹp lạ.

Cuối tuần thầy Trung thường dẫn đám học trò đạp xe đi chơi xa. Nhà Thịnh thường đươc ghé chơi nhiều nhất, có lẽ thầy thích ngắm nghía những nét chạm trổ trên cái bàn thờ cổ của cụ Huỳnh Đức, cái sắc phong của nhà vua xưa, cái khí phách của một đời người. Thầy thích ăn thơm chân cầu Bến Lức, nhìn xuống dòng nước chảy. Có hôm thầy dẫn đám học trò về vườn nhà thầy cạnh ngôi mộ cụ Phan Thanh Giản, thầy thao thao bất tuyệt trước cái đơn sơ mộc mạc của ngôi mộ một con người lừng lẫy. Thầy muốn đám học trò thấu hiểu. Thầy không lấy vợ cho giống trò.

*

* *

Buổi cơm trưa thanh đạm như bao lần trước. Đôi mắt nhòa trên lớp da nhăn dúm của bà cụ.

Mẹ Thịnh, thầy Trung và Tuấn nói chuyện bằng thanh khí nhẹ nhàng trầm ấm. Bà nói :

- Cái thằng Hai thiệt là tệ ! Mấy chục năm rồi chẳng chịu về thăm nhà ?.

Tuấn vỗ về :

- Bác thông cảm, Thịnh giờ quá bận, hy vọng sang năm về thăm bác, nó nhớ nhà lắm.

Cuối chiều ba người ra thắp nhang bàn thờ cụ Đức. Bà nói :

- Bác và mấy cụ gia đình liệt sĩ trong ấp, thêm mấy cụ hưu trí tranh đấu dữ lắm, suýt nữa là không còn nhà thờ cụ Hùynh Đức. Tội nghiệp con đường cụ Đức trên thành phố cũng mất rồi.

Tuấn nhớ ba năm trước khi Thịnh bảo lãnh cụ qua Úc cụ từ chối có lẽ vì chuyện nhà thờ nầy.

Nhớ có hôm cụ nói :

- Qua xứ Tây, bác không thích, không thích họ gọi mấy lão già giống con khỉ.

Con thử nghĩ già thì không học được tiếng nước ngoài, không nói được là câm. Suốt ngày trong căn phòng xem ti vi không hiểu nói gì, nghe không hiểu tức là điếc. Già không lái xe đi đâu được. Con cái thì bận bịu. Không đi là không thấy gì cả. Không thấy gì, không đi được tức là mù, là què. Người mà què, câm, điếc, đui chắc buồn lắm. Khỉ đôi khi còn sung sướng hơn !.

*

* *

Ba tháng sau, Tuấn dẫn cô người yêu đến trình làng với thầy. Thầy Trung mới nhận được thơ của bác sĩ Quý mời thầy sang đảo Nouvelle - Calédonie nghỉ hè. Thầy Trung hỏi ý kiến Tuấn, vì nó ghé chơi đảo đó nhiều lần. Tuấn nói :

- Hòn đảo đó tuyệt đẹp, ngoài khơi châu Uc.

Thầy Trung chậm rãi nói :

- Thầy còn ông bác Hai, đi sang đó hơn nửa thế kỷ rồi, không hiểu sống hay chết ?.

- Thầy khỏi bận tâm, đó là vùng đất người Việt được tôn vinh nhất ở nước ngoài.

Tôn vinh khi còn sống, nhiều người Việt được Tây tin cho làm quan cai trị dân trong xứ thuộc địa, như các thầy cai đồn điền, thầy thông tòa sứ trước đây ở nước ta.

Nhiều người giàu sụ, xe hơi bóng lộn. Có nhiều người quên luôn cả tiếng nước mình.

Tôn vinh đến ngày chết, Tây cho đất tốt làm nghĩa địa, có mả mồ đẹp, sang trọng, có đông đảo người trong đảo theo sau quan tài, cầu nguyện cho linh hồn về với Chúa. Thằng Quý cô đơn buồn chết người, muốn có thầy ra đảo tâm sự. Chắc chắn ước muốn sau khi chết được chôn trong mảnh đất tôn vinh đó. Mảnh đất tương đối, được chăm sóc tươi tốt.

Cô người yêu lắng nghe chăm chú, đôi mắt long lanh niềm ao ước tương lai và mảnh đất xa vời kia. Tuấn đọc được ý nghĩ trong đôi mắt sâu thẳm của người đẹp. Hắn thì buồn chết mất. Cái vòng càn khôn lẩn quẩn sao nặng quá trên đầu người !

*

* *

Hai năm sau, mẹ bác sĩ Thịnh qua đời, hôm cơn mưa dông nặng hạt đầu mùa. Ngày đưa tiễn có đủ người trong làng ấp, đủ những người cùng bà chăm sóc ngôi nhà thờ cụ Huỳnh Đức, đủ bạn cũ lớp B2 Pétrus Ký còn lại và thầy Trung, chỉ thiếu người con trai độc nhất của bà, bác sĩ Thịnh đang ở Nouvelle Calédonie - vùng đất được tôn vinh. Hôm ấy, bác sĩ bận đi câu cá./.