nâng cao mũi

Nâng cao mũi

Chuyện nâng cao chiếc mũi- rhinoplasty – noselift - một phẫu thuật thông tường vùng Á Đông –giờ đây các bác sĩ ít ai thích dùng : xương , sụn , da ,mỡ ,dây chằng …để độn vào vì những chất đó làm phẫu thuật khá thêm phức tạp .

Chất silicone dẽo vẫn dể xử dụng nhất và thường không gây những biến chứng nguy hiểm gì của nữa thế kỷ qua .

Cái mũi: những nghịch lý ngược đời

Mũi là một bộ phận cơ thể người, tự nó chịu mang những tên ngược đời và nghịch lý nhất. Cái đuôi thường nằm ở dưới nhưng nơi đây đuôi mũi ngược lên phía trên tiếp giáp với trán. Đã gọi là lưng, là sống phải nằm phía sau, ở mũi tên gọi này ngỗ ngược nằm ngay phía trước.

Đỉnh, chóp thường nằm trên cao, nay chóp mũi nằm phía dưới, giữa hai cánh mũi.

Cánh thường mọc phần trên để bay, nhưng ở mũi dính ở phần dưới lại không chịu biết bay, mà chỉ thỉnh thoảng phập phồng khi đối diện với đời.

Chưa hết, hai cánh mũi thòi ra hai cái lỗ tiếp nhận khí trời. Có người lỗ tròn, lỗ sâu, lỗ méo. Lỗ to bị phán là ra tiền, lỗ nhỏ bị phán là keo kiệt hà tiện, chẳng biết đâu mà lường!

Mũi nào cũng thế, cấu trúc có hình như khối tháp bởi xương và sụn, bọc quanh là lớp da, niêm mạc phủ phía trong và khá nhiều thần kinh mạch máu. Lớp da phủ lên mũi khá thú vị, do nó cử động nhúc nhích được, mỗi khi con người có tâm trạng buồn vui, đau nhức, khó chịu… Chóp mũi và cánh mũi chứa rất nhiều lỗ mồ hôi, nên ai có lớp da nhờn liệu chừng có vô số mụn mọc trên đó-có người khi trời trở lạnh, chóp mũi đỏ hồng. Dù sao một điều cần thiết phải ghi nhớ là hai cái lỗ mũi, từ đó khí trời đi vào, ra nuôi lấy trái tim, khối óc, cơ thể con người. Nó quý giá đến mức người ta không ăn uống gì cả, một tuần mới chết, nhưng chỉ cần bịt cái lỗ đó vài phút là con người phải lìa trần.

Đóng một vai trò cực kỳ quan trọng như thế nhưng lỗ mũi luôn khiêm tốn, chỉ nhìn xuống dưới mà thôi. Chưa hết, bên trong hai cái lỗ đó còn có nhiều bộ phận để điều chỉnh, lọc khí, chỉnh luôn vận tốc, biến đổi làn không khí ô nhiễm bên ngoài, cho ấm áp hơn, sạch tốt hơn trước khi đưa vào phổi, làm cho con người sống giữa trần thế.

Mặc dầu tối quan trọng như thế cho tất cả mọi người, nhưng khổ nỗi trong thi ca âm nhạc ít ai buồn nhắc đến cái lỗ mũi. Người ta thích nhắc đến đôi mắt em, chiếc môi em, làn da thơm mát…

Thật là bất công! Rồi đời lại gắn trên đó những cái tên gọi khác nhau : mũi Trư Bát Giới, mũi cà chua, mũi trâu, mũi sư tử, mũi tổng thống Nixon cao nhọn vênh vểnh trên trời, rồi mũi két, mũi bồ câu dọc dừa, mũi nhìn miệng, mũi tẹt… và lạ nhất là trong những quốc gia Châu Á, chiếc sống mũi chênh vênh thói quen thường uốn cong xuống, không chịu hòa đồng, không tương xứng với mắt, môi, khuôn mặt, mà ông trời đã ban phát. Phương diện cơ thể học mũi người Á và người Âu khác nhau xa . Phần sống mũi to ra bằng ra . Hai cánh mũi phập phồng rộng ra , chưa kể lớp da và vùng dưới da cộm dày ra, rồi chân mũi lại thu nhỏ , hướng mũi đầu mũi chên vênh khác nhau …

Vậy cái mũi đẹp người Á làm sao cho đẹp phụ thuộc khá nhiều yếu tố nêu trên . Thế kỷ hôm nay, nhất là các nước Phương Đông chịu ảnh hưởng khá nhiều phim chiếu bóng phương Tây, lại thêm trong lãnh vực truyền thông, chiếc tivi lấp đầy chương trình quảng cáo, chiếu lên hàng ngày, xâm nhập mạnh vào thị hiếu của phái nữ. Đương nhiên, nhận thức, quan niệm cái đẹp biến đổi theo, nhất là khi kinh tế quốc gia, gia đình khá hơn, con người tự soi gương nhìn lại mình, nhìn lại dung nhan không mấy vừa ý. Ở người da trắng, có thể cái đẹp nhấn mạnh nhiều đến nhục dục, rồi chất chứa, gom tụ, kết nguyên nhiều thứ có thể lôi cuốn hấp dẫn người xem.

Nhưng ở phương Đông, quan niệm triết học lâu đời, cái đẹp nhấn mạnh nhiều về biểu trưng khuôn mặt đẹp là đoan trang thùy mị, không lố lăng mà lại có nét duyên dáng. Và khi trao chiếc hôn cho nhau cũng phải tìm nơi kín đáo vắng bóng người, chứ không phô bày lồ lộ xảy ra mỗi phút giây nơi xứ xa kia.

Đẹp như một tổng hợp văn hóa phát triển tùy vùng đất - cái hiện hữu và những gì liên quan về lịch sử nơi đó.

Trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ xứ ta và những nước lân cận, mổ cắt mắt hai mí chiếm nhiều nhất, kế đó là chuyện nâng cái mũi cao cao lên một chút, một phẫu thuật gần như đặc thù khá tiêu biểu trên người da vàng - một chủng tộc màu da đông nhất thế giới. Không phải khi người ta đi chống mũi cao lên là ước mong làm cho cao thật giống mũi Tây (để quên đi nguồn gốc mũi tẹt), nhưng thật ra họ đang khát khao khuôn mặt mình được hài hòa hơn, cân xứng hơn, cố tránh giống chiếc mũi lai căng.

Thật ra có vài chiếc mũi sau khi nâng cao, khuôn mặt hiện hữu bỗng rạng rỡ hẳn lên, Những đường cong, đường thẳng bị gãy như nhỉnh lại. Hai gò má hôm nào trông thấp xuống, đôi mắt như sâu lắng xuống, huyền ảo hơn, bỏ quên nét mặt trước đây trông buồn chán, khó nhìn.

Khá đông người Tây phương rất thích thú ngắm nhìn những chiếc mũi thon nhỏ của người Việt, cũng không ít người phụ nữ ta nghịch đời, thích nâng cái mũi cao lạc lõng, nhìn phát khiếp để cho giống Tây!

Thật ra nếu so sánh chiếc mũi của người da trắng, da đen, da vàng tự nó khác nhau rất nhiều. Khác từ đuôi mũi cao gồ, khác độ cong sống mũi lên xuống, khác cái đỉnh mũi nhọn tròn, thêm cánh mũi, trái mũi phập phồng, khác luôn tỷ lệ độ dài so với độ rộng …Chưa hết, nó còn khác nhau trên màu da, khác nhau trên chủng tộc, truyền thống văn hóa, nhân sinh quan, nhất là khác nhau trên từng người khi nhìn về một cái đẹp giữa trần thế.

Do những lý do nêu trên, một ông bác sĩ làm đẹp có kiểu nhìn khác nhau về cái đẹp. Trong lúc mổ mỗi ông tự tạo ra một kiểu phẫu thuật nâng mũi riêng mình. Có ông đưa chiếc mũi giả vào lỗ mũi bên phải, có người đưa vào lỗ bên trái, có người cho vào ngay ở chân giữa hai lỗ, nhưng có người nhét vào từ dưới bờ môi…

Trong khi đẽo chiếc mũi giả cũng thế: họ khác nhau vì gọt dũa kích thước mũi to nhỏ, vì dài ngắn… Khi chọn chất sống mũi đặt vào cũng thế: người thích chọn chất màu trắng, khi màu vàng đất, rồi màu đục, đậm nhạt, lựa chất mềm chất cứng… Tạo dáng mũi cũng khác: ông thì thích mũi chữ L có ông thích chữ I… rồi gọt đầu tròn đầu bé.

Nếu một ai đó, chỉ đứng nhìn ông bác sĩ làm một phẫu thuật nâng mũi, trông rất nhẹ nhàng làm sao! Chỉ cần một thời gian ngắn vài chục phút là xong, không chút đớn đau. Có đau chăng là mũi thuốc tê chích nhẹ vào dưới da. Chảy máu gần như không đáng kể, sau đó bệnh nhân sưng nhẹ vài ngày, mất một tuần là cắt chỉ, rồi sẽ mang nó suốt đời chẳng hề hấn gì cho sức khỏe. Nhưng để có được cái mũi đẹp nằm yên, dung nạp dưới da thịt người vài chục năm cho đến xong một kiếp người phải rất là kỳ công.

Những biến chứng thường trông thấy khi làm mũi .

Lưỡi dao mỗ rơi xuống thân người – nơi đâu cũng có biến chứng xãy ra – Dù cái lỗ mũi nhỏ xíu ,nhưng biến chứng khá nhiều – do từ ông bác sĩ đến người bệnh nhân . Nhiều nhất là nhiễm trùng – nhất là làm sạch sống mũi và phẫu trường quanh đó .

Cái mũi giả qúa lớn đặc trong mũi nhỏ , nó chèn ép những mô chung quanh , nhất cái vùng mạch máu tận cùng cũng gây viêm nhiễm . Mũi giả lớn qúa dễ làm thũng lỗ mũi . Mũi giã gọt nhọn qúa cũng thũng da mũi vậy .

Như vậy kích thước ,hình dạng sống mũi cực kỳ quan trọng . Cái dao , cái kéo , cái kềm …đưa vào mũi không ngay thẵng , cộng thêm bàn tay người thầy thuồc không khéo cũng gây cái mũi nghiêng nghiêng với đời .

Đầu tiên chất liệu làm mũi là loại gì? Khi mổ được sát trùng như thế nào? Dưới bàn tay ông bác sĩ (phải khá giỏi) khi đưa mũi giả vào da thịt người, không gây tổn thương thần kinh mạch máu, rồi phải làm sống mũi, đẽo gọt sao cho vừa ý khách hàng, kết quả sau mổ chiếc mũi sẽ sống yên với đời, không phải chịu lời đắng cay?

Khổ tâm khác, ông bác sĩ làm vừa ý quan niệm cái đẹp của hàng triệu nữ giới, như châm ngôn phán “Họ là những gì khó hiểu nhất trong thế gian”! Chuyện khó nhất, làm sao mũi ngay ngắn cân xứng sau mổ, nằm ở một nơi lồ lộ ai ai cũng nhìn thấy, không thể giấu diếm.

Không khéo sau mổ, mũi sưng tấy nhiễm trùng, có khi một thời gian ngắn chiếc mũi không chịu nằm yên, chui ra ngoài, có khi nó bò, rơi xuống nhìn môi, nhìn miệng! (chuyện này cũng hiếm gặp).

Tất nhiên chiếc mũi đẹp tùy thuộc rất nhiều tài năng và lương tri người thầy thuốc “Không phải có sai sót là sửa lại được - sửa chiếc áo hư đã khó, da thịt người bị hư xấu càng thêm khó”. Hạn chế sự sai sót là điều tốt nhất.

Cắt bỏ cánh mũi và thu nhỏ đầu mũi Một phẫu thuật khác thường mấy cô mấy bà đến mỹ viện làm là thu nhỏ hai cánh mũi. Hai cánh mũi phình to mặc nhiên có hai lỗ lớn – quan niệm tiền ra như nước không giữ được nên phải chặn lại cho tốt.

Phẫu thuật này đơn giản chỉ cần gây tê tại chỗ, một tuần cắt chỉ, hiếm khi biến chứng chỉ có điều cắt không khéo thì cánh mũi to cánh mũi nhỏ rất khó coi, và phải biết cách che giấu cái sẹo lồ lộ trước mặt.

Đầu mũi bự thu nhỏ Có những đầu mũi bự, nam giới họ xem là quý tướng nhưng nữ giới họ lại lấy làm bực mình. Chuyện thu nhỏ này tùy thuộc những cánh sụn bên trong mũi. Đường mổ ít khi thấy.

Tóm lại cái mũi khá rắc rối trong cuộc đời này, ngoài chức năng nơi tiếp nhận khí trời, còn trang điểm trên khuôn mặt dù biết bao điều nghịch lý.

Trong đời thường, có những người đặc biệt mang tên “Người thính mũi”. Ở đây chiếc mũi còn mang hàm oan tưởng như làm thay thế nhiều chức năng khác của mắt nhìn láo liên, tai nghe ngóng miệng phân bua, tay chân chạy đôn chạy đáo, não bộ …trong công việc làm ăn.

Đương nhiên do số trời, có người phải gánh chịu bao nhiêu đắng cay với đời trong ngàn công việc cũng được gọi “Người chống mũi chịu sào “.

Cái gì nhọn nhô ra cũng gọi mũi: như mũi Cà Mau, mũi Né, mũi Kê Gà, mũi tàu,… rồi ông thầy bói nhân đó phán ra cả ngàn câu về mệnh, số (số giàu nghèo, số hôn nhân lận đận, số công danh trồi trụt, chuyện vào tù ra khám, tiền bạc tiêu hao), cũng từ lỗ mũi người! Và bỗng tự hỏi đâu là cái mẫu mũi đẹp hoàn thiện mà con người cần phải đạt đến?

Thế giới có người bác sĩ muốn cái mũi đôi khi dày hơn đôi chút – họ không thích lọai sóng mũi nên nhiều công ty sản xuất những lớp xốp silicone …đủ lọai mặc cho ông thầy thuốc chọn lựa .