Tro bụi đời người .

Tro bụi đời người .

Sáng thứ Hai 13/3/2000 , chiếc xe tang dừng vài phút trước dinh Thống Nhất để cho những đứa con của KTS Ngô Viết Thụ bước xuống vái lại cái dinh , dấu ấn kiến trúc của cha mình . Trên những tán cây cao , những giọt sương mai còn đọng lại , lấp lánh chút nắng sáng của một ngày như muốn cùng tiễn biệt . Đoàn xe im lặng hướng về Bình Dương , sau đó thân xác hóa thân thành tro bụi trong lò hỏa thiêu số 1 Thuận An , trong tiếng kinh êm ả của đoàn sư áo vàng .

Tro bụi một phần rót vào chiếc hũ tro cốt , trao gởi lại trong ngôi chùa nhỏ hướng tây thành phố . Phần tro than còn lại bay bổng hòa tan với trời đất . Đời người hữu hạn thoáng chốc biến thành bụi , thành tro .

Người xưa có nói , chim bay đi rồi không còn lưu dấu vết . Người qua đi , nhất là đối với những con người tài hoa xuất chúng như ông , đặc biệt trong ngành kiến trúc . Những công trình còn đó , sừng sững để ngưòi đời bàn cãi . Kiến trúc có thể đẹp có thể xấu , có thể tôn vinh hay chê trách , vĩnh cửu hay cần phá bỏ hiện diện trước triệu triệu đôi mắt ngưòi . Ông , một kiến trúc sư tài hoa , có khá nhiều công trình hiện diện nhiều vùng đất 40 năm qua . Tro bụi bay đi nhưng dấu ấn còn đâu đó .

Tài năng con nguời , phá bỏ luật lệ Giải khôi nguyên La Mã .

Chỉ cần nhìn hàng ngàn kiến trúc giữa thành phố Paris , từ cổng , mái nhà , bức tường rào đến ngàn trụ đèn trên đường phố , tất cả là nghệ thuật của những nghệ nhân , họa sĩ , điêu khắc kiến trúc sư …Kìa là điện Versaille , từ chỗ Vua ngự bên trong cho đến hàng trăm bức tượng đá khá đồ sộ kéo dài trăm mét hai bên đường đến bờ hồ . Dưới mỗi bức tượng có ghi tên những nghệ nhân dày công làm nên tác phẩm đó. Họ đến từ Hy Lạp , từ Tây Ban Nha , từ Ý …vì họ là con người nghệ sĩ nên nay đây mai đó , có khi quay về cố quận . Người Pháp nhận thấy điều đó bất tiện , nên họ bày ra cuộc thi Khôi nguyên La Mã bao gồm : mỹ thuật , kiến trúc , thi ca , điêu khắc …nhằm tìm kiếm nhân tài , thiên tài phục vụ những vấn đề xây dựng mỹ thuật cho nước họ . Để có thể tham dự giải này ngoài tài năng phải có , còn có những điều cơ bản không thiếu được như phải là quốc tịch Pháp , phải là trẻ tuổi dưới 25 , phải là độc thân , và phải là người Công giáo .

Những điều cơ bản đó , KTS Ngô viết Thụ không có đuợc điều kiện nào tham dự . Ba đời trước không ai có quốc tịch Tây , đã có vợ có con , đã đến tuổi 28 , là một Phật Tử … nhưng với tài năng thiên phú ông đã vượt qua được nhiều cửa ải để tham dự giải , sau đó đoạt luôn giải Khôi nguyên La Mã . – xem như là một thiên tài nước Pháp .

Tài năng Cầm Kỳ Thi Họa .

Có một thời , những đêm cuối tuần căn nhà ông đôi khi là nơi hòa nhạc , đặc biệt là nhạc cổ Việt Nam . Ông ta là người chơi đàn cò khá nhuần nhuyễn , chưa kể đàn tranh , đàn tỳ bà … Cả tiếng sáo , tiếng ngâm thơ cùng bạn bè cùng trang lứa vang động khu vườn .

Sau khi về nước ông ta bỏ thì giờ khá nhiều để học thêm âm nhạc , thường hát , độc diễn một mình giữa gia đình . Một ngôi nhà khác khá thú vị để ngâm nga thi phú là khu vườn của Giáo sư khả kính Phạm biểu Tâm nguyên Khoa trưởng Đại học Y khoa Sài gòn , nhà góc đường Lê qúy Đôn , Ngô thời Nhiệm . Giờ đây giáo sư đã hiến dân làm Cơ quan bảo hiểm Y Tế .

Nỗi đam mê chơi cờ tướng khá kỳ lạ . Ngoài thì giờ làm việc bận rộn ở cơ quan , đường Phùng khắc Khoan , sau về 104 Nguyễn Du . Có hôm ông mời một danh thủ cờ tướng là cụ Nho ( cũng là nguời thầy dạy Hán văn cho vợ KTS Ngô viết Thụ ) ở lại trong nhà . Đêm đêm đánh cờ với cụ ta suốt 3 tháng liền , đến khi thắng được mới chịu trả cụ ta về lại Đà Lạt . Ông thói quen thích chơi thế Bình phong mã .

Thi ca đầy ắp cả cuộc đời từ lúc trai trẻ cho đến khi giã biệt cuộc đời . Buổi sáng thức giấc nghe tiếng hát . Truớc khi ăn quanh đàn con , nhất là có chuyện gì vui là ngâm … . Ít nhất có vài trăm bài thơ để lại chưa một lần in ấn ( trong đó hơn 50% là bút tích của người vợ yêu quý là bà Cơ ghi chép lại sợ thất lạc ).Ngay khi ở xứ người ông cũng không quên làm thơ . Trích lại một đoạn thơ của ông tặng người họa sĩ tài danh Lê bá Đãng , người họa sĩ Việt Nam nỗi tiếng thế giới khá hiếm hoi , người được ghi trong bách khoa tự điển .

…………………………………………….

Cũng như khi nhạc rừng lên vi vút

Khi chim đàn rung cánh cất lời ca

Khi suối reo lẫn với tiếng chan hòa

Của gió thông lau ngàn heo hút .

Bởi thế vẽ tranh khi chiều vàng hậm hực

Thì lòng người cảm thấy cũng đìu hiu

……………………………………………….

Mặc thế sự cơ cầu

Vì yêu ta cứ vẽ

Thơ Ngô Viết Thụ tặng HS Lê Bá Đãng - Balê 57

Giữa hàng trăm bài thơ trong cuốn thơ viết tay đó , xen kẽ khá nhiều tranh vẽ bằng mực Tàu , những phác thảo phong cảnh và chân dung , có luôn phác thảo kiến trúc . Trên những bức tường trắng , trong cái kho lưu giữ còn khá nhiều tranh sơn dầu , tranh lụa …

Quà cho cô dâu chú rể , con những người bạn thân trong ngày cưới rất đặc biệt . Ông mời cô dâu chú rễ tới nhà trước một hai tuần .Cặp tân hôn ngồi đó , ông vẽ chân chung đôi son trẻ . Ông vẽ rất nhanh , đặc biệt là vẽ kiến trúc , vừa nói chuyện với gia chủ , vừa vẽ phác thảo nhà . Tính cách hiếm có ở những nhà kiến trúc sư .

Gần một thế kỷ trước đây , đất nước có một nghệ nhân là ông Cửu Tánh tác giả bức Long Vân hoành tráng trên trần nhà của lăng vua Khải Định . Để vẽ bức tranh lớn , khó khăn đó , ông ta phải treo ngược người , rồi dùng đôi bàn chân để vẽ .( trong tư thế đó khó vẽ được bằng tay vì cản tầm nhìn của đôi mắt người vẽ ) .

Bức tranh Long Vân giờ đây còn đó , nét bút như rồng bay , như còn nguyên nét . Một tác phẩm khá lớn trên 50 mét vuông ,nằm trên cao nhìn xuống đời người , nhưng phải mất 10 năm trời hoàn thành để hiện diện trong lăng Vua . Một giai đoạn , đánh dấu một thời vàng son hội họa Việt Nam vẽ trên tường ( peinture aux murs ) . Sau khi tác phẫm hoàn tất , ông Tánh được Vua phong là Bát Phẩm Văn Giai .

Một họa sĩ người Việt khác nổi danh ở nuớc ngoài , tác giả vẽ dưới vài vòm cung nhà thờ ở nước Ý là hoạ sĩ L.V . Đệ , có lẽ ông ta cũng phải vẽ bằng chân thôi .

Trong dinh Thống Nhất có bức tranh sơn dầu khá lớn dài cả mấy thuớc có tên là Sơn Hà Cẫm Tú , một thời KTS Ngô Viết Thụ vẽ bằng đôi bàn chân mình . Tấm bố căng lớn trải trên nền nhà , sau đó ông ta đi quyền Thiếu Lâm trên đo , trên những sơn dầu xanh trắng đỏ … sau đó mới dùng cây cọ chỉnh lại .

Tính cách một con nguời thời Nay nhưng rất là Xưa cổ

Con người tài hoa , từ bỏ Hàn lâm viện Pháp ở trời xa , quay về xây dựng đất nuớc . To con , khuôn mặt chữ điền , đẹp trai, hoạt bác . Trong xã hội , khi làm việc ăn mặc rất Tây , thích quần trắng , mang giày trắng , chiếc cà vạt đẹp …lái chiếc xe Fiat trắng , thùng xe hơi luôn có vợt Tennis , có bộ cờ tướng , có luôn giá vẽ tranh . Khi lái xe thích hát , ngâm nga đôi câu thơ mới hiện ra trong đầu . Khi dự dạ hội tiệc, mang chiếc nơ trên cổ áo rất đúng mode , mái tóc chải bóng …

Thế mà trong gia đình rất trái ngược , xưa cổ Đông Phương khó hình dung nổi . Một lễ giáo , tập tục dành cho mọi người trong nhà . Khi ăn người cha cầm đũa truớc tiên . Thức ăn đạm bạt, thanh bạch mấy chục năm rồi . Sở thích vẫn là rau muống , rau khoai chút mắm cà . Món ăn thích nhất có lẽ là cá diếc , cá rô , cá nục , con cá chột nưa từ cái vùng đất ấu thơ ngoài xa Huế gởi vào biếu cho ông . Một con người hiếm hoi ra ngoài ăn ở nhà hàng . Chỉ uống chút rượu lúc sung suớng nhất , sau một tác phẩm mới hoàn tất . Một ly champain sau mô hình bệnh viện 500 giuờng của truờng đại học Y , rồi một ly khác sau khi vẽ xong phác thảo Viện Hóa Đạo …tiếc rằng 2 công trình trên cũng không có trên đời .

Trong nhà , ông ta và tất cả vợ con đều học trường Tây , nhưng không bao giờ nói tiếng Pháp .Khi ăn nói chuyện với con cháu chỉ có chuyện người Nhân , người có Đức hạnh trong đời , chuyện nghèo khổ bần hàn mình đã trải qua thời niên thiếu . Thời trai trẻ mới lớn phải đi mua mắm ruốt hàng ngày ở quán Mệ Ký . Cầm chén ruốt ông hấy mắc cở khi gặp vài cô gái Huế ngó ông . Tốt nhất phải bẻ vài nhánh chè Tàu ( cây làm hàng rào có nhiều ở Huế ) cắm cây vào chén ruốc , lội bộ về nhà qua ngã tư cầu Kho Rèn , miệng lẫm nhẫm đọc thơ , làm bộ nghêu nghao hát . Chém mắm ruốt , chén mắm hoa cà …leo lên cái dốc đường rầy xe lửa , trong mồ hôi nhễ nhại khó quên .

Tính cách khác lạ lùng nơi ông là không bao giờ chê bai người , phán xét ai dù trên bản vẽ thiết kế kiến trúc của học trò mình , ngay cả khi nghe , đọc âm nhạc thi ca nguời khác , luôn xã hội đời thuờng . Ông im lặng và thông thường là khen ngợi . Thỉnh thoảng ông đọc thơ như nguyện cầu để con cháu nghe , về đất nước mình …

………………………………………….

Mong cho non nước linh thiêng mãi .

Luôn luôn cá gáy hóa thành Long

Thơ Ngô viết Thụ – Balê 1953

Xưa cổ trong nhiều chuyện . Như chuyện làm thơ , đàn hát trước đó ông phải tắm rửa sạch sẽ , đốt nhang trầm rồi mới khai bút , ngâm nga ca thi phú …và nhất khi đón khách quý tại nhà , thông lệ mặc áo dài khăn đóng đúng lễ nghi .

Một tài năng toán học bẩm sinh thời niên thiếu còn theo học trường trung học Kỷ thuật Huế , giúp ông vào học kiến trúc , thời nghành học Kiến trúc còn nằm trong trường Mỹ thuật tại Đà Lạt .Gần cuối đời ông lại dùng toán học để chứng minh lý thuyết nhà Phật , say sưa trò chuyện trình bày với những người tâm giao .

Chuyện lạ khác là về khả năng ngôn ngữ như là thiên phú . Ngoài tiếng Anh . Pháp , Latin ông viết đọc khá giỏi . Học 6 tháng là đọc và viết Tam Tự kinh . Tiếng Nga cần học mấy tháng là nói đuợc truớc khi viếng thăm Nga .

Ba chục năm truớc , trước khi tham dự hôi chợ quốc tế Osaka . Ông chỉ cần 3 tháng học là nói tiếng Nhật khá thành thạo và cũng từ đó ông đi lang thang vào sâu trong các làng mạc người Nhật . Đúng hôm đó có cơn bão tuyết , ông suýt bỏ mạng dưới đống tuyết dầy che lấp .Thời gian đó khi quay về nước , ông nhận thức rõ thêm cái Sinh cái Tử , cái hữu hạn , vô hạn đời người , ông lại đam mê trong thiền định , như thói quen sống tĩnh lặng trong thế giới rối rắm lắm tiếng ồn ào .

Không gian trầm mặc xưa cổ bên trong của ngôi nhà 22 Trương Định đang sống . Không gian đó ông tạo ra vì cái tâm như muốn định lại , phải chăng ông ta bị ảnh huởng không gian nặng nề một thời son trẻ khi cùng mẹ ruột là O Trợ , tá túc trong ngôi đền đức Thánh Trần nhìn ra giòng sông An Cựu nắng đục mưa trong .

Sau cái cổng cổ , là hai con voi , hai con ngựa chầu dưới bóng mát im vắng của chục cây vải . Đền Thánh Trần được bao quanh một rặng tre dày đặc , quyện trong tiếng chuông , tiếng cầu nguyện , mùi nhang khói quanh năm , giữa những con người luôn mặc áo dài khăn đóng, quỳ gối khấn nguyện quốc thái dân an giữa không gian , một thời bị Tây đô hộ …tất cã mang theo ông , dính dấp một đời người ông , giờ đây biến thành tro bụi .

Những dòng người đưa tiễn , trên trăm vòng hoa có hàng chữ “ Thành kính phân ưu KTS Ngô Viết Thụ . ” Oi ! Người đi rồi , đâu còn thấy , còn nghe , còn hiện hữu mà phân ưu , may ra là chút phân ưu cho đàn con của ông quanh đó . Có chăng là tiếc thương , thương tiếc … tro bụi một đời người , tro bụi đã làm rạng danh tổ quốc .

Tro bụi ơi , có bay về hòa với bụi khói sương mù trên vùng cao Trung tâm Nguyên tử lực , hay bụi tro vương vấn bám trong chợ đời Đà Lạt và có thể tro bụi quay về Đại thiền viện Trúc Lâm … tro bụi và những dấu ấn kiến trúc của ông còn đó , quyện mình trên vùng cao sương mù lạnh đó ! ./.