Mỗi khi nói đến Tết thì ta luôn luôn kết hợp nó với Xuân. Mùa Xuân trong truyền thống văn chương được xem như là thời gian đẹp đẽ nhất trong năm, qua những cây lá xanh tươi, hoa nở rực rỡ khoe muôn màu, muôn sắc, phong cảnh thơ mộng, hữu tình, cộng với thời tiết ấm áp sau một mùa đông dài lạnh lẽo. Mùa Xuân thích ứng với những sự mong đợi, những hy vọng tốt đẹp của con người vào năm mới. Nhưng « TẾT », theo nghĩa là ngày đầu năm của một loại lịch, thay đổi tùy theo nền văn minh, tôn giáo hay tổ chức xã hội của từng xứ.

Các loại lịch chính

Tôi không đi sâu vào chi tiết của tất cả các loại lịch, nhưng nói chung các loại lịch đang được áp dụng hiện nay đều dựa trên thời gian:

- hoặc là của sự chuyển động của địa cầu chung quanh mặt trời, đó là « dương lịch » đang được áp dụng rộng rãi trên toàn thế giới

- hoặc là của sự chuyển động của mặt trăng chung quanh trái đất, đó là lịch Hồi Giáo

- hoặc là một sự phối hợp của cả hai, đó là « âm lịch » (Ta hay Tàu) hay lịch Do Thái.

Dương lịch

Dương lịch Grégorien, hiện đang được sử dụng trên toàn thế giới, do Giáo Hoàng Grégoire XIII thiết lập vào năm 1582 dựa trên lịch Julien của Hoàng Đế La Mã Jules César, thiết lập năm 46 trước Thiên Chúa.

Nước Nga trước Cách Mạng Bolshevik (10/1917) vẫn giữ dương lịch Julien vì thời đó có một sự tranh chấp quyền lực giữa các Giáo Hoàng Orthodoxe Nga và Thiên Chúa La Mã. Sau khi lật đổ Nga Hoàng, Lê-nin đã thay thế lịch Julien bằng lịch Gregorien nhưng các nhà thờ Orthodoxe phía đông như Jerusalem, Nga, Georgia, Macedonia, Serbia, vẫn dùng lịch Julien và giữa hai loại lịch có một sự chênh lệch đáng kể: nếu tính ngày đầu năm thì dương lịch Julien đó trễ hơn dương lịch Gregorien 13 ngày. Nói cách khác nhà thờ Orthodoxe phía đông mừng Lễ Giáng Sinh 13 ngày sau các nhà thờ Orthodoxe ở phía Tây Âu hay Thiên Chúa La Mã dùng dương lịch Gregorien.

Một năm của dương lịch Gregorien có (365+1/4) ngày.

Nhưng để cho dễ tính, dương lịch Gregorien (ta gọi tắt là dương lịch) quy định trung bình một năm có 365 ngàycứ 4 năm thì thêm một ngày vào tháng 2: 28+1=29 ngày. Đó là năm nhuận (année bissextile – leap year) để cho mặt trời ở vào đúng cùng một vị trí cực đỉnh: ngày 21/03, ngày đầu XUÂN (équinoxe de printemps) và ngày 21/09, ngày đầu THU (équinoxe d’automne), ở Bắc bán cầu.

Ở Nam bán cầu thì ngược lại: 21/03 là ngày đầu THU và 21/09 là ngày đầu HÈ. Vào hai ngày nầy thì ngày và đêm bằng nhau (équinoxe):

- Ngày 21/06 mặt trời vào lúc 12 giờ trưa sẽ ở ngay trên đỉnh đầu đối với ai ở trên Chí TuyếnCancer (Tropique du Cancer) của Bắc bán cầu, hoặc ngược lại là Chí Tuyến Capricorne (Tropique du Capricorne) của Nam bán cầu.

Đó là ngày dài nhất trong năm (quỹ đạo dài nhất: ngày đầu HÈ ở Bắc bán cầu).

- Ngày 21/12 là ngày mà mặt trời xuống thấp nhất vào lúc 12 giờ trưa trên quỹ đạo biểu kiến, đó là ngày đầu ĐÔNG: ngày ngắn nhất trong năm, quỹ đạo biểu kiến ngắn nhất, ở Bắc bán cầu. Ở Nam bán cầu thì ngược lại, ngày nầy là ngày dài nhất.

Tóm lại, thời gian của 4 mùa ở Bắc bán cầu là:

Mùa XUÂN : từ 21/03 đến 21/06 Mùa HẠ (HÈ) : từ 21/06 đến 21/09

Mùa THU : từ 21/09 đến 21/12 Mùa ĐÔNG : từ 21/12 đến 21/03

TẾT Ta nằm trong khoảng giữa ngày 21/01 dương lịch, và ngày 21/02 dương lịch, như thế là ở giữa mùa ĐÔNG ở Bắc bán cầu hay giữa mùa HÈ của Nam bán cầu.

Thí dụ:

Mồng 1 Tết năm nhằm ngày năm dương lịch

Kỷ Sửu 26/01 2009

Canh Dần 14/02 2010

Tân Mão 03/02 2011

Nhâm Thìn 23/01 2012

Quý Tỵ 10/02 2013

Giáp Ngọ 31/01 2014

Ất Mùi 19/02 2015

Âm lịch

Căn cứ trên chu kỳ các tuần trăng: tròn, khuyết (phases de la lune) do sự vận chuyển chung quanh trái đất của mặt trăng.

Một năm âm lịch chia làm 12 tháng và sự chênh lệch với dương lịch quá lớn, dẫn đến các ngày tháng đánh dấu cho bốn mùa không còn trùng nhau trong những năm kế tiếp nhau, do đó không thể dùng âm lịch để xác định mùa và tiết trong năm một cách chính xác được.

Có rất nhiều nền văn minh và tôn giáo trên thế giới dùng âm lịch, tôi chỉ xin kể ba loại âm lịch:

1- Lịch Hồi Giáo

Lịch căn cứ thuần túy vào sự chuyển động của mặt trăng. Một năm có 12 tháng,

354 hay 355 ngày, so với dương lịch thì ngắn hơn 10 đến 12 ngày.

Lịch Hồi Giáo được bắt đầu tính từ ngày 16 tháng 7 năm 622 dương lịch, ngày mà Đấng Tiên Tri, Prophète MOHAMET (MAHOMET) rời La Mecque đi đến ở Medina. Do sự chênh lệch đó mà ngày bắt đầu tháng Ramadan, tháng chay lạt của Đạo Hồi, mỗi năm không rơi vào một ngày, tháng, nhất định của dương lịch.

2- Lịch Do Thái Giáo

Lịch nầy phối hợp vừa tính theo mặt trăng vừa chỉnh theo mặt trời. Có 2 loại năm:

- năm thường, 12 tháng gồm có 353, 354, hay 355 ngày

- năm nhuận, 13 tháng gồm có 383, 384, hay 385 ngày

Đầu tháng được tính từ lúc trăng tròn.

Theo Do Thái Giáo thì lịch nầy được thiết lập 3761 (?) năm trước lịch Gregorien, vì thế năm 2015 lịch Gregorien ứng với năm 5776 lịch Do Thái.

Hiện nay ở Do Thái, lịch Gregorien được dùng khắp các nơi ngoài các cơ sở tôn giáo hay các ngày lễ tôn giáo.

Sau 19 năm thì ngày đầu năm của lịch Do Thái và ngày đầu năm của lịch Gregorien trùng nhau.

3- Lịch Ta hay Tàu

Lịch nầy có 12 tháng, các tháng đủ30 ngày và các tháng thiếu29 ngày. Nguyên do của các tháng đủ, thiếu nầy là thời gian trung bình giữa hai tuần trăng ở vị trí tối (new moon – nouvelle lune) là 29 ngày 12 giờ 44 phút, gần 29 ngày rưỡi.

Âm lịch Ta hay Tàu cũng không thuần túy dựa vào sự vận chuyển của mặt trăng vì nó chỉnh sự sai biệt giữa ngày, tháng, mùa và tiết bằng cách cứ 2 hoặc 3 năm ta thêm 1 tháng, tháng nhuận, và năm đó được gọi là năm nhuận.

Thí dụ:

- Năm Kỷ Sửu, nhuận:

Tháng đủ: 1 , 2 , 5 , 7 , 9 , 11 , 12 gồm có 7 x 30 = 210 ngày

Tháng thiếu: 3 , 4 , 5 nhuận , 6 , 8 , 10 gồm có 6 x 29 = 174 ngày

Số ngày trong năm: 210 + 174 = 384 ngày

- Năm Giáp Ngọ, nhuận:

Tháng đủ: 2 , 4 , 6 , 8 , 9 , 10 , 12 gồm có 7 x 30 = 210 ngày

Tháng thiếu: 1 , 3 , 5 , 7 , 9 nhuận , 11 gồm có 6 x 29 = 174 ngày

Số ngày trong năm : 210 + 174 = 384 ngày

Ta thấy số ngày của năm nhuận 384 ngày, giống với lịch Do Thái Giáo, và cũng như lịch Do Thái, cứ mỗi 19 năm thì ngày dương lịch và ngày âm lịch trùng nhau, có thể xê xích 1 ngày đối với âm lịch.

Thí dụ:

Năm dương lịch 2011, ngày 3 tháng 2 nhằm ngày mồng một Tết Tân Mão. Ta phải đợi 19 năm mới có một ngày 3 tháng 2 dương lịch rơi đúng vào ngày Tết.

Trong vòng 19 năm, có 7 tháng nhuận được thêm vào, và các tháng đó được “nhét” (mois intercalaire) chủ yếu vào giữa các tháng 3, 4, 5, 6, 7, nhưng không khi nào ta có tháng Chạp nhuận. Tháng 11 nhuận thì cực hiếm, thí dụ ta phải đợi đến năm 2033 mới có tháng 11 âm lịch nhuận.

Lịch Tàu đã có từ cả mấy trăm năm trước Thiên Chúa, nhưng ở dưới dạng tính toán thô sơ vì các quỹ đạo của mặt trăng được tính như một quỹ đạo trung bình. Phải đợi đến năm 1645 dưới đời nhà Thanh, nhờ sự tính toán các chu kỳ vận chuyển của mặt trăng khá chính xác của Giáo Sĩ Jesuite Adam Schall mà ta mới có được một âm lịch hiện đại như ta thấy ngày nay.

Như ta biết, trong âm lịch Tàu thời gian như năm, tháng, ngày, giờ được căn bản tượng trưng bằng

- 12 con thú: Tý, Sửu, Dần, Mẹo (Mão), Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi (Vị), Thân, Dậu, Tuất, Hợi, được gọi là hàng ĐỊA CHI 地支 (Nhánh dưới đất, Earthly branches, rameaux terrestres, branches terrestres)

- Tên của năm, tháng và ngày được kết hợp với 10 chữ: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý, được gọi là hàng THIÊN CAN 天干 (Thân trên trời, Heavenly stems, tiges célestes, troncs célestes)

- Riêng giờ thì chỉ mang tên con thú mà không ghép với chữ Can nào hết.

Vì một ngày mặt trời có 24 giờ nên 1 giờ âm lịch tương đương với 2 giờ của giờ mặt trời.

MÙA VÀ TIẾT

Như ta thấy ở trên, theo dương lịch từ ngày 21/12, Solstice mùa Đông, đến ngày 21/03, Équinoxe mùa Xuân, ta chỉ có đơn giản một mùa ĐÔNG. Khác với dương lịch, mỗi MÙA của âm lịch có 7 TIẾT và mỗi TIẾT có 14 ngày.

Thí dụ:

a / Từ ngày 21/12 đến ngày 21/03 dương lịch Ta có 7 TIẾT:

1/ Đông chí 2/ Tiểu hàn 3/ Đại hàn 4/ Lập xuân 5/ Vũ thủy

6/ Kinh trập 7/ Xuân phân

b/ Ngày bắt đầu TIẾT Đông chí trong âm lịch luôn ở trong tháng 11 và trùng với ngày 21/12 dương lịch.

Ngày bắt đầu Tiết đông chí âm lịch Dương lịch (Solstice mùa đông)

06/ 11 Kỷ Sửu 21/12 / 2009

19/ 11 Ất Tỵ 21/12 / 2013

01/ 11 Giáp Ngọ 21/12 / 2014

Ta thường ghép « XUÂN VÀ TẾT » nhưng ngày đầu của mùa Xuân Âm lịch, LẬP XUÂN, không rơi đúng vào ngày đầu năm âm lịch, ngày Tết, mà vào ngày mồng 5 tháng giêng, 5 ngày sau.

XUÂN PHÂN của âm lịch rơi đúng vào ngày Equinoxe mùa Xuân của dương lịch, nhưng kéo dài 14 ngày.

Do đó, nếu ta dịch Solstice hay Equinoxe (ở vào 1 ngày nhất định) là Đông chí hay Xuân phân (kéo dài 14 ngày) thì có thể gây sự lầm lẫn. Vì vậy nên nói cho rõ:

- NGÀY Đông chí hay NGÀY Xuân phân khi muốn nói Solstice hay Equinoxe của quỹ đạo biểu kiến của mặt trời,

- và TIẾT Đông chí hay TIẾT Xuân phân khi muốn nói về Mùa Tiết âm lịch.

Ở Bắc bán cầu Tết nhằm vào ngay giữa mùa Đông và ở Nam bán cầu nhằm vào ngay giữa mùa Hè, nên ta tự hỏi Xuân ở đâu vì chung quanh ta nào thấy « hoa đào cười với gió Xuân » nhất là các bạn ở Bắc Mỹ, Canada, hay Bắc Âu, Đông Âu, … chỉ thấy băng tuyết phủ kín. Còn ở « Down Under » (Australia) giữa hè làm gì có hoa đào nở để « lại thấy ông đồ già » (mà không dịch!).

Nhưng không sao,

Thắc mắc mà chi, Xuân với Hạ

Tết đến đem Xuân khắp mọi nhà

Chúc mừng năm mới, bao Xuân tá?

Tuyết rơi, nóng bức, vẫn là Xuân.

THC Massy