Ngày xuân đầu năm thường là dịp ôn lại những chuyện đã qua. Bài này để nhớ lại ngôi trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn những năm đầu thời 1960.

Vài dòng lịch sử

Ít ai để ý danh hiệu chính thức của trường trên tiêu đề các giấy tờ hành chính, cũng như trong con dấu của Trường, đều ghi là ''Khoa-Học Đại-Học Đường'' (KHĐHĐ) (1) , tên vẫn dùng cho đến năm 1975.

Khởi thủy KHĐHĐ là Trường Cao Đẳng Khoa Học, một trong ba trường của Viện Đại Học Đông Dương sơ khai tại Hà Nội từ niên khóa 1906-1907, thành hình năm 1941. Sau khi Viện Đại Học Đông Dương trở thành Viện Đại Học Hà Nội (1946) và có chi nhánh ở Sài Gòn, năm 1953 trường Khoa Học mang tên cổ kính của một học đường. Sau Hiệp Định Genève 1954 chia đôi đất nước, chi nhánh ở Sài Gòn cùng với một phần di chuyển từ Hà Nội vào trở thành Viện Đại Học Quốc Gia Việt Nam. Năm 1957, với sự thành lập Viện Đại Học Huế, Viện Đại Học Quốc Gia mang tên Viện Đại-Học Saigon (VĐHSG). KHĐHĐ là một trong 8 phân khoa của Viện Đại Học này gồm Văn Khoa, Luật Khoa, Khoa Học, Sư Phạm, Y Khoa, Nha Khoa, Dược Khoa và Kiến Trúc.

Đầu Thập Niên 60 là những năm chuyển tiếp giao thời trước khi KHĐHĐ(1) thành hình như được biết vào năm 1970. Sự chuyển tiếp được thực hiện trên 3 phương diện: chuyển ngữ tiếng Pháp sang tiếng Việt, sự thành hình Ban Giảng Huấn hoàn toàn Việt Nam, việc mở rộng các bộ môn đào luyện và cải đổi học chế.

Các giáo sư tiền nhiệm

Xuất phát từ hệ thống Pháp, chương trình học được tổ chức theo khuôn mẫu Pháp và chuyển ngữ dạy bằng tiếng Pháp. Cho đến niên khóa 1965-1966 mới kể như hoàn toàn Việt hóa. Các giáo sư trong lúc khởi đầu đa số là người Pháp hoặc được đào tạo ở Pháp. Các giáo sư Pháp phần đông dạy toán, số còn lại chuyên về vật lý, về hóa và địa chất.

Từ 1954 cho đến năm 1960 Ban Giảng Huấn KHĐHĐSG về Toán Lý Hóa đã có các Giáo Sư Nguyễn Quang Trình, Phạm Tinh Quát, Từ Ngọc Tỉnh, Lê Văn Thới, Nguyễn Chung Tú, Trần An Nhàn, Đặng Đình Áng, Trần Văn Tấn, Lê Kim Đính, Nguyễn Văn Hoàng, Nguyễn Ngọc Sương, Nguyễn Thanh Khuyến, Nguyễn Thới Lai, Cổ Tấn Long, Trần Thế Hiển, Phó Đức Minh, Đặng Hồng Tiệm, Hà Ngọc Bích, Nguyễn Đình Hưng, Đỗ Bá Khê, Đỗ Minh Tiết v.v…

Tham khảo wikipedia, ta thấy được nhiều hơn về Trường Đại Học Khoa Học Sài Gòn, về Viện Đại Học Saigon, và về các giáo sư. Nhưng nhiều niên kỷ còn chưa rõ, ta cần phải tìm thêm một số chi tiết trên các văn bằng, nghị định, giấy chứng nhận, ... hoặc cả những giáo sư thời đó (2) xác định để kiểm lại nhưng vẫn chưa đầy đủ.

Bản tiểu sử của Giáo Sư Nguyễn Quang Trình khi ứng đơn đại diện Việt Nam vào Tổ Chức Giáo Dục Khoa Học Văn Hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã cho thấy một số mốc thời gian của KHĐHĐ và Viện Đại Học Saigon. GS Trình đã có bằng Tiến Sĩ Quốc Gia Khoa Học Pháp về Hóa Học từ năm 1943 và làm nghiên cứu trong Trung Tâm Quốc Gia Nghiên Cứu Khoa Học (CNRS) của Pháp trước khi về nước năm 1953.

Số giáo sư có học vị Tiến Sĩ Quốc Gia Khoa Học (TSQGKH, Docteur d’Etat ès Sciences, DSc.) ở Pháp hoặc Philosophiæ Doctor (PhD) ở Mỹ hay ở Anh hồi hương còn hiếm. Không kể GS Phạm Tinh Quát, có DSc về Tóan ở Pháp, về nước năm 1954 nhưng đã rời trường năm 1956, GS Lê Văn Thới, có DSc về Hóa Học ở Đại Học Bordeaux, về nước năm 1958. GS Lê Văn Thới chú trọng vào việc khảo sát các hóa chất thiên nhiên. Các Giáo Sư Từ Ngọc Tỉnh (DSc.), Trần Văn Tấn (DSc.), Trần An Nhàn (Docteur Ingénieur) về Điện hồi hương cùng thời gian này. Tiếp theo là GS Nguyễn Chung Tú, được đào luyện ở Đại Học Hà Nội cho đến Cao Học, sang Pháp tu nghiệp lấy bằng DSc về Vật Lý (Rennes 1960) rồi hồi hương ngay. Cùng trong khoảng thời gian 1960-1962 có các GS Đặng Đình Áng PhD về Toán Cơ học (1958) ở California Institute of Technology, Võ Thế Hào (DSc) về Toán (1961), GS Phạm Hoàng Hộ là Thạc Sĩ (Agrégé) (3) và có DSc ở Pháp về Thực Vật (Paris 1962) và được biết tiếng với bộ sách Cây Cỏ Miền Nam, các GS Mai Trần Ngọc Tiếng có PhD về Sinh Lý Thực Vật (1962), GS Chu Phạm Ngọc Sơn PhD về Hóa (1962), GS Phùng Trung Ngân PhD về Sinh Môi từ Mỹ và LM Hoàng Quốc Trương DSc về Động Vật Học, GS Đinh Văn Hoàng DSc Sinh Hóa Học và GS Trần Kim Thạch PhD về Địa Chất (ở Anh).

Các Khoa Trưởng

Trường được điều hành bởi một Giáo Sư Khoa Trưởng do Hội Đồng Khoa bầu lên và phòng hành chánh đứng đầu là một vị Thư Ký Đại Học Đường. Phần chuyên môn, đứng đầu là các Trưởng Ban. Khoảng đầu Trường có 8 ban: Ban Toán, Vật Lý, Hóa Học, Thực Vật, Động Vật, Địa Chất, Sinh Hóa và Sinh Lý Sinh Hóa. Những năm sau các Ban Vật Lý, Hóa Học tách ra thành Vật Lý Địa Cầu, Vật Lý Lý Thuyết, Quang Học, Điện và Điện Tử, Hóa Hữu Cơ, Hóa Vô Cơ, Hóa Lý.

GS Nguyễn Quang Trình là Khoa Trưởng đầu tiên của KHĐHĐ (1953) và cũng là Viện Trưởng đầu tiên của VĐHSG (1955). Năm 1961, GS Lê Văn Thới lên thay GS Nguyễn Quang Trình làm Viện Trưởng Viện Đại Học Saigon (1961-1963) và kiêm nhiệm chức Khoa Trưởng KHĐHĐ cho đến năm 1963. Tiếp theo là GS Mai Trần Ngọc Tiếng đảm nhận chức vụ Khoa Trưởng từ năm 1963-1965. Hai GS Nguyễn Chung Tú và Phùng Trung Ngân lần lượt giữ chức vụ Khoa Trưởng trong thời gian 1965-1973 và 1973-1975.

Các Giáo Sư Khoa Trưởng Khoa Học Đại Học Đường Sài Gòn: (1) Nguyễn Quang Trình (1953-58), (2) Lê Văn Thới (1958-63), (3) Mai Trần Ngọc Tiếng (1963-65), (4) Nguyễn Chung Tú (1965-73), (5) Phùng Trung Ngân (1973-75). Hình (1): chụp tại tư gia năm 1976 ; (2)-(5): trích hình internet.

Việc chuyển ngữ

Nỗ lực dùng chuyển ngữ tiếng Việt được thực hiện, cơ bản dựa trên Danh Từ Khoa Học của GS Hoàng Xuân Hãn và qua Ủy Ban Soạn Thảo Danh Từ Khoa Học do Giáo Sư Lê Văn Thới làm Chủ Tịch. Ủy Ban có các Tiểu Ban cho mỗi ngành chuyên khoa: Toán, Vật Lý, Hóa Học, Thực Vật, Động vật, .... Từ năm 1964-1965, đã có nhiều chứng chỉ được giảng dạy bằng tiếng Việt, sau đó chỉ còn rất ít môn được giảng dạy bằng tiếng Pháp.

Việc đào luyện

Đào luyện theo hệ thống Chứng Chỉ cho đến bậc Cử Nhân, KHĐHĐ cũng cấp phát các văn bằng Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp (từ năm 1967) và Tiến Sĩ Quốc Gia Khoa Học. Cho đến năm 1964, học trình các chứng chỉ là 1 năm và thành phần Cử Nhân Tự Do là 3 chứng chỉ, hoặc Cử Nhân Giáo Khoa khi có 4 chứng chỉ theo qui định cho từng chuyên khoa. Sau đó, là hệ chứng chỉ ngắn, với thành phần cử nhân uyển chuyển hơn nhưng nội dung tương đương. Ngoài 3 hướng Toán, Lý Hóa, và Vạn Vật với các Chứng Chỉ Dự Bị MGP (Toán Lý), MPC (Toán Lý Hóa), SPCN (Khoa Học Lý Hóa và Tự Nhiên), Trường cũng đào tạo 1 năm Dự Bị Y khoa (APM) cho sinh viên theo ngành Y, với Chứng Chỉ PCB (Lý Hóa Sinh).

ĐHKHSG cung cấp nhân viên giảng huấn khoa học cho Trường và cho các viện đại học khác được mở sau này như Viện Đại Học Dalat, Cần Thơ, Nha Trang, Tiền Giang, kể cả Viện Đại Học Huế và Trung Tâm Quốc Gia Kỹ Thuật Phú Thọ. Ngoài Trường Đại Học Sư Phạm (học trình 3 năm), KHĐHSG cũng là nơi đào tạo nhiều giáo sư bậc trung học, và tốt nghiệp ở ĐHKHSG cũng có thể làm việc ở nhiều cơ quan khác.

Song song với giảng dạy, việc nghiên cứu đã được thực hiện. Năm 1958 đã có Khảo-cứu niên-san Khoa-học Đại-học Đường / Annales de la Faculté des Sciences.

Thư viện có đa số là sách Pháp. Sách Mỹ ít hơn, nhưng cũng đã dùng những sách giáo khoa thông dụng. Các ban có sách báo khoa học dành cho nghiên cứu để tham khảo. Thời đó chưa có internet như bây giờ, tài liệu còn phải xin chụp bằng microfilm.

Sự tăng cường Ban Giảng Huấn và mở mang KHĐHĐSG

Trong Thập Niên 1960-1970, Ban Giảng Huấn đã được tăng cường rất nhiều do 3 nguồn: việc hồi hương của các giáo sư đã có bằng Tiến Sĩ ở các nơi, các nhân viên giảng huấn đã đi tu nghiệp trở về, và việc đào tạo tại Trường.

Nhiều giáo sư hồi hương đem theo về một môn học mới, một chuyên khoa mới. GS Nguyễn Hải DSc về Vật Lý Vạn Vật Địa Cầu, GS Cao Xuân Chuân DSc về Vật Lý Lý Thuyết, GS Phạm Hữu Hiệp DSc ở Pháp về đã mở mang thêm ngành Điện và Điện Tử, các GS Phùng Trung Ngân về Sinh Môi và Đinh Văn Hoàng về Sinh Hóa Học, cùng nhiều giáo sư khác nữa từ Mỹ, Pháp, ... trở về đã góp phần tăng cường mở rộng Ban Giảng Huấn. Trong số có các GS Nguyễn Đình Ngọc, Huỳnh Huynh Phạm Xuân Quang và Đặng Xuân Hồng (Toán), Đặng Lương Mô (TSKH Nhật) và Nguyễn Hữu Phương (PhD Tân Tây Lan) về Điện và Điện Tử, Bùi Thị Lạng (Động Vật), và trong đợt hồi hương vào những năm 1970-73 có các giáo sư Vũ Duy Chân, Tôn Thất Long (về Toán), Trần Chung Ngọc về Lý, Huỳnh Văn Công về Điện Tử và Trịnh Toàn về Hóa.

Sự đào tạo tại Trường cũng là nguồn cung cấp các nhân viên giảng huấn, nhất là để đảm trách việc giảng dạy thực tập, và cả việc giảng dạy giáo trình lý thuyết khi có học vị Tiến Sĩ Quốc Gia hay Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp đã được thiết lập tại Trường. Cho đến năm 1975, đã có 4 TSQGKH (3 về Hóa và 1 về Vật Lý Lý Thuyết), và hơn 10 Tiến Sĩ Đệ Tam Cấp đã được đào tạo tại Trường.

Bước chân đại học

Nhớ chuyện xưa cũng là hồi tưởng tuổi giao thời đi học và vào đời. Chọn ngành học còn phải nghĩ đến tương lai, nhiều đắn đo. Bên cạnh việc học, còn nhiều điều khác khó quên khi bước chân vào ngưỡng cửa đại học. Trước tiên là cả một sự thay đổi lớn trong tâm tư. Từ những lớp nhỏ vài chục người ở trung học, bước vào giảng đường rộng mênh mông (Đại giảng đường I hay II), tôi không khỏi ngỡ ngàng. Chỗ ngồi không nhất định, phải đi sớm chờ được chỗ gần bục giảng. Bạn kề bên hôm nay người này hôm sau là người khác. Bài vở phải ghi chép cho nhanh, nhất là những người từ trường Việt lên khi còn giáo trình tiếng Pháp.

Trong khung cảnh môi trường mới, gặp gỡ được nhiều bạn từ các trường Việt và Pháp ở Sài Gòn và các tỉnh lân cận, và cả những bạn từ những trường xa xôi như Mỹ Tho, Cần Thơ, Nha Trang, Dalat vào. Làm thực tập phải có nhóm 3 người, cũng học được cách làm việc chung. Ấy là không kể sau năm dự bị, học các chứng chỉ chuyên khoa không cần theo thứ tự, đã gặp những bạn trẻ hơn, hoặc những bạn lớp tuổi trên, và thành bạn vong niên.

Sinh hoạt chung còn thưa thớt nhưng trong dịp trại hè Dalat năm 1963, leo đỉnh núi Langbiang trước khi bị cấm vì chiến tranh là một kỷ niệm khó quên.

Thầy cũ, bạn xưa

Rời ĐHKHSG từ năm1973, nhưng tôi cũng có dịp thăm các thầy cũ như GS Nguyễn Quang Trình (năm 1976 tại vùng Paris), GS Nguyễn Chung Tú (1997, 2001 và 2006), GS Cao Xuân Chuân và gặp lại các GS Nguyễn Văn Hoàng, Phùng Trung Ngân khi sang Paris. Các GS Trần An Nhàn, Phạm Hữu Hiệp, Võ Thế Hào định cư tại Pháp, nên có nhiều dịp gặp hơn.

Tôi cũng có dịp gặp những bạn đồng nghiệp cũ hoặc bạn đồng khóa MPC 1960-1961, nhất là một số đông các đồng sự cũ định cư ở Pháp. Và đặc biệt là buổi Hội ngộ Paris 30-6-2012 đã là dịp gặp lại rất nhiều bạn cũ ở khắp nơi

Hội ngộ Paris 15 tháng 6 năm 2012

Nhớ về Khoa-Học Đại-Học Đường

'Khoa-Học Đại-Học Đường' (1) đã xa, trong cả thời gian và không gian. Nhiều giáo sư và nhân viên cũ đã mất. Nhưng trong lòng những người đã xuất thân từ đây, những kỷ niệm thật khó quên.

Có dịp xuất ngoại, và qua các câu chuyện trao đổi với các bạn ra ngoài, đối chiếu với việc học tập cũng như việc giảng dạy tại ngoại quốc, có thể nói việc truyền kiến thức vững chắc, về phần thực hành, tuy dụng cụ không được thật tân trang mũi nhọn như Pháp Mỹ, nhưng những thiết bị cơ bản KHĐHĐ vào thời đó không thiếu thốn. Về Sinh Học cũng như Hóa Học và Vật Lý, các giáo sư phụ trách phần này đã rất lưu tâm và truyền dạy cặn kẽ cho sinh viên, phần giáo khoa không thiếu cập nhật mở ra thế giới đương thời.

Điều đáng nhớ là đã gặp được các thầy có uy tín, dạy tận tâm và có phương pháp sư phạm, các sinh viên đã thừa hưởng rất nhiều kiến thức và tinh thần từ các vị thầy. Các GS Nguyễn Quang Trình, Lê Văn Thới, Phạm Hoàng Hộ, Nguyễn Chung Tú và Đặng Đình Áng, ... đã cho sinh viên những ấn tượng thật đẹp về khoa học và lòng kính trọng. Hoặc như GS Toán Lê Kim Đính, có ai học MPC mà không kính mến. Việc thi cử nghiêm chỉnh, cho nên ít ai khi ra trường Khoa Học Sài Gòn mà không vững chắc và không thành công trong công việc, kể cả ra nước ngoài để học lên cao.

Ấy là do công sức và lòng tận tụy của chẳng những các giáo sư về lý thuyết và cả về phần thực hành đã truyền cho.

Bài này để tặng các thầy cũ, các bạn cũ và đồng sự cũ, cũng như các cựu sinh viên.

Paris, những ngày gần Tết Mậu Tuất 2018.

_____________________________________________________

* Cựu sinh viên MPC niên khóa 1960-1961, cựu nhân viên giảng huấn Ban Vật Lý (1963-1973).

(1) Khoa Học Đại Học Đường Saigon ở số 227 Đại Lộ Cộng Hòa (nay là Nguyễn Văn Cừ). Tọa lạc trong một khu kiến trúc rất đẹp gồm có Trường Trương Vĩnh Ký, Trung Tâm Thính Thị Anh Ngữ, phía sau là Trường Đại Học Sư Phạm, Thư Viện và Sở Học Liệu. Năm 1964 có thêm chi khoa ở khu Đại Học Thủ Đức, dành cho Sinh Lý Sinh Hóa.

(2) GS Nguyễn Văn Hoàng cùng thời với GS Lê Văn Thới, v.v...

(3) Danh xưng Thạc Sĩ trước 1975: không phải là một văn bằng, Thạc Sĩ (agrégé) là đã qua một kỳ thi tuyển ở Pháp làm giáo sư Khoa Học, Văn Chương hay giáo sư Luật Khoa, Y Khoa, Dược Khoa (Đại Học). Trúng tuyển Giáo Sư Thạc Sĩ là những ứng viên rất xuất sắc. Ngày nay, Thạc Sĩ là một học vị, mức Cao Học hay Master.