Trong tâm tưởng của tôi, mẹ tôi là một vị Bồ Tát hóa thân. Vị Bồ Tát này đã từng có một tuổi thơ không êm đềm, vì Bồ Tát mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ xíu – chỉ mới lên hai tuổi.

Theo lời mẹ tôi kể: có người bác của mẹ chạnh lòng thương xót thân phận trẻ mồ côi đã giúp cưu mang ít lâu. Sau đó mẹ được đem về sống với người mẹ kế.

Có lẽ do những trải nghiệm trong cuộc sống từ thời thơ ấu đã hình thành nên tính cách đáng quý của mẹ tôi – Chịu đựng gian khổ, đức hy sinh, quý trọng mọi vật và nhất là lòng yêu thương con người.

Từ khi biết nhận xét, tôi chưa thấy mẹ tôi giận, ghét, trách, oán hoặc nói những lời khó nghe làm thương tổn người khác. Mẹ thường nhắc nhở chúng tôi không nên tranh chấp, so kè, hơn thua trong từng câu nói. Ai cũng có đủ nhận thức để hiểu những gì đối phương muốn ám chỉ và có đủ lời lẽ để đối đáp lại, nhưng hãy nhớ lời người xưa “Một câu nhịn, chín câu lành”, “Thà bớt một chuyện hơn là thêm một chuyện”. Như vậy cuộc sống sẽ nhẹ nhàng hơn.

Với những người trước kia đã từng cư xử không tốt với mẹ tôi, mẹ không để bụng. Lúc họ sa cơ, túng cùng cần sự cứu giúp, mẹ tôi vẫn sẵn sàng mở lòng ra. Mẹ cũng quý mến những người em của mẹ, không hề phân biệt, bởi vì “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”.

Gặp buổi khó khăn, gia đình của cậu tôi có đến nương náu tạm một thời gian trong ngôi nhà của chúng tôi. Chúng tôi tôn trọng mẹ nên cũng tôn trọng cậu mợ và cùng với những người em họ học tập, vui đùa thân thiết, không chút tị hiềm.

Mẹ tôi là một người phụ nữ dịu dàng, nhân hậu. Còn ba tôi là một người chủ gia đình uy nghiêm, quảng đại và đầy lòng vị tha. Ba tôi thường bênh vực những người cô thế và giúp đỡ những kẻ khốn cùng.

Chúng tôi ra đời trong sự chào đón, yêu thương của ba mẹ. Những biểu hiện của chúng tôi như khóc, cười, tập đi, tập nói, gọi mẹ, gọi ba … cũng đều làm cho lòng ba mẹ hân hoan vui sướng. Ba mẹ tôi ước mong nuôi dạy các con nên người hữu dụng cho quê hương.

Đến năm tôi lên lớp Bảy trung học thì ba tôi mất vì bệnh tim. Từ đó, mẹ tôi đã một mình từng bước dìu dắt chúng tôi đi tiếp trên con đường đời. Mẹ tôi đã vất vả, cực nhọc bươn chải trong việc mưu sinh để lo cho các con có cơm ăn, áo mặc và sách vở học hành. Nhìn mẹ nhọc nhằn, gian truân, chúng tôi thương mẹ quá. Mẹ không hề than vãn. Mẹ nói chỉ cần được sống bên các con của mẹ, được nhìn thấy các con lớn lên từng ngày trong mắt mẹ là lòng mẹ cảm thấy an vui rồi.

Mẹ tôi kể một câu chuyện cổ dân gian:

“Tại một làng bản xa xôi ở vùng cao, có đôi vợ chồng trẻ nhưng lại đông con. Suốt ngày, họ làm rẫy tối mặt tối mũi mà vẫn không đủ cho đám con no bụng. Một hôm, vợ chồng bàn nhau đem lủ con gửi cho Thần Rừng, rồi cố gắng làm việc, dành dụm một thời gian mới đón con về.

“Hôm sau, họ mang một nồi xôi và dẫn theo đám con vào rừng. Họ thả cho đám trẻ chạy chơi trong rừng rồi lén trốn về. Ba năm sau, khi thấy đã có đủ điều kiện, họ lại nấu một nồi xôi mang vào rừng để tìm các con. Họ gọi khản cả cổ mà không có lời đáp lại. Một chốc sau có một đàn chim nhỏ bay tới đậu trên một cành cây gần đó:

“Con ăn quả sống đã quen, xôi chín xin nhường bố mẹ!”

Mẹ tôi vẫn có những câu chuyện và những câu thành ngữ thú vị như thế để ứng dụng trong từng trường hợp, nên tôi nói mẹ là một nhà Hiền triết.

Sau bao nhiêu năm bôn ba chăm lo cho các con, bây giờ các con của mẹ đã trưởng thành, còn mẹ thì chân đã mỏi, lưng mẹ đã còng, mắt đã mờ, tai không còn nghe rõ như hồi trẻ. Mẹ cần được hưởng những ngày tháng an nhàn bên cạnh các con cháu và cả chắt nữa.

Ngày ngày, tôi ngồi cạnh mẹ đọc sách, đọc kinh cho mẹ nghe, kể những chuyện hay hay về các đứa chắt nhỏ của mẹ. Có lúc tôi còn hát cho mẹ nghe những bài hát về mẹ. Tôi hát dở lắm, nhưng tôi không ngại vì điều này làm cho mẹ vui.

Có lần tôi kể với mẹ về đứa chắt nhỏ của mẹ đang ngủ chợt thức giấc, thấy vắng mẹ nó liền chạy bổ đi tìm. Gặp mẹ nó dưới nhà, nó ôm chằm lấy vừa mừng vừa tủi: “Con nhớ mẹ!”. Tôi thấy trong mắt mẹ tôi thoáng chút xa xôi, mẹ nói: “Trẻ con bao giờ cũng cần mẹ.”

Không phải chỉ trẻ con mới cần mẹ, mà ngay cả chúng tôi – những người đã trưởng thành vẫn luôn luôn cần có mẹ, vì trong mắt mẹ, chúng tôi mãi mãi là trẻ con.

Năm hết Tết đến, mọi người mọi vật đều có thêm tuổi mới. Tuổi của mẹ tôi nhiều hơn con số 90 nhiều năm. Chúng tôi vô cùng sung sướng và tự hào vì được làm con của mẹ, được nghe mẹ bảo ban, nhắc nhở dài lâu. Đây là một phước báo trong nhân gian cực kì quý hiếm. Chúng tôi cần trân trọng nâng niu những ngày còn được sống bên cạnh mẹ, cũng như ngày xưa, mẹ đã từng nâng niu yêu quý các con của mẹ vậy.

Tôi xin mượn lời đầu của ca khúc hát về mẹ - tác giả Võ Tá Hân – để thay câu kết:

“Mẹ cho ta một tình yêu thương

Mẹ cho ta một mùi thanh lương

Con tim mẹ truyền đạt tất cả

Mẹ dạy lòng yêu thương quê hương …”

----- CHÂU BẢO -----