Hằng năm, nơi thành phố tôi ở, cứ vào sáng Mồng Một Tết là có một đạo quân đi khắp các hang cùng ngõ hẻm để rao bán, chào mời một món hàng thú vị: đó là sự May Mắn. Họ là những người bán vé số – bán Hy Vọng cho biết bao người. Niềm hy vọng của họ là ngày đầu năm khai trương tốt đẹp, việc bán buôn của họ cả năm sẽ được trôi chảy và cuộc sống của họ sẽ tốt hơn.

Cũng thế, sáng Mồng Một, nhà nhà đều mở cửa để đón Ông Phú vào nhà. Những khách hàng năm mới này với tâm trạng vui vẻ, phấn khởi tiếp đón họ để mua vài tấm Lộc đầu xuân. Nếu may mắn như lời chúc của người bán, thì đó là Trời cho, từ đó họ có thể thực hiện được nhưng tâm nguyện của họ. Còn nếu sự may mắn chưa tới thì họ cũng cười xòa, coi như một “trò chơi”.

Cuộc sống vẫn luôn có những điều không được như ý, thì Mùa Xuân tới, niềm Hy Vọng vẫn luôn được thắp sáng. Hy vọng giúp người ta có mục tiêu để phấn đấu. Nhưng với con trẻ thì sao? Chúng hy vọng điều gì? Tâm hồn tươi sáng của trẻ thơ đã từng ghi nhận những ngày Tết đầm ấm, rộn rã, ngập tràn tình yêu, hạnh phúc. Ngày Tết đến rồi, hy vọng của trẻ thơ chính là được hưởng trọn vẹn niềm vui của những ngày Tết, được đắm mình trong suối nguồn yêu thương, được che chở, dắt dìu, hướng dẫn trong lúc còn non dại.

Hy vọng các bậc làm cha làm mẹ nhìn lại cách hành xử của mình, tôn trọng, cảm nhận và tìm hiểu những ước muốn của các con, đừng quyết định vội vàng mà phải ân hận về sau.

CHÂU BẢO