Nước ta ngày xưa, quanh năm chí thú làm ăn, không có thì giờ nghỉ ngơi, nhà nông thì sáng vác cuốc, trưa vác cày, mùa cấy rồi đến mùa gặt. Người thợ thì canh ba chưa nằm canh năm đã dậy. Người đi buôn thì nay ngược mai xuôi, người đi học thì lo mài kinh nấu sử. Tóm lại, người Việt cần mẫn, chịu khó, không có ngày nghỉ cho nên thỉnh thoảng phải có một ngày giải trí, ăn chơi. Không lẽ tự nhiên nghỉ công việc để ăn chơi cho nên nhân tuần này tiết nọ bày ra ăn Tết là vì vậy.

Bắt đầu từ đầu năm đến cuối năm, có rất nhiều ngày Tết: Nguyên Đán, Hàn Thực, Thanh Minh, Đoan Ngọ, Trung Nguyên, Trung Thu, Trùng Cửu, Trùng Thập, Táo Quân.

Mồng một đầu năm là Tết Nguyên Đán. Trước Tết nửa tháng nhà nào nhà nấy rộn rịp sắm Tết, mua pháo, mua tranh, mua vàng mã, đường, bánh mứt, trái cây. Thầy Đồ, ra chợ viết câu đối, những người đi làm ăn xa nhà, đều nghỉ việc để về nhà ăn Tết. Vài hôm trước Tết, dọn dẹp nhà cửa, lau rửa lư hương, bàn thờ, dán câu đối đỏ, treo liễn. Nhiều nhà ngoài cửa dán tranh quan tướng, dán bốn chữ “Thần Trà Uất Lũy”. Điển này do phong tục nói rằng ở dưới gốc cây đào lớn ở núi Độ Sóc có hai ông thần gọi là “Thần Trà Uất Lũy” cai quản đàn quỉ. Quỉ nào làm hại nhân gian thì hai thần ấy giết ăn thịt. Dán bốn chữ này thì quỉ sợ không dám vào nhà. Có nơi chặt tre dựng cây nêu, kết ba sợi lạt, cột một bó vàng, hoặc lấy lá dứa cài ngoài ngõ, rắc vôi bột trong sân, vẽ bàn cờ, cài cung, cài nỏ để trừ quỉ.

Nửa đêm ba mươi rạng mồng một, bày hương án ra giữa sân để cúng Giao Thừa. Ở thôn quê thì đánh trống, đốt pháo. Mỗi năm có một ông Hành Khiển coi việc nhân gian, cúng tế Giao Thừa để tiễn đưa ông cũ và đón ông mới.

Sáng mồng một Tết, cúng gia tiên và Thổ Công, Táo Quân, Nghệ Sư. Mâm cỗ phải có bánh chưng, cá kho, giò chả, dưa hành. Bên cạnh bàn thờ dựng hai cây mía để làm gậy cho ông vải. Ngày mồng một, ăn nói phải giữ gìn, nếu không sợ xui cả năm. Để cho cả năm làm ăn phát đạt, nhiều nhà nhờ người phúc hậu sáng sớm đến nhà xông đất, nếu chủ nhà cho rằng mình tốt tướng thì có thể tự xông đất, thường gọi là tự xông hay self-xông đất.

Trong ba ngày Tết, cử hốt rác, chỉ nên quét vào một xó, đợi ba hôm động thổ mới đem đổ. Tục này trong Sưu Thần Ký ghi rằng: “Có một người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo, Thủy Thần cho một con hầu tên là Như Nguyện, đem về nhà được vài năm thì làm ăn phát đạt và giàu. Một hôm, nhân ngày mồng Một Tết, chủ nhà đánh nó, nó chui vào đống rác trốn, người nhà hốt rác đem ném, ném luôn Như Nguyện, từ đó người lái buôn trở nên nghèo, vì thế mới có tục kiêng đổ rác trong ba ngày Tết.

Cúng gia tiên xong thì con cháu mừng tuổi ông bà và lãnh tiền lì xì. Sau đó anh em, họ hàng, bà con đến nhà nhau để lạy gia tiên, chúc mừng nhau, lai rai ba chén rượu, hút thuốc lào, ăn bánh mứt, cắn hạt dưa và ngắm mấy chậu thủy tiên.

Tùy giàu nghèo, có nhà ăn Tết một hôm, ba hôm hay bảy hôm, thường thì ba hôm. Khi cha mẹ còn sống, các con thứ phải đến nhà cha mẹ biếu thức ăn. Cha mẹ chết, ngày mồng hai Tết, các con phải đến nhà con trưởng để cúng cha mẹ. Ngày mồng ba cũng tiếp tục những việc mà ngày mồng hai làm chưa xong. Ngày mồng bốn thì hóa vàng, có nhà hóa vàng ngày mồng bảy. Hóa vàng là ngày cúng tiễn Ông Bà.

Những ngày Tết thường đốt pháo. Đốt pháo do điển tích ghi trong Kinh Sở Tế Thời Ký nói rằng: Sơn tiêu, còn gọi là Ma núi, khi chạm vào người, thì người sẽ sinh đau ốm và ma này chỉ sợ tiếng pháo, đốt pháo là nó không dám đến gần. Thật ra tiếng pháo trong ba ngày Tết chỉ là tiếng vui mừng.

Bên Tàu thường người ta hay dán chữ “Phúc” trước cửa nhà, nhất là phải dán trước giờ Giao Thừa. Truyền thuyết cho rằng vào thời nhà Minh, Chu Nguyên Chương làm vua mới có tục lệ này. Kiếm Hiệp Giả Sử Truyện kể rằng: Chu Nguyên Chương là tướng lãnh của Minh Giáo, thủ lãnh lúc đó là Trương Vô Kỵ. Vì chia rẽ trong nội bộ của Minh Giáo, Chu Nguyên Chương dùng thủ đoạn gạt Trương Vô Kỵ, Trương Vô kỵ truyền giao chức chưởng môn lại cho Dương Tiêu, Trương Vô Kỵ rút khỏi giang hồ về nhà kẻ lông mày cho Triệu Minh. Chu nguyên Chương giỏi về quân sự, giành chức chưởng môn của Minh Giáo, thống nhất nước nhà, lập nên nhà Minh. Mặc dầu Chu Nguyên Chương làm vua nhưng xuất thân từ nông dân cho nên có vợ trước khi làm vua, vợ ông ta xuất thân cũng nhà quê cho nên không bó chân. Đàn bà Tàu danh gia vọng tộc thường bó chân. Nhân buổi chiều ba mươi Tết, Chu Nguyên Chương giả dạng thường dân đi thăm dân cho biết sự tình, thấy đám đông ồn ào, ghé vào xem thì thấy đám đông đang cười chế nhạo một người đàn bà có bàn chân to. Ông ta tức giận vì nghĩ rằng họ nhạo báng vợ ông vì vợ Chu nguyên Chương cũng có bàn chân to. Trở về triều, ông ra lịnh cho lính đi từng nhà dán chữ “Phúc”, nếu nhà đó không có người tham dự cười người đàn bà chân to. Đến giờ Giao Thừa khi pháo lệnh nổ lên thì nhà nào không có chữ Phúc trước cửa đều bị lính vào nhà tàn sát, nó giống Tết Mậu Thân, 1968, khi pháo n ổ CS đã vào Huế tàn sát dân lành.

Từ ngày mồng hai trở đi, người ta thường chọn ngày xuất hành, hái hoa về gắn ở cửa gọi là hái lộc. Quan thì chọn ngày khai ấn, học trò chọn ngày khai bút, nhà buôn chọn ngày mở cửa hàng, nông dân chọn ngày động thổ.

Trong tháng Giêng, mọi người thường mặc quần điều áo thắm, người đi bái chùa, cúng miếu, người đi ngoạn cảnh, thi hoa thủy tiên, thi hoa đăng, hội hè hát xướng, đánh bài, xóc đĩa, bầu cua cá cọp, lúc lắc thò lò.

Một cái Tết nữa thường đi đôi với Tết Nguyên Đán là Tết Táo Quân, đó là cái Tết cuối cùng của năm Âm lịch. Theo Đạo Lão, Tết này nhằm ngày hai mươi ba tháng Chạp, đó là ngày vua bếp lên chầu trời để tâu việc thiện ác của nhân gian. Truyền thuyết cho rằng ngày xưa có hai vợ chồng nghèo, chồng phải bỏ đi làm ăn xa, người vợ ở lại lấy được người chồng giàu. Một hôm cúng đốt mã ngoài sân, có một người vào ăn xin, người đàn bà nhận ra người chồng cũ của mình, động lòng thương, đem cơm gạo tiền bạc ra cho. Sau người chồng sau biết chuyện, nghi vợ ngoại tình. Người vợ buồn và xấu hổ nên đâm đầu vào đống lửa chết, người chồng cũ cảm nghĩa ân tình cũng đâm vào đống lửa chết theo. Người chồng vì hối hận và thương vợ nên cũng nhảy vào lửa và chết cháy. Thượng đế thấy ba người có nghĩa nên phong làm vua bếp. Theo điển này thì cứ đến ngày hai mươi ba tháng Chạp gia chủ mua hai mũ ông, một mũ bà, ba đôi hia, một con cá chép để cho Táo Quân cỡi ngựa lên chầu trời. Táo Quân có hia mão nhưng không có quần để tránh bị lửa cháy đó là lý do táo bà cũng sexy như táo ông giống như ngày nay mode mới của VN áo dài không có quần.

Nhân ngày Tết Mậu Tuất, xin tạp ghi vài mẫu chuyện về Tết Nguyên Đán vừa Tàu vừa ta, gởi đến độc giả mua vui ba ngày đầu năm.

Tạp ghi,

Montreal, 29 Jan 2018, nhằm ngày mười ba tháng Chạp năm Đinh Dậu

Lệnh Hồ Công Tử