Năm Mậu Tuất là năm con Chó, người ta gọi là “năm Chó”, đơn giản vậy thôi!

Ai cũng biết con chó là con gì rồi. Hầu như mọi người ai cũng nuôi chó, trước là để ... chơi, làm kiểng, sau là để làm bạn hủ hỉ nếu có một mình, nhứt là khi về già. Người bị khiếm thị thì có thể được chó dẫn đường... Còn có những đội Quân Khuyển được huấn luyện nghiệp vụ rất tài giỏi, v.v... Ai có chơi đánh số đề, nếu nằm chiêm bao thấy con chó hay thấy bị chó rược, chó cắn thời đánh các số 11 – 51 – 91 thế nào cũng trúng!

“Chó giữ nhà, gà gáy sáng”, con chó quen thuộc đến nỗi trong văn chương các cụ cũng nói tới nó.

Như Cao Bá Quát dán câu đối tả cảnh nhà dạy học khi làm Giáo Thụ ở Quốc Oai:

“Nhà trống ba gian một thầy, một cô, một chó cái

Học trò dăm đứa, nửa người, nửa ngợm, nửa đười ươi.”

Rồi Tết đến, thiên hạ đua nhau đốt pháo làm cho chó sợ chạy lạc mất hết, nên Nguyễn Khuyến rủa họ là dại dột, còn ông thời “khôn bất trị”, nằm nhà nốc rượu “lại nằm mèo” có phải sướng hơn không!

“Chúng nó dại vô cùng, pháo nổ đì đùng thêm mất chó,

Ông đây khôn bất trị, rượu say túy lúy lại nằm mèo.”

Rồi tới mấy đồ vật, cái gì giống giống con chó thì kêu là “con chó”. Như có 2 “con chó” trong cái líp xe đạp (âm từ tiếng Tây: roulipe de vélo). Nếu chúng nó hổng “cắn” vô răng của cái líp thời đạp hoài đạp hủy xe cũng hổng chịu chạy! Tới khẩu súng lục cũng kêu là “chó lửa” vì nó “sủa ra lửa”!

Tay chưn lỡ đụng ở đâu, hồi nào hổng biết, bị dấu bầm tím hình tròn tròn méo méo thì kêu là bị chó ma cắn, hổng biết con ma chó nó ra làm sao?

Đề tài về chó nhiều lắm, biết viết đề tài gì? Viết lan man, tản mạn vậy! Nghĩ gì viết nấy...

Đáng lẽ tui đã “quăng bút” hổng thèm viết nữa để lo ... ăn Tết (Nói vậy chớ ăn uống bao nhiêu, ở xứ này ngày tư ngày Tết vẫn đi cày thí mồ, trừ phi mình xin nghỉ phép – hết “phép” thời hết “linh”, hổng xin nghỉ được!), nhưng mới nghe ông “nê-bừa” (neighbour) la con chó của ổng, bèn nhớ tới có mấy điều ngộ ngộ về con chó. Nếu hổng viết năm nay, đợi năm con Chó tới lâu lắm! Tới 12 năm nữa lận! Mất thời gian tính hết! Mà chừng đó quên hết, già cả lẩm cẩm, tay run, mắt mờ, hổng biết có viết được không! Thôi năm nay rán viết vậy!

“Thờ Chó, chửi chó”! Cái tên bài viết nghe sao mà mâu thuẩn quá! Đã thờ phượng là phải kính cẩn, tôn trọng, mà rồi lại còn có thể khinh rẻ, hạ thấp đến tột cùng để chửi bới được! Thật vậy, con chó là vậy! Thật ra trong thành ngữ “chửi chó mắng mèo” thì con chó và con mèo đều hổng phải là “đối tượng” bị chửi mà là một kẻ nào đó mới là “đối tượng” bị “chửi xéo”! Cũng như “chửi chó” hổng phải chửi con chó cụ thể mà “đối tượng” bị lôi ra chửi mắng bị ví ngang hàng với loài chó! Dù sao thì con chó cũng đã bị hạ thấp, khinh rẻ tột cùng!

Hình như cả 12 con Giáp, con nào cũng bị người ta gán cho những điều tốt, tánh tốt cùng nhiều thói hư tật xấu. Chuột thì “Hôi như chuột chù”, Trâu thời “Khỏe như trâu”, “Ngu như bò” (Lịch Tàu xài con bò, thay vì con trâu như Lịch An-nam), Cọp thì “Dữ như cọp”, Mèo thì “Mèo mả gà đồng”, “Giấu như mèo giấu cứt”, “Nhát như thỏ đế” (Lịch Tàu xài con thỏ, Lịch An-nam thời xài con mèo), Tỵ là “Đồ rắn độc”, “Khẩu Phật tâm xà”, ... Ngọ “Đồ ngựa!”, “Đồ đ... ngựa”, Dê thời “Dê xòm”, “Già dịch, già dê, già 35”, Khỉ “liến khỉ”, “Nhăn như khỉ ăn ớt”, Gà thời “Đồ gà mờ”, “Gà nuốt dây thun”, “như con gà chết”, Hợi thời “Dơ như heo”, v.v...

Hình như chỉ có con Rồng toàn là điều tốt không! Hình như con Rồng hổng có cái gì xấu hết! Nào là chữ như “phượng múa rồng bay”, “Rồng mây gặp hội”, v.v... Chỉ có “Xếp hàng rồng rắn” thời hơi ... dài dài, hơi lâu lắc chút đỉnh ... Có lẽ vì con rồng là con vật tưởng tượng, hổng có thiệt, nên hổng có tiếp xúc, đụng chạm với người!?

Duy chỉ có con chó là “lãnh đủ”! Con chó có nhiều đức tánh tốt lẫn đủ các thói hư tật xấu! Có khi tại vì con chó gần gũi với con người quá, cho nên đụng chạm với con người nhiều quá chăng! Người ta khen ngợi con chó cũng nhiều, tôn sùng con chó, tôn vinh những đức tánh của nó, nào là thông minh, khôn ngoan, trung thành, … mà hạ thấp con chó xuống tột cùng, khinh rẻ, coi thường nó cũng không ít!

Trong Kinh Thánh hầu như hổng có chỗ nào nói tốt về loài chó cả! Con chó ám chỉ kẻ thù, lòng ghen tị, v.v…

Để chửi bới, nhục mạ người nào thời người ta hay ví người đó ngang hàng với chó!

Nếu muốn văn hoa hơn thời người ta thường dùng chữ Nho, như trong truyện Tàu, cải lương, tuồng tích, v.v... có nhiều câu như: “Quân cẩu trệ”, “Quân khuyển mã”, “Lũ sài lang”, “cẩu nô tài” ám chỉ những kẻ tay sai, v.v...

Còn mấy câu chửi bới bình dân, chửi thề thô tục, … thời có rất nhiều, thường bắt đầu bằng chữ “đồ”: đồ chó, đồ chó chết, đồ chảnh chó, đồ đĩ chó, đồ chó đẻ (nghĩa từng chữ và ngụ ý chửi người ta y chang như tiếng Anh: “Son of a bitch”), đồ chó săn, đồ chó má, v.v...

Hổng biết chữ “má” trong tiếng chửi “chó má” nghĩa là gì, có phải từ tiếng Thái Lan hay không, hay có lẽ chỉ là một sự trùng hợp về ngôn ngữ? Tiếng Thái หมา, phát âm “mhaa” hay “H̄mā” (gần giống chữ “má” tiếng Việt), nghĩa là con chó. Lại còn có chữ สุนัข, phát âm “s̄unạk̄h” cũng có nghĩa là con chó.

“Chó má” có lẽ là chó giống cái, có lẽ như tiếng Ăng-lê là “bitch”, lại liên tưởng tới tiếng Tây “la chienne” là chó cái, nếu chửi rủa thô tục cũng cùng nghĩa đĩ chó ... Cụm từ “avoir la chienne” có nghĩa sợ điếng hồn, “J'ai la chienne” là tôi khiếp sợ quá xá chừng, có lẽ là chó cái bên Tây dữ lắm sao đó!

Ngoài những lời “mắng yêu” với giọng nói ngọt ngào, êm dịu, trìu mến như “đồ chó”, “chó con”, v.v..., thì dù sao mấy câu chửi bới có chữ “chó”, kết hợp với giọng la lối lớn tiếng, gay gắt, cọc cằn, thô lỗ, … có tác động tâm lý rất mạnh, làm cho người nghe có thể bị tức giận sôi máu, chớ nếu thay bằng con thú khác thời câu chửi bới bớt tác dụng nhiều, thí dụ “kệ mèo nó”, thay vì “kệ chó nó”, “đồ mèo chết”, “đồ gà đẻ”, “đồ heo đẻ”, v.v...

Hình như dân tộc nào người ta cũng bị “dị ứng” với chữ “chó” cả! Ở bên Tàu cũng vậy.

Để chỉ con chó, Hán tự có hai chữ “cẩu” 狗 và “khuyển” 犬, Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu cắt nghĩa “cẩu” là “con chó, chó nuôi ở trong nhà”, nhưng chữ “khuyển” lại có cắt nghĩa thêm là “Nói ý hèn hạ”. Nhiều tài liệu cho rằng khuyển chỉ loài chó sói, những loài ăn thịt hung dữ tham lam nhất, như câu “Lòng lang dạ sói”…

Trong Truyện Tàu, Khổng Minh Gia Cát Lượng mắng chửi Vương Lãng trước ba quân tướng sĩ là “thân phận khuyển ưng, ... Vương Tư Đồ uất giận mà ngay lập tức ngã chết tươi dưới chưn ngựa ... Quý vị coi Tam Quốc Diễn Nghĩa tới mấy hồi có nói về Khổng Minh chửi bới ra sao sẽ rõ ...

Lại nghe chuyện bên Tàu kể rằng có ông quan nọ viết sớ trình tâu với vua, bắt đầu là “Thiên Hoàng Đại Đế” 天皇大帝, đại khái như trong cải lương ta nghe “Muôn tâu thánh thượng”, v.v... Tay chưn run rẩy lạng quạng làm sao mà làm một nét mực nhỏ xíu quẹt vào chữ Đại 大 thành ra chữ Khuyển 犬 (chữ khuyển khác chữ đại chỉ có một nét nhỏ phía trên, bên phải). Thay vì câu kính cẩn “Thiên Hoàng Đại Đế” 天皇帝 thành ra câu “Thiên Hoàng Khuyển Đế” 天皇帝 là câu chửi “vua là đồ chó”, phạm thượng khi quân, dám đụng chạm tới Thiên tử! ... Thanks God! Chúng ta viết mẫu tự La-tinh chớ viết Hán tự như bên Tàu thời nguy hiểm quá xá, chỉ có một nét chấm nhỏ xíu thời có thể toi mạng như chơi!

Viết tản mạn vài chuyện bên Tàu cho có đủ bộ “bên Tây bên Tàu” và cũng để cho có vẻ “nho chùm hán(g) rộng” cho vui ba ngày Tết ... Thôi bi giờ trở dìa nước An-nam ta.

Trong văn chương Việt Nam, có nhiều giai thoại nói tới chuyện chửi chó, thuờng nhứt là để chửi mấy kẻ “có chức” mà hổng ra gì, ví mấy người “có chức” nầy ngang hàng với chó!

- Như Xiển Bột “Hâm cứt chó” ngụ ý chửi các quan lại cùng Hội Đồng Làng, cường hào ác bá “Lau nhau như chó đau tranh cứt sốt”.

- Cao Bá Quát có chứng kiến hai ông quan cãi cọ nhau về một việc gì đó, chửi nhau rồi đâm ra ẩu đả, đánh lộn. Vua Tự Đức bắt ông viết tờ trình cho vua rõ đầu đuôi. Ông làm bài thơ Trên dưới đều chó”, khai rằng:

“Bất tri ý hà

Lưỡng tương đấu khẩu

Bỉ viết cẩu

Thử diệc viết cẩu

Dĩ chí đấu ẩu

Thần kiến thế nguy thần tẩu.”

Nghĩa là:

“Chẳng biết vì sao

Hai bên cãi cọ

Bên này rằng: chó

Bên kia cũng: chó

Trên dưới đều chó

Rồi họ đấu võ

Thần thấy thế nguy thần bỏ.”

- Lại có giai thoại về Nguyễn Văn Tâm, một quan chức thân Pháp (1893 - 1990). Có một nhà Nho tặng cho ổng một bức hoành phi (cũng như biểu ngữ) đề 4 chữ Nho “Đại điểm quần thần”, ngụ ý chửi ổng: “đại điểm” nghĩa là chấm to, “quần thần” là bầy tôi, “chấm to bầy tôi” nói lái là “Chó Tâm bồi Tây”!

- Sau khi vua Tự Đức băng hà (1883), triều chính rối loạn, Nguyễn Văn Tường cùng Tôn Thất Thuyết chuyên quyền, bá quan văn võ trong triều chỉ là “một lũ cầu an”, không ai lo việc nước. Ông Ích Khiêm (1829- 1884) bày tiệc mời khắp các đại thần tới dự. Nhưng tất cả các món ăn đều nấu từ thịt chó cả. Khi vào tiệc, nhiều người không ăn thịt chó, hỏi món khác thì ông trả lời:

- “Bẩm, bữa cơm hôm nay toàn chó cả thôi!”

Lại dặn trước người nhà hổng cung cấp nước uống để “chửa lửa”. Các quan gọi nước mãi hổng có. Khi người nhà lên, ông giả đò mắng:

- “Lũ chúng bây chỉ biết đứa lớn đứa nhỏ ngồi ăn hại, còn thì không biết việc nước là gì cả!”

- Buổi giao thời, nước mất nhà tan, vận nước tối đen, cường hào ác bá nổi lên cầm quyền, tha hồ vơ vét, ... lại bày tiệc nhậu thịt chó, có đủ mặt bá quan, toàn là những vị “có chức”. Ông già làng, “sống lâu lên lão làng”, dĩ nhiên cũng được mời dự để tỏ lòng “kính lão”. Nhìn bàn tiệc thịt chó “hoành tráng”, ông già tỏ vẻ ngạc nhiên: “Sao bàn tiệc bữa nay toàn là chó không vậy cà!”

Ngày tư ngày Tết chép mấy câu “chửi chó” e rằng hổng nên, nhưng đây là viết tản mạn chơi chớ hổng có ý gì!...

Ngày Tết, người ta hay cúng kiếng, cúng rước Ông Bà, cúng chùa cúng miễu, ... Thôi đầu xuân bắt qua chuyện thờ cúng vậy!

Nói về con chó, người ta cũng có thờ phượng, cúng kiếng con chó nữa!

Mới nhớ ra là hồi về Việt Nam, có viếng Chùa Cầu ở Hội An. Đầu cầu bên nầy có thờ tượng hai con Khỉ ngồi hai bên đối mặt nhau, đầu cầu bên kia lại có thờ tượng hai con Chó, cũng ngồi hai bên đối diện nhau, quanh năm hương khói đàng hoàng. Bây giờ coi Internet để tìm hiểu thời mới biết thêm một vài chi tiết.

- Các tượng Khỉ và Chó được thờ ở Chùa Cầu Hội An được tạc bằng gỗ mạ vàng, có đủ cặp, đủ đôi một con đực và một con cái.

- Trên thân hai tượng Linh Cẩu có khắc hai câu đối bằng chữ Nho:

Thiên Cẩu song tinh an Cấn thổ

Tử Vi lưỡng tỉnh định Khôn thân.

Nghĩa là:

Hai sao Thiên Cẩu trấn an đất Cấn

Hai tướng Tử Vi định giữ cung Khôn.

- Các tượng Khỉ và Chó là những Thần Khỉ (Linh Hầu) và Thần Chó (Linh Cẩu), ngụ ý thời gian xây dựng Cầu từ năm Thân tới năm Tuất, có lẽ là từ năm Bính Thân 1596 tới năm Mậu Tuất 1598 (nhiều tài liệu ghi là Cầu được xây dựng năm 1593). Về phương hướng Thân chỉ hướng Tây Nam, Tuất chỉ hướng Tây Bắc. Từ xưa, người Nhật đã sùng bái, thờ phượng Khỉ và Chó, là hai vị Thần Bảo Hộ theo quan niệm người Nhật.

Nhiều nền văn hóa, nhiều dân tộc trên thế giới thờ phượng Chó. Nhiều Truyện Thần Thoại có hình tượng con chó, như Thần Chó canh giữ Thế Giới Âm Phủ trong Truyện Thần Thoại các dân tộc vùng Địa Trung Hải, những Huyền Thoại Thiên Khuyển, Chó Ngao Cerbère có liên quan tới Thần Chết và Âm Phủ, Truyền Thuyết về Thạch Sư có năng lực xua đuổi tà ma của Trung Hoa, v.v...

Chó là Vật Tổ (Totem) của nhiều dân tộc như Murut ở miền Bắc Bornéo, Chó Sói là Vật Tổ của người La Mã, … Chó là Tổ Phụ trong Truyền Thuyết của nhiều dân tộc thiểu số ở Việt Nam như Bru, Cơ-Tu, Chăm, Dao, Lô-Lô, Pa-Cô, S'tiêng, Tà-Ôi, Tày, Nùng, Xê-Đăng, v.v...

Trong Văn Học Việt Nam lại còn có chuyện cổ tích “Chó đá vẫy đuôi”. Có anh học trò nọ, mỗi lần đi qua cổng làng thì con chó đá chồm dậy vẫy đuôi mừng. Hỏi thì con chó nói khóa thi tới anh học trò sẽ đỗ Trạng Nguyên nên vẫy đuôi mừng. Về nói lại thì người cha lên mặt hống hách với bà con làng xóm, từ đó khi anh học trò đi ngang thì con chó không vẫy đuôi mừng nữa. Hỏi thì nó nói vì người cha hống hách theo cái kiểu “chưa đỗ Ông Nghè đã đe hàng Tổng” cho nên kỳ thi tới anh học trò sẽ thi rớt nên không mừng nữa. Về nói lại thì người cha ăn năn hối cải. Khi anh học trò đi ngang thì con chó đá lại chồm dậy vẫy đuôi mừng. Khóa thi sau anh này thi đỗ Trạng Nguyên vinh quy bái Tổ.

Từ chuyện cổ tích “Chó đá vẫy đuôi”, ta thấy hình tượng chó đá rất quen thuộc với làng quê miền Bắc Việt Nam từ lâu đời.

Tượng chó đá được dựng trước cửa nhà, đền đài, miếu mạo, đình làng, cổng làng, ... như một linh vật có vai trò canh giữ “bảo vệ trật tự trị an” và trừ tà, xua đuổi ma quỷ, … Hiện nay, vẫn còn những tượng chó đá tại nhiều nơi, như chó đá ở trước cửa Đình thôn Phù Trung, xã Thượng Mỗ, ở Đình làng Địch Vĩ, xã Phương Đình, chó đá đình Vĩnh Tường (Vĩnh Yên), ở Đình Bảng (Bắc Ninh), chó đá ở chùa Thầy, ở cổng làng Ước Lễ (Hà Tây), ở đền Hai Bà Trưng (xã Hát Môn, Hà Tây), v.v...

Nhiều nơi có tục lệ thờ cúng chó đá như Lạng Sơn, Chi Lăng, Thất Khê, Đồng Mô, Đồng Đăng, Cao Lộc, Đan Phượng (Hà Tây), v.v… Di tích chùa Phúc Khánh và đình làng Địch Vĩ, xã Phương Đình (Đan Phượng) có một bệ xây bằng gạch, rộng 10m2, thờ một nhóm chó đá được đẽo bằng đá xanh rất sinh động. Con chó lớn, cao 1,4m, ngồi giữa hai bên là đàn chó nhỏ gồm 16 con kích thước khác nhau.

Chó đá được thờ cúng và được kính cẩn gọi là “Thần Cẩu”, “Cụ Thạch”, “Quan Lớn Hoàng Thạch”, “Đức Ông Hoàng Thạch”, “Quan Hoàng”, “Quan Hoàng Ba”, v.v…

Hiện nay, tại rất nhiều vùng quê miến Bắc, người dân vẫn còn giữ tục lệ dựng tượng và thờ cúng chó đá.

Hồi ký của nhà văn Tô Hoài cũng có đoạn nói về chó đá rất thú vị: “Chẳng biết từ bao giờ, ở chỗ đường cái vào, áp vách đầu nhà tôi, có con chó đá... Đây là con chó đá canh cổng, nhiều nhà có. Chó đá canh cổng trông quen mắt như cái bình vôi treo ở đám rễ si, rễ đa. Chỉ khác con chó đá nhà tôi bé tí teo, còn bên cổng đình, cổng chùa thì con chó đá lừng lững cao to bằng chó thật. Chân trước đứng, hai chân sau ngồi trên bệ như sắp nhổm lên sủa người lạ vào nhà. Ở chỗ thờ cúng, thế mà trẻ con nghịch ngợm thi nhau xoa đầu chó, rồi doạng chân ra cưỡi chó. Chúng nó chẳng biết con chó đá là thần canh cửa nơi miếu mạo và cổng ngõ nhà có của. Bắt chước nhau, lắm nhà méo mặt chạy ăn từng bữa cũng đẽo con chó đá đem về chôn bên cổng. Ý chừng ao ước rồi cũng có ngày biết mặt đồng tiền, nên rước sẵn chó đá về ngồi ấm chỗ canh cửa, đón tài, đón lộc... Mỗi chiều rằm, mùng một, bà tôi lấy chiếc bát đàn múc trong vại bên gốc cau ra bát nước mưa, một lá trầu không quệt sẵn vôi và miếng cau khô, một nén hương, đem đặt trước mõm chó đá. Bà chắp tay, khấn lâm râm rồi vái mấy vái. Cũng con chó đá bên cổng xây nhà ông Bá giữa xóm thì tuần rằm được hai nén hương, một miếng thịt lợn sống đặt giữa cái đĩa sứ, một cút rượu mở sẵn nút. Nhà có, nhà nghèo đều khói hương những ngày Tết nhất mời ông thần khuyển về ‘thượng hưởng’…”.

Nhiều tài liệu có ghi chép vế tục thờ chó đá của dân tộc Việt:

- Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú ghi chép về Trấn Thanh Hóa, Phần Địa Dư chí:

“Cửa Nghi Môn ở Điện Lam Kinh có hai con chó đá rất thiêng...” ;

- Cửa Ô Chó Đá phía Nam Ngã Tư Trung Hiền Hà Nội có tên này vì khi xưa có một tượng chó đá khá to ;

- Đại Việt Sử Ký Toàn Thư có nói đến Miếu Chó Thần vào đời Trần trên đê Sông Hồng đoạn gần Kinh Thành ;

- Thần Tích Ngọc Phả Cổ Lục cũng có ghi lại tích mẹ của Lý Công Uẩn khi đến Chùa Tiêu Sơn nằm mơ thấy Thần Chó Đá, sau mang thai sinh Lý Công Uẩn vào năm Giáp Tuất (năm 974). Sau khi đóng Đô ở Thăng Long nhà Vua đã có lập miếu thờ Chó Thần: Thần Cẩu Mẫu và Thần Cẩu Nhi để canh giữ, bảo vệ Kinh Thành ;

- Sách Tây Hồ Chí cũng có ghi lại về di tích Đền Cẩu Nhi khi xưa trên Bến Châu ở gốc Tây Bắc Hồ Tây, vào đời Trần bến Châu được gọi là Bến Thần Cẩu.

Như vậy tục lệ thờ Chó và “nuôi” chó đá đã có từ lâu đời. Theo quan niệm xưa, “nuôi” chó đá là để canh giữ phần âm, còn nuôi chó thông thường dể canh giữ phần Dương, tức trong đời sống hiện tại.

Phàm khi nuôi chó, ta thuờng cảm thấy thuơng mến nó và nó cũng gần gũi với ta. Khi nó chết đi thì ta cũng không khỏi ngậm ngùi thương tiếc… Ngày nay, ở Úc và có lẽ ở nhiều nước khác có dịch vụ “Funeral Service” dành cho chó, có nhiều kiểu hũ cốt với nhiều cỡ khác nhau để đựng tro cốt sau khi chó được hỏa táng. Không biết khi xưa người ta có chôn cất chó nuôi khi nó chết không?

Nhưng riêng ở Việt Nam thì phần mộ hai chú chó của cụ Phan Bội Châu có lẽ là “độc nhứt vô nhị”. Phần mộ của hai chú chó này nằm dưới chân phần mộ của cụ Phan trong Khu Lưu Niệm Phan Bội Châu ở Huế, quanh năm hương khói ấm cúng như những phần mộ khác. Hai chú chó này đã từng là “hai người bạn” thân thiết gắn bó với cụ trong suốt quãng đời 15 năm còn lại khi cụ bị thực dân Pháp quản thúc tại Huế (1925 – 1940).

Mỗi phần mộ có dựng 3 tấm bia, bia chính ghi tên và hai tấm bia hai bên đều có khắc bài minh ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của hai chú chó, một tấm khắc chữ Nho, một tấm khắc chữ Quốc ngữ.

- Bia mộ chính của chú chó Con Vá, mất ngày 21 tháng 5 năm Giáp Tuất 1934, có khắc dòng chữ Nho “Nghĩa Dũng Cẩu Con Vá Chi Trủng” (hai chữ “Con Vá” là chữ Quốc ngữ) (1).

Bia khắc bài minh bằng chữ Nho như sau:

Phiên âm:

Duy dũng giả, kiến cường tắc đấu. Duy nghĩa giả, tận trung ư chủ. Ngôn giả đa, hành hãn cầu. Nhân thả nhiên, huống ư cẩu. Ư duy nhữ bàng, nãi kiêm nhi hữu. Khởi nhược thùy tai, diện nhân tâm thú. Dụng thị thê nhiên, thử bi nhữ mộ.

Bia khắc bài minh bằng chữ Quốc ngữ như sau:

“Vì có dũng, nên liều chết phấn đấu; vì có nghĩa nên trung thành với chủ. nói thì dễ, làm thiệt khó, người còn vậy, huống gì chó? Ôi! Con Vá nầy đủ hai đức đó. Há như ai kia, mặt người lòng thú, nghĩ thế mà đau, dựng bia mộ nó.”

Chú chó Vá đã được cụ Phan đưa vào câu chuyện “Lịch sử con Vá” đăng trong tuần báo Trung Kỳ số 14 ngày 15/4/1936.

- Bia mộ chính của chú chó tên Ky, mất năm Đinh Sửu 1937, có khắc dòng chữ Nho “Nhân Trí Cẩu KY Chi Trủng” (riêng chữ “KY” là chữ Quốc ngữ) (1).

Bia khắc bài minh bằng chữ Nho như sau:

Phiên âm:

Cận nhân giả, thường bần vu trí. Cận trí giả, thường bần ư nhân, nhân trí lưỡng bị, nan hĩ tai. Hà vật súc nhân, nãi kiêm nhi hữu. Đồng sự nhất chủ, tắc cốt nhục thị chi, vô miêu cẩu chi giới: Nhân dã. Kiến phi kỳ chủ, tắc cừu địch thị chi, hóa lợi bất năng nhĩ: Trí dã. Nhân thả trí, nhữ vật nhi nhiên. Thiên hồ! Thiên hồ! Nhữ nãi bất thọ. Thủ lặc sở cảm ư nhữ mộ. Bỉ nhân nhi thú giả, thị nhữ dương hà như. (Nam lịch Đinh Sửu... nguyệt... nhật, Chủ nhân Sào Nam chí).

Bia khắc bài minh bằng chữ Quốc ngữ như sau:

“Người hơi có đức nhân thường kém về phần trí; người hơi có đức trí thường kém về phần nhân. Vừa trí vừa nhân thiệt là hiếm thấy! Ai ngờ con KY này lại đủ hai đức ấy.

Chung nhau thờ một chủ, thời xem là anh em, chẳng bao giờ như mèo với chó, thiệt là nhân đó.

Thấy không phải chủ, thời xem bằng cừu thù, chẳng bao giờ vì miếng cơm dẫn dụ, thiệt là trí đó.

Trí vừa nhân, nhân vừa trí, trong giống súc mà người, e đến mầy mới thấy.

Mầy sao vội chết!

Hỡi trời! Hỡi trời!

Lòng ta đau đớn, phải tạc mấy lời.

Đau đớn quá! Đau đớn quá! Kìa những hạng muông người.”

Người viết xin chép lại một số lời kể của cụ Phan về con Vá và về việc dựng bia mộ cho hai chú chó “Nghĩa Dũng” và “Nhân Trí”:

“Năm Giáp Tuất Âm lịch (1934), ngày 21 tháng 5, con chó nhà tôi nuôi tên là Vá nhân mắc bệnh đầu ung từ biệt tôi về với nước chó.

Tôi thương nó. Tôi đắp mồ táng cho nó. Mồ cao rộng một thước tây, ở gần phía dưới chân sinh huyệt của tôi. Ở trên mồ tôi trồng một cái bia cao ước một thước ta. Lòng bia khắc năm chữ rằng: ‘Nghĩa dũng cẩu chi trủng’ và có chua chữ ‘con Vá’ dưới chữ cẩu… Tôi làm xong, có khách tới chơi. Khách rầy tôi rằng: Một con chó chết mà ông làm gì lắm việc thế? Đã đắp mồ lại dựng bia khắc chữ, chẳng phải là quá đa sự hay sao? Hay là ông xem chó cũng như người? Nếu quả thế, tôi phải tuyệt giao với ông mới được.

Tôi nói: Thưa bác, xin bác hãy im cho tôi kể. Trên trời dưới đất, ở giữa khoảng trời đất là vạn vật. Theo về bề ngoài, người với chó vẫn khác nhau xa. Nhưng theo về nguyên tắc sinh lý thời người với chó có gì phân biệt; mà sở dĩ phân biệt là chính ở nơi tinh thần. Nếu tinh thần mà mất hết tri giác thì người chẳng phải chó là gì?…

Còn như về phần ‘nghĩa’ của Vá thì càng khiến cho tôi phải đặc biệt thương nhớ nó quá. Nó ở với tôi suốt tám năm hơn, trong miệng nó cắn người lạ có hơn trăm người, mà nó ghét nhất là những người thình lình vào buồng tôi nằm. Đêm nào nó cũng gác ở trong buồng tôi chẳng khác gì một tên vệ binh của Tào Tháo. Ban đêm đã thế mà ban ngày cũng vậy. Có một ngày kia, giữa buổi trưa tôi không nằm trong buồng; hai tên trò bé, đứa mười tuổi, đứa chín tuổi, lẻn vào buồng lên giường tôi nằm thẳng hai chân xuống. Bỗng Vá thấy được liền lấy miệng kéo chân bọn ấy ra ...

...

Một ngày kia nó đưa ông bạn tôi là cố Cháu ra ga, giữa đường bị người ta thiết mưu bắt nó, giam nó ở nhà họ từ bảy giờ mai đến tám giờ đêm mới thấy Vá chạy về thở ào ào, nằm thim thíp như hình đau mỏi lắm. Tôi lại thăm nó, thấy bên cổ nó còn có sợi dây buộc tròn, chắc là bọn bất nhân kia đã trói nó riết lắm.

Vá ơi! mày có nghĩa thật!

Người ta bắt mày là muốn nuôi mày. Chắc là mồi nhử mày biết bao nhiêu thứ ngon. Sao mày bín rín gì nhà ta chỉ có ba hột cơm hút rơi, ba miếng canh rau lạnh, và cứ ở theo ta lấy được, mạo hiểm quên chết, cho trọn chủ tớ với ta, ta thật không thể nào quên được Vá.

Lại có một phen nữa tôi đi lên vườn trên Nam Giao, nó đi theo tôi, tôi đuổi nó về. Đột nhiên mất nó đến bốn ngày. Ai dè tảng sáng ngày thứ năm sắc trời còn lờ mờ, người trong nhà ngủ chưa dậy, vỗ đầu nó thấy nó tiều tụy lạ thường chắc là ba bốn ngày nó không ăn một hột cơm nào. Người xưa có câu ‘Chó Nghiêu không ăn cơm Chích' e cũng có lẽ. Tôi vì thế mà càng đặc biệt thương yêu nó. Chẳng những thế, từ năm kia tôi nuôi một mụ ở; mụ này tuổi ngoài bốn mươi mà tính tham lam cũng phi thường. Có một đêm, mụ rình buổi tôi ngủ say, biết được bao giấy ở trong mình tôi, rình lẻn vào buồng, thò tay vào trong áo tôi vừa lần được bao giấy ra thì Vá ở dưới giường làm một tiếng 'hộc' rất to, chụp vào chân mụ, mụ phải vứt bao giấy chạy mau; tôi thột dậy thì bao giấy tôi đã chạy xuống chân giường.

Trong lịch sử Vá có nhiều chuyện như thế kể không hết. Duy có một việc này thì trong chủng tộc chó e con Vá là ‘độc nhất vô nhị’ là nó hễ thấy đồ ăn ở ngoài đường hay chỗ nào mà không phải trong tay chủ nhà nó cho ăn thời nó nhất định không chịu ăn. Chó nhà tôi nuôi đồng thời có ba con, hai con chúng bã chết, duy con Vá chẳng bao giờ mắc bã. Mấy ông trộm ở xung quanh cứ hết sức bã nó, bã mãi bã hoài mà không bã được nó, vậy nên Vá mới sống được đến ngày nay…

Giá như người làm tôi dân một nước, vừa dũng, vừa nghĩa, vừa khôn, thảy hết sức giữ nước, cũng in như con Vá giữ nhà thời từ xưa đến nay làm gì có vong quốc sử nữa ư?…”

Cũng vì bọn mật thám điềm chỉ mà trên đường từ Hàng Châu về Quảng Châu, cụ Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt ngày 30 tháng 6 năm 1925 ở Thượng Hải, bị đưa về Hà Nội xử chung thân khổ sai, nhưng sau đó bị quản thúc tại gia vì thực dân Pháp sợ sự phản kháng mạnh mẽ của phong trào kháng Pháp và áp lực quốc tế. Cụ Phan vô cùng căm phẫn và suốt ngày chửi mắng lũ tay sai cho thực dân Pháp.

Người ta thường gọi bọn Việt gian làm lính kín, điềm chỉ cho giặc Pháp là bọn “chó săn”, coi họ ngang hàng với chó. Nhưng việc chôn cất tử tế, xây mộ phần và dựng các mộ bia có văn bia tưởng niệm cho hai chú chó yêu quý “Con Vá” và con “Ky” của cụ Phan Bội Châu, suy ngẫm lại là cụ Phan đã coi bọn Việt gian tay sai cho giặc là những kẻ “mặt người lòng thú”, là “hạng muông người”, hạng người còn thua cả loài chó trung thành nữa! Loài chó còn có nghĩa khí dũng cảm, nhơn đức trí tuệ!

---------------------

(1) Ghi chú:

Người viết có một điều thắc mắc về chữ nghĩa. Vì trình độ hiểu biết về chữ Hán của người viết rất hạn hẹp, xin chép ra đây mong nhờ quý học giả cao minh chỉ giáo.

Trên bia mộ của hai chú chó Con Vá và con KY, khắc chữ 亗塚. Các học giả phiên âm là “chi trủng”.

- Trủng 塚 có nghĩa là mộ, mồ mả, thì dễ hiểu rồi. Có lẽ mộ của người dùng chữ mộ 墓, mộ của chó hoặc loài thú khác dùng chữ trủng 塚.

- Còn chữ 亗 đúng ra là một dạng chữ cổ của chữ “tuế” 岁, 歲, có nghĩa là năm, tuổi, ... như tuế nguyệt 歲月 (năm tháng), tuế thứ … 歲次…, v.v...

Nếu vậy phải phiên âm Hán Việt hai chữ 亗塚 là “tuế trủng”?

Nếu khi xưa chữ 亗 cũng đọc là “chi” như các dạng viết khác của chữ “chi” 之: 㞢, 𡳿, 𠔇, dùng cho sở hữu cách: “phần mộ của Con Vá”, “phần mộ của con Ky”, sao các học giả không để nguyên chữ 亗 này mà viết lại là chữ 之?

Riêng người viết thắc mắc có thể cụ Phan Bội Châu khắc trên bia mộ hai chú chó rõ ràng là chữ 亗 (tuế) không biết có ý gì khác không?

* Những hình ảnh và nội dung của các bia mộ, cũng như nguyên văn lời kể của cụ Phan Bội Châu, người viết xin mạn phép chép từ nhiều Trang mạng như:

- Phan Thành Khương, Ninh Thuận (2009).“Phan Bội Châu và hai chú cún cưng: Ky, Vá”

https://huynhthuckhangluongvancan.files.wordpress.com/2012/05/phan_boi_chau_va_hai_chu_cun_cung.pdf

- Kiến Thức (2014). “Giải mã hai ngôi mộ ‘độc nhất vô nhị’ đất Cố Đô”

https://baomoi.com/giai-ma-hai-ngoi-mo-doc-nhat-vo-nhi-dat-co-do/c/15529755.epi

- Đất Việt, Người Việt (?). “Chuyện bia mộ hai chú chó của cụ Phan”

http://baodatviet.vn/van-hoa/nguoi-viet/chuyen-bia-mo-hai-chu-cho-cua-cu-phan-2282557

- Đời Sống Pháp Luật (2015). “Bí mật về đôi khuyển trung thành bên mộ cụ Phan Bội Châu”

http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/bi-mat-ve-doi-khuyen-trung-thanh-ben-mo-cu-phan-boi-chau-a80703.html

- v.v…