Nai đồng quê - Lại Thị Mơ

Nai đồng quê

Các cụ mình ngày xưa hay chơi chữ. Thích ăn chân gà thì giả bộ nói với con nít: ăn chân gà bị run tay, coi tay ông nè. Bởi vậy đâu có đứa con nít nào được ăn chân gà. Còn bà thì cũng phụ họa: tay ông lỡ run rồi, nên để chân gà dành cho các bạn của ông nhậu (cho nó lâu).

Rồi tới mục món “cờ tây”, nói lái của chữ “cầy tơ”, các cụ cũng bảo là ăn “thịt nai”, nhưng “con nai” này hổng có ở trong rừng, mà ở thôn quê nên gọi trại là “nai đồng quê”.

Hồi nào giờ, người ta thường cho rằng thịt nai ngon hơn thịt bò, vả lại ăn thịt nai nghe sang hơn ăn thịt chó, nên chơi chữ gọi là thịt “nai đồng quê”.

Nói về vụ ăn thịt, người phương Tây chỉ ăn quanh quẩn mấy con thú nuôi như heo, bò, gà, dê, ... chứ thú hoang như cọp beo, rắn rết họ săn lấy da chứ ít ăn thịt. Trong khi dân mình, có lẽ do nhu cầu ăn uống thiếu thực phẩm, bất kỳ con vật nào “nhúc nhích” là đều cho vô bụng hết: cào cào, châu chấu, dế cơm, sâu dừa, ... không chừa con nào.

Từ hồi nào giờ, thú vật thường sống theo bản năng, nhưng người mình lại chụp cho nó đủ thứ tội: “ngu như bò”, “hỗn như gấu”, “dơ như heo”, ...

Con heo sinh ra chỉ biết ăn rồi ngủ, thân xác lại lớn nhanh cho nhiều thịt hơn các giống khác, không thể huấn luyện để giúp ích gì cho người, ngoại trừ làm thực phẩm. Chân ngắn, miệng nhỏ vục vô máng ăn cám. Ăn xong lăn ra ngủ, bài tiết ngay chỗ nằm. Con heo không có lưỡi dài liếm lông liếm miệng cho sạch như con mèo, nên bị chê dơ. Tại người làm biếng để nó dơ, chứ nếu người ta dọn dẹp rửa ráy ngay cho heo sau khi ăn, thì nó cũng đâu bị mang tiếng dơ thúi.

Trong các loại thú nuôi, người mình chỉ cho phép chó mèo được ở chung với người. Còn heo, dê, gà, vịt, ngang, ngỗng, ... nuôi trong chuồng.

Chúng ta nuôi chó mèo để bắt chúng làm việc giúp chủ: chó giữ nhà, mèo bắt chuột. Xứ Âu Tây người ta nuôi thú để nựng nịu vuốt ve, thích con gì thì họ nuôi con đó. Bởi vậy chúng ta có thể thấy một con heo mọi lủn đủn theo chủ, con vịt lạch bạch đi trong nhà.

Tội nghiệp con chó hết lòng canh giữ nhà cửa, nhưng khi già người ta vẫn giết để ăn thịt, rồi lại ca tụng đó là món tuyệt hảo.

“Sống trên đời ăn miếng dồi chó.

Thác xuống địa ngục biết có hay không?”

Không những ăn thịt, người ta còn gán cho chó đủ thứ xấu xa. Kẻ gian manh lừa thầy phản bạn: đồ chó. Sủa càn, cắn càn: chó điên.

Không biết thương người nghèo, tán tận lương tâm: “chó cắn áo rách”. Hèn hạ như những đứa “ăn cướp cơm chim”. Con chim nhỏ xíu, cơm của nó có bao nhiêu mà lòng tham vô đáy cũng cướp mất. Người ta nói đến những kẻ gian tráo ăn chận tiền giúp trẻ mồ côi. Chim ở đây là các em cô nhi.

Chưa kể khi nghe có người may mắn được “ăn trên ngồi chốc” nhưng bất tài, thiên hạ mỉa mai: “chó ngáp phải ruồi”. Con chó đâu có bao giờ ngáp, nó chỉ có tru hay sủa thôi. Như vậy ngáp trúng con ruồi là sự hiếm hoi hy hữu.

Những “con chó” VC, tự tung tự tác vơ vét tài sản của dân nghèo, như những ông quan ở Việt Nam bây giờ. Người mình cay đắng nói “chó nhảy bàn độc”. Bàn độc là cái bàn bày đồ cúng trước bàn thờ. Nếu không có ai, con chó nhảy được trên bàn, nó tha hồ tung hoàng ăn hết đồ cúng, theo kiểu “vắng chủ nhà gà vọc niêu tôm”. Tự tung tự tác là thứ “chó nhảy bàn độc”.

Ỷ mạnh hiếp yếu, là thứ “chó cậy gần nhà, gà cậy gần chuồng”.

Tiếng chó sủa nghe xa xa trong đêm khuya, người ta bảo là “chó sủa ánh trăng”, sủa vu vơ. Nói về những người không đáng quan tâm, bởi vì “chó sủa là chó không cắn”.

Có điều coi chừng “giỡn chó, chó liếm mặt”, ý nói đừng giao thiệp với những kẻ không ra gì (chó), mình chịu phần thiệt (bị liếm mặt, tức bị coi thường, mất giá trị của mình).

Chó rất khôn, chẳng bao giờ “chó sủa lỗ không”.

“Chó ba quanh mới nằm, người ba năm mới nói”. Ý nói phải cẩn thận trong lời nói, vì sảy chân chữa được, chứ sảy miệng không thể lấy lại được. Con chó trước khi nằm nó còn đi đủ 3 vòng mới dám nằm xuống, con người phải đủ 3 tuổi mới nói tròn câu. Kiểu như phải giữ mồm giữ miệng, “uốn lưỡi ba lần hãy nói”, khuyên ta nên chín chắn trong suy nghĩ, đừng để “cả giận mất khôn”, người ta chê cười: “cãi nhau như chó với mèo”.

“Chó dại có mùa, người dại quanh năm” cho thấy đôi khi chó còn có giá trị hơn con người. Nhất là những người ngoan cố không chịu sửa đổi, người ta bảo là “chó đen giữ mực”.

Còn “mõm chó vó ngựa” khuyên bạn phải cẩn thận “chọn bạn mà chơi”, coi chừng bị chó cắn và bị ngựa đá.

Con cái không ra gì làm cho cha mẹ mang tiếng: “chó gầy hổ mặt người nuôi”.

Như vậy trong các loài thú nuôi con chó rất gần gũi với con người. Chó thông minh, nhanh nhẹn, xông xáo bất kể hiểm nguy (do bản năng, nên người ta dùng chó trong việc tìm ra kẻ gian. Tại sao một người đi đứng bình thường nó không sủa, còn kẻ gian mắt la mày lét nó lại sủa inh ỏi, như báo cho chủ nhà phải đề phòng. Thính giác và khứu giác của chó rất nhạy bén, chúng có thể nghe được tiếng động từ rất xa, cũng như phân biệt được mùi lạ. Chó chuyên nghiệp đánh hơi chỗ giấu ma túy, chất nổ, nhanh hơn thiết bị do con người chế tạo.

Không ai có thể phủ nhận những ích lợi của đội quân khuyển đã giúp cho quân đội VNCH ngày xưa trong công cuộc bảo vệ quốc gia. Chúng cũng có huy chương, cấp bậc và lương bổng như người. Khi chết chúng cũng được chôn cất đàng hoàng để tỏ lòng tri ân của con người, chứ không phải nơi cuối cùng của nó là chui vô nồi rựa mận.

Ngày xưa bản doanh của Quân Khuyển trong Sai Gòn, ở quận Gò Vấp, gần Quân Y Viện Cộng Hòa. Người ta gọi đơn giản là khu Ngã Năm Chuồng Chó. Kẹt nỗi khu này ban đêm chị em ta hoạt động rầm rộ quá, đến nỗi có người hiểu lầm khu này chỉ có địa bàn của gái giang hồ, mà quên đi những chú chó anh hùng. Thiệt là tội nghiệp cho các chú quân khuyển. Người ta tới Ngã Năm Chuồng Chó để tìm “mèo hai chân”, hay “gà móng đỏ” theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”.

Mà cứ cái gì không hay đều lôi con chó ra. Không nói lên voi xuống đất”, mà nói “lên voi xuống chó”. Bởi vậy mới có câu Con chó mà biết nói năng, coi chừng lắm kẻ hàm răng không còn”.

Người phương Tây nếu nói “bạn là con chó” tức là người ta quý mình. Chỉ khi nào khinh bỉ họ mới gọi mình là heo. Thực sự ra có ai chửi mình: đồ chó cũng chẳng sao. Bởi vì tiếng Anh phân biệt rõ ràng điều kiện trái với sự thật you were a dog. Người làm sao thành chó được. Hơi sức đâu mà nổi giận người dốt.

Chó cứu người chết đuối, dẫn đường cho người mù, bảo vệ cho trẻ tự kỷ tránh những tình huống nguy hiểm. Làm sao kể hết những ích lợi của chó giúp cho con người.

“Chó không ăn thịt chó”, chúng không bao giờ ăn thịt đồng loại, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Quăng cho một con chó một miếng dồi, miếng xương dù đã chế biến thơm ngon đến mấy, nó cũng không bao giờ ăn. Vậy mà con người sẵn sàng ăn thịt đồng bào, hại dân hại nước. Đáng lẽ phải gán cho họ câu: “đồ thua hơn chó”, mới chính xác.

Lòng trung thành của chó được người đời ca tụng: Con không chê cha mẹ khó, chó không bỏ chủ nghèo”. Có biết bao câu chuyện cảm động về những con chó nằm chết bên mộ chủ, dẫn chủ mù lòa đi ăn xin. Hay mòn mỏi đứng đợi ở sân ga khi chủ của nó đang là người lính miệt mài nơi tuyến đầu lửa đạn. Nó không hề biết điều này, chỉ biết đây là nơi nó thấy chủ lần cuối cùng.

Lòng trung thành, tính thân thiện của loài chó thể hiện trong cách chào đón, chúng quẫy đuôi mừng rỡ, chạy lăng xăng, sủa lên từng tiếng như chào đón chủ về. Không nói được nhưng chúng có thể ư ử khi được chủ vuốt ve, như lời than thở trách móc, như muốn nói rằng nó nhớ chủ lắm. Ai từng nuôi chó đều cảm nhận được điều này, có khi nó dỗi hờn ư ử rất lâu, cho đến khi chủ vuốt ve vỗ về xin lỗi, dường như nó hiểu được tiếng người.

Tiếng sủa là cách diễn tả của chó. Ban đêm sủa rời rạc, người ta gọi là “chó sủa ma” không quan trọng. Nhưng khi nghe sủa dồn dập, sủa thật to và phản ứng hết sức cuồng loạn, người chủ trong nhà có thể hiểu, nó linh cảm nguy hiểm sắp xảy ra. Rõ ràng dù không nói được nhưng chó biết cách giao tiếp với con người. Chó có biết bao tính tốt mà tại sao người mình lại xếp nó vào loại xấu xa, khinh bỉ: đồ chó. Trong khi ở phương Tây nó được xếp hàng đầu. Người ta có thể treo giải thưởng thật lớn, để tìm thấy con chó đi lạc, chứ ông chồng phụ bạc thì cho đi luôn. Làm kiếp chó bên Mỹ được chăm sóc như con người, nghĩa là cũng có hội bảo vệ súc vật, không có chuyện bị hành hạ đánh đập. Còn chuyện giết để ăn thịt thì vô tù.

Dĩ nhiên cách suy nghĩ của người đối với thú vật khác nhau tùy nơi tùy chỗ. “Bên này dãy núi Pyrenees là chân lý, nhưng bên kia là tội ác.” Thịt chó là món quốc hồn quốc túy của Đại Hàn, và là món mà dân nhậu xứ mình chiếu cố tận tình. Đó là nỗi xót xa khôn nguôi của tôi khi nhớ về con chó thân yêu của gia đình, từ khi qua định cư nơi xứ người.

Con chó nhà tôi tên là Ki Ki. Mẹ tôi mang về khi nó mới mở mắt. Bộ lông đen tuyền, hai con mắt đen nhánh. Khi mang về, mẹ lấy một cọng dây chiếu đo cái đuôi, rồi dẫn ra phía sau nhà, thả cọng chiếu xuống, lấy ngón tay chỉ vào chỗ đó. Thật kỳ lạ, mỗi ngày nó ra ngay chỗ cọng chiếu mẹ làm dấu để tiêu tiểu. Tới khi lớn nó mới đi ra ngoài tự tìm chỗ phóng uế. Mấy năm sau có người gởi nhờ con chó nhỏ. Ki Ki quấn quít con chó con này lắm, được vài tháng chủ con chó con tới lấy lại. Con Ki Ki giận dỗi bỏ ăn mấy ngày, nó cứ nằm lì dưới gầm giường ngước mắt nhìn mọi người như trách móc. Mẹ tôi phải năn nỉ dỗ dành mãi, nói như nói với người. Mãi sau Ki Ki mới nguôi buồn, tôi tin chắc chó nghe được tiếng người. Bởi vì sau đó bố mẹ nói về chuyện xuất cảnh qua Mỹ, Ki Ki vô cùng buồn bã. Cho tới khi bố mẹ tôi mang hai cái rương về đóng hàng mang đi, thì nó bỏ ăn hoàn toàn. Buổi sáng bố mẹ tôi lên taxi ra phi trường, cả nhà cùng đi tiễn. Ki Ki sủa lên ba tiếng tiễn biệt làm cho ai cũng thấy xao xuyến trong lòng. Ngày bố mẹ tôi xuất cảnh, Ki Ki đã 15 tuổi, nó già yếu thế mà bọn trộm chó vẫn bắt nó giết thịt. Chỉ còn cô em út ở lại. Chúng tôi hỏi thăm lúc nào cô cũng nói Ki Ki chết già, được chôn cất tử tế. Mãi về sau khi qua đây cô mới cho biết sự thật. Lòng tôi tê tái xót thương cho con chó trung thành, suốt đời tận tụy với chủ, mà cuối cùng cũng bị bắt giết thịt. Lúc còn nhỏ nó chỉ bị bắt một lần, sau khi được chuộc về nó không bao giờ ra khỏi nhà buổi sáng, là thời gian xe bắt chó chạy ngang nhà. Em tôi nói rằng khi tới chuộc, Ki Ki nằm trong chuồng với nét buồn bã y như con người. Sao nó có linh cảm nếu không tới chuộc, chúng sẽ được dùng làm thức ăn cho cọp beo trong sở thú.

Theo thuyết nhà Phật, có kiếp luân hồi và duyên nghiệp. Chúng ta gặp nhau trên đời này với nhiều mối liên hệ khác nhau: cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè. Tất cả đều do duyên nghiệp nhiều đời: duyên hợp, duyên tan.

Kiếp này chúng ta là người, nhưng kiếp sau có thể mình thành súc vật. Tin hay không tùy mỗi người, nhưng chúng ta nên đối xử công bằng với các con thú giúp ích cho mình. Người ta hay nói “sáng tai họ, điếc tai cày” để nói khi bị bắt làm việc thì mình giả vờ không nghe. Nhưng khi nghe được ăn chơi giải trí thì tai chúng ta nghe rõ lắm. Bạn có tin nếu bạn bắt thú vật làm việc nhiều quá, coi chừng sẽ bị nó chống trả lại đó: “mõm chó vó ngựa”. Đừng tưởng làm người có trí thông minh là cứ việc hành hạ, bạc đãi súc vật. “Chó cùng cắn giậu”, “Con giun xéo mãi cũng quằn”. Lúc đó người ta lại cười chê: “to đầu mà dại”. Bởi vì “đánh chó ngó chủ”, không khéo “gậy ông lại đập lưng ông” thì “bụng làm dạ chịu” chứ kêu ai bây giờ.

Chúc các bạn một năm vạn sự như ý.

Lại thị Mơ (Lớp D Khoa Sinh)