Theo định nghĩa y học, lactose intolerance là do cơ thể không tiêu hóa được đường lactose trong sữa, nguyên nhân là ruột không tạo ra lactase để thủy giải lactose thành hai loại đường tiêu hóa được là glucose và galactose. Người bị lactose intolerance khi uống sữa hoặc ăn các thực phẩm có sữa sẽ bị các triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, sôi bụng, nếu bị nặng thì chóng mặt, ói mửa, ... Theo các chuyên gia, “primary lactose intolerance” là do cơ thể gần như ngưng tạo lactase khi trưởng thành, còn “secondary lactose intolerance” là do bị bệnh đường ruột hoặc do chấn thương (bị tai nạn hoặc giải phẫu) làm tổn hại ruột non nên làm giảm hẳn sự tạo lactase. Người từ 20-40 tuổi dễ bị hơn lúc vị thành niên, người Á Phi và Nam Mỹ bị nhiều hơn người Âu Châu và Bắc Mỹ, ... Ước tính hoảng 65% dân số thế giới bị lactose intolerance, tỷ lệ ở Bắc Âu nhỏ nhất (khoảng dưới 10%) còn một số vùng ở Á Phi thì tỷ lệ người bị lactose intolerance có thể cao đến 95%.

Khi đọc những “diễn giải khoa học” về lactose intolerance, tôi ngạc nhiên vì những suy nghĩ thô thiển của các chuyên gia dinh dưỡng. Tôi thử tham khảo nhiều websites Pháp Mỹ xem có ai giải thích thông minh hơn, nhưng hoàn toàn không thấy. Tại sao chuyện đơn giản mà các chuyên gia dinh dưỡng trên thế giới không biết, hoặc biết mà cố tình vờ đi để tạo thành một vấn đề phức tạp như vậy?

Thực ra gần như toàn bộ 100% nhân loại từ lúc trẻ sơ sinh tới một tuổi bắt buộc phải sống nhờ sữa, cơ thể em bé luôn luôn tạo ra lactase để tiêu hóa sữa và không có ai bị lactose intolerance trừ một vài em bé bất bình thường - thời xưa mà em bé không tiêu hóa được sữa thì chắc chắn là chết. Khi lớn lên, nếu con người tiếp tục dùng sữa hoặc những thực phẩm có sữa thì ruột vẫn tiếp tục tạo lactase (mặc dù ít hơn lúc sơ sinh) để tiêu hóa sữa, đây là trường hợp của đa số dân Âu Mỹ. Tuy nhiên, ở những nước nghèo Á Phi, nhiều người lớn nghỉ hẳn uống sữa trong một thời gian dài cho nên ruột không tạo ra lactase nữa vì không còn cần thiết. Nếu họ đột nhiên uống lại một lượng sữa khá nhiều thì cơ thể chưa thích ứng kịp, không có lactase để tiêu hóa thì dễ bị đau bụng, tiêu chảy, ... Muốn thích ứng lại thì mới đầu phải uống một lượng sữa nhỏ, những ngày sau từ từ tăng thêm cho cơ thể tái tạo lactase. Sau khi hệ tiêu hóa đã quen với sữa và tạo đủ lactase là có thể uống sữa bình thường, đại đa số nhân loại chẳng có vấn đề gì gọi là “lactose intolerance” cả. Ngay cả những người bị bệnh đường ruột hoặc chấn thương ruột (secondary lactose intolerance) cũng có khả năng phục hồi sau một thời gian chứ không phải kiêng sữa vĩnh viễn.

Tôi nhớ năm 1976 tôi đi vượt biên bị bắt bỏ tù trong Quận 8, tháng đầu tiên không có ai được phép liên hệ thân nhân nên không có tiếp tế và chỉ ăn cơm tù. Mỗi ngày hai bữa, mỗi bữa chỉ có hai chén cơm nhỏ với vài miếng rau hoặc một miếng đậu hủ, chỉ một tháng mà ai cũng sụt mất vài ký. Khi mới được thăm nuôi, mấy anh Tàu Chợ Lớn thèm quá ăn nhiều đồ béo, tất cả đều bị tiêu chảy phải chạy vào toilet liên tục. Họ đã ăn nhiều chất béo suốt mấy chục năm, chỉ mới nghỉ ăn chất béo một tháng mà cơ thể họ đã gần như ngưng tạo ra lipase, nay họ đột nhiên ăn khá nhiều lipides thì hệ tiêu hóa của họ chưa thích ứng lại kịp. Chỉ cần lúc đầu họ ăn ít dầu mỡ rồi từ từ tăng thêm thì chẳng có vấn đề gì về tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu các chuyên gia dinh dưỡng thời nay mà quan sát chuyện này thì chắc sẽ kết luận đây là triệu chứng “lipide intolerance” của những tù nhân, người Hoa dễ bị hơn người Việt Nam, và người tù tại Á Phi thì dễ bị hơn là người tù tại Âu Mỹ. Họ sẽ khuyên sau khi ở tù thì phải tránh ăn chất béo, rồi liệt kê mấy chục biểu hiện của người bị “lipide intolerance” và đưa ra danh sách dài dằng dặc những gì nên ăn và những gì nên tránh sau khi bị hội chứng này.

Điều tôi vừa nói có vẻ khôi hài, nhưng đó là chuyện thực những chuyên gia dinh dưỡng đã làm đối với những người lớn nghỉ uống sữa lâu ngày (khoảng 65% nhân loại) nên ruột không tạo ra lactase nữa. Họ bịa đặt ra hội chứng “lactose intolerance” có liên quan đến di truyền sắc tộc (người Á Phi dễ bị hơn Âu Mỹ) trong khi thực tế đơn giản là ở những nước nghèo Á Phi đa số người lớn đã nghỉ hẳn uống sữa trong một thời gian dài nên hệ tiêu hóa có vấn đề tạm thời khi uống lại sữa. Các chuyên gia chẳng bao giờ khuyên những người này muốn dùng lại sữa thì phải tập từ từ cho cơ thể thích ứng, mà chỉ khuyên họ tránh hẳn sữa. Họ liệt kê những triệu chứng của “lactose intolerance” một cách nghiêm trọng, thí dụ như website Facty Health đã kể ra 10 triệu chứng: BLOATING, GRUMBLING SOUND IN THE BELLY, ABDOMINAL PAIN OR CRAMP, FLATULENCE, NAUSEA, VOMITING, ABNORMAL STOOL, PAINFUL BOWEL MOVEMENT, WEIGHT LOSS, FATIGUE. Đọc nghe ghê quá vì 6 triệu chứng sau cùng (buồn nôn, ói mửa, phân bất bình thường, đau khi đi cầu, sụt cân, mệt mỏi) cũng là những triệu chứng của bệnh ung thư! Tôi đã quá quen với những lừa dối phóng đại của nhiều chuyên gia Tây phương nên chuyện hù dọa này không làm tôi ngạc nhiên.

Sau khi đưa ra những danh sách thực phẩm nên tránh khi bị “lactose intolerance”, các chuyên gia còn xúi dại người nào nghi ngờ mình bị hội chứng này thì có thể làm một cái test kiểm chứng. Người ta cho uống một ly nước có nhiều lactose và sau 2 giờ sẽ thử máu, nếu lượng đường không lên thì là cơ thể ít tiêu hóa được lượng lactose vừa uống. Thực ra con người không bao giờ tiêu hóa trọn vẹn những gì mình ăn, và ngay cả người uống sữa thường xuyên cũng khó lòng tiêu hóa hết một lượng lớn lactose trong một ly nước. Nếu họ không cảm thấy gì sau khi uống nhiều lactose và số lượng lactose dư được thải qua phân, đây là chuyện hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên các chuyên gia có thể dựa vào kết quả “có một số lượng lactose không tiêu hóa” để hù dọa những người dại dột làm cái test này, nói rằng họ bị lactose intolerance ở mức độ nhẹ và nên cẩn thận nghe theo những lời khuyên của chuyên gia để tránh bị nặng hơn.

Các chuyên gia có bằng Master hoặc PhD về các ngành khoa học và những người tốt nghiệp đại học Y Dược thường đủ thông minh để hiểu những chuyện này. Tuy nhiên, vấn đề căn bản luôn luôn là sự khiếm khuyết về nhận thức. Nếu so sánh với những gì chúng ta chưa biết (về thế giới vật chất trong vũ trụ bao la và thế giới tâm linh của loài người) thì toàn thể kiến thức của nhân loại cũng không được bao nhiêu, đừng nói đến kiến thức cá nhân. Khả năng tiếp thu của con người rất giới hạn, ngay cả những người thông minh nhất (có IQ từ 140 trở lên) cũng chỉ có thể học hỏi trong một vài lãnh vực. Ngoài ra, còn một điểm yếu của các chuyên gia là khuynh hướng HỌC HỎI VÀ TIẾP THU MỘT CÁCH TUÂN PHỤC. Khuynh hướng này đã giúp họ thành công trong học đường vì đa số giáo sư thích các học sinh và sinh viên tiếp thu nhanh chóng và chấp nhận những kiến thức được giảng dạy là hoàn toàn đúng. Những người trí thức sáng tạo không bao giờ chấp nhận những thông tin chính thức là chân lý tuyệt đối, họ tiếp thu kiến thức với khuynh hướng “để đó tính sau” và thái độ này không làm vừa lòng các thầy của họ – đó là lý do tại sao cả Louis Pasteur và Albert Einstein khi đi học đã bị nhiều giáo sư cho là chậm hiểu. Trong khi đó, những người học hỏi tuân phục dễ trở nên xuất sắc trong học đường, đến khi họ trở thành những chuyên gia có học vị cao thì dĩ nhiên họ vẫn giữ khuynh hướng đã giúp họ thành công và có good jobs. Đa số chấp nhận và không bao giờ bàn cãi những thông tin chính thức – mặc dù họ có khả năng suy xét, nhưng với tâm lý tuân phục thì họ khó nhận ra (hoặc nhận ra nhưng không dám phản bác công khai) những thông tin bịp bợm lừa dối như là lactose intolerance.

Vấn đề thứ hai của các chuyên gia thời nay nằm trong hai chữ: PRIDE (kiêu hãnh) và GREED (lòng tham). Vì kiêu hãnh nghề nghiệp, họ thường vờ đi sự kiện là cơ thể con người có khả năng thích ứng rất tốt với những đồ ăn khác nhau từ Bắc Cực đến sa mạc Sahara, họ rất ít khi đề cập đến nhiều khả năng kỳ diệu của cơ thể để chữa lành vết thương và chống cự vi trùng bệnh tật. Dù là có ý thức hay vô ý thức, họ muốn đại chúng tưởng rằng cơ thể sinh vật giống như robot không tự làm được cái gì và khi có vấn đề sức khỏe là phải cần họ can thiệp và cho thuốc. Ảnh hưởng tâm lý về sức khỏe quan trọng đến nỗi muốn chứng minh giá trị của thuốc, các chuyên gia phải kiểm chứng bằng phương pháp mù đôi (double blind) để loại bỏ ảnh hưởng tâm lý, vậy mà họ không bao giờ dùng từ “hiệu ứng tâm lý” (psychological effect) mà chỉ dùng từ “hiệu ứng thuốc giả” (placebo effect). Nói vậy tức là con người có thể dùng cả “thuốc thật” và “thuốc giả” để chữa bệnh và ngăn ngừa bệnh tật, còn cơ thể họ chỉ thụ động chờ các chuyên gia giúp đỡ chứ không tự làm được cái gì cả!

Chuyện lòng tham làm ảnh hưởng lương tâm nghề nghiệp còn quan trọng hơn vì trong xã hội Âu Mỹ hiện đại áp lúc của tiền bạc rất lớn. Không chỉ các chuyên gia cao cấp mà nhiều kỹ sư, managers, technicians, thợ máy, thợ sửa ống nước, thợ điện, ... đều tìm cách vẽ vời hù dọa để kiếm ăn. Nhiều người biết cảnh giác với “thợ” các loại, nhưng với các chuyên gia thì họ bị mặc cảm tự ti nên thường tin chuyên gia một cách mù quáng. Đúng ra nên coi tất cả như nhau, mặc dù docteur có học vị cao và có tiền nhiều hơn thợ máy nhưng về tư cách chưa chắc ai đã hơn ai và chuyện “tiên hàm” thì ai cũng thế. Đi sửa xe có khi phải đi ba bốn garage mới tìm được một thợ máy tương đối đáng tin, còn đi chữa bệnh cũng thường phải đến ba bốn phòng mạch mới tìm được một chuyên gia có thể tin cậy.

Nhiều người Việt Nam có mặc cảm tự ti với dân da trắng, cho rằng những chuyên gia Âu Mỹ giỏi hơn hoặc đáng tin hơn chuyên gia Việt Nam. Sự thực chưa chắc đã như vậy. Giới bác sĩ Việt Nam còn có khái niệm về y đức và nhiều người biết sợ luật nhân quả báo ứng cho nên ít khi dám làm bậy. Trong khi đó, người Âu Mỹ sống quá vật chất và quá coi trọng tiền bạc và thành công cho nên không ít người bị cám dỗ. Theo nhận xét của Bác Sĩ Trần Minh Nhựt (cựu giáo sư Y Khoa Mỹ), khoảng 30% giới bác sĩ Mỹ thuộc loại dốt và nhiều bác sĩ Mỹ rất trịch thượng (arrogant) và họ chỉ coi trọng tiền bạc chứ không quan tâm đến bệnh nhân. Ông kể chuyện vợ ông tên Lucie bị ung thư vú phải điều trị hơn một năm với một bác sĩ Mỹ, sau đó tái khám làm bone scan thì anh ta báo vợ ông bị tái phát ung thư (cancer relapse). Theo lời Bác Sĩ Nhựt, “anh ta nhất định là Lucie phải điều trị ngay bằng Hevastin, một phương thuốc được quảng cáo rầm rộ về mức độ công hiệu cho breast cancer nhưng có điều là có thể gây tử vong bất ngờ”. Bác Sĩ Nhựt bực quá nói thẳng vào mặt anh bác sĩ Mỹ là không thể có chuyện biết cancer relapse chỉ dựa vào bone scan, sau đó ông đưa vợ ông đi khám ở một trung tâm ung thư và họ xác nhận vợ ông không bị cancer relapse. Giả sử bà Lucie không có chồng là giáo sư y khoa, nghe bác sĩ Mỹ dọa như vậy thì chắc sẽ đồng ý điều trị theo ý anh ta. Sau mấy tháng trời khổ sở lo lắng, bị hóa trị hành hạ mất ăn mất ngủ, sụt cân rụng tóc, … rồi nghe bác sĩ phán “Congratulations, bà đã chiến thắng bệnh ung thư!” thì mừng quá cám ơn bác sĩ đã cứu mạng, không hề biết mình là nạn nhân của trò bịp “không có bệnh mà vẫn chữa, vừa được tiền, vừa chắc chắn thành công và được tăng uy tín”.

Văn minh khoa học kỹ thuật Tây phương tiến bộ nhanh nhờ những thiên tài siêu việt cùng với một số chuyên gia xuất sắc, nhưng phần còn lại không có gi đặc biệt. Còn đại chúng thì dù là Âu Mỹ, Úc hay Á Phi cũng giống nhau, đa số có nhận thức rất giới hạn và dễ bị hù dọa lừa bịp. Những chính trị gia, thương gia, luật sư, ký giả và những chuyên gia thực dụng rất hiểu điều này, họ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của đại chúng để thành công, đồng thời lợi dụng đại chúng để trấn áp những người chống đối họ. Với những người trung thực, nếu muốn tránh nhiều kẻ thù thì nên ghi nhớ hai điều: (1) NGƯỜI BẤT TÀI VÔ HẠNH VẪN CÓ THỂ ĐẠT ĐỊA VỊ CAO NHỜ THẾ LỰC GIA ĐÌNH VÀ KHẢ NĂNG BON CHEN TRÌNH DIỄN, KHÔNG NÊN COI THƯỜNG VÀ XÚC PHẠM NHỮNG NGƯỜI NÀY VÌ HỌ RẤT NGUY HIỂM KHI BỊ CHẠM TỰ ÁI, (2) NGƯỜI TRÍ THỨC CÚI ĐẦU TRƯỚC CƯỜNG QUYỀN VÀ BÁN RẺ LƯƠNG TÂM VÌ TIỀN BẠC DANH VỌNG LUÔN LUÔN THÙ GHÉT VÀ MUỐN LÀM HẠI NHỮNG TRÍ THỨC GIỮ ĐƯỢC TƯ CÁCH VÀ LƯƠNG TÂM. Khoảng năm 1950 ở Mỹ, khi phong trào tố cộng “Better dead than red” phát trỉển mạnh, một số chuyên gia ở Ngũ Giác Đài đã phân tích chính xác tình hình Trung Hoa và tiên đoán đúng là Mao Trạch Đông sẽ thắng – những chuyên gia tài năng và trung thực này đã bị đuổi việc vì bị chụp mũ là thân cộng (communist sympathizers). Thời Pháp thuộc, Tiến Sĩ Trần Quý Cáp không chịu hợp tác với người Pháp, ông đã bị kết tội tử hình chém ngang lưng vì giữ một bản Hải Ngoại Huyết Thư của Phan Bội Châu và dám treo một bản đồ thế giới trong nhà. Đây là lời phán quyết của Quan Án Sát Phạm Ngọc Quát: “Gia trung quải địa đồ nhất bức, ý dục hà vi? Sương nội tàng Hải Ngoại Huyết Thư, kỳ tình khả kiến! Tuy bạn trạng vị thành nhi phản tâm dĩ túc hĩ.” (Trong nhà treo một tấm bản đồ, ý muốn làm gì? Trong rương giấu Hải Ngoại Huyết Thư, cái tình có thể thấy được. Tuy tình trạng phản loạn chưa thành nhưng cái tâm làm phản như vậy đã đủ rồi.)Những ai không hiểu biết lòng người thì khó tưởng tượng được chỉ vì “treo bản đồ thế giới trong nhà” mà bị xử tử một cách dã man như vậy.

Dưới những chế độ phong kiến hoặc độc tài cộng sản, có thể rất nguy hiểm nếu cố gắng giữ tư cách và lương tâm. Thời Cách Mạng Văn Hóa và Hồng Vệ Binh bên Trung Hoa, mấy trăm ngàn trí thức đã bị đấu tố, hạ nhục, đánh đập và hành hạ đến chết. Hiện nay ở những nước dân chủ Âu Mỹ, người trí thức trung thực không đến nỗi có kết cục bi thảm, nhưng nhiều người cũng phải nếm mùi cay đắng trong cuộc đời và nghề nghiệp. Có lẽ vì vậy mà nhiều chuyên gia có lương tâm đã im lặng tuân theo những phong trào đấu tố cholesterol, kết án trans fat, đả kích glutamate, đấu tố sugar, ăn gluten-free, ... mặc dù họ biết đây chỉ là những trò bịp bợm đại chúng. Nếu công khai chống những phong trào ăn khách này thì chẳng được lợi gì mà có khi còn bị nghi ngờ chế diễu, bị mất thân chủ, bị cấp trên trù dập và bị nhiều đồng nghiệp thù ghét tẩy chay. Họ phải thỏa hiệp với thực tế, không theo những người thành công nhờ bán rẻ lương tâm nhưng tránh công khai đương đầu với họ ; cố gắng giúp những người có thể giúp nhưng đối với đại chúng tin tưởng những chuyên gia vẽ vời lừa bịp thì phải mặc kệ. Dù sao thì cũng cần có bình an cho bản thân và gia đình trước đã thì mới có thể giúp người và phục vụ xã hội theo khả năng của mình.