“Sống trên đời không ăn miếng thịt chó

Chết xuống âm phủ biết còn có hay không?”

Nhiều người cho rằng ở ngoại quốc chó quý, còn ở Việt Nam chó không quý. Thực tế nơi nào cũng quý chó, chuyện kể rằng, xe đò Sài Gòn ra miền Trung, khi chạy ngang vùng Hố Nai Gia Kiệm, khi gặp chó phải tránh nếu lỡ đụng là phải “vô tư” chạy luôn, ngừng lại thì chuyện chó gì cũng có thể xảy ra.

Ở miền Bắc thịt chó là “quốc hồn, quốc túy”, chỗ ăn thịt chó, gọi là “nhà hàng”, trong Nam, chỗ ăn thịt chó gọi là “quán thịt chó”. Ngoài Bắc, đám cưới sang mới mời xóm làng, họ hàng ra nhà hàng thịt chó, không ăn được thịt chó thì chỉ có ngó vì chẳng có gì khác để ăn mừng! Thịt chó, theo y học cổ truyền, có nhiều chất đạm, bổ tốt cho phái nam. Hơn thế nữa, ăn thịt chó không ngán như thịt heo, thịt gà. Đặc biệt ăn là phải uống mà không ai uống bia khi ăn thịt chó. Ăn thịt chó phải uống rượu, rượu 'quốc hồn, quốc túy'!, rượu đế Gò Đen là số dách. Quán Lá Mơ trên đường Võ Di Nguy, Phú Nhuận, thường bán thịt chó, đặc biệt kèm với rượu chuối hột, nhậu bắt hết biết. Ăn thịt chó trong “khung cảnh, không gian của chó” mới thấm được cái ngọt, cái bùi, cái thơm, cái ngậy... của thịt chó. Do vậy một nhà thơ miền Bắc đã viết:

“Anh ước một thảo nguyên đầy thịt chó

Một cánh đồng bát ngát lá mơ xanh

Một dãy Trường Sơn đầy sả ớt

Một cánh đồng ngút mắt riềng tươi

Một làng nghề mắm tôm thơm phức

Một dòng sông chứa đầy rượu pha cồn

Để nơi ấy tháng ngày anh tu luyện

Xa bụi trần và quên lng bóng hình em!”

Quan niệm về thịt chó của hai vùng Nam, Bắc cũng khác nhau, thịt chó Bắc là thịt “lạnh” cho nên phải ăn kèm lá mơ cho ấm bụng gan, phèo, phổi, thịt chó Nam nóng cho nên phải nấu với nước dừa để giải nhiệt. Thịt chó nó ngon, nó quý cho nên Việt Nam thiếu chó, nhất là sau bảy lăm “dân Bắc vô Nam” hơi nhiều, nạn thiếu thịt, thiếu chó dẫn đến nạn trộm chó, bọn trộm chó thường gọi là “Cẩu tặc”. Người nuôi chó ăn ngủ chẳng yên vì cứ nửa đêm hễ nghe tiếng xe chạy qua đường sát nhà mình là phải vội thức dậy cầm đèn pin, bật điện sáng trưng để kiểm tra vì lo bị “cẩu tặc” bắt mất chó nhà mình. Trước đây thả chó chứ không nhốt thì bây giờ phải đi mua dây, xích chặt chó trong góc nhà 24/24 giờ. Tuy nhiên, những chú chó được gia chủ chăm sóc, phòng ngừa rất sát như vậy vẫn không thoát thân, dù chó xích cẩn thận trong nhà vẫn bị trộm mất.

Miền Nam quê mình trước bảy lăm, nuôi chó để giữ nhà và dọn vệ sinh cho con nhỏ, nhà nào có chó đẻ thường kêu hàng xóm láng giềng cho. Ngày nay có bầy chó đẻ là trúng độc đắc, là nguồn sống của gia đình. Cẩu tặc lén phén thì dễ ôm đầu máu và có khi mất mạng, giá trị của một thằng trộm chó không bằng mạng một con chó do đó ngày nay ở quê nhà “cẩu phẩm” quý hơn “nhân phẩm”.

Nói đến Dê là người ta nghĩ đến lá “dâm dương hoắc” và “ngọc dương”. Cỏ “dâm dương hoắc” mọc nhiều ờ vùng Long Hồ, gần Bà Rịa, còn ngọc dương là của quý, rất khó tìm, thời VNCH nếu có một cặp “dương ngọc rừng” hay còn gọi là dương ngọc của dê núi, giá có thể lên đến năm trăm ngàn. Hết loại này thì phát sinh loại khác, công dụng, theo truyền thuyết cũng ngang ngửa nhau, đó là linh dược “ngọc cẩu” hay “dương cẩu”.

Ngọc cẩu là một vị thuốc rất kỳ diệu trong việc cải thiện sinh lực. Một loại nấm được mệnh danh là “nấm tan cửa nát nhà”. Vậy, ngọc cẩu là gì ? Đó là vị thuốc có tên gọi là “tỏa dương” hết sức thông dụng trong việc chữa bệnh thường nhật của y học cổ truyền, được xếp trong nhóm thuốc bổ dương của Đông dược. Tỏa dương, tên khoa học là Cynomorium songaricum Rupr., còn được gọi là củ gió đất, củ ngọc núi, hoa đất, xà cô, ký sinh hoàn, bất lão dược, địa mao cầu, hoàng cốt lương, củ cu chó. Đây là một loại nấm, nấm này còn có nhiều tên gọi khác như nấm Tỏa Dương, nấm Xin Xao, nấm Dái Chó hay có tên gọi khác mà mọi người thường gọi theo hình dáng của nó là nấm Của Quý Chó. Nó là một loại cây thảo dược, có hình dạng nửa nấm nửa cây và không có cành lá.

Thuốc này vị ngọt, tính ấm có công dụng bồ thận trợ dương, nhuận tràng, thông tiện, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như liệt dương, di tinh, lưng đau gối mỏi, suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, viêm dạ dày, viêm thận, xuất huyết do giảm tiểu cầu, táo bón người già. Có thể dùng riêng hay phối hợp với tang phiêu tiêu, thục địa, ma nhân và các vị thuốc khác. Bài thuốc cổ nổi tiếng chuyên dùng để chữa chứng di tinh có tên gọi là “Kim tỏa cố tinh hoàn”. Các thầy thuốc Đông y thường sử dụng “tỏa dương” cùng với các thuốc bổ dương khác như ba kích, tiên mao, nhục thung dung, phá cố chỉ, dâm dương hoắc, … để chữa các chứng bệnh như suy giảm ham muốn tình dục, liệt dương, xuất tinh sớm, di mộng tinh, lãnh cảm, muộn con. Tỏa dương loại khô có thể mua dễ dàng ở các hiệu thuốc Đông dược với giá gốc không quá 2 dollars/100g. Tuy nhiên, tỏa dương giả cũng tràn ngập trên thị trường, cẩn thận vì gặp thứ giả thì có khi “tiền mất tật mua”.

Nấm ngọc cẩu thường mọc trong rừng sâu

Để ngâm rượu nấm ngọc cẩu nên chọn các cây nấm đủ các tiêu chuẩn như sau:

  • Thân cây có cấu tạo từ cánh hoa lớn, có màu đỏ sẫm đặc trưng và thân mang hoa dày có phân biệt hoa đực và hoa cái rõ ràng, được bọc bởi cái mo màu tím.

  • Cụm cái có hình dạng đầu dài từ 3 - 4 cm còn cụm đực có hình dạng trụ dài từ 12 - 15 cm.

  • Bên trong ruột hoa khi bổ đôi có hình thức giống quả thanh long với nhiều tinh bột trong đó.

  • Và điểm đặc trưng nhất là khi ngửi qua nấm ngọc cẩu tươi ta sẽ thấy một mùi hơi hôi.

Loại nấm quý này thường mọc nhiều ở các tỉnh vùng cao phía Bắc như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Tuyên Quang, ... Chúng mọc dạng sống ký sinh trên các rễ của cây gỗ to ở chìm dưới đất, núp dưới các bụi cây trong bóng dâm tối.

Vì vậy để nấm phát huy hết giá trị của dược liệu ở mức cao nhất, nên chọn nấm ở thời kỳ sinh trưởng và mọc ở độ cao trên 1500 m - 2000 m (ví dụ như ở đỉnh Hoàng Liên Sơn hoặc Tây Côn Lĩnh nơi có nhiệt độ thấp, quanh năm giá rét, vào mùa đông có tuyết phủ)

Từ lâu đời người dân tộc Dao đã biết dùng loại nấm này để chữa hậu sản cho những phụ nữ sau khi sinh có sức khỏe yếu, hay mệt mỏi. Chỉ cần người phụ nữ sau khi sinh dùng nước được sắc từ loại nấm này uống đều là có thể khỏe lại nhanh chóng. Ngoài ra phụ nữ nơi này còn dùng để trị nám da, tàn nhang cũng như điều trị các khối u lành trong cơ thể.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, sở dĩ loại nấm này nhiều tác dụng quý đến vậy do trong nấm có chất Estrogen làm tăng cường nội tiết tố cho cơ thể. Chính estrogen này là nhựa sống giúp chị em duy trì sắc đẹp, sức sống cho cơ thể. Đặc biệt là ở phụ nữ có tuổi, lượng estrogen này giảm đi nhanh chóng vì thế phát sinh nhiều bệnh tật cũng như giảm ham muốn trong chuyện chăn gối.

Không chỉ có phụ nữ, mà đàn ông Dao cũng dùng rượu nấm ngọc cẩu như một loại thần dược quý hiếm. Vì nó sẽ bổ sung sinh lực, tăng tính dương cho phái mạnh một cách rõ rệt. Đặc biệt là những người bị di tinh, liệt dương hay hỏng hẳn bộ phận sinh lý thì khi dùng rượu ngâm nấm ngọc cẩu sẽ tráng cường, lấy lại phong độ một cách mạnh mẽ. Ngoài ra nó còn là một vị thuốc quý trong các bài thuốc Đông y hay dùng để tăng cường tiêu hóa, chữa nhức mỏi tay chân, đau lưng hay bổ máu, bổ thận.

Có hai cách ngâm rượu nấm ngọc cẩu mà các phái mạnh hay dùng, đó là ngâm nấm tươi trực tiếp với rượu và cách thứ hai là dùng nấm khô để ngâm (không nên ngâm trực tiếp với nấm tươi vì khi còn tươi nấm có hàm lượng nước nhiều sẽ làm rượu nhạt và không phát huy hết tác dụng).

  • Nấm ngọc cẩu

  • Rượu nếp từ 45 - 50 độ

  • Bình thủy tinh hay bình sành càng tốt

  • Nồi hấp để hấp cách thủy

  • Rửa sạch nấm qua ba nước và để ráo

  • Cắt riêng phần củ và hoa nấm

  • Cắt dọc phần hoa nấm theo từng thớ, dày khoảng 0,5 cm

  • Phần củ cũng cắt dọc miếng và cắt mỏng hơn phần hoa

· Đem tất cả các miếng lát đã cắt mỏng phơi ở bóng râm (tránh phơi trực tiếp với ánh nắng mặt trời). Đây được gọi là phương pháp phơi âm can trong Đông y thường dùng.

· Thời gian phơi nấm ngọc cẩu khoảng 3 - 5 ngày tùy thời tiết, bao giờ sờ thấy nấm se lại là được.

  • Tiếp đến là sao vàng hạ thổ (tức là khi sao nấm qua chảo, ta đổ nấm đã phơi khô ra nền đất sạch rồi lấy chảo úp lại, để trong khoảng 20 phút để nấm nguội. Với mục đích để loại bỏ hỏa độc khi sao nóng và làm tăng thêm phần âm cho nấm để âm dương điều hòa.

  • Sau đó là tiến hành sao cách thủy (cho vào nồi hấp dùng hơi nước để nấm khô hơn)

  • Khi sao xong ta mới tiến hành bỏ nấm ngọc cẩu vào ngâm với rượu.

  • Để làm ra 1 kg nấm khô thường phải dùng từ 8 - 9 kg nấm tươi

  • Tỷ lệ ngâm thường là 200 gram nấm khô với 5 lít rượu là hợp lý

  • Thời gian dùng rượu là từ 2 - 3 tháng là dùng được, 2 lần mỗi lần khoảng 2 chén, uống kèm khi ăn.

Nâm ngọc cẩu sau khi sao khô

Loài nấm này chưa được các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu, tuy nhiên người Dao sống trên đỉnh Tả Phời cao 1.800 m trên dãy Hoàng Liên Sơn đã dùng từ nhiều năm nay. Theo các lang y người Dao, ngoài việc tăng cường sức khỏe, thì củ nấm còn làm mất cả nám da, tàn nhang, tiêu những khối u lành trong cơ thể. Nấm ngọc cẩu được sử dụng trong các bài thuốc làm bổ máu, bổ thận, kích thích đường tiêu hóa, thông tiểu, chữa nhức mỏi tay chân, đau lưng, di tinh, liệt dương, đặc biệt tốt cho phụ nữ phục hồi sức khỏe sau khi sinh. Trước đây, thứ nấm này có mặt khá phổ biến ở núi Hoàng Liên Sơn. Tuy nhiên, người Trung Quốc đã thu mua cạn kiệt.

Loài nấm có hình "của quý" mọc khá nhiều trên Tây Côn Lĩnh

Có thể ngâm rượu riêng biệt hoặc kết hợp với dược liệu khác như:

  • Ba kích tím loại tươi : …… 1kg

  • Dâm dương hoắc khô : ….. 0,5Kg

  • Nấm ngọc cẩu khô : ……… 0,5Kg

  • Sa sâm, câu kỷ tử, đỗ trọng, đương quy, cam thảo, đại táo mỗi vị 100g

Đối với những người không uống được rượu thì có thể sử dụng nấm ngọc cẩu sắc nước uống như sau: Cho 30 - 50 g nấm ngọc cẩu đun vơi 1 - 1,5 lít nước đun sôi khoảng tầm 15 phút là dùng được.

Nhân dịp đầu năm Mậu Tuất kính chúc mọi người, mọi nhà an khang thịnh vượng và rảnh rổi thì thưởng thức vài ly rượu “tỏa dương” để yêu đời, yêu người.

Montreal, Canada, Jan 2018

Lệnh Hồ Công Tử - Nguyễn thúc Soạn