Ngày Về Của Ba ... Minh Nghĩa

Ngày Về Của Ba

Ba được trở về đoàn tụ với gia đình sau hơn năm năm đi tù ở trại tập trung Cao Bằng - Lạng Sơn. Ba trở về trong những ngày gần Tết. Lúc ấy gia đình tôi đã mòn mỏi đợi chờ và không biết bao nhiêu lần đã hy vọng là Ba sẽ được trả tự do, được về sống với vợ con như những lá thư Ba đã viết gởi về cho gia đình. Lúc mà mọi người tưởng như là tuyệt vọng vì chờ mong thì Ba lại được tha về.

Khuya đó, khuya 29 Tết, khi cả nhà đã đi ngủ bỗng có tiếng đập thật mạnh vào khung cửa rào bằng sắt và có tiếng người la lên thật to:

“ Bà Nhơn ơi, ông về rồi đây nè.”

Mấy con chó đang ngủ, nghe tiếng động sủa vang lên làm cả nhà giật mình choàng tỉnh. Nhảy vội xuống giường, tôi vén màn cửa nhìn ra đường. Dưới ánh đèn đường hiu hắt chiếu xuyên qua những cành mận, hai bóng người đang đứng trước cửa rào. Thấy lạ, chị em tôi mở cửa bước ra sân thì tiếng người hàng xóm lại vang lên:

“ Ba của con về rồi đây nè.”

Khi chúng tôi còn bàng hoàng như đang nằm mơ, Ba lên tiếng:

“ Ba về rồi đây nè.”

Mạ cuống quít hối em tôi chạy vào nhà lấy chìa khoá ra mở cửa rào. Ba bước vào sân cùng với chú hàng xóm. Niềm vui đột ngột làm mọi người sửng sờ, đứng chết lặng nhìn nhau không nói nên lời. Rồi niềm vui chợt vỡ oà, cha con, vợ chồng ôm chầm lấy nhau nước mắt rơi ướt đẫm cả mặt mày!

Ba trông thật ốm yếu trong bộ quần áo màu xanh rêu đậm, đầu đội một cái nón vải, tay xách một cái giỏ đệm nhỏ làm bằng lác. Trong giỏ chỉ có hai bộ quần áo cũ đã sờn rách cùng với một xấp thư và một ống điếu để hút thuốc lào. Nhìn Ba tiều tụy, tôi không cầm được nước mắt. Khi tôi càng cố kìm giữ thì nước mắt không biết từ đâu lại cứ tuôn ra. Thấy mấy chị em tôi khóc nức nở, Ba nén xúc động nói :

“ Ba về rồi, sao không mừng Ba mà khóc vậy?”

Ba càng nói thì chị em tôi càng mũi lòng và càng khóc nhiều hơn cho đến khi My, cô em gái út, bật lên nói:

“ Sao Ba kỳ vậy, không giống Ba.”

Thì ra khi Ba tôi đi ở tù, My chưa được một tuổi. Cô bé này chỉ biết mặt Ba của mình qua những hình ảnh của gia đình chụp chung lúc trước, còn bây giờ Ba ốm và tiều tụy lắm. Nhờ những lời nói ngây thơ của My, cả nhà phì ra cười.

Khuya hôm ấy cả nhà tôi thức cho tới sáng để nghe Ba kể chuyện. Người hàng xóm chạy vào xóm thông báo cho người quen trong xóm biết tin Ba tôi được tha về, nên họ kéo tới nhà tôi để thăm Ba. Họ muốn chung vui với gia đình tôi và họ cũng muốn đến để xem Ba tôi như thế nào, sau một thời gian đi tù ở một vùng xa xôi tận biên giới miền Bắc. Ba kể lại Ba chỉ được cho biết là mình sẽ được tha về trước đó vài giờ để thu xếp hành lý. Nói là hành lý, chứ thật ra chỉ có một hai bộ quần áo cũ và những lá thư của tôi và Mạ đã gởi cho Ba trong thời gian Ba đang ở trong tù. Họ cho Ba mấy chục đồng để đi xe về nhà và một ít lương khô ăn dọc đường. Họ chở Ba ra trạm xe lửa, mua vé cho Ba về trạm xe lửa Bình Triệu. Đến đó, Ba mới dùng tiền của họ cho để thuê xe ôm về nhà.

Đến đầu ngõ cư xá gia đình tôi đang ở, Ba xuống xe đi bộ vào. Có lẽ vì trời tối cộng với tâm trạng nôn nao, lại thêm một phần vì cây trứng cá to ở trong sân nhà đã bị đốn bỏ nên Ba không nhớ ra được căn nhà của mình ngày nào! Ba đi thẳng lên xóm trên. May thay, nhờ chú hàng xóm chạy xích lô trên đường về nhà, gặp Ba đang đứng tần ngần trong đêm tối. Người này đã nhận ra Ba và dắt Ba về lại căn nhà của mình.

Tết năm đó là một cái Tết hạnh phúc nhất của gia đình tôi. Có Ba, ngôi nhà của chúng tôi trở nên ấm áp hơn bao giờ hết và Mạ con tôi không còn có cái cảm giác bơ vơ hay lo lắng như đã trải qua trong những tháng ngày vắng Ba.

Minh Nghĩa

Tháng Năm, 2012