Bà Huyện Thanh Quan

Tiểu sử:

Bà Huyện Thanh Quan tên thật là Nguyễn Thị Hinh, người phường Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận, gần Hồ Tây, Hà Nội.

Cha bà là Nguyễn Lý (1755-1837), đỗ thủ khoa năm 1783, đời vua Lê Hiển Tông. Bà là học trò của danh sĩ Phạm Quý Thích (1760-1825), và là vợ Lưu Nghị (1804-1847), người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Ông đỗ cử nhân năm 1821 (Minh Mệnh thứ 2), từng làm tri huyện Thanh Quan (nay là huyện Thái Ninh, tỉnh Thái Bình), nên người ta thường gọi bà là Bà Huyện Thanh Quan. Chồng bà làm quan trải đến chức Bát phẩm Thư lại bộ Hình, nhưng mất sớm (43 tuổi).

Dưới thời vua Minh Mạng, bà được vời vào kinh giữ chức Cung Trung Giáo Tập để dạy học cho các công chúa và cung phi.

Khoảng một tháng sau khi chồng mất, bà lấy cớ sức yếu xin thôi việc, rồi dẫn bốn con về lại Nghi Tàm và ở vậy cho đến hết đời.

Năm 1870, ở Nghi Tàm nổ ra cuộc đấu tranh chống lệ nộp chim sâm cầm, một đặc sản của vùng này. Theo Ngọc phả (ghi nhận công đức của những người có công với dân làng), thì chính Bà Huyện Thanh Quan đã thảo đơn cho dân gửi lên vua, nhưng vì phục tài đức của bà nên quan huyện Hoàn Long đã phớt lờ đi.

Tác phẩm:

Bà Huyện Thanh Quan sáng tác không nhiều, hầu hết viết bằng chữ Nôm, theo thể Đường luật. Hiện gồm những bài sau:

1. Thăng Long thành hoài cổ

2. Qua chùa Trấn Bắc

3. Qua Đèo Ngang

4. Chiều hôm nhớ nhà

5. Nhớ nhà

6. Tức cảnh chiều thu

7. Cảnh đền Trấn Võ

8. Cảnh Hương Sơn

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia