"Công Cha Nghĩa Mẹ"

"Công Cha Nghĩa Mẹ"

Khi cho các em học trò lớp Việt Ngữ của tôi tập viết những đoạn văn ngắn, cảm xúc của tôi trải qua nhiều cung bậc khác nhau vì tôi thật vui và xúc động khi được nghe những lời nói thật dễ thương, ngây thơ ở lứa tuổi mười một mười hai của các em.

Tuần vừa rồi tôi hỏi các em:

-Các con có thương mẹ của mình không?

Các em reo lên thật to:

-Dạ có…

Tôi hỏi thêm:

-Mẹ có thương các con không?

Các em lại reo to hơn nữa:

-Dạ có…

-Các con biết là mẹ thương các con lắm, có phải không? Vì vậy hôm nay cô muốn các con viết cho cô một đoạn văn ngắn nói về tình thương của mẹ dành cho các con.

Sau khi nghe tôi giảng giải tại sao các em phải luôn thương yêu và kính trọng cha mẹ của mình và khi tôi bảo các em viết bài về mẹ của mình, một em học sinh đưa tay lên hỏi:

-Cô ơi, con thương cả ba và mẹ của con. Bây giờ cô kêu con viết về mẹ của con và nói là con thương mẹ nhất thì khi ba con đọc bài này ba con buồn thì sao hở cô?

Tôi ngỡ ngàng khi nghe em nói. Nhìn ánh mắt thơ ngây của em, ánh mắt nài nỉ như thầm nói với tôi “Cô ơi, con muốn viết cho cả ba và cho cả mẹ của con”, tôi mĩm cười bước đến bên em:

-Con à, cô biết con thương ba và mẹ của con nhưng vì các con chỉ mới tập viết văn, các con chưa viết được nhiều nên cô muốn các con viết về mẹ của các con trước. Mai mốt mình sẽ viết thêm cho ba của các con mà. Các con chịu không?

-Dạ chịu.

-À, mà nếu cô quên thì các con nhớ nhắc cô nhen.

Nghe tôi giải thích và hứa hẹn, gương mặt các em học trò nhỏ tươi hẳn lên. Có em còn gật gật cái đầu tỏ vẻ yên lòng vì không còn cảm thấy “ba mình bị bỏ quên” nữa. Yên tâm, các em vui vẻ cắm cúi suy nghĩ để tìm ý tưởng viết bài.

Năm trước tôi đã dạy các em học thuộc lòng bài “Công Cha Nghĩa Mẹ”, một bài học mà tất cả người Việt Nam đều thuộc nằm lòng. Tôi đọc trước một lần và giải thích từng câu thơ cho các em hiểu ý nghĩa của bài học này. Các em òa lên ngạc nhiên khi nghe tôi giải thích “sơn có nghĩa là núi”. Một em học trò reo lên:

-A! Em biết rồi. Vậy là chiều nay về nhà em sẽ kêu cậu Sơn của em là cậu Núi.

Nói xong em cười thích thú và các bạn học của em cũng hiểu ra được ý tưởng hóm hỉnh của bạn mình nên các em cùng nhìn nhau cất tiếng cười vang. Cuối giờ học, tôi dặn các em về nhà nhớ học thuộc bài để tuần tới vào lớp trả bài lấy điểm. Em thì mau mắn gật đầu dạ thật to. Em thì ngần ngừ nói nhỏ:

-Cô ơi, lỡ em không thuộc thì sao cô?

Cô giáo dỗ dành:

-Không sao đâu, ráng học đi nhen con. Nếu không thuộc thì cô cho thêm một tuần nữa.

Tôi chợt nghĩ ra một cách để khuyến khích các em:

-À, các con về nhà nhớ đọc bài này cho mẹ hay ba nghe nhen. Cô biết là khi ba mẹ các con mà nghe các con đọc bài này thì sẽ thích lắm đó.

Nhìn những gương mặt bán tín bán nghi của các em, tôi giáng thêm một câu:

-Thứ Bảy tuần tới cô sẽ gọi phone tới nhà để hỏi ba mẹ các con là các con có đọc bài này cho ba mẹ nghe không đó nhe chưa?

Nghe tôi lên tiếng dọa, các em vội vàng “dạ” thật to và lo sắp xếp tập vở vào cặp. Các em đứng dậy chào cô giáo ra về.

Bài học thuộc lòng “Công Cha Nghĩa Mẹ” với những vần điệu thật đẹp dễ đi vào lòng người, ngay cả với các em học sinh bé nhỏ của tôi vì chỉ cần đọc chung với nhau hai ba lần là các em đã gần thuộc bài rồi. Tôi nghĩ ra cách bảo các em về nhà đọc cho cha mẹ các em nghe như gián tiếp nói với cha mẹ của các em là nhờ cha mẹ của các em cho các em được đến trường học tiếng Việt, các em đã học được một bài học thật hay, thật ý nghĩa. Đó cũng là một món quà tặng của các em dành cho cha mẹ của mình.

Tuần sau các em học sinh đã mang lại cho tôi một niềm vui thật sự và tôi thật cảm động, thật sự cảm động khi các em tranh nhau nói:

-Cô ơi, con đọc cho ba mẹ con nghe rồi. Ba mẹ khen con giỏi.

-Cô ơi, con vừa đọc có mấy chữ là mẹ con đã đọc chung với con rồi. Mẹ còn nói là mẹ thích bài này lắm. Mẹ thuộc bài còn hay hơn con nữa đó cô.

-Cô ơi, nhà con có karaoke bài này. Mẹ mở ra cho con nghe…

Tôi nghe học trò mình nói; tôi nhìn những gương mặt thân yêu mà lòng mình rộn lên một niềm vui, rộn lên một thứ hạnh phúc thật khó tả. Hôm đó tôi rộng rãi cho học trò của tôi mỗi em 10 điểm học thuộc lòng kèm theo những lời khen ngợi thật nồng nàn. Nói là rộng rãi cho 10 điểm chứ thực sự học trò của tôi còn xứng đáng được điểm cao hơn thế nữa. Chỉ tiếc là thang điểm tối đa các môn học của lớp Việt Ngữ là 10 điểm, chứ nếu có thể tôi còn muốn cho mỗi học trò của tôi hơn số điểm tối đa ấy.

Cảm xúc của tôi lại một lần nữa trào dâng khi cô Thảo Vy, người phụ trách văn nghệ của trường, có ý định mời thêm một số học sinh các lớp cùng hát với học sinh lớp của cô bài “Công Cha Nghĩa Mẹ” trong dịp phát thưởng cuối năm. Tôi cho tất cả các em lớp tôi được nghỉ học để cùng học sinh lớp của cô tập bài hát này. Tiếng lành đồn xa, các thầy cô các lớp cũng xin cho học sinh lớp của mình được tập hát vì ai cũng biết đây là một bài hát rất ý nghĩa. Bài hát này sẽ là một lời cám ơn của các em gởi đến ba mẹ của mình trong dịp phát thưởng cuối năm học. Có lẽ vì ý nghĩa cũng như vì giai điệu đẹp của bài hát, các em học sinh đều thích được đứng trên sân khấu hát bài hát này cho cha mẹ và thầy cô của các em nghe.

Tiết mục cuối cùng trong đêm văn nghệ phát thưởng cuối năm, tiếng hát trong trẻo của các em cất lên trong không khí thật cảm động làm tôi lòng tôi rưng rưng. Tôi quay sang nhìn các thầy cô giáo trường Việt Ngữ Lê Bảo Tịnh, ai ai cũng rạng ngời niềm vui và hãnh diện vì học trò của mình nhưng trong ánh mắt của những thầy cô giáo ấy như ẩn chứa một sự xúc động khôn cùng. Và tôi nghĩ nếu không kìm giữ được sự xúc động ấy, biết đâu sẽ có vài giọt lệ trào dâng trên khóe mắt? Và biết đâu chừng tôi sẽ là người chảy nước mắt đầu tiên vì bản tính dễ xúc động của mình, bản tính trời cho mà các em tôi vẫn thường trêu chọc tôi là người chị “mít ướt”!

Minh Nghĩa

6/2011