Lưu Trọng Lư

Tiểu sử:

Lưu Trọng Lư ( 19 tháng 6 năm 1912 – 10 tháng 8 năm 1991) là người làng Cao Lao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông sinh trưởng trong một gia đình quan lại xuất thân nho học. Thuở nhỏ, ông học trường tỉnh, rồi học ở Huế (đến năm thứ ba tại trường Quốc học Huế) và Hà Nội. Sau đó, ông bỏ học đi dạy tư, làm văn và làm báo để kiếm sống.

Năm 1932, ông là một trong những nhà thơ khởi xướng và tích cực cổ vũ cho Phong trào Thơ mới.

Năm 1933-1934, ông chủ trương Ngân Sơn tùng thư ở Huế.

Năm 1941, ông và thơ ông được Hoài Thanh và Hoài Chân giới thiệu trong quyển Thi nhân Việt Nam.

Sau Cách mạng tháng Tám (1945), ông tham gia Văn hóa cứu quốc ở Huế. Những năm kháng chiến chống Pháp, ông tham gia hoạt động tuyên truyền, văn nghệ ở Bình Trị Thiên và Liên khu IV.

Là một trong những người tiên phong của Phong trào Thơ mới, những bài thơ của ông mà "nhiều bài thực không phải là thơ, nghĩa là những công trình nghệ thuật, mà chính là tiếng lòng thổn thức cùng hòa theo tiếng thổn thức của lòng ta" đã góp phần khẳng định vị thế của Thơ mới. Hình ảnh:

... Con nai vàng ngơ ngác

Đạp trên lá vàng khô...

(Tiếng thu)

hay người mẹ với:

... Nét cười đen nhánh sau tay áo

Trong nắng trưa hè trước dậu thưa

(Nắng mới)

trong thơ Lưu Trọng Lư đã trở thành những biểu tượng vượt thời gian.

Vợ chồng nhà thơ Lưu Trọng Lư cùng các con

(chụp ở hiệu ảnh trên đường Nguyễn Thái Học năm 1963).

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia