Ba Tôi ... Việt Thu

Ba Tôi

Sinh ra và lớn lên ở một tỉnh lẻ nghèo khó vùng miền Tây Nam Bộ, tôi đã thấu hiểu hết nỗi khổ cực của Ba Mẹ tôi những ngày đất nước còn khốn khó.

Những năm ’75 -‘80 là những năm tháng khó khăn nhất của cả nước. Người dân gần như đói khổ khắp nơi. Gạo không đủ ăn, phải ăn cơm độn chuối hấp và bobo. Cả Ba và Mẹ đều phải đi làm, nhưng đồng lương của Ba Mẹ tôi đã không thấm vào đâu với ba “chiếc tàu há mồm” của chị em tôi đang tuổi ăn tuổi lớn, thêm Ông Bà Nội ở cùng để Ba Mẹ tôi tiện bề chăm sóc.

“Cái khó nó ló cái khôn,” sau giờ làm việc, Ba tôi đi xin nước dừa ở một xí nghiệp làm dừa sấy (đặc sản của quê tôi) gần nhà. Hàng đêm, Ba Mẹ tôi phải thay phiên nhau canh giữ để những nồi nước dừa này sắc lại thành một thứ nước đặc quánh được gọi là “nước màu”, đem bỏ mối cho những người bán lẻ ngoài chợ, kiếm thêm ít thu nhập cho cái thời buổi lao đao.

Làm việc vất vả lắm, nhưng mỗi đêm đến ca trực ở bệnh viện, Ba tôi chỉ dám ăn ổ bánh mì không cho đỡ đói, vì bánh mì kẹp thịt là thứ xa xỉ với gia đình tôi lúc bấy giờ. Rồi trong mỗi bữa cơm gia đình, Ba tôi rất ít gắp thức ăn cho mình, mà lại gắp những miếng thịt, miếng cá hiếm hoi để vào chén của chị em tôi. Ba tôi bảo: “Con phải ăn thì mới có sức khỏe để đi học.” Mâm cơm mà Mẹ tôi dọn lên mỗi ngày thật tươm tất nhưng không mấy gì thịnh soạn. Một nồi kho tiêu nước mắm với vài con cá bống, hay ít tép rong mà Ông tôi đã đặt chong và đặt lờ tối qua. Họa hoằn lắm mới có vài miếng thịt do Mẹ tôi ngày hôm đó, không có giờ dạy, xếp hàng nộp sổ để mua. Duy chỉ có một món được bày ra nhiều nhất và hầu như ngày nào cũng có: rau. Rau là thứ dễ ăn, dễ tiêu hóa, và cũng… rất dễ tìm trong vườn nhà. Chẳng vậy mà, chị em tôi gầy nhom như mấy cây sậy khô phía sau bờ rào. Tôi thì lại thêm bị sinh ra trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu tháng tuổi trong bụng Mẹ, nên người yếu nhớt, xanh xao như tàu lá. Chỉ có đứa em trai của tôi ở cái tuổi vô tư, cộng thêm cái háu ăn của thằng con trai, nên trông nó có phần mũm mĩm hơn hai chị em tôi.

Mặc dù vất vả lo toan cho những mưu sinh thường ngày, Ba vẫn luôn bên cạnh để dạy dỗ chị em tôi từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống. Ba thường bảo, con gái thì phải biết “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”. Ba đã dạy tôi cách rót một tách trà để mời khách, biết cách gác đôi đũa trong bữa ăn, biết xới chén cơm nhìn sao cho đẹp mắt, biết cách phơi quần áo sao cho không bị nhàu… rồi đến cách đi, cách ngồi v.v… Ba còn dạy tôi biết cư xử với những người xung quanh, cả người mình thương lẫn người mình không thích. Không thể kể hết biết bao điều Ba đã dạy cho tôi, mà sau này, tôi đã mang nó theo vào đời.

Chị tôi vào đại học ở Sài Gòn cũng là bắt đầu những khó khăn mới cho Ba Mẹ tôi. Ba tôi làm thêm nước đá cục, bỏ mối cho những quán café quanh vùng. Thương Ba, tôi tình nguyện thức dậy sớm chở nước đá đi bỏ mối trên chiếc xe đạp cà tàng. Những hôm trời mưa và lạnh, người ta ít kêu nước đá, ê sắc…ế, nước đá tan, đồng nghĩa với việc mất sở hụi cho chi phí điện nước, nỗi lo buồn càng hằn rõ hơn trên gương mặt Ba tôi.

Ba tôi hiền lắm! Chưa bao giờ Ba tôi đánh con. Tuy vậy, không phải vì thế mà tôi không sợ Ba. Mỗi lần phạm lỗi, nặng nề nhất là giây phút tôi phải đến ngồi vào cái ghế để trống trước mặt Ba tôi sau bữa cơm chiều hôm đó. Bắt đầu của bài thuyết giảng từ Ba tôi, mà thời lượng và thời gian sẽ tùy thuộc vào lỗi lầm tôi đã phạm. Tôi là đứa con gái ít thổ lộ tình cảm, nhưng trong thâm tâm, tôi luôn thầm cảm ơn Ba về tất cả những gì Ba đã dạy cho tôi ngày đó, và tôi luôn mang theo như một hành trang quí giá trong suốt cuộc đời mình.

Theo sau chị tôi, ngày tôi vào đại học, kể sao hết nỗi khổ nhọc tiếp tục chồng chất lên đôi vai của Ba tôi. Để có thêm chi phí cho chị em tôi ở đất Sài Gòn đắt đỏ, vào những ngày nghỉ và ngày cuối tuần, Ba tôi phải lội bì bõm dưới những bờ mương để xúc từng gáo bùn non. Bùn sẽ được trộn với một loại than đá, vắt thành từng viên, phơi khô, đem bỏ mối cho lò bánh mì, hay lò kết tinh đường cát. Vì phải dùng chân nhồi bùn với than, có hôm Ba tôi bị một mảnh miễng chai lẫn trong bùn khứa vào chân. Máu chảy nhiều lắm. Tôi thấy xót xa quá! Từng giọt máu nhỏ ra từ bàn chân Ba tôi là từng ấy chắt chiu của tình phụ tử, chắt chiu mớ kiến thức mà chị em tôi ngày ngày đang góp nhặt. Ba tôi đã đổi lấy tất cả những gì có thể, bằng chính trí óc và sức lao động của mình, cho tương lai của chị em tôi. Một bài học nghị lực mà Ba đã dạy cho chị em tôi qua năm tháng lao động cực nhọc của Ba.

Mãi đến những năm ’90, nhà nước Việt Nam mới chính thức cho phép các bác sĩ mở phòng khám tư, cũng là lúc Ba tôi đến tuổi nghỉ việc ở bệnh viện. Ba tôi tiếp tục làm việc ở nhà để giúp đỡ những bệnh nhân nghèo đến từ các tỉnh lân cận. Có lần về thăm nhà, tôi thấy một bệnh nhân, sau khi được Ba tôi tiêm thuốc, nói: “Chú ơi con đau quá nên nhờ chú giúp, chú cho con nợ tiền thuốc, mai con đem trả nhe chú.” Đã bao nhiêu lần như vậy, và rồi Ba tôi cũng không nhớ hết là họ có gởi lại những số tiền thuốc đó hay không? Rồi bao nhiêu người bệnh nghèo trong hoàn cảnh như vậy đã được Ba tôi cứu giúp. Lần khác, tôi thấy Ba hỏi người mẹ của đứa bé sau khi được Ba tôi cho uống thuốc: “Bây có nhiêu tiền?”- Dạ bảy ngàn. “Thôi bây về đi,” Ba tôi nói. Hai mẹ con líu ríu cám ơn rồi ra về. Tôi hỏi Ba, sao Ba không lấy tiền thuốc người ta. Ba tôi buồn: “Nó mần cỏ mướn sớm mơi tới giờ có bảy ngàn, Ba lấy tiền thuốc, lát nữa lấy gì nó mua gạo cho con nó ăn.” Một lần nữa, tôi đã học được ở Ba một tấm lòng bao dung nhân hậu, ở cái tình yêu thương thật là giản dị, giữa con người với con người. Người ta hay nói, “Con gái nhờ đức của cha”. Quả đúng như vậy, để có được như ngày hôm nay, đó là cả một rừng công đức mà Ba tôi đã để lại cho chị em tôi, mà có lẽ tôi cũng sẽ không bao giờ dùng hết.

Năm tháng được ở gần Ba rồi cũng qua đi - tôi đi lấy chồng. Buổi sáng ngày tiễn tôi về nhà chồng, Ba đã căn dặn tôi rất nhiều điều. Ba mong sao tôi sẽ sống tốt với gia đình mới. Lời nói của Ba bắt đầu nghẹn lại khi Ba tôi nói vài lời gởi gắm tôi cho họ nhà trai. Rồi Ba quệt dòng nước mắt đã nhòe đi tự lúc nào phía sau đôi kính lão. Lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy Ba tôi khóc. Có lẽ Ba đã khóc vì phải sắp xa tôi? Ồ không, Ba thương tôi, đứa con gái khờ khạo của Ba bắt đầu một đời sống mới - đời sống hôn nhân - “Rồi đây con tôi có được hạnh phúc không?” Nhưng Ba tôi chắc cũng mãn nguyện và tự hào rằng, giờ đây, con gái của Ba đang sống hạnh phúc và luôn sống tốt với những gì Ba đã dạy.

Cho đến bây giờ, sinh con ra và nuôi dạy con mình, tôi mới hiểu hết nỗi vất vả và trách nhiệm của Ba Mẹ tôi đã phải gánh vác to lớn đến nhường nào. Đêm đêm, điều duy nhất và trước nhất trong giờ kinh tối, tôi thầm cầu xin Chúa hãy gìn giữ cho Ba Mẹ tôi luôn được bình an.

Và tôi luôn rất tự hào vì có Ba……là Ba của tôi.

Tacoma 5-2012

Việt Thu