Công Cha Tựa Núi Thái Sơn ... Thy Minh

Công Cha Tựa Núi Thái Sơn

Vâng, núi Thái Sơn thì cao và lớn lắm, nhưng với công ơn của cha con xin được gom tất cả những ngọn núi trên trần gian lại ví bằng công lao của cha đối với chị em con.

Ngày mẹ con qua đời, thì em con mới 10 tháng tuổi, chị con 6 tuổi, và con 3 tuổi rưỡi, nhưng may thay cô con mới lập gia đình nên có thời gian giúp đỡ cha con mình ít năm, đến khi cô con có em bé thì em My nhà mình cũng đến tuổi vào trường. Tuy thế cha con mình cũng phải vất vả vài năm cha nhỉ. Lúc ấy cha có biệt danh “anh trứng luộc” cô con gọi thế đó, vì thứ Hai “trứng gà luộc”, thứ Ba “luộc trứng gà”, thứ Tư “hột vịt luộc”, thứ Năm “luộc hột vịt”, thứ Sáu “rau luộc”, và thứ Bảy – Chúa Nhật thì bổ sung thịt bò, cá, tôm tép, thịt heo bằng những món ăn ở tiệm như: phở bò, bún bò Huế, bánh bèo, bánh xèo, bún thịt nướng v.v… Có lần cha nói: “Cha xin lỗi các con nhé, cha không khéo bằng mẹ nên các con đã phải ăn uống thất thường như vậy.” Nhưng không cha ơi! Chị em con yêu cha nhiều…

Bà ngoại thấy nhà trống vắng, cần một người đàn bà để phụ trông nom với cha, cha đã trả lời rằng: “Con cám ơn mẹ đã quan tâm, nhưng con cảm thấy rất hạnh phúc được thay nhà con mà chăm sóc các cháu.” Để sau này khi lớn lên, con đủ nhận thức mà hiểu rằng: Vì thương yêu chúng con, cha đã hy sinh cuộc đời để bảo vệ, và không muốn có sự lựa chọn giữa chị em con với người đàn bà, mà ta gọi là “kế mẫu” (nhưng con nói nhỏ cha nghe, “Người Mẹ Ghẻ Độc Nhứt” của Ngô Thúy Bảo Vy do cô Trang trường Việt Ngữ Lê Bảo Tịnh chia sẻ, thì biết đâu lúc ấy cha đã thay đổi cách nghĩ). Khi mẹ mất, cha còn trẻ lắm mới 31 tuổi thôi. Có lần chị con hỏi đùa: “Trái tim mùa Đông của cha đóng băng chặt quá, không tan nổi, dù với sức nóng bỏng của những bóng hồng.” Cha đáp: “Trái tim của cha, cũng như bao người con ạ. Cũng rộn ràng, cũng thổn thức, tuy nó chỉ lớn bằng nắm tay của chính mình nhưng nó có nhiều ngăn, ngăn của mẹ và các con lớn hơn, nên đánh thắng được các ngăn khác đó mà.” Cha kể: “Ngày đó, cha được mẹ chọn vì cha đẹp trai nhất xóm đấy, hơn nữa tệ như anh chàng Chí Phèo, vậy mà cũng còn có Thị Nở đó các con.” rồi cha cũng cười xòa.

Với sự hy sinh to lớn đó, Cha ơi! Chúng con yêu cha nhiều lắm….

Tuy yêu thương chúng con nhiều, nhưng cha rất nghiêm khắc trong dạy dỗ, cha thường nhắc: “Con ơi!! Ngày con sinh ra đời, mọi người vui mừng chào đón con, thì tại sao con lại khóc? Con hãy sống thế nào, để sau này, lúc con nhắm mắt lìa đời, mọi người khóc lóc, tiếc thương thì con lại mỉm cười mãn nguyện ra đi.”

Cách giáo dục của cha không giống những gia đình khác, cha đã không dùng đòn roi để sửa thói hư, tật xấu của chúng con, mà là chép phạt những câu ca dao, cách ngôn viết nhiều lần trên giấy (tùy theo tội nặng, nhẹ) 50 lần, 100 lần, 200 lần và hơn thế nữa, vì thế nên chữ viết của chị em con khá rõ ràng và dễ coi. Nhưng con sợ nhất là ánh mắt của cha, nó đã làm lòng con chùng xuống trong hối hận, và nhìn con đăm đăm khi con sắp làm một điều gì sai trái. Có lần chúng con dối cha, đi học giáo lý nhưng ghé tiệm bánh kẹo của bác Hữu, để bỏ kẹo đậu phộng vào bao, thù lao là những miếng kẹo vỡ. Khi thấy cha về, chúng con sợ, chạy về gấp không dám lấy kẹo, bác Hữu tưởng chúng con bỏ quên nên đem sang. Gặp cha, thật là đại họa, chúng con tưởng thế nào cũng bị trận đòn rất đau, nhưng sau bữa cơm chiều, cha gọi chị em con vào phòng đọc sách mà bảo: “Cha biết hôm nay các con đã dối cha, tuy đây chỉ là một chuyện nhỏ, nhưng từ chuyện nhỏ này sẽ chuyển sang những chuyện lớn các con ạ.” Và từ trong ánh mắt ấy: sự dịu dàng, sự chỉ dạy, sự ước ao chúng con nên người, con đã thấy, đã đọc được và đó cũng là một trong những hành trang theo con vào đời.

Cảm ơn cha, chị em con yêu cha ngày càng nhiều hơn….

Chúng con lớn lên bằng tất cả tình yêu thương, đùm bọc của cha, vì là con gái nên bày tỏ tình cảm giữa cha và chúng con có khoảng cách, không thể diễn đạt tự nhiên như với mẹ - sà vào lòng mẹ, thì thầm với mẹ những chuyện riêng tư….

Vì thế, chị em con yêu cha rất rất nhiều…..

Và giờ đây, chúng con đã trưởng thành, có gia đình riêng, các chàng rể, những đứa cháu ngoại của cha, tất cả đều kính trọng, yêu quí cha, và cha vẫn là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất của chúng con, chị em con luôn nghĩ: Cha là duy nhất, và tất cả chỉ là cha. Có câu hát luôn trong tâm trí con: “Người ơi! Là người ở trên đời, nhớ công người sinh dưỡng, thế mới là hiền nhân. Vì đâu anh nên người tài ba, hãy nhớ công sinh thành, vì ai mà có ta”.

Nhân Ngày Của Cha, chúng con, gia đình chúng con kính dâng lên cha những bó hoa muôn màu, thơm ngát, muôn muôn vàn lời chúc đầy yêu thương nhất. Và ở một nơi nào đó, chắc mẹ mỉm cười sung sướng, nhìn gia đình mình quây quần, vui sống bên nhau.

Tacoma, tháng Năm, năm 2012

Minh Thy