Ca Dao - Tục Ngữ

CA DAO - TỤC-NGỮ

CA DAO

a.- Định nghĩa và biệt loại:

Ca dao: (ca: bài hát thành chương khúc; dao: bài hát ngắn, không thành chương khúc) là những câu hát theo giọng điệu tự nhiên lưu hành trong dân gian, thường diễn tả ý nghĩ, tình cảm, nếp sinh hoạt của đại chúng bình dân. Ca dao còn được gọi là phong dao ("phong" là phong tục). Người xưa cho rằng qua ca dao có thể nhận biết phong tục tốt, xấu của một xứ, một vùng.

Một biệt loại khá quan trọng của ca dao là đồng dao ("đồng": trẻ con). Đồng dao là những bài hát dành cho trẻ con, toàn bài nhiều khi chỉ là một số câu có vần ghép lại với nhau, không có ý nghĩa rõ rệt. Tuy nhiên, đồng dao có thể giúp trẻ học một số danh từ về các vật thường gặp. Chẳng hạn:

Dung dăng dung dẻ,

Dắt trẻ đi chơi.

Đến cửa nhà trời,

Lạy cậu lạy mợ.

Cho cháu về quê,

Cho dê đi học.

Cho cóc ở nhà,

Cho gà bới bếp...

hay:

Cái bống đi chợ cầu Canh,

Cái tôm đi trước, củ hành đi sau.

Con cua lật đật theo hầu,

Cái chày rơi xuống vỡ đầu con cua.

Một số biệt loại nữa của ca dao là các bài hát ru em, các bài vè, và các câu đố.

Vè là một loại ca dao có tính cách thời sự và địa phương, làm ra nhân một việc xảy ra tại địa phương khiến dư luận xôn xao. Vè thường nhằm mục đích chỉ trích, chế giễu.

Không có ranh giới rõ rệt giữa ca dao và dân ca. Có thể coi ca dao là phần lời thơ của các bài dân ca.

Ca dao khác tục ngữ ở chỗ - theo định nghĩa - ca dao có thể hát lên được (tục ngữ: câu nói; ca dao: câu hát). Trong ca dao, vần điệu rõ rệt và âm hưởng êm ái hơn. Nói chung, câu ca dao dài hơn câu tục ngữ, và thường có nhiều câu hợp lại thành bài.

Xét theo nội dung, tục ngữ thường là những nhận xét thuộc phạm vi lý trí trong khi ca dao là tiếng nói của tình cảm. Tuy nhiên, sự phân biệt này cũng không được chặt chẽ cho lắm: nhiều câu ca dao cũng thuộc phạm vi lý trí.

b.- Cách kết cấu của ca dao:

Các học giả lớp trước thường theo Kinh Thi của Trung hoa mà phân biệt ba lối kết cấu (lập ý, dàn ý) của ca dao là: phú, tỉ, và hứng.

· Phú: là phô bày, mô tả, nói thẳng vào sự việc. Chẳng hạn:

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh.

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.

Ai vô xứ Nghệ thì vô!

hay:

Ngang lưng thì thắt bao vàng,

Đầu đội nón dấu, vai mang súng dài.

Một tay thì cắp hỏa mai,

Một tay cắp dáo quan sai xuống thuyền.

Thùng thùng trống đánh ngũ liên,

Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa...

· Tỉ: là ví, so sánh, mượn một sự vật khác để ngụ điều mình muốn nói. Chẳng hạn:

Bầu ơi thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

hay:

Nực cười châu chấu đá xe,

Tưởng rằng chấu nát, ai dè xe nghiêng.

· Hứng: là nổi lên, trổi dậy, nhân một sự vật bên ngoài mà ý tưởng, tình cảm chính bộc lộ ra. Chẳng hạn:

Quả cau nho nhỏ,

Cái vỏ vân vân.

Nay anh học gần,

Mai anh học xa.

Tiền gạo là của mẹ cha,

Cái nghiên, cái bút thực là của em.

hay:

Trên trời có đám mây xanh,

Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng.

Ước gì anh lấy được nàng,

Thì anh mua gạch Bát Tràng về xây.

Xây dọc rồi lại xây ngang,

Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.

Cũng có bài ca dao kết cấu theo nhiều lối khác nhau như:

· Vừa phú vừa tỉ:

Trong đầm gì đẹp bằng sen,

Lá xanh, bông trắng, lại chen nhị vàng.

Nhị vàng, bông trắng, lá xanh,

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Ba câu trên tả hoa sen (phú), câu cuối ví hoa sen với người quân tử (tỉ).

· Vừa phú vừa hứng:

Rủ nhau xuống bể mò cua,

Đem về nấu quả mơ chua trên rừng.

Ai ơi chua ngọt đã từng,

Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau!

Ba câu trên nói những nỗi gian nan, từng trải qua cảnh sướng khổ cùng nhau của hai vợ chồng (phú), nhân đó đưa tới ý chính trong câu cuối cùng (hứng).

· Vừa tỉ vừa hứng:

Dao vàng bỏ đãy kim nhung,

Biết người quân tử có dùng ta chăng?

Ý chung cả hai câu là nhân chuyện dao vàng mà nghĩ đến mình (hứng).

Riêng câu trên ví mình với con dao vàng (tỉ).

· Kiêm cả ba lối:

Trèo lên cây bưởi hái hoa,

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,

Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!

Ba đồng một mớ trầu cay,

Sao anh không hỏi những ngày còn không?

Bây giờ em đã có chồng,

Như chim vào lồng, như cá cắn câu.

Cá cắn câu biết đâu mà gỡ!

Chim vào lồng biết thuở nào ra!

Ba câu đầu là "phú", chuyển sang câu thứ 4 thành "hứng", ba câu cuối là "tỉ"

hay:

Sơn bình, Kẻ Gốm không xa,

Cách một cái quán với ba quãng đồng.

Bên dưới có sông,

Bên trên có chợ.

Ta lấy mình làm vợ nên chăng?

Tre già để gốc cho măng.

Bốn câu đầu là "phú", chuyển sang câu thứ 5 thành "hứng", riêng câu cuối là "tỉ".

c.- Hình thức của ca dao:

- Số câu trong bài: Số câu trong một bài ca dao không nhất định. Ca dao có ít nhất hai câu, thông thường từ 4, 5 đến 9, 10 câu. Tuy nhiên, trong những lối hát đối đáp (giao ca), một bài có thể kéo dài vô hạn định tùy khả năng nối tiếp và bắt vần của những người tham dự cuộc hát.

- Số chữ trong câu: Số chữ trong câu ca dao cũng không nhất định. Đại để ca dao thường làm theo các thể sau đây:

· Nói lối: (mỗi câu 4 chữ):

Lạy trời mưa xuống,

Lấy nước tôi uống.

Lấy ruộng tôi cày,

Lấy đầy bát cơm.

Lấy rơm đun bếp.

· Lục bát chính thức:

Trúc xinh trúc mọc bờ ao,

Em xinh em đứng chỗ nào cũng xinh.

Trúc xinh trúc mọc đầu đình,

Em xinh em đứng một mình cũng xinh.

· Lục bát biến thể:

Công anh đắp đất trồng chanh,

Chẳng được ăn quả, vin cành cho cam.

Xin đừng ra dạ bắc nam,

Nhất nhật bất kiến như tam thu hề.

Huống tam thu nhi bất kiến hề,

Đường kia nỗi nọ như chia mối sầu.

Chắc về đâu đã hẳn hơn đâu,

Cầu tre vững nhịp hơn cầu thượng gia.

(Các câu 5 và 7 có 7 chữ trong khi đáng lẽ chỉ có 6)

· Song thất lục bát chính thức:

Bác mẹ già phơ phơ đầu bạc,

Con chàng còn trứng nước thơ ngây.

Có hay chàng ở đâu đây,

Thiếp xin mượn cánh chắp bay theo chàng.

· Song thất lục bát biến thể:

Trèo lên cây bưởi hái hoa,

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.

Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,

Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!

(Câu 4 có 8 chữ trong khi đáng lẽ chỉ có 7)

· Phối hợp nhiều thể khác nhau:

Các bài "Quả cau nho nhỏ..." và "Sơn bình, Kẻ Gốm không xa..." nhắc đến ở trên. Ta cũng có thể kể thêm bài sau đây:

Từ khi gặp mặt giữa đàng,

Thiếp quyết thương chàng cha mẹ nào hay.

Có hay thì nhất đánh nhì đày,

Hai lẽ mà thôi.

Thủy chung em giữ trọn mấy lời.

Chết em chịu chết, lìa đôi em không lìa.

****

TỤC-NGỮ

a.- Định nghĩa và biệt loại:

Tục ngữ: (tục: thói quen có đã lâu đời; ngữ: lời nói) là những câu nói ngắn, gọn, giàu ý nghĩa, được dùng trong lời nói hàng ngày và lưu truyền từ đời nọ qua đời kia. Tục ngữ còn được gọi là ngạn ngữ (lời người xưa truyền lại).

Có ý nghĩa hẹp hơn tục ngữ là:

· Phương ngôn: Những câu tục ngữ được dùng trong một vùng, một địa phương chứ không phổ biến khắp nước.

· Cách ngôn, Châm ngôn: Những câu tục ngữ có ý khuyên dạy luân lý ("cách" là phương thức, "châm" là lời răn bảo).

· Thành ngữ: Một loại tục ngữ đặc biệt, tự nó chưa có ý nghĩa đầy đủ. Thành ngữ chỉ là những cách nói đã định sẵn (set expressions) để mô tả sự vật chứ không biểu thị một ý phán đoán hay khuyên răn nào. Chẳng hạn:

- Đàn gảy tai trâu.

- Đáy bể mò kim.

- Nói hươu nói vượn.

- Gần đất xa trời.

- Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa.

- Ngậm bồ hòn làm ngọt.

- Cảnh trứng chọi với đá.

- Chốn miệng hùm nọc rắn.

- Xứ tiền rừng bạc biển...

Trong các thành ngữ, có những câu diễn ý so sánh hai sự vật để làm nổi bật việc mô tả, được gọi là những Câu ví. Chẳng hạn:

- Lạnh như tiền.

- Thẳng như ruột ngựa.

- Chắc như đinh đóng cột.

- Dốt đặc cán mai.

- Lúng túng như thợ vụng mất kim...

b.- Nguồn gốc của tục ngữ:

Phần lớn các tục ngữ nảy sinh trong đời sống hàng ngày. Ban đầu, có khi chỉ là một câu nói thường nhưng nhờ có ý nghĩa xác đáng, lời lẽ cô đọng, dễ nhớ, được người khác thích thú, nhắc đi nhắc lại. Dần dần, câu nói được trau chuốt và phổ biến rộng hơn.

Có những câu vốn là thơ ca có tác giả nhưng nhờ ý đúng, lời hay, được nhiều người lưu tâm một cách đặc biệt rồi tách riêng để truyền tụng. Những câu như "Thương người như thể thương thân" trong Gia huấn ca (tương truyền của Nguyễn Trãi), "Khi nên trời cũng chiều người", hay "Chữ tài liền với chữ tai một vần" trong Truyện Kiều của Nguyễn Du... có thể xếp vào loại này.

Có những câu tục ngữ được dịch từ ngạn ngữ nước ngoài như:

- Ở hiền gặp lành (Tích thiện phùng thiện - Trung hoa

- Có công mài sắt, có ngày nên kim (Ma chử thành châm - Trung hoa)

- Lửa cháy đổ dầu thêm (Hỏa thượng thiêm du - Trung hoa)

- Thời giờ là tiền bạc (Time is money - Anh)

- Muốn là được (Vouloir, c'est pouvoir - Pháp)

c.- Hình thức của tục ngữ:

Trong tục ngữ có những câu:

(1)Không vần, chỉ có ý đối:

- Giơ cao, đánh sẽ.

- Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài.

- No nên bụt, đói ra ma.

(2)Không vần, không đối, chỉ cốt ý đúng, lời gọn:

- Mật ngọt chết ruồi.

- Ăn quả nhớ kẻ trồng cây.

Nhưng phần lớn tục ngữ là những câu có vần, thường là vần lưng (yêu vận):

- Ăn cây nào rào cây ấy.

- Phép vua thua lệ làng.

- Con có cha như nhà có nóc.

- Một giọt máu đào hơn ao nước lã.

- Cơn đằng đông vừa trông vừa chạy.

Đôi khi có những câu thêm cả vần chân (cước vận):

- Khôn cho người bái,

Dại cho người thương.

- Dở dở ương ương,

Tổ cho người ghét.

Trích từ “Ðại cương về dòng Văn học Dân gian”

http://www.vuontre.com/forum/