Kể Chuyện Một Chuyến Về Quê Nhà Chăm Sóc Cha ... Lê Ba

Chị ơi, về nhà hơn tuần rồi nay em mới viết vài dòng tâm sự cùng chị về chuyến đi vừa rồi. Cảm ơn Chị và tất cả các chị em trong Ban Điều Hành cùng các thấy cô đã lo cho gia đình Lê Bảo Tịnh trong thời gian em về quê hương thăm nuôi cha già bịnh nặng.

Ba tuần sống trên quê cha đất tổ, nhưng khi về lại Hoa Kỳ em không ngờ rằng mình đã thật sự sống trên đất mẹ trong một thời gian khá dài như thế! Có lẽ vì em ra đi đột ngột, đầu óc chưa chuẩn bị cho chuyến đi và lúc trở về nhà cũng vội vã nên ký ức của em đã chưa sẵn sàng tiếp nhận một sự thật hiển nhiên như vậy! Thế nhưng, hiện giờ hình ảnh thăm nuôi cha em hơn hai tuần ở bệnh viện vẫn “sống” trong tâm trí em!

Tối thứ Sáu khi nhận được tin cha em đang nằm phòng cấp cứu và phải thở dưỡng khí oxy, bà xã em quyết định để em về lo cho cha, nhưng em phải chờ tới sáng ngày hôm sau mới liên lạc đuợc đại lý bán vé máy bay. May mắn là còn vé cho ngày thứ Bảy. Tuy nhiên, công việc kế tiếp là em phải lo chiếu khán nhập cảnh. Vì đi gấp nên em sẽ lấy giấy tờ tại Sài Gòn. Em còn phải chờ để xem chiếu khoán nhập cảnh có bị trục trặc gì không? Nhân viên bán vé không muốn em về tới Phi Trường Tân Sơn Nhất mà không có chiếu khán nhập cảnh. Vì thế anh ta chờ đến khi Tổng Lãnh Sự báo tin chấp thuận thì anh ta mới bán vé cho em. May mắn em không gặp trở ngại gì nên nội trong ngày hôm đó em ra phi trường đi ngay, không kịp thông báo đại gia đình Lê Bảo Tịnh và Cộng Đoàn biết để giúp lời cầu nguyện. Mãi tới lúc chờ đợi chuyến máy bay ở Đài Bắc em mới email báo tin về cho Cha, Hội Đồng Mục Vụ, quý Sơ cùng Chị và các thầy cô trong đại gia đình Lê Bảo Tịnh.

Ngồi trên máy bay đầu óc em quay cuồng với nhiều ý tưởng: nào là em phải làm sao nếu cha em không qua được! Nếu khi bác sĩ nói, ”Chung tôi đã cố gắng hết sức!”, thì gia đình có chờ em đến nơi gặp mặt cha em lần cuối rồi mới rút ống thở không? Nếu phải tiễn đưa cha em ra đi “đoàn tụ” với ông bà, thì các anh em có phải nghe lời cha em muốn đưa ông về quê nằm bên cạnh ông bà tổ tiên mà tụi em được biết không bao lâu nữa nghĩa trang này sẽ bị lệnh hốt cốt dời đi nơi khác. Trong khi đó các anh em đã bàn tính nhau là nên để cha mẹ nằm ở nghĩa trang gần nơi sinh sống hiện giờ vì là trên núi nên không sợ bị “hốt” sớm! Không biết về tới Sài Gòn có lấy được chiếu khán nhập cảnh đúng giờ để kịp đáp chuyến bay về Đà Nằng cùng ngày không? Và còn nhiều ý nghĩ khác ám ảnh em trên cả chuyến bay từ Hoa Kỳ về Việt Nam!

Cảm ơn Chúa mọi sự được êm xuôi và em đã về thẳng tới bệnh viện trước khi hết giờ thăm nuôi. Trong nhà em không ai biết em về chiều hôm đó ngoại trừ một đứa cháu được giao phó nhiệm vụ đón em từ phi trường đến thẳng nhà thương. Tội nghiệp con bé phải vất vả giữ kín chuyện nầy ngay cả với bố mẹ và bà ngoại! Lúc bước vào phòng hồi sức (Intense Care) thấy cha em nằm một mình trên giường bệnh với ống thở, nước mắt em trào ra nhưng em không dám khóc lớn tiếng vì sợ phiền nhiều người chung quanh. Em ngồi xuống bên cạnh giường cầm tay cha em hỏi mấy câu đơn sơ bình thường chứ không dám nói lớn “ Cha ơi! Con từ bên Mỹ về đây thăm cha.” Từ từ ông cụ mở mắt nhìn em, nhưng chưa nhận ra em! Cha em hỏi , “Con mới về đấy hãy?” Rồi cha em lại nhắm mắt. Tạ ơn Chúa lúc đó em biết rằng cha em còn sống!

Em vẫn ngồi đó nắm tay cha cho đến khi đứa cháu gởi xe xong vào thăm ngoại thì em bảo cháu em gọi bà ngoại xuống bệnh viện mặc dù cháu em cho biết bà ngoại mới vừa về nhà cách đây một tiếng đồng hồ. Gọi thằng về nhà không ai trả lời điện thoại, cháu em gọi mẹ nó để tìm bà ngoại. Khi con bé nói mẹ đưa bà ngoại trở lại bệnh viện thì em gái của em đoán được là em đã có mặt tại bệnh viện vì em đã báo cho cô em gái biết là em sẽ về nhưng không cho biết ngày giờ! Con bé lanh trí bảo mẹ nó chưa nói ai biết cậu về tới nên em gái của em khôn khéo tìm cách nói để mẹ em trở lại bệnh viện! Khi vừa gặp em ở cửa phòng, mẹ em òa lên khóc. Khi em nói nhỏ với mẹ đừng khóc làm phiền người ta, thì mẹ em nín nhưng thấy trên gò má của mẹ em nước mắt cứ chảy dài... Nghe tiếng mẹ em thì cha em mở mắt ra nhìn, và lúc đó mẹ em nói thì cha em mới biết em là ai và từ đâu về! Cha em ngạc nhiên hỏi vợ và hai cháu Nguyên và Uyên có về không? Em nói các cháu đi học và vợ em không nghỉ được. Thế thôi rồi cha em lim dim nhắm mắt lại. Em rất mừng là cha em còn nhớ em!

Những ngày kế tiếp em luôn ở cạnh cha em và cầu mong ông cụ sớm rời phòng hồi sức để ra phòng dưỡng bịnh. Đúng một tuần lễ cha em được đưa ra phòng dưỡng bịnh. Đêm đầu vừa hết thuốc an thần thì ông cụ không ngủ được rồi dậy đi lòng vòng trong phòng nói lớn tiếng làm những bịnh nhân chung quanh ngủ không được rất phiền lòng. Vì vậy những đêm kế tiếp bác sĩ phải cho ông cụ thuốc an thần để ngủ. Sau năm ngày nằm ở phòng dưỡng bịnh thì bác sĩ cho cha em về nhà. Ba ngày sau em lại phải đưa cha em vào bệnh viện để đo tim mạch và khám phổi vì ông cụ than tức ngực và khó thở. Sau gần bốn tiếng đồng hồ bác sĩ nói tim phổi không có gì đáng ngại. Thế cũng mừng chứ tuổi cao mà gặp tiểu đường công kích sắp sửa “đi chầu Chúa” thì hay xảy ra nhiều biến chứng. Trong thời gian ở nhà uống thuốc, em thử đường hàng ngày để trình cho bác sĩ biết. Cuối cùng bác sĩ quyết định chích Insulin vì thuốc viên không tác dụng đúng mức. Thế là em được bác sĩ dạy cách chích thuốc cho cha em. Về nhà em triệu tập ngay năm đứa cháu lớn để “truyền nghề” chứ thời gian trở lại Hoa Kỳ của em gần tới! Bây giờ điều quan trọng là quản lý thuốc men và đồ ăn uống cho ông cụ đúng theo sự chỉ dẫn của bác sĩ thì hy vọng bịnh tình của cha em sẽ không phải lo lắng lắm. Cuối cùng mọi sự cũng đầu vào đó rồi em cũng đến ngày về lại Mỹ.

Em về lo cho cha em lần nầy tốt đẹp là do sự quyết định nhanh nhẹn của bà xã em. Khi nghe tin cha em vào phòng cấp cứu, em không biết quyết định sao vì tâm trí bối rối. Em lưỡng lự thì bà xã em bảo em cứ về để lo cho cha và động viên tinh thần của mẹ. Đúng vậy chị ạ, có em bên cạnh mẹ em yên tâm hơn, và sức khỏe mẹ em tốt trong thời gian cha em nằm nhà thương. Thường thì mẹ em bịnh nhiều hơn cha em nhưng lần này mẹ em khỏe hơn và đến nhà thương mỗi ngày với em để lo cho cha! Cha em cũng yên tâm khi có em bên cạnh mẹ. Em không khách sáo cảm ơn bà xã em nhiều lời, nhưng trong lòng em rất trân quý và yêu thương vì sự hy sinh lo cho con cái để em yên tâm về phụng dưỡng cha em, tuy thời gian ngắn nhưng đầy thương yêu gắn bó mà em chưa hề làm trong suốt bốn mươi năm ly hương. Cảm tạ Chúa em có được người bạn đời thông minh nhanh nhẹn, hiểu biết lòng em và luôn ủng hộ em trong bổn phận làm con và làm “anh lớn” trong một đại gia đình!

Những ngày chăm sóc cha em tại bệnh viện, em hiểu được câu nói “Trẻ cậy cha già cậy con” chị ạ! Lúc cha em vừa ra khỏi phòng hồi sức, ông cụ không biết gì nên lúc nào em và mẹ em cũng theo sát để lo cho cha em. Khi thay quần áo, thay tả và làm vệ sinh cá nhân cũng như lúc lo việc đại tiện tiểu tiện, em mới thấy câu nói này đúng nghĩa. Khi nuôi con và thay tả cho chúng , em nhẩm nhí câu “Nuôi con mới biết công lao mẹ hiền.” Giờ đây thay tả cho cha, em cảm nhận được cuộc sống của những người già yếu bệnh hoạn không thể lo cho bản thân mình ngay cả việc vệ sinh cá nhân tối thiểu mà phải nhờ vào con cái, người trợ giúp thì chắc chắn họ cảm thấy tủi hổ đau xót lắm. Những việc làm căn bản như vậy mà không làm được nữa thì cảm thấy bất lực và vô dụng. Họ cảm thấy nhân vị bị tổn thương. Khi làm cho con, em thì vì tình thương, còn lúc làm cho cha em thì em nghĩ không những vì tình thương mà còn nhân vị nữa. Bởi vậy lúc lo cho cha em thì em rất thận trọng và kính cẩn.

Lê Ba - 2014