Cảm Nhận Thơ HTLM 1

HOÀNG THỊ LÃNG MÂY – NỖI BUỒN DUYÊN NỢ ĐỜI THƠ…

Đọc Lời Cuối Cho Nhau tôi chợt vẳng nghe đâu đây câu nói của tiền nhân : “ Nếu khóc mà vơi đi được nỗi buồn thì trái đất này sẽ ngập tràn nước mắt”

Lãng Mây quả thật không muốn làm vơi đi nỗi buồn vì thiếu nó trong cuộc đời, thơ Lãng Mây không mê thiêng đến thế .

Người ta bảo “ Muốn làm nghệ thuật phải có đủ 3 yếu tố : “ nghèo – cô đơn – niềm đam mê cháy bỏng” . Vậy thì có hề chi mà chẳng trải lòng :

“ Sao bỗng dưng lòng bỗng thấy chơi vơi”

Không quá đỗi bất ngờ trong mỗi khoảnh khắc cuộc đời , nhất là cuộc đời của một nữ thi sĩ thường lắm đa đoan lo chuyện bao đồng để rồi cái nỗi truân chuyên ùa về đầy ắp tâm hồn mà lãng du dan díu. Biết rằng sự dan díu thanh tao , thánh thiện nhưng giữa cái thế giới đầy vội vã với sự phô phang cuồn cuộn mấy ai chậm lại mà nhìn vào khoảng xa xăm hay ngược về quá khứ để cảm thấy bờ mi nằng nặng , lòng rưng rưng muốn khóc.

Có lẽ vì thế mà Lãng Mây thấy chơi vơi , thấy thấm thía cái nghiệp đời , cái duyên nợ với thơ.

“ Nỗi cô đơn trăn trở suốt tháng ngày

Ta đã khóc bên vần thơ cô lẻ

Giờ còn gì ngoài nỗi sầu quạnh quẽ

Ta cúi đầu nghe xa lạ tuổi tên”

Không còn là Lãng Mây yêu kiều đắm đuối mơ mộng xa xăm chỉ có một nỗi buồn quặn thắt não nề . Buồn như không buồn hơn được nữa , buồn nên nỗi không còn nhận ra hiện thực của mình , nỗi buồn của thi nhân là thế , nó khác người bình thường , nó là cầu nối giữa tâm hồn với tâm hồn , giữa hiện thực với thi ca.

“ Xin cho ta hai chữ lãng quên

Ta trở về bên góc trời sám hối

Thôi giã biệt một quãng đời u tối

Để nỗi buồn cứ đeo đuổi ngày đêm”

Cái nghiệp văn chương dễ gieo mầm họa cho thế gian đắm đuối chữ “ tình”. Âu cũng là từ tâm khảm mà ra. Cái tội buồn vui yêu ghét khác người để ai đó lầm tưởng tiết hạnh, lý đạo nào có thể né tránh khi đã chọn thơ ca là tri kỷ ở đời. Lãng Mây dù có muốn quên cũng không quên được mà cũng chẳng nên sám hối , thế nhân biết bao kẻ khao khát được mang tội như Lãng Mây mà nào có duyên , có phận.

Theo tôi “ Lời cuối cho nhau” là cảm xúc bất chợt ùa vào tâm thức của của một trái tim nhân hậu đa đoan, nhưng lại rất dễ bị kích động. Chính vì thế mà bài thơ có một giai điệu xuất thần khiến người đọc cũng cảm thấy thăm thẳm nỗi buồn. Nỗi buồn của duyên nợ đời thơ có sức lan tỏa thật khiến người ta cảm thấy xót xa mỗi khi cầm bút.

Cảm ơn áng mây buồn muôn thuở ấy đã lắng lòng lại để mãi làm duyên và điểm tô cho bầu trời thi ca thêm hương thêm sắc.

“ Xin cảm ơn tình cảm của bao người

Đã yêu mến áng mây buồn muôn thuở

Rồi mai đây trên đường đời cách trở

Chút lắng lòng lời cuối gửi cho nhau."

Lời kết thơ thật êm đềm dung dị , buồn đến thế mà vẫn còn duyên lắm Lãng Mây ơi! Ý thơ đã đạt đến đỉnh cao của chức năng giao tiếp. “ Lời cuối cho nhau” là thông điệp cho duyên phận đời thơ.

Lê Hiểu - BMT

" Áo lụa mùa xuân" trong vắt tiếng yêu tuổi dậy thì

Gần đây LM đã mang đến thi đàn những hơi thở mới, sắc mầu mới trong thơ. Có lẽ mùa xuân đã khoác lên tâm hồn u buồn ấy những rạo rực tràn đầy .

Cũng có thể nói như nhà thơ ( Nguyễn Trọng Tạo ) :" Nỗi buồn chính là ngọn lửa sưởi ấm thi ca và sưởi ấm tâm hồn". Ta đã bắt gặp Lãng Mây hoàn toàn mới lạ trẻ trung - tươi tắn và thật hồn nhiên

" Anh hẹn đôi mình dạo phố xuân

Cả ngày thơ thẩn lắm bâng khuâng

Ra vào tính toán hoài câu hỏi

Chọn áo màu chi cứ ngại ngùng".

Tiếng thơ trong vắt cảm xúc đầu đời, ngọt ngào dung dị mà rạo rực chứa chan, nó đã ắp đầy trong tâm hồn người thiếu nữ, vẻ đẹp thuần khiết của tình yêu đôi lứa được cảm xúc ngay từ câu thơ đầu tiên" Anh hẹn đôi mình dạo phố xuân" cái cảm giác bâng khuâng chờ đợi hẹn hò, gặp gỡ của đôi lứa yêu nhau. cái sự tính toán chọn lựa màu áo làm đẹp bản thân của người thiếu nữ thật nhí nhảnh trong sáng. hãy nghe tình bút giải bày:

" Anh bảo anh yêu áo lụa hồng

Mặc vào đôi má ửng chờ mong

Nụ hôn khe khẽ thơm hoa nắng

Một buổi hẹn hò cạnh mé sông"

Lối viết chân thành giản dị, ngôn ngữ mộc mạc hồn nhiên vang lên âm điệu thanh khiết trong từng câu chữ. Màu áo ấy! Hình hài ấy! đã như là định mệnh khắc vào tim yêu không bôi xóa nổi.

Đôi lần hoặc đã nhiều lần hò hẹn giữ không gian tĩnh lặng êm đềm, mối tình ấy vẫn giữ được vẻ đẹp trinh nguyên trong vắt của tuổi dậy thì." Nụ hôn khe khẽ thơm hoa nắng/ Một buổi hẹn hò cạnh mé sông" .

Tình yêu chớm nở đầu đời đã thăng hoa bằng nụ hôn khe khẽ ấy, người thiếu nữ tuổi mười ba muốn minh chứng cho vẻ đẹp của tình yêu bằng màu áo hiện thân cho lòng chung thủy:

" Còn em em thích áo hoa cà

Tim tím mộng mơ tuổi ngọc ngà

Chung thủy sắt son lời thệ ước

Mối tình đã chớm tuổi mười ba"

Dẫu muốn khoác lên mình sự tươi mới hồn nhiên, Lãng Mây vẫn bộc lộ văn phong của một nữ sĩ tài năng và từng trải ở khổ thơ này.

Một thoáng nhận ra thời gian sẽ minh chứng cho lòng chung thủy. Một thoáng nhận ra lời thệ ước là quá sớm với một rung động đầu đời , Lãng Mây đã quyết định thật sáng suốt:

" Cả ngày lần lửa mãi không xong

Anh đến rồi kia rộn cả lòng

Nên chọn áo gì cùng dạo phố

Chiều anh em chọn áo màu hồng"

Tôi không dám nghĩ Lãng Mây đang ngược về quá khứ với mối tình đầu đẹp như cổ tích của mình, nhưng nhất định tâm hồn ấy, trái tim ấy đã được uống chén tình yêu không bao giờ vơi cạn.

Những người yêu thơ đều hiểu được cái khó của thể loại ( Tứ tuyệt trường thiên ) là sự gắn kết giữa các khổ thơ - để tạo nên dòng chảy mềm mại, uốn lượn và thanh lọc " Aó lụa mùa xuân" thật duyên dáng và mềm mại như chính tựa đề của nó, hy vọng ở mùa xuân này áng mây phiêu lãng ấy mãi bay cao trên nền trời xa rộng.

Lê Hiểu - BMT

Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Màu Tang Tóc Của Tác Giả Hoàng Thị Lãng Mây

Cơn bão tàn ác số 10 đi qua chưa được mấy ngày…gieo bao tang tóc đau thương. Bao vết thương chưa kịp lành lại…Cơn bão số 11 ập đến kinh hoàng hơn dữ dội hơn, cướp đi mạng sống của những người dân vô tội…Và lũ về sau bão đã cuốn theo bao ngôi nhà bao mồ hôi nước mắt của dân nghèo vùng lũ….Coi thời sự vừa xong mở trang thơ ra…đập vô mắt tôi là tựa đề Màu Tang tóc….lại gì nữa đây? Tôi hỏi và bấm vô…Hoàng Thị Lãng Mây…Một dòng thơ nhẹ nhàng lãng mạn sao lại có Màu Tang Tóc….và tôi bắt đầu tìm hiểu Màu Tang Tóc của chị

Sáng hôm nay Quảng Bình đầy nấc nghẹn

Bao đau thương do bão lũ ê chề

Tiếng khóc gào vang khắp nẻo đường quê

Khi tiễn biệt người ra đi vội vã

Lại là Quảng Bình…bão số 10 đã hoành hành mảnh đất này cùng với cơn bão lòng mất mát vì người con ưu tú vĩ đại của Quảng Bình và của cả dân tộc vừa vĩnh viễn ra đi….vậy mà ông trời bất công lại giáng tiếp một cơn bão cuồng nộ vào thời điểm đau thương này ….nỗi đau tứ phía bủa vây lên khúc ruột miền trung để đến nỗi một nhà thơ tình dịu dàng xưa nay.Phải viết những lời đớn đau…và kết tội “Quảng Bình đầy nấc nghẹn”. Là do “bão lũ ê chề”…gây lên cảnh “Tiếng khóc gào vang khắp nẻo đường quê”…tiếng khóc này “tiễn biệt người ra đi vội vã”…ai ra đi ? chị cho ta thấy trong khổ thơ tiếp :

Dòng nước lũ điên cuồng đầy nghiệt ngã

Cô xa rồi, xa mãi mãi từ đây !

Dáng thân thương bên lớp học bao ngày

Chăm dạy dỗ bầy thiên thần bé nhỏ

Trời ơi ! thì ra dòng lũ đã cướp đi Cô…. mà hàng ngày vẫn “Chăm dạy dỗ bầy thiên thần bé nhỏ”…Tại “Dòng nước lũ điên cuồng đầy nghiệt ngã” mà một cô giáo vốn có cuộc sống bình thường thôi đã.” gặp quá nhiều gian khổ” . Thế mà cô vẫn” một lòng vì nghiệp dĩ hy sinh”…Cô có cuộc sống khó khăn nhưng vì nghiệp dĩ…tại sao chị lại dùng chữ “nghiệp dĩ” ở đây để mà phải hy sinh….tôi có thể hiểu rằng cuộc sống và nghề nghiệp vốn đã vậy rồi…điều này thể hiện rõ ở hai câu kế tiếp

Ngày qua ngày trường lớp chốn thâm tình

Cùng đồng nghiệp sẻ chia niềm tâm sự

Cô không có hoài bão nào lớn lao hơn cái nghiệp đã chọn cho cô, cuộc sống bình dị của một nhà giáo cứ thế trôi đi nếu không có tai họa từ trời rơi xuống là cơn bão và dòng lũ đã cướp đi hai người cô giáo của đàn học sinh thân yêu. Cướp đi hai người đồng nghiệp của các thầy cô giáo khác…Nỗi mất mát được chị miêu tả rất tài tình …nhẹ nhàng nhưng sâu sắc..đơn giản nhưng nghĩa rộng…những vật dụng thân quen với môi trường học tập như “Bảng đen đó vẫn còn nguyên dòng chữ” và cô giáo đi rồi mà “ dáng cô bên bục giảng dịu hiền”….nếu còn cô trên bục giảng…thì sao lại có cảnh..trống vắng Thiếu cái nghĩa cử thân quen..hàng ngày.?

Đám học trò thờ thẫn chỉ lặng yên

Trên gương mặt thất thần đầy nước mắt

Giờ thì tôi đã hiểu được tại sao dáng cô còn bên bục giảng …Bởi quá đau thương nên “thất thần” và tưởng như…

Chị đã khiến tôi bất ngờ ở khổ thơ này…bởi cuộc sống tôi đã vài lần chứng kiến những đau thương mất mát bất ngờ .Nên tôi cảm nhận rất rõ hai câu thơ này của chị….mất mát quá lớn quá bất ngờ, khiến ta chỉ còn biết “yên lặng” và mắt”… “Trên gương mặt thất thần đầy nước.

Nỗi mất mát đâu chỉ của thầy và trò của trường Tiểu học Liên Trạch, Huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Mà nó là nỗi mất mát đau thương chung của biết bao trái tim biết rung cảm trước nỗi đau của nhân loại…tác giả đã rất thành công khi chị viết khổ kết

Cô về đâu giữa đôi dòng nước cắt

Cuồn cuộn trôi xa khuất nẻo chân trời ?

Trường lớp buồn, tường bạc phếch màu vôi

Bao tang tóc ngập tràn ngôi trường nhỏ !

Ở đây chị đã đưa người đọc đồng cảm với nỗi đau chung của thầy trò ngôi trường nhỏ…Nỗi đau trong trái tim chị một nhà giáo ưu tú…nỗi đau đó nó lan sang tôi bắt đầu từ Màu Tang Tóc …chị lên án chị căm phẫn chị gào thét theo cách riêng của mình…nhưng tôi vẫn thấy hình ảnh cuồn cuộn dữ dội trong Bão của tác giả Huỳnh Ngọc Tự trong thơ chị….tôi như nghe Bão “Nhai xương lũ cây xanh nghe răng rắc”*…tôi như thấy “Nước há mồm….Nuốt chửng”* tất cả những gì nó đi qua

Và tôi vẫn thấy:

“ Lưỡi hái tử thần

Chầu trực suốt sớm trưa

Cướp đi sinh mạng những con người bạc phước

Cái khủng khiếp lao về từ muôn hướng

Muốn nhấn chìm …”*

Hai bài thơ hai cách viết khác nhau , hai nhịp thơ khác nhau .Bão thì có nhịp thơ như tiếng bão được viết ra từ nỗi lòng của một Người yêu thơ lãng tử từng trải…Và Màu Tang Tóc ….lại thể hiện một cơn bão lòng đau đớn với nỗi đau cuồn cuộn của một nhịp thơ như nước lũ kéo về…không gầm gào như bão mà từ từ nuốt chửng tất cả một cách bất ngờ…Được viết ra từ trong tâm của một nhà giáo ưu tú....

Nhưng cả Bão và Màu Tang Tóc đều cho tôi một cảm nhận giống nhau.Sự khủng khiếp của thiên tai. Sự mất mát của con người và nhất là những người dân nghèo.

Màu Tang Tóc được tác giả Hoàng Thị Lãng Mây viết ra với tất cả tình cảm niềm tiếc thương với đồng nghiệp và chia sẻ với thầy trò của trường Tiểu học Liên Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Nhưng trong sâu thẳm tôi vẫn thấy được sự căm phẫn với thiên tai…sự chia sẻ với người dân vùng bão lũ . Đang ngày đêm bị thiên tai hoành hành dữ dội…trong thơ chị, trong trái tim một người yêu thơ đa cảm

Chị đã thành công khi đưa được nén hương lòng này tới độc giả , trong đó có tôi và chắc chắn nó sẽ đến được nơi mà chị muốn chia sẻ những đau thương mất mát.Đây là lời chia sẻ của tác giả chị đã ghi ở dưới tựa bài “Nén tâm nhang tưởng nhớ hai giáo viên Nguyễn Thị Lộc và Nguyễn Thị Đinh Hương trường Tiểu học Liên Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình bị nước lũ cuốn trôi ngày 16/10/2013)”

HUỲNH XUÂN SƠN

18/10/2013

Huỳnh Xuân Sơn Với Cảm Nhận Bài Thơ Bỗng Dưng Mùa Thu Nhớ Của Tác Giả Hoàng Thị Lãng Mây

Ngày chưa gặp chị ngoài đời. mà chỉ gặp chị qua thơ, tôi đã hình dung ra chị một người phụ nữ dịu dàng đằm thắm nhưng luôn phảng phất quanh chị là nỗi buồn man mác.Nay có duyên gặp gỡ cùng chị…quả thật giác quan thứ sáu của tôi đã không sai.

Hoàng Thị Lãng Mây.Bút danh và con người thật ngồi trước mắt tôi như hai mà một…như một mà hai…Mềm mỏng, dịu dàng, nhẹ nhàng pha chút yếu đuối .Đặc biệt khi chị cất giọng đọc thơ bằng chất giọng nam bộ càng cuốn hút tôi hơn.Những vần thơ mượt mà bay bổng, nhưng chứa nặng tâm tư tình cảm xuất phát từ trái tim của người phụ nữ đa sầu đa cảm…

Tôi đã đọc thơ chị từ những ngày đầu, chị mới lên Thi Đàn Việt Nam. Chị viết đa dạng đủ thể loại thơ .Nhưng tôi yêu thích nhất dòng thơ tình của chị được viết theo thể thơ tự do-(8 chữ).

Trong hàng trăm bài thơ ấy, tôi đặc biệt yêu thích bài thơ “Bỗng Dưng Mùa Thu Nhớ”.Nỗi niềm trong chị có lẽ gắn bó rất nhiều với mùa Thu. Nên những vần thơ của chị nhẹ nhàng, bay bổng mượt mà và thổn thức như tiếng lòng của chị vậy.

Buổi sáng nay trời dìu dịu heo may

Chân bước nhẹ lao xao trên lá cỏ

Gió mùa thu hanh hao từng nhịp thở

Cho yêu thương xao xuyến rủ nhau về

Mùa Thu đến với chị vào buổi sáng… chị mới thả lòng mình theo “Gió mùa thu…”thôi mà đã khiến chị phải “Hanh hao từng nhịp thở”…và khi trái tim nấc nghẹn ấy sẵn sàng cho ký ức quay về …thì “Yêu thương xao xuyến rủ nhau về”.Làm cho trái tim mềm yếu và nỗi niềm thường trực trong tâm trí chị. Mở khóa ngăn ký ức từ những mùa thu trước để dẫn dắt ta ngược dòng thời gian xa lắc, đến tận “thuở hồng hoang”…ngày ấy trời đất còn gần nhau và :

Mùa lại mùa tiếp nối những cơn mê

Ta chợt nhớ mùa thu nào xa lắc

Thuở hồng hoang trời thật gần với đất

Mãi tự tình cho tím thẫm màu mây

Tôi ngầm hiểu có lẽ đây là ký ức về một mối tình thơ mộng…được chị ví như trời và đất “Mãi tự tình cho tím thẫm màu mây”…Một mối tình buồn- tôi như nghe chị nói với mình bằng ngôn ngữ của thơ ca như vậy….Và thường cuộc tình buồn sẽ là những vết cắt trong tim không dễ liền sẹo mà không phải chỉ riêng chị, mà với bất cứ ai dù nam hay nữ cũng vậy…Có lẽ chị cũng cảm nhận thế cho nên ….

Hôm nay thu về ngang cửa…chị cứ ngỡ như thuở nào. “Vẫn là ta thuở ấy dáng hao gầy”. Ôi sao chị không nhớ tới dáng vẻ đẹp nhất của mình khi đang yêu, mà lại nhớ đến “Thuở ấy dáng hao gầy”… từ nỗi nhớ này của chị tôi nghiệm ra rằng cuộc tình này có lẽ là lát cắt đớn đau nhiều lắm trong tâm hồn chị…. Cho nên chị đi qua năm tháng của đời mình bằng hình ảnh “Vương tóc rối tháng ngày qua thật khẽ….” Càng đi sâu tìm hiểu vào góc khuất này.Tôi càng thấy chị nặng lòng lắm với tình yêu với “người ấy” đến nỗi .Gió heo may nhè nhẹ về làm lay động đám lá vàng ngoài kia cũng làm cho chị liên tưởng tới hình ảnh : “Thoáng ai bước ngoài hiên nghe rất nhẹ”.

Và khi hình dáng của người ấy ùa về trong chị .Khiến lòng chị nao nao đến nỗi “hồn thơ man mác buổi giao mùa.” “Người ấy” về nỗi nhớ cũng về theo khiến chị nhớ đến “những buổi hẹn hò xưa”. Với mái tóc thề bay trong gió cùng “Tà áo tím..”.Những hồi ức đẹp trỗi dậy trong chị nó hòa vào hồn từng câu thơ khiến tôi cũng thấy “ấm áp” theo “Người là gió mang hương đời ấm lạ” đã cho chị cảm giác. “ hồn ngây ngất những men say !”Mùa thu khiến cho chị không chỉ nhớ từ sợi tóc rối,Những lời tự tình…đến dáng ai ngoài song cửa…Đến hơi ấm nồng nàn và chưa hết …Khi mà chị cảm nhận thu đến gần nữa thì :

Trời vào thu lá vàng úa phủ đầy

Mắt bỗng nhớ ánh nhìn đầy tha thiết…

Chắc hẳn đây là ánh mắt nồng nàn tình tứ, ánh mắt của yêu thương, của ngọt ngào âu yếm.Ánh mắt khiến chị đã mang theo suốt “mùa lại mùa”.và mỗi khi Thu về thì chị lại

Đếm trên tay đã bao mùa ly biệt

Ký ức buồn cất giữ ở trong tim !

Khi chị đã viết cả bài với nỗi lòng nhìn thấy mùa thu thôi mà đã “Hanh hao từng nhịp thở”…Vậy mà chị vẫn gói ghém từng kỷ niệm của cuộc tình…cất vào trong tim dẫu kỷ niệm ấy chẳng hề vui. Nên tôi không hề ngạc nhiên khi chị viết :

Gọi tên người khe khẽ biết bao đêm

Mùa thu ấy nay đã thành cổ tích

Khung trời cũ giờ xa xôi mù mịt

Sáng thu này da diết nhớ thu xưa !

Giờ thì tôi đã hiểu tại sao chị lại lấy tên “Bỗng dưng mùa thu nhớ”…Chị muốn đánh lạc hướng người đọc…là “bỗng dưng” thôi chứ không phải là thường trực trong tim đâu. Nhưng cả bài thơ thì không giống chị đặt đầu bài ….bỗng dưng thì không thể lôi ra cả những ký ức từ “thủa hồng hoang”…không thể có những nỗi buồn da diết đến vậy…và bỗng dưng thì không thể nhớ nhiều đến vậy?phải không tác giả….?

Tôi đã hóa thân vào ký ức tình yêu của chị…để cảm nhận …để thổn thức cùng chị và nhớ cùng chị …Và quan trọng là để cảm nhận bài thơ mà chị gửi mình trong đó…tôi không phải nhà phê bình thơ, không phải nhà văn nhưng vì yêu thơ và đặc biệt bài thơ này của chị . Nên tôi đã viết theo cảm nhận của cá nhân tôi..Có thể tôi chưa hiểu hết những tâm tình của chị muốn gửi gắm vào bài thơ này….Tôi mong tác giả và bạn đọc hãy coi đây là một tình cảm đặc biệt của tôi trao cho vẻ đẹp dịu dàng, mượt mà thanh khiết… Của bài thơ “Bỗng Dưng Mùa Thu Nhớ”với góc nhìn của bạn đọc yêu thơ.

HUỲNH XUÂN SƠN

12/10/2013

Hoài Phong, đôi dòng cảm nhận bài thơ “ Thương quá… thơ ơi!” của tác giả Hoàng Thị Lãng Mây

Mới tạm vắng bóng trên thi đàn tròm trèm một tháng mà tâm trạng tôi thật vô cùng khó tả khi trở lại với mái nhà thơ. Giật mình khi nhìn lại mình: ú a ú ớ mấy bài thơ còm cõi, nghĩ mà vừa xấu hổ với các cô chú và thi hữu trên thi đàn vừa thương thơ mình lắm lắm. Tìm thăm từng nhà để đọc thơ ké mà đầu óc cứ rối mù chẳng biết bình luận câu gì, thôi thì lặng lẽ đến lặng lẽ đi không để lại dấu vết. Dừng chân tại nhà tác giả Hoàng Thị Lãng Mây đọc một bài thơ ngắn mà tác giả đã đăng cách nay vừa hơn tháng, sao mà giống tâm trạng mình quá! Bài thơ được tác giả viết theo thể lục bát thật mượt mà, gồm ba khổ 12 câu như sau:

Thương quá… thơ ơi!

Thơ ơi sao quá u hoài

Vì đâu thơ lại thở dài …khóc than?

Con chữ cúi mặt bẽ bàng

Câu thơ gãy vụn ngổn ngang tấc lòng

Sầu chi lệ đổ đôi dòng

Mắt ngân ngấn nước…đục trong phận nghèo

Thơ vần một kiếp gieo neo

Tựa như vách đá cheo leo giữa vời

Thôi đừng nức nở thơ ơi !

Gối rơm xin hãy chịu lời gối rơm

Đừng ham nhà rộng mái vòm

Sống sao cho xứng tiếng thơm muôn đời

Hoàng Thị Lãng Mây

Mở đầu bằng một câu hỏi đánh ngay vào tâm trạng làm người đọc như tôi không khỏi giật mình. Không lẽ có người nhìn thấu tim đen mình sao?...

Thơ ơi sao quá u hoài

Vì đâu thơ lại thở dài… khóc than?

Tác giả hỏi thơ hay hỏi chính lòng mình, hỏi chính con người thơ trong tác giả? Câu hỏi tự vấn đặt ra để bày tỏ tâm sự lòng mình thật khéo léo mà cũng thật nhẹ nhàng. Trong mỗi con người luôn tồn tại nhiều sắc thái tình cảm, có khi biểu hiện bên ngoài luôn mạnh mẽ cứng cỏi nhưng lại ẩn chứa bên trong một sự yếu đuối và nỗi khát khao được che chở; Có khi bên ngoài là một vẻ khô khan lạnh lùng nhưng lại ẩn chứa bên trong một tâm hồn lãng mạn… Tác giả đã tự gõ vào chính trái tim thơ của mình làm bật lên những thanh âm bổng trầm mà sâu lắng lạ.

Con chữ cúi mặt bẽ bàng

Câu thơ gãy vụn ngổn ngang tấc lòng

Đây rồi một tâm trạng ngổn ngang đã được hé mở. Một câu hỏi đúng lúc, đúng chổ đã làm tuôn trào ra những tâm sự đang căng bầu. Diễn tả thơ với những “con chữ cúi mặt bẽ bàng”, “câu thơ gãy vụn” hàm chứa thật nhiều tâm tư trong đó. Có lẽ tác giả mượn hình ảnh thơ để nói lên chính cuộc đời mình chăng? Hai câu thơ gợi lên trong tôi một cảm giác tác giả là một người rất giàu tình cảm nhưng lại sống khép kín, rất tài năng nhưng hơi thiếu tự tin. Có lẽ từ những đối lập ấy và những sự kiện không vui phải trải qua trong cuộc đời buộc tác giả đã thốt lên như thế?

Sầu chi lệ đổ đôi dòng

Mắt ngân ngấn nước…đục trong phận nghèo

Thơ vần một kiếp gieo neo

Tựa như vách đá cheo leo giữa vời

Và đây, tất cả đã được phơi bày trong khổ thơ thứ hai. Chỉ vỏn vẹn hai cặp lục bát tác giả đã cô đọng trong đó tất cả nỗi niềm tâm sự về một cuộc đời lắm gieo neo vất vả. Tôi hình dung ra một hình ảnh cô gái nghèo vật vã với cơm, áo, gạo, tiền giữa bể đời mênh mông nghiệt ngã, lại mang trong mình một nỗi cô đơn hiu quạnh. Hình ảnh “vách đá cheo leo giữa vời” đã nói lên điều đó. Có một cái gì đó thật hiu quạnh, chông chênh, thật mong manh nhưng kỳ thực ra lại rất cứng cỏi. Đọc đến đây tôi thật sự xúc động, sao mà có thể hay được đến thế? Nghĩ đến phận mình tôi lại càng thấm thía biết bao!

Thật ra trên cõi đời này có mấy ai có được cuộc đời êm đềm, suôn sẻ? Vừa mở mắt chào đời đã phải cất tiếng khóc vì sắp phải dấn thân vào bể khổ. Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng nhìn chung ai cũng mang theo bên mình một nỗi sầu khổ. Nhưng đối diện với nó thì mỗi người lại có một thái độ khác nhau và tác giả đã an ủi thơ mình như thế nào?

Thôi đừng nức nở thơ ơi !

Gối rơm xin hãy chịu lời gối rơm

Đừng ham nhà rộng mái vòm

Sống sao cho xứng tiếng thơm muôn đời

Đọc xong khổ thơ cuối người đọc sẽ có một cảm giác thật nhẹ nhàng không còn cảm giác chông chênh nữa. Khổ thơ là một lời khuyên thật giản dị nhưng chất chứa cả một triết lý sống vô cùng sâu xa và quý báu. Phải “tri túc” và biết hài lòng với chính mình không mong cầu điều xa vời thì tâm ta sẽ thanh thản. “Gối rơm xin hãy chịu lời gối rơm”, câu thơ thật ý nghĩa!

Đọc cả đoạn kết người đọc liên tưởng được ngay đến câu tục ngữ “Nghèo cho sạch, rách cho thơm”. Và hơn thế nữa tác giả còn muốn an ủi với “thơ” hay nói đúng hơn là an ủi chính mình phải sống mạnh mẽ và tự tin hơn. Mặc dù là phận gối rơm, sống đời trong sạch vẫn “tiếng thơm muôn đời”.

Cảm ơn tác giả Hoàng Thị Lãng Mây với bài thơ thật ý nghĩa đã giúp cho tôi nói riêng và độc giả nói chung thấu hiểu được một triết lý sống thật sâu xa và đầy ý nghĩa, từ đó có thêm niềm tin và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Bài thơ cũng là một lời khuyên thật nhẹ nhàng mà sâu sắc “Sống sao cho xứng tiếng thơm muôn đời”. Vâng, tôi và tất cả mọi người ai cũng mong muốn như thế và sẽ sống như thế!

Trương Hoài Phong

15/1/2014

Đôi dòng cảm nhận về bài thơ "Phút Giao Mùa" của tác giả Hoàng Thị Lãng Mây

Ở miền Nam, dễ đâu cảm nhận được sự chuyển biến sâu sắc của phút giao mùa? Nhất là ở Sài Gòn, một năm chỉ có hai trạng thái nắng và mưa. Bao nhiêu cái ồn ả xô bồ, bao nhiêu là khói bụi quyện vào dòng người ngược xuôi hối hả. Tôi ở miền Nam, nên cảm nhận như thế. Không biết tác giả Hoàng Thị Lãng Mây hiện đang sinh sống ở nơi nào, nhưng tôi có cảm giác chị là người miền Nam. Không dựa vào đâu cả, chỉ cảm giác như vậy thôi, nếu không đúng cũng rất mong chị thông cảm bỏ qua!

Đọc bài thơ “Phút giao mùa” của chị bất chợt một dòng cảm xúc ùa về. Không phải cái ớn lạnh của tiết trời chuyển sang đông mà đó là một cái giật mình thật khẽ, chợt nhận ra mình thiếu sót một điều gì đó với chính bản thân mình?! “Phút giao mùa xao xuyến/ Đời bao lần chia ly?”. Ôi! Chợt nhận ra đời như một sân ga, bao nhiêu cuộc hội ngộ là bấy nhiêu cuộc chia ly. Vậy mà… Vậy mà đôi khi ta lại không nhận ra điều ấy nhỉ?

Phút giao mùa

Chiều nay trời trở lạnh

Ta một mình lang thang

Đâu đây lời buồn thánh

Chuông giáo đường vang vang

Mùa thu qua vội vã

Mang theo bao não nề

Đông về chừng xa lạ

Nên để sầu tái tê !

Lần tay ta thầm tính

Mấy mùa đông trong đời

Tháng ngày dài câm nín

Đếm muộn phiền chơi vơi ?

Gió bấc vừa chợt đến

Tiễn lá vàng ra đi

Phút giao mùa xao xuyến

Đời bao lần chia ly ?

Hoàng Thị Lãng Mây

Vâng, cảm ơn chị! Một lần nữa chị đã gây nhiều cảm xúc trong tôi khi đọc thơ của chị. Thật nhẹ nhàng, thật bay bổng và đượm chút buồn như chính cái tên của chị “Hoàng Thị Lãng Mây”.

Mở đầu bài thơ bằng một lời giới thiệu rất nhẹ nhàng, rất đơn giản: “Chiều nay trời trở lạnh”. Trời trở lạnh, chưa đủ để thông báo mùa đông sang. Đôi khi chiều vẫn hay lành lạnh vậy mà. “Tôi một mình lang thang”. Đây rồi, nhân vật của bài thơ đang lang thang một mình, không tâm trạng nhưng đã thoáng thấy nét buồn qua hai chữ “lang thang”. “Đâu đây lời buồn thánh/ Chuông giáo đường vang vang”. Cả khổ thơ đầu tác giả dẫn người đọc đi cùng mình trên một con đường đầy lá, hoang vắng. Một không gian tĩnh lặng, tĩnh lặng lắm! Bởi vì chính trong không gian tĩnh lặng ấy mới làm cho xúc cảm của con người bật lên những âm thanh chân thật nhất. Chính trong cái tĩnh lặng ấy mới cảm nhận được cái se lạnh của tiết trời; mới nghe được âm vang câu kinh thánh và tiếng chuông giáo đường xa xa vọng lại. Khổ thơ nhuốm một màu hoàng hôn hiu hắt, vắng lặng và lạnh lẽo. Chợt giật mình phát hiện mùa thu đã ra đi một cách vội vã và mùa đông không hề mong đợi lại đến:

Mùa thu qua vội vã

Mang theo bao não nề

Đông về chừng xa lạ

Nên để sầu tái tê !

Khổ thơ thứ hai, tác giả đưa người đọc hòa cùng mình trong một tâm trạng: “não nề/ tái tê”. Mùa thu đã buồn lắm rồi, mùa đông đến lại càng làm cho nỗi sầu thêm tê tái. Tác giả buồn gì nhỉ? Tôi cũng chẳng biết. Có lẽ nhìn cảnh vật đìu hiu trong một không gian quạnh quẽ như vậy làm cho tâm hồn nhạy cảm của tác giả thấy gợn buồn? Thôi cùng đọc tiếp khổ thứ ba:

Lần tay ta thầm tính

Mấy mùa đông trong đời

Tháng ngày dài câm nín

Đếm muộn phiền chơi vơi ?

Thông thường, để tính tuổi, người ta thường hay chọn mốc là mùa xuân. Vậy mà tác giả lại nhẩm tính “mấy mùa đông trong đời”. Ở đây vừa ngụ ý nhẩm tính tuổi tác vừa ngụ ý nhẩm tính bao nhiêu chuyện muộn phiền đã qua trong cuộc đời mình chăng? Bởi “tháng ngày dài câm nín/ Đếm muộn phiền chơi vơi?” Rõ ràng bao nhiêu mùa đông trong đời là bấy nhiêu thời gian sống trong nỗi muộn phiền dai dẳng mà chẳng biết chia sẻ cùng ai.

Gió bấc vừa chợt đến

Tiễn lá vàng ra đi

Phút giao mùa xao xuyến

Đời bao lần chia ly ?

Đoạn thơ cuối lại kéo người đọc trở về với thực tại khi một cơn gió bấc lạnh lùng lại kéo ùa sang làm rụng rơi nốt những chiếc lá vàng cuối thu còn sót lại. Cơn gió lạnh càng làm cho bao suy nghĩ miên man về những kỷ niệm buồn trong cuộc đời nhân vật thêm lay động. Xao xuyến trước phút giao mùa của trời đất chợt nhận ra cuộc đời chỉ là một chuỗi những chia ly. Tôi thích nhất câu thơ cuối của bài thơ. Một câu hỏi đặt ra thật đơn giản thật ngẫu nhiên mà dội vào lòng người đọc bao nhiêu là suy nghĩ. Thật đáng suy ngẫm biết bao. Hóa ra, nhìn kỹ lại quãng thời gian có mặt trên cõi đời này, rõ ràng nó được kết nối bởi một chuỗi những cuộc hội ngộ và chia ly. Có cái gì là vĩnh cữu? Đây. Một triết lý thật sâu xa, một thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm đến với tất cả chúng ta.

Xin cảm ơn tác giả Hoàng Thị Lãng Mây đã tặng cho cuộc đời này những dòng thơ đầy xúc cảm. Càng đáng quý hơn, qua bài thơ tác giả muốn nhắn nhủ với tất cả chúng ta một điều rằng: Chẳng có gì là vĩnh cữu cả, tất cả các cuộc hội ngộ đều có chung một kết quả là chia ly. Vậy ta phải sống làm sao cho thật xứng đáng với những mối quan hệ mà ta đang có trong hiện tại, để một mai, dẫu có chia xa vẫn còn hoài trong mỗi chúng ta những kỷ niệm đẹp.

Trên đây là những cảm nhận của riêng tôi về bài thơ “Phút giao mùa” của tác giả Hoàng Thị Lãng Mây, nếu có điều gì sai sót không đúng với ý của tác giả rất mong chị miễn chấp bỏ qua. Chúc chị luôn vui khỏe và có thật nhiều bài thơ thật hay!

Trương Hoài Phong

Đà Lạt, 5/12/2013

Đôi dòng cảm nhận về bài thơ Băn Khoăn của tác giả Hoàng Thị Lãng Mây

Có gì đó trong tâm tư thao thức, trở trăn hoài một nỗi nhớ mông lung, nhện giăng tơ hay giăng sầu trăm mối? Cho lòng em sóng gợn mãi không yên.

Tôi rất ấn tượng với tên một tác giả trên thi đàn, Hoàng Thị Lãng Mây. Không biết đây là tên thật hay là bút danh mà nghe rất đậm chất thơ. Thật vậy, cô có trên dưới 400 bài thơ được đăng trên thi đàn, một gia tài kếch xù mà bất kỳ ai yêu thơ cũng thòm thèm mơ ước có?! Hôm nay lại có một bài thơ của cô mới được đăng, tôi xin mạn phép có đôi dòng cảm nhận. Bài thơ “Băn khoăn” thuộc thể loại thơ năm chữ, gồm bốn khổ như sau:

Băn khoăn

Trăng đêm nay mười sáu

Sao đọng nét u hoài ?

Chút tình xưa đau đáu

Lời thơ sầu không phai

Bao năm rồi người hở

Kể từ phút chia tay

Cho vần thơ nức nở

Chuyện tình nhiều đắng cay ?

Thôi đừng nên hờn trách

Mây lặng lẽ u sầu

Đường gập ghềnh xa cách

Nhớ nhung gởi về đâu ?

Người ơi, người có biết

Tháng ngày đầy trở trăn

Giờ xa xôi cách biệt

Sợi tơ buồn giăng giăng ?

Hoàng Thị Lãng Mây

Tác giả mở đầu bài thơ với hình ảnh tuyệt đẹp: trăng mười sáu, một hình ảnh thường gặp trong thơ của rất nhiều thi sĩ. Trăng mười sáu rất tròn, rất sáng mặc dù thời điểm này là rằm tháng 10 âm lịch, đã cuối thu. Một không gian thơ đã được mở ra thật huyền diệu cho bài thơ của tác giả. Nhưng “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Truyện Kiều – Nguyễn Du), bởi trong lòng tác giả đang “băn khoăn” một điều gì đó. Trăng mười sáu tròn đẹp như thế “sao đọng nét u hoài?”. Tác giả không để cho người đọc phải thắc mắc lâu hai câu kế tiếp đã giải bày nguyên cớ: “Chút tình xưa đau đáu, lời thơ sầu không phai”.

Trăng đêm nay mười sáu

Sao đọng nét u hoài ?

Chút tình xưa đau đáu

Lời thơ sầu không phai

Đoạn mở đầu của bài thơ đã dẫn dắt người đọc vào một không gian thật huyền ảo của đêm trăng nhưng gờn gợn nỗi buồn. Quả thật những người yêu trăng hay đa sầu (Ông bà xưa hay nói vậy). Câu chuyện được tác giả dẫn dắt bằng lời tự sự đều đều:

Bao năm rồi người hở

Kể từ phút chia tay

Cho vần thơ nức nở

Chuyện tình nhiều đắng cay ?

Nhìn trăng lại nhớ đến người, nhớ đến phút chia tay đẫm lệ mà đã bao năm rồi vẫn còn tươi nguyên kỷ niệm. Để lệ sầu ướt đẫm từng đêm bởi những “vần thơ nức nở” khóc cho “chuyện tình nhiều đắng cay”. Tiết tấu của thể loại thơ năm chữ quay đều quay đều như một khúc nhạc, kể về một chuyện tình buồn giữa đêm trăng tĩnh mịch. Tác giả hỏi người nhưng kỳ thực là tự hỏi chính mình “Bao năm rồi người hở?” Đã bao nhiêu năm xa cách là bấy nhiêu nỗi sầu nhớ đong đầy ký ức hằng đêm. Không biết nguyên nhân của sự chia cách này từ đâu, chẳng biết người ra đi có hờn trách người ở lại hay người ở lại hờn trách người đi. Chỉ nghe tác giả thốt lên:

Thôi đừng nên hờn trách

Mây lặng lẽ u sầu

Đường gập ghềnh xa cách

Nhớ nhung gởi về đâu ?

Dẫu buồn, dẫu nhớ nhưng tôi biết chính tác giả cũng chẳng trách hờn gì đâu, sự chia ly đã như là một định số đã an bày. Không ai khác hơn là tác giả đã hiểu rất rõ nguyên nhân của sự chia ly này, và tôi cũng cam đoan rằng tác giả cũng đã rất nhiều lần tự nhủ lòng đừng nên sầu khổ. Nhưng than ôi! Chẳng ai có thể quản thúc được con tim, vui, buồn, nhung nhớ là theo lẽ riêng của nó. Chính vì thế trong ánh trăng sáng của đêm mười sáu này tâm hồn nhạy cảm của tác giả lại rung lên những cung bậc trầm bổng, khi kỷ niệm ngày cũ tràn về. Rồi tự đáy con tim tuôn trào ra những vần thơ đầy tâm trạng và rất tự nhiên chẳng chút trau chuốt nhưng lại sáng ngời chất thơ.

Người ơi, người có biết

Tháng ngày đầy trở trăn

Giờ xa xôi cách biệt

Sợi tơ buồn giăng giăng ?

Bài thơ kết thúc bởi một dấu chấm hỏi, một hình ảnh cũng rất mong manh và hư ảo: “Sợi tơ buồn giăng giăng”. Tôi thật sự ngưỡng mộ tác giả với cách gieo vần rất tự nhiên và cách sử dụng hình ảnh thật độc đáo. Sợi tơ. Vâng! Ai cũng biết sợi tơ rất mỏng manh nhỏ bé nó gần như lúc ẩn, lúc hiện rất khó nhận thấy, nhưng nó lại cứ quấn quýt, vướng víu, khi vướng phải sợi tơ rồi thì rất khó mà gỡ ra. Nỗi buồn của tác giả cũng như thế, nó mong manh hư ảo, nhưng dai dẳng triền miên, nó vướng víu mãi tâm can của tác giả khiến cho lòng “băn khoăn” mãi không nguôi.

Tôi đã đọc đi đọc lại bài thơ thật nhiều lần mới cảm được hết cái nghĩa của hai chữ “băn khoăn” mà tác giả đặt làm lời tựa. Ở đây không phải “bâng khuâng” mà cũng chẳng phải là nhung nhớ hay mong đợi. Nỗi băn khoăn này là cảm giác vướng víu của sợi tơ tình còn giăng mắc mãi trong tim tác giả. Chia tay một người và người ấy đã đi thật xa, nhung nhớ rất nhiều, buồn thật nhiều cho những kỷ niệm đắng cay, nhưng tác giả không mong người xưa quay trở lại, không trách hờn, không giận dỗi, chỉ là một cảm giác giăng mắc của sợi tơ buồn phảng phất mãi trong tim.

Trên đây là những cảm nhận của riêng tôi về bài thơ, rất mong tác giả và quý cô, chú, anh, chị bạn đọc bỏ qua cho những thiếu xót. Xin chân thành cảm ơn tác giả Hoàng Thị Lãng Mây!

Trương Hoài Phong

18/11/2013

ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY " ÁO LỤA ĐÓN MÙA THU" CỦA HOÀNG THỊ LÃNG MÂY

Triết lý vô thường luôn ở trong hành trang cuộc sống và thơ ca Hoàng Thị Lãng Mây. Chính sự thấm nhuần sâu sắc triết lý đó, mà dù đang ở giữa những ngày đầu thu. sắc thu xưa vẫn lụa là êm ái, vẫn xanh trong bích ngọc trong tư duy trong tâm hồn người nữ sĩ tài hoa này. Là cây bút hàng đầu trên diễn đàn ở đề tài tình yêu, Lãng Mây luôn mang đến cho bạn đọc những vần thơ da diết mênh mang ngập tràn với nỗi lòng lắng sâu dịu vợi. Đi giữa mê cung ngôn ngữ thơ ca vô cùng lạ lẫm của LM ta dễ dàng nhận ra một " Áo lụa đón mùa thu" thật mượt mà dung dị.

"Có phải chăng nhè nhẹ thoảng thu qua

Ngày trở dậy heo may vương ngập lối

Đợi chờ ta... đừng bước đi quá vội

Áo màu mây còn cất giữ phương nào ?

Tiếng thời gian gõ từng nhịp lao xao

Hoa lá buồn vẫy tay chào từ biệt

Khúc tàn phai ngỡ ngàng trong nuối tiếc

Nỗi ưu tư khắc khoải buổi giao mùa

Nắng úa vàng có phải nắng ngày xưa

Màu hạt dẻ thuở hẹn hò cổ tích ?

Ngày mùa thu gọi về bao ký ức

Kỷ niệm hồng mật ngọt đã bay xa

Chỉ còn đây với nỗi nhớ thiết tha

Áo lụa trắng giảng đường thời mới lớn

Bức tình thư ngập ngừng chao sóng gợn

Vẫn nằm nguyên dưới ngăn cặp thật thà

Vườn nhà ai cúc vàng rực màu hoa

Nghe đâu đây thơm nồng hương gió mới

Hồn lụa trắng đã bao ngày chờ đợi

Đón mùa thu… mơ ước được đi cùng !

Giữa không gian đầy mơ màng tình tứ mùa thu đã khiến tâm hồn ta xao xuyến lạ thường khi bắt gặp màu áo lụa trinh nguyên tan vào nỗi niềm đẫm ướt ngăn ngắt heo may.

" Có phải chăng nhè nhẹ thoảng thu qua

Ngày trở dậy heo may vương ngập lối

Đợi chờ ta... đừng bước đi quá vội

Áo màu mây còn cất giữ phương nào ?"

Với cảm quan nhạy bén của mình LM cất lên khúc nhạc lòng bằng các thanh điệu của ngôn ngữ Việt . Những nhè nhẹ / heo may / đợi chờ... được kết lại thành một chuỗi âm thanh níu kéo thời gian, níu kéo ký ức cho nỗi ưu tư tiếc nuối được thăng hoa trong nỗi buồn đắm đuối.

" Tiếng thời gian gõ từng nhịp lao xao

Hoa lá buồn vẫy tay chào từ biệt

Khúc tàn phai ngỡ ngàng trong nuối tiếc

Nỗi ưu tư khắc khoải buổi giao mùa"

Khi nhãn quan mơ màng trong lãng đãng sắc thu, màu dĩ vãng hiện về vấn vương ngập tràn tâm trí. Tâm trạng người nữ sĩ ngỡ như mơ, như thực. Mối tình trinh nguyên một thời áo trắng đẹp như huyền thoại ấy sóng sánh màu sắc cầu vồng, gần ngay trước mặt mà vời vợi cách xa.

"Nắng úa vàng có phải nắng ngày xưa

Màu hạt dẻ thuở hẹn hò cổ tích ?

Ngày mùa thu gọi về bao ký ức

Kỷ niệm hồng mật ngọt đã bay xa

Chỉ còn đây với nỗi nhớ thiết tha

Áo lụa trắng giảng đường thời mới lớn

Bức tình thư ngập ngừng chao sóng gợn

Vẫn nằm nguyên dưới ngăn cặp thật thà"

Thi nhân đang đi trong vẻ đẹp vĩnh cửu của tâm hồn. Với sứ mệnh làm duyên cho từng con chữ, ý thơ đã bay lên đến đỉnh cao của nghệ thuật. Vẫn chỉ là những ngôn ngữ thường gặp của thơ ca về mùa thu như: tàn phai/ nuối tiếc / như úa vàng / mật ngọt hay tha thiết / ngập ngừng . Nhưng không thấy những khuôn mòn sáo cũ " Áo lụa đón mùa thu" là nơi chốn mê li của vẻ đẹp toàn bích để người đọc gửi gắm vào sâu thẳm dĩ vãng mà tìm bới cho mình một thời ngất ngây của ái tình chan chứa.

Gần đây bút danh LM thường lãng du giữa sắc không của bao la vũ trụ nên các mảnh vỡ của tình yêu lại biến thành những tiểu vũ trụ muôn hình vạn trạng mà mơ ước khát khao.

"Vườn nhà ai cúc vàng rực màu hoa

Nghe đâu đây thơm nồng hương gió mới

Hồn lụa trắng đã bao ngày chờ đợi

Đón mùa thu… mơ ước được đi cùng !".

Dù cố đến đâu thơ LM vẫn phảng phất một nỗi u hoài đeo đẳng có chăng điều ấy lại hợp tấu tan biến vào khung cảnh mùa thu mà làm nên những tuyệt bút mãi hiện hữu trong ta.

Được biết thêm ít thông tin về bút danh LM qua báo chí, qua những tác phẩm mà chị đã xuất bản, mới thẩm thấu những giá trị cao đẹp của một tâm hồn, của một trái tim đáng được trân trọng đến nhường nào. Cám ơn nhà giáo – nhà thơ Đỗ Mỹ Loan đang gọi thức những nỗi buồn ngọt ngào dần lãng quên trong tất bật đời thường bằng những lời thơ tuyệt đẹp.

Được song hành trên từng cung bậc cảm xúc thơ ca cùng với HTLM hỏi còn gì hơn nữa.

Lều Thơ Phiêu Lãng

Đak Lak

XÚC CẢM!!!..THƠ - ĐỜI HOÀNG THỊ LÃNG MÂY

Tôi gặp Hoàng Thị Lãng Mây rất tình cờ như mọi sự tình cờ ở những vần thơ. Chỉ khác là đọc thơ em rồi trong lòng luôn khát khao được coi em là hồng nhan tri kỷ.

Tôi muốn viết thật nhiều về em mà hiểu biết giới hạn, tinh lực giới hạn. Đôi khi còn sợ góc nhìn ấu trĩ của mình làm tổn thương đến những câu vần được chưng cất từ trí não, từ con tim đang đập nhịp đập sắt se đau đớn.

Đối với tôi Hoàng Thị Lãng Mây không thuộc một biểu tượng, tôi viết về em đơn giản vì một tấm lòng.

Tôi gọi tiếng "em" chân thành cho dù ngoài đời có thể tôi còn ít hơn em năm bảy tuổi. Nhưng điều đó có hề chi khi nàng thơ trong em đã khắc vào tim không bôi xóa nổi. Thơ em đã cho tôi miền trú ngụ ấm áp thanh tao để tự tâm gột rữa những rêu phong dâu bể đời thường.

"Hãy thong dong đi trọn nẻo đường đời

Dù đá sỏi gập ghềnh bao chướng ngại

Chân cứ bước mặc đêm dài tê tái

Dẫu trời đông buốt giá ngập sương giăng". ( Trích thơ Lãng Mây)

Hoàng Thị Lãng Mây không chỉ mang đến diễn đàn thơ một số lượng lớn với nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao.

Công chúng yêu thơ đón nhận những tác phẩm đã được xuất bản với sự thẩm định nghiêm ngặt của NXB HỘI NHÀ VĂN, NXB THANH NIÊN. Những" Bóng Mây, Khúc Tương Tư, Mây Tím, Nối Lặng Trong Đêm hay Vần Thơ Tri Kỷ" là minh chứng một sức viết kì lạ của người nữ sĩ đang phải hằng ngày vật lộn với căn bệnh thể chất của se sắt con tim.

Không biết có phải thơ là thần dược cho trái tim bé bỏng đang loạn nhịp của em không? hay như một nữ sĩ phương Tây đã từng nói:

" Đây là khoản hao mòn kinh khủng nhất

Hao mòn tim và mai một tinh thần"

Mà em vẫn cứ viết vẫn cố dành thời gian giao lưu với những bạn thơ yêu quý mình.

Lãng Mây ơi!" áng mây buồn muôn thuở" trong tâm hồn " Lều Thơ Phiêu Lãng" đừng bay quá xa hãy trở về với diễn đàn thơ với mái ấm dưỡng nuôi mầm chồi thơ ca của mình. Dẫu nơi đây còn nhiều tao loạn, lắm đa đoan.

Nhiều khi trăn trở dõi theo đường thơ mà biết em đang đi và hướng tới cách biểu cảm như một "kiếp tu" để đẩy cao giá trị tuyệt đỉnh của đạo đức.

Nhưng!... Lãng Mây ơi!..

" Đời thăng trầm dâu bể

Em mỏng manh tơ trời..." ( trích thơ Lãng Mây )

Hãy mở rộng ý nghĩa của chữ tu cho hồn thơ em mãi lấp lánh sắc màu, cho những khát khao cháy bỏng. Hãy cứ điểm trang cho những xúc cảm đang thao thức trong nhịp đập trái tim bé bỏng đáng thương ấy mà đợi chờ như em đã từng "Chải tóc chờ thu"

Dù ở góc nhìn nào người yêu thơ cũng thẩm thấu được một ý tưởng thơ, một phong cách thơ thật nồng nàn nhân hậu . Tuy khá thành công trên cung bậc văn chương. Lãng Mây vẫn ẩn sâu khép mình trong khung trời thơ ca đương đại.

Một lần tình cờ lang thang trên mạng tôi đọc được bài viết của báo Bình Dương về cô giáo nhà thơ Đỗ Mỹ Loan tên thật của Lãng Mây hiểu được đôi chút về cuộc sống hiện tại về những cơn đau em đang phải vật lộn mà cảm phục mà yêu kính vô ngần.

Một tâm hồn, một trái tim luôn vượt lên nỗi đau thể chất, để vẫn rộn ràng đập những nhịp đập nồng nàn đôn hậu với thơ với đời. Những câu chữ vuột ra từ trái tim không khỏe mạnh ấy đã làm chuếnh choáng hồn tôi.

Lãng Mây ơi!

Hãy để những " Nốt lặng trong đêm" tấu lên khúc tình ca rạng ngời tình yêu đôi lứa. Hãy để vầng "mây tím" lãng du bồng bềnh bay trên khung trời thơ ca mà điểm trang sắc màu cho thêm lung linh dịu vợi.

Những " vần thơ tri kỷ " kia mãi mãi là cầu nối xuyên suốt mọi tâm hồn thơ để khẳng định: " Không có con đường nào đẹp đẽ hơn, thánh thiện hơn con đường đến với thơ ca"./.

BMT – Ngày 10/7/2015

LềuThơPhiêuLãng