Vì sao dạy học theo hướng nghiên cứu bài học và cá nhân hóa nên được nhân rộng

Dạy học theo hướng nghiên cứu bài học và dạy học cá nhân hóa đều là các phương pháp dạy học lấy học sinh làm trung tâm, giúp học sinh chủ động khai thác bài học chứ không còn nghe giảng một chiều nữa. Vậy sẽ ra sao nếu chúng ta kết hợp hai phương pháp này cùng lúc để dạy học? Lời giải đáp sẽ có trong bài viết sau đây.

Dạy học theo hướng nghiên cứu bài học và cá nhân hóa bài học: Những điều cần biết

Đầu tiên, chúng tôi sẽ giới thiệu về định nghĩa sơ lược của 2 phương pháp này, cũng như sự kết hợp hỗ trợ qua lại giữa chúng. Tiếp theo, chúng ta sẽ cùng phân tích những lợi ích khi áp dụng song song cả hai cách dạy học. Cuối bài viết sẽ là một vài gợi ý triển khai hiệu quả.

Thế nào là Dạy học theo hướng nghiên cứu bài học và dạy học cá nhân hóa?

Dạy học theo hướng nghiên cứu bài học là cách dạy mà trong đó, nội dung kiến thức mới sẽ trở thành một chủ đề nghiên cứu để học sinh tự mình tìm hiểu, cuối cùng rút ra được bài học cuối cùng. Học sinh sẽ đặt ra câu hỏi xoay quanh chủ đề bài học, sau đó nghiên cứu, khám phá câu trả lời thông qua sách giáo khoa, sách tham khảo. Phương pháp này có nét tương đồng với project-based learning (dạy học dựa trên dự án).


Vậy còn cá nhân hóa bài học (personalized learning) là gì? Học tập cá nhân hóa là một phương pháp điều chỉnh việc học tập sao cho phù hợp với nhu cầu, sở thích và khả năng của mỗi học sinh. Từng học sinh sẽ được hướng dẫn riêng dựa trên đặc điểm học tập của các em. Tức là, với phương pháp này, mỗi học sinh sẽ được học theo một cách khác nhau, với tốc độ khác nhau tùy theo khả năng của các em.

Vậy điểm chung giữa cá nhân hóa và dạy học theo hướng nghiên cứu bài học là gì? Đó là học sinh được làm chủ việc học của mình. Khi kết hợp hai phương pháp này lại với nhau, chúng ta sẽ có phương pháp dạy học theo hướng bài học được cá nhân hóa cho mỗi hoặc từng nhóm học sinh. Các em sẽ được trao quyền tự khám phá bài học theo cách riêng và khả năng của mình. Ví dụ, sẽ có bạn chọn nghiên cứu từ lý thuyết trong sách giáo khoa nhưng cũng sẽ có bạn chọn thực hành, quan sát thực tế. Hoặc có học sinh sẽ kết hợp cả hai cách trên.

Dạy học theo hướng nghiên cứu bài học và cá nhân hóa mang lại những gì cho học sinh?

Thứ các em học được không chỉ là kiến thức

Học sinh không chỉ lĩnh hội bài học lý thuyết mà còn trau dồi cho mình nhiều kỹ năng mềm có ích, bao gồm:

  • Cách thiết lập mục tiêu nghiên cứu và tự tạo động lực cho bản thân để hoàn thành mục tiêu;

  • Kỹ năng tra cứu, phân tích tài liệu tham khảo khi nghiên cứu bài học;

  • Kỹ năng viết báo cáo kết quả nghiên cứu hoặc trình bày nghiên cứu dưới nhiều hình thức khác nhau: Biểu đồ, tranh vẽ, bản trình chiếu, sơ đồ tư duy…

  • Kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm (nếu nghiên cứu theo nhóm).

Học sinh có cơ hội tự nhìn nhận và đánh giá năng lực bản thân

Với phương pháp dạy học theo hướng nghiên cứu bài học và cá nhân hóa, học sinh không chỉ được tự do phát huy sở trường của mình mà đồng thời các em cũng nhận ra được các thiếu sót của mình. Các em cũng có cơ hội khám phá ra được những tiềm năng mới của bản thân, những sở thích mới hay phong cách học mới mà trước giờ bản thân không nhận thấy được.

Học sinh giảm bớt áp lực đồng lứa

Khi áp dụng cùng một cách học cho tất cả học sinh, sẽ khó tránh khỏi việc một số bạn vượt trội hơn các bạn khác. Điều này vô tình tạo ra cảm giác áp lực đồng lứa ở các học sinh yếu hơn. Nhưng khi được học tập theo cách riêng thì học sinh sẽ tự thiết lập ra lộ trình của mình và tập trung vào định hướng của mình mà không cần quan tâm với các bạn khác.

Dạy học theo hướng nghiên cứu bài học và cá nhân hóa nên được thực hiện như thế nào?

Để việc dạy học theo hướng nghiên cứu bài học và cá nhân hóa được diễn ra suôn sẻ, thầy cô có thể tham khảo qua danh sách các công việc cần làm bao gồm:

  1. Tìm hiểu đầy đủ về quy trình, phương pháp, cách thức đánh giá, cách ứng công nghệ, sau đó có một buổi hướng dẫn lại cho học sinh trước khi bắt đầu;

  2. Chỉ dẫn học sinh cách ứng dụng công nghệ vào việc nghiên cứu bài học, ví dụ: Sử dụng bộ công cụ văn phòng của Google để ghi lại quá trình thực hiện và hệ thống dữ liệu, sử dụng công cụ trình chiếu để trình bày ý tưởng, tra cứu tài liệu từ Internet;

  3. Lắng nghe học sinh đưa ra các đề tài nghiên cứu và cách thức mà các em dự định triển khai, sau đó đưa ra các gợi ý chỉnh sửa để học sinh thực hiện bài làm hiệu quả hơn;

  4. Quan sát quá trình thực hiện của các em để kịp thời hỗ trợ nhưng không can thiệp quá sâu

  1. Thay đổi cách đánh giá: Tập trung vào quá trình thực hiện nghiên cứu của học sinh thay vì kết quả cuối cùng;

  2. Yêu cầu học sinh thực hiện bảng tự đánh giá cá nhân, phân tích các điểm mạnh và hạn chế của bản thân;

  3. Tổ chức cho học sinh trình bày quá trình nghiên cứu của mình trước lớp; nếu hạn chế thời gian thì thầy cô có thể yêu cầu các em nộp một báo cáo kết quả, hình như tùy các em lựa chọn (văn bản, hình ảnh, trình chiếu…)

  4. Ở cuối quá trình sẽ là một buổi tổng kết và ôn tập lại kiến thức, giúp học sinh đúc kết lại bài học.

Hy vọng bài viết trên có thể giúp quý thầy cô hiểu hơn bức tranh sơ lược về 2 phương pháp dạy học theo hướng nghiên cứu bài học và cá nhân hóa, cũng như việc kết hợp chúng với nhau. Đây đều là những phương pháp mới lạ hơn rất nhiều so với cách làm truyền thống, đòi hỏi sự cố gắng và kiên trì, đồng thời không ngừng chỉnh sửa, đổi mới của cả thầy và trò.