Chương trình giáo dục phổ thông mới là gì? Có những thay đổi như thế nào?

Chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD&ĐT ra đời với mục tiêu kế thừa những điểm mà chương trình hiện hành đang làm tốt, đồng thời đẩy mạnh việc phát triển dựa trên năng lực và kiến thức phục vụ đời sống. Cụ thể các đổi mới này như thế nào, mời quý phụ huynh cùng tìm hiểu trong bài viết sau đây.

Những điều cần biết về chương trình giáo dục phổ thông mới và cách thức triển khai

Đầu tiên, trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu định nghĩa cơ bản về chương trình giáo dục phổ thông mới. Tiếp đến, chúng tôi sẽ phân tích các điểm khác nhau giữa chương trình mới và chương trình hiện hành, cũng như các lợi ích mà chương trình mới có thể mang lại.

Thế nào là chương trình giáo dục phổ thông mới? Đâu là những điểm khác biệt so với chương trình giáo dục cũ?

Chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu đi vào thực nghiệm năm 2019. Đây được xem là bước “chuyển mình” của giáo dục nước nhà khi khắc phục được các hạn chế của chương trình hiện hành mà vẫn giữ nguyên các thành tựu vốn có. Chương trình phát triển theo định hướng xây dựng năng lực, phẩm chất cho học sinh và định hướng nghề nghiệp phù hợp cho các em từ sớm. Để đạt được mục tiêu này, chương trình sẽ đẩy mạnh việc truyền đạt kiến thức cơ bản, thực tế và chú trọng hơn nữa việc học tập trải nghiệm.

Lộ trình học được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (Lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục hướng nghiệp (Lớp 10 đến lớp 12)

Chương trình lồng ghép các nội dung có liên quan để tạo thành bộ môn tích hợp, vừa giảm số môn học, vừa hạn chế chồng chéo kiến thức

Thiết kế một số môn học theo chủ đề và tạo cơ hội cho học sinh lựa chọn chủ đề thích hợp với bản thân. Các môn học đó bao gồm: Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm, Hướng nghiệp

Bên cạnh các môn bắt buộc, học sinh được phép lựa chọn các môn và chuyên đề học tập phù hợp với định hướng nghề nghiệp của bản thân

Chương trình mới trao quyền chủ động cùng trách nhiệm cho mỗi địa phương trong việc bổ sung các nội dung phù hợp với đặc điểm và đối tượng học tại địa phương vào bài học. Trong khi đó, các nội dung giáo dục cốt lõi vẫn giữ nguyên và thống nhất trên cả nước.

Nguồn tham khảo: Báo điện tử VTC, Báo giaoduc.net, trang tin tức thông tấn xã Việt Nam

Chương trình giáo dục phổ thông mới mang lại những lợi ích thực tiễn gì cho các em học sinh?

Khi học tập và rèn luyện theo chương trình giáo dục phổ thông mới, các em sẽ nhận được 4 lợi ích chính sau đây

Cơ hội học tập chủ động

Học sinh có thể chủ động tiếp thu các kiến thức thông qua việc chọn bộ môn phù hợp. Ngoài ra, việc học tập chủ động còn thể hiện qua việc tự học, tự tìm hiểu và phân tích kiến thức ở các nội dung mở. “Lằn ranh” môn chính - môn phụ được xóa bỏ, các em có thể thoải mái hơn trong việc chú tâm vào bộ môn yêu thích mà không còn mang định kiến “học lệch”.

Chọn đúng nghề

Qua chương trình mới, các em sẽ sớm có định hướng nghề nghiệp phù hợp. Tiếp đến, các em sẽ được học tập các bộ môn và kỹ năng phục vụ tốt cho lộ trình chinh phục tương lai của mình.


Phát triển toàn diện

Với 6 phẩm chất và 10 kỹ năng đầu ra đã đề cập ở trên, học sinh sẽ tiến gần hơn với mục tiêu phát triển toàn diện, từ kiến thức, kỹ năng, thể chất đến đạo đức. Từ đó, các em có thể tự tin hơn trong hành trình trở thành công dân toàn cầu.


Trải nghiệm học tập được cải thiện

Với định hướng xây dựng nội dung kiến thức thực tiễn, kết hợp với nghiên cứu và thực hành, học sinh sẽ tiếp thu kiến thức một cách tự nhiên và hiệu quả hơn, các tiết học cũng sẽ lý thú, hấp dẫn hơn.


Nguồn tham khảo: Báo điện tử VTC, Báo giaoduc.net, trang tin tức thông tấn xã Việt Nam

Các trường nên làm gì để từng bước triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới?

Trong năm học 2020 - 2021 này, chương trình giáo dục phổ thông mới và sách giáo khoa mới đã được áp dụng cho khối lớp 1. Trong thời gian đầu áp dụng, cả giáo viên, học sinh và phụ huynh vẫn còn gặp khó khăn do chưa thể làm quen, bắt nhịp với các thay đổi mới. Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, việc dạy và học cũng đã dần đi vào quỹ đạo. Sang năm 2021-2022, chương trình sẽ được tiếp tục áp dụng với lớp 2 và lớp 6. Vậy Nhà trường và đội ngũ giáo viên cần làm gì để tiếp tục thực hiện các đổi mới?

  1. Nhà trường cần có sự phân công dạy học phù hợp

Chương trình mới, đặc biệt là ở lớp 6 cấp THCS, có sự bổ sung của các môn học mới như môn tích hợp Lịch sử - Địa lí, Khoa học tự nhiên và nội dung giáo dục địa phương. Ngoài ra, chương trình sẽ có các hoạt động học tập trải nghiệm. Do đó, các trường cần có sự phân công giáo viên có năng lực chuyên môn phù hợp để giảng dạy thật tốt.

2. Giáo viên cần chuẩn bị trước giáo án và nội dung dạy học

Môn học mới, sách mới, phương hướng mới, tất cả đều đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ càng của giáo viên không chỉ trước buổi học mà trước cả khi học kỳ mới bắt đầu. Để truyền tải chương trình tốt hơn, thầy cô cũng cần nghiên cứu thêm các phương pháp dạy mới, cộng với sử dụng công nghệ, kỹ thuật.

3. Tích cực phối hợp với phụ huynh học sinh

Việc thông tin, hướng dẫn đầy đủ về chương trình mới không chỉ giúp phụ huynh yên tâm, mà họ còn có thể hỗ trợ tốt cho giáo viên trong việc theo dõi, kèm cặp việc học của học sinh. Do đó, giáo viên cần chủ động hơn nữa ở khoản này, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn bủa vây như hiện tại.

Nguồn tham khảo: Báo tin tức thông tấn xã Việt Nam, trang chính thức của Bộ GD&ĐT (moet.gov)

Nhìn chung, chương trình giáo dục phổ thông mới kế thừa và phát huy những điểm tốt của chương trình cũ, đồng thời khắc phục các thiếu sót, bất cập. Chương trình được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho học sinh, song cũng đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ cả Trường học, giáo viên, phụ huynh và học sinh.