Vì sao chương trình giáo dục Tiểu học nên đề cao trí thông minh cảm xúc (EQ)?

Từ trước đến nay, ở chương trình giáo dục Tiểu học, chúng ta vẫn thường nghe nói nhiều hơn về chỉ số thông minh (Intelligence Quotient), và cố gắng giúp trẻ nâng cao chỉ số này. Tuy nhiên, một chỉ số khác cũng cần được quan tâm đầu tư chính là EQ - chỉ số thông minh về mặt cảm xúc. Nếu quý phụ huynh hoặc thầy cô vẫn còn đang mơ hồ về khái niệm này thì chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nhiều hơn trong bài viết hôm nay.

EQ là gì? Vì sao nó quan trọng ở chương trình giáo dục Tiểu học? Làm sao để giúp trẻ nâng cao EQ?

Đầu tiên, chúng tôi xin giới thiệu sơ lược về trí thông minh cảm xúc, sau đó là các lợi ích mà nó mang lại cho học sinh. Ở phần thứ ba sẽ là những cách làm, những điều cần lưu ý để thầy cô và cả gia đình có thể giúp học sinh nâng cao chỉ số thông minh này.

Thế nào là trí thông minh cảm xúc ở chương trình giáo dục Tiểu học? Nó bao gồm những phần nào?

Trí tuệ cảm xúc là khả năng xác định, đánh giá, kiểm soát và thể hiện cảm xúc một cách hiệu quả và tích cực. Phát triển chỉ số EQ cao ngay từ chương trình giáo dục Tiểu học có thể giúp các em xây dựng mối quan hệ tốt với bạn bè, thầy cô, gia đình, cũng như kiểm soát tốt cảm xúc của chúng.

Trí tuệ cảm xúc bao gồm 4 nội dung:

  1. Hiểu biết về cảm xúc: Nhận biết cảm xúc của bản thân và của người khác.

  2. Quản lý cảm xúc: Có khả năng kiểm soát cảm xúc một cách hiệu quả.

  3. Phát triển sự đồng cảm: Hiểu và chia sẻ cảm giác của người khác.

  4. Tạo ra động lực nội tại: Thúc đẩy bản thân đạt được những mục tiêu đã đặt ra.

5 lợi ích của việc rèn luyện EQ ở chương trình giáo dục Tiểu học đối với học sinh

Ở phần này, chúng tôi sẽ diễn giải kỹ hơn về những gì mà học sinh sẽ có được khi sớm trau dồi trí tuệ cảm xúc. Chúng ta có tổng cộng 5 lợi ích chính

  1. Quản lý tốt cảm xúc

Khi một học sinh có chỉ số EQ cao, học sinh đó có thể đối mặt với những hoàn cảnh khó khăn một cách dễ dàng hơn. Các em có thể điều chỉnh thái độ và cảm xúc của mình tùy theo tính cách và phản ứng của người đối diện. Và quan trọng nhất, các em có thể kiểm soát cảm xúc và không để chúng ảnh hưởng đến việc ra quyết định.

2. Giao tiếp tốt hơn

Trẻ nên biết khi nào nên bộc lộ cảm xúc và khi nào không, đặc biệt là trong một cuộc hội thoại. Trí tuệ cảm xúc cao cũng giúp học sinh bày tỏ quan điểm và ý tưởng của mình một cách khéo léo, tự tin.

3. Xây dựng các quan hệ mới

Khi biết tiết chế cảm xúc, trẻ có thể xây dựng các mối quan hệ mới theo hướng tốt đẹp hơn. Các em có thể hòa nhập tốt với bạn mới và cả môi trường học tập mới. Học sinh có thể trao đổi suy nghĩ với nhau và giúp đỡ nhau trong học tập.

4. Giảm căng thẳng

Rèn luyện trí thông minh cảm xúc ở chương trình giáo dục Tiểu Học sẽ giúp các em xử lý căng thẳng và học tập tốt ngay cả trong thời điểm khó khăn.


5. Thấu cảm tốt hơn với người khác


Trí tuệ cảm xúc giúp học sinh dễ dàng đồng cảm và chia sẻ tâm tư với các học sinh khác dù chưa trực tiếp trải qua hoàn cảnh hoặc vấn đề tương tự.

5 hoạt động giúp giáo viên và phụ huynh giúp trẻ xây dựng EQ ngay từ chương trình giáo dục Tiểu học

EQ là trí thông minh liên quan đến hành vi và cảm xúc, chúng ta khó có thể dạy chúng cho trẻ bằng lý thuyết suông, cũng không thể đánh giá qua các bài điểm tra lý thuyết và con điểm tròn chẵn, chỉ có thể cùng trẻ luyện tập và quan sát sự tiến bộ hằng ngày. Người lớn chúng ta có thể thực hiện 5 việc sau đây

  • Chậm lại và xác định rõ ràng cảm xúc

Mỗi khi trẻ có những cảm xúc mạnh mẽ, người lớn hãy giúp trẻ bình tĩnh hơn và cùng nhau trò chuyện về những gì trẻ đang cảm thấy và giúp trẻ gọi tên cảm xúc (tức giận, hạnh phúc, buồn bã, thất vọng).

  • Luôn kiên nhẫn lắng nghe cảm xúc của trẻ

Khi trẻ gặp vấn đề nào đó, ví dụ như trẻ nhận điểm kém khi học một phương pháp giảng dạy bậc Tiểu học, thầy cô và ba mẹ nên nhẹ nhàng hỏi xem một tình huống đó là gì và nó đã khiến các em cảm thấy như thế nào và vì sao. Sau đó, chúng ta không nên dạy trẻ phủ nhận cảm xúc tiêu cực mà nên cùng trẻ đối mặt và từng bước vượt qua.

  • Đồng cảm với trẻ

Có một điều khá quan trọng trong nỗ lực giúp trẻ mở lòng với bạn, là bạn phải cho chúng biết rằng bạn hiểu những gì chúng đang cảm thấy và sẵn sàng chia sẻ. Bạn có thể thử nói: "Có vẻ như con/em đang rất phấn khích lắm đúng không?" hoặc "Con/em có vẻ hơi bực bội thì phải".

  • Dạy trẻ kỹ năng giải quyết vấn đề

Giúp trẻ suy ngẫm về cảm xúc của mình để xác định điều gì khiến trẻ cảm thấy như thế. Sau đó, bạn có thể giúp trẻ “gỡ rối” tâm tư của mình và đưa ra hành động, quyết định đúng đắn.

  • Dẫn chứng cho trẻ bằng các ví dụ của bản thân

Bạn đừng chỉ lắng nghe trẻ nói mà đồng thời hãy nói về cả các trải nghiệm của mình. Nếu vấn đề của người lớn có phần phức tạp thì bạn có thể chọn lọc các câu chuyện đơn giản, hoặc kể lại kỷ niệm thời ấu thơ. Cách này vừa giúp trẻ học cách lắng nghe, vừa giúp chúng như có thêm một người bạn.

Nhìn chung, trí tuệ cảm xúc (EQ) cũng quan trọng không kém IQ, nó ảnh hưởng khá nhiều đến sự phát triển nhận thức, tinh thần và cả quan hệ xã hội của trẻ. Việc nâng cao EQ ở chương trình giáo dục Tiểu học là rất cần thiết, và nó nên xuất phát từ sự quan tâm và chia sẻ chân thành.