Văn Thơ Pháp Cú kệ.IV

Học Pháp để tự rèn luyện thân tâm.

XXI.- Phẩm Tạp-lục

 

Chính nhờ từ bỏ dục-lạc nhỏ,

Mà ta tìm thấy phước-lạc to.

Thú vui nhỏ-nhặt, người hiền bỏ,

Phước lớn Niết-Bàn, cố tìm lo.

(Kệ số 290.)

 

Ai gieo đau-khổ cho người,

Để tìm hạnh-phước vui-tươi cho mình;

Kẻ ấy bị hận-tình ràng-buộc

Biết bao giờ thoát được oán-thù.

(Kệ số 291.)

 

Chẳng làm điều đáng làm,

Chẳng nên làm, lại làm.

Thiếu tỉnh-giác, kiêu-căng,

Lậu-hoặc ắt gia-tăng.

(Kệ số 292.)

Năng quán thân bất-tịnh,

Siêng làm điều đáng làm,

Tránh điều chẳng nên làm,

Thông-suốt và giác-tỉnh,

Lậu-hoặc ắt tiêu-trừ.

(Kệ số 293.)

 

 

 

 

 

 

 

 

Giết cha NGÃ-MẠN, mẹ ÁI-DỤC,

Diệt ĐOẠN-KIẾN,THƯỜNG-KIẾN hai vua,

Tổng-Tài ÁI-LUYẾN vừa thu-phục,

Vương-quốc MƯỜI HAI XỨ đánh thua,

Phạm-Chí ra đi chẳng sầu-muộn.

(Kệ số 294.)

Giết cha, giết mẹ vừa xong,

Bà-la-môn dòng hai chúa, giết luôn.

Ngũ hổ-tướng NGHI-NAN diệt hẳn,

Phạm-Chí ra đi chẳng ưu-phiền.

(Kệ số 295.)

 

 

 

 

 

 

 

Hằng tỉnh-giác, chuyên-cần thúc-liễm,

Các đệ-tử Phật Gotama,

Chẳng kể ngày ngày, đêm đêm qua,

Công-đức Phật-đà luôn tưởng-niệm.

(Kệ số 296.)

Hằng tỉnh-giác, chuyên-cần thúc-liễm,

Các đệ-tử Phật Gotama,

Chẳng kể ngày ngày, đêm đêm qua,

Công đức Chánh-pháp luôn tưởng-niệm.

(Kệ số 297.)

Hằng tỉnh-giác, chuyên-cần thúc-liễm,

Các đệ-tử Phật Gotama,

Chẳng kể ngày ngày, đêm đêm qua,

Công-đức Tăng-già luôn tưởng-niệm.

(Kệ số 298.)

Hằng tỉnh-giác, chuyên-cần tinh-tấn,

Các đệ-tử Phật Gotama,

Chẳng kể ngày ngày, đêm đêm qua,

Sắc-thân bất-tịnh luôn tưởng-quán.

(Kệ số 299.)

Chuyên-cần tinh-tấn, hằng tỉnh-giác,

Các đệ-tử Phật Gotama,

Chẳng kể ngày ngày, đêm đêm qua,

Luôn vui với đức vô-hại-tác.

(Kệ số 300.)

Chuyên-cần tinh-tấn, hằng giác-tỉnh,

Các đệ-tử Phật Gotama,

Chẳng kể ngày ngày, đêm đêm qua,

Luôn vui thoả-thích tu thiền-định.

(Kệ số 301)

 

Rời khỏi nhà, đi tu là khó,

Vui hạnh tỳ-kheo, khó lắm thay!

Chủ gia-đình hằng ngày chịu khổ;

Gần người chẳng hợp, khổ nào tày?

Luân-hồi trôi lặn đắng cay,

Chớ theo khổ, phải dứt ngay Luân-hồi.

(Kệ số 302.)

 

Niềm tin đủ, vẹn-toàn giới-hạnh,

Danh-tiếng cao, tài-sản dồi-dào,

Dù cho đi đến nơi nào,

Vị nầy cũng được kính chào, tôn-vinh.

(Kệ số 303.)

 

Người lành dầu ở thật xa,

Sáng lồ-lộ giống như toà Tuyết-sơn.

Chẳng ai nhìn kẻ ác, gần hơn,

Như mũi tên bay trong đêm tối.

(Kệ số 304.)

 

Ngồi một mình, nằm cũng một mình,

Đi một mình, lòng không buồn chán.

Tự mình điều-phục chính mình,

Sống vui thoải-mái cảnh rừng xanh.

(Kệ số 305.)

 

XXII.- Phẩm ĐỊA-NGỤC.

 

Người nói dối phải sa địa-ngục,

Kẻ làm ác, chối: "chẳng có làm",

Cả hai bị địa-ngục giam,

Ác-nghiệp đã làm, đồng khổ kiếp sau.

(Kệ số 306.)

 

Nhiều người khoác áo cà-sa,

Tâm chưa nhiếp-phục, ác-tà nhiễm-ô.

Vì nghiệp dữ đẩy xô vào điạ-ngục,

Cảnh khổ nầy do ác-hạnh sanh ra.

(Kệ số 307.)

 

Thà nuốt hòn-sắt đỏ lửa hồng,

Hơn ăn vật-thực được cúng-dường,

Nếu chưa giữ được tròn giới-hạnh:

Nghĩ, nói, làm, xấu cả ba đường.

(Kệ số 308.)

 

Bốn điều bất-hạnh đang chờ-chực

Kẻ dể-duôi dâm-dật vợ người:

Mang tai-hoạ, ngủ đâu yên giấc,

Ba: bị trách; bốn: sa điạ-ngục.

(Kệ số 309.)

Mang tai-hoạ, phải đọa vào đường dữ,

Vui phút giây, đôi dâm-đãng phập-phồng;

Vua lại ban-hành cực-hình xét-xử.

Vậy, đừng phạm tiết những ai có chồng.

(Kệ số 310.)

 

Ai vụng nắm cỏ kusa,

Bàn tay bị cỏ cắt đứt.

Cùng thế ấy, đã xuất-gia

Hạnh Sa-môn mà lơ-là

Ắt phải sa điạ-ngục.

(Kệ số 311.)

Một hành-động làm cho có lệ,

Giữ giới-đức bị ô-nhiễm tệ,

Sống Phạm-hạnh một cách khả-nghi,

Chứng được quả cao, đâu có lẽ!

(Kệ số 312.)

Có điều cần phải làm, làm ngay,

Làm hăng say, làm hết năng-lực.

Sống cuộc đời tu-sĩ phóng-dật,

Chỉ làm tăng cát bụi tung bay.

(Kệ số 313.)

 

Việc ác, tốt hơn, nên bỏ dứt,

Trót làm sanh ray-rứt trong lòng.

Việc thiện, tốt hơn, làm lập-tức,

Chẳng hề hối-tiếc khi làm xong.

(Kệ số 314.)

 

Canh-phòng cửa ải ngoài biên-giới,

Phải canh cả trong thành ngoài ải.

Tự phòng-vệ mình, nào có khác.

Gặp dịp tốt học Pháp, chớ bỏ qua,

Lỡ dịp, đau buồn khi sa cõi ác.

(Kệ số 315.)

 

Chẳng đáng hổ-ngươi mà lại thẹn,

Việc đáng thẹn mà lại trơ-trẻn.

Tà-kiến đó, chúng-sanh nào ôm-ấp

Sẽ đoạ vào cõi thấp, khi tái-sanh.

(Kệ số 316.)

 

Chẳng đáng sợ mà lại hãi-hùng,

Việc đáng ghê mà lại dửng-dưng.

Tà-kiến đó, chúng-sanh nào ôm-ấp,

Sẽ đoạ vào cõi thấp, khi tái-sanh.

(Kệ số 317.)

 

Chẳng sái-quấy lại bảo là sai,

Việc lỗi-lầm, lại bảo đúng ngay.

Tà-kiến đó, chúng-sanh nào ôm giữ

Sẽ sa vào cõi dữ, khi tái-sanh.

(Kệ số 318.)

Sai, bảo là sai.

Phải, bảo là phải.

Ai biết giữ chánh-kiến nầy

Vào cõi lành, khi sanh lại.

(Kệ số 319.)

XXIII.- Phẩm VOI.

 

Như voi chiến xông ngoài trận-mạc,

Hứng lằn tên, mũi đạn tơi-bời,

Như-Lai chịu phỉ-báng mọi lời

Của những người vẫn còn đức bạc.

(Kệ số 320.)

Voi, ngựa thuần mới đem dự hội.

Con nào nhuần-nhã được Vua cởi.

Quí nhứt, người đã luyện tinh-thông

Nhẫn-nhịn chịu mọi lời chửi-bới.

(Kệ số 321.)

 

Ngựa rặc giống, la con thuần nết,

Đại-tượng ngà dài, đều quí hết.

Nhưng tối-thượng lại chính là người

Trang-nghiêm giới-đức, tự điều-tiết.

(Kệ số 322.)

 

 

Chẳng phải cởi voi, ngựa ấy lên đàng,

Mà ta đến được Niết-bàn vô-sanh.

Chỉ có người tự-ngã khắc-phục

Đến được mục-tiêu, nhờ thuần-thục.

(Kệ số 323.)

 

Voi tên Tài-Hộ rất hung-hăng,

Khi phát-dục tiết mùi hôi-thối,

Bị bắt nhốt, chẳng chịu uống ăn,

Tưởng nhớ rừng voi, hằng mong-mỏi.

(Kệ số 324.)

 

Người khờ lười-biếng, tham ăn

Vật-vờ, vất-vưởng, nằm lăn cả ngày.

Giống như con lợn mập thây,

Luân-hồi phải chịu, biết ngày nào ra.

(Kệ số 325.)

 

Ngày trước, tâm lang-thang, lêu-lổng,

Đuổi theo thú-vui cùng dục-vọng.

Ngày nay, bằng chánh-niệm, kềm tâm

Như quản-tượng tay cầm móc dạy voi.

(Kệ số 326.)

 

Trong chánh-niệm, hãy tìm thích-thú,

Tâm-ý nên hết lòng phòng-thủ.

Như voi sa lầy cố rút chơn ra,

Hãy tự kéo khỏi vũng sình kết-sử.

(Kệ số 327.)

 

Nếu gặp người hiền-trí hạnh lành,

Thích-hợp nhau làm bạn đồng-hành,

Hãy sống chung vui và giác-tỉnh,

Mọi hiểm-nguy sẽ vượt an-lành.

(Kệ số 328.)

Nếu chẳng gặp người đạo-đức cao,

Trí-huệ nhiều đáng kết thâm-giao,

Thà như Vua bỏ nước vừa chinh-phục,

Như voi giữa rừng, hãy sống lẻ-loi.

(Kệ số 329.)

Chẳng thà phải sống cô-đơn

Còn hơn kết bạn với phường người ngu.

Chẳng lo-âu, khước-từ ác-hạnh,

Sống thong-dong như cảnh voi rừng.

(Kệ số 330.)

 

 

Vui thay, gặp bạn khi cần!

Vui thay, biết đủ với ngần nầy đây!

Vui thay, thiện-nghiệp dầy khi chết!

Vui thay đau khổ diệt-trừ xong!

(Kệ số 331.)

Vui thay, phụng-dưỡng mẹ già!

Vui thay, hiếu-kính với cha trên đời!

Vui thay, phục-vụ Sa-môn!

Vui thay, thừa sự Thánh-nhơn ra đời!

(Kệ số 332.)

Vui thay, giữ giới tới già!

Vui thay, tín-niệm rất là bền lâu!

Vui thay thành-đạt trí mầu!

Vui thay ác-hạnh từ lâu khước-từ!

(Kệ số 333.)

 

 

 

XXIV.- Phẩm THAM-ÁI.

 

Nơi người sống cuộc đời phóng-dật,

Như dây leo, ái-dục tăng nhanh.

Nhảy từ đời nầy sang đến đời khác,

Như khỉ rừng ham trái cứ chuyền cành.

(Kệ số 334.)

Trên đời, người bị ngập tràn,

Lòng tham khát-ái buộc ràng khít-khao.

Ái-dục tăng mau như đám cỏ,

Gặp được mưa rào mọc tràn lan.

(Kệ số 335.)

Trên đời, người khắc-phục xong

Bụng tham khát-ái khó hòng diệt tiêu.

Ưu-sầu, phiền-muộn đều xa lánh

Như nước rơi trên cánh lá sen.

(Kệ số 336.)

Đây, điều lành Như-Lai chỉ-dạy

Cho mọi người họp tại nơi đây.

Hãy đào ái-dục ngay tận rễ

Như ngườì bứng xới rễ cỏ thơm.

Chớ để Ma-vương sớm hôm theo phá

Như giòng nước lũ ngập cả bụi lau.

(Kệ số 337.)

Như cây đốn còn gốc bền, rễ cứng

Sẽ đâm chồi mọc lại vững như xưa,

Gốc ái-dục tuỳ-miên chưa nhổ bứng,

Khổ "sanh-già-chết" cứ mãi dây-dưa.

(Kệ số 338.)

Băm-sáu dòng "ái-dục" cuồn-cuộn chảy,

Đẩy mạnh người mê vào lạc-thú.

Tư-tưởng ái-tham vùng nổi dậy,

Lôi cuốn người tà-kiến như cơn lũ.

(Kệ số 339.)

Dòng "ái-dục" chảy tràn khắp chốn

Khiến dây leo bám chặt, đâm chồi.

Thấy rõ dây leo bò lổn-ngổn,

Với "dao" trí, đoạn hết gốc ngọn.

(Kệ số 340.)

Trong chúng-sanh, niềm vui cuộn chảy

Từ lục-trần, bị ái-dục nhuốm dơ.

Cầu hạnh-phước, nhưng dục-lạc mê-mờ,

Cảnh sanh-già nên mới chịu lấy.

(Kệ số 341.)

Ái-dục bao-vây, người vùng-vẫy

Như thỏ mắc lưới nhảy loanh-quanh.

Hễ còn bị ái-dục hành,

Là còn đau-khổ tử-sanh lâu dài.

(Kệ số 342.)

Ái-dục bao vây, người vùng-vẫy

Như thỏ mắc lưới, nhảy loanh-quanh.

Ly-dục, tỳ-kheo muốn đạt thành

Ái-dục, phải mau nhiếp-phục vậy.

(Kệ số 343.)

 

Lìa rừng ‘ái’, hướng đến rừng ‘tu’

Bỏ rừng ‘tu’, trở lại nhà nầy.

Xuất-gia hoàn-tục xem đây,

Như người cổi trói lấy dây buộc mình.

(Kệ số 344.)

 

 

Xiềng bằng sắt, bằng gỗ, bằng gai,

Người trí bảo, chưa dai, chưa bền.

Luyến-lưu con thảo, vợ hiền,

Ngọc-ngà, trang-sức là xiềng chặt hơn.

(Kệ số 345.)

Ràng-buộc đó thật bền, người trí bảo,

Tuy mềm, nhưng trì nặng, thật khó tháo.

Bực hiền-trí dứt xong bao kiềm-toả,

Dục-lạc khước-từ, thoát khổ thế-gian.

(Kệ số 346.)

 

 

Người mê dục-lạc rơi trở vào dòng,

Như nhện chăng tơ lọt vào lưới nó.

Bực hiền-trí, ái-tham đều cắt bỏ,

Thoát mọi ưu-phiền, cất bước thong-dong.

(Kệ số 347.)

 

Dĩ-vãng bỏ qua,

Tương-lai chẳng ngại,

Hiện-tại chẳng màng.

Bờ bên kia dòng sanh-tử, vượt sang,

Trí thanh-tịnh, cùng với tâm tự-tại,

Cảnh Luân-hồi sanh-lão, chẳng trở lại.

(Kệ số 348.)

 

Người bị ý chẳng lành kích-thích,

Ái-tham nhiều, thấy sắc mê-tít;

Ái-dục nơi người càng gia-tăng,

Ma-vương trói buộc thêm chằng-chịt.

(Kệ số 349.)

Người dẹp ý chẳng lành an-định,

Tỉnh-giác, thường quán thân bất-tịnh,

Ái-dục nơi người bỏ dứt xong,

Ma-vương muốn trói, đừng có hòng.

(Kệ số 350.)

 

 

Mục-tiêu cứu-cánh, người đã chiếm,

Hết sợ, ly-tham, chẳng ô-nhiễm,

Nhổ mũi tên sanh-tử độc-hiểm,

Thân nầy là thân chót Luân-hồi.

(Kệ số 351.)

Lià ái-dục, chẳng hề chấp-thủ,

Biện-tài vô-ngại đủ bốn thứ:

Nghĩa, pháp, từ, thuyết có thứ-tự;

Thân nầy là thân chót Luân-hồi,

Vị ấy là Đại-trí vĩ-nhơn.

(Kệ số 352.)

 

 

Ta chinh-phục, làu-thông tất cả,

Dứt trói buộc, ta đã thoát-ly,

Lậu-hoặc, ái-dục, ta còn gì?

Tự ta, ta được thắng-trí cao,

Ta còn gọi ai là Thầy ta sao?

(Kệ số 353.)

 

 

 

Pháp-thí quí hơn mọi bố-thí,

Pháp-vị thắng hơn mọi hương-vị,

Pháp-hỉ vui hơn mọi hoan-hỉ,

Ái-tận vượt khỏi mọi đau-khổ.

(Kệ số 354.)

 

 

 

Tiền-tài làm hỏng người ngu,

Hại chi được đến người tu Niết-bàn,

Kẻ cuồng-dại hám giàu-sang,

Hại mình mà cũng hại lan đến người.

(Kệ số 355.)

 

Cỏ hoang làm hại ruộng nương,

Tham-lam làm hại mọi đường chúng-sanh.

Người vô-tham, ta thành-tâm bố-thí,

Phước lành, do đó, quí-báu hơn.

(Kệ số 356.)

Cỏ hoang làm hại ruộng nương,

Hận sân làm hại mọi đường chúng-sanh.

Người vô-sân, ta thành-tâm bố-thí,

Phước lành, do đó, quí-báu hơn.

(Kệ số 357.)

Cỏ hoang làm hại ruộng nương,

Si-mê làm hại mọi đường chúng-sanh.

Người vô-si, ta thành-tâm bố-thí,

Phước lành, do đó, quí-báu hơn.

(Kệ số 358.)

Cỏ hoang làm hại ruộng nương,

Dục-tham làm hại mọi đường chúng-sanh.

Người ly-dục, ta thành-tâm bố-thí,

Phước lành, do đó, quí-báu hơn.

(Kệ số 359.)

 

XXV.- Phẩm TỲ-KHEO.

 

Mắt đây, chế-phục, lành thay!

Lành thay biết chế-ngự hai tai nầy!

Khéo điều-phục mũi, lành thay!

Lành thay, nhiếp-phục lưỡi nầy cho yên!

(Kệ số 360.)

Lành thay, chế-phục thân-hành!

Tiết-chế khẩu-nghiệp đã rành, lành thay!

Lành thay, ý-nghiệp tịnh ngay!

Chế-phục tất cả đủ-đầy, lành thay!

Mọi điều tự-chế khéo, hay,

Tỳ-kheo giải-thoát được ngay khổ-sầu.

(Kệ số 361.)

 

Người chế-phục tay chơn, lời nói,

Tận đỉnh đầu trên cao vòi-vọi,

Lòng thoả-thích trong cơn thiền-định,

Biết đủ, sống độc-cư, trầm-tĩnh,

Người ấy xứng danh là tỳ-kheo.

(Kệ số 362.)

 

Tỳ-kheo đã chế-phục miệng lưỡi,

Khiêm-nhường, khéo nói, chẳng thừa lời,

Giải-thích rõ nghĩa Pháp sáng ngời,

Ngọt-ngào thay, lời nói Tỳ-kheo!

(Kệ số 363.)

 

Tỳ-kheo nào trú trong Chánh-pháp.

Thoả-thích suy-tư theo Chánh-pháp,

Tâm-niệm hằng tưởng nhớ Chánh-pháp,

Ắt chẳng sa-đọa lìa Chánh-pháp.

(Kệ số 364.)

 

Chẳng khinh-rẻ những gì mình lãnh-thọ,

Chẳng hờn-ganh kẻ khác được người cho.

Tỳ-kheo còn ganh hiền ghét ngỏ,

Hành thiền, chẳng đắc định bao giờ.

(Kệ số 365.)

Tuy nhận ít mà chẳng hề chê,

Sống thanh-tịnh đúng bề Chánh-mạng,

Chẳng lười-nhác nên được lời xưng-tán

Của Chư Thiên gởi đến vị Tỳ-kheo.

(Kệ số 366.)

 

 

Đối với thân-tâm là danh-sắc,

‘Ta’ và ‘của Ta’ chẳng thắc-mắc,

Chẳng lo-âu những gì chưa đắc,

Đó mới xứng danh là Tỳ-kheo.

(Kệ số 367.)

 

Tỳ-kheo, tâm từ-bi an trú,

Tín-thành hành giáo-pháp Phật-đà;

Cảnh tịch-tĩnh Niết-bàn thành-tựu,

Các hành hữu-lậu được an-hoà.

(Kệ số 368.)

Thuyền rỗng-không nầy ví tấm thân,

Tỳ-kheo mau tát cho khô nước,

Hãy dập tắt ngay lửa tham-sân,

Thuyền nhẹ đi nhanh đến Niết-bàn.

(Kệ số 369.)

Cắt đứt NĂM là ngũ độn-sử,

Dứt bỏ NĂM là ngũ lợi-sử,

Trau-dồi NĂM là ngũ-lực,

Vượt khỏi NĂM là ngũ phược,

Đó gọi là bực "Vượt Bộc-lưu" .

(Kệ số 370.)

Tỳ-kheo, hãy hành thiền tinh-tấn,

Chớ thả tâm quanh-quẩn thú vui.

Phóng-dật, nuốt hòn sắt nóng đỏ,

Lửa điạ-ngục thiêu, chớ than khổ!

(Kệ số 371.)

Chẳng có định-tâm nơi người thiếu trí,

Chẳng có trí nơi kẻ thiếu định-tâm.

Vị nào được cả hai: định, huệ,

Vị ấy kề bên bệ Niết-bàn.

(Kệ số 372.)

Tỳ-kheo đến ẩn nơi vắng-vẻ,

Tâm-tư thường lặng-lẽ an-nhiên.

Chứng thông Giáo-pháp hành thiền,

Hưởng nguồn phỉ-lạc siêu-nhiên thoát trần.

(Kệ số 373.)

Mỗi khi quán-tưởng và thấu rõ

Các uẩn khởi-sanh rồi hoại-diệt,

Phỉ và lạc, tỳ-kheo hưởng-thọ,

Chỉ bực Bất-tử mới được biết.

(Kệ số 374.)

Đây là chỗ bắt đầu nỗ-lực,

Tỳ-kheo có trí, biết tri-túc,

Các giác-quan đều được thu-thúc,

Giới-luật căn-bản luôn nghiêm-trì.

(Kệ số 375.)

Bạn hiền gần-gũi khéo kết thân,

Đúng chánh-mạng, cử chỉ đoan-trang,

Do đó, thấm-nhuần trong phỉ-lạc,

Phiền-não sớm dứt, hướng Niết-bàn.

(Kệ số 376.)

 

Như cây lài rủ bỏ hoa tàn-héo,

Tỳ-kheo, nên khéo trút sạch tham-sân.

(Kệ số 377.)

 

Thân an-tịnh, lời cùng an-tịnh,

Ý an-tịnh, tâm thường giác-tỉnh.

Mọi thế-sự, tỳ-kheo dẹp qua,

Mới xứng danh là "Bực tịch-tịnh"

(Kệ số 378.)

 

Tỳ-kheo, hãy tự kiểm-thảo mình,

Tự mình phòng-hộ và dò soát.

Tâm-tư hằng tỉnh-giác,

Cuộc sống được an-lành.

(Kệ số 379.)

Mình là nơi mình đang nương-tựa,

Ta đi tìm ẩn-trú nơi ta.

Thế nên tự-chế, chớ lơ-là,

Như khách thương luyện thuần bầy ngựa.

(Kệ số 380.)

 

Tỳ-kheo thường hân-hoan dào-dạt,

Vững niềm tin giáo-pháp Phật-đà.

Cảnh-giới tịch-tịnh sớm chứng qua,

Các hành hữu-lậu được tịnh-lạc.

(Kệ số 381.)

 

Tỳ-kheo dẫu tuổi đời còn trẻ,

Siêng tu theo pháp Phật hằng ngày,

Sáng soi rực-rỡ thế-gian nầy,

Như vầng trăng vừa thoát khỏi mây.

(Kệ số 382.)

 

XXVI.- Phẩm BÀ-LA-MÔN.

 

Nầy Bà-la-môn,

Hãy tinh-tấn đoạn dòng áí-dục,

Thú vui vật-chất nên lià bỏ,

Các hành hoại-diệt đà thấu rõ,

Hãy làm người chứng-đắc vô-vi.

(Kệ số 383.)

 

Khi an-trú hai pháp: Chỉ, Quán,

Bà-la-môn đạt tới bỉ-ngạn.

Đối với "người thông-suốt" nầy,

Mọi kết-sử đều đoạn-tận.

(Kệ số 384.)

 

Người chẳng chấp bờ nầy, bờ nọ,

Cả hai bờ chẳng chấp có, không.

Thoát-ly phiền-não, hết trói buộc,

Như-Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 385.)

 

Người hành Thiền, ẩn-cư, vô-nhiễm,

Thoát-ly lậu-hoặc, nhiệm-vụ xong,

Thành-đạt được mục-đích tối-tôn,

Như -Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 386.)

 

Ban ngày mặt trời chiếu sáng,

Ban đêm ánh trăng tỏ rạng.

Khí-giới chói loà Sát-đế-lỵ,

Đắc thiền-định sáng nơi Phạm-chí.

Chỉ riêng đức Phật chiếu hào-quang

Rạng-rỡ đêm ngày khắp thế-gian.

(Kệ số 387.)

 

Lìa ác-nghiệp là Bà-la-môn.

Sống trong an-tịnh là Sa-môn.

Tự mình dứt bỏ mọi ô-nhiễm

Nên được gọi là bực xuất-gia.

(Kệ số 388.)

 

 

Chớ nên đánh-đập vị Phạm-chí.

Bị đập, Phạm-chí chớ trả thù.

Xấu-hổ thay, ai đập Phạm-chí!

Xấu-hổ hơn, Phạm-chí trả thù!

(Kệ số 389.)

Đối với người được gọi là Phạm-chí,

Lợi chẳng nhỏ, nếu bỏ ý trả thù.

Đến mức nào, tâm tác-hại bị chận,

Đến chừng ấy, tiêu-trừ xong khổ-hận.

(Kệ số 390)

 

Với người, ác-nghiệp chẳng tạo nhơn,

Bằng thân, bằng miệng hay bằng ý,

Tự điều-phục trong ba đường ấy,

Như-lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 391.)

 

Trước nhờ ai chỉ ta vào cửa

Hiểu sâu Chánh-pháp Như-Lai dạy.

Hãy trang-trọng kính-lễ người ấy,

Như Bà-la-môn thờ thần lửa.

(Kệ số 392.)

 

 

Đâu vì giai-cấp, họ-hàng, tóc bện,

Mà được trở thành bực Bà-la-môn.

Chỉ ai CHÂN, CHÁNH, TINH đủ trọn-vẹn

Người ấy quả thật là Bà-la-môn.

(Kệ số 393.)

 

Ngu ơi! Bện tóc có ích gì?

Mặc áo da dê được lợi chi?

Nội-tâm phiền-não còn rối-rắm,

Sao cố điểm tô ở ngoại-vi?

(Kệ số 394.)

 

Người mặc áo phấn-tảo,

Da lộ gân, thân gầy,

Cô-độc hành-thiền giữa rừng cây,

Như-Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 395.)

 

Như-Lai chẳng gọi là Bà-la-môn

Kẻ từ bụng mẹ Phạm-chí sanh ra,

Nếu tâm còn phiền-não

Chỉ đáng gọi "mầy tao".

Người thoát-ly luyến-ái và phiền-não,

Như-Lai mới bảo là Bà-la-môn.

(Kệ số 396.)

 

Người đã cắt đứt mọi kết-sử,

Chẳng còn sợ-hãi, chẳng đắm-trước,

Thoát khỏi tất cả mọi ràng-buộc,

Như-Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 397.)

 

Bỏ đai da"sân", cắt cương "ái-mộ";

Chặt dây "tà-kiến", phụ-tùng "tùy-miên".

Phá chốt "vô-minh", đã giác-ngộ,

Như-Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 398.)

 

 

 

Chẳng sân-hận, nhận lời trách-móc,

Cam chịu cực-hình và roi-vọt

Lấy nhẫn làm sức mạnh ba quân,

Như-Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 399.)

 

Chẳng sân-hận, làm tròn bổn-phận.

Giới-hạnh trang-nghiêm, tham-ái tận,

Căn nhiếp-phục, thân nầy là chót,

Như-Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 400.)

 

 

Như nước đổ trên lá sen,

Như hột cải trên đầu kim,

Người dục-lạc chẳng ố-hoen,

Như-Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 401.)

 

 

Ai ngay tại cõi đời nầy,

Chứng-tri đau-khổ mảy-may chẳng còn,

Siêu-thoát, bên đường buông gánh nặng,

Như-lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 402.)

 

Người có trí, kiến-thức sâu xa,

Phân-biệt rành đường chánh nẻo tà,

Thành-đạt được mục-tiêu tối-thượng,

Như-Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 403.)

 

Chẳng thân-thiết quá với cả hai:

Kẻ tại-gia, như hàng tăng-lữ;

Thiểu-dục, độc-thân, đi đó đây,

Như-Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 404.)

 

Kẻ nào đao trượng đã từ-khước,

Đối mọi chúng-sanh cường hay nhược,

Chẳng hề giết, chẳng hề bảo giết,

Như-Lai gọi là Bà-la-môn

(Kệ số 405.)

 

Thân-thiện giữa những người thù-nghịch,

Ôn-hoà giữa bọn địch hung-hăng,

Vô-nhiễm giữa những ai hằng đắm-chấp,

Như-Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 406.)

 

 

Người chẳng còn chi bám dính nổi,

Tham, sân, kiêu-mạn, tị, hiềm,

Cũng như hột cải rơi khỏi đầu kim,

Như-Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 407.)

 

Người nói lời hoà-nhã, êm tai,

Lời xây-dựng, cùng lời chơn-thật,

Chẳng bao giờ nói mích lòng ai,

Như-Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 408.)

 

Người chẳng lấy của chửa được cho,

Dầu đó là vật nhỏ hay to,

Dài hay ngắn, hoặc thô, hoặc đẹp,

Như-Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 409.)

 

Bất cứ điều gì, người chẳng tham-cầu,

Trong đời nầy hay vào các đời sau,

Dứt tham-ái, nên được giải-thoát,

Như-Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 410.)

 

Người lìa tham-ái, tri-kiến đủ,

Ngộ Chơn-lý, chẳng chút nghi-nan,

Chứng cảnh-giới Bất-tử Niết-Bàn,

Như-Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 411.)

 

Đời nầy, kẻ vượt thoát ràng-buộc,

Của cả hai điều thiện và ác,

Chẳng sầu, thanh-tịnh và giải-thoát,

Như-Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 412.)

 

Người nào như vầng trăng thanh-tịnh,

Rạng-rỡ, trắng trong và trầm-tĩnh,

Luyến-ái vào hiện-hữu dứt xong,

Như-Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 413.)

 

Người thoát khỏi vũng lầy ‘tham-ái’,

Trải qua đường ‘phiền-não’ hiểm-nguy,

Vượt trùng-dương ‘Luân-hồi’ mê tối,

Sang đến bờ ‘thiền-định’, dứt nghi,

Tịch-tĩnh, chẳng bấu-víu điều chi,

Như-Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 414.)

 

 

Ai đời nầy dục-lạc lià bỏ,

Rời gia-đình theo ngõ xuất-gia,

Dục-ái, hữu-ái đà đoạn-tận,

Như-Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 415.)

 

 

Ai đời nầy, khát-ái lià bỏ

Rời gia-đình, theo ngõ xuất-gia,

Dục-ái, hữu-ái đà đoạn-tận

Như-Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 416.)

 

Người tách khỏi ràng-buộc cõi người,

Vượt lên trên câu-thúc cõi Trời,

Thoát-ly mọi hệ-lụy

Như-Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 417.)

 

Người đã bỏ điều thích, điều phiền,

Kiên-trì, chẳng ô-nhiễm, thản-nhiên,

Khắc-phục xong thế-giới ‘năm uẩn’,

Như-Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 418.)

 

Người khéo vượt qua, hiểu triệt-để

Lẽ sống chết của mọi chúng-sanh,

Vô-nhiễm, giác-ngộ Tứ-diệu-đế,

Như-lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 419.)

Bực mà người, Trời, Càn-thát-bà,

Chỗ thọ-sanh, chẳng tìm ra được,

Lậu-hoặc-tận, chứng A-la-hán,

Như-Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 420.)

 

 

 

Người chẳng hề bám-víu vào chi

Trong quá-khứ, vị-lai, hiện-tại,

Chẳng nắm giữ, vì chẳng có gì,

Như-Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 421.)

 

Bực ngưu-vương chẳng hề úy-kỵ,

Bực đại-sĩ anh-hùng cao-quí,

Bực chiến-thắng, chẳng hề nhiễm-ô,

Bực tẩy-tịnh, bực đại-giác-ngộ,

Như-lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 422.)

 

Bực Thánh biết cả quá-khứ mình,

Thấy cảnh Trời, cùng các đoạ-xứ,

Ngay đời nầy, chấm dứt sanh-tử,

Với thắng-trí tự mình cải-tiến,

Hoàn-tất đạo-quả được viên-thành,

Như-Lai gọi là Bà-la-môn.

(Kệ số 423.)

 

   

 

XXI.- Phẩm Tạp-lục

 

Nếu niềm vui nhỏ buông đi

Đón về hạnh phúc trăm bề lớn hơn,

Người khôn vui nhỏ chẳng vương

Đón niềm vui lớn ngát hương tâm hồn.290

 

Gieo đau gieo khổ cho người

Để mong cầu được niềm vui cho mình

Sẽ gây oán hận thật tình

Không sao thoát khỏi quẩn quanh hận thù.291

 

 

Việc nên làm lại không làm

Đi làm những việc không cần thiết chi

Những người phóng túng kiêu kỳ

Não phiền, tội lỗi ắt thì gia tăng.292

Những người cần mẫn siêng năng

Thường lo quán sát kỹ càng bản thân

Không làm những việc chẳng cần,

Việc cần cố gắng chu toàn cho xong

Suy tư, sáng suốt, tinh khôn

Não phiền, tội lỗi không còn vương mang.293

Trừ mẹ ái dục cho mau,

Trừ cha kiêu ngạo, tự hào, khoe khoang,

Trừ hai Vua nọ kiêu căng

Tham vọng, hiếu chiến, ý càng lầm sai

Chẳng tin nhân quả, luân hồi

Khó mà giải thoát, muôn đời hại dân,

Trừ thêm vương quốc kia luôn

Hạ mười hai xứ: sáu trần, sáu căn

Tự mình làm chủ giác quan

Tạo ra an lạc thân tâm bội phần,

Trừ luôn cả vị đại thần

Bo bo gìn giữ kho tàng quốc vương

Khác gì một kẻ lầm đường

Ham mùi luyến ái, vấn vương cuộc đời

Trừ xong mọi việc trên rồi

Vị A La Hán thảnh thơi cõi lòng

Ra đi, sầu muộn chẳng còn.294

Trừ mẹ ái dục cho mau,

Trừ cha kiêu ngạo, tự hào luôn luôn,

Trừ hai Vua Bà La Môn

Luôn mang tư tưởng sai lầm mãi thôi

Chẳng tin nhân quả luân hồi

Khó mà giải thoát, muôn đời ngu si

Trừ con đường nọ hiểm nguy

Giăng năm chướng ngại ngăn che mắt trần

Giống năm vị tướng dữ dằn

Hoài nghi là tướng đứng hàng thứ năm,

Trừ xong mọi việc khó khăn

Vị A La Hán thênh thang cõi lòng

Ra đi, sầu muộn chẳng còn.295

Những người đệ tử Phật Đà

Đêm ngày tỉnh giác để mà nghĩ suy

Nghĩ về Đức Phật từ bi

Một lòng tưởng niệm sớm khuya chuyên cần.296

Những người đệ tử Phật Đà

Đêm ngày tỉnh giác để mà nghĩ suy

Nghĩ về Chánh Pháp từ bi

Một lòng tưởng niệm sớm khuya chuyên cần.297

 

Những người đệ tử Phật Đà

Đêm ngày tỉnh giác để mà nghĩ suy

Nghĩ về Giáo Hội từ bi

Chư Tăng hòa hợp sớm khuya tu hành.298

 

Những người đệ tử Phật Đà

Đêm ngày tỉnh giác để mà nghĩ suy

Sắc thân bất tịnh kể chi

Nên tìm hiểu rõ mọi bề cho mau.299

 

 

Những người đệ tử Phật Đà

Đêm ngày tỉnh giác để mà nghĩ suy

Về niềm vui lớn kể chi:

Chớ gây tổn hại chút gì cho ai.300

 

Những người đệ tử Phật Đà

Đêm ngày tỉnh giác để mà nghĩ suy

Về niềm vui lớn kể chi:

Lo tu thiền định sớm khuya chuyên cần.301

Khó thay diệt ái dục rồi

Để mà vui sống cuộc đời xuất gia,

Khó thay cuộc sống tại nhà

Trần gian sinh hoạt thật là thương đau,

Khổ thay phải sống gần nhau

Khi không ý hợp tâm đầu êm xuôi,

Khổ thay cứ mãi nổi trôi

Trong vòng sinh tử luân hồi quẩn quanh,

Vậy lo vượt thoát cho nhanh

Khổ đau nơi ấy, tử sinh chốn này.302

Tâm ai tràn ngập niềm tin

Lại thêm giới hạnh giữ gìn thanh cao

Có thêm tài đức dồi dào

Đi đâu cũng được đón chào tôn vinh.303

Người lành dầu ở chốn xa

Vẫn luôn tỏ rạng như là núi cao,

Còn như người ác lạ sao

Dù cho kề cận ai nào thấy đâu

Như tên bắn giữa đêm thâu.304

 

Một mình đi đứng nằm ngồi

Chẳng hề buồn chán sống nơi âm thầm

Tự mình điều phục thân tâm

Dù trong rừng vắng muôn phần sống vui.305

 XXII.- Phẩm ĐỊA-NGỤC.

 

Nói lời xảo trá dối gian,

Làm rồi lại chối không làm, không hay

Ai mà tạo những nghiệp này

Chết vào địa ngục đọa đày tránh đâu

Làm người ty tiện dài lâu.306

 

Dù cho mặc lắm cà sa

Nhưng mà hạnh ác, gian tà chẳng ngăn

Sau vì nghiệp ác mình làm

Chết vào địa ngục gian nan đọa đày.307

 

Hay phá giới, chẳng tu hành

Thà nuốt sắt đỏ vào mình nóng ran

Như cho lửa cháy đốt thân

Còn hơn thọ lãnh nhân dân cúng dường.308

 

Buông lung theo vợ, chồng người

Mắc vào bốn nạn khiến đời bất an:

Bản thân tội lỗi vương mang,

Ngủ đêm trằn trọc, tâm can rối bời

Bà con khinh bỉ chê cười

Chết vào địa ngục là nơi đọa đày.309

Mang về vô phước cho mình,

Đọa làm ác thú. Cuộc tình vui chi

Vì đang lo sợ mọi bề,

Thêm vua phạt tội nặng nề bản thân,

Cho nên phải giữ thân tâm

Vợ, chồng người chớ tà dâm hoang đàng.310

Cỏ kia sắc tựa lưỡi dao

Những người vụng dại nắm vào đứt tay,

Sa Môn tà hạnh còn đầy

Tất nhiên địa ngục đọa ngay tức thì.311

 

 

Ai mà phóng đãng buông lung

Không theo giới cấm, vô cùng nhiễm ô

Sống đời đạo hạnh đáng ngờ

Không sao chứng quả, khó mà thành công.312

 

Việc cần làm, phải nên làm

Làm cho hết sức, tận tâm, nhiệt tình,

Xuất gia mà chẳng giữ mình

Hành vi phóng đãng, tu hành buông lơi

Chỉ gieo cát bụi cho đời.313

Đừng làm ác, chẳng lợi gì!

Gieo đi độc ác, gặt về khổ đau

Làm lành, làm tốt cho mau

Không hề hối tiếc, trước sau đẹp lòng.314

 

Tựa như thành ở biên cương

Trong ngoài phòng thủ kỹ càng nghiêm minh

Ta nên phòng hộ thân mình

Chớ nên chểnh mảng mặc tình buông lung

Buông lung nguy hiểm vô cùng

Đọa đày địa ngục trong chừng phút giây.315

 

Việc không đáng hổ thẹn gì

Mà ta hổ thẹn, lạ kỳ làm sao?

Việc kia đáng thẹn biết bao

Mà ta chẳng thẹn chút nào cho cam

Cứ ôm nhận định sai lầm

Đọa đày địa ngục trăm phần tránh đâu!316

Việc không đáng sợ hãi gì

Mà ta sợ hãi, lạ kỳ làm sao?

Việc kia đáng sợ biết bao

Mà ta chẳng sợ chút nào cho cam

Cứ ôm nhận định sai lầm

Đọa đày địa ngục trăm phần tránh đâu!317

Việc không lầm lỗi chút gì

Mà ta tưởng lỗi, lạ kỳ làm sao?

Việc kia lầm lỗi biết bao

Mà không thấy được chút nào cho cam

Cứ ôm nhận định sai lầm

Đọa đày địa ngục trăm phần tránh đâu!318

Khi làm lỗi, nhận lỗi mình

Khi không làm lỗi biết rành rằng không

Nghĩ suy sáng suốt luôn luôn

Đúng sai, phải trái nhận chân đôi đường

Cảnh nhàn chờ đón thơm hương.319

 

XXIII.- Phẩm VOI.

 

Như voi ra trước trận tiền

Luôn luôn hứng chịu cung tên bắn mình

Như Lai nhẫn nhục tu hành

Chịu điều phỉ báng cũng đành lòng thôi,

Sống vô tư cách lắm người

Xa điều giới luật, ghét nơi cửa thiền.320

Luyện voi dự hội, tài thay

Luyện voi vua cưỡi cũng hay vô cùng,

Nhưng mà nếu luyện được lòng

Luôn luôn nhẫn nhục, chẳng còn nổi sân

Khi nghe phỉ báng bản thân

Mới là điêu luyện, muôn phần tài hơn.321

Con la được huấn luyện qua

Trở nên thuần tánh, tỏ ra tốt lành,

Ngựa nòi sinh chốn sông xanh

Sau khi huấn luyện, trở thành ngựa hay,

Voi ngà to lớn quý thay

Sau khi huấn luyện voi này tuyệt luân,

Con người nếu chính bản thân

Tự mình thuần hóa được luôn chính mình

Mới là người thật tài tình!322

Nào đâu nhờ những xe này

Mà ngươi lại đến được ngay Niết Bàn

Chỉ người tu luyện đàng hoàng

Tự mình điều phục bản thân tốt lành

Niết Bàn mới đến được nhanh.323

Voi kia khó trị vô vàn

Đến kỳ phát dục lại càng hung hăng

Khi chân bị trói, bị ràng

Ngày không ăn uống, đêm hằng nhớ thương

Nhớ đàn, nhớ mẹ, nhớ rừng.324

Người phàm, ngu muội, tham ăn

Lại thêm ưa ngủ, nằm lăn lóc hoài

Như heo ăn bụng no rồi

Tái sinh chịu mãi, luân hồi tránh đâu.325

Như Lai thuở trước buông lung

Bao nhiêu tham dục cứ thường chạy theo,

Tâm ta nay đã xoay chiều

Nhờ vào chánh niệm ta điều phục tâm

Như voi hung dữ vô ngần

Nhờ tay quản tượng sẽ thuần tính ngay.326

Canh phòng tâm thật kỹ càng

Tươi vui, sáng suốt, siêng năng, nhiệt tình

Mình lo tự cứu lấy mình

Khỏi đường tà ác chúng sinh đọa đày

Như voi kia bị sa lầy

Rút chân gắng sức vượt ngay đầm bùn.327

Nếu mà gặp bạn đồng hành

Hiền lương, trí tuệ cùng mình đi xa

Hãy vui sánh bước hoan ca

Bên người khôn khéo vượt qua hiểm nghèo.328

Nếu không gặp bạn đồng hành

Hiền lương, trí tuệ cùng mình đi xa

Ta nên sống một mình ta

Như vua lánh khỏi nước nhà bại vong,

Như voi kia sống thong dong

Một mình thanh thản ở trong rừng già.329

Thà ta cứ ở một mình

Còn hơn có bạn đồng hành ngu si,

Mình ta rong ruổi bước đi

Tránh làm điều ác có chi phiền lòng,

Như voi kia sống thong dong

Một mình thanh thản ở trong rừng già.330

Vui thay có bạn khi cần!

Vui thay thấy đủ trong tầm đôi tay

Với gì mình có hiện nay!

Vui thay khi chết thân này tạo ra

Nghiệp lành nở đẹp như hoa!

Vui thay thống khổ lìa xa chẳng còn!331

Ở đời còn có nhân duyên

Kính yêu, phụng dưỡng mẹ hiền là vui,

Công cha như núi cao vời

Kính yêu phụng dưỡng được người là vui,

Cũng vui thay nếu ở đời

Có lòng tôn kính tìm nơi cúng dường

Sa Môn cùng với thánh nhân.332

Vui thay từ trẻ đến già

Luôn luôn giữ giới thiết tha chẳng rời,

Vui thay khi sống làm người

Niềm tin chân chánh muôn đời chẳng thay!

Vui thay trí tuệ tràn đầy!

Vui thay điều ác hàng ngày tránh xa!333

 XXIV.- Phẩm THAM-ÁI.

 

Sống đời say đắm buông lung

Thì lòng ái dục vô cùng tăng nhanh

Giống như giữa chốn rừng xanh

Giây leo, cỏ dại mặc tình tràn lan,

Đời người tiếp nối miên man

Khác gì khỉ, vượn đang tham quả rừng

Chuyền cây liên tục chẳng ngừng.334

Nếu mà ở cõi trần gian

Bị điều ái dục buộc ràng vây quanh

Thời bao sầu khổ tăng nhanh

Như là cỏ dại thỏa tình hứng mưa.335

Đời này nếu bản thân ta

Khi điều ái dục vượt qua chẳng màng

Thời bao sầu khổ lìa tan

Như mưa trơn tuột khỏi hàng lá sen.336

Điều Như Lai dạy các ngươi:

"Lành thay cho kẻ họp nơi chốn này

Nhổ cho sạch gốc rễ ngay

Diệt trừ ái dục thẳng tay từ nguồn

Như là nhổ rễ cỏ hoang

Chớ nên để lũ Ma quân dục tình

Quẩn quanh phá hoại tâm mình

Như cơn nước lũ tung hoành bụi lau".337

Đốn cây mà chẳng chịu đào

Hết luôn gốc rễ bám vào đất sâu

Thì cây lại mọc ra mau,

Đoạn trừ ái dục khác nào đốn cây

Đoạn cho căn gốc sạch ngay

Nếu không khổ não mãi quay trở về.338

Người ham ái dục luôn luôn

Theo ba mươi sáu dòng tuôn bạo tàn

Cuốn vào cảnh dục dễ dàng.

Những người ái dục dâng tràn trong tâm

Bị dòng ái dục cuốn phăng.339

Dòng sông ái dục dâng tràn

Như dây leo dại mọc lan khắp miền,

Thấy dây leo mới nhô lên

Dùng gươm trí tuệ diệt liền cho mau

Diệt trừ tận gốc thật sâu.340

Người đời ái dục thích ham

Nên ưa rong ruổi theo làn sóng xô

Ngụp chìm biển dục vô bờ

Tuy cầu hạnh phúc khó mà thành công

Vẫn còn trong chốn trầm luân

Quẩn quanh sinh tử vẫy vùng thoát đâu.341

Người mà ái dục bao trùm

Kinh hoàng như thỏ vẫy vùng lưới kia

Sa vào bẫy, sợ kể chi,

Não phiền, ái dục chẳng lìa cho mau

Khổ đau càng chịu dài lâu.342

Người mà ái dục bao trùm

Kinh hoàng như thỏ vẫy vùng lưới kia

Sa vào bẫy, sợ kể chi,

Tỳ Kheo ái dục gắng lìa cho mau

Niết Bàn giải thoát xa đâu.343

Người lìa ái dục, xuất gia

Sống vui ở chốn rừng già, núi sâu

Để rồi một sớm quay đầu

Xuôi dòng ái dục thương đau về nhà,

Kẻ hoàn tục đáng xót xa

Cởi ra rồi lại tự ta trói vào.344

Với người trí tuệ mở mang

Dù cho trói buộc bằng phương tiện gì:

Dây gai, cây, sắt sá chi

Nào đâu vững chắc, chẳng hề bền lâu!

Riêng lòng luyến ái khát khao

Vợ con, châu báu quyện vào chẳng xa,

Trói này sao gỡ cho ra!345

Những người có trí nói rằng:

"Dây này trói buộc ngày càng chắc thêm!"

Dây tuy mềm mại, êm đềm

Nhưng mà sao dễ nhận chìm người ta

Khó mà tháo gỡ cho ra

Thế nên người trí lìa xa dục tình

Cắt dây luyến ái cho nhanh

Tự mình giải thoát, tu hành bản thân.346

Những người ái dục đắm chìm

Xuôi dòng ái dục vào miền khổ đau

Lọt vòng dây trói trước sau

Tựa như con nhện mắc vào lưới giăng.

Ai mà dứt mọi buộc ràng

Không còn ái dục, chẳng vương não phiền.347

Mặc cho quá khứ trôi đi

Níu chi hiện tại, chờ gì tương lai

Rời mau bến thảm cuộc đời

Vượt qua bờ nọ là nơi tuyệt vời

Khi tâm đã giải thoát rồi

Đâu còn sinh lão nổi trôi xoay vần.348

Người nào bị khuấy động nhiều

Bởi tâm xấu ác, bởi điều bất lương

Thường ham dục lạc vô cùng,

Người mà dục lạc cầu mong tăng nhiều

Tự mình một sớm một chiều

Trói mình thêm chặt vào theo não phiền.349

Ai vui vì chẳng còn vương

Tư tưởng bất thiện, bất lương loại trừ,

Xác thân bất tịnh suy tư

Giữ gìn chánh niệm, thích ưa điều lành

Sẽ trừ ái dục vây quanh

Ma Vương ràng buộc phá nhanh dễ dàng.350

Mục tiêu ai đạt tới nơi

Không còn sợ hãi. Xa rời nhiễm ô

Xa lìa ái dục êm ru

Cắt đi gai chướng nhỏ to trong đời

Mũi tên sinh tử nhổ rồi

Thân này là cuối, luân hồi còn đâu.351

Xa lìa ái dục tầm thường

Không còn luyến tiếc vấn vương bận lòng

Bao nhiêu giáo pháp tinh thông

Lời văn, ý nghĩa vô cùng hiểu sâu

Là người trí tuệ hàng đầu

Vĩ nhân đáng kính, còn đâu luân hồi,

Thân này là cuối cùng rồi.352

Như Lai vượt tất cả rồi

Lại còn thông suốt, sáng soi mọi bề

Bao nhiêu trói buộc dứt lìa

Thoát ly tất cả còn gì vấn vương

Chú tâm trọn vẹn một đường

Diệt đi ái dục tầm thường thế gian

Tự mình chứng ngộ đạo vàng

Ta còn xưng tụng ai làm thầy đây!353

Coi như bố thí hàng đầu

Là đem Chân Lý nhiệm mầu tặng nhau,

Coi như hương vị tối cao

Hương vị Chân Lý ngọt ngào dài lâu

Coi như hoan hỷ hàng đầu

Niềm vui Chân Lý thấm sâu tuyệt vời,

Người nào ái dục diệt rồi

Vượt qua phiền não, xa rời khổ đau.354

Giàu sang, tài sản dồi dào

Chỉ làm hại được kẻ nào ngu thôi,

Dễ gì hại được những người

Đang cầu giác ngộ hướng nơi Niết Bàn,

Chỉ vì ham muốn giàu sang

Kẻ ngu tự hại bản thân đã đành

Hại thêm cả kẻ xung quanh.355

Cỏ hoang làm hại ruộng vườn

Tham lam gây hại nhiều hơn cho người,

Tham lam ai đã lìa rồi

Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng

Hưởng về phước báu vô vàn.356

Cỏ hoang làm hại ruộng vườn

Lòng sân gây hại nhiều hơn cho người,

Ai lìa sân hận được rồi

Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng

Hưởng về phước báu vô vàn.357

Cỏ hoang làm hại ruộng vườn

Si mê gây hại nhiều hơn cho người,

Si mê ai đã lìa rồi

Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng

Hưởng về phước báu vô vàn.358

Cỏ hoang làm hại ruộng vườn

Ái dục gây hại nhiều hơn cho người,

Ai lìa ái dục được rồi

Cúng dường vị ấy chẳng nơi nào bằng

Hưởng về phước báu vô vàn.359

 

 

XXV.- Phẩm TỲ-KHEO.

 

 

 

Người nào chế ngự được ngay

Mắt, tai, mũi, lưỡi: lành thay vô ngần!

Lại thêm chế ngự được thân

Cũng như lời nói và tâm ý mình

Nói chung quả thật tài tình!

Tỳ Kheo nào bản thân mình thật hay

Chế ngự xong mọi điểm này

Khổ đau giải thoát, đọa đày tiêu tan.360-361

 

 

 

Người nào chế ngự tay chân

Giữ gìn lời nói và tâm ý mình

Thích ưa thiền định nhiệt thành

Độc thân, tự tại, tu hành cô liêu

Biết đầy đủ, chẳng ham nhiều

Xứng danh là bậc Tỳ Kheo vô cùng.362

 

 

Tỳ Kheo ngôn ngữ thuần rồi

Nói câu khôn khéo, tránh lời tự cao

Thì khi giảng Pháp ngọt ngào

Muôn phần êm dịu, xiết bao rõ ràng.363

Tỳ Kheo chánh pháp tuân theo

Một lòng suy tưởng, mến yêu đạo mầu

Tư duy chánh pháp thâm sâu

Sẽ không sa đọa. Chẳng bao giờ rời

Mãi theo chánh pháp tuyệt vời.364

Điều mình thọ lĩnh được rồi

Chớ nên coi rẻ, buông lời khinh khi,

Người ta thọ lĩnh được chi

Chớ thèm, chớ muốn thứ gì của ai,

Tỳ Kheo ganh tỵ người ngoài

Khó mà an trú cho nơi tâm mình

Bao điều thiền định tốt lành.365

Tỳ Kheo thọ lĩnh cúng dường

Ít nhiều cũng chẳng coi thường khinh chê

Cứ luôn sinh hoạt mọi bề

Siêng năng, thanh tịnh không hề buông lơi

Chư thiên khen ngợi hết lời.366

Thân tâm, danh sắc biết ra

Cái "ta" không chấp, "của ta" chẳng màng,

Ưu tư, sầu não sẽ tan

Khi "ta" không chấp, chẳng màng "của ta"

Người như vậy thật cao xa

Xứng danh đáng được gọi là Tỳ Kheo.367

Tỳ Kheo chất chứa trong tâm

Từ bi hoa nở hương thầm bay xa

Vui trong giáo pháp Phật Đà

Sẽ mau đạt cảnh thăng hoa Niết Bàn

Nhanh siêu thoát, sớm bình an

Chẳng còn phiền não, vô vàn sướng vui.368

Tỳ Kheo tát nước thuyền này

Thuyền không nhẹ nhõm xuôi ngay theo dòng,

Tham và sân trừ diệt xong

Thân này cũng nhẹ thoát vòng nhiễm ô

Niết Bàn mau chóng qua bờ.369

Tỳ Kheo nào cắt đứt xong

Năm điều phiền não chẳng còn vấn vương,

Năm điều ô trược dứt luôn,

Năm căn lành tốt tìm phương trau dồi,

Năm điều trói buộc vượt rồi

Xứng danh được gọi là người thành công

"Vượt dòng nước lũ" mênh mông.370

Tỳ Kheo hãy cố tu thiền

Chớ nên buông thả, chớ nên lơ là

Tâm mình ái dục tránh xa

Đừng chờ nuốt sắt nóng mà kêu than:

"Thân thiêu đốt khổ vô vàn!"371

Khi mà trí tuệ thiếu rồi

Thời bao thiền định trôi xuôi theo dòng,

Khi mà thiền định chẳng còn

Thời bao trí tuệ theo dòng trôi xuôi,

Ai mà định, tuệ đủ đôi

Sóng vàng đưa lối kề nơi Niết Bàn.372

Tỳ Kheo ẩn dật sống nhàn

Luôn luôn yên tịnh vô vàn trong tâm

Bao điều chánh pháp nhận chân

Sẽ vui hưởng thú siêu nhân hơn người.373

 

Ai mà suy nghĩ, nhận chân

Lẽ sinh diệt của thân tâm này rồi

Thân tâm ngũ uẩn con người,

Hưởng ngay hạnh phúc, niềm vui tốt lành

Của người thoát khỏi tử sinh.374

 

Tỳ Kheo có trí hiểu rằng

Phải lo chế ngự lục căn cho lành,

Tự mình biết đủ phần mình,

Đạo mầu giới luật nghiêm minh giữ gìn

Kết thân với các bạn hiền

Có tài, có đức lại thêm chuyên cần.

Chân thành giao thiệp xa gần

Tác phong đoan chính muôn phần thanh cao,

Được như vậy tốt là bao

Xua đi phiền não, đón vào sướng vui.375-376

 

Như hoa lài lúc héo tàn

Buông rơi cánh úa theo làn gió kia,

Tỳ Kheo theo đó khác chi

Tham và sân xả hết đi mọi đường.377

Tỳ Kheo thanh tịnh bản thân

Ôn hòa ngôn ngữ, bình an tâm hồn

Ung dung tự tại luôn luôn

Không màng dục lạc thế nhân thường tình

Con người an tịnh xứng danh!378

Tự mình hãy kiểm soát mình

Tự mình dò xét chân thành bản thân

Tự mình giác tỉnh canh phòng

Tỳ Kheo sẽ sống vô cùng an vui.379

 

Tự mình bảo vệ bản thân

Tự mình nương tựa chẳng cần nhờ ai,

Vậy nên kiềm chế thân người

Như là chàng lái buôn ngồi ngựa hay

Lo kiềm chế ngựa luôn tay.380

 

Tỳ Kheo hoan hỷ bản thân

Tin theo Phật pháp với tâm chân thành

Sẽ mau đạt cảnh an lành

Thân tâm phiền não sớm thanh tịnh liền.381

 

Tỳ Kheo tuy trẻ tuổi thôi

Nhưng mà Phật pháp tu thời siêng năng

Sẽ là ánh sáng huy hoàng

Rạng soi toàn cõi thế gian mịt mờ

Như trăng ra khỏi mây mù.382

 

XXVI.- Phẩm BÀ-LA-MÔN. 

 

 

Bà La Môn dũng cảm lên

Đoạn trừ ái dục lụy phiền cho nhanh

Một khi thấu hiểu thân mình

Là do ngũ uẩn tạo thành mà thôi

Thân mau tận diệt rã rời

Các người liền thấy được nơi Niết Bàn.383

Chính nhờ hai pháp tu thiền

Ngưng lại, quan sát, xét xem mọi bề

Bà La Môn đến bờ kia

Bao nhiêu ràng buộc dứt lìa tiêu tan

Do nơi trí tuệ rỡ ràng.384

Không bờ này với lục căn,

Cũng không ôm giữ lục trần bờ kia

Hai bờ mau chóng thoát ly

Buông cho phiền não trôi đi nhạt nhòa

Buộc ràng dục vọng lìa xa

Như Lai gọi họ là Bà La Môn.385

Siêng năng ẩn dật tu thiền

Nhiễm ô dứt bỏ, não phiền buông trôi

Tu tâm nhiệm vụ xong xuôi

Mục tiêu tối thượng tuyệt vời đạt nhanh

Bà La Môn thật xứng danh!386

Mặt trời chiếu sáng ban ngày

Mặt trăng đêm xuống tỏa đầy ánh quang

Gươm đao, nhung giáp huy hoàng

Trận tiền chiếu sáng rỡ ràng cho Vua

Bà La Môn vốn từ xưa

Hào quang chiếu sáng khi tu hành thiền,

Nhưng hào quang Phật vô biên

Ngày đêm chiếu sáng khắp miền nhân gian.387

Người mà nghiệp ác dứt xa

Xứng danh tên gọi là Bà La Môn

Người mà an tịnh luôn luôn

Xứng danh tên gọi Sa Môn tu hành,

Người mà ô nhiễm diệt nhanh

Mới là một bậc thuần thành xuất gia.388

Chớ nên đánh Bà La Môn!

Bà La Môn chớ nổi sân cùng người!

Đánh người xấu hổ một hai,

Nếu người bị đánh giận hoài không nguôi

Nổi cơn sân hận mãi thôi

Mới là hổ thẹn gấp mười lần hơn.389

Bà La Môn chẳng hận thù

Lợi này không nhỏ từ xưa vậy rồi

Khi mà luyến ái đã rời

Khi mà tâm muốn hại người đã yên

Mới mong diệt hết não phiền

Và khi đó mới xa miền khổ đau.390

Người không tạo nghiệp ác chi

Hành vi, lời nói, nghĩ suy đúng đường,

Khi thân, khẩu, ý đàng hoàng

Tự mình chế ngự, sẽ mang tốt lành

Bà La Môn thật xứng danh!391

Ai mà hướng dẫn cho ta

Hiểu thông giáo lý Phật Đà cao xa

Ta nên kính lễ thiết tha

Như người thờ lửa dòng Bà La Môn

Thành tâm kính lễ lửa thần.392

Mệnh danh là Bà La Môn

Nào vì bện tóc ở luôn trên đầu

Nào vì chủng tộc mình đâu

Cũng không vì đã dựa vào nơi sinh,

Riêng ai hiểu biết thật tình

"Bốn Điều Chân Lý" tâm thành nhận ra

Tinh thông "Chánh Pháp" Phật Đà

Và luôn thanh tịnh, là Bà La Môn393

Kẻ ngu bện tóc trên đầu

Da dê may áo mặc đâu ích gì,

Lòng đầy tham dục chưa lìa

Điểm trang ngoài mặt làm chi cho thừa.394

Ai tuy áo vá tầm thường

Ốm gầy đến lộ gân xương thân hình

Tu thiền rừng vắng một mình

Bà La Môn gọi xứng danh vô cùng.395

Không vì do mẹ sinh ra

Một người được gọi là Bà La Môn

Nếu còn phiền não trong tâm

Thì người chỉ được gọi bằng tên suông,

Ai mà chướng ngại dứt luôn

Chẳng còn luyến ái vấn vương tâm mình

Bà La Môn mới xứng danh.396

 

Ai mà dứt hết não phiền

Từng phen lèo lái, xích xiềng thân ta

Bao cơn sợ hãi vượt qua

Chẳng còn dính mắc, lìa xa buộc ràng

Bà La Môn xứng tên vàng.397

Bỏ đai da sân hận đi

Bỏ cương luyến ái chớ hề vấn vương

Bỏ dây tà kiến lầm đường

Bỏ đồ phụ thuộc buộc ràng quẩn quanh

Bỏ đi cây trục vô minh

"Bốn Điều Chân Lý" thật tình hiểu ra

Con người giác ngộ tiến xa

Xứng danh tên gọi là Bà La Môn.398

Ai không tức giận với người

Chịu lời khiển trách, đòn roi, phạt hình

Lấy điều nhẫn nhục lặng thinh

Làm quân lực bảo vệ mình một bên

Bà La Môn thật xứng tên.399

Ai không nóng giận với người

Chu toàn bổn phận, sống đời trang nghiêm

Không tham ái, biết tự kiềm

Xác thân hiện tại trở nên cuối cùng

Luân hồi sinh tử chẳng còn

Bà La Môn gọi tên không sai gì.400

Người mà ái dục thoát ly

Không còn đắm nhiễm chút gì dài lâu

Tựa như giọt nước trôi mau

Chẳng còn dính lại trên tàu lá sen

Hay hột cải đặt đầu kim

Không còn dính lại ở trên được nào,

Bà La Môn xứng danh sao!401

Ai tu ở thế gian này

Tự mình giác ngộ được ngay đạo mầu

Diệt trừ hết mọi khổ đau

Thân tâm nặng gánh bỏ mau bên đường

Để rồi siêu thoát nhẹ nhàng

Bà La Môn thật vô vàn xứng danh.402

Người nào trí tuệ sâu xa

Nhận chân đường chánh, nẻo tà phân minh

Mục tiêu tối thượng đạt thành

Bà La Môn thật xứng danh vô cùng.403

Ai mà không thích kết thân

Với người thế tục hay hàng xuất gia

Lang thang đơn độc, không nhà

Không còn ham muốn thiết tha dục tình

Bà La Môn thật xứng danh.404

Ai không dao gậy bạo hành

Trong khi tiếp xúc chúng sinh ở đời

Dù người mạnh, yếu vậy thôi

Không gây thương tổn hay đòi sát sinh

Bà La Môn thật xứng danh.405

Tỏ ra thân thiết chân tình

Giữa người thù nghịch quanh mình gần xa,

Tỏ ra thiện chí ôn hòa

Với người tính khí thật là hung hăng,

Không còn luyến ái vương mang

Bên người cố chấp buộc ràng vây quanh,

Bà La Môn thật xứng danh.406

Người mà phủi sạch tham lam

Và bao sân hận, kiêu căng, tỵ hiềm

Không còn bám lại gây phiền,

Tựa như hột cải đặt trên kim này

Mũi kim giữ cải khó thay,

Bà La Môn thật xứng ngay tên người.407

Nói lời êm dịu, ôn hòa

Lại thêm lợi ích, thật thà mãi thôi

Không hề xúc phạm đến ai

Bà La Môn gọi tên người xứng sao!408

Thế gian hễ cứ một ai

Không hề lấy vật mà người không cho

Dài hay ngắn, nhỏ hay to

Dù tốt hay xấu, dù hư hay lành

Bà La Môn thật xứng danh.409

Dù đời này hay đời sau

Người không dục vọng khát khao chút gì

Dễ dàng siêu thoát mọi bề

Bà La Môn gọi tên thì xứng sao.410

 

Người nào tham ái dứt luôn

Do nhờ có trí không còn nghi nan

Đã mau chứng ngộ đạo vàng

Niềm vui bất tử Niết Bàn tiến nhanh

Bà La Môn thật xứng danh.411

 

Những người sống ở đời này

Hai điều thiện, ác vượt ngay qua rồi

Chẳng còn ràng buộc tâm người

Chẳng còn phiền muộn rối bời vây quanh

Không ô nhiễm, rất tịnh thanh

Bà La Môn thật xứng danh gọi người.412

Người nhơ bẩn phủi sạch rồi

Như trăng vằng vặc sáng ngời trong đêm

Rất thanh tịnh, rất lặng yên

Diệt trừ ái dục quẩn bên hại mình

Bà Là Môn thật xứng danh.413

Vũng lầy tham ái tránh xa

Con đường dục vọng vượt qua được rồi,

Si mê u tối đã rời

Thoát ra khỏi biển luân hồi cuồng quay,

Bờ kia thiền định sang ngay,

Rũ mau nghi hoặc vương đầy trước kia

Người không bám víu điều chi

Dặm trường hoàn tất nẻo đi Niết Bàn

Bà La Môn xứng tên vàng.414  

Ở trên cõi thế gian này

Người nào dục lạc bỏ ngay chẳng màng

Khước từ đời sống trần gian

Lìa nơi nhà cửa, nhập hàng xuất gia

Ngăn dục lạc tái sinh ra

Như Lai gọi họ là Bà La Môn.415

Ở trên cõi thế gian này

Người nào ái dục bỏ ngay chẳng màng

Khước từ đời sống trần gian

Lìa nơi nhà cửa, nhập hàng xuất gia

Ngăn ái dục tái sinh ra

Như Lai gọi họ là Bà La Môn.416

Xa lìa trói buộc nhân gian,

Vượt qua trói buộc trên hàng trời cao,

Buộc ràng giải thoát hết mau

Bà La Môn thật tên đâu xứng bằng.417

Bỏ điều ưa ghét một bên

Nhiễm ô chẳng vướng, thản nhiên nhìn đời

Thế gian ngũ uẩn thắng rồi

Kiên trì, cố gắng, con người đáng khen

Bà La Môn thật xứng tên.418

Người nào hiểu rõ chúng sinh

Sinh ra, hoại diệt quẩn quanh thế nào

Để rồi khéo vượt qua mau

Một khi giác ngộ, xa đâu Niết Bàn

Bà La Môn xứng tên vàng.419

Ai mà sau lúc qua đời

Dù chư thiên hoặc loài người khắp nơi

Hay chúng sinh ở cõi trời

Không hay biết họ về nơi chốn nào,

Họ là bậc đáng tự hào

Nhiễm ô, dục vọng diệt bao lâu rồi

Chẳng còn sinh tử luân hồi

Bà La Môn xứng tên người biết bao!420

Người không bám víu vật chi

Dù trong quá khứ hay về tương lai

Hoặc trong hiện tại lúc này

Chẳng ham nắm giữ trong tay chút gì

Bà La Môn xứng tên chi.421

Như trâu dũng mãnh đầu đàn

Chẳng hề sợ hãi trong tâm điều gì

Anh hùng, cao thượng kể chi

Bao nhiêu dục vọng xấu kia đã rời

Rửa đi ô nhiễm sạch rồi

Sáng bừng giác ngộ hướng nơi Niết Bàn

Bà La Môn xứng tên vàng.422

Thánh hiền không chỉ thấy rành

Cuộc đời quá khứ của mình mà thôi,

Thấy thêm nhàn nhã cảnh trời

Thấy luôn cõi khổ nơi nơi đọa đầy,

Tử sinh chấm dứt đời này,

Tự mình cải tiến được ngay cho mình

Nhờ vào trí tuệ tinh anh

Trọn đời đạo hạnh tốt lành thiêng liêng

Bao nhiêu dục vọng dứt liền

Bà La Môn thật xứng tên vô cùng.423  

-ooOoo-

 

 

 

XXI.- Phẩm Tạp-lục

 

Nếu bỏ niềm vui nhỏ

Ðể đạt hạnh phúc lớn

Bậc trí bỏ vui nhỏ

Vì phúc lạc to hơn.290

 

 

Mong cầu vui cho mình

Lại gây khổ cho người

Chỉ nuôi thù chuốc oán

Oan trái mãi không nguôi.291

 

 

 

Việc không nên lại làm

Việc đáng làm lại không

Kẻ tự phụ buông lung

Khiến lậu hoặc tăng trưởng

Người tu tập cần mẫn

Thường tu tập thân quán

Không làm việc không đáng

Năng làm việc nên làm

Người chánh niệm tỉnh giác

Khiến lậu hoặc tiêu tan.292-293

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 Giết Mẹ Ái, Cha Mạn

Hai Vua Thường, Ðoạn kiến

Diệt Vương quốc Căn, Trần

Phạm chí sống vô ưu

Giết Mẹ Ái, Cha Mạn

Hai Vua Thường, Ðoạn kiến

Diệt hổ tướng Hoài nghi

Phạm chí sống vô phiền.294-295

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 Ðệ Tử Gotama

Thường tỉnh giác chánh niệm

Không luận ngày hay đêm

Thường niệm tưởng Phật Ðà

Ðệ Tử Gotama

Năng tỉnh giác chánh niệm

Chẳng luận ngày hay đêm

Thường niệm tưởng Chánh Pháp

Ðệ Tử Gotama

Thường tỉnh giác chánh niệm

Không luận ngày hay đêm

Thường niệm tưởng Tăng già

Ðệ Tử Gotama

Thường tỉnh giác chánh niệm

Không luận ngày hay đêm

Thường tu tập thân quán

Ðệ Tử Gotama

Thường tỉnh giác chánh niệm

Không luận ngày hay đêm

Tâm vui niềm bất hại

Ðệ Tử Gotama

Thường tỉnh giác chánh niệm

Không luận ngày hay đêm

An vui trong thiền tịnh.296-301

 

 

 

Ði xuất gia không dễ

Vui đời tu cũng khó

Sống tại gia cũng khổ

Bạn không hợp cũng phiền

Dòng trôi lăn sanh tử

Bao hệ lụy thương đau

Chớ làm khách trầm luân

Ðừng tầm cầu khổ não.302

 

Tín tâm, sống giới hạnh

Ðủ danh xưng tài sản,

Chỗ nào người ấy đến,

Chỗ ấy được cung kính.303

 

 

Người lành dầu ở xa

Sáng tỏ như núi tuyết,

Người ác dầu ở gần

Như tên bắn đêm đen.304

 

 

Ai ngồi nằm một mình,

Ðộc hành không buồn chán.

Tự điều phục một mình,

Sống thoải mái rừng sâu.305

 

XXII.- Phẩm ĐỊA-NGỤC.

 

Người mồm miệng láo khoét,

Kẻ làm rồi nói không.

Cả hai chết tương đồng,

Ðê tiện, đọa địa ngục.306

 

 

 

Nhiều người khoác cà sa,

Ác hạnh không nhiếp phục.

Người ác, do ác hạnh,

Phải sanh cõi Ðịa ngục.307

 

 

Tốt hơn nuốt hòn sắt

Cháy đỏ như than hồng,

Hơn ác giới, buông lung

Ăn đồ ăn quốc độ.308

 

 

 

 

 

Bốn nạn chờ đợi người,

Phóng dật theo vợ người ;

Mắc họa, ngủ không yên,

Bị chê là thứ ba,

Ðọa địa ngục, thứ bốn.

Mắc họa, đọa ác thú,

Bị hoảng sợ, ít vui.

Quốc vương phạt trọng hình.

Vậy chớ theo vợ người.309-310

 

 

 

Như cỏ sa vụng nắm,

Tất bị họa đứt tay.

Hạnh sa môn tà vạy,

Tất bị đọa địa ngục.

Sống phóng đãng buông lung,

Theo giới cấm ô nhiễm,

Sống phạm hạnh đáng nghi

Sao chứng được quả lớn.

Cần phải làm, nên làm

Làm cùng tận khả năng

Xuất gia sống phóng đãng,

Chỉ tăng loạn bụi đời.311-313

 

 

 

Điều ác chớ nên làm

Làm rồi sinh sầu hận

Việc thiện hẳn nên làm

Đã làm khỏi ăn năn.314

 

 

Như ở chốn biên thành

Luôn canh phòng cẩn mật

Hãy giữ ý gìn lòng

Tinh chuyên từng thời khắc

Ai hoang phí đời nầy

Phải sầu trong đọa lạc.315

 

 

 

 

Hổ thẹn điều không đáng

Điều đáng thẹn lại không

Chấp cái nhìn mù quáng

Chúng sanh rơi khổ cảnh

Sợ hãi điều không đáng

Điều đáng sợ lại không

Chấp cái nhìn mù quáng

Chúng sanh rơi khổ cảnh.316-317

 

 

 

 

 

 

Không lỗi thấy sai quấy

Có lỗi thấy là không

Do chấp kiến tà vạy

Hữu tình sanh khổ cảnh

Có lỗi biết là lỗi

Không lỗi biết là không

Do phải quấy suốt thông

Hữu tình sanh lạc cảnh.318-319

XXIII.- Phẩm VOI. 

 

 

 

 

 

 

Như voi chiến lâm trận

Hứng chịu bao lằn tên

Ta gánh chịu phỉ báng

Giữa đời lắm đảo điên

Voi thuần, đưa dự hội

Ngựa thuần, được vua cưỡi

Bậc tự hoá, tối thượng

Trước phỉ báng, nhẫn nại

Tốt thay giống la thuần

Quí thay loài ngựa Sindh

Khôi vĩ thay khổng tượng

Bậc tự chế tối thượng.320-322

 

 

 

 

 

 

 

Chẳng phải phương tiện ấy

Ðưa đến cảnh siêu nhiên

Chỉ có tự điều phục

Bậc khéo tu đạt đến.323

 

 

Xưa đại tượng Tài Hộ

Phát dục, không uống ăn

Khó điều phục, bị cột,

Nhớ rừng voi vô vàn.324

 

Người ham ăn mê ngủ

Nằm lăn lóc qua lại

Giống như heo mới ăn

Kẻ ngu mãi đầu thai.325

 

 

Tâm nầy trước phóng dật

Ham, thích theo dục lạc

Nay sáng suốt tự rèn

Như dạy voi bằng móc.326

 

 

 

Vui thích trong tinh cần

Khéo phòng hộ nội tâm

Kéo mình khỏi đường ác

Vũng lầy voi thoát thân.327

 

 

 

 

Nếu có bạn trí hiền

Hạnh lành, niệm tỉnh thức

Hãy sống chung an lạc

Vượt thắng mọi hiểm nguy

Không có bạn hiền trí

Hạnh lành, đáng sống chung

Hãy sống riêng một mình

Như vua bỏ nước bại

Như voi chốn rừng sâu

Tốt hơn sống độc hành

Hơn chung bước bạn xấu

Một mình không ác hạnh

Sống tự tại thong dong

Như voi giữa rừng già.328-330

 

 

 

 

 

 

 

Vui thay, bạn lúc cần

Vui thay, sống tri túc

Vui thay, chết có đức

Vui thay, dứt mọi khổ

Vui thay, hiếu với mẹ

Vui thay, hiếu với cha

Vui thay, kính sa môn

Vui thay, kính Hiền Thánh

Vui thay, già có giới

Vui thay, tín vững chắc

Vui thay, có trí tuệ

Vui thay, không làm ác.331-333

 

 

 

 

XXIV.- Phẩm THAM-ÁI.

 

 

 

Người sống đời phóng dật,

Ái tăng như dây leo.

Nhảy đời này đời khác,

Như vượn tham quả rừng.

Ai sống trong đời này,

Bị ái dục buộc ràng

Sầu khổ sẽ tăng trưởng,

Như cỏ Bi gặp mưa

Ai sống trong đời này

Ái dục được hàng phục

Sầu rơi khỏi người ấy

Như giọt nước lá sen

Ðây điều lành Ta dạy,

Các người tụ họp đây,

Hãy nhổ tận gốc ái

Như nhổ gốc cỏ Bi.

Chớ để ma phá hoại,

Như giòng nước cỏ lau.334-337

 

 

 

 

 

 

 

 

Như cây dù bị đốn

Nhưng gốc rễ vẫn còn

Ái tuỳ miên chưa đoạn

Khổ nầy vẫn mãi sanh

Ba mươi sáu dòng ái

Cuốn người vào dục lạc

Rồi chính những khao khát

Cuốn người vào tà kiến

Dòng ái chảy cùng khắp

Nhưng giây leo lan tràn

Nên giây leo vừa sanh

Với tuệ diệt tận gốc

Chúng sanh với ái dục

Ưa thích điều hỷ lạc

Tuy tầm cầu hạnh phúc

Chúng phải chịu sanh già

Người bị ái vương mang

Vùng vẫy và hoảng hốt

Như thỏ bị sa lưới

Chúng sanh bị ái cột

Chịu đau khổ triền miên

Người bị ái vương mang

Vùng vẫy và hoảng hốt

Như thỏ bị sa lưới

Bởi thế nầy Tỳ khưu

Hãy mong cầu ly tham

Nhiếp phục mọi ái dục.338-343

 Vào rừng để lìa rừng

Thoát rừng mà vào rừng

Hãy xem người mở trói

Lại chạy theo buộc ràng.344

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Sắt, cây, gai giây buộc

Người trí thấy chưa bền

Tham châu báu, trang sức

Tham luyến vợ và con

Bậc thông tuệ thấy đó

Là trói buộc bền chắc

Kéo xuống và nhận chìm

Quả thật khó thoát khỏi

Người trí đoạn trừ chúng

Màng chi những dục lạc.345-346

 

 

 

 

Lụy ái lao xuống dòng

Như nhện sa màng nhện

Người trí đoạn ái tham

Mọi khổ không màng đến.347

 

 

 

Buông quá, hiện, tương lai

Sanh hữu cũng vượt ngoài

Ý giải thoát tất cả

Sanh già chớ đáo lai.348

 

 

 

 

Người tà ý nhiếp phục,

Tham sắc bén nhìn tịnh,

Người ấy ái tăng trưởng,

Làm giây trói mình chặt.

Ai vui, an tịnh ý,

Quán bất tịnh, thường niệm,

Người ấy sẽ diệt ái,

Cắt đứt Ma trói buộc.349-350

 

 

 

 

 

Ai cứu cánh thành tựu

Không ái, nhiễm, sợ hãi

Nhổ cây gai sanh hữu

Ðây chính thân cuối cùng

Không ái cũng không thủ

Khéo diễn đạt pháp cú

Với từ vô ngại giải

Trước sau thông trình tự

Vị ấy bậc đại trí,

Ðại nhân với kiếp chót.351-352

 

 

 

 

 

Vượt qua, biết tất cả

Vô nhiễm, bỏ tất cả

Diệt ái, tự giải thoát

Thắng trí. Ai thầy ta?353

 

 

 

 

Pháp thí: cho lớn nhất

Pháp vị: ngon nào hơn

Pháp hỷ: vui chi sánh

Ái diệt: khổ không còn.354

 

 

 

 

Tài sản hại người ngu

Chẳng người cầu giác ngạn

Kẻ thiếu trí tham giàu

Hại mình, hại tha nhân.355

 

 

 

 

Cỏ dại phá ruộng vườn

Tham làm hỏng thế nhân

Cúng dường bậc ly tham

Mang lại công đức lớn

Cỏ dại phá ruộng vườn

Sân làm hỏng thế nhân

Cúng dường bậc ly sân

Mang lại công đức lớn

Cỏ dại phá ruộng vườn

Si làm hỏng thế nhân

Cúng dường bậc ly si

Mang lại công đức lớn

Cỏ dại phá ruộng vườn

Dục làm hỏng thế nhân

Cúng dường bậc ly dục

Mang lại công đức lớn.356-359

 

 

 

XXV.- Phẩm TỲ-KHEO.

 

 

Thiện thay, phòng hộ nhãn căn!

Thiện thay, phòng hộ nhĩ căn!

Thiện thay, phòng hộ tỷ căn!

Thiện thay, phòng hộ thiệt căn!

Thiện thay, phòng hộ thân căn!

Thiện thay, phòng hộ ý căn!

Thiện thay thu thúc tất cả

Tỳ khưu chế ngự tất cả

Giải thoát tất cả khổ đau.360-361

 

 

 

 

 

Người kiểm soát tay, chân

Gìn lời nói, tư tưởng

Vui thiền tư nội tại

Độc cư, sống tri túc

Mới xứng gọi tỳ khưu.362

 

 

 

 

Tỳ khưu gìn khẩu nghiệp

Lời hay, chẳng tự cao

Dùng ngôn từ thanh tao

Khi diễn bày pháp nghĩa.363

 

Tỳ khưu trú trong pháp

Vui pháp, tư duy pháp

Tâm thường niệm tưởng pháp

Sẽ không rời chánh pháp.364

 

 

 

Không khinh thứ mình có

Không ganh điều người được

Tỳ khưu còn tật đố

Không sao chứng thiền định

Tỳ khưu dù được ít

Không khinh thứ mình được

Sống chánh mạng, nỗ lực

Chư thiên mến vị ấy.365-366

 

 

 

 

Tất cả thuộc danh sắc

Không chấp ngã, ngã sở

Không chấp thủ không khổ

Ấy chính là tỳ khưu.367

 

 

 

 

 

Tỳ Kheo trú lòng từ

Vui trong giáo pháp Phật

Cảnh tịch tịnh chứng đạt

Các pháp hành an ổn

Hỡi tỷ khưu tát thuyền

Thuyền không, nhẹ đi nhanh

Ðoạn tham lam, sân hận

Ắt chứng quả Niết Bàn

Ðoạn năm, dứt bỏ năm

Tu năm pháp tối ưu

Tỳ khưu vượt năm ái

Xứng gọi: vượt bộc lưu.368-370

 

 

 

 

 

 

 

Tỳ khưu, hãy tu thiền

Ðừng đắm dục, giãi đãi

Phóng dật: nuốt sắt nóng

Bị đốt đừng than khổ

Không thiền không có tuệ

Không có tuệ không thiền

Bậc có thiền có tuệ

Chắc chắn gần niết bàn

Tỳ khưu vào nhà trống

Với an tịnh nội tâm

Hoan hỷ pháp siêu nhân

Hiểu tường tận chánh pháp.371-373

 

 

 

 

 

 

Người thường xuyên quán niệm

Sự sanh diệt các uẩn

Ðạt hỷ lạc, hân hoan

Ðạo bất tử nan nghì

Ðây là bước tiên khởi

Vị tỳ khưu sáng suốt

Gìn các căn, tri túc

Năng hộ trì giới bổn

Thường thân cận bạn lành

bậc chuyên cần, thanh tịnh

Bậc tư cách trang nghiêm

Thân thiện trong giao tiếp

Do vậy sống an lạc

Sẽ chấm dứt khổ đau.374-376

 

 

 

 

Tựa hoa Vassikà

Lìa bỏ cánh úa tàn

Hãy đoạn tận tham sân

Như vậy hỡi tỳ khưu.377

 

Thân an, khẩu cũng an

Tâm thiền tư vắng lặng

Bậc từ bỏ tục niệm

Chính thật thanh tịnh tăng.378

 

 

 

Tự khiển trách chính mình

Tự thẩm định chính mình

Tỳ khưu tự phòng hộ

Chánh niệm, lòng rộng thênh

Tự nương tựa nơi mình

Từ bảo vệ cho mình

Tự nhiếp hoá bản thân

Như người dạy ngựa thuần.379-380

 

 

 

Tỳ khưu luôn hoan hỷ,

Tịnh tín trong giáo pháp

Đạt cảnh giới tịnh lạc

Các hành được an ổn.381

 

 

 

Tỳ Khưu tuy tuổi nhỏ

Nhưng siêng hành lời Phật

Giữa trần gian sáng tỏ

Như trăng thoát mây mờ.382

 XXVI.- Phẩm BÀ-LA-MÔN.

 

 

Tinh cần đoạn dòng ái

Phạm chí, hãy ly dục

Biết hữu vi hữu hoại

Hãy liễu ngộ vô vi.383

 

 

 

Thường trụ trong hai pháp

Phạm chí đáo bĩ ngạn

Bậc chánh trí đoạn tận

Tất cả dây kiết sử.384

 

 

 

Không bờ gần bờ xa

Hoặc cả hai cũng không

Vô ưu, không ách phược

Ta gọi bà la môn.385

 

 

Người thiền định ly trần

Việc nên làm đã làm

Vô lậu, đạt cứu cánh

Ta gọi bậc phạm chí.386

 

 

Ánh dương chiếu ban ngày

Ánh trăng rạng ban đêm

Giáp trụ ngời Sát lỵ

Thiền định sáng phạm chí

Duy hào quang của Phật

Phổ chiếu cả ngày đêm.387

 

 

 

Lìa ác là phạm chí

Tịnh cư ấy sa môn

Tu thân bỏ cấu uế

Nên gọi bậc xuất gia.388

 

 

 

 

Chớ hành hung phạm chí

Phạm chí chớ đánh lại

Xấu thay đánh phạm chí

Nhưng trả đũa quấy hơn

Đối với bậc Phạm chí

(Xung đột) chẳng lợi gì

Không vui trong hiềm hận

Mọi phiền khổ chấm dứt.389-390

 

 

 

 

Với ai thân, khẩu, ý

Không làm bất thiện hạnh

Ba nghiệp luôn hộ trì

Ta gọi là Phạm chí.391

 

Từ ai biết Diệu pháp

Do bậc Chánh Giác dạy

Hãy kính lễ vị ấy

Như Phạm chí thờ lửa.392

 

 

 

Không gọi là Phạm chí

Vì bện tóc, gia thế

Bậc chân, thiện, thanh tịnh

Mới gọi bà la môn.393

 

 

 

Tóc bện, áo da dê

Kẻ ngu được những gì

Nội tâm đầy sầu mị

Dù bề ngoài đánh bóng.394

 

Người mặc y phấn tảo

Thân gầy lộ cả gân

Thiền một mình sơn lâm

Ta gọi là Phạm chí.395

 

 

Ta không gọi Phạm chí

Vì thai bào, mẫu hệ

Nếu nặng lòng sở hữu

Có gọi chỉ gọi suông

Vô sở đắc, vô cầu

Ta gọi Bà la môn.396

 

 

Cắt tất cả trói buộc

Lo sợ cũng chẳng còn

Vượt ái chấp, tự tại

Ta gọi Bà la môn.397

 

 

 

Bỏ đai da hiềm hận

Cắt dây cương ái chấp

Đoạn sở thuộc tà kiến

Phá chốt nêm vô minh

Bậc tỉnh thức giác ngộ

Ta gọi là Phạm chí.398

 

 

Bậc không giận nhẫn nại

Trước hủy báng, bạo hành

Lấy nhẫn làm sức mạnh

Ta gọi là Phạm chí.399

 

 

 

Không giận, không tắc trách

Bậc giới đức, vô cầu

Tự hoá, không sanh hữu

Ta gọi là Phạm chí.400

 

 

Như lá sen với nước

Như đầu kim hạt cải

Người không còn nhiễm ái

Ta gọi Bà la môn.401

 

 

 

 

Hiểu khổ, pháp diệt khổ

Tự ngay chính đời nầy

Bỏ gánh nặng, tự tại

Ta gọi là Phạm chí.402

 

 

Bậc chánh trí thông tuệ

Khéo phân đạo, phi đạo

Đạt mục đích rốt ráo

Ta gọi là Phạm chí.403

 

 

Không hệ luỵ cả hai

xuất gia hoặc thế tục

Sống viễn ly, thiểu dục

Ta gọi bậc Phạm chí.404

 

 

Đã từ bỏ đao trượng

Với chúng sanh mạnh, yếu

Không giết, không sai biểu

Ta gọi Bà la môn.405

 

 

Thân thiện giữa hận thù

Từ hoà giữa hung hăng

Vô nhiễm giữa ái thủ

Ta gọi là Phạm chí.406

 

 

 

Người rũ bỏ tham, sân

Không tị hiềm, kiêu mạn

Như đầu kim hạt cải

Ta gọi bà la môn.407

 

 

Bậc nói lời từ hoà

Chân thật là ích lợi

Không tổn thương một ai

Ta gọi là Phạm chí.408

 

 

Ở đời vật dài, ngắn

Đẹp xấu hay lớn nhỏ

Không lấy của không cho

Ta gọi là Phạm chí.409

 

Bậc không còn ước vọng

Đời nầy hay đời sau

Giải thoát, không hy cầu

Ta gọi là Phạm chí.410

 

 

 

Người không còn hy cầu

Với tuệ giác đoạn nghi

Thể nhập cảnh bất tử

Ta gọi là Phạm chí.411

 

 

 

Bậc giải thoát ở đời

Vượt ngoài cả hai ác thiện

Tịnh, vô nhiễm, vô phiền

Ta gọi là Phạm chí.412

 

 

 

Như vầng trăng vô cấu

Bậc thanh tịnh, vắng lặng

Hữu ái đã đoạn tận

Ta gọi là Phạm chí.413

 

 

Vượt hiểm đạo, mê si

Qua biển trần trầm nịch

Thiền giả đến bờ kia

Không ái, không nghi hoặc

Không chấp trước, tịch tịnh

Ta gọi là Phạm chí.414

 

Ai trong đời ly dục

Xuất gia sống không nhà

Dục hữu đã đoạn xả

Ta gọi là Phạm chí.415

 

 

 

 

 

 

Bậc cát ái ly gia

Sống cuộc sống không nhà

Ái và hữu đã tận

Ta gọi Brahmana.416

 

 

Vượt trói buộc thiên giới

Bỏ trói buộc nhân gian

Giải thoát mọi buộc ràng

Ta gọi là Phạm chí.417

 

 

Lìa điều ưa điều ghét

Không nhiệt não, sanh y

Hùng tâm nhiếp ba cõi

Ta gọi là Phạm chí.418

 

 

Liễu sanh tử chúng sanh

Khéo vượt qua bất thối

Bậc thanh tịnh, giác minh

Ta gọi là Phạm chí

Dù trời, người, thát bà

Không biết chỗ thọ sanh

Bậc la hán lậu tận

Ta gọi là Phạm chí.419-420

 

 

 

 

Dù quá, hiện, vị lai

Không thủ đắc vật gì

Không sở hữu, không thủ

Ta gọi là Phạm chí.421

 

 

 

Ngưu vương, quí, uy dũng

Bậc vô nhiễm, đại sĩ

Bậc chiến thắng, tịnh, giác

Ta gọi là Phạm chí.422

 

 

 

 

Bậc biết được đời trước

Thấy thiện thú, ác thú

Chứng cảnh giới vô sanh

Bậc hoàn thiện thắng trí

Bậc mâu ni viên mãn

Ta gọi là Phạm chí.423