Phật Học Phổ Thông.III.27: Diệt Đế.2

V. Diệt Ðế Tức Là Niết bàn

Kinh Niết Bàn dạy: "Các phiền não diệt gọi là Niết Bàn, xa lìa các pháp hữu vi cũng gọi là Niết Bàn".

Như các đoạn trước của bài nầy đã nói, đến bốn quả Thánh thì phiền não nông cạn và sâu kín đã tuần tự bị tiêu diệt. Vậy chứng được bốn quả Thánh ấy, tức là đã chứng được Niết Bàn.

Nói một cách khác, Diệt đế tức là Niết Bàn.

Niết Bàn hay Nê hoàn là do dịch âm chữ Phạn Nirvana mà ra. Niết Bàn có nhiều nghĩa như sau:

Niết (Nir) là ra khỏi; Bàn (vana) là rừng mê, Niết Bàn là khỏi rừng mê.

Niết là chẳng; Bàn là dệt. Còn phiền não thì còn dệt ra sanh tử, không phiền não thì không còn dệt ra sanh tử. Vậy Niết Bàn là không dệt ra sanh tử luân hồi.

Chữ Bàn cũng có nghĩa là không ngăn ngại. Niết Bàn còn có nhiều nghĩa khác nữa, song tóm lại không ngoài ba nghĩa: Bất sanh, giải thoát, tịch diệt.

Bất sanh, nghĩa là không sanh ra, không sanh các thứ mê lầm tội lỗi.

giải thoát, nghĩa là thoát ra ngoài sự ràng buộc, không mắc vào các huyễn ngã, huyễn pháp.

Tịch diệt, nghĩa là vắng lặng, dứt sạch. Vắng lặng, an lành, dứt sạch tất cả nguồn gốc mê lầm.

lẽ Niết Bàn có nhiều nghĩa như thế, nên trong kinh thường để nguyên âm mà không dịch nghĩa.

Theo định nghĩa của chữ Niết Bàn nầy, thì bốn quả vị trên kia đều gọi Niết Bàn cả. Song vì đã hoàn toàn hay chưa hoàn toàn mà chia ra làm hai thứ:

——————————

1. Hữu dư y Niết Bàn: (Niết Bàn chưa hoàn toàn). Từ quả vị thứ nhất Tu đà hoàn đến quả vị thứ ba A na hàm, tuy đã đoạn trừ tập nhân phiền não, những chưa tuyệt diệu, tuy đã vắng lặng an vui, nhưng chưa viên mãn, tuy an vui chưa hoàn toàn, vì phiền não và báo thân phiền não còn sót lại, nên gọi là Niết Bàn hữu dư Y. Vì phiền não còn sót lại nên phải chịu quả báo sanh tử trong năm bảy đời; song ngã chấp đã phục, nên ở trong sanh tử mà vẫn được tự tại, chứ không bị ràng buộc như chúng sinh.

——————————

2. Vô dư y Niết Bàn: (Niết Bàn hoàn toàn). Ðến quả vị A La Hán, đã đoạn hết phiền não, diệt hết câu sanh ngã chấp, nên hoàn toàn giải thoát cả khổ nhân lẩn khổ quả. Sự sanh tử không còn buộc ràng vị nầy được nữa, nên gọi là Niết Bàn vô dư y. Ðây là quả vị cao tột của hàng Thanh văn. Ðến đây ngọn lửa dục vọng đã hoàn toàn tắt hết, và trí vô ngại hiện ra một cách đầy đủ, không khi nào còn trở lại tâm khởi chấp ngã nữa. Vì thế, nên được tự tại giải thoát ngoài vòng ba cõi: Dục, Sắc, và Vô sắc giới.

—————————————————————————————————————————————

VI. Niết Bàn Của Bắc Tông Phật giáo

Phật Giáo gồm có Nam Tông và Bắc Tông mà Niết Bàn là danh từ chung cho cả hai Tông ấy. Trên đây đã nói đến Diệt đế, hay Niết Bàn của Nam Tông, nhưng chưa nói đến Niết Bàn của Bắc Tông. Vậy nói đến Niết Bàn, thì cũng nên mở rộng phạm vi, nói luôn cả Niết Bàn của Bắc Tông để độc giả có một quan niệm đầy đủ về hai chữ Niết Bàn.

Nói như thế, không có nghĩa là Niết Bàn của Nam Tông và Bắc Tông là hai loại hoàn toàn khác nhau về tính chất. Nếu có khác, thì chỉ khác về phạm vi rộng hẹp, rốt ráo hay chưa rốt ráo mà thôi;

Chỉ có Niết Bàn của chư Phật mới được gọi là Vô dư y Niết Bàn.

Ngoài cái nghĩa rộng hẹp trên, Niết Bàn của Bắc Tông đại khái có hai loại:

1. Vô trụ xứ Niết Bàn: Ðây là Niết Bàn của các vị Bồ Tát.

Tuy làm việc lợi tha, mà vẫn ở trong chánh quán. Quán các phép như huyễn hư hóa, không có thật sanh tử, không có thật Niết Bàn, không bao giờ trụ trước (vô trụ). Do đó, Bồ Tát thường ra vào sanh tử lấy pháp lục độ để độ sanh, mà vẫn ở trong Niết Bàn tự tại.

=================

2. Tánh tịnh Niết Bàn: Ðây là một thứ Niết Bàn tự tánh thường vắng lặng mà thường sáng suốt, thường sáng suốt mà thường vắng lặng ra ngoài tâm lượng hẹp hòi của phàm phu và trí thức hữu hạn của Nhị thừa, ngoại đạo. Nó thường bộc lộ sáng suốt nơi chư Phật, mà vẫn thường sẵn có nơi mọi loài chúng sinh.

Trong kinh có khi gọi đó là Phật tánh, là chơn tâm, là Như lai tạng v.v...

Nếu chúng sinh tự tin mình có tánh Niết Bàn thanh tịnh, và khởi tâm tu hành theo tự tánh ấy, tức có thể thành Phật không sai.

Mạn tự tánh Niết Bàn mà để cho phiền não cấu trần che lấp, thì làm chúng sanh trầm luân trong bể khổ.

Trái lại, ngộ tự tánh Niết Bàn mà hết vọng tưởng mê lầm là thành Phật, và có đầy đủ bốn đức:

Thường, lạc, ngã, tịnh.

Chúng ta đừng lầm tưởng tánh "Chơn thường" nầy với điều thường hằng của thế gian; tánh "Chơn lạc" với sự vui thích tương đối là sự vui thích còn che đậy mầm mống đau khổ bên trong; tánh "Chơn ngã" với sự tự chủ trong nhất thời, tự chủ ngày nay bị động ngày mai; tánh "Chơn tịnh" với sự trong sạch tương đối ở thế gian, sự trong sạch vật chất, sự tướng bên ngoài, chứ bên trong vẫn còn nhiễm ô.

tính cách quí trọng, cao cả tuyệt đối của bốn đức; Thường, Lạc, Ngã, Tịnh nên Tánh tịnh Niết Bàn là thứ Niết Bàn cao quí tột đỉnh của đạo Phật, và người Phật tử trong khi tu hành, đều phát nguyện rộng lớn quyết tâm chứng được thứ Niết Bàn ấy mới thôi.

——————————————————————————————————————————————————-

VII. Biện Minh Về Niết Bàn

Tánh cách của Niết Bàn quá rộng rãi, cảnh giới của Niết Bàn quá cao thâm, nên hay gây ra nhiều sự hiểu lầm cho các căn cơ thiển bạc, mà tập quán, thành kiến, hoàn cảnh hằng ngày làm chủ trí thức.

Người đời hay lấy tâm lượng hẹp hòi của mình để hình dung Niết Bàn, và đã hình dung một cách sai lạc, nên cuối cùng họ kết luận rằng: cứu cánh của đạo Phật là một sự không tưởng. Câu chuyện ngụ ngôn sau đây chứng minh một cách hùng hồn tâm trạng ấy:

Ngày xưa có một con cá, vì nó là loài ở nước, nên dĩ nhiên cuộc đời chỉ sống trong nước, và ngoài nước ra không biết gì hết.

Một hôm nó đang nhởn nhơ bơi lội trong hồ, tình cờ gặp một con rùa, mà nó đã quen từ trước, đi du lịch trên đất liền về. Nó liền chào: Xem Tích chuyện: Rùa cá và Niết Bàn

————————————————————————————————————————————

VIII. Một Mẫu Chuyện Về Niết Bàn

Ðể chứng minh tánh cách triền phược của phiền não và giải thoát của Niết Bàn trên đây, trong kinh Samitha Nikaya (Tạp A Hàm) Phật kể một mẫu chuyện như sau: xem Tích chuyện: Diệt đế và Niết Bàn

————————————————————————————-

Nói tóm lại, Diệt đế tức là chân lý chắc thật nói về quả vị mà một kẻ tu hành có thể chứng được. Quả vị ấy tức là Niết Bàn.

Nhưng vì sự tu hành có thấp có cao, có rộng có hẹp, nên quả chứng tức là Niết Bàn cũng có thấp có cao, có hoàn toàn, có chưa hoàn toàn.

Bên Nam Tông, thì ba quả đầu: Tu đà hoàn, tư đà hàm, A na hàm là thuộc về hữu dư y Niết Bàn, vì phiền não chưa hoàn toàn tuyệt diệu. Chỉ đến quả vị A La Hán là quả vị mà mọi phiền não đã tuyệt diệt, mới thuộc về Vô dư y Niết Bàn.

Niết Bàn của Bắc Tông có hai loại: Vô trụ xứ Niết Bàn của các vị Bồ Tát, và Tánh tịnh Niết Bàn là chân tánh bản lai thanh tịnh và sáng suốt của vũ trụ, mà các đức Phật đã thể chứng.

Trên đây kể sơ qua các loại Niết Bàn, là các quả vị của Diệt đế Niết Bàn mà chúng tôi diễn tả bằng văn tự ở đây so với Niết Bàn thật, còn xa cách muôn trùng, Nhưng với hoàn cảnh hiện tại của chúng ta, không có phương tiện nào khác hơn, để trình bày và tìm hiểu Niết Bàn, thì đành phải dùng văn tự này.

Muốn thấy được Niết Bàn thật, phải tự mình thân chứng, phải thể nhập Niết Bàn. Muốn thân chứng, thể nhập Niết Bàn, cần phải tu theo phương pháp mà đức Phật đã dạy trong phần Ðạo đế, là phần mà chúng tôi sẽ trình bày trong những bài sau đây. (Tác giả cố HT Thích Thiện Hoa)