Văn Thơ Pháp Cú kệ.II

VI.- Phẩm Hiền-Trí.

 

Gặp ai vạch lỗi mình, rồi chỉ-dạy,

Đó là người hiền-trí, phải noi theo,

Như theo kẻ dẫn đường tìm kho báu.

Được kết-hợp với người hiền như thế,

Lợi lớn cho mình, chẳng tệ chi đâu.

(Kệ số 076.)

 

Hãy nghe ông ấy rầy la,

Giúp mình, chỉ dạy, tránh xa đường tà.

Người hiền quí-mến ông ta,

Chỉ có kẻ dữ mới là ghét ông.

(Kệ số 077.)

 

Chớ kết bạn đường với phường ngu-ác,

Chẳng giao-du thân-mật các bọn tà.

Ráng chọn bạn hiền-lương mà giao-thiệp;

Cùng người cao-đức kết-hiệp tình thân.

(Kệ số 078.)

 

Người thấm-nhuần Chánh-pháp,

Sống trong niềm hoan-lạc,

Tâm thanh-tịnh an-nhiên.

Người hiền-trí lòng luôn thoả-thích

Trong Chánh-pháp do bực Thánh truyền.

(Kệ số 079.)

 

Người làm ruộng đào mương dẫn nước,

Kẻ làm tên chuốt vót mũi tên,

Bác thợ mộc uốn ngay tấm ván,

Bực hiền-trí điều-phục tâm mình.

(Kệ số 080.)

 

Như tảng đá thật kiên-cố,

Chẳng lay-động trước bão-tố,

Người hiền-trí vẫn điềm-nhiên

Khi được khen, hay bị mắng-mỏ.

(Kệ số 081.)

 

Như hồ sâu đầy nước

Phẳng-lặng và trong-suốt,

Vừa nghe giảng Pháp xong,

Tâm người trí thanh-tịnh.

(Kệ số 082.)

 

Người hiền dứt hết điều tham-luyến;

Ái-dục, thánh-nhơn chẳng luận-bàn.

Điềm-nhiên, người trí tâm an,

Chẳng vui bồng-bột, chẳng than khi sầu.

(Kệ số 083.)

 

Chẳng vì mình, chẳng vì người khác

Mà có những hành-động lầm-lạc.

Chẳng cầu được con-cái, giàu-sang,

Chẳng vì thích ngai vàng trong nước,

Mà có những hành-vi bạo-ngược.

Chẳng mong tìm thành-công cho được

Mà phải dùng phương-tiện chẳng ngay.

Đó mới thật là người hiền-trí,

Giới-đức cao, sống theo Chánh-pháp.

(Kệ số 084.)

 

Một ít người, trong đám đông nhơn-loại,

Vượt qua dòng đến bờ giác bên kia.

Số còn lại đang quay-quần đông-đảo,

Ngược xuôi tất-tả ở cả bờ nầy.

(Kệ số 085.)

 

Nhưng những người thực-hành theo Chánh-pháp,

Đã được khéo tuyên-giảng thật rõ-ràng,

Sẽ đến bên bờ giác-ngộ Niết-bàn,

Thoát khỏi cõi tử-sanh rất khó vượt.

(Kệ số 086.)

 

Người hiền-trí lià nhà khát-ái,

Chọn mục-tiêu là cõi Niết-bàn.

Bỏ ác-pháp là đàng tăm-tối,

Theo nẻo lành thiện-đạo sáng soi.

(Kệ số 087.)

Tìm thoả-thích trong hạnh khước-từ

Rất khó cho phàm-phu thọ-hưởng;

Dứt dục-lạc, chẳng gì trìu-mến,

Bỏ nhiễm-ô, thanh-lọc thân-tâm.

(Kệ số 088.)

 

Người đã thấm-nhuần Thất-giác-chi,

Đã cắt đứt những gì tham-ái,

Là người đang thọ-hưởng hạnh viễn-ly.

Bực người ấy nhiễm-ô đà rửa sạch,

Tâm-trí sáng ngời đạo-quả Vô-sanh,

Hiện-đời đang chứng Hữu-dư Niết-bàn.

(Kệ số 089.)

 

VII.- Phẩm A-la-hán.

 

Với người đi trọn đường sống-chết,

Giải-thoát ưu-phiền và tất cả;

Gông-cùm, xiềng-xích đã đập tan,

Đâu còn nóng-bức vì não-nhiệt.

(Kệ số 090.)

 

Người chuyên-cần tỉnh-giác trong chánh-niệm,

Chẳng tìm thoả-thích nơi chỗ trú chơn,

Rời nhà phiền-não, tâm không ái-nhiễm.

Như cánh ngỗng trời rời hồ bẩn-đục,

Rày đó mai đây, vui sống độc-thân.

(Kệ số 091.)

 

Những ai chẳng tích-trữ,

Biết niệm-thực khi ăn,

Lấy Giải-thoát Niết-Bàn

- Vốn Không và Vô-tướng -

Để riêng làm đối-tượng,

Hướng họ đi, khó vẽ

Như chim bay trên trời.

(Kệ số 092.)

 

Người tận-diệt lậu-hoặc,

Chẳng đắm-say vật-thực,

Lấy Giải-thoát Niết-bàn

- Vốn Không và Vô-tướng -

Để riêng làm đối-tượng,

Như chim bay trên không,

Lối người đi, khó vẽ

(Kệ số 093.)

 

Bực A-la-hán điều-phục các căn,

Như ngựa thuần khéo luyện bởi người chăn.

Ngã-mạn đã trừ, lậu-hoặc cũng dứt,

Người vững-chắc, chư Thiên đều mến-phục.

(Kệ số 094.)

 

Trơ như đất, tâm không hiềm-hận;

Vững như trụ đồng, mặc cảnh nhục vinh,

Trong như hồ nước lắng sạch bùn sình,

Bực La-hán dứt Luân-hồi lận-đận.

(Kệ số 095.)

 

Tâm trầm-tĩnh, ý lời trầm-tĩnh,

Các hành-động cũng đều trầm-tĩnh.

Đó là người có chánh-biến-tri,

Giải-thoát, sống quân-bình, an-tịnh.

(Kệ số 096.)

 

Người chẳng dễ tin vì nhẹ dạ,

Thông-đạt pháp vô-vi Niết-bàn,

Cắt mọi hệ-lụy gây tái-sanh,

Diệt mọi duyên tạo nên nhơn-quả,

Bao tham-ái cũng đều bỏ cả,

Quả thật là vô-thượng Thánh-nhơn.

(Kệ số 097.)

 

Dù tại trong làng mạc,

Hay ở chốn rừng sâu,

Vực thẩm hay đồi cao,

Nơi La-hán toạ-lạc,

Vùng đất lành khả-ái.

(Kệ số 098.)

Rừng-rú đầy thích-thú,

Người đời ít ai chuộng.

Bực đã dứt dục-vọng,

Mến sống cảnh rừng hoang.

(Kệ số 099.)

 

VIII.- Phẩm NGÀN.

 

Dầu có nói ngàn lời vô-dụng,

Chẳng theo đúng đạo-quả Niết-bàn.

Sao bằng thốt một lời ý-nghĩa,

Nghe xong rồi tâm được bình-an.

(Kệ số 100.)

 

Dầu có đọc một ngàn câu Kệ

Chẳng liên-hệ đạo-quả Niết-bàn,

Sao bằng nói một câu Chánh-pháp,

Nghe xong rồi, tâm được bình-an.

(Kệ số 101.)

 

Dầu đọc tụng một trăm bài kệ

Chẳng liên-hệ đạo-quả Niết-bàn,

Sao bằng đọc một câu Chánh-pháp,

Nghe đọc xong, tâm được bình-an.

(Kệ số 102.)

 

Chiến-thắng ngàn ngàn người nơi quân-trận

Chưa vẻ-vang bằng mình thắng được mình.

(Kệ số 103.)

 

Thắng được mình, quả thật, vẻ-vang,

Còn vẻ-vang hơn thắng kẻ khác.

Dầu Trời, Nhạc-thần hoặc Ma-vương,

Cả Phạm-thiên cũng đâu thắng nổi

Con người từng biết khắc-phục mình.

(Kệ số 104 và 105.)

 

Dầu thường cúng-tế ngàn vàng,

Tháng nầy tháng nọ, kể hàng trăm năm,

Sao cho bằng thành-tâm kính-mộ

Bực Thánh-nhơn, chỉ độ phút giây.

Kính người đức-hạnh cao dầy,

Còn hơn cúng-tế kéo dài trăm năm.

(Kệ số 106.)

 

Dầu thường đốt lửa rừng hoang,

Cúng thờ thần lửa kể hàng trăm năm

Sao cho bằng thành-tâm kính-mộ

Bực thánh-nhơn chỉ độ phút giây,

Kính người đức-hạnh cao-dầy

Còn hơn thờ lửa kéo dài trăm năm.

(Kệ số 107.)

 

Trên thế-gian, bất luận tế-vật nào

Hay tặng-phẩm, suốt năm đem hiến trao,

Phước tạo được, thua phần-tư công-đức

Chí thành đảnh lễ bực đức-hạnh cao.

(Kệ số 108.)

 

Kính-nễ, tôn-vinh bực trưởng-thượng,

Được bốn phước lành càng tăng-trưởng:

Sức-khoẻ dồi-dào, lại đẹp tươi,

Hạnh-phước, sống lâu mà an-hưởng.

(Kệ số 109.)

 

Nếu phải sống trăm năm trong phóng-dật,

Chẳng thà tu thiền-định, sống một ngày.

(Kệ số 110.)

 

Sống trăm năm si-mê, không tự-chế,

Thua một ngày có trí-huệ, hành thiền.

(Kệ số 111.)

 

 

Sống trăm năm buông-lung và thụ-động,

Thua một ngày tinh-tấn và hành-thiền.

(Kệ số 112.)

 

Sống trăm năm mê-mờ thân ngũ-uẩn

Sanh rồi diệt, cứ sanh-diệt thăng-trầm,

Sao bằng sống một ngày mà rành-rẽ

Lẽ vô-thuờng sanh-diệt của thân-tâm.

(Kệ số 113.)

 

 

 

Sống trăm năm mê-mờ cảnh Bất-diệt,

Thua sống một ngày ngộ cảnh Vô-sanh.

(Kệ số 114.)

 

 

 

Sống trăm năm chưa rành Pháp vô-thượng,

Thua sống một ngày hiểu Pháp tối-tôn.

(Kệ số 115.)

 

IX.- Phẩm Ác.

 

Gấp gấp làm việc lành,

Mau mau tránh điều ác.

Chuyện thiện còn lần-khần,

Ý liền thích chỗ dữ.

(Kệ số 116.)

 

Trót lỡ làm việc ác,

Đừng lập lại nhiều lần.

Chớ ham-thích chỗ dở

Chứa ác, chịu khổ-sở.

(Kệ số 117.)

 

Làm được một việc hay,

Nhiều lần, lập lại ngay.

Nên ham-thích chỗ tốt,

Tích thiện, hạnh-phước thay!

(Kệ số 118.)

 

Làm ác mà gặp việc lành,

Đó là quả dữ chưa sanh kịp thời.

Đến khi ác-báo chín muồi,

Ác thời gặp ác, đời đời chẳng sai.

(Kệ số 119.)

 

Làm lành gặp việc chẳng may,

Đó là phước báu chờ ngày trỗ sanh.

Đến khi trỗ được quả lành,

Ở hiền gặp lành, có lúc nào sai.

(Kệ số 120.)

 

Đừng xem nhẹ phạm điều ác nhỏ,

"Nó chẳng đến gần", có hại chi!

Nước rơi từng giọt li-ti,

Bình kia hứng chứa, mấy khi cũng đầy.

Người ngu mà đắm-say trong ác-đạo,

Cũng vì ác tạo mỗi ngày một thêm.

(Kệ số 121.)

 

Đừng xem nhẹ bỏ qua điều thiện nhỏ,

"Nó chẳng đến gần", nào có lợi chi!

Nước rơi từng giọt li-ti,

Bình kia hứng chứa, mấy khi cũng đầy.

Người hiền-trí vui say trong thiện-đạo,

Nhờ phước lành chất-chứa dài lâu.

(Kệ số 122.)

 

Như khách thương ít người đồng-bọn,

Của lại nhiều, chẳng chọn đường nguy.

Như người muốn sống lâu dài,

Thấy nơi thuốc độc, tránh ngay chẳng gần.

Cũng như thế, ở cõi trần,

Thấy điều dữ-ác là cần tránh xa.

( Kệ số 123.)

 

Bàn tay lành-lặn, chẳng trầy,

Dẫu cầm thuốc độc, chẳng gây hiểm-nghèo.

Cùng thế ấy, người theo thiện-đạo,

Điều dữ-ác chẳng tạo hiểm-nguy.

(Kệ số 124.)

 

Kẻ nào xâm-phạm người vô-tội,

Trắng-trong, lậu-hoặc dẹp xong rồi.

Cũng như tung bụi ngược gió thổi,

Ác quay trở lại, hại mình thôi.

(Kệ số 125.)

 

Người thường từ bụng mẹ sanh ra.

Phải sa địa-ngục là kẻ dữ.

Bực hiền-lương đến được Thiên-đàng.

Chứng Niết-bàn là hàng Vô-nhiễm.

(Kệ số 126.)

 

Dầu bay vút trên trời cao,

Hay lặn sâu dưới biển cả,

Hoặc chui rút vào hang đá,

Trốn làm sao được hậu-quả

Các điều ác đã tạo ra.

(Kệ số 127.)

 

Dầu bay vút trên trời cao,

Hay lặn sâu dưới biển cả,

Hoặc chui vào hang đá,

Chẳng chỗ nào trên thế-gian

Trốn khỏi được tay Thần Chết.

(Kệ số 128.)

 

X.- Phẩm Hình-phạt.

 

Ai cũng sợ run trước gậy-gộc,

Ai cũng hãi-hùng cuộc tử-vong.

Xét lòng mình, biết lòng người khác,

Đừng giết và cũng đừng bảo giết.

(Kệ số 129.)

 

Ai cũng sợ run trước gậy-gộc,

Ai cũng mến thương cuộc sống-còn.

Xét lòng mình, biết lòng người khác,

Đừng giết và cũng đừng bảo giết.

(Kệ số 130.)

 

Ai muốn cầu cho mình được hạnh-phước,

Dùng gậy-gộc đoạt-tước hạnh-phước người.

Về đời sau, kẻ ấy mất an-lạc.

(Kệ số 131.)

 

Ai muốn cầu cho mình được hạnh-phước,

Chẳng dùng gậy-gộc tước hạnh-phước người.

Về đời sau, kẻ nầy đầy an-lạc.

(Kệ số 132.)

 

Nói lời thô-lỗ cộc-cằn,

Người nghe mắng lại cũng bằng lời thô.

Giọng phẫn-nộ xí-xô gây đau-khổ,

Lời qua tiếng lại, trở lại hại mình.

(Kệ số 133.)

 

Nếu biết giữ mồm trong yên-lặng,

Như chuông nứt bể chẳng tiếng ngân.

Đó là người chứng-đắc Niết-bàn,

Trong tâm chẳng mang niềm hiềm-hận.

(Kệ số 134.)

 

Người chăn bò tay cầm cây gậy,

Lùa đàn bò ra bãi cỏ xanh.

Cảnh già, cõi chết cũng như vậy,

Lùa mọi người đến chỗ tử-sanh.

(Kệ số 135.)

 

Người ngu hành-động lỗi-lầm,

Còn chưa ý-thức việc làm mình sai.

Bị ác-nghiệp chính tay mình tạo

Dày-vò áo-não như lửa thiêu.

(Kệ số 136.)

 

 

Dùng đao-trượng đập tơi-bời,

Hại người vô-hại, với người tay không,

Sớm muộn chi, khó lòng tránh thoát

Một trong mười quả ác, kể ra:

Một là nhức-nhối rên la;

Hai là tai-biến, ba là bị thương;

Bốn là mất trí, thường lú-lẫn;

Năm là bị lận-đận vua quan;

Sáu là trọng-tội vu-oan;

Bảy là thân-quyến họ-hàng ly tan;

Tám là bị tiêu-tan tài-sản;

Chín là phải chịu nạn hoả-tai;

Mười là khi bỏ hình-hài,

Sa vào địa-ngục, biết ngày nào ra.

(Các bài Kệ 137, 138, 139 và 140.)

 

 

Đâu phải vì thân loã-thể đi rong;

Đâu phải vì bện tóc không gội đầu;

Đâu phải vì bôi bùn vào bụng, ngực;

Đâu phải vì tuyệt-thực, ngồi xổm luôn;

Mà có thể thanh-lọc được tâm-hồm

Con người hoài-nghi còn chưa nhiếp-phục.

(Kệ số 141)

 

Một người ăn-mặc tuy diêm-dúa,

Nhưng trầm-tĩnh, dục-vọng tiêu-trừ,

Trong phạm-hạnh, các căn rèn-dũa

Chẳng hại ai, đao-trượng khước-từ,

Đấy quả thật, là bực Phạm-chí,

Bực Sa-môn và bực Khất-sĩ.

(Kệ số 142.)

 

 

Thế-gian hiếm thấy được người

Giữ mình, biết thẹn, tránh lời rầy la,

Khéo như ngựa giỏi tránh roi da.

(Kệ số 143.)

 

 

Như ngựa hay, ngọn roi vừa chạm,

Hãy nhiệt-tâm, dũng-cảm, chuyên-cần.

Với niềm tin, giới-đức, hành-thiền,

Với trạch-pháp đi tìm Chơn-lý,

Minh-hạnh-túc, và trong chánh-niệm,

Hãy đoạn-trừ đau-khổ vô-biên.

(Kệ số 144.)

 

 

Người làm ruộng đào mương dẫn nước,

Kẻ làm tên chuốt vót nũi tên,

Bác thợ mộc uốn ngay tấm ván,

Bực đức-hạnh điều-phục tâm mình.

(Kệ số 145.)

 

 

XI.- Phẩm Già

 

Cười sao được, sướng vui sao được,

Lửa hồng đang thiêu-đốt thế-gian.

Bị màn đêm bao phủ tối đen,

Sao chẳng tìm theo ánh ngọn đèn?

(Kệ số 146.)

 

Hãy nhìn thân, bề ngoài xinh-xắn,

Còn bên trong, một đống vết thương.

Gây khổ đau, sao còn vướng-bận,

Thân nầy đâu bền-vững, hằng thường.

(Kệ số 147.)

 

Thân nầy bị tuổi già tàn-tạ,

Là ổ chứa bịnh-tật, mong-manh.

Khối dơ-bẩn ấy rồi tan-rả,

Chết đến là hết mạng chúng-sanh.

(Kệ số 148.)

 

 

Khúc xương màu trắng bồ-câu,

Tựa như trái bầu mùa thu bị vứt,

Thích-thú chi khi nhìn đến chúng?

(Kệ số 149.)

 

 

Thành-trì thân nầy dựng bằng xương,

Đắp bằng thịt và tô bằng máu,

Chất-chứa bên trong cảnh già-lão,

Chết-chóc, ngã-mạn và lừa-đảo.

(Kệ số 150.)

 

 

 

Xe lộng-lẫy của Vua rồi cũng cũ,

Thân-thể nầy rồi cũng còm-cõi,

Chánh-pháp thiện-nhơn đâu cằn-cỗi,

Các bực chí-thiện thường nhắn-nhủ.

(Kệ số 151.)

 

 

Già đời người ít học,

Chẳng khác chi con bò.

Bắp-thịt có thêm to,

Trí-huệ vẫn tối-mò.

(Kệ số 152.)

 

Lang-thang qua bao kiếp Luân-hồi,

Ta cố tìm nhưng rồi chưa gặp

Kẻ xây dựng lên ngôi nhà nầy,

Cứ mãi tái-sanh, khổ-sở thay!

(Kệ số 153.)

Ô kià! Anh thợ làm nhà!

Nay ta bắt gặp, khó mà xây thêm.

Cây đòn-tay bên thềm gẫy đổ,

Rui mè, kèo cột bỏ ngổn-ngang.

Ta nay chứng-đắc Niết-Bàn,

Ái-tham, dục-vọng, hoàn-toàn tiêu-vong.

(Kệ số 154.)

 

Lúc thiếu-thời, chẳng sống đời Phạm-hạnh,

Chẳng đi làm để được lãnh tiền lương.

Đến tuổi già, trông giống con cò hương

Ủ-rũ bên hồ thường vắng cá tôm.

(Kệ số 155.)

 

 

Lúc thiếu-thời, chẳng sống đời Phạm-hạnh,

Chẳng đi làm để được lãnh tiền lương.

Đến tuổi già, nằm dài như cung gãy,

Nhìn dĩ-vãng, than-thở nhớ thương.

(Kệ số 156.)

   

VI.- Phẩm Hiền-Trí.

 

Nếu ta gặp được kẻ hiền

Chỉ bày điều lỗi, trách phiền chuyện sai

Giống như gặp được một người

Chỉ cho vật quý chôn nơi kho tàng

Hãy mau cùng họ kết thân

Trăm phần lợi ích, mười phân tốt lành.076

Ai thường khuyên dạy người ta

Đừng gần điều ác, tránh xa lỗi lầm,

Người lành yêu họ vô ngần

Chỉ riêng người dữ muôn phần ghét chê.077

 

 

Người gian ác, kẻ tiểu nhân

Chớ nên làm bạn, kết thân với mình

Chỉ nên kết bạn người lành

Tác phong quân tử, tính tình thanh cao.078

 

Một khi chánh pháp thấm nhuần

Tươi vui cuộc sống, bình an tâm hồn

Cho nên người trí, người khôn

Hân hoan nghe Pháp thánh nhân giảng

truyền.079

Những người tưới nước chăm lo

Đào mương dẫn nước vào cho khắp miền,

Những người thợ vót cung tên

Cung tên lo uốn triền miên tháng ngày,

Những người thợ mộc khéo tay

Xẻ cây, uốn ván thẳng ngay tài tình,

Còn như người trí tinh anh

Chăm lo thuần hóa thân mình cho nhanh.080

 

Gió nào lay núi đá cao

Và người trí lớn khác nào núi kia

Tiếng đời trần tục khen chê

Tán dương, phỉ báng, dễ gì động tâm.081

 

Như là hồ nước thẳm sâu

Phô dòng phẳng lặng, khoe mầu sạch trong

Những người có trí, có lòng

Khi nghe chánh pháp cũng không khác gì

Thân tâm tịnh lạc kể chi.082

Người lành thường mãi lìa xa

Mọi điều dục lạc bỏ qua chẳng bàn,

Người hiền trí gặp vui buồn

Dù đầy hạnh phúc, hay tràn khổ đau

Không hề dao động trước sau

Tinh thần luôn vững, há nào mừng lo.083

 

Đừng vì mình hay vì người

Ham cầu con cái, ham nơi ruộng tiền

Hay ngai vàng để ngự lên

Mà dùng mưu kế đảo điên ở đời,

Muốn thành công chớ hại ai

Thấy điều bất chính lầm sai tránh đường

Sống đời đức hạnh thơm lừng

Rạng vầng trí tuệ, ngát hương đạo mầu.084

 

Đám đông nhân loại quanh ta

Ít người đạt được tới bờ bên kia

Còn bao kẻ khác kể chi

Ngược xuôi quanh quẩn sớm khuya bờ này

Trầm luân sinh tử thương thay!085

Ai mà có đủ duyên may

Được nghe chánh pháp giảng bày phân minh

Đúng theo chánh pháp tu hành

Sẽ mau thoát cảnh tử sinh bờ này

Trùng dương dục vọng vượt ngay

Bên kia bờ giác dang tay đón chờ.086

Người hiền trí rời bỏ ngay

Con đường bất thiện giăng đầy bóng đêm

Tìm qua nẻo thiện vượt lên

Ánh vàng rực rỡ xuôi miền an vui,

Gia đình nhỏ hẹp lìa thôi

Xuất gia và sống cuộc đời độc thân

Đúng theo phép tắc Sa Môn

Gột đi ô nhiễm trong tâm kỹ càng

Cầu vui chánh pháp Niết Bàn

Bao nhiêu dục lạc buộc ràng tránh xa.087-088

 

Người nào tu tập chuyên cần

Nương theo chánh pháp chuyên tâm một đường,

Xa lìa cố chấp thói thường

Sợi giây luyến ái chẳng vương bận lòng

Não phiền đã diệt hết xong

Trở nên sáng suốt. Ngay trong đời này

Niết Bàn chứng ngộ được ngay.089

 

 

 VII.- Phẩm A-la-hán.

 

Với người hoàn tất hành trình

Ưu phiền vương vấn bên mình dứt đi

Hoàn toàn siêu thoát mọi bề

Bao nhiêu ràng buộc cắt lìa đã xong

Lửa tham ái sẽ chẳng còn

Một khi tới đích thoát vòng khổ đau.090

Những người cố gắng tu thân

Luôn luôn hăng hái, tinh thần thật cao

Đâu còn lưu luyến là bao

Nơi ăn chốn ở thuở nào tại gia

Ví như những cánh thiên nga

Rời ao hồ cũ bay xa tít mù

Đâu còn nhớ tiếc nơi xưa.091

 

Không màng tài sản chứa đầy

Uống ăn chừng mực qua ngày để tu

Thoát vòng đau khổ, ưu tư

Thảnh thơi theo cánh gió đưa Niết Bàn

Như chim bay giữa không gian

Tìm chim, dấu vết vô vàn khó thay.092

 

 

 

Nhiễm ô, ham muốn diệt ngay

Uống ăn chừng mực qua ngày để tu

Thoát vòng đau khổ, ưu tư

Thảnh thơi theo cánh gió đưa Niết Bàn

Như chim bay giữa không gian

Tìm chim, dấu vết vô vàn khó thay.093

 

 

Ai mà chế ngự sáu căn

Như người cưỡi ngựa muôn phần giỏi giang

Ngựa đi thuần thục dễ dàng,

Không còn kiêu ngạo, hết vương não phiền

Chư thiên ái mộ vô biên.094

Bao sân hận chẳng vương mang

Tâm như một cõi đất bằng phẳng kia

Và như trụ đá kiên trì

Như hồ trong lắng không hề bùn nhơ

Người như vậy chẳng bao giờ

Luân hồi sinh tử diễn ra được nào.095

Ai mà thanh thản trong tâm

Lại thêm ngôn ngữ thâm trầm nơi nơi

Thêm hành động thật khoan thai:

Là người hiểu biết đúng sai mọi đường

Đã mau siêu thoát nhẹ nhàng

Luôn luôn tịnh lạc, hoàn toàn bình yên.096

Tự mình biết, chẳng tin ai

Tự mình giác ngộ hiểu nơi đạo mầu

Dương trần hệ lụy dứt mau

Nguyên nhân thiện, ác trước sau diệt trừ

Lòng tham ái chẳng còn ưa

Con người cao quý khó ư sánh cùng.097

 

Dù làng xóm, hay núi rừng

Dù nơi vực thẳm, hay vùng non cao

A La Hán ở chỗ nào

Nơi này an tịnh, dạt dào niềm vui.098

 

Núi rừng tịnh lạc, nên thơ

Nhưng người phàm lại không ưa chốn này,

Riêng người giải thoát khác thay

Tỏ ra thích ở nơi đây vô cùng

Vì bao dục lạc dứt xong.099

 

 

VIII.- Phẩm NGÀN.

  Dù ngàn lời nói với nhau

Nếu đều vô nghĩa, ích đâu cho đời

Chẳng bằng chỉ nói một lời

Một lời nghĩa lý, mọi người mừng thay

Nghe xong tâm tịnh lạc ngay.100

Kệ kia nói đến ngàn câu

Nếu đều vô nghĩa, ích đâu cho đời

Một câu nói cũng đủ rồi

Nếu đầy nghĩa lý, mọi người mừng thay

Nghe xong tâm tịnh lạc ngay.101

Kệ kia tụng đến trăm câu

Nếu đều vô nghĩa, ích đâu cho đời

Chẳng bằng Pháp Cú tuyệt vời

Một lời giáo pháp mọi người mừng thay

Nghe xong tâm tịnh lạc ngay.102

Thắng ngàn, ngàn địch chiến trường

Chẳng bằng tự thắng bản thân của mình

Thắng mình oanh liệt thật tình

Mới là chiến thắng xứng danh hàng đầu.103

Những người tự thắng bản thân

Vẻ vang hơn thắng địch quân hiểm nghèo

Thắng mình phải tiết chế nhiều

Bỏ lòng dục vọng, bỏ điều tham lam,

Dù ma quỷ, hay thiên thần

Chẳng ai thắng nổi khi cần đua tranh

Với người tự thắng chính mình.104-105

Ngàn vàng tháng tháng bỏ ra

Trăm năm cúng tế thật là uổng thay

Chẳng bằng giây lát duyên may

Cúng dường đúng bậc ngày ngày chân tu

Thật là ích lợi vô bờ

Hơn là cúng tế mê mờ trăm năm.106

Trăm năm ở tại rừng sâu

Dốc lòng thờ lửa cũng đâu sánh bằng

Chỉ trong giây lát cúng dường

Những người đạo hạnh một đường chân tu

Thật là công đức vô bờ

Hơn là thờ lửa mê mờ trăm năm.107

 

 

Suốt năm bố thí, cúng dường

Để cầu phước báu chẳng bằng so ra

Phần tư công đức của ta

Khi ta kính lễ những nhà chân tu

Thanh cao, chính trực vô bờ.108

Ai tôn kính bậc cao niên

Tuổi cao, đức trọng khắp miền kính yêu

Được thêm tăng trưởng bốn điều:

Kéo dài tuổi thọ, sắc nhiều đẹp tươi

Muôn phần hạnh phúc yên vui

Tấm thân khỏe mạnh sống đời an khang.109

Cho dù sống đến trăm năm

Chỉ hay phá giới, không chăm tu thiền

Chẳng bằng sống một ngày liền

Mà luôn giữ giới, mà chuyên tu thiền.110

Cho dù sống đến trăm năm

Không còn trí tuệ, không chăm tu thiền

Chẳng bằng sống một ngày liền

Mà đầy trí tuệ, mà chuyên tu thiền.111

Trăm năm dù sống dài lâu

Mà luôn lười biếng không cầu tiến lên

Chẳng bằng sống một ngày liền

Chuyên cần, tinh tấn tiến thêm mọi đường.112

Trăm năm sống chẳng nhận ra

Pháp kia sinh diệt. Thật là uổng thay!

Chẳng bằng sống chỉ một ngày

Mà hay vạn vật chốn này giả thôi

Vô thường, tạm bợ, nổi trôi

Sinh ra rồi diệt, diệt rồi lại sinh.113

Trăm năm sống chẳng nhận ra

Pháp kia bất tử. Thật là uổng thay!

Chẳng bằng sống chỉ một ngày

Mà rồi giác ngộ thấy ngay Niết Bàn

Nơi bất diệt, đẹp vô vàn

Không trò bệnh lão, không màn tử sinh.114

Trăm năm sống chẳng nhận ra

Pháp kia tối thượng. Thật là uổng thay!

Chẳng bằng sống chỉ một ngày

Mà hay rằng giáo pháp đầy thâm sâu

Dạt dào chân lý tối cao.115

IX.- Phẩm Ác.

 

Hãy mau thực hiện điều lành

Còn bao điều ác tránh nhanh đừng làm,

Điều lành lười biếng không ham

Làm càng chậm trễ lại càng khổ đau

Trong tâm chuyện ác đến mau.116

 

Lỡ làm việc ác mất rồi

Chớ nên tiếp tục bước đời lầm sai

Chớ vui với việc ác này

Tâm hay chứa ác có ngày khổ đau.117

 

Đã làm việc thiện, việc lành

Hãy nên tiếp tục thực hành hăng say

Hãy vui với việc lành này

Tâm hay làm thiện có ngày hưởng vui.118

 

Khi mà nghiệp ác chưa thành

Người làm điều ác tưởng mình vui thôi!

Đến khi nghiệp ác tới rồi

Người ta mới thấy cuộc đời khổ đau.119

 

Khi mà nghiệp thiện chưa thành

Người làm điều thiện tưởng mình khổ thôi!

Đến khi nghiệp thiện tới rồi

Người ta mới thấy cuộc đời an vui.120

 

 

Chớ khinh điều ác nhỏ nhoi

Cho rằng: "Quả báo mình thời chịu đâu!"

Nhớ rằng giọt nước nhỏ lâu

Mỗi ngày một chút cũng mau đầy bình,

Người ngu gom góp vào mình

Bao điều ác nhỏ dần thành họa to.121

 

Chớ khinh điều thiện nhỏ nhoi

Cho rằng: "Quả báo mình thời hưởng đâu!"

Nhớ rằng giọt nước nhỏ lâu

Mỗi ngày một chút cũng mau đầy bình,

Người hiền trí chứa tâm mình

Bao điều thiện nhỏ dần thành phước to.122

 

 

Tựa như một kẻ đi buôn

Có mang nhiều của nhưng không bạn bè

Tránh đường nguy hiểm chẳng đi,

Hay người tham sống chẳng khi nào gần

Tránh liều thuốc độc vô ngần,

Chúng sinh noi đó lo thân tâm mình

Tránh xa điều ác cho nhanh.123

 Bàn tay không có vết thương

Dù cầm thuốc độc chẳng phương hại gì

Người không làm ác sợ chi

Chẳng bao giờ bị ác kia hại mình.124

Khi mà kẻ ác hại người

Tâm tư trong sạch, cuộc đời hiền lương,

Ác kia trở lại thảm thương

Gây cho kẻ ác trăm đường khổ thay

Tựa như ngược gió vung tay

Tung ra bụi bẩn, bụi bay lại mình.125

 

Con người sinh tự bào thai

Và từ nơi đó ra đời. Lành thay!

Thế nhưng kẻ ác sinh ngay

Vào miền địa ngục đọa đầy triền miên,

Những người chính trực lành hiền

Sau này sẽ được sinh lên cõi trời,

Nhiễm ô ai diệt hết rồi

Mới lên được cõi thảnh thơi Niết Bàn.126

Dù bay lên tận không trung,

Hay là lặn xuống tận cùng bể khơi,

Chui vào hang thẳm núi đồi

Khắp trên trần thế chẳng nơi an toàn

Thoát tay nghiệp ác chót mang.127

Dù bay lên tận không trung

Hay là lặn xuống tận cùng bể khơi,

Chui vào hang thẳm núi đồi

Khắp trên trần thế chẳng nơi an toàn

Thoát tay thần chết kinh hoàng.128

 

 

X.- Phẩm Hình-phạt.

 

Sợ thay gậy gộc, gươm đao

Sợ tay thần chết hại bao cuộc đời

Suy lòng mình ra lòng người

Chớ nên giết hại hoặc xui giết người.129

 

Sợ thay gậy gộc, gươm đao

Yêu thương mầm sống, khát khao cuộc đời

Suy lòng mình ra lòng người

Chớ nên giết hại hoặc xui giết người.130

 

Ai cầu hạnh phúc cho mình

Mà dùng dao gậy gian manh hại người

Khiến người tan nát cuộc đời,

Kiếp sau mình chẳng an vui được nào.131

Ai cầu hạnh phúc cho mình

Không dùng dao gậy gian manh hại người

Không gây tổn hại cho đời,

Kiếp sau mình sẽ an vui vô cùng.132

Đừng nên mở miệng nói câu

Tục tằn, ác độc khiến đau lòng người

Người ta cũng nói trả thôi,

Những lời độc địa muôn đời khổ thay

Lời qua tiếng lại đắng cay

Như bao dao gậy phạt ngay thân mình.

(134)

Nếu mà ngươi giữ lặng yên

Như chuông bể nứt im lìm chẳng vang

Trước lời ác độc phũ phàng

Niết Bàn ngươi đã thênh thang bước vào:

Chẳng còn sân hận chút nào.134

Người chăn cầm gậy đi sau

Lùa đàn bò nọ chạy mau ra đồng,

Già nua, chết chóc đều cùng

Xua người đến chốn tử vong khác gì.135

 

Kẻ ngu nghiệp ác gây nên

Để rồi quả báo đến liền hay đâu,

Tương lai chịu vạn khổ đau

Như là lấy lửa thiêu mau chính mình.136

 Ai dùng gậy gộc, gươm đao

Hại người lương thiện, thoát nào đớn đau

Mười điều khổ não trước sau

Tự mình lại sẽ rước vào thân thôi:

"Một là thống khổ kinh người,

Hai là thương tích khắp nơi thân mình,

Ba là bệnh nặng thật tình,

Bốn là tán loạn, thần kinh rối bời,

Năm là tai họa trong đời

Vua, quan áp bức, hại thời tránh đâu,

Sáu là tội nặng ngập đầu

Bị người vu cáo dài lâu, phiền hà,

Bẩy là quyến thuộc trong nhà

Bà con ly tán xót xa bội phần,

Tám là tài sản xa gần

Tiêu ma giây phút, nát tan sớm chiều,

Chín là sẽ bị hỏa thiêu

Cửa nhà cháy hết, tiêu điều tang thương,

Mười là chết khó tránh đường

Đọa vào địa ngục, diêm vương đón chờ".137-140

 

Dù tu khổ hạnh triền miên

Trần truồng, bện tóc, tro đen xoa mình

Nhịn ăn, nằm đất, lăn sình

Sống dơ, ngồi xổm để hành xác thân

Nào đâu thanh tịnh được tâm

Nếu không trừ dứt đi phần hoài nghi.141

Người nào sống thật trang nghiêm

Thân tâm an tịnh, giữ gìn đường tu

Bao nhiêu dục vọng diệt trừ

Không hề buông thả hững hờ giác quan

Lại thêm giới hạnh chu toàn

Sinh linh chẳng hại, tính luôn ôn hòa

Dù cho ăn mặc xa hoa

Vẫn là tu sĩ, là Bà La Môn.142

Biết điều hổ thẹn bản thân

Để mà tự chế, tự ngăn cấm mình

Thế gian ít kẻ đạt thành

Nhưng khi đạt được, thân lành biết bao

Tránh lời khiển trách khổ đau,

Như là ngựa giỏi roi nào quất đâu.143

Giống như ngựa giỏi chạy hăng

Thêm roi thúc giục lại càng hay hơn

Ngươi mau giữ giới chuyên cần

Niềm tin, đạo đức quyết tâm giữ gìn,

Trau dồi trí tuệ vững bền

Pháp môn thiền định nên chuyên thực hành

Theo và hành đạo nhiệt thành

Để mau tiêu diệt ngọn ngành khổ đau.144

Những người tưới nước chăm lo

Đào mương dẫn nước vào cho khắp miền,

Những người thợ vót cung tên

Cung tên lo uốn triền miên tháng ngày,

Những người thợ mộc khéo tay

Xẻ cây, uốn ván thẳng ngay tài tình,

Còn như người trí tinh anh

Chăm lo kiểm soát thân mình cho nhanh.145

XI.- Phẩm Già

 

Làm sao thích thú vui cười

Khi ta ở giữa cõi đời nóng thiêu

Lửa tham dục cháy trăm chiều

Vô minh tăm tối dập dìu vây quanh

Sao không tìm ánh quang minh

Nhờ đèn trí tuệ giúp mình thoát ra.146

Hãy nhìn cái tấm thân này

Bề ngoài đẹp đẽ, trong đầy nhớp nhơ

Đống xương lở lói vô bờ

Mang bao tật bệnh, cứ ngờ tốt tươi

Chứa gì bền vững ở đời

Đâu tồn tại mãi mà người bận tâm.147

Thân này suy yếu, già nua

Dễ dàng hư nát tựa như khu rừng

Tập trung bệnh tật chập chùng

Thời gian hủy hoại, cuối cùng tan đi

Có sinh có tử lạ gì.148

Trái bầu khi tới mùa thu

Bị quăng vì héo vì khô mất rồi,

Thân này cũng vậy mà thôi

Tàn đời thành đống xương phơi bạc mầu

Nhìn xem vui thú gì đâu.149

Thân này là một cái thành

Xây bằng xương cốt và quanh bốn bề

Quết tô máu thịt bao che

Để mà chứa chất não nề bên trong

Sự già nua, sự tử vong

Chứa chan kiêu ngạo, chất chồng dối gian.150

Cái xe vua chúa thường đi

Trang hoàng lộng lẫy còn gì quý hơn

Rồi ra hư cũ, nát tan

Khác chi so với tấm thân con người

Dù cho chăm sóc tuyệt vời

Cũng già cũng yếu cuối đời tránh sao,

Chỉ trừ giáo pháp tối cao

Của người thánh thiện không bao giờ tàn

Luôn luôn sáng tỏ rỡ ràng

Người lành truyền tụng, vô vàn quý thay.151

Người không chịu học, chịu nghe

Giống như bò với trâu kia vô ngần,

Trâu bò lớn mạnh thịt gân

Nhưng mà trí tuệ trăm phần y nguyên

Nào đâu phát triển được thêm.152

Lang thang khắp nẻo luân hồi

Qua bao tiền kiếp nổi trôi ta bà

Tìm không gặp kẻ làm nhà

Chuyên gây cuộc sống diễn ra rối bời,

Nay ta bắt gặp ngươi rồi

Kẻ làm nhà hỡi, ngừng thôi đừng làm!

Rui mè ngươi đã gãy ngang

Rui mè dục vọng tan hoang đã đành,

Cột kèo ngươi cũng tan tành

Cột kèo tăm tối vô minh hại người!

Niết Bàn ta chứng đắc rồi

Bao nhiêu tham ái dứt nơi tâm này.153-154

Lúc còn cường tráng thiếu niên

Đã không tạo dựng được thêm gia tài

Tu hành biếng nhác, chây lười

Đến khi luống tuổi con người giống sao

Cò già buồn đứng bờ ao

Ao khô cạn nước kiếm sao ra mồi

Chết mòn thân xác mất thôi!155

Lúc còn cường tráng thiếu niên

Đã không tạo dựng được thêm gia tài

Tu hành biếng nhác, chây lười

Khi già nằm xuống dáng người khác chi

Cây cung bị gãy vứt kia

Buồn than dĩ vãng trôi đi mất rồi.156

VI.- Phẩm Hiền-Trí.

 

Khi gặp bậc hiền trí

Chê trách và chỉ lỗi

Xem như chỉ kho tàng

Nên thân bậc trí ấy.

Sự thân cận như vậy

Là tốt, không phải xấu.076

 

Người dạy dỗ, khuyên nhắc

Can ngăn sự làm ác,

Được người tốt thương mến

Bị kẻ xấu ghét bỏ.077

 

 

 

Chớ thân cận bạn ác

Chớ thân cận tiểu nhân

Nên thân cận bạn lành

Nên thân bậc thượng nhân.078

 

 

Pháp hỷ tạo niềm vui

Với tâm tư an tịnh

Người trí luôn hân hoan

Pháp thuyết bởi bậc thánh.079

 

 

 

 

Người trị thủy dẫn nước

Kẻ làm cung chuốt tên,

Thợ làm mộc uốn gỗ

Bậc trí biết tự rèn.080

 

 

Như đá tảng kiên cố

Không gió nào lay động

Cũng vậy, giữa khen chê

Người trí không giao động.081

 

 

Trong sáng và tỉnh lặng

Như hồ nước thẳm sâu

Bậc trí nghe pháp mầu

Tâm an bình tịnh lạc.082

 

 

Hiền nhân không chấp thủ

Tịnh giả chẳng hoang ngôn

Đối ngoại cảnh vui buồn

Lòng an nhiên tự tại.083

 

 

 

Không vì mình, vì người

Vì tài sản, con cái

Vì đế nghiệp vương quyền

Mà lìa xa chánh pháp

Bậc trí sống thánh thiện

Đức hạnh, tuệ rạng ngời.084

 

 

 

 

 

 

Ít người giữa nhân loại

Đến được bờ bên kia

Phần đông bên bờ nay

Ngược xuôi không định hướng

Ai thực hành chánh pháp

Khéo quảng diễn tuyên thuyết

Đạt cảnh giới bất diệt

Thoát ma lực tử thần.085-086

 

 

 

 

 

Kẻ trí bỏ pháp đen

Tụ tập theo pháp trắng

Bỏ nhà, sống không nhà,

Sống viễn ly khó lạc.

Hãy cầu vui Niết bàn

Bỏ dục, không sở hữu,

Kẻ trí tự rửa sạch

Cấu uế từ nội tâm.

Những ai với chánh tâm,

Khéo tu tập giác chi,

Từ bỏ mọi ái nhiễm,

Hoan hỷ không chấp thủ,

Không lậu hoặc, sáng chói,

Sống tịch tịnh ở đời.087-088-089

 

 

VII.- Phẩm A-la-hán.

 

 

Vượt thoát ngoài tất cả

Đạt cứu cánh, vô sầu

Vị ấy không nhiệt não

Mọi buộc ràng đoạn tận.090

 

 

 

Tự sách tấn, tỉnh thức

Không dính mắc nơi nào,

Tựa thiên nga rời ao,

Bỏ sau lưng trú xứ.091

 

 

 

 

Không tích tập tài sản

Ẩm thực chánh tư niệm

Tự tại trong hành xứ

Không, vô tướng, giải thoát

Như chim trên tầng không

Hướng đi khó đo đạt.092

 

 

 

Bậc lậu tận đã dứt

Đâu tham cầu ẩm thực

Tự tại trong hành xứ

Không, vô tướng, giải thoát

Như chim trên tầng không

Hướng đi khó đo lường.093

 

 

 

Các căn khéo nhiếp phục

Như xa phu điều ngự

Mạn trừ, lậu hoặc dứt

Chư thiên mến vị ấy.094

 

 

 

Như đất không hiềm hận

Tựa cột trụ trơ trơ

Tựa hồ chẳng nhiễm nhơ

Vị ấy không luân hồi.095

 

 

 

Vị ấy bậc thành tựu

Giải thoát nhờ chánh trí

Tịnh thanh từ tâm ý

Đến hành động, ngôn từ.096

 

 

Vô vọng và mạt vận

Không tin, không cảm kích

Phá vỡ mọi mắt xích

Chính thị bậc thượng nhân.097

 

 

 

 

Núi rừng hay làng mạc

Thung lũng hay núi cao

Ứng cúng trú nơi nào

Chốn ấy là tịnh độ.098

 

 

Tịnh lạc thay núi rừng

Phàm nhân không thích thú

Bậc ly tham an trú

Vì không tầm cầu dục.099

 

 

VIII.- Phẩm NGÀN.

 

 

Dù nói cả ngàn lời

Nhưng không mang lợi lạc

Không bằng chỉ một lời

Nghe xong được chứng đạt.100

 

 

Thánh thi tụng nghìn câu

Nghe nhiều lòng vẫn thế

Sao sánh bằng dòng kệ

Hiểu rồi được thăng hoa.101

 

 

 

Cho dù ngàn lý luận

Nghe nhiều chẳng đến đâu

Sao sánh bằng một câu

Khiến tâm tư chuyển hoá

Dù thắng ngàn binh tướng

Trên trận mạc sa trường

Không bằng thắng tự thân

Ấy vinh quang tối thượng.102-103

 

Tự thắng mình tốt đẹp

Hơn khuất phục tha nhân

Người điều phục tự thân

Biết sống bằng tự chế

Chư thiên, Càn thát bà

Ma vương và Phạm thiên

Không thắng bật trí hiền

Đã tự mình nhiếp hoá.104-105

 

Tháng tháng bỏ ngàn vàng

Cúng bái đến trăm năm

Không sánh bằng một phút

Cúng dường bậc chân tăng

Những thiện hạnh như thế

Tế tự nào sánh bằng.106

 

Dù trăm năm thờ lửa

Chốn sâu thẳm rừng thiêng

Không sánh bằng giây phút

Kính lễ bậc thánh hiền

Phút giây qui ngưỡng ấy

Hơn trăm năm kỳ yên.107

 

 

Cả đời cúng tế vật

Để cầu mong phúc đức

Không sánh một phần nhỏ

Kính lễ bậc chánh trực.108

 

 

Với người năng kính lễ

Bậc cao niên trưởng thượng

Được bốn pháp tăng trưởng:

Sắc, lạc, lực, thọ mạng.109

 

 

Dù sống đến trăm năm

Phóng túng, không thiền định

Chẳng bằng sống một mình

Giới tịnh và thiền tịnh.110

 

Trăm năm sống ở đời

Ác tuệ, không thiền định

Không sánh với một ngày

Có trí, có thiền định.111

 

Ai sống trọn kiếp người

Biếng nhác không tinh tấn

Chẳng sánh được một ngày

Nỗ lực tận khả năng.112

 

 

Sống trọn kiếp trăm năm

Không thấy pháp sanh diệt

Chẳng bằng chỉ một ngày

Lẽ vô thường thấu triệt.113

 

 

 

Ai sống một trăm năm,

Không thấy câu bất tử,

Tốt hơn sống một ngày,

Thấy được câu bất tử.114

 

 

Ai sống một trăm năm,

Không thấy Pháp Tối thượng,

tốt hơn sống một ngày,

Thấy được Pháp Tối thượng.115

IX.- Phẩm Ác.

 

Hãy gấp làm điều lành,

Ngăn tâm làm điều ác.

Ai châm làm việc lành,

Ý ưa thích việc ác.116

 

 

 

Đã phạm phải điều ác,

Chớ tiếp tục phạm hoài,

Đừng ham làm việc ác,

Tích ác, khổ dẳng dai.117

 

 

Nếu người làm điều thiện,

Nên tiếp tục làm thêm.

Hãy ước muốn điều thiện,

Chứa thiện, được an lạc.118

 

 

Người ác thấy là hiền.

Khi ác chưa chín muồi,

Khi ác nghiệp chín muồi,

Người ác mới thấy ác.

Người hiền thấy là ác,

Khi thiện chưa chín muồi,

Khi thiện nghiệp chín muồi,

Người hiền thấy là thiện.119-120

 

 

 

 

Chớ xem thường ác nhỏ

Cho rằng đã có sao

Như nước từng giọt rỏ

Đầy bình mới thấy nao

Người ngu chứa đầy ác

Do tích tập tuôn trào.121

 

 

Chớ xem thường thiện nhỏ

Cho rằng có là bao

Như nước từng giọt rỏ

Bình sâu cũng dâng trào

Người thiện đầy đức thiện

Nhờ huân tập dài lâu.122

 

 

 

 

Như thương buôn nhiều tiền

Tránh một mình hiểm lộ

Như người tránh độc tố

Hãy tránh ác như vậy.123

 

 

 

Như tay không thương tích

Có thể cầm độc dược

Độc không làm hại được

Vô tác vô sở tạo.124

 

 

Ai hại người bất hại

Người vô cấu vô nhiễm

Như tung bụi ngược chiều

Ác quả nghiền ác hiểm.125

 

 

 

Một số đi đầu thai

Kẻ ác sinh địa ngục

Người thiện sinh cõi phúc

Bậc vô lậu niết bàn.126

 

 

 

 

Dù hư không, biển cả

Hoặc hang thẳm núi cao

Để người trốn ác quả

Được an toàn ẩn náu.127

 

 

Dù hư không, biển cả

Hoặc hang thẳm núi cao

Không chỗ để bôn đào

Thoát khỏi tay thần chết.128

 

 

X.- Phẩm Hình-phạt.

 

Tất cả sợ đao trượng

Tất cả sợ tử vong

Xét bỉ thử tương đồng

Không giết, không bảo giết.129

 

 

Tất cả sợ bạo tàn

Tất cả mong được sống

Xét bỉ thử tương đồng

Không giết, không bảo giết.130

 

 

Chúng sanh cầu hạnh phúc

Nhưng ai dùng bạo lực

Hại người để cầu vui

Vui không thể hiện thực

Chúng sanh cầu hạnh phúc

Ai không tàn hại người

Vì hạnh phúc cho mình

Đời sau được an vui.131-132

 

 

 

Chớ nên dùng ác ngữ,

Nói quấy, bị nói lại,

Khổ thay lời hung dữ,

Vì quả ác đáo đầu

Như chuông bể không ngân

Thường an nhiện tịch lặng

Bậc liễu ngộ Niết bàn

Tâm không sầu không hận.133-134

 

 

 

Như mục đồng cầm roi

Lùa bò ra cánh đồng

Già và chết đưa đẩy

Tất cả đến tử vong.135

 

 

Không biết nghiệp chẳng lành

Người ngu tạo ác nghiệp

Tự thiêu đốt chính mình

Như ngọn lửa thiêu thân.136

 

 

 

 

 

Tàn hại người vô hại

Gây ác bậc hiền từ

Liền ác báo ác lai

Một trong mười quả dữ:

Hoặc khổ thọ hoành hành

Chết bất đắc kỳ tử

Lâm trọng bệnh hành thân

Hay cuồng tâm loạn trí

Hoạ phép nước luật vua

Bị vu oan trọng tội

Tài sản bị khánh tận

Người thân bị ly tán

Nhà cửa bị hoả hoạn

Mạng chung sa địa ngục.137-140

 

 

 

 

Sống lõa thể, bện tóc

Trét tro, nhịn uống ăn

Sống nhớp, chuyên ngồi xổm

Trên đất cát nằm lăn

Không làm người thanh tịnh

Nếu lòng còn nghi nan.141

 

 

Dù mặc áo người thế

Nhưng thanh thản, tự chế

An lập trong phạm hạnh

Không tổn hại sanh linh

Người ấy là phạm chí

Là sa môn, khất sĩ.142

 

 

 

Ít có kẻ trên đời

Tự tu vì ý thức

Như ngựa thuần tránh roi

Vì biết điều khổ nhục

Như tuấn mã chạm roi

Hãy nhiệt thành tịn tưởng

Bằng nghị lực, tịnh giới,

Minh hạnh đồng tăng tưởng

Với niệm, định, trạch pháp

Đoạn khổ đau vô lượng.143-144

 

 

 

 

 

 

Người dẫn nước trị thủy

Người làm cung chuốt tên

Thợ mộc uốn gỗ qúi

Bậc thuần hoá tự rèn.145

 

 

XI.- Phẩm Già

 

Sao mãi cười, hân hoan

Khi đời đầy nhiệt não

Bóng tối phủ trần gian

Đâu ngọn đèn tỏ rạng?146

 

 

 

Hãy nhìn thân mỹ miều

Chất chứa lắm khổ đau

Nhiều lo toan, bệnh tật,

Có gì bền vững đâu.147

 

 

 

Khi thân này già nua

Bệnh hoạn và yếu ớt

Bài tiết bao uế trược

Kết thúc bằng sự chết.148

 

 

 

Như bầu khô mùa thu

Bị vất nằm bừa bãi

Xương trắng màu bồ câu

Có gì để luyến ái?149

 

 

Thành trì dựng bằng xương

Quét tô bằng máu thịt

Trong chứa già và chết

Với kiêu mạn, giả trá.150

 

 

 

 

 

Long xa tốt cũng hư

Thân này ắt phải hoại

Đạo thánh hiền còn mãi

Bậc chí thiện truyền hiền.151

 

 

 

 

 

Người ít nghe kém học,

Lớn già như trâu đực.

Thịt nó tuy lớn lên,

Nhưng tuệ không tăng trưởng.152

 

 

 

 

Sống lõa thể, bện tóc

Trét tro, nhịn uống ăn

Sống nhớp, chuyên ngồi xổm

Trên đất cát nằm lăn

Không làm người thanh tịnh

Nếu lòng còn nghi nan.153-154

 

 

 

 

 

 

 

Thời trẻ không phạm hạnh

Hay sống bằng chí cả

Giờ tựa như cò già

Bên ao khô buồn bã

Thời trẻ không phạm hạnh

Hay dựng xây sự sản

Giống như cung bị gẫy

Lòng hối tiếc, thở than.155-156