Quyết nghi vấn đáp.

               Phật giáo khác các tôn giáo khác ở chỗ: Phật giáo không thừa nhận có một Thượng đế sáng tạo, ngự trị và chi phối đời sống của con người. Khổ đau hay hạnh phúc là do mỗi con người tự tác thành cộng với sự chi phối của dòng nghiệp lực cũng do chính mỗi con người tạo ra.

               Đức Phật dạy: “Con người trở nên cao quý hay đê hèn không phải do nguồn gốc sinh thành từ gia đình hay đẳng cấp xã hội mà trái lại do chính hành động của tự thân làm cho con người trở nên cao quý hay đê hèn” .

               Thêm vào đó, điểm khác biệt căn bản trong hệ thống triết lý của Phật giáo và các tôn giáo khác là: Phật giáo cho rằng tất cả pháp (những gì có mặt trên cuộc đời, bao gồm cả tâm và vật) trên thế gian này đều là duyên sinh, có điều kiện; và do đó, tất cả pháp là vô ngã, không hề có một thực thể nào bất biến, vĩnh hằng, cũng không có ai làm chủ đời sống của con người, ngoại trừ con người cá thể.

                Điều quan trọng nổi bật trong giáo lý của đạo Phật là tất cả chúng sinh đều có Phật tính, và đều có khả năng thành Phật.

                Sự giác ngộ, giải thoát tối thượng là chân lý bình đẳng đối với tất cả chúng hữu tình mà không phải là một ân sủng đặc biệt dành cho riêng ai. Đây là quan điểm bình đẳng vĩ đại, khó có thể tìm thấy ở những tôn giáo thần quyền khác.

Khải Thiên (Theo Cẩm nang của người Phật tử) 

Chánh niệm tỉnh giác kinh Đại Niệm Xứ Maha Satipatthana Sutta.

 

Trong kinh Sa Môn Quả, Đức Phật còn phải giảng giải cho Potthapàda nhiều điều để tu tập, trước khi chỉ dạy cho ông về phương pháp hành thiền cũng như sự đoạn diệt tăng thượng tưởng.

Giờ Đức Phật thuyết về chủ đề chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng (tỉnh giác). Đây là phương cách mà Ngài đã khai triển trong rất nhiều bản kinh: đầu tiên là gìn giữ giới luật, kế đến là kiềm chế các căn, rồi đến chánh niệm và sự hiểu biết rõ ràng (tỉnh giác).

 

Hai điểm sau cùng đi đôi với nhau, thường được nhắc đến cùng lúc. Sati là chánh niệm và Sampajanna là sự hiểu biết rõ ràng.

Và như thế nào… là một vị Tỷ kheo đã thành tựu về chánh niệm tỉnh giác ?

Ở đây một vị Tỷ kheo khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y, bình bát đều tỉnh giác; khi ăn uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, đứng lặng đều tỉnh giác. Như thế đó, một vị Tỷ kheo đã thành tựu chánh niệm tỉnh giác. Chánh niệm có bốn lãnh vực: thân thọ tâm và pháp.

1. 1Chánh niệm về thân được Đức Phật nói đến đầu tiên. Thực hành chánh niệm trong cuộc sống hàng ngày là rất cần thiết, không chỉ trong lúc hành thiền.

Nếu không có chánh niệm ngoài giờ hành thiền, thì cũng không thể có chánh niệm trong lúc hành thiền, vì chúng đi đôi với nhau.

Vì thế chúng ta thực hành căn bản chánh niệm đầu tiên này bằng cách quán sát thân. Chúng ta ý thức về những gì mình đang làm, dầu đó là đi, đứng, ngồi, nằm, ươn vai, cúi đầu… hay bất cứ điều gì. Một trong những ích lợi của việc chánh niệm về thân là trong khi thực hành, chúng ta cũng giữ tâm được yên, không cho phép nó lăng xăng.

1.2 Lợi ích thứ hai là chánh niệm thanh tịnh hóa tâm. Nếu thực sự quán sát những gì mình đang làm, chúng ta không thể ngay trong giây phút đó bực bội, sân hận hay tham đắm.

Đức Phật đã nhiều lần khuyên chúng ta nên sử dụng thân như là một đối tượng của chánh niệm. Trước hết, ta có thể dễ dàng cảm nhận, tiếp xúc được với thân mà không cần phải tìm kiểm sự có mặt của nó.

Nếu thực hành được như thế, ta sẽ nhận thức được trong một thời gian ngắn sự có mặt của thanh tịnh, cũng như sự vắng mặt của bao tâm lý não phiền. Vì làm sao chúng ta có thể ở trong trạng thái bực bội, ham muốn hay ghét bỏ khi chúng ta quán sát những gì đang thực sự xảy ra?

1.3 Lợi ích thứ ba là chánh niệm về thân giúp chúng ta có mặt ngay trong giây phút hiện tại, và dần dần ta nhận ra rằng không có giây phút nào khác hơn. Có mặt trong giây phút hiện tại thực sự là có mặt trong sự vĩnh cửu.

Thông thường chúng ta thiết lập ranh giới trong từng giai đoạn: quá khứ, hiện tại và tương lai. Ta nhìn chúng như là ba giai đoạn, nhưng thực sự chúng ta chỉ có thể ở trong một, là hiện tại. Hai thời điểm kia là do tâm tạo; chúng là những ảo tưởng tạo ra bởi ký ức hay tưởng tượng. Phần lớn chúng ta sống trong quá khứ, hoặc hướng về tương lai, hoặc cả hai, nhưng nếu ta sống như thế thì ta khó mà giữ được chánh niệm cũng như hành thiền. Vì cả hai việc này đều xảy ra ngay trong giây phút hiện tại.

2. Căn bản thứ hai của chánh niệm là sự ý thức về các cảm thọ, chúng ta cảm thấy gì. Căn bản thứ tư (chúng ta sẽ nói đến căn bản thứ ba trong chốc lát) là nội dung tư tưởng (pháp). Cả hai (thọ và pháp) đều có mặt trong lúc ta hành thiền và cần phải được duy trì trong đời sống hàng ngày.

Thí dụ, khi một cảm thọ mạnh mẽ phát sinh, trước tiên ta phải nhận ra bản chất của nó và sau đó cố gắng thay thế một cảm thọ bất thiện với thiện. Chúng ta không cần phải tin vào tất cả mọi cảm xúc của mình. Nếu truy tìm nguồn gốc phát sinh của một cảm thọ, ta sẽ thấy rằng đó là do sự tiếp xúc của căn (giác quan) với trần cảnh (đối tượng). Một việc đáng để thể nghiệm. Đối với pháp (nội dung tư tưởng của chúng ta) cũng thế.

Khi ta nhận thấy một tư tưởng là thiện, ta chỉ nhận biết như thế, rồi khi nó qua đi ta trở về chánh niệm thân. Nếu tư tưởng là bất thiện, ta cần nhanh chóng chuyển đổi nó. Chúng ta càng ít chứa điều bất thiện trong tâm, thì chúng càng ít có cơ hội để phát triển thành thói quen xấu trong tâm. Chúng ta càng ý thức về tâm tham (nói chung là tất cả những gì ta muốn), và tâm sân (nói chung là tất cả những gì ta không muốn), càng không để cho chúng có thời gian trụ lại trong tâm, thì ta càng dể buông bỏ chúng.

3. Căn bản thứ ba của chánh niệm là tâm thức hay những trạng thái tiềm ẩn. Đây cũng là một đối tượng quán sát quan trọng. Nếu chúng ta có thể nhận biết được tính chất bất thiện trước khi nó phát triển thành tưởng hay thọ, thì việc chuyển hóa nó sẽ dễ dàng hơn.

Nhiều người mang những trạng thái tâm tiêu cực nặng nề đến nỗi họ cảm thấy rất khó thay đổi. Nhưng phần đông chúng ta có thể chuyển hóa từ bất thiện sang thiện.

Nếu ta nhận ra được tính chất hờn dỗi, ghen tỵ hay sân hận đưa đến những suy nghĩ hay cảm thọ bất thiện, thì ta có thể cố gắng đối phó với chính trạng thái đó, trong nhận thức rằng nó chỉ là một trạng thái, không có gì quan trọng hơn.

Đúng vậy không có gì mà chúng ta sở hữu, tư duy, hay thực hiện có một sự quan trọng căn bản hay sâu sắc nào. Đơn giản là chúng chỉ xảy ra. Chúng ta không cần phải duy trì một cảm thọ, một tâm hay một pháp nào, nếu chúng đe dọa hạnh phúc của bản thân. Bản thân chúng ta càng có được nhiều hạnh phúc, thì ta càng có thể ban tặng cho người khác nhiều hơn. Chúng ta không thể cho những gì mình không có.

Đó là bốn căn bản chánh niệm: thân thọ tâm và pháp.

Chánh niệm là sự thuần chú tâm; không kèm theo phán đoán.

Đó chính là sự tỉnh giác hiểu biểt rõ ràng rằng các cảm xúc, tình cảm, tâm hay pháp là thiện hay bất thiện, để giúp chúng ta chuyển hóa.

Mỗi người chúng ta đều có khả năng hiểu biểt rõ ràng; ta có đủ trí tuệ để làm điều đó. Dĩ nhiên, chúng ta cũng có tất cả những yếu điểm của một con người phàm phu, những yếu tố luôn mang đến sự bất hạnh, lo âu sân hận, phiền não, nhưng chúng ta không cần phải bám giữ chúng. Với tâm tỉnh giác, ta có thể nhận ra điều này và bắt đầu hoán chuyển những điều bất thiện thành thiện. Chúng ta thực hành điều này khi hành thiền, rèn luyện để các suy nghĩ lăng xăng qua đi và đem sự chú tâm trở lại với đề mục thiền quán, và chúng ta cũng thực hành như thế trong đời sống hàng ngày.

Cùng thế ấy, mặc dù có nhiều phương pháp khác nhau để thực hành chánh niệm. nhưng chung quy những phương pháp đó đều là phương pháp thực hành chánh niệm. Chỉ có chánh niệm mới có thể đưa ta đến sự chứng ngộ Niết Bàn.

--------------------------==============================---------------------------------

Trong kinh Tứ Niệm Xứ,

Đức Phật dạy rằng chánh niệm được thực hành theo 21 cách khác nhau. Có 21 cách để thực hành chánh niệm mà ta chọn. Nhưng dù bạn chọn cách nào, chung quy cũng vẩn là thực hành chánh niệm, đó mới là điều quan trọng vì chỉ có chánh niệm mới là phương pháp thanh lọc tâm chúng sanh.

Trong kinh Pháp cú (274) - Đức Phật nói rõ ràng thêm về chánh niệm, "Chỉ có chánh niệm, mà không có một phương pháp nào khác để thanh lọc trí tuệ.” Chính Đức Phật nhấn mạnh câu khẳng định nầy, thế nên chúng ta phải chấp nhận rằng chánh niệm là con đường duy nhứt dẩn đến sự thanh lọc tâm chúng sanh.

1.1 Ý nghĩa của Tứ Niệm Xứ?

Hai chữ quan trọng ở đây là "xứ" hay "nền tảng" (dịch từ chữ "foundation") và "chánh niệm." Trước khi ta nói về Bốn đối tượng chánh niệm, ta nên hiểu "chánh niệm" là gì. Tuy chúng ta thực hành chánh niệm lâu năm, khi bị hỏi “chánh niệm là gì" ta không thể trả lời một cách thỏa đáng.

1.2 Nghĩa của chữ niệm "sati"

"Chánh niệm" là chữ dịch từ tiếng Pali "sati". Bài kinh nầy gọi là Kinh Niệm Xứ (Satipatthana.) "Sati" được dịch là "chánh niệm." Có lẽ không có danh từ nào đúng hơn trong tiếng Anh để dịch chữ đó. Nghĩa đen của “sati” là "nhớ." Nhưng sati gồm nhiều nghĩa hơn là "nhớ." Theo nguồn gốc ngôn ngử để phân tách thì "sati" có nghĩa là "nhớ" nhưng khi theo thông dụng thì "sati" còn hàm chứa nhiều nghĩa hơn. "Sati" theo định nghĩa trong Chú giải là "nhớ" và đặc tánh hàm chứa của nó là "không hời hợt" "không nổi lềnh bềnh trên mặt." Nếu đúng là sati nó không giả tạo, mà nó đi sâu vào đối tượng. Thế nên Sư luôn nói rằng "sati" hàm chứa nghĩa: "hay biết hoàn toàn đối tượng,” hay “hay biết thấu triệt đối tượng.” “Sati” còn có nghĩa là có chức năng không làm mất đối tượng. Khi có chánh niệm, ta không mất đối tượng, ta không quên đối tượng. Chánh niệm không phải là sự hay biết hời hợt giả tạo, mà là một sự hay biết sâu đậm và thấu đáo một đối tượng.

1.3 Nghĩa của "Đặt nền tảng chánh niệm” (dịch từ "foundation of mindfulness)

Bây giờ ta nên bàn đến câu “ nền tảng chánh niệm.” Nó có nghĩa là "sắp đặt” nền tảng chánh niệm hay “thiết lặp chặt chẽ chánh niệm” hay "chánh niệm được thiết lập vững chắc”. Tiếng Pali Satipatthana được dịch là "lãnh vực nền tảng chánh niệm" nhưng thực ra nó có nghĩa là "sự sắp đặt một chánh niệm vững chắc” hay “thiết lập một chánh niệm vững mạnh.” trên đối tượng.

1.4 Thực hành Tứ Niệm Xứ

Trong kinh Tứ Niệm Xứ, Đức Phật dạy rằng có bốn đối tượng để đặt nền tảng chánh niệm Khi bạn thực hành thiền Minh Sát bạn phải thực hành chánh niệm trên tất cả bốn đối tượng nhưng khi thực hành chánh niệm bạn thực hành một cách tự do không theo thứ tự đối tượng nầy trước hay đối tượng nầy sau theo thứ tự viết trong kinh.

Bởi vì khi bạn thực hành thiền Minh Sát bạn phải chánh niệm đối tượng phát sanh trong giây phút hiện tại. Đối tượng trong giây phút hiện tại có thể là một trong bốn đối tượng – có khi đó là thân, có khi đó là cảm thọ, có khi đó là tâm thức, có khi đó là Pháp. Bạn phải chánh niệm những đối tượng ngay khi chúng vừa phát sanh vì bạn không có sự lựa chọn. Bởi thế nên thiền Minh Sát được gọi là "sự hay biết (chánh niệm) không lựa chọn. (choiceless awareness). Nghĩa là bạn không có sự lựa chọn, bạn chỉ ghi nhận hay chánh niệm những gì phát sanh đến với bạn. Bạn chánh niệm bốn đối tượng không theo một thứ tự nào cả, đối tượng nào phát sanh, bạn chỉ chánh niệm, đó là cách hành thiền Minh Sát.

----------------=======================------------------------------------

Bốn Đối tượng chánh niệm là gì?

Bốn đối tượng chánh niệm là:

1) (Chánh) Niệm thân trên thân

2) (Chánh) Niệm thọ trên thọ

3) (Chánh) Niệm tâm trên tâm

4) (Chánh) Niệm pháp trên pháp

--------------=================----------------------------------------------------

Ta phảì thực hành chánh niệm như thế nào?

Trong đoạn mở đầu của kinh Đại Niệm Xứ, Đức Phật dạy rằng trong mỗi quán niệm trên, bạn phải tinh cần, tinh tấn, phải tỉnh giác, và phải chánh niệm để chế ngự tham ưu ở đời.

1. "Chánh niệm thân trên thân"

Khi thực hành chánh niệm trên thân, thầy Tỳ khưu hay người cư sĩ hành giả phải niệm cho thật chính xác. Hành giả chỉ chánh niệm thân trên thân mà thôi, người ấy không chánh niệm cảm thọ trên thân hay trên thân con người…Để cho có một đối tượng thật rõ ràng Đức Phật lập lại những chữ thân trên thân, thọ trên thọ, tâm trên tâm, pháp trên pháp trong câu kinh trên. Nghỉa là Đức Phật vô cùng chính xác trong sự chánh niệm thân, thọ, tâm, pháp. Khi thực hành chánh niệm, hành giả phải tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm.

2. Phải tinh cần trong sự thực hành

Danh từ "tinh cần" không phải là chữ dịch đúng nghĩa của chữ Pali “atapi”.Khi một chữ từ ngôn ngữ nầy được dịch sang ngôn ngữ khác, thế nào cũng bị mất ít nhiều ý nghĩa. Chữ "atapi" tiếng Pali lấy từ chữ "atapa". "Atapa" có nghĩa "sức nóng của mặt trời."Ta biết rằng mặt trời có thể đốt nóng những vật cho đến khi những vật ấy trở nên héo úa và có khi thiêu đốt. Cùng thế ấy cái nỗ lực mà hành giả áp dụng vào sự hành thiền làm nóng và đốt cháy mọi phiền não trong tâm. Người mà có atapa tinh cần thì được gọi là "atapi", chữ "i" chỉ sự làm chủ. "Atapi" chỉ người có cố gắng trong sự hành thiền, không dễ duôi. Người thực sự cố gắng để chánh niệm và hiểu biết thầu đáo. Khi đọc kinh bằng tiếng Pali và thấy chữ "atapi" ta nên hiểu chữ đó có nghĩa thực sự như vậy. Ta phải thấy sự tinh tấn sẽ đốt cháy được phiền não.

3. Phải nhiều tinh tấn

Khi Đức Phật còn là một vị Bồ Tát, Ngài ngồi dưới cội bồ đề hành thiền để trở thành Phật, Ngài đã phát nguyện mạnh mẽ trong tâm "dù cho chỉ còn da, gân, xương, dù cho thịt và máu có khô cạn ta quyết không bao giờ ngưng hay bỏ mọi nỗ lực phi thường cho đến khi ta thành Phật. Ta sẽ cố gắng tinh tấn để đạt đên mục đích.” Sự nỗ lực như thế gọi là chánh tinh tấn.

Để có chánh tinh tấn bạn phải có nhiều nỗ lực thật sự, chớ không phải chỉ nỗ lực hời hợt. Nỗ lực ở đây cũng là chánh tinh tấn, một trong tám chi của Bát Chánh Đạo.

Chánh tinh tấn nghĩa là sự nỗ lực để diệt trừ hay tránh xa những bất thiện tâm, và để trau dồi và gặt hái những thiện tâm. Muốn chống lại những trạng thái tâm bất thiện, bạn cần có sự nỗ lực. Nếu bạn không nỗ lực bạn không thể chống lại những điều bất thiện. Cùng thế đó, bạn cần có sự cố gắng thật sự, mạnh mẽ để thực hành thiền Tứ Niệm Xứ.

4. Tỉnh giác

Tỉnh giác có nghĩa là thấy rõ ràng. Đối tượng nào mà hành giả đặt chánh niệm hành giả thấy nó thật rõ ràng. "Rõ ràng" có nghĩa là gì? Nghĩa là hành giã thấy thấu đáo thông suốt thấy với trí tuệ. Khi hành giã niệm hơi thở, vị ấy thấy hơi thở rõ ràng. Vị ấy thấy hơi thở vào rõ ràng phân biệt với hơi thở ra, và thấy hơi thở ra rõ ràng phân biệt với hơi thở vào. Hành giã cũng thấy hơi thở phát sanh và thấy nó diệt. Hành giã chỉ thấy hơì thở và sự biết hơì thở, không có gì khác mà thông thường được cho là con người hay một chúng sanh. Sự hiểu biết đó gọi là "tỉnh giác."

Khi bạn có sự tỉnh giác về một việc gì, bạn biết việc ấy và những trạng thái của nó. Cũng theo giáo Pháp của Đức Phật bạn biết rằng chỉ có vật được quan sát và cái tâm quan sát vật ấy, ngoài ra không có gì gọi là một người hay một cá nhân, đàn ông, đàn bà. Nhìn sự vật như thế được gọi là tỉnh giác. Sự tỉnh giác nầy sẽ đến với bạn sau một thời gian thực tập, không phải đến ngay khi bạn mới bắt đầu hành thiền.

Khi mới bắt đầu hành thiền bạn có thể không thấy hơi thở rõ ràng. Có khi thấy những hơì thở nầy xáo trộn nhau và rất mơ hồ. Nhưng từ từ, với sự phát triển của tâm định và có tiến bộ trong sự thực hành, bạn sẽ thấy đối tượng càng ngày càng rõ ràng thêm và thấy luôn cả sự sanh và diệt của hơi thở, vân, vân…Như thế sự tỉnh giác nầy phát sanh không phải ngay lúc bắt đầu hành thiền, nhưng chỉ sau một thời gian bạn có được kinh nghiệm.

Muốn có sự tỉnh giác phát sanh, ta cần một yếu tố nữa tuy rằng trong kinh nầy không có đề cập tới. Ta cần có tâm định. Nếu không có tâm định, tỉnh giác sẽ không thể phát sanh.

5. Phải cần phát triển tâm định

Tâm định là gì? Tâm định là một tâm sở để giữ những tâm sở khác trên một đối tượng và không cho chúng chạy sang các đối tượng khác. Tâm định là một thứ tâm sở có thể ở trên đối tượng một thời gian khá lâu. Thí dụ, lấy hơi thở làm đối tượng, tâm định của bạn luôn luôn ở trên hơi thở và tâm của bạn không phóng đi nơi khác. Ở mỗi khoảnh khắc tâm định giữ tâm và các tâm sở khác trên đối tượng. Tâm định nầy rất cần thiết cho sự tỉnh giác phát sanh. Không có tâm định, bạn không hy vọng thấy sự vật một cách rõ ràng và cũng không hy vọng có được sự tỉnh giác.

Khi ta đạt được tâm định, tâm của ta lắng xuống và trở nên vắng lặng. Đây là lúc ta bắt đầu thấy rõ sự vật. Nó giống như nước dơ hay nước bùn trong một ao hồ. Khi có đất cát dơ hay bùn sình trong nước ta sẽ không thấy đáy của ao hồ. Nhưng khi đất cát dơ hay bùn sình được lắng đọng xuống và mặt nước trở nên trong ta mới có thể thấy xuyên qua nước. Cùng thế đó tâm ta cũng giống như nước bùn hay nước dơ vì nó chứa đồ dơ bẩn hay những ô nhiễm. Khi tâm ta còn bị nhiễm độc bởi những ô nhiễm ta không thấy sự vật một cách rõ ràng.Ta phải đè nén hay để những ô nhiễm của tâm lắng đọng xuống trước khi ta có thể thấy sự vật một cách rõ ràng. Những ô nhiễm nầy gọi là những chướng ngại trong tâm

Khi ta phát triển định tâm, ta sẽ có thể đè nén những chướng ngại tạm thời ở một bên. Khi những chướng ngại được khắc phục, tâm ta sẽ trở nên rõ ràng trong sáng. Khi đó tỉnh giác hay sự hiểu biết thật sự mọi sự vật sẽ phát sanh.

Tuy khái niệm về tâm định không được nhắc đến trong kinh Đại niệm xứ, ta nên hiểu sự cần thiết của tâm định được hàm chứa trong kinh bởi vì nếu không có tâm định thì sự tỉnh giác không thể phát sanh. Sư cho một thí dụ giản dị như sau. Một người thợ săn đang đuổi theo một con nai. Người ấy thấy có một tảng đá bằng phẳng và thấy dấu chân của con nai ở hai bên đối diện nhau của tảng đá, nhưng không phải ở trên mặt phẳng của tảng đá hay chung quanh tảng đá. Do sự quan sát nầy, người ấy suy diển rằng con nai phải đi ngang trên bề mặt phẳng của tảng đá để đi từ bên nầy sang bên kia. Có nghĩa là người ấy thấy phần đầu và phần cuối, và suy diển phần giữa có nghĩa là con nai phải chạy ngang qua tảng đá. Tương tự như thế, chánh niệm cũng như ở đoạn đầu, và tỉnh giác ở đoạn cuối. Ở giữa phải là tâm định vì nếu không có tâm định thì sẽ không có tỉnh giác.

5.1 Bốn thứ tâm sở căn bản cần thiết

Có bao nhiêu tâm sở rất cần thiết cho sự hành thiền chánh niệm mà ta đã đề cập đến? Có tất cả là bốn và chúng kết hợp lại thành bốn tâm sở rất căn bản và cần thiết trong sự thực hành chánh niệm. Đó là tinh cần, tỉnh giác, địnhchánh niệm. Bốn tâm sở nầy là những phần tử của sự hành thiền chánh niệm. Khi ta thực hành thiền bốn tâm sở nầy làm việc chung và hòa hợp với nhau. Nhưng còn một tâm sở nữa không được nêu lên ở đây, đó là đức tin.

5.2 Cần có đức tin

Đức tin hay sự tin tưởng cũng là một yếu tố quan trọng trong sự hành thiền vì nếu ta không có sự tin tưởng nơi pháp môn của Đức Phật ta sẽ không thực hành theo lời Phật dạy. Nếu không có sự tin tưởng tức nhiên sẽ không có sự thành công trong bất cứ việc làm gì. Trong đạo Phật, không có đức tin mù quáng. Không có nghĩa là ta không có đức tin. Ta có đức tin hay sự tin tưởng nơi Đức Phật và giáo lý của Ngài.Ta tin rằng nếu chú tâm quán niệm những đối tượng của kinh Tứ Niệm Xứ, ta sẽ thấy đặc tánh thật của những đối tượng nầy – là vô thường, chúng dẫn đến đau khổ và chúng vô ngã.

Đức tin là một tâm sở quan trọng sự hành thiền tuy nó không vận hành tích cực khi hành thiền chánh niệm, nó vẫn có mặt và làm việc điều hòa với những tâm sở khác. Cho nên nếu ta thêm yếu tố đức tin vào các tâm sở mà ta đã bàn tới trên đây, bây giờ ta có năm tâm sở mà chúng được gọi là Ngũ căn, tiếng Pali là Indriyas (Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Định căn, Tuệ căn.) Các thiền sư khi hướng dẫn các khóa tu học thường thích dạy về Ngũ căn nầy. Ngũ căn nầy phải làm việc cùng một lúc và điều hòa với nhau nếu ta muốn có một sự hành thiền tốt đẹp. Nếu chúng không làm việc hòa hợp với nhau thì ta sẽ mất thiền.

5.3 Thăng bằng giữa tinh tấn và định

Khi ta thực hành thiền sự thăng bằng giữa tinh tấn và định rất quan trọng. Nếu chúng không thăng bằng, nghĩa là nếu một trong hai cái quá nhiều ta sẽ kinh nghiệm nhiều khó khăn trong khi hành thiền. Ta phảì có tinh tấn vừa đủ, không nhiều quá và cũng không ít quá. Ta tinh tấn nhiều quá vì ta nóng lòng muốn đạt được điều gì. Kết quả là ta mất thăng bằng. Thế nên quá nhiều tinh tấn không đem lợi ích cho ta. Ngược lại việc gì xảy ra nếu có ít tinh tấn? Ta sẽ trở nên buồn ngủ, lười biếng, ta không thể chú tâm và không hành thiền được. Cho nên ta phải tinh tấn vừa đủ không nhiều quá và cũng không ít quá. Khi tinh tấn nhiều quá thì định tâm lại ít đi. Nếu tinh tấn ít quá, thì định tâm cũng sẽ không có đủ vi mất sự thăng bằng.

Giả thử như bạn hành thiền và bạn được sự định tâm tốt. Sau khi được định tâm tốt bạn sẽ giảm bớt sự tinh tấn bạn sẽ trở nên lười biếng hay buồn ngủ. Khi việc nầy xảy ra, bạn phải cố gắng nhìều hơn và chú tâm chánh niệm nhiều hơn. Có khi bạn phải chú tâm đến những đối tượng khác và chánh niệm trên mỗi đối tượng riêng rẽ. Tinh tấn và định phải thăng bằng mới giúp hành giả có sự hành thiền tốt đẹp và phát sanh sự tỉnh giác.

Có khi bạn đang hành thiền có tâm định tốt thình linh bạn mất đi sự định tâm. Tại sao? Một trong những lý do có thể là bạn để quá nhiều tinh tấn. Do mong muốn sự hành thiền tốt đẹp hơn, ta nỗ lực quá nhiều. Kết quả sẽ ngược lại sự mong muốn của ta. Có khi trong khi hành thiền bạn có được sự định tâm tốt và mặc dầu được tâm định tốt bạn cảm thấy buồn ngũ và ngũ gật. Tại sao vậy? Có thể là bạn có quá nhiều định tâm. Bạn nên giảm bớt sự định tâm và tăng thêm sự tinh tấn.

Thế nên hành thiền không phải dễ. Sư không muốn bạn nãn lòng chớ sự thật là hành thiền không phải dễ. Nó rất tinh tế. Chỉ một chút mất thăng bằng của tâm cũng có thể làm mất sự định tâm mà bạn đã công phu bồi đấp bằng nhiều nỗ lực. Thế nên năm tâm sở hay Ngũ căn kể trên phải làm việc song song và hòa hợp với nhau. Sự thực hành thiền cũng như một cái máy. Có nhiều bộ phận trong một cái máy và mỗi bộ phận phài làm việc chính xác ăn khớp với nhau. Nếu một bộ phận không chạy thì cả cái máy cũng không chạy. Cùng thế ấy, nếu một yếu tố của tâm không làm việc chính xác thì cả sự thực tập thiền quán sẽ mất đi sự thăng bằng. Thế nên Ngũ căn phải hiện diện và làm việc chính xác và hòa hợp với nhau.

5.4 Giá trị của Chánh Niệm

Bây giờ ta hãy suy nghiệm một cách nghiêm túc về giá trị của chánh niệm. Chánh niệm là một tâm sở có chức năng điều hành. Chánh niệm giữ cho sự tinh tấn không quá độ và chánh niệm cũng giúp cho sự định tâm không quá độ vân vân…Vì vậy chánh niệm là một tâm điều hành trong ngũ căn khi hành thiền. Tâm chánh niệm vô cùng cần thiết. Không bao giờ nói rằng có quá nhiều chánh niệm.

Chánh niệm vô cùng cần thiết trong mọi lúc giống như muối là một gia vị cần thiết để nấu ăn, hay như một ông quan lớn làm tất cả nhiệm vụ cho một ông vua. Tuy chánh niệm là một tâm quan trọng trong ngũ căn, nhưng những tâm sở kia trong ngũ căn cũng rất quan trọng và những tâm nầy phải làm việc đồng đều chính xác và thăng bằng với nhau.

----------==================----------------

Tham ái

1. Chế ngự tham ái và sân hận ở đời

Khi ngũ căn làm việc chính xác và thăng bằng hành giả phát sanh sự tỉnh giác? vậy kết quả là gì?

Kết quả là sự vượt khỏi hay chế ngự tham ái và sân hận ở đời.

Trí tuệ tỉnh giác phát sanh là do kết quả của sự tinh tấn hành thiền. Ở đây, khi được dịch ra tiếng Anh, sự phiên dịch nầy có điều thiếu sót về nghĩa của nó. Thông thường thì được dịch là đã được vượt khỏi hay đã được chế ngự tham ái và sân hận ở đời.

Ta đặt câu hỏi thực hành thiền để làm gì? Thực hành chánh niệm để làm gì? Thực hành thiền hay tu thiền là để diệt trừ tham ái và sân hận ở đời. Tham ái nghĩa là sự bám níu chấp giữ, sân hận là sự ác tâm, oán giận vân vân…Thực hành thiền Minh Sát hay Tứ Niệm Xứ là để “vượt khỏi hay chế ngự” tham ái và sân hận. Chính vì mục đích trên mà ta thực hành chánh niệm. Nhưng nếu ta đã đạt được mục đích trên rồi thì ta đâu cần phải thực hành thiền. Để được chính xác, ở đây ta nên dịch câu viết trong kinh "chế ngự tham ái và sân hận ở đời” là "chế ngự tham ái và sân hận đang phát sanh ở đời, chớ không nên dịch là "đã phát sanh". Hay nói cách khác, "đang chế ngự tham ưu ở đời, mới chính xác hơn là "đã chế ngự tham ưu ở đời (người dịch thêm ở đây cho dễ hiểu hơn).

Sư muốn các bạn nên để ý đến điểm nầy. (Ở đây nên dùng văn phạm tiếng Pali để giãng nghĩa sẽ được rõ ràng hơn, nhưng vì rất dài dòng nên Sư phải bỏ qua ở đây.)

Vượt khỏi tham ái và sân hận ở đời có nghĩa là tránh xa sự tham lam hay dính mắc, sân hận hay ác tâm đối với đối tượng mà hành giả đang chánh niệm. Câu viết trong kinh “ở đời” nghĩa là các ô nhiễm "ngũ ngầm" trên các đối tượng thân, thọ, tâm và pháp. Khi ta thấy một vật gì và ta bám níu vào vật ấy. Nếu ta kết luận rằng vậy ấy đẹp, hay tốt, ta sẽ bám níu vào vật ấy. Ngược lại ta có thể phát sanh sự sân hận hay oán ghét vân, vân…vật đó nếu ta cho đó là xấu xa hay ghê tỡm. Thế nên phiền não có thể phát sanh trong tâm khi ta kinh nghiệm một việc gì.

2. Nghĩa sâu rộng của "tham ái".

Khi Đức Phật dạy rằng “để chế ngự tham ưu ở đời ,“ có nghĩa là hành giả ngăn ngừa đề phòng không cho tham ái sân hận phát sanh ở đối tượng mà hành giả đang chánh niệm.

Ở đây tham ái hay ái dục bao gồm tất cả những ô nhiễm như bám níu, tham lam, ái dục, và những trạng thái tâm tương tợ như vậy, và ưu phiền có nghĩa sầu não, sân hận, ganh ghét, đau buồn, sầu khổ v.v…Có ba nguồn gốc của tâm bất thiện, đó là tham, sân và si. Trong ba tâm bất thiện đó, có hai tâm được nêu lên ở đây. Tham ái là tâm đầu tiên, là sự bám níu, tiếng Pali gọi là "lobha", tâm thứ hai sân hận gọi là "dosa". Tham ái có nghĩa bao gồm trong lobha, và sân hận có nghĩa bao gồm trong dosa. Si tiếng Pali là "moha" không được gồm chung ở đây, bởi vỉ moha “si” rất khó để ngăn ngừa và tiêu diệt.

Vì thế cho nên Đức Phật dạy các thầy Tỳ Khưu nên tinh tấn chánh niệm, phát triển tâm định và trí tuệ tỉnh giác khi hành giả quán thân trên thân để chế ngự tham ưu không để cho chúng phát sanh. Đây cũng là phương pháp được áp dụng khi hành giả quán niệm cảm thọ, tâm và Pháp.

=--------==============---------------------------

Bảo vệ ngăn ngừa các tâm ô nhiễm phát sanh

Để ngăn ngừa không cho những tâm ô nhiễm phát sanh, ta cần có phương pháp để bảo vệ tâm. Cách bảo vệ nầy chính là chánh niệm. Khi ta chánh niệm thì những ô nhiễm đó không có cơ hội để phát sanh trong tâm ta. Khi ta chánh niệm, khi ta tỉnh giác ta sẽ thấy mọi sự vật một cách rõ ràng, ta biết rằng chúng đến rồi đi, chúng vô thường. Ta cũng hiểu biết rõ ràng rằng ta không nên bám níu vào chúng. Cho nên ta có thể tránh xa tham ái, bám níu, sân hận hay oán ghét đối với đối tượng do sự thực hành chánh niệm.

Khi ta nói "vượt khỏi" hay "diệt trừ" thật ra ta đang tránh hay ngăn ngừa không để ô nhiễm phát sanh. Không có nghĩa là ta vượt khỏì hay diệt trừ sau khi chúng phát sanh. Nghĩa chính xác của nó là ngăn ngừa tham ái và sân hận không cho chúng phát sanh trong tâm ta.

Nếu ta không chánh niệm trên đối tượng đó, thì chắc chắn tham ái hoặc sân hận sẽ phát sanh. Những tâm ấy có thể phát sanh nhưng nếu ta chánh niệm kịp thời ta có thể ngăn ngừa không cho chúng phát sanh. Ngăn ngừa không để chúng phát sanh trong tâm chính là ý nghĩa câu "vượt khỏi ô nhiễm." (Nhưng nếu chúng phát sanh, thì ta lại dùng chúng là đối tượng của chánh niệm để diệt trừ chúng.)

Khi ta nói đến giác ngộ, ta thường dùng câu ‘trong giây phút giác ngộ"những ô nhiễm sẽ được tiêu diệt. Những tâm ô nhiễm nào sẽ được tiêu diệt trong lúc đó? Hiện tạì, quá khứ hay tương lai? Quá khứ thì đã qua, ta không cần làm gì cả để tiêu diệt chúng. Còn tương lai những ô nhiễm chưa phát sanh ta không làm gì được cả. Còn hiện tại? Nếu ô nhiễm có mặt thì sẽ không có sự giác ngộ.Tại sao? Bởi vì tâm giác ngộ là một tâm trong sạch và ô nhiễm là tâm không trong sạch.Tâm trong sạch và tâm không trong sạch sẽ không cùng hiện hữu.

Chúng không hiện diện chung. Cho nên những ô nhiễm mà ta cho là được tiêu diệt trong lúc giác ngộ không phải ở quá khứ, hay tương lai, hay trong hiện tại.

1. Những ô nhiễm nào được tiêu diệt?

Để nói cho thật chính xác thì những ô nhiễm bị tiêu diệt không gọi là ô nhiễm hay kilesas trong tiếng Pali.Chúng được gọi là "ngủ ngầm" hay anusayas trong tiếng Pali. "Anusayas nghĩa là tiềm năng để phát sanh. Cái mà tâm giác ngộ tiêu diệt đó chính là cái tiềm năng (ngủ ngầm.)

Thí dụ như hút thuốc lá. Giả thử bạn là một người hút thuốc lá. Ngay bây giờ bạn không có hút thuốc lá. Giả thử Sư hỏi bạn "bạn có hút thuốc lá không? Và bạn trả lờì rằng "Bạch Sư, tôi có hút." Có nghĩa là bạn đã có hút thuốc lá trong quá khứ, và bạn sẻ hút thuốc lá trong tương lai. Tóm lại là bạn không có bỏ hút thuốc lá. Tuy rằng bạn không hút thuốc lá ngay trong lúc bây giờ, bạn trả lời "tôi có hút thuốc lá."

Cùng thế ấy, ngay trong lúc bây giờ, Sư nói rằng Sư không có ô nhiễm trong tâm và bạn cũng không có ô nhiệm trong tâm của bạn. Nhưng sau buổi nói Pháp, bạn đi về và bạn đạp phải một vật nhọn hay có người nào đó xô đẩy bạn, thế là bạn nổi giận. Sự ô nhiễm nầy đươc dịp sanh khởi vì nó có điều kiện để sanh khởi. Chính cái tiềm năng phát sanh ô nhiễm nầy sẽ bị tiêu diệt bằng tâm giác ngộ.

2. Làm thế nào ngăn ngừa ô nhiễm phát sanh?

Những ô nhiễm được diệt trừ trong giây phút giác ngộ không gì hơn đó là tiềm năng ngủ ngầm có thể phát sanh. Khi chúng phát sanh thì chúng đã hiện diện rồi. Cùng thế đó, nói rằng vượt khỏi tham ái và sân hận nghĩa là tránh hay ngăn ngừa không để chúng phát sanh trong tâm. Bằng cách nào? Bằng cách thực hành chánh niệm. Nếu ta có tinh tấn, và nếu ta áp dụng chánh niệm và nếu ta có tâm định, ta sẽ thấy sự vật thật rõ ràng. Nếu ta thấy sự vật thật rõ ràng, thì các ô nhiễm sẽ không có cơ hội để phát sanh. Ta nói rằng thực hành thiền Minh Sát hay thực hành chánh niệm để diệt trừ phiền não.

---------------===================----------------------------

Sự diệt trừ ô nhiễm nầy có phải là sự diệt trừ vĩnh viễn không?

Sự diệt trừ ô nhiễm nầy chỉ có tánh cách tạm thời vì nó chỉ là một sự thay thế tạm thờì thôi. Chỉ một giây phút sau là chúng trở lại. Nó chỉ kéo dài một thời gian ngắn mà thôi. Sự diệt trừ nầy được gọi là sự diệt trừ bằng sự thay thế. Nghĩa là bạn trừ bỏ những tâm bất thiện bằng sự thay thế những tâm thiện. Khi có sự hiện diện của tâm thiện thì sẽ không có sự hiện diện của tâm bất thiện. Bạn đặt những tâm thiện ở một chổ trong tâm thì những tâm bất thiện sẽ không còn chổ để phát sanh. Sự diệt trừ ô nhiễm nầy được gọi là sự diệt trừ bằng sự thay thế. Nhưng trạng tháì tâm đó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn mà thôi. Chỉ một lúc sau ô nhiễm lại trở lại. Khi thực hành thiền Minh Sát tham ái và sân hận được tiêu diệt bằng cách đó. Khi bạn ra khỏi thiền và bạn gặp những điều kiện thuận lợi cho những ô nhiễm phát sanh, chúng sẽ phát sanh trở lại.

1. Diệt trừ ô nhiễm tạm thời

Có một sự diệt trừ ô nhiễm gọi là "tạm thời." Đó là sự diệt trừ bằng cách đẩy lui chúng đi. Khi bạn đẩy lui một vật gì sang một bên, nó sẽ ở chổ đó một thời gian, hoặc nó không trở lại ngay, giống như cây nổi trôi trên mặt nước. Nếu bạn đẩy gạt nó đi, nó sẽ đứng yên ở chổ đó một thời gian, nhưng từ từ nó cũng sẽ trở lại chổ cũ. Sự diệt trừ nầy gọi là sự diệt trừ tạm thời. Trạng thái tâm nầy được đạt tới khi hành giả đang ở trong tâm phỉ lạc. Khi hành giả có được phỉ lạc hay kinh nghiệm phỉ lạc, hành giả có thể đẩy lui ô nhiễm trong tâm trong một thời gian. Có thể chúng sẽ không trở lại trong tâm hành giả trọn ngày hay có thể cả tuần hay cả tháng nhưng sau cùng chúng cũng sẽ trở lại trong tâm hành giả.

2. Diệt trừ ô nhiễm toàn diện

Sự diệt trừ ô nhiễm thứ ba gọi là diệt trừ toàn diện. tiếng Pali gọi là "samuccheda" = cắt đứt, nghĩa là diệt trừ bằng sự cắt đứt. Nếu bạn chặt đứt gốc rể của một cây, nó sẽ không mọc trở lại. Sự diệt trử toàn diện gọi là sự diệt trừ bằng sự cắt đứt. Sự diệt ô nhiễm toàn diện nầy được đạt đến trong lúc chứng ngộ. Những ô nhiễm được diệt trừ trong lúc giác ngộ là toàn diện và chúng sẽ không bao giờ trở lại trong tâm của hành giả.

3. Người nào đã diệt trừ được mọi phiền não?

Chỉ có A La Hán là người hoàn toàn diệt trừ mọi ô nhiễm. Ngài không còn bám níu, không còn sân hận, không còn ngã mạn, không còn ganh tị hay những trạng thái tâm bất thiện khác. Cả những khi Ngài bị thách đố, Ngài cũng không hề nổi giận. Cả những khi Ngài nhìn vật gì hấp dẫn hay tốt đẹp, Ngài cũng không cảm thấy bám níu hay mong muốn vật ấy. Các bậc nầy đã hoàn toàn tiêu diệt ô nhiễm bằng cách chặt đứt mọi ô nhiễm trong tâm các Ngài.

4, Diệt trừ ô nhiễm tạm thời bằng thiền Minh Sát

Những sự vật mà ta gặp phải cũng có thể gây ra sự tham ái hay sân hận trong tâm ta. Nếu ta không chánh niệm trên vật đó, ta sẽ phát sanh sự bám víu hay sân hận đối với vật ấy. Việc nầy xẩy ra cho phần đông trong chúng ta.

Nếu bạn hành thiền Minh Sát tốt đẹp và bạn có kinh nghiệm để tránh được tham ái và sân hận đối với vật được quan sát, bạn cũng có thể ngăn ngừa không cho phát sanh cả những vật mà bạn không quan sát. Đó được gọi là "tạm thời diệt tận ô nhiễm bằng thiền Minh Sát."

4.1 Thiền Minh Sát

Thiền Minh Sát có thể đạt được hai sự tiêu diệt phiền não, đó là sự diệt trừ từng chập hay sát na diệt trừ, và sự diệt trừ tạm thời. Nhưng thiền Minh Sát không thể đạt được sự tiêu diệt phiền não thứ ba đó là sự diệt trừ toàn diện, sự diệt trừ nầy chỉ có thể thực hiện được khi chứng ngộ hay chứng Đạo tâm.

Nhiều khi hành giả nghĩ rằng nếu họ không chánh niệm trên đối tượng chánh họ không thực hành đúng. Nhiều khi họ nói rằng, “À, ta đã để thời gian hay phí thời gian theo dõi tâm đi chỗ nầy chỗ kia và ta không để nhiều thời gian chánh niệm trên đối tượng chánh.” Bất kỳ bạn chánh niệm trên đối tượng chánh hay đối tượng phụ, khi bạn có chánh niệm, tức là bạn hành thiền đúng rồi. Bạn đang thực sự hành thiền hay thực hành thiền Minh Sát. Điều quan trọng trong thiền Minh Sát thứ nhứt là sự chánh niệm trên đối tượng trong giây phút hiện tại.Có khi bạn quên chánh niệm và bạn nên dùng cái quên nầy làm đối tượng chánh niệm của bạn. Bây giờ bạn chánh niệm cái “quên"và đem tâm về đối tượng chánh.

4.2 Chánh niệm dẫn đến sự chứng ngộ chân lý vô thường

Bạn phải luôn luôn chánh niệm. Nếu bạn có thể giữ chánh niệm tích cực, bạn sẽ tiến bộ rất nhanh và bạn sẽ bắt đầu thấy đặc tánh thật sự của mọi sự vật. Chỉ có khi đó bạn mới bắt đầu thấy sự vật sanh và diệt. Khi bạn thấy chúng sanh và diệt, bạn sẽ thấy chúng vô thường, bạn cũng sẽ thấy đặc tánh khổ và đặc tánh vô ngã của chúng. Bạn sẽ nhận thấy rằng bạn không điều khiển được chúng, và chúng sanh và diệt theo ý chí tự do của chúng.

Khi bạn thấy sự vật "như là", bạn mới có khã năng thấy rõ ràng ba đặc tánh chung của tất cả các pháp hữu vi có điều kiện. Thấy được ba đặc tánh vô thường, khổ, vô ngã của các pháp hữu vi, đó là tinh yếu của thiền Minh Sát. Nếu bạn thực hành thiền Minh Sát bạn phải thấy ba đặc tánh đó, bởi vì chữ "Vipassana" có nghĩa là "thấy sự vật bằng nhiều cách," thấy sự vật bằng nhiều cách có nghĩa là thấy dưới ánh sáng của vô thường, khổ, và vô ngã.

Điều quan trọng của sự thực hành thiền Minh Sát là phải thấy ba đặc tánh đó, và để được thấy ba đặc tánh đó ta cần phải quan sát, cần nhìn thật sâu thật rõ và chú tâm chánh niệm đối tượng trong giây phút hiện tại. Muốn chú tâm chánh niệm đối tượng trong giây phút hiện tại ta cần nhiều nỗ lưc hay tinh tấn. Không có sự nỗ lực tinh tấn thì sẽ không đạt được những gì có giá trị.

Vì thế nên Đức Phật dạy rằng phải tinh cần, tỉnh giác và chánh niệm. Khi ta thực hành và áp dụng những tâm sở trên trong sự hành thiền và thêm sự định tâm, ta mới có thể vượt khỏi tham ái và sân hận đối với sự vật mà ta quan sát chánh niệm.

Lời nhắn nhủ

Trên đây Sư đã giảng một cách ngắn gọn bài kinh rất quan trọng của Đức Phật, đó là kinh Đại Niệm Xứ Maha Satipatthana Sutta. Nếu bạn hiểu được những gì Sư đã giảng ở trên, Sư nghĩ rằng bạn đã nắm vững phương thức thế nào là sự thực hành chánh niệm. Bạn cũng hiểu phương pháp hành thiền như thế nào. Điều quan trọng là bạn nên theo đúng những lời chỉ dẫn với sự tinh tấn và áp dụng chánh niệm để bạn thấy sự vật một cách thật rõ ràng.

Sư cầu mong cho tất cả quí vị được vượt khỏi mọi tham ái và sân hận ở đời.

Hòa thượng Thiền sư Silananda

Nita Truitner dịch Việt

Luôn luôn nhớ rằng chánh niệm là trạng thái tâm tràn đầy quảng đại (vô tham), từ ái (vô sân), và trí tuệ cùng với bi, hỷ và xả. Bất cứ lúc nào bạn chú tâm tới một điều gì bạn phải tự hỏi xem tâm bạn có đầy đủ những yếu tố này không. Nếu không, có nghĩa là bạn không có chánh niệm.

Chánh niệm là trạng thái tâm tự phản tỉnh trên chính nó không để bị vướng vào tham, sân, và si, những gốc bất thiện gây khổ đau cho bản thân, cho người khác và cho cả hai.

-----------------=================---------------------------------------------

Có những ý kiến ngược chiều trong chánh Niệm

Chánh niệm trong mọi lúc, mọi nơi!

Có thể bạn đã nghe ai đó nói rằng bạn nên giữ chánh niệm trong mọi lúc, mọi nơi, dù khi bạn ở nhà hay trong văn phòng, dù khi đi trên xe buýt hay xe riêng hoặc đi nhờ xe của người khác, v.v…Bạn có thể giải thích lời khuyên này như muốn nói rằng lúc nào bạn cũng phải giữ cho tâm tập trung trên hơi thở của bạn.

 

Thực ra trong lúc lái xe, nếu bạn chỉ lo giữ tâm trên hơi thở thì có khả năng bạn sẽ rơi vào một số vấn đề, chẳng hạn như mất sự chú ý trong lúc lái xe hay quên cả việc đang lái xe của mình và bạn có thể sẽ bị tai nạn.

 

Có khi bạn lại nghĩ “luôn luôn chánh niệm” có nghĩa là chỉ chú ý đến bất cứ điều gì bạn đang làm trong lúc đó. Tất nhiên, đây là những gì mà bất luận một người có đủ nghiêm túc trong công việc của mình đều làm một cách bình thường. Một nghệ nhân, một hoạ sĩ, ca sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ, tư tưởng gia, diễn thuyết gia, xạ thủ, đầu bếp, v.v… khi làm việc, lúc nào cũng phải hết sức chú ý đến những điều họ làm.

Chẳng phải chỉ con người làm điều đó. Chắc chắn bạn cũng từng để ý thấy những con mèo chăm chú hoàn toàn vào con mồi của nó để làm sao bắt cho được chúng mà không đánh động con mồi do phạm một sai lầm nào. Cọp, beo, sư tử, và cá sấu rất là chú ý đến những gì chúng sắp bắt. Có thể bạn đã từng nhìn thấy những con cò hay sếu đứng chết một chỗ hàng giờ đồng hồ để bắt một con cá. Những con chó chăn cừu hết sức chú ý đến sự di chuyển của các con cừu để khi bọn này lạc hướng chúng có thể chạy thật nhanh đến dẫn dắt bầy cừu đi lại cho đúng hướng. Tiếc thay chẳng có con mèo, con cò, hay con chó chăn cừu nào có thể đoạn trừ được lòng tham lam, dục vọng, v.v…, của chúng, hoặc tu tập được chút ít tuệ giác nào do sự chú tâm đơn thuần vào các đối tượng của chúng như vậy.

Cho dù lúc nào bạn cũng chú tâm đến những gì bạn đang làm cũng sẽ không diệt được tham, sân và si.

Thực sự, đây chính xác là những gì bạn làm trong thiền vắng lặng hay thiền định. Dù mỗi lúc bạn chỉ chú tâm đến một đối tượng bạn cũng không thể loại trừ được những phiền não trong tâm của bạn.

Bạn có thể tập trung tâm trên một đối tượng duy nhất trong năm mươi năm và tuy vậy phiền não trong tâm bạn vẫn còn nguyên xi không thay đổi.

Chánh niệm không phải là sự thận trọng. Nó cũng không phải là sự khôn lanh. Bất cứ người nào cũng có thể thận trọng và khôn lanh được cả. Một người đi trên một sợi dây cáp cao cách mặt đất gần trăm mét tất phải thận trọng. Cứ nhớ những vận động viên thể dục đã lập được đủ mọi loại kỳ tích về thăng bằng xem. Vô số những con người liều lĩnh đã trèo lên những ngọn núi dốc đứng, nhảy qua những gềnh đá, những nơi trơn trợt, những con sông, v.v…, phải rất thận trọng. Nhiều tên trộm rất khôn lanh và mưu trí hơn cả cảnh sát. Những người buôn bán ma tuý, những tay trộm cướp nhà băng, những kẻ tội phạm giết người rất là khôn lanh, ma mãnh. Nhưng chẳng có ai trong họ có thể được xem là có chánh niệm.

-----------------------===================---------------------------------------

Quyết Nghi:   

 

                      

                        Giữa người chấp kinh và người tinh tấn kinh điển! (Bài làm số 08). http://sites.google.com/site/layphat/kinh-phap-cu-1

 

                        Luận Bàn! (Bài làm số 07)

http://sites.google.com/site/layphat/chon-nga-thap-tieu-luan-iii

 

                        Quyết Nghi Nhân Quả! (Bài làm số 10)

http://sites.google.com/site/layphat/nhan-qua

 

Dựa đề:

                        Dung hòa giữa Đốn ngộ và Tiệm ngộ! (Bài làm số 01)

http://sites.google.com/site/layphat/tu-tam

 

                        Mỗi Ngày Một Việc Thiện! (Bài làm số 01)

http://sites.google.com/site/layphat/tu-tam

 

                        Phiền não là bồ đề! (Bài làm số 20)

http://sites.google.com/site/layphat/chon-nga-bach-khoa-toan-thu

 

                        Tu hành là một việc quan trọng nhất của đời người! (Bài làm số 01)

http://sites.google.com/site/layphat/tu-tam

      

 

Xuy ngẫm:    

 

                       Quán pháp vô ngã! (Bài làm số 11)

 http://sites.google.com/site/layphat/tu-dieu-de