Văn Thơ Pháp Cú Kệ.I

Mở đề:

 

            Người thợ chuyên nghiệp là nhờ nhiều năm kinh nghiệm, Nghệ nhân thành công do vào bàn tay khéo léo. Ngưòi Họa sĩ vẽ được bức tranh có thần hồn, là do cãm nghĩ của người biết thưởng thức và cã người họa sĩ đồng tâm.

 

            Thì những tác phẩm văn hay, giỏi chữ chính là kiến thức văn hóa. Mà người sáng tạo ra nó, không phải chỉ cho họ, hoặc người có đủ kiến thức!- Thưa, là cho tất cả mọi người dù là người dốt chữ, khi nghe, họ cũng hiểu được nội dung của người viết, mới gọi là người Văn sĩ, Danh sĩ, nhà văn.v.v. 

           

II. Chánh đề:

 

            Văn vần, thơ thuận, thi kệ là bài ngắn, gọn, tóm tắc, đủ nội dung, của một bài văn hay luận, hoặc lời giải trình.v.v.

 

             Một văn sĩ tài ba viết được các văn hóa xã hội, nhưng không viết được văn hóa Phật-giáo. Và Ngược lại người viết Văn hóa Phật-giáo được thì cũng viết được văn hóa xã hội “Vì đạo đời tuy hai là một”. Và nắm vững kiến thức chưa đủ, mà cần phải có tuệ thức.  

              http://diendan.daitangkinhvietnam.org/viewtopic.php?f=35&t=3052

           

III. Kết Luận:

 

1. Học Giả:

            1.1. Học giáo lý từ dể tới khó, (Dể đọc, dể hiểu, dể nhớ và dể áp dụng/thực dụng vào đạo đời).

  

            1.2. Học giáo lý và tìm hiểu thêm về giáo lý cho hợp thời thế:

            Chớ chấp vào từ ngữ, dịch giả, Danh giả, nơi chốn (Nước ngoài, hay nội địa).

  

Thiện Nhựt

lược-dịch và tìm hiểu

 

I.- Phẩm Song-yếu.

 

Nơi muôn pháp, ý đi tiền-đạo;

Ý làm chủ, ý tạo cõi lòng.

Ai đem tâm-ý chẳng trong

Nói năng, hành-động, khổ đồng theo sau;

Như xe chuyển bánh theo trâu kéo hoài.

(Kệ số 001)

 

Nơi muôn pháp, ý đi tiền-đạo,

Ý làm chủ, ý tạo cõi lòng.

Ai đem tâm-ý sáng trong

Nói năng, hành-động, vui đồng theo sau;

Khác nào bóng chẳng lià hình.

(Kệ số 002)

 

"Nó mắng tôi, nó đánh đập tôi,

"Nó thắng tôi, nó cướp đoạt tôi."

Ai ôm-ấp mãi tâm-niệm ấy,

Oán-hận chẳng nguôi, nặng cõi lòng.

(Kệ số 003)

 

"Nó mắng tôi, nó đánh đập tôi,

"Nó thắng tôi, nó cướp đoạt tôi."

Ai sớm vứt đi tâm-niệm ấy,

Oán-hận liền nguôi, nhẹ cõi lòng.

(Kệ số 004)

 

Chuyện thù-oán ở thế-gian

Nào ai đem oán dẹp tan được thù?

Cứ theo định-luật thiên-thu,

Bỏ lòng oán-giận, oan-cừu liền nguôi.

(Kệ số 005).

 

Đời lắm kẻ chẳng ngờ sự chết

Rình mọi người chẳng sót một ai.

Kẻ nào sớm biết điều nầy,

Hơn thua, tranh-cãi, thôi ngay tức thì.

(Kệ số 006)

 

Ai chạy theo thú-vui vật-chất,

Chẳng giữ-gìn, kiểm-soát giác-quan,

Chẳng điều-độ việc uống ăn,

Lại thêm lười-biếng, chẳng năng-lực gì,

Bị Ma-quân tức thì quật ngã,

Như gió to nhổ cả cây mềm.

(Kệ số 007)

 

 Ai khéo quán tấm thân bất-tịnh,

Khéo giữ-gìn, chấn-chỉnh các căn,

Biết điều-độ việc uống ăn,

Vững tin Tam-Bảo, siêng-năng tinh-cần,

Ma nào khuấy, nếm phần thất-bại,

Như núi đá sao ngại gió to?

(Kệ số 008)

 

Kẻ nào tâm vướng điều phiền-não,

Khoác lên thân chiếc áo cà-sa,

Thiếu kềm-chế, chẳng thật-thà,

Còn chưa đáng mặc cà-sa áo vàng.

(Kệ số 009).

 

Kẻ nào tâm sạch điều phiền-não,

Thân vững-vàng, đạo-hạnh cao-xa,

Biết kềm-chế, lại thật-thà,

Là người xứng đáng cà-sa mặc vào.

(Kệ số 010).

 

Họ lầm chỗ sai, làm chỗ đúng;

Điều đúng đây, bảo cũng là sai.

Họ xa Chơn-lý dài dài,

Bởi đem tà-kiến mà cài vào tâm.

(Kệ số 011).

 

Họ xem đúng, đấy là chỗ đúng,

Điều nầy sai, bảo cũng là sai.

Họ gần Chơn-Lý tuyệt-vời,

Bởi theo chánh-kiến sáng ngờì trong tâm.

(Kệ số 012).

 

Nhà vụng lợp, mưa xuyên qua mái;

Tâm vụng tu, tham-ái len vào.

(Kệ số 013).

 

Nhà khéo lợp, mưa rào chẳng dột;

Tâm khéo tu, chận được ái-tham.

(Kệ số 014).

 

Nay than-thở, mai còn than-thở,

Kẻ ác-tâm khổ-sở hai đời.

Hắn còn đau khổ lâu dài,

Mỗi khi nhớ lại điều sai mình làm.

(Kệ số 015)

 

 

Nay vui-sướng, mai còn vui-sướng,

Kẻ làm lành vui hưởng hai đời.

Anh còn sung-sướng lâu dài,

Mỗi khi nhớ lại điều ngay mình làm.

(Kệ số 016).

 

Kẻ làm ác đời nầy khổ-sở,

Đến đời sau lại khổ tiếp theo.

Thường than: "Tội-ác đã gieo!"

Sau sa cõi dữ nặng đeo ưu-phiền.

(Kệ số 017)

 

 

Người hành thiện đời nầy vui sướng

Đến đời sau còn hưởng phước nhàn.

Lòng vui nhớ: "Ta làm lành!"

Sau sanh cõi quí tăng phần phước duyên.

(Kệ số 018)

 

Kẻ dầu đọc tụng nhiều Kinh tạng,

Tánh buông-lung, chẳng ráng hành-trì.

Thằng chăn bò có khác chi,

Đếm bò cho chủ, ích gì cho thân?

Đạo-quả Sa-môn chẳng dự phần.

(Kệ số 019)

 

Người dầu tụng chẳng nhiều Kinh tạng,

Y theo Chánh-pháp ráng hành-trì,

Diệt ba độc tham, sân, si,

Tuệ, tâm giải-thoát, chẳng chi buộc ràng.

Đời nầy, đời khác, màng chi nữa,

Đạo-quả Sa-môn tự có phần.

(Kệ số 020).

 

I.- Phẩm Tỉnh-Giác

 

Tình-giác là con đường Bất-tử

Buông lung là nẻo dữ Tử-sanh.

Sống theo tỉnh-giác, tâm lành

Hơn người phóng-dật đã thành chửa chôn

(Kệ số 021.)

Đã thông-hiểu chỗ hơn kém đó

Bực trí cao chẳng có buông-lung;

Chí thành tỉnh-giác một lòng

An vui cõi Thánh, ung-dung thanh-nhàn.

(Kệ số 022)

Bực trí-giả hằng tu thiền-định

Nỗ-lực tinh-cần tỉnh-giác luôn.

Vô-thượng Niết-bàn liền chứng-đắc;

Gông-cùm, xiềng-xích đều đập tan.

(Kệ số 023.)

 

Người tỉnh-giác, các căn điều-phục;

Đúng theo Chánh-pháp, cuộc mưu-sanh;

Việc làm cẩn-trọng, nhiệt-thành;

Ý, lời, hành-động cũng thanh-tịnh rồi;

Chẳng hề phóng-dật trong lối sống,

Danh-tiếng người nầy tăng-trưởng thật cao.

(Kệ số 024).

 

Bằng vào tỉnh-giác và nỗ-lực,

Giới-đức cao, điều-phục các căn;

Xem kià bực trí xây hòn đảo,

Lũ-lụt dầu to khó ngập tràn.

(Kệ số 025).

 

 

Người ngốc với kẻ khờ

Sống buông-lung, vật-vờ.

Bực trí giữ tỉnh-giác,

Tợ viên ngọc trong kho.

(Kệ số 026.)

Chớ sống đời phóng-dật,

Chớ say mê dục-lạc.

Hãy thiền-định, tỉnh-giác,

Niềm vui lớn sẽ đạt.

(Kệ số 027.)

 

 

Bực hiền-trí lên lầu cao trí-huệ,

Bằng giác-tâm, dẹp hết tệ buông-lung.

Các ngài dứt khổ trong lòng,

Đoái nhìn đến kẻ trong vòng khổ-đau,

Như bực Thánh trên cao đỉnh núi,

Cúi nhìn xem bên dưới đồng bằng

Còn lắm phàm-phu nhọc-nhằn, dại-dột.

(Kệ số 028.)

 

 

Tinh-cần sống giữa người còn phóng-dật,

Tỉnh-táo bên kẻ ngủ gật triền-miên,

Bỏ sau lưng đám ngựa hèn,

Như con tuấn-mã, bực hiền phi nhanh.

(Kệ số 029.)

 

 

 

Tinh-cần hành thiện gắng tua,

Khiến cho Đế-Thích làm vua cõi Trời.

Tình-giác thời được lời khen ngợi,

Còn buông-lung thì mới bị chê.

(Kệ số 030.)

 

Tỳ-kheo nào sợ nguy phóng-dật,

Lại an-vui, tỉnh-giác trong lòng,

Tiến nhanh như ngọn lửa hồng

Đốt thiêu kết-sử, xích-xiềng nhỏ, to.

(Kệ số 031.)

 

Tỳ-kheo nào sợ nguy phóng-dật,

Lại an-vui, tỉnh-giác trong lòng,

Chẳng hề thối-đoạ long-đong,

Niết-bàn ngưỡng cửa đã trông gần kề.

(Kệ số 032.)

 

III.- Phẩm Tâm.

 

Tâm giao-động, tâm hay cảm-nhiễm;

Khó giữ tâm, khó kiểm-soát tâm.

Như thợ khéo vót tên thẳng-tắp,

Bực hiền-lương khéo tập trực-tâm.

(Kệ số 033.)

 

Như con cá bắt lià khỏi nước,

Thoi-thóp nằm sóng-sượt bên đàng,

Tâm kia rung-động bàng-hoàng,

Khi lià cảnh-giới giác-quan bên ngoài;

Cám-dỗ ác-ma thoát được ngay!

(Kệ số 034.)

 

Tâm rất khó cho ta nắm giữ,

Nhẹ-nhàng, nhanh-nhẹn, nó bay cao;

Rồi đáp xuống chỗ nào nó thích.

Hàng-phục được tâm là tuyệt-đích,

Chế-ngự tâm thuần, hạnh-phước cao!

(Kệ số 035.)

 

Tâm rất khó cho ta nhìn thấy,

Mỏng-manh, tế-nhị, chạy khắp nơi;

Rồi ngừng lại chẳng rời nơi thích.

Người hiền kềm-thúc tâm mình,

Tâm khéo giữ-gìn, được hạnh-phước cao.

(Kệ số 036.)

 

Tâm lang-thang đi xa,

Nó chạy rong một mình;

Nó chẳng hình, chẳng sắc,

Ẩn trong hang động sâu.

Ai điều-phục tâm nầy,

Thoát vòng vây bọn ma.

(Kệ số 037.)

Tâm người còn lao-chao,

Chánh-pháp chửa thấm vào,

Niềm tin còn lỏng-lẻ

Bao giờ đạt trí cao?

(Kệ số 038.)

 

Tâm người lià tham-ái,

Hận-thù đều đã giải,

Vượt trên điều thiện, ác,

Đấy là bực Đại-giác.

(Kệ số 039.)

 

Biết thân nầy như hủ sành dễ vỡ,

Phòng-hộ tâm như củng-cố thành-trì.

Vung gươm trí dẹp tan Ma cám-dỗ.

Chiến-thắng rồi vẫn trụ chỗ giác-tâm,

Chẳng tham-đắm trong vinh-quang thắng-lợi.

(Kệ số 040.)

 

Chẳng bao lâu, thân nầy

Nằm dài trên mặt đất;

Hởi ôi! Thần-thức mất,

Như khúc cây vô-dụng.

(Kệ số 041.)

 

Kẻ địch-thủ hại người địch-thủ,

Lũ oan-gia hại lũ oan-gia,

Chưa hại bằng tâm tà, ý ác

Đẩy thân nầy đọa-lạc trầm-luân.

(Kệ số 042.)

 

Cha mẹ, họ-hàng làm chửa được

Sao cho mình hưởng phước dài lâu.

Tâm thành, ý thiện, riêng làm được,

Tự tạo cho mình phước-lạc cao.

(Kệ số 043.)

IV.- Phẩm Hoa.

 

Ai khéo vượt qua cõi đất liền,

Cõi Diêm-ma và cõi nhơn-thiên?

Ai thông-đạt chơn-truyền Chánh-pháp,

Khéo như người hái, kết tràng hoa?

(Kệ số 044.)

 

 

 

 

Bực hữu-học qua cõi đất liền,

Cõi Diêm-ma và cõi nhơn-thiên,

Lại thông-đạt chơn-truyền Chánh-pháp.

Khéo như người hái, kết tràng hoa.

(Kệ số 045.)

 

 

Nhìn thân, biết vô-thường bọt nước;

Trông ảo-ảnh, thông được thể không,

Nhổ mũi tên hoa Ma cám-dỗ,

Người nầy, Thần Chết hết chỗ tìm.

(Kệ số 046)

 

Người mải-mê hái hoa dục-lạc,

Bị Tử-thần đến bắt mang đi;

Như cơn lụt lớn, khác gì,

Cuốn phăng làng xóm ngủ khì, say mê.

(Kệ số 047.)

 

 

Người mải-mê hái hoa dục-lạc,

Chưa thỏa lòng thèm-khát ước-mong,

Đà trông thấy kià ông Thần Chết

Nắm cổ lôi đi, hết một đời.

(Kệ số 048.)

 

Ong đến bên hoa, tìm hút nhụy,

Chẳng làm phai một tí sắc hương.

Y như thế, trên đường khất-thực,

Tỳ-kheo tỉnh-giác bước vào làng.

(Kệ số 049.)

 

Đừng nhìn thấy lỗi-lầm người khác,

Hoặc lỡ làm, hoặc sót chẳng làm.

Hãy nhìn thấy tâm mình trước đã:

Trót làm, lỡ sót, cả ngay gian.

(Kệ số 050.)

 

Hoa đẹp sắc mà hương chẳng có,

Người cài lên chẳng toả mùi hương.

Lời cao-quí, miệng thường bàn-bạc,

Chẳng thực-hành, lợi-lạc chi đâu?

(Kệ số 051.)

 

 

Hoa đẹp sắc, hương thơm ngào-ngạt,

Người cài lên bát-ngát mùi hương.

Lời cao-quí, miệng thường bàn-bạc,

Thực-hành ngay, lợi-lạc đường tu.

(Kệ số 052.)

 

Lấy hoa trong đống ngổn-ngang,

Khéo tay, thợ kết nhiều tràng hoa xinh.

Cùng thế ấy, tử-sanh tuy lận-đận.

Khéo biết làm lành, việc thiện cũng tăng.

(Kệ số 053.)

 

Hương chiên-đàn, mạt-lỵ, già-la,

Chẳng hương nào ngược gió bay xa.

Chỉ có hương thơm nhà đạo-đức

Ngược gió mà phảng-phất mười phương.

(Kệ số 054.)

 

Hương chiên-đàn cùng hương mạt-lỵ,

Hương già-la với hương vũ-quí,

Giữa những thứ hương nầy,

Giới-hương là vô-nhị.

(Kệ số 055.)

 

Hương chiên-đàn, hương già-la còn nhạt,

Chỉ có giới-hương toả ngát cung Trời.

(Kệ số 056.)

 

Người hằng sống trong lòng tỉnh-thức;

Giới-hạnh cao, đạo-đức vẹn-toàn,

Bằng Chánh-trí, giải-thoát xong lậu-hoặc;

Ác-ma muốn bắt, biết đâu mà tìm.

(Kệ số 057.)

 

Giữa hố rác dơ bên đại-lộ,

Hoa sen thơm nở, đẹp lòng người.

Cùng thế ấy, giữa chợ đời phàm-tục,

Kẻ mê-mù còn nhung-nhúc nơi nơi.

Nhô lên cao, với trí-huệ sáng ngời,

Người đệ-tử chơn-thành của Đức Phật.

(Kệ số 058 và 059.)

 

V.- PHẨM NGU.

 

Người trằn-trọc thấy đêm dài vô-tận;

Kẻ mỏi chơn ngao-ngán dặm đường xa.

Hạng ngu-khờ chưa thông Chánh-pháp,

Cõi Luân-hồi, biết thuở nào ra!

(Kệ số 060.)

 

Tìm bạn đường, mà tìm chưa gặp

Kẻ bằng mình, hoặc bậc hơn mình.

Thà rằng cứ ở độc-cư,

Còn hơn kết bạn người ngu, kẻ khờ.

(Kệ số 061.)

 

 

"Đây, con Ta!". "Đấy, của Ta!"

Người ngu tham-ái sanh ra ưu-phiền.

Sao chẳng biết "Ta" riêng còn chẳng có,

Nói làm chi "con ta đó", "của ta đây"?

(Kệ số 062.)

 

Người ngu biết mình ngu,

Chẳng ngu đến chừng ấy.

Người ngu nhận mình trí,

Đấy là người chí ngu.

(Kệ số 063.)

 

Người ngu dầu mãi bên người trí,

Chánh-pháp còn chẳng tí hiểu rành;

Khác nào cái muỗng múc canh,

Múc thời có múc, chẳng sành vị ngon.

(Kệ số 064.)

 

 

Người khôn một lúc bên người trí,

Chánh-pháp liền thông chí ngọn-ngành,

Khác nào cái lưỡi nếm canh,

Canh chua, canh ngót, đều sành vị ngon.

(Kệ số 065.)

 

Người ngu là kẻ thù chính họ;

Làm ác, vì chẳng có trí khôn,

Phải chịu quả đắng-cay khổ-sở.

(Kệ số 066.)

 

 

 

Hành-động ác, làm xong thì hối-quá.

Lệ tràn mi, sợ quả-báo về sau.

(Kệ số 067.)

 

 

Hành-động thiện, làm xong không tiếc-rẻ,

Quả-báo lành, mặt đầy vẻ vui-tươi.

(Kệ số 068.)

 

 

Hành-vi ác còn chưa chín-rục,

Tưởng như là mật ngọt, mồi ngon.

Đến khi nó đã chín muồi,

Phải mang quả khổ khóc vùi, người ngu.

(Kệ số 069.)

 

 

Tháng nầy qua tháng nọ,

Người ngu tu khổ-hạnh,

Ăn ít, vít bằng ngọn cỏ kusa.

So ra hắn chẳng bằng phần mười sáu

Của bực sành Chơn-lý pháp hữu-vi.

(Kệ số 070.)

 

 

Việc làm ác đâu liền trỗ quả,

Như sữa tươi đâu đã đông ngay,

Âm-thầm theo đốt người ngu-dốt,

Như cục than hồng ngún dưới tro.

( Kệ số 071.)

 

Chỉ có hại cho thân,

Người ngu tập thuật khéo;

Danh-vọng và kiến-thức

Tiêu-diệt mất công-đức,

Bổ đầu anh bể nứt.

(Kệ số 072.)

 

Kẻ ngu-tăng ham danh chẳng xứng,

Trong Tăng-đoàn, dành đứng chỗ cao;

Nơi tu-viện, đòi cao quyền-thế,

Ngoài đời, muốn kẻ thế tôn-sùng.

(Kệ số 073.)

 

"Hãy để cho người Tăng, kẻ tục

Nghĩ, nhờ ta công-tác mới thành.

Trong mọi việc, dầu to, dầu nhỏ,

Ai cũng đều theo lịnh của Ta!"

Đó là tham-vọng người ngu-dại,

Khiến cho dục, mạn, lại gia-tăng.

(Kệ số 074.)

 

Một đường dẫn đến lợi thế-gian,

Một nẻo đưa ta tới Niết-bàn.

Thông-hiểu rõ hai đường sai-biệt,

Vị tỳ-kheo, đệ-tử Phật-đà,

Chẳng chút đắm-say mùi danh-lợi

Nỗ-lực hành-trì hạnh viễn-ly.

(Kệ số 075.)

  

 

 

 

Tâm Minh NGÔ TẰNG GIAO chuyển dịch thơ

 

 

I.- Phẩm Song-yếu.

Việc làm của bản thân ta

Do tâm, do ý tạo ra, dẫn đầu

Nói năng, hành động trước sau

Ý mà ô nhiễm: khổ đau theo kề

Tựa như là cái bánh xe

Theo chân con vật kéo lê trên đường.001

Việc làm của bản thân ta

Do tâm, do ý tạo ra, dẫn đầu

Nói năng, hành động trước sau

Ý mà thanh tịnh: dạt dào niềm vui

Và bao hạnh phúc trên đời

Theo ta như bóng khắp nơi theo hình.002

 

"Người kia chửi bới, đánh tôi

Lại còn lấn lướt, cướp hoài. Giận thay!"

Ai mà nghĩ mãi điều này

Làm sao dứt bỏ được ngay hận thù.003

 

 

 

"Người kia chửi bới, đánh tôi

Lại còn lấn lướt, cướp hoài. Giận thay!"

Ai không còn nghĩ điều này

Sẽ mau dứt bỏ được ngay hận thù.004

 

 

Khắp nơi trong cõi dương gian

Hận thù đâu thể xua tan hận thù

Chỉ tình thương với tâm từ

Làm tiêu oán hận, giải trừ hờn căm

Đó là định luật ngàn năm.005

Người ham cãi cọ nào hay

Chúng ta đều chết một ngày gần đây

Khi ai hiểu rõ điều này

Chẳng ham tranh cãi thêm gây muộn phiền.006

 

 

Ham theo lạc thú nổi trôi

Giác quan buông thả sống đời mê say

Uống ăn vô độ hàng ngày

Lại thêm biếng nhác, chẳng hay chuyên cần

Con người bị cuốn đến gần

Ma vương dục vọng ngàn lần hại ta

Như cơn gió lốc thổi qua

Cây cành nghiêng ngả, lá hoa tơi bời.007

Nhận ra ô uế thân người

Giác quan kiềm chế, sống đời tịnh yên

Uống ăn điều độ giữ gìn

Lại thêm bền vững đức tin, chuyên cần

Người đâu dễ bị cuốn gần

Ma vương dục vọng ngàn lần thua ta

Khác gì cơn gió thổi qua

Núi cao, vách đá khó mà lung lay.008

Nếu mà mặc áo cà sa

Lòng còn ô uế, tâm tà quẩn quanh

Chưa tự chế, thiếu chân tình

Xứng đâu mà khoác vào mình áo kia.009

 

Người mà ô nhiễm chẳng vương

Giữ gìn giới luật vững vàng, nghiêm minh

Luôn tự chế, rất chân tình

Áo cà sa khoác vào mình xứng thay.010

  Những gì không thật, hão huyền

Lại cho là thật và tin vô bờ,

Những gì chân thật lại ngờ

Lại cho không thật, chỉ là giả thôi,

Nghĩ suy lầm lạc mất rồi

Thấy sao chân thật rạng nơi pháp mầu.011

Biết đây là thật để tin

Biết kia không thật, hão huyền mà thôi

Nghĩ suy theo đúng đường rồi

Thấy ngay chân thật rạng nơi pháp mầu.012

 

Căn nhà lợp chẳng kỹ càng

Mưa tuôn thấm dột dễ dàng lắm thay

Tâm mà tu vụng có ngày

Bị nhiều tham dục lọt ngay khác gì.013

Căn nhà lợp thật kỹ càng

Mưa tuôn đâu dột dễ dàng mấy khi

Tâm mà tu khéo sợ gì

Bao nhiêu tham dục dễ chi lọt vào.014

Đau buồn ngay ở kiếp này

Kiếp sau cũng lại tràn đầy buồn đau:

Người làm điều ác hay đâu

Buồn kia theo mãi dài lâu bên mình

Quay nhìn việc ác tạo thành

Chết mòn thân xác, héo nhanh tâm hồn.015

Vui mừng ngay ở kiếp này

Kiếp sau cũng lại tràn đầy mừng vui:

Người làm điều thiện ở đời

Thấy chân hạnh phúc khắp nơi theo mình

Quay nhìn việc thiện tạo thành

Sướng vui dào dạt, an lành chứa chan.016

Kiếp này tràn ngập khổ đau

Khổ đau cũng lại kiếp sau ngập tràn

Người gây nghiệp ác thở than:

"Bao điều gian ác mình làm trước đây!"

Bây giờ đường ác đọa đầy

Trầm luân cõi khổ biết ngày nào xong.017

Đầy tràn vui sướng kiếp này

Sướng vui cũng lại tràn đầy kiếp sau:

Người làm nghiệp thiện vui sao

Nhủ lòng: "Mình tạo biết bao phước lành!"

Kiếp sau sẽ được tái sinh

Vào nơi hạnh phúc an bình chứa chan.018

Dù cho có tụng nhiều kinh

Không theo giáo pháp thực hành sớm hôm

Tu hành lợi ích đâu còn

Khác chi một kẻ luôn luôn chăn bò

Chăn thuê nên chỉ âu lo

Đếm bò cho chủ, sữa bò hưởng đâu?019

 

Dù cho chỉ tụng ít kinh

Nhưng theo giáo pháp thực hành sớm khuya

Hết tham, hết cả sân, si

Lòng luôn tỉnh giác, tâm thì hiền lương

Trước sau giải thoát mọi đường

Tu hành lợi ích ngát hương muôn đời.020

 

 

I.- Phẩm Tỉnh-Giác

 

Người chuyên niệm, chẳng buông lung

Coi như sống mãi, thoát vòng tử vong

Kẻ phóng dật, kẻ buông lung

Coi như đã bị mệnh chung lâu ngày

Sống mà như chết nào hay,

Người hiền trí biết điều này từ lâu

Cho nên gìn giữ trước sau

Dám đâu phóng dật, há nào buông lung

Luôn luôn cảnh giác vô cùng

Nhập vào cõi thánh vui mừng, bình an.021-022

Nhờ tu thiền định thâm sâu

Tháng năm kiên nhẫn, trước sau chuyên cần

Người hiền trí được bình an

Thân tâm giải thoát, Niết Bàn hưởng vui.023

 

 

 

Luôn cố gắng, chẳng buông lung

Nghĩ suy chín chắn, tấm lòng hăng say

Bản thân tự chế hàng ngày

Sống theo chánh pháp, tốt thay cuộc đời

Tiếng lành tăng trưởng mãi thôi.024

 

Luôn luôn cố gắng nhiều bề

Lại thêm hăng hái, không hề buông lung

Tự mình khắc chế mọi đường

Những người hiền trí vô cùng tinh anh

Tạo ra hòn đảo cho mình

Vượt trên sóng nước vây quanh thét gào

Não phiền theo ngọn sóng trào

Dễ gì quấy nhiễu dâng cao ngập tràn.025

Kẻ ngu si bị đắm chìm

Trong đời phóng dật, trong miền buông lung

Nhưng người hiền trí tìm đường

Chăm lo gìn giữ tâm đừng buông lung

Tựa người bạc bể tiền rừng

Chăm lo báu vật, trông chừng quý kim.026

Chớ nên chìm đắm xuôi theo

Buông lung, phóng dật là điều chẳng hay,

Chớ nên dục lạc mê say

Hãy nên tỉnh giác tâm này cho mau

Tu thiền định thật chuyên sâu

Mới mong phước báu, mới cầu bình an.027

 

Nhờ trừ được hết buông lung

Những người hiền trí sẽ không lo gì:

- Tựa như bậc thánh hiền kia

Lên đài trí tuệ nhìn về dưới chân

Thấy bao nhiêu kẻ ngu đần

Trăm bề đau khổ, bội phần lo âu,

- Tựa người leo tới núi cao

Cúi nhìn muôn vật lao xao dưới ghềnh

Đắm chìm trong chốn vô minh.028

 

Giữ cho tinh tấn trong lòng

Giữa bao nhiêu kẻ buông lung tràn trề

Giữ cho tỉnh táo mọi bề

Giữa bao nhiêu kẻ ngủ mê li bì

Kìa trông kẻ trí khác gì

Như con tuấn mã phóng đi hào hùng

Phía sau bỏ lại trên đường

Ngựa gầy hèn yếu não nùng lết theo.029

 

Nhờ tinh tấn, chẳng buông lung

Khiến cho Đế Thích thành ông thánh hiền

Được làm chủ cõi chư thiên

Muôn người cùng cất tiếng khen ngợi hoài,

Kẻ phóng dật bị chê bai

Mọi người khinh miệt, chẳng ai nể vì.030

 

Tỳ Kheo sợ tính buông lung

Chuyên tâm chú niệm, dốc lòng chuyên tu

Tiến mau biết mấy cho vừa

Đốt tiêu phiền não tựa như lửa hồng,

Đốt dây to nhỏ chập chùng

Từ lâu trói buộc người trong luân hồi.031

 

Tỳ Kheo sợ tính buông lung

Chuyên tâm chú niệm, dốc lòng tu thân

Niết Bàn đã tiến đến gần

Hố sâu đọa lạc trăm phần thoát qua.032

 

III.- Phẩm Tâm.

Thường thường tâm kẻ phàm phu

Chập chờn, dao động, lu mờ, khó canh

Khó mà chế phục được nhanh,

Chỉ riêng kẻ trí tâm mình giữ yên

Giữ cho ngay thẳng lâu bền

Như tay thợ khéo uốn tên lành nghề

Tên luôn ngay ngắn mọi bề.033

 

Tựa như cá ở hồ ao

Bị đưa khỏi nước quăng vào bờ kia

Vẫy vùng, sợ sệt kể chi,

Tâm người nên vậy khác gì cá đâu

Phải vùng vẫy, phải lo âu

Cố mà phấn đấu thoát mau tâm mình

Khỏi tay Ma giới dục tình.034

 

 Tâm phàm phu cứ xoay vần

Chạy theo dục vọng muôn phần đảo chao

Khó mà nắm giữ được nào,

Chỉ riêng những kẻ thanh cao tính tình

Đã điều phục được tâm mình

Mới mong hạnh phúc, an bình mãi thôi.035

 

Tâm phàm phu cứ xoay vần

Chạy theo dục vọng muôn phần đảo chao

Tinh vi, khó thấy được nào

Chỉ riêng người trí lo âu thật tình

Canh phòng nghiêm ngặt tâm mình

Cho nên hạnh phúc, an bình mãi thôi.036

Tâm phàm phu cứ lao mình

Âm thầm, đơn độc du hành rất xa

Nào đâu hình dạng phô ra

Hang kia ẩn náu thật là thẳm sâu,

Tâm ai điều phục được mau

Thoát Ma trói buộc, lụy đâu dục tình.037

 

Người không an định được tâm

Không rành chánh pháp, không thông đạo mầu

Lòng tin lại chẳng bền lâu

Tất nhiên trí tuệ dễ đâu hoàn thành.038

 

Người nào thanh tịnh trong tâm

Không còn tham ái và sân hận gì

Vượt lên thiện, ác đôi bề

Là người giác ngộ chẳng hề sợ chi.039

 

Thân như đồ gốm mong manh

Giữ tâm cho vững như thành vây quanh

Với gươm trí tuệ tinh anh

Hãy mau đánh dẹp tan tành quân Ma

Dẹp Ma dục vọng quấy ta

Thắng rồi nỗ lực để mà tiến thêm

Giữ gìn chiến thắng cho bền

Vượt vùng luyến ái, thoát miền nhiễm ô.040

Thân này rồi chẳng bao lâu

Nằm dài dưới đất, chôn sâu ngủ vùi

Đâu còn ý thức chuyện đời

Tựa cây gỗ mục vứt nơi bụi bờ.041

 Kẻ thù gây hại cho nhau

Hay người oán hận trước sau rửa hờn

Cũng đâu gây hại nhiều hơn

Hại do hạnh ác trong tâm tạo thành

Gây ra cho chính thân mình.042

Dù cha mẹ hoặc thân nhân

Giúp ta chỉ được một phần thăng hoa

Chính nhờ tâm tốt của ta

Tìm về việc thiện, hướng qua hạnh lành

Làm mình cao thượng thật nhanh.043

 

IV.- Phẩm Hoa.

 

Ai mà tinh tấn nhận chân

Địa cầu và chính bản thân của mình,

Nhận chân được cõi nhân sinh

Khổ đau bốn cảnh dập dình vây quanh,

Nhận chân cõi thế gian mình

Cũng như cảnh giới thiên đình cao xa,

Khéo mang Pháp Cú giảng ra

Như người thợ khéo nhặt hoa làm tràng?0.44

Người còn tu học nhận chân

Địa cầu và chính bản thân của mình,

Nhận chân được cõi nhân sinh

Khổ đau bốn cảnh dập dình vây quanh,

Nhận chân cõi thế gian mình

Cũng như cảnh giới thiên đình cao xa,

Khéo mang Pháp Cú giảng ra

Như người thợ khéo nhặt hoa làm tràng!0.45

Chúng sinh nên biết thân này

Như là ảo ảnh rồi đây chóng tàn

Như là bọt nước mau tan

Nên hoa dục vọng chớ màng làm chi

Mũi tên cám dỗ bẻ đi

Dẹp Ma dục vọng còn gì hại thân,

Vượt qua tầm mắt tử thần.046

Tựa như nước lũ cuốn đi

Xóm làng say ngủ li bì nửa khuya

Tử thần cũng sẽ rước về

Những người phóng túng, đam mê tối ngày

Chỉ chuyên thu nhặt luôn tay

Cánh hoa dục lạc chất đầy trong tâm.047

Những người chỉ biết đam mê

Cánh hoa dục lạc hái về trong tay

Với tâm phóng túng đọa đầy

Không hề thỏa mãn, tối ngày cuồng say

Chính là nô lệ tốt thay

Tử thần sẽ tới lôi ngay đi rồi.048

Sa môn khất thực trong làng

Ví như ong lượn nhịp nhàng bên

hoa

Kiếm tìm mật nhụy hút ra

Xong rồi tung cánh bay qua cuối vườn

Không làm hoa tổn sắc hương.049

Chớ nên dòm ngó lỗi người

Để xem họ đã làm rồi hay chưa,

Lỗi mình đừng có làm lơ

Phải nên nhìn lại đừng chờ đợi chi

Coi mình làm được những gì

Hay còn nhiều việc sẵn kia chưa làm.050

Hoa kia sắc đẹp phô  trương

Tiếc rằng chẳng có chút hương thơm nào

Khác chi người nói ngọt ngào

Trăm điều hoa gấm, trăm câu tốt lành

Nói xong không chịu thực hành

Chẳng đem lợi ích, cũng thành uổng đi.051

Hoa kia sắc đẹp vô cùng

Lại thêm hương tỏa thơm lừng biết bao

Khác chi người nói ngọt ngào

Trăm điều hoa gấm, trăm câu tốt lành

Nói xong quyết chí thực hành

Tương lai kết quả tạo thành đẹp thay.052

Như từ một đống hoa tươi

Lựa ra ghép lại cho đời tràng hoa

Nhiều tràng phô sắc mặn mà,

Người đời cũng vậy khác xa đâu nào

Thân tâm an lạc, thanh cao

Làm nên việc thiện kể sao cho vừa.053

 

Hương thơm hoa quý vườn kia

Ngược chiều gió thổi dễ gì thoảng bay,

Hương người đức hạnh thơm thay

Dù cho ngược gió dâng đầy muôn phương.054

 

Muôn hương tỏa ngát thơm tho

Từ vườn hoa quý, từ hồ sen thanh

Dễ chi hơn được hương lành

Do người đức hạnh lưu danh cho đời.055

Hương thơm hoa quý thua xa

Hương người đức hạnh chan hòa vượt trên

Xông lên mãi tận chư Thiên

Tỏa ra ngan ngát khắp miền trời cao.0.56

 

Ai hằng ngày chẳng buông lung

Lại thêm giới hạnh vô cùng thanh  cao

Có nguồn trí tuệ dạt dào

Thân tâm giải thoát há nào sợ chi

Ma vương dòm ngó dễ gì.0.57

 

 

Như từ trong đống bùn nhơ

Bên đường nước đọng, ai ngờ nở ra

Hoa sen phô sắc mặn mà

Tỏa hương thanh khiết gần xa đẹp lòng,

Khác chi giữa chốn bụi hồng

Giữa phường mê muội ngập trong não phiền

Nảy sinh Phật tử trung kiên

Rạng soi trí tuệ khắp miền nhân gian.058-059

 

V.- PHẨM NGU. 

 

Người mất ngủ thấy đêm dài

Bộ hành mỏi mệt than hoài đường xa

Luân hồi cũng vậy thôi mà

Chập chùng tiếp nối thật là tái tê

Với người ngu dại, u mê

Biết gì chánh pháp, hiểu chi đạo mầu.060

Khi cùng sánh bước đường đời

Nếu không tìm được một người so ra

Hơn ta hay chỉ bằng ta

Một mình rong ruổi thế mà lại hay,

Gặp người ngu muội phiền thay

Chớ nên kết bạn có ngày khổ đau.061

"Đây là con cái của tôi

Đây là của cải mấy đời chắt chiu!"

Người ngu chỉ nghĩ bấy nhiêu

Nào hay biết được một điều thâm sâu:

Chính thân ta cũng có đâu

Mà đòi con nọ, mà cầu của kia.062

Người ngu tự biết mình ngu

Thế là có trí, người xưa dạy rồi,

Ngu mà cứ tưởng khôn thôi

Mới là một kẻ muôn đời thật ngu.063

Người ngu suốt cả một đời

Gần bên người trí cũng hoài công thôi

Hiểu đâu chánh pháp cao vời,

Như thìa, như muỗng múc nồi canh kia

Múc hoài từ sáng tới khuya

Vị canh ngon ngọt hưởng gì được đâu.064

Người thông minh dễ dàng thay

Gần người trí tuệ hiểu ngay đạo mầu

Hiểu ngay chánh pháp thâm sâu

Khác chi cái lưỡi nếm vào canh kia

Biết ngay hương vị khó chi.065

Những người ngu dại, u mê

Thiếu phần trí tuệ, thiếu bề tinh anh

Tự mình lại biến chính mình

Thành ra thù địch quẩn quanh theo hoài

Tạo muôn nghiệp ác nào hay

Chuốc vào hậu quả đắng cay sau này.066

Việc làm chẳng thiện, chẳng lành

Nếu làm xong lại tự mình ăn năn

Dầm dề nhỏ lệ khóc than

Biết rằng quả báo dữ dằn tương lai.067

Việc làm rất thiện, rất lành

Nếu làm xong thấy lòng mình thảnh thơi

Chẳng ăn năn, lại mừng vui

Tương lai quả báo đẹp tươi tốt lành.068

Khi mà nghiệp ác chưa thành

Chưa gây hậu quả thật tình thảm thương

Người ngu cảm thấy bình thường

Tưởng như được nếm mật đường ngọt thay,

Nhưng khi quả báo đọa đày

Người ngu chịu khổ, đắng cay não nề.069

Với đầu ngọn cỏ mong manh

Người ngu dùng bới cho mình thức ăn

Tu theo khổ hạnh nhọc nhằn

Nhịn ăn, nhịn uống quanh năm võ vàng

So ra đâu có phước bằng

Một phần mười sáu của hàng chân tu

Hiểu thông chánh pháp từ xưa.070

Người ngu nghiệp ác tạo nên

Nào đâu hậu quả thấy liền nơi đây

Tựa như sữa chẳng đông ngay,

Tuy nhiên nghiệp báo đêm ngày ngầm theo

Giống như ngọn lửa thầm reo

Trong than hồng ủ dưới nhiều lớp tro.071

Chút tài mọn, chút hư danh

Dù thêm vào được cho mình nay mai

Người ngu vẫn tự hại đời

Tự đưa mình tới cuối trời diệt vong

Để rồi hạnh phúc chẳng còn

Tiêu tan đầu não, héo hon trí người.072

Kẻ ngu thường muốn hư danh

Ngồi trong Tăng chúng muốn dành chỗ trên,

Trong Tăng viện muốn uy quyền,

Muốn người cung kính đến xin cúng dường.073

 

Để cho kẻ tục, người Tăng

Phục ta và phải nghĩ rằng ta đây:

"Chính ta làm được việc này!"

Hay: "Ta ra lệnh đó đây thi hành!"

Kẻ ngu cuồng vọng khoe mình,

Lòng tham, ngạo mạn tăng nhanh với đời.074

 

Một đường danh lợi thế gian

Một đường đưa tới Niết Bàn cao xa

Tỳ Kheo đệ tử Phật Đà

Nhủ lòng cho rõ để mà bước chân,

Đừng nên tham đắm lợi trần,

Đạo mầu giải thoát chuyên tâm trau dồi!075

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Việt dịch TK Giác Đẳng & TT Trí Siêu

 

 

I.- Phẩm Song-yếu.

 

Ý dẫn đầu các pháp

Ý chủ trì, tạo tác

Nếu ngôn từ, hành động

Với tâm ý nhiễm ác

Khổ theo tựa bánh xe

Đi sau dấu chân bò.001

 

Ý dẫn đầu các pháp

Ý chủ trì, tạo tác

Nếu ngôn từ, hành động

Với tâm ý trong sáng

An lạc sẽ theo sau

Như bóng không rời hình.002

 

Ai ôm niềm hận rằng:

"Nó mắng tôi, đánh tôi,

Nó thắng tôi, cướp tôi"

Hận còn mãi khôn nguôi.003

 

 

 

Ai không ôm niềm hận:

"Nó mắng tôi, đánh tôi,

Nó thắng tôi, cướp tôi"

Hạn thừ ắt tự nguôi.004

 

 

 Lấy hận để rửa thù

Trên đời không thể có

Từ bi diệt hận thù

Là thiên thu định luật.005

 

Người kia không hiểu được

Tranh chấp khiến tiêu vong

Ai hiểu rõ điểm này

Mọi hơn thua lắng đọng.006

 

 

 

Ai sống chuộng mỹ tướng

Không phòng hộ các căn

Ăn uống không tiết độ

Biếng lười không nỗ lực

Ma áp đảo kẻ ấy

Như gió thổi cây yếu.007

 

 

Ai sống quán bất tịnh

Khéo gìn giữ các căn

Tiết chế trong ẩm thực

Với tịnh tín chuyên cần

Ma không thể áp chế

Như gió cuồng núi đá.008

 

 

Ai mặc vải cà-sa

Tâm chưa bỏ ô nhiễm

Không tự chế, không thật

Không xứng với cà-sa.009

 

 

Ai từ bỏ ô nhiễm

Khéo nghiêm trì giới hạnh

Sống chân thực, tự chế

Thật xứng với cà-sa.010

 

 

Điều giả cho là thật

Điều thật thấy là giả

Do tư duy tà vạy

Chúng không đạt chân lý.011

 

 

Điều thật biết là thật

Điều giả hiểu là giả

Do tư duy chân chánh

Chúng đạt được chân lý.012

 

Như ngôi nhà vụng lợp,

Nước mưa len lỏi vào,

Tâm không tu cũng vậy,

Tham dục rỉ rả vào!013

 

Như ngôi nhà khéo lợp,

Nước mưa không thấm vào,

Tâm khéo tu cũng vậy,

Tham dục khó lọt vào.014

 

 

Nay sầu, đời sau sầu

Kẻ ác hai đời sầu

Nó sầu khổ phiền muộn

Thấy nghiệp uế mình làm.015

 

 

Giờ vui, sau cũng thế

Người làm lành hân hoan

Nhớ tịnh nghiệp đã làm

Niềm vui càng to lớn.016

 

 

 

Nay khổ đời sau khổ

Kẻ ác hai đời khổ

Khổ tâm: "Ta làm ác"

Sanh ác thú khổ hơn.017

 

 

 

Nay sướng, đời sau sướng

Làm phước hai đời sướng

Sung sướng: "Ta làm phước"

Sanh cõi lành sướng hơn.018

 

 

 

Dù nói nhiều kinh điển

Phóng túng, không thực hành

Chẳng hưởng sa môn quả

Như mục đồng đếm bò.019

 

Dù nói ít kinh điển

Nhưng sống thực hành pháp

Đoạn trừ tham sân si

Tỉnh giác, tâm giải thoát

Không chấp thủ mong cầu

Đời này hoặc đời sau

Ắt hưởng sa môn quả.020

 

 I.- Phẩm Tỉnh-Giác

 

 

Không phóng dật: đường sống

Phóng dật là đường chết

Nỗ lực hoá bất tử

Buông lung: đời như hết

Nhận thức khác biệt ấy

Người trí không giải đãi

Hoan hỷ trong chuyên cần

Tâm cao với thư thái

Kiên trì tu thiền định

Bậc tu thường tinh tấn

Liễu tri đạo giải thoát

Chứng vô thượng niết bàn.021-023

 

 

 

 

 

 

Cần mẫn thường cảnh giác.

Sống trong sạch, tĩnh tâm,

Tự chế sống chúng pháp,

Tiếng lành ngày càng tăng.024

 

Nỗ lực không chễnh mãng.

Tự chế, có kỷ cương.

Bậc trí xây hải đảo.

Lũ lụt khó dâng tràn.025

 

 

 

 

 

Kẻ mê si kém trí

Chỉ biết sống phóng túng

Bậc trí luôn tinh cần

Như gìn tài sản lớn

Chớ sống đời dễ duôi

Đừng đắm say dục lạc

Thiền định, luôn tinh cần

Hạnh phúc lớn chứng đạt.026-027

 

 

 

 

Bậc trí diệt buông lung

Bằng chánh hạnh tinh cần

Lên đài cao trí tuệ

Vô ưu nhìn sầu khổ

Như người đứng trên núi

Nhìn ngu nhân đất bằng.028

 

 

 

 

Tinh cần giữa phóng túng

Tỉnh thức giữa trầm mê

Bậc trí như tuấn mã

Bỏ sau lưng ngựa què.029

 

 

 

 

Ðế Thích không phóng dật,

Ðạt ngôi vị thiên chủ.

Không phóng dật được khen,

Phóng dật thường bị trách.030

 

Biết sợ với phóng túng

Tỳ khưu vui tinh cần

Tiến bước như lửa hừng

Thiêu trói buộc lớn nhỏ.031

 

 

 

Vui thích không phóng dật,

Cái phóng dật nguy hại ,

Không thể bị thối thất,

Nhất định gần Niết Bàn.032

 

III.- Phẩm Tâm.

 

Tâm yếu đuối giao động

Nhiếp, hộ thật khó khăn

Như thợ khéo chuốt tên

Bậc trí gìn tâm thẳng.033

 

 

 

Tâm (tu) vùng vẫy mạnh

Như cá trên đất khô

Tách ra khỏi thủy tánh

Hãy đoạn tận ma lực.034

 

 

 

 

Tâm manh động, khó nắm

Quay cuồng theo thị dục

Thiện thay tâm điều phục

Tâm thuần ắt an lạc.035

 

 

 

Tâm sâu kín khó thấy

Theo thị dục xoay cuồng

Bậc trí gìn tâm ý

Phòng hộ tâm an lạc.036

 

 

 

Ðộc hành cõi xa xăm

Chập chờn trong hang thẳm

Ai điều phục tâm ấy

Thoát ma chướng trói trăn0.37

 

 

 

Người tâm không an lập

Không hiểu chân diệu pháp

Niềm tin bị giao động

Tuệ giác không thể nhập.038

 

 

Ai tâm không cảm nhiễm

Ai tâm không quấy phiền

Bỏ cả ác và thiện

Bậc tỉnh thức vô úy.039

 

 

 

 

Hiều thân như đồ gốm

Trụ tâm như thành trì

Chống ma bằng gươm trí

Vô trước, giữ chiến thắng.040

 

 

Rồi đây thân xác này,

Sẽ nằm dài trên đất,

Bị vất nằm vô thức,

Như gỗ mục bên đường.0.41

 

 

 

Kẻ thù hại kẻ thù

Oan gia hại oan gia

Điều gây tác hại hơn

Chính là tâm hướng tà.042

 

 

Cha mẹ và quyến thuộc

Có điều không làm được

Khi cõi lòng thiện chân

Tạo vô vàn phúc đức.043

 

IV.- Phẩm Hoa.

 

Ai quán triệt đất này

Dạ ma, nhân, thiên giới?

Ai hiểu được pháp cú

Đã được khéo thuyết giảng

Như chuyên viên lựa hoa?0.44

 

 

 

 

Hữu học quán triệt đất

Dạ ma nhân, thiên giới

Hữu học hiểu pháp cú

Đã được khéo thuyết giảng

Như chuyên viên lựa hoa.045

 

 

 

Biết thân dường bọt nổi

Hiểu thân là ảo hoá

Hủy tên hoa của ma

Vượt tầm mắt tử thần.046

 

 

 

Người nhặt hoa dục lạc

Lòng tham nhiễm mê si

Tử thần đoạt mạng đi

Như lụt cuốn làng ngủ.0.47

 

 

Người hái hoa dục lạc

Ý đắm nhiễm say sưa

Khi lòng dục chưa vừa

Bị thần chết chinh phục.048

 

 

 

Hiền sĩ đi vào làng

Như loài ong đến hoa

Không tổn hại hương sắc

Hút mật xong bay đi.049

 

Đừng nhìn lỗi người khác

Có làm hay không làm.

Nên tự tìm lỗi mình

Có làm hay không làm.0.50

 

 

Như bông hoa tươi đẹp.

Có sắc không mùi hương.

Cũng vậy dù thiện ngôn.

Không làm không kết quả.0.51

 

 

 

Như bông hoa tươi đẹp.

Có sắc có mùi hương.

Cũng vậy, lời thiện ngôn.

Có làm, mới kết quả.052

 

 

 

Như từ một đống hoa

Nhiều tràng hoa được kết.

Cũng vậy, thân sanh tử,

Làm được nhiều thiện sự.053

 

Hương hoa không ngược gió,

Gỗ trầm và mộc hương,

Hoa lài cũng không thể

Chỉ có hương đức hạnh

Mới bay ngược chiều gió.

Bậc hiền nhân toải khắp

Vang danh bốn phương trời.0.54

 

Gỗ trầm hay mộc hương,

Hoa sen hoặc hoa lài

Trong các thứ hương đó,

Giới hương là tối thượng.055

 

Trầm hương hay mộc hương,

Hương này ít giá trị

Hương giới hạnh tối thượng

Bát ngát giữa chư thiên.056

 

Bậc đầy đủ giới đức

An trú không buông lung

Giải thoái với chánh trí

Ma chẳng biết đường đi.057

 

Như giữa đống rác bẩn,

Đổ bỏ bên đường cái

Tại đấy hoa sen nở

Thơm sạch vui lòng người

Cũng vậy giữa chúng phàm,

Uế nhiễm và tối tăm

Đệ tử bậc Chánh Giác

Với trí tuệ chói sáng.058-059

 

 

V.- PHẨM NGU.

 

Đêm dài cho kẻ thức

Đường dài cho kẻ mệt

Luân hồi dài kẻ ngu

Không thông hiểu chánh pháp.060

 

 

 

Tìm không được bạn đường,

Hoặc bằng hoặc hơn mình,

Thà chọn kiếp độc hành

Hơn đi cùng kẻ ngu.061

 

 

 

Con tôi, tài sản tôi,

Người ngu sanh ưu não,

Tự ta, ta không có,

Con đâu, tài sản đâu?062

 

 

Người ngu nghĩ minh ngu,

Nhờ vậy thành có trí.

Người ngu tưởng có trí

Thật đúng là chí ngu.063

 

 

Kẻ ngu dầu trọn đời

Được thân cận bậc trí

Cũng không hiểu lý pháp

Như muỗng với vị canh.064

 

 

 

Người trí dù khoảnh khắc

Kề cận bậc hiền minh

Cũng nhanh hiểu lý pháp

Như lưỡi nếm vị canh.065

 

 

Người ngu si thiếu trí,

Tự ngã thành kẻ thù.

Làm các nghiệp không thiện,

Phải chịu quả đắng cay.066

 

 

 

Nghiệp làm không tốt đẹp

Làm rồi phải ray rứt

Thọ cảm quả dị thục

Mặt nhuốm lệ khóc than.067

 

Một việc làm tốt đẹp

Làm rồi không ray rứt

Thọ cảm quả dị thục

Tâm hân hoan vui vẻ.068

 

 

Khi tội ác chưa muồi

Kẻ ngu nghĩ là ngọt

Khi ác nghiệp chín muồi

Ke ngu chịu khổ đau.069

 

 

 

Kẻ ngu dù thọ thực

Mỗi tháng bằng cọng cỏ

Cũng không có giá trị

Bằng một phần mười sáu

Của bậc thực chứng pháp.070

 

 

Nghiệp ác đã được làm,

Như sữa, không đông ngay,

Cháy ngầm theo kẻ ngu,

Như lửa tro che đậy.071

 

 

 

Kẻ ngu được tài năng

Là lúc chịu bất hạnh

Hạnh phúc bị tổn hại

Trí não cũng tiêu tan.072

 

 

 

Cầu danh không tương xứng

Chủ tọa hàng tý kheo

Quyền hành trong tu viện

Tư gia nhận lễ cúng.073

 

 

Mong cả hai tăng tục

Đều biết đến ta đây

Bất luận việc lớn nhỏ

Đều theo mệnh lệnh ta

Kẻ ngu suy nghĩ vậy

Dục và mạn tăng trưởng.074

 

 

Khác thay duyên thế lợi

Khác thay đường níp-bàn

Biết rõ lẽ như vậy

Tỳ-kheo đệ tử Phật

Chớ vui thích lợi lộc

Hãy tu hạnh viễn ly.075