Kho thóc dùng làm Nhà Thờ (khoảng 50 năm)

Giấy giới thiệu của Đức cha Nguyễn Quang Tuyến (1994)

1. Công cuộc tái thiết Nhà Thờ Giáo xứ Bỉ Nội

(Nguồn: Bỉ Đường Hương Phả, Nguyễn Ngọc Thuyết, trang 109)


a. Giai đoạn hình thành:

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, đặc biệt là biến cố năm 1949, toàn bộ cơ đồ của dân làng bị tan theo mây khói. Cổng làng là một kiến trúc duy nhất còn sót lại với nhiều vỡ nát do bom đạn gây nên. Những người trong thời gian này chạy loạn đã không biết đi đâu, hoặc có những người dù sống hay chết vẫn phải giữ lấy làng, nên đã trở về để gây dựng lại sự nghiệp trên đống tro tàn đổ nát.

Vì nhu cầu chung, cần một nơi để thờ phượng Thiên Chúa, dân làng đã dùng một kho thóc cũ để làm nhà thờ, và từ nơi đó, họ gặp gỡ nhau trong mỗi giờ kinh nguyện hàng ngày. Sau gần 50 năm dùng kho thóc làm nhà thờ, đã đến lúc không còn có thể sử dụng được nữa vì sụp đổ, dân làng quyết định sửa lại kho thóc để tiếp tục làm nơi thờ phượng Thiên Chúa.

Được tin dân làng muốn sửa lại kho thóc, một số quý vị cao niên người làng Bỉ hiện đang sinh sống trong Nam, quyết định dấn thân, dùng những ngày tháng còn lại của cuối đời mình để góp phần xây dựng lại quê cha đất tổ. Sau nhiều lần họp bàn, dân làng đã quyết định xây lại nhà thờ mới ngay trên nền nhà thờ cũ. Họ cho rằng đây là một di tích lịch sử, cho dù đã bị đổ nát, nhưng thế hệ con cháu phải có bổn phận xây dựng lại những gì tiền nhân đã gây dựng. Tuy nhiên, điều nan giải nhất là khả năng tài chánh. Mặc dù nghèo khó, nhưng họ vẫn tin tưởng là có thể làm được, cho dù thời gian có kéo dài nhiều năm. Đặc biệt hy vọng vào tài năng của thế hệ trẻ, sẽ là mục tiêu yểm trợ công trình xây dựng được hoàn thành.

Ngày 12.9.1991, ông Nguyễn Xuân Tình, người đàn ông duy nhất trong làng có tuổi thọ trên 60, đã đại diện dân làng gởi đến Tòa Giám Mục bản tường trình và xin phép xây dựng lại nhà thờ mới. Trong bản tường trình này, dân làng đã nêu lên những điểm khó khăn để xin Tòa Giám Mục giúp đỡ. Vì là lý do chính đáng và cấp thiết, thỉnh nguyện của dân làng đã được Đức Giám Mục Nguyễn Quang Tuyến, Giám Mục địa phận Bắc Ninh chấp thuận ngay sau đó.

Được sự chấp thuận và khuyến khích của Tòa Giám Mục Bắc Ninh, Ban Hành Giáo xứ Bỉ Nội ngay sau đó đã lập một hồ sơ xin phép chính quyền tỉnh Hà Bắc để xây dựng Thánh đường mới. Trong đó bao gồm một họa đồ và luận chứng kinh tế kỹ thuật. Đến ngày 14.3.1994, sau gần 3 năm chờ đợi, dân làng đã được chính quyền tỉnh Hà Bắc chấp thuận bằng quyết định số 96/CT của Chủ Tịch UBND Hành Chính tỉnh Hà Bắc. Căn cứ theo quyết định này, dân làng được xây dựng lại một nhà thờ mới trên nền cũ nhưng không được phép quyên góp tại địa phương để khỏi ảnh hưởng đến đời sống kinh tế dân nghèo.

Ngay sau đó, một ban xây dựng Thánh đường đã được hình thành do sự đề cử của dân làng, với nhiệm vụ gây kinh phí và trông nom việc xây cất cho đến khi hoàn thành. Ông La Quang Thông, một thành viên của Ban Hành Giáo họ Bỉ, được dân làng tín nhiệm vào chức vụ Trưởng Ban Xây Dựng Thánh Đường. Ban Xây Dựng có trách nhiệm phối hợp với Ban Hành Giáo, trưởng ban là ông Nguyễn Văn Minh, tiến hành việc xây dựng.

Mặc dù trong quá trình xây dựng, cũng có nhiều bất đồng ý kiến từ nhiều nơi. Có những người vì ghen ghét, đố kỵ, đã tung ra nhiều tin đồn thất thiệt, nhằm triệt hạ uy tín của Ban Hành Giáo và Ban Xây Dựng. Tuy nhiên, điều may mắn cho dân làng Bỉ là đã có những người lãnh đạo sáng suốt. Với sự cố vấn của Tòa Giám Mục địa phận Bắc Ninh, với sự khuyến khích và giúp đỡ mạnh mẽ của các bậc trưởng thượng người làng Bỉ hiện đang sinh sống trong Nam, Ban Hành Giáo và Ban Xây Dựng đã bất chấp mọi dèm pha, đặt quyền lợi tập thể và danh dự của làng lên trên hết. Họ đã gạt bỏ những chướng ngại nhỏ để đi đến mục tiêu lớn, là hoàn thành cho bằng được Thánh đường mới.


b. Giai đoạn khởi công

Đây là một giai đoạn cực kỳ khó khăn. Mặc dầu được sự chấp thuận của Tòa Giám Mục địa phận Bắc Ninh và Chính quyền tỉnh Hà Bắc, nhưng khả năng của dân làng không thể tự mình xây dựng được một ngôi Thánh đường. Họ trông cậy vào sự quan phòng của Thiên Chúa, trông cậy vào Tòa Giám Mục địa phận, và đặc biệt kêu gọi sự giúp đỡ của quý vị hảo tâm khắp nơi, trong cũng như ngoài nước, nhất là những người có cùng chung một cội nguồn: Làng Bỉ.

Một chiến dịch kêu gọi sự giúp đỡ được phát động mạnh mẽ và nhanh chóng. Từ Bắc vào Nam. Từ Canada đến Hoa Kỳ. Đặc biệt trong lần vận động này, ông bà Nguyễn Ngọc Thuyết đã sang tận Canada và Hoa Kỳ kêu gọi con dân làng Bỉ và những nhà hảo tâm giúp đỡ, để công việc xây dựng Giáo đường mau chóng hoàn tất.

Tại Ontario, Canada, qua sự vận động của anh chị Nguyễn Ngọc Phương, ông bà Nguyễn Ngọc Thuyết đã đến gặp gỡ cộng đồng người Việt và Ban Hành Giáo tại Kitchener - Waterloo. Cũng tại đây, ông bà đã gặp được rất nhiều vị ân nhân đáng quý như ông bà Nguyễn Văn Cang tại Cambridge.

Tại Hoa Kỳ, qua sự nỗ lực vận động của anh Nguyễn Ngọc Huấn, Nguyễn Đức Thắng và ông bà Thân Văn Luyện, ông bà Nguyễn Ngọc Thuyết đã đến Minnesota, Missouri, Kansas, Colorado để kêu gọi yểm trợ. Tại những nơi này, ông bà đã gặp rất nhiều sự giúp đỡ quý báu, như ông bà Thân Văn Vở tại Denver Colorado, bà Phương Liên tại Saint Paul Minnesota, bác sĩ Nguyễn Duy Khôi tại Wichita Kansas, cùng rất nhiều vị ân nhân khắp nơi. Nhiều người không có chút liên hệ gì với làng Bỉ, nhưng vì lòng mến Chúa yêu người, vì hiểu được rằng với khả năng của người dân làng Bỉ, tự họ, muốn có một Thánh đường mới, dù chỉ là một Thánh đường nhỏ bé, họ vẫn còn phải chờ thêm nhiều năm nữa.

Một trong những phương tiện giới thiệu về làng Bỉ để công việc xin yểm trợ được mau chóng đạt tới kết qủa, đó là sự góp sức của anh Nguyễn Ngọc Hướng trong nỗ lực thực hiện một cuốn phim tài liệu về làng Bỉ. Đây là một cuốn phim rất công phu, đã nói lên được tất cả nỗi lòng và nguyện vọng của người dân, mong muốn có được một ngôi Thánh đường khang trang là niềm mơ ước đã gần 50 năm của toàn dân làng. Suốt nửa thế kỷ qua, họ đã chen nhau để thờ phượng Chúa trong một kho thóc nhỏ bé, tồi tệ, và đến lúc không còn có thể sử dụng được nữa, vì kho thóc đã bị sụp đổ. Niềm khát vọng ấy, nay đã được quý vị ân nhân khắp nơi cảm thông tận tình giúp đỡ.

Thế rồi, Thánh đường mới được khởi công. Kẻ già, người trẻ, toàn dân làng đã ra sức xây dựng nhà Chúa. Họ không quản ngại mưa nắng, gian truân. Những gánh đất nặng trĩu mang đầy niềm tin vào ngày mai, ngày mà tình thương của Thiên Chúa đổ xuống chan hòa cho người dân Làng Bỉ. Họ vui mừng hớn hở, tưởng rằng trong cuộc đời của họ, không còn cơ hội để được tái tạo một ngôi Thánh đường mới, nằm gọn trên nền nhà thờ cũ, nơi mà trên 300 năm trước đây, chính cha ông của họ cũng đã đổ mồ hôi để xây dựng ngay trên mảnh đất này.

Ngày 20.4.1994, một viên đá đầu tiên được đặt xuống trên nền nhà thờ cũ. Toàn dân làng đã hồi hộp chờ đợi điểm khởi đầu hôm nay. Từ biến cố khởi đầu này, niềm tin nơi Thiên Chúa của dân làng lại bừng sống. Những sinh hoạt tôn giáo của xứ Bỉ Nội, đã bao nhiêu năm ngủ yên trong tuyệt vọng, nay lại được trỗi dậy một cách mãnh liệt. Từng tảng đá, từng viên gạch được chuyền tay nhau để chất lên ngôi nhà mới của Thiên Chúa. Từng giọt mồ hôi rớt xuống được hòa tan trong niềm vui sướng tột độ, vui vì họ sắp có được một ngôi Thánh đường mới để thờ phượng Thiên Chúa.

Thế rồi, Thánh đường mới từ từ vươn lên cùng với bao nhiêu công sức của dân làng và giáo dân của những họ lân cận. Vì tài chánh eo hẹp, công cuộc xây dựng nhà thờ đã phải đình trệ nhiều lần để chờ đợi quý ân nhân khắp nơi giúp sức. Đã có lúc tưởng chừng như niềm mơ ước ấy không thể thực hiện được.

Ngày 22.2.1995, một phái đoàn từ trong miền Nam, do bà Nguyễn Thị Nghi, Mẹ Bề trên Miền, dòng Nữ Tu Đa Minh dẫn đầu, đã ra đến Làng Bỉ, mang theo tài chánh và ảnh tượng của các vị ân nhân tại Hoa Kỳ và Canada dâng tặng. Trong phái đoàn còn có sự hiện diện của ông bà Nguyễn Văn Cang, từ Canada về thăm quê hương và đến tận làng Bỉ để chia sẻ những khó khăn với dân làng.

Giờ phút lịch sử đã đến, khi dân Làng dựng lại cây Thánh Giá trong ngôi nhà thờ mới. Nhiều người đã chết lặng khi thấy tượng Chúa được từ từ nâng lên. Họ nghẹn ngào trong tiếng kinh cảm tạ Thiên Chúa. Nhiều người đã bật khóc như trẻ thơ, nước mắt tràn đầy trong niềm xúc động không tưởng. Những cảm xúc đè nén từ hàng chục năm qua, nay được bộc phát trong nỗi hân hoan vô bờ bến. Họ quên hết những ngày tháng gian nan, nhọc nhằn. Trước mắt họ, chỉ là hình bóng của một ngôi Thánh Đường sắp hoàn thành. Thánh giá được nâng lên giữa tiếng vỗ tay vui mừng, chan hòa với những giòng lệ đầm đìa trên những khuôn mặt già nua khắc khổ.

Video: Thánh lễ đầu tiên tại Nhà Thờ Giáo Xứ Bỉ Nội (sau gần 50 năm). Thực hiện Nguyễn Ngọc Hướng

Video: Lễ Khánh Thành Nhà Thờ Giáo xứ Bỉ Nội (2005)

Thực hiện: Nguyễn Ngọc Hướng

Video: Lễ Khánh Thành Nhà Thờ Giáo xứ Bỉ Nội (2005)

c. Giai đoạn hoàn tất:

Ngày 26.2.1995, mặc dù Nhà Thờ chưa hoàn toàn xong, nhưng Tòa Giám Mục địa phận Bắc Ninh đã cử Linh Mục Nguyễn Văn Kinh, Quản Nhiệm Giáo Hạt Bắc Giang về dâng Thánh lễ đầu tiên tại nhà thờ mới. Đây cũng là Thánh lễ đầu tiên tại Làng Bỉ sau gần 50 năm. Người ta không thể tưởng tượng nổi được sự vui mừng của toàn thể dân làng. Một ngày trước khi có Thánh lễ, sinh hoạt của Làng Bỉ lại nhộn nhịp hẳn lên. Người người nô nức đón chờ Thánh lễ đầu tiên. Họ hàng thân qyến của dân Làng từ các nơi xa đổ về. Các Họ đạo quanh vùng cũng kéo đến chung niềm vui. Các em trong đội dâng hoa, thao thức nhiều đêm để chuẩn bị cho mình chiếc áo dài trắng đẹp nhất. Ban Thánh Ca của Làng Bỉ gồm đủ mọi lứa tuổi, chưa bao giờ được hát lễ tại Làng mình, nay đang ra sức tập dợt để chuẩn bị cho Thánh lễ sắp tới. Một đội trắc thiếu nhi của Họ Yên Hà cũng được điều tới để tăng thêm phần trang trọng. Ban Hành Giáo và những người có trách nhiệm trong Nhà Thờ, đã phải vất vả 3 ngày trước đó, để dọn dẹp, chuẩn bị và hoàn tất những việc cần thiết cho Nhà thờ trước khi Thánh lễ được cử hành.


7g30 sáng ngày 26.2.1995, Linh mục Nguyễn Văn Kinh đến. Toàn thể Giáo dân đã ra tận cổng Làng để đón Ngài. Nỗi vui mừng hiện rõ trên khuôn mặt từng người. Những giòng lệ chảy dài trên gò má nhăn nheo của những bà mẹ già nua. Họ đã khóc, khóc trong sự sung sướng tột độ. Với dân làng, đây là một biến cố lịch sử trọng đại, bởi Thánh lễ ngày hôm nay không còn là một giấc mơ xa vời. Đã 50 năm qua, dân Làng hằng mơ ước có được một Thánh lễ ngay tại làng mình. Niềm mơ ước ấy đã khắc khoải họ từng ngày, từng tháng. Nhiều người đã sinh ra và chết đi, vẫn chưa được nhìn thấy Nhà thờ của Làng. Hôm nay đây, niềm mơ ước ấy, đã thành sự thực. Trong chốc lát, họ sẽ được bước vào ngôi nhà thờ mới, bằng công sức và mồ hôi của họ đã đổ ra, để tham dự Thánh lễ đầu tiên sau gần nửa thế kỷ trên quê hương Làng Bỉ thân yêu.

Đúng 8 giờ sáng, Thánh lễ bắt đầu. Cả nhà thờ bừng sống trong tình thương yêu của Thiên Chúa. Nhà Thờ chưa có ghế, họ ngồi chen nhau trên từng ô gạch nhỏ trong giáo đường. Có nhìn thấy tận mắt những hình ảnh này, người ta mới cảm nhận được niềm tin yêu nơi Thiên Chúa của người dân làng Bỉ quả thật là mãnh liệt.


Ngày 12.6.95, anh chị Nguyễn Ngọc Bích và Trần Thiên Duyên, là con dân Làng Bỉ, từ Hoa Kỳ về đến làng để yểm trợ tinh thần và vật chất cho công việc mau chóng hoàn tất. Trong chuyến viếng thăm quê hương này, anh chị đã mua rất nhiều đồ tặng dùng trang trí cho Thánh đường, đồng thời trợ giúp Ban Hành Giáo thực hiện một kế hoạch lâu dài để gây quỹ điều hành khi Thánh đường hoàn tất. Cũng trong chuyến về thăm quê hương này, anh chị đã mang theo tiền dâng cúng của các ân nhân tại Hoa Kỳ và Canada. Đặc biệt là của Bác sĩ Nguyễn Duy Khôi và anh chị Nguyễn Đức Thắng - Nguyễn thị tuyết Lan đã xin được dâng cúng cho dân làng một tháp chuông, đài Đức Mẹ và nhà để hài cốt cho tổ tiên.

(hết trích)

Tháp chuông do Bác sĩ Nguyễn Duy Khôi và gia đình dâng tặng, trên đó có hai quả chuông nặng 100kg và 75kg, do cụ Nguyễn Ngọc Thuyết và con cháu dâng tặng

Tượng Đức Mẹ trên núi Đài do Nguyễn Đức Thắng & Nguyễn Thị Tuyết Lan dâng tặng

Tượng Đức Mẹ và Thánh Giuse được xây 2 bên tháp chuông, do ông bà La Quang Thông dâng tặng

Kế hoạch trồng cây vải ngay từ những ngày đầu khởi công xây dựng lại Thánh Đường giáo xứ, nay đã có kết quả: