A. Huyện Yên Dũng

(Tổng hợp từ nhiều nguồn)

Huyện nằm ở phía nam tỉnh Bắc Giang. Yên Dũng có dãy núi Nham Biền chạy theo hướng Đông-Tây. Phía Nam giáp tỉnh Bắc Ninh với ranh giới là sông Cầu, phía Đông giáp thành phố Chí Linh (Hải Dương) với ranh giới là sông Lục Đầu, phía Bắc giáp huyện Lục Nam và phía Tây giáp thành phố Bắc Giang.

Huyện lỵ là thị trấn Neo cách thành phố Bắc Giang khoảng 15 km về hướng đông nam. Chảy xuyên qua huyện Yên Dũng là con sông Thương uốn lượn cung cấp phù sa cho các xã Tân Tiến, Xuân Phú, Tân Liễu, Tiến Dũng, Trí Yên, Lão Hộ. Tỉnh Bắc Giang nổi tiếng với ba con sông lớn chạy xuyên qua tỉnh là sông Lục Nam, sông Thương, và sông Cầu. Cả ba con sông này đều chảy qua huyện Yên Dũng và hội tụ tại Kiếp Bạc, Hải Dương.

Huyện Yên Dũng có 21 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn: Neo (huyện lỵ), Tân Dân và 19 xã: Cảnh Thụy, Đồng Phúc, Đồng Việt, Đức Giang, Hương Gián, Lãng Sơn, Lão Hộ, Nham Sơn, Nội Hoàng, Quỳnh Sơn, Tân An, Tân Liễu, Thắng Cương, Tiến Dũng, Tiền Phong, Trí Yên, Tư Mại, Xuân Phú, Yên Lư.

Sau năm 1975, huyện Yên Dũng có 23 xã: Cảnh Thụy, Đồng Phúc, Đồng Sơn, Đồng Việt, Đức Giang, Hương Gián, Lãng Sơn, Lão Hộ, Nham Sơn, Nội Hoàng, Quỳnh Sơn, Song Khê, Tân An, Tân Liễu, Tân Mỹ, Tân Tiến, Thắng Cương, Tiến Dũng, Tiền Phong, Trí Yên, Tư Mại, Xuân Phú, Yên Lư.

Ngày 29-8-1994, thành lập thị trấn Neo - thị trấn huyện lỵ huyện Yên Dũng - trên cơ sở 3 thôn Tân An của xã Cảnh Thụy, thôn Phấn Lôi của xã Nham Sơn và thôn Bến Đám của xã Tân Liễu.

Ngày 12-7-2007, thành lập thị trấn Tân Dân trên cơ sở điều chỉnh 494,34 ha diện tích tự nhiên và 5.448 nhân khẩu của xã Tân An.

Từ năm 2010, 4 xã: Đồng Sơn, Song Khê, Tân Mỹ, Tân Tiến được sáp nhập vào thành phố Bắc Giang.

Dự kiến năm 2020, thị trấn Tân Dân và 4 xã: Hương Gián, Nội Hoàng, Tân Liễu, Tiền Phong sẽ được sáp nhập vào thành phố Bắc Giang.

Yên Dũng là một vùng đất cổ có bề dày về lịch sử văn hoá và truyền thống khoa bảng. Với gần 300 di tích lịch sử, văn hóa, Yên Dũng tự hào là một vùng đất thiêng của xứ Bắc, với huyền thoại 99 con chim phượng hoàng hốt cấu tạo nên dãy Nham Biền kỳ vĩ; có chốn tổ Chùa Vĩnh Nghiêm (Xã Trí Yên, Bắc Giang) của thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ XIII, chùa được coi là trường Đại học phật giáo đầu tiên ở Việt Nam. Yên Dũng tự hào là nơi sinh ra hai cha con tiến sĩ Đào Toàn Mân và Trạng nguyên Đào Sư Tích (xã Song Khê), nơi ẩn chứa và phát tích tinh hoa của nhiều thế hệ; một vùng đất đã biết lấy câu trong sách thánh hiền để dạy con cháu: “Thiên kim di tử, bất như nhất kinh”, nghĩa là để cho con ngàn vàng không bằng một quyển sách. Bởi vậy từ xưa Yên Dũng đã sinh ra và nuôi dưỡng hàng chục tiến sĩ làm nên niềm tự hào của một vùng quê hiếu học. Đến nay truyền thống ấy đã và đang được các thế hệ người Yên Dũng kế tiếp.

1. Các di tích lịch sử tại Yên Dũng (2019)

(Tổng hợp từ các nguồn: vi.wikipedia.org * bacgiang.gov.vn * dpi.bacgiang.gov.vn * wiki.youvivu.com * dulichvietnam.com.vn * vanhoabacgiang.vn * VnExpress.net * langvietonline.vn * vanhien.vn)






Tây Yên Tử (Ảnh: Hồng Ngọc)


A. Di tích xếp hạng cấp tỉnh trên địa bàn huyện Yên Dũng

Gồm có: Đền thờ Đức vua Trần Minh Tông (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Đức Giang), Chùa Nguyệt Nham (Di tích Lịch sử, Xã Tân Liễu), Đình Liễu Nham (Di tích Nghệ thuật, Xã Tân Liễu), Đình Lũ Phú (Di tích Lịch sử, Xã Xuân Phú), Đền Cổ Phao (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Đồng Việt), Đình Đông Hưng (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Nham Sơn), Đền Vua Bà (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Cảnh Thụy), Đền Thanh Nhàn (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Nham Sơn), Đình Ba Tổng (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Thị trấn Neo), Đình Ngọc Lâm (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Lãng Sơn), Chùa Ngọc Lâm (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Lãng Sơn), Đình Hồng Sơn (Di tích kiến trúc nghệ thuật, Xã Lãng Sơn), Chùa Cổ Pháp (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Đồng Phúc), Đình Quỳnh Sơn (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Quỳnh Sơn), Chùa Cảnh Mỹ (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Cảnh Thụy), Đình Cảnh Mỹ (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Cảnh Thụy), Chùa Phúc Long (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Tư Mại), Chùa Linh Sơn (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Lão Hộ), Đình Lão Hộ (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Lão Hộ), Đình Yên Tập Bến (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Yên Lư), Chùa Vĩnh Long (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Trí Yên 2), Chùa Thiên Lai (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Thị trấn Neo), Đình Nội (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Nội Hoàng), Chùa Linh Quang (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Nội Hoàng), Đình Thượng (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Thị trấn Tân Dân), Đình Âm Dương (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Tân An), Chùa Âm Dương (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Tân An), Đình Ngọc Sơn (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Quỳnh Sơn), Chùa Ngọc Sơn (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Quỳnh Sơn), Chùa Thanh Long (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Xuân Phú) Đình Xuân Đám (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Xuân Phú), Đình Tân Ninh (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Tư Mại), Đền Tân Ninh (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Tư Mại), Chùa Phấn Lôi (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Thắng Cương), Chùa Linh Sơn (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Tiến Dũng), Đình Hạ Long (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Đồng Phúc), Chùa Linh Quang (Chùa Hạ Long) (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Đồng Phúc), Địa điểm Điạ đạo làng chiến đấu Long Trì (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Thị trấn Tân Dân), Chùa Phúc Duyên (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Tân Liễu), Đình Phú Mại (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Tư Mại), Chùa Cao Sơn (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Trí Yên), Đình Chiền (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Nội Hoàng), Đình Nam Sơn (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Đồng Phúc), Chùa Quang Sơn (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Đồng Phúc), Chùa Linh Thông (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Tiến Dũng), Chùa Linh Sơn (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Nội Hoàng), Miếu Đông (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Nham Sơn), Miếu Tây (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Nham Sơn), Đền Đà Hy (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Lãng Sơn), Đình Đà Hy (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Lãng Sơn), Đình Trung (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Thị trấn Tân Dân), Chùa Hồng Sơn (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Thị trấn Tân Dân), Chùa Cảnh Sơn (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Hương Gián), Đình làng Cảnh Thụy (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Cảnh Thụy), Chùa Lao (Linh Quang tự) (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Đức Giang), Đền thờ La Vũ Hầu Nguyễn Đình Khuê (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Đức Giang), Chùa Nam Tiến (Bình Lương tự) (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Đồng Việt), Chùa làng Đá (Sùng Phúc tự) (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Tư Mại), Nghè La (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Trí Yên), Đền Phượng Nhỡn (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Trí Yên), Đình làng Xuân An Phú (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Xuân Phú), Chùa Hồng Sơn (Tiên linh tự) (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Lãng Sơn), Đình Trung (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Nội Hoàng), Chùa Yên Tập Cao (Cao Sơn tự) (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Yên Lư), Đình Đào Tràng (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Thị trấn Tân Dân), Chùa Đào Trang (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Thị trấn Tân Dân), Đền thờ Lý Thái Tông (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Thắng Cương), Đình Hoàng Phúc (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Đồng Phúc), Chùa Diễn Khánh (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Tiền Phong), Nghè Dương (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Nham Sơn), Đình Ninh Xuyên (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Tiến Dũng 7), Chùa Quỳnh Sơn (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Quỳnh Sơn), Chùa Cổ Dũng (Di tích Lịch sử-Văn hóa, Xã Quỳnh Sơn)



Chùa Dâu và sự tích Bụt Mọc

Chùa Dâu hay chùa Bụt Mọc còn có tên chữ là Linh Quang tự thuộc làng Nội Hoàng, xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng. Đây là ngôi chùa cổ ít thấy ở Bắc Giang gắn với tín ngưỡng thờ đá (Linh Thạch), câu chuyện dân gian sự tích chùa Bụt Mọc nói lên ý nghĩa của tục thờ này.

Ngày xưa trong làng Nội Mang (Nội Hoàng) có người làm nghề đánh dậm bắt cá. Mỗi lần anh đi đánh dậm không thấy cá đâu chỉ thấy được một tảng đá trong dậm của mình. Nhiều lần như vậy thấy làm lạ, người đánh cá kia bèn đem tảng đá đó lên núi chôn và “khấn tảng đá phù hộ” cho đánh được nhiều cá, quả nhiên từ đó ngày nào anh ta cũng đánh được nhiều cá. Có điều tuổi đã cao mà anh vẫn không có con, thường ngày anh hay lên chỗ tảng đá kể lể sự tình và khấn cầu hòn đá cho xin đứa con nối dõi. Sau đó, vợ chồng anh có con trai. Thấy hòn đá linh nghiệm, vốn không hiểu biết lại tưởng rằng “tà ma” nên hai vợ chồng bèn đào hòn đá vứt đi, hôm sau lên núi lại thấy hòn đá mọc lên như cũ. Hai vợ chồng sợ hãi xin xưng tội, dựng chùa ngày đêm cầu khấn thờ phụng. Dần dần nhiều người qua lại lễ bái cầu việc gì cũng hiển ứng, đặc biệt là lễ cầu con. Từ đó dân gian gọi là chùa Bụt Mọc, chùa ở chân núi Dâu nên cũng gọi là chùa Dâu.

Qua sự tích chùa Dâu - chùa Bụt Mọc cho thấy tín ngưỡng thờ đá ở Nội Hoàng là Linh Thạch. Tục thờ này gợi sự liên tưởng tới tín ngưỡng thờ đá ở chùa Dâu, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Cả hai ngôi chùa đều có tín ngưỡng bản địa là tục thờ đá, rồi hòa nhập với tôn giáo ngoại lai để có đá thiêng thờ trong chùa mang bản sắc tôn giáo tín ngưỡng của người Việt sau này. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trần Văn Lạng sự có mặt ngôi chùa Dâu ở Nội Hoàng, Yên Dũng đã chứng tỏ vùng đất này vào thời Hán (sau Công nguyên) dân cư khá ổn định và đã có sự du nhập đạo Phật theo mô tuýp đạo Phật du nhập vào Luy Lâu (Bắc Ninh) một trung tâm kinh tế, chính trị văn hóa của đất Giao Châu thời Bắc thuộc. Đây là ngôi chùa cổ hiếm hoi và độc đáo trên đất Bắc Giang, không ai còn nhớ ngôi chùa có từ bao giờ chỉ biết năm Chính Hòa 24 (1703) thời Lê, chùa đã được sửa chữa lớn, ghi theo lời văn trên bia đá.

Chùa Dâu hiện nay mang nét văn hóa, kiến trúc đan xen của hai thời đại: thời Lê và thời Nguyễn. Chùa có các hạng mục công trình gồm tòa tiền đường 5 gian nối tòa thượng điện 3 gian tạo kiểu chữ đinh, nhà khách 3 gian, nhà tổ 3 gian cùng nằm trong một quần thể di tích uy linh cổ kính. Phần liên kết các vì mái theo lối kiến trúc cổ truyền thống, kiểu chồng rường giá chiêng, xà cộc. Vì nách tạo kiểu cốn mê chạm trổ đẹp hình vân mây, đao mác, hình linh thú, hoa văn khắc vạch, hình ô trám… Hệ thống cột chùa vẽ hình rồng leo mang phong cách thời Nguyễn (thế kỷ XIX) có giá trị nghiên cứu mỹ thuật cổ truyền dân tộc.

Chùa còn bảo lưu hệ thống tượng Phật quý giá cùng nhiều tài liệu, hiện vật có giá trị khoa học như: Hòn đá thờ gắn liền với sự tích “Chùa Bụt Mọc”, bát hương, bia đá… Chùa Dâu còn là nơi sinh hoạt văn hóa tôn giáo, nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương từ xưa tới nay. Hội lệ hàng năm được tổ chức vào ngày 11, 12 tháng Hai âm lịch. Lễ hội có nhiều trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Di tích còn là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân xã Nội Hoàng. Trong những năm kháng chiến chống Pháp giai đoạn từ 1949-1951, chùa là nơi tập kết của dân quân du kích và bộ đội chủ lực tiểu đoàn 61, quân khu Việt Bắc 434…

Như vậy, chùa Dâu không những là ngôi chùa cổ của tỉnh mà còn ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với sự du nhập đạo Phật vào Việt Nam từ buổi ban đầu trong đó có vùng đất Bắc Giang. Câu chuyện dân gian sự tích chùa Bụt Mọc ở xã Nội Hoàng, huyện Yên Dũng phần nào nói lên được điều đó.

Đồng Ngọc Dưỡng (Ban Quản lý Di tích tỉnh Bắc Giang)


Rạng rỡ môt Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng

Nham Biền là tên dãy núi nằm ở địa phận hai huyện Yên Dũng và Việt Yên thuộc tỉnh Bắc Giang, đột khởi giữa vùng đồng bằng Yên Dũng cổ với khí thế hùng vĩ nối liền hai dòng sông Thương và sông Cầu, từ ngàn xưa đã là vùng có vị trí chiến lược trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đáng kể hơn, đây còn là nơi lưu giữ những dấu tích đặc biệt về văn hóa và tâm linh rất quan trọng…

(Ảnh: Dương Từ Hồng)

Huyền ảo một truyền tích…

Vùng Nham Biền từ bao đời nay vẫn lưu giữ một truyền tích: Ngày xa xưa, khi trời đất mở mang, ở vùng đất này nổi lên 99 ngọn núi liền thành một dãy, gọi là dãy núi Neo. Trên dãy núi ấy, cây cối xanh mát, mây phủ quanh năm, sinh khí dồi dào, vốn là nơi cho muôn loài tụ hội. Một ngày kia, có một vị quân vương vì muốn chọn đất lập đế đô mở mang cơ nghiệp nên đã tìm về dãy núi Neo xem ngắm địa thế. Thấy nơi đây ngùn ngụt vượng khí, mây lành quấn quít nên đức vua cũng hài lòng lắm.

Chợt lúc ấy, có 100 con chim phượng hoàng từ đâu bay về, mỗi con đậu trên một ngọn núi; riêng con chim đầu đàn, vì không có chỗ đậu nên đành vỗ cánh bay đi, kéo cả đàn cùng theo. Nhìn thấy đàn chim thiêng “tỏ ý” như thế, nhà vua thầm thở dài, biết là vùng đất tuy đẹp nhưng không phải là “cuộc đất” dành làm nơi đế đô nên buộc phải chọn nơi khác. Chỗ vị vua đứng ngắm đất và tao ngộ đàn phượng hoàng thần kỳ kia nay chính là ngọn cao nhất của dãy núi Neo, có tên gọi non Vua.


…đến thang mộc ấp của Thái Sư

Nhưng, rất ít người biết rằng chính vùng đất có truyền tích đầy huyền ảo ấy lại nằm trong phạm vi thái ấp của Thái sư Trần Thủ Độ thời nhà Trần. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép:

“…Tháng 8 năm Bính Tuất (1226) giáng Huệ hậu (tức vợ vua Lý Huệ Tông) làm Thiên Cực công chúa, gả cho Trần Thủ Độ, lấy châu Lạng làm ấp thang mộc…” Châu Lạng, chính là vùng đất nằm giữa sông Thương và sông Cầu trong đó có dãy Nham Biền và non Vua, thuộc về lộ Lạng Giang.

Theo PGS, TS. Nguyễn Minh Tường (Viện Sử học), năm 2007, Đoàn cán bộ nghiên cứu của Viện Sử học đã về nghiên cứu thực địa đình Hương Tảo và đền Thanh Nhàn thuộc xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng và phát hiện, ngôi đình thờ Thái sư Trần Thủ Độ làm Thành hoàng và có phối thờ Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung.

Hỏi thêm, các cố lão tại địa phương cho biết: Theo tiền nhân truyền lại, một lần, Thái sư về vùng này thấy dân tình khốn khổ vì nạn mãng xà hoành hành đã ra tay diệt trừ giúp dân (Ngày nay, khi tổ chức tế lễ, người dân trong vùng vẫn diễn lại tích chém rắn lớn ngày xưa để tỏ lòng nhớ ơn Thái sư.) Vùng này sau đó lại nằm trong vùng đất thang mộc ấp của Linh Từ Quốc mẫu. Thuở sinh thời, Thái sư cùng Quốc mẫu đã nhiều lần về đây và đền Thanh Nhàn chính là nơi trước kia dựng phủ đệ của hai ông bà, làm nơi nghỉ ngơi mỗi khi về thăm.

Trong hậu cung của đình Hương Tảo (còn gọi là đình Cáu), hiện vẫn còn bức tượng Trần Thủ Độ kích cỡ bằng người thật, ngồi trên ngai; còn bức hoành phi ở gian giữa khắc 4 đại tự “Trần triều Thượng phụ”. Còn trong đền Thanh Nhàn, ở hậu cung có tượng Trần Thủ Độ trong tư thế ngồi, tay trái để trên đầu gối, tay phải cầm cuốn thư nằm ngang, đầu đội mũ cánh chuồn, nét mặt uy nghi tươi sáng; bên dưới bức tượng có đề: “ Điện tiền chỉ huy sứ Lý – Trần. Quốc Thượng phụ Trần Tiền triều. Quốc Thượng Trung Vũ vương Thái sư Trần Thủ Độ.” Bên phải tượng Trần Thủ Độ là tượng Quốc mẫu Trần Thị Dung với tay trái đặt trên đùi, tay phải cầm cuốn thư dựng đứng, đầu đội mũ hoàng hậu, nét mặt phúc hậu thanh nhã; bên dưới bức tượng đề: “ Hoàng hậu Thiên Cực Lý – Trần. Linh Từ Quốc mẫu Trần triều Trần Thị Dung.”

(Ảnh: triphunter.vn)

Rạng rỡ thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng

Đặc biệt hơn cả, vùng Nham Biền từ thời Lý – Trần đã là vùng đất Phật với nhiều chùa như chùa Hang Chàm, chùa Nguyệt Nham, chùa Liễu Đê, chùa Kem v.v… Cách đỉnh Đền Vua 15km về phía Đông Bắc là chùa Vĩnh Nghiêm (còn gọi là chùa La) thuộc thiền phái Trúc Lâm do vua Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ XIII – nơi Trúc Lâm Tam tổ từng trụ trì và thuyết pháp, đào tạo tăng ni.

Nhận thấy những giá trị đặc biệt về lịch sử truyền thống, nơi địa linh của vùng đất Nham Biền mà đặc biệt là nơi có hai ngôi đình, đền thờ Thái sư Trần Thủ Độ, huyện Yên Dũng và tỉnh Bắc Giang mới đây đã quyết định lập dự án xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng trong khu vực núi Đền Vua. Tâm tưởng của nhân dân và chính quyền nơi đây chính là nhằm khôi phục lại tinh thần tu học theo thiền phái Trúc Lâm, tôn vinh giá trị tinh thần Phật giáo đời Trần đã góp phần tạo nên sức mạnh cho dân tộc đánh thắng ngoại xâm.

Việc xuất hiện Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng sẽ tạo thêm cảnh quan du lịch sinh thái, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh tín ngưỡng của nhân dân, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa đạo đức của tiền nhân. Đặc biệt, Thiền viện cũng “nối liền” du khách bốn phương với một hệ thống các điểm du lịch văn hóa tâm linh lớn trong vùng như Đền Kiếp Bạc, chùa Vĩnh Nghiêm và non thiêng Yên Tử…

Được biết, việc xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng do Đại đức Thích Kiến Nguyệt làm chủ đầu tư kết hợp cùng các DN, Phật tử và nhân dân địa phương tổ chức thi công, với tổng kinh phí khoảng 100 tỷ đồng thông qua phương thức xã hội hóa. Lễ đặt đá xây dựng Thiền viện dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 2/11 năm Tân Mão (tức ngày 26/11/2011).

Tin tưởng rằng, trong một thời gian ngắn nữa, trên đỉnh dãy Nham Sơn sẽ sừng sững một ngôi Thiền viện bề thế, uy nghi, góp phần hoàn chỉnh hệ thống du lịch sinh thái của tỉnh Bắc Giang, kết nối với hệ thống di tích Tây Yên Tử, phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của Yên Dũng nói riêng, của tỉnh Bắc Giang và vùng Đông Bắc nói chung.

(Phúc Hòa - baophapluat.vn, 6/11/2011)




Đền thờ vua Trần Minh Tông

Di tích nằm kề bên bờ hữu sông Thương, cách ngã ba Phượng Nhãn, nơi tụ hội, gặp gỡ của hai con sông Thương và sông Lục Nam chừng 1,5km. Nằm ở đầu làng Tiên La, thuộc xã Đức Giang, huyện Yên Dũng, ngôi đền thờ vua Trần Minh Tông đã kết hợp hài hoà cùng đình và chùa làng tạo nên một quần thể di tích có cảnh quan đẹp ở vùng hạ huyện Yên Dũng.

Đây là một công trình tín ngưỡng văn hóa có quy môn trung bình, toàn bộ di tích nằm trên thửa đất rộng 1.425m2 gồm có hai tòa kiến trúc cơ bản là tiền tế và hậu cung có bố cục hình chữ nhị. Nối liền giữa tiền tế và hậu cung 2 bên có 2 dãy nhà cầu hẹp. Phía trước sân đền là nhà bia tưởng niệm các liệt sỹ trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Sau nhà tưởng niệm, nhân dân dựng hàng bia đá cổ gồm 8 tấm ngay ngắn dưới gốc phượng vĩ cổ thụ.

Tòa tiền tế gồm 5 gian, tường xây gạch chỉ, mái lợp ngói mũi, phía trước xây cột đồng trụ. Phần kết cấu chịu lực với 4 hàng chân cột, 4 vì, tất cả các cấu kiện đều bằng chất liệu gỗ lim, kiểu thức kiến trúc thượng con chồng tru giá chiêng hạ kẻ bảy. Trên các đầu bảy, con chồng có chạm khắc hoa văn hình hoa lá đơn giản. Ở đầu hồi bên trái toà tiền tế địa phương vừa đặt một tấm bia khắc ảnh và tên tuổi những cá nhân có tâm đức hưng công tiền của để tôn tạo di tích văn hoá của quê nhà. Công trình này được xây dựng vào khoảng cuối thời lê. Nhưng đã được tu sửa nhiều lần dưới thời Nguyễn và những năm gần đây.

Hậu cung là công trình mới xây dựng năm 1998 gồm 2 gian để đặt tượng, bàn thờ đức vua Trần Minh Tông. Tòa nhà này quay dọc, hồi hướng về phía tiền tế, xây kiểu bình đầu bít đốc, phía trước đặt cửa, trên cửa là mảng phù điêu đắp theo đề tài hổ phù trông vẻ rất hung dữ.

Di sản Hán-Nôm ở di tích còn tồn tại khá phong phú. Đó là hệ thống văn bia (8 tấm), sắc phong, câu đối văn tế... Sắc phong ở đây còn 3 đạo, vua triều Nguyễn ban phong cho nhân dân địa phương theo lệ cũ mà phụng thờ đức vua Trần Minh Tông.

Hệ thống hiện vật ở ngôi đền có: Pho tượng đức vua tạc ở tư thế ngồi trên tòa sen toạ thiền, bình hương đá, hộp sắc phong, hương án, bát biểu, đài chầu, đài rượu…

Đền thờ vua Trần Minh Tông là công trình tín ngưỡng văn hoá có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần của người dân quê hương. Công trình được khởi dựng từ thế kỷ 14, sau khi đức vua Minh Tông băng hà. Truyền thuyết làng Tiên La kể rằng: Thái thượng hoàng Trần Anh Tông sau khi nhường ngôi cho Thái tử Mạch (Tức là Trần Minh Tông) thì thường lui tới chùa Vĩnh Nghiêm (nay thuộc xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, cách Tiên La chừng 2km) chốn tổ phật phái Trúc Lâm tu hành. Trần Minh Tông khi ấy thường về chốn thăm tổ vua cha, thông thường người đi theo đường thủy qua ngã ba Nhãn rồi ngược sông Lục về Vĩnh Nghiêm, nhưng cũng nhiều khi người đi đường bộ và xa giá nhiều lần dừng ở bến đò Lá (tên Nôm làng Tiên La) rồi mới qua sông về gặp vua cha. Sau những lần qua lại Tiên La, đức vua có nhiều ấn tượng tốt đẹp với miền quê này nên đã cấp cho 3 mẫu ruộng để trả lương cho người lái đò qua sông. Dân Tiên La từ đó qua sông không phải trả tiền đò, lại được vua giúp đắp đê chống lụt nên khi người mất (1357) đã lập am miếu tôn thờ bên bờ đò xưa.

Dưới triều Đại Lê, Tây Sơn, Nguyễn dân thôn Tiên La nhiều lần được triều đình ban cấp sắc phong pho tượng thờ đức vua Trần Minh Tông. Hiện nay di tích vẫn còn 3 đạo sắc phong và nhân dân bảo quản chu đáo thận trọng.

(Nguồn bacgiang.gov.vn)


Lễ rước kiệu trong Ngày hội đón nhận Bằng công nhận DTLSVH đình Chiền năm 2010

Đình và lễ hội làng Chiền

Là một trong những làng cổ của huyện Yên Dũng, làng Chiền xã Nội Hoàng hiện còn bảo lưu được rất nhiều những giá trị lịch sử và những phong tục đẹp từ xa xưa.

Làng Chiền trước kia thuộc xã Nội Hoàng, tổng Phúc Tằng huyện Yên Dũng, phủ Lạng Giang, trấn Kinh Bắc. Ngày nay làng Chiền là một trong sáu thôn của xã Nội Hoàng huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang, nằm ở chân núi Nham Biền, nơi có địa thế “Long Hổ quần tụ” với thế sông uốn lượn mở ra và thế núi sừng sững chầu lại. Làng Chiền hiện có 265 hộ dân với trên 1000 nhân khẩu sinh sống. Trải qua thời gian, do cuộc sống mưu sinh từ làng Chiền người dân đã tiến hành khai hoang, mở đất lập nên những thôn mới như thôn Si, thôn Giá. Tuy 3 cành mà chung một cội. Sự gắn bó máu thịt của người dân ở 3 thôn nơi đây được thể hiện rõ nhất trong những ngày sự lệ. Với thôn Chiền có thể nói đây là một vùng quê có lịch sử lập làng từ rất xa xưa và hiện còn bảo lưu và gìn giữ được rất nhiều nét cổ kính của một vùng quê trấn Kinh Bắc.

Nổi bật giữa trung tâm của làng Chiền là ngôi đình. Đình tọa lạc trên một thế đất cao nhìn ra hướng Tây Nam. Phía trước đình là đường liên thôn, ba mặt xung quanh đình là khu dân cư sum vầy đông đúc. Đình thờ thần Cao Sơn – Quý Minh đại vương và Đổng Đĩnh đại vương, đây là những vị thần đã có nhiều công lao đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, được các triều đại phong kiến Việt Nam ghi nhận và phong sắc. Theo tư liệu của dòng họ Dương thôn Chiền: vào thời Hậu Lê, họ Dương ở thôn Chiền có ông Dương Quốc Chính làm quan trong triều đã có công xây dựng và tu sửa ngôi đình. Hai tấm bia đá hậu thần dựng vào năm Vĩnh Khánh (1729) hiện còn được lưu ở đây có nội dung cho biết về ghi nhớ công lao của các vị hậu thần đã có công lao với làng và các quy định của làng trong các ngày sự lệ diễn ra tại đình. Như vậy có thể khẳng định đình Chiền đã được khởi công xây dựng từ thời Hậu Lê và đã được tu sửa, tôn tạo lớn ở thời Nguyễn và các giai đoạn sau này. Trải qua năm tháng và chiến tranh ngôi đình đã từng bị thực dân Pháp phá hủy. Năm 1999, cán bộ và nhân dân làng Chiền đã bỏ tiền của, công sức, chung tay dựng lại ngôi đình. Đình Chiền được thiết kế hình chữ Đinh bao gồm tòa tiền đình ba gian hai chái nối với tòa hậu cung ba gian. Trong đình hiện còn lưu giữ được rất nhiều tài liệu, hiện vật quý như ngai thờ, bài vị, hương án, bát bửu, bia đá, hoành phi, câu đối. Đình Chiền vừa được Sở Văn hóa thể thao du lịch Bắc Giang xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Hội làng Chiền diễn ra trong ba ngày 8, 9 và mùng 10 tháng 8 âm lịch hàng năm để dân làng tưởng nhớ tới các vị thành hoàng có công với quê hương, đất nước, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Hội làng Chiền có những tục riêng biệt mà ít nơi có, đó là tục thui trâu tế thần, tục rước cỗ về đình. Lệ làng từ xưa quy định ngày hội làng phải làm lễ thui trâu để tế thành hoàng. Ngay từ sáng sớm hôm khai hội, đại diện Ban tổ chức lễ hội của thôn đã tập trung đông đủ để làm lễ thui trâu. Trâu được chọn mua về giết, đem thui rồi mổ thịt làm cỗ tế các vị thành hoàng, sau đó chia đều cho các hộ dân để làm cỗ trong ngày hội lệ. Trâu để làm lễ phải là trâu mộng to, khỏe, béo, người dân nơi đây quan niệm như vậy mới là điều thành kính với thành hoàng, tăng thêm phần trang trọng, thiêng liêng và đem lại sự may mắn cho dân làng trong cả năm. Ngày khai hội cũng là ngày làng tổ chức lễ rước cỗ về đình. Cỗ được ba thôn Chiền, Si, Giá sửa soạn gồm có xôi, gà, thủ lợn, hoa quả…Đội rước cỗ tập trung tại một địa điểm, sau đó rước về đình lễ thánh. Đi đầu đám rước của mỗi thôn là một gia đình tiêu biểu được làng bầu chọn, suy tôn. Lệ làng ở đây quy định: gia đình được chọn để rước cỗ phải là gia đình có vợ chồng song toàn, thọ từ 75 tuổi trở lên, sống hòa thuận, chấp hành tốt chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, hương ước của thôn làng. Đó là một vinh dự của gia đình đồng thời có ý nghĩa giáo dục lớn đối với các tầng lớp nhân dân không ngừng vun đắp hạnh phúc gia đình trọn vẹn. Thui trâu và rước cỗ là hai lệ tục độc đáo ở đây vốn có từ rất xa xưa được lưu truyền cho đến ngày nay. Hội làng Chiền được tổ chức xung quanh khu vực đình trong 3 ngày với nhiều trò chơi dân gian truyền thống như bịt mắt đập niêu, đánh cờ, chọi gà, bắt vịt… thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Những năm gần đây Ban tổ chức lễ hội của thôn Chiền cũng đã tổ chức thêm chương trình hát quan họ trên thuyền, giao lưu văn hóa văn nghệ vào buổi tối ngày bế mạc để tăng thêm phần sinh động cho lễ hội.

Trong phong trào phát triển kinh tế và xây dựng văn hóa mới ở thôn Chiền xã Nội Hoàng không thể không nói tới vai trò của Chi bộ thôn cùng sự đoàn kết chung lòng keo sơn gắn bó của nhân dân. Chi bộ thôn Chiền nhiều năm đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh, luôn đi đầu trong các hoạt động phong trào của xã, đặc biệt 8 năm liền thôn được công nhận danh hiệu là làng văn hóa cấp tỉnh. Những truyền thống văn hóa tốt đẹp từ ngàn đời của ông cha được lưu truyền trong mỗi người dân đã giúp cán bộ và dân làng ở đây xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc./.

Xuân Mừng (dulichbacgiang.gov.vn)


B. Di tích lịch sử cấp Quốc Gia tại Yên Dũng

Gồm có: *Chùa Vĩnh Nghiêm (Chùa Đức La) huyện Yên Dũng (Di tích lịch sử, văn hóa -1964), *Khu thờ tự Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc, huyện Yên Dũng (Di tích lịch sử, văn hóa -1991), *Đền Ngọc Lâm, Tân Mỹ Yên Dũng (Di tích lịch sử -1991), *Từ Vũ thôn Bùi Bến (Di tích nghệ thuật -1994)


Chùa Vĩnh Nghiêm

Còn được gọi là chùa Đức La, là một ngôi chùa cổ tại làng Đức La, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, Việt Nam. Chùa được công nhận là một trung tâm Phật giáo, nơi đào tạo tăng đồ cho cả nước, nơi phát tích Tam Tổ phái Thiền Trúc Lâm của Phật giáo Việt Nam.

Tương truyền chùa Vĩnh Nghiêm có từ đầu thời Lý Thái Tổ (1010-1028), tên chữ là Vĩnh Nghiêm tự (永嚴寺). Thời vua Trần Thánh Tông đều có các vị cao tăng tu hành nên được tu tạo nguy nga, tráng lệ. Khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngôi vua thành người tu hành đến chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Ngọa Vân (Yên Tử) thụ giới, lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu Đà, sáng lập lên phái Thiền tông của Phật giáo Việt Nam. Hương Vân cùng hai đệ tử Pháp Loa, Huyền Quang sáng lập, hoàn chỉnh phái Thiền tông Việt Nam gọi là Tam tổ.

Chùa Vĩnh Nghiêm có quy mô lớn, tọa lạc trên mảnh đất khoảng 1 ha, bao quanh khuôn viên là lũy tre dày đặc. Chùa được kiến trúc trên một trục, hướng đông nam gồm 4 khối: Toà Thiên đường, tòa Thượng điện, nhà Tổ đệ nhất, gác chuông, nhà tổ đệ nhị và một số công trình khác. Mở đầu là cổng tam quan xây gạch, sau đó đi vào hơn 100 m là Bái đường (chùa Hộ).

Từ ngày dựng chùa, hai bên đường được trồng thông để thành chốn tùng lâm, có cây đường kính gần 1m. Trên sân chùa có một tấm bia to, 6 mặt, dựng năm Hoằng Định thứ 7 (1606) với nội dung ghi lại việc trùng tu chùa năm đó. Đối diện với tấm bia cổ là vườn tháp mộ trong đó là của 5 vị sư có tên tuổi các hòa thượng: Phù Lãng Trung pháp (hiệu Sa môn), Thông Duệ ứng Duyên, Thanh Quý, Tịnh Phương Sa môn, Thanh Hanh và một số tháp khác.

Khối thứ nhất kiểu chữ "Công" (工) , gồm Bái đường, nhà Thiêu hương, Thượng điện với thiết kế khang trang lối tàu bảy, đao lá, mái 4 đao 8 kèo kiểu con chồng, thượng tam hạ tứ. Bên ngoài chùa trang trí đắp nổi lối “nề ngõa” hình cuốn thư có ba chữ hình kỷ hà, trang trí hồi văn, hoa lá chạy đường diềm bao quanh. Nội thất của Thiêu hương được trang trí, chạm khắc lộng lẫy. Trong 3 nếp chùa đều có cửa võng, chạm khắc hoa lá, chim muông, họa tiết tinh vi mềm mại cầu kỳ được sơn son thiếp vàng, trên là các hoành phi đại tự lớn.

Khối thứ hai cũng làm theo kiểu chữ công nhưng thấp và nhỏ hơn. Đây là nhà Tổ đệ nhất thờ Tổ Hương Vân Trần Nhân Tông. Trong tòa Tổ đệ nhất hiện nay có một tượng hậu đặt ở phía ngoài, 2 gian bên. Ba tổ Trúc Lâm đặt ở hậu cung, trên có tấm hoành phi “Trúc Lâm hội Thượng”.

Khối thứ ba là gác chuông cao 2 tầng 8 mái, treo một quả chuông lớn. Kiến trúc lầu chuông được kết hợp giữa cấu trúc gỗ và gạch, ở phần giữa bốn đầu bảy có treo những quả chuông đồng nhỏ (chuông gió).

Khối thứ tư, kết cấu kiểu chữ đinh (丁) là nhà Tổ đệ nhị thờ Tổ Pháp Loa.

Trước đây, hai bên còn có các dãy nhà Tả vu và Hữu vu, mỗi dãy 18 gian rộng rãi là nơi hàng năm các sư về an cư kiết hạ, và các kiến trúc phụ phục vụ sinh hoạt hàng ngày của tăng ni, Phật tử.

Chùa Vĩnh Nghiêm mới được trùng tu, quy mô nguy nga, tráng lệ như xưa, phục dựng lại tam quan theo nền cũ xây bằng gạch dài 7m, rộng 5m vỉa đá thành bậc rồng mây.

(nguồn: vi.wikipedia.org * Hình: youvivu.com)





Hình trên: Mộc bản Kinh phật Thiền phái Trúc Lâm chùa Vĩnh Nghiêm (Ảnh: dulich24.com.vn)


Khu thờ tự Việp Quận công Hoàng Ngũ Phúc

Hoàng Ngũ Phúc (chữ Hán: 黃五福), 1713–1776, là danh tướng thời Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam. Ông quê ở xã Phụng Công, huyện Yên Dũng (hiện nay là thôn Tân Phượng, xã Tân Mỹ, huyên Yên Dũng, Bắc Giang, Việt Nam). Hoàng Ngũ Phúc có công lớn trong việc đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài và là tổng chỉ huy cuộc nam tiến đánh Đàng Trong, mở mang đất đai Bắc Hà tới Quảng Nam.

Trong lịch sử Việt Nam, ngoài Lý Thường Kiệt, có lẽ chỉ có Hoàng Ngũ Phúc là tướng xuất thân từ hoạn quan có tài kiêm văn võ và có nhiều quân công nhất. Tuy nhiên, do thành tích của ông chỉ trong nội chiến, còn Lý Thường Kiệt lập công trong chống ngoại xâm nên Lý Thường Kiệt nổi tiếng hơn ông.

Hoàng Ngũ Phúc làm tướng nghiêm túc, cẩn trọng, có uy tín. Khi lâm trận, ông là người quả đoán. Những người trưởng thành dưới tay ông như Hoàng Đình Bảo, Nguyễn Hữu Chỉnh sau đều là những người nổi tiếng, ngang dọc thiên hạ, dù đều không được trọn vẹn như ông. Sở dĩ quận Việp được trọn vẹn toàn danh, ngoài hoàn cảnh khách quan (khi thế nước Đàng Ngoài còn mạnh) còn do ông là người biết ứng xử, tiến lui đúng lúc không chỉ trong chính trường mà cả ngoài chiến trường, không mang dã tâm như các hoạn quan Triệu Cao đời nhà Tần, Nguỵ Trung Hiền đời nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc; bản tính khiêm tốn, thành thực đối đã với người khác hết lòng trung tín, thưởng phạt quân sĩ nghiêm minh. Là người cầm quân dày dặn hơn 30 năm ngoài chiến trường, có lẽ hơn ai hết ông tự hiểu sức quân Trịnh khi tiến vào tới Quảng Ngãi như dây cung đã trương hết cỡ, không thể cố giành đất phương nam, vì thế ông chủ động nhường Quảng Nam cho Tây Sơn hy vọng làm thoả mãn Tây Sơn.


Không chỉ là người có công ổn định tình hình Bắc Hà, Hoàng Ngũ Phúc còn có công mở mang đất đai Bắc Hà xuống phía nam, lần đầu tiên đánh bật chúa Nguyễn khỏi đất Thuận-Quảng, khôi phục lại cương thổ nhà Hậu Lê như thời Lê Sơ, điều mà bao thế hệ chúa Trịnh trước chưa làm được. Nhưng dường như cũng chỉ có ông là người hiểu mình và hiểu người, biết lui tiến ngoài mặt trận. Sau khi các tướng thế hệ ông và Bùi Thế Đạt mất cha con chúa Trịnh quá say sưa vì chiến thắng, sinh kiêu ngạo, các tướng kế tục buông lỏng việc quân sự nên không giữ được cương thổ ông đã mở mang và cơ đồ họ Trịnh tiêu tan nhanh chóng.

(nguồn: vi.wikipedia.org, hình: baomoi.com)


Đền Ngọc Lâm / Thánh Thiên

Thánh Thiên (10 - 43) là một bậc nữ tướng trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (năm 40 - 43 sau CN) trong lịch sử Việt Nam. Không rõ Thánh Thiên (hay Thánh Thiên Công chúa) là tên thật của bà, hay chỉ là thần hiệu. Theo thần tích đình Ngọc Lâm (nay thuộc thôn Ngọc Lâm, xã Tân Mỹ, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) thì bà còn có biệt danh là Nàng Chủ. Cũng theo thần tích ấy thì bà là người làng Bích Uyển, phủ Kinh Môn (nay thuộc tỉnh Hải Dương). Cũng có tài liệu cho rằng Thánh Thiên công chúa là con ông nguyễn Khuyến cư trú tại chùa Dân sinh, Chí Linh lúc bấy giờ thuộc trấn Kinh Bắc.

Vào thế kỷ đầu sau công nguyên. Năm 0040. Khi ấy bà 16 tuổi, đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Nhưng nhờ có cá tính rất mạnh mẽ, nên dân làng ai nấy cũng đều nể phục, đồng lòng tôn bà làm Nữ Chủ và tặng cho biệt danh là Nàng Chủ. Vốn là con nhà võ, tinh thông võ nghệ, lại căm ghét quân xâm lược nhà Đông Hán, nên bà đã kêu gọi dân làng cùng nổi dậy. Sau vài trận đánh, bị tổn thất vì yếu thế hơn, nên bà tự giải tán.

Ít lâu sau, được tin người cậu ruột, vì căm ghét Tô Định (người nhà Đông Hán, sang làm Thái thú Giao Chỉ) nên đã từ quan về làng chiêu mộ trai tráng để đánh lại; bà liền tập họp quân, rồi kéo đến Ngọc Lâm để phối hợp với cậu.

Rút kinh nghiệm từ lần thất bại trước, bà cho xây dựng một căn cứ lớn ở Ngọc Lâm. Ở đây, ngoài thời gian rèn tập binh mã, bà còn chia quân đi khai hoang để tích trữ lương thảo, lập lò xưởng để rèn vũ khí, v.v...

Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, nghĩa quân của bà đã giành được nhiều thắng lợi ở vùng Yên Dũng (Bắc Giang). Đến khi nghe tin Trưng Trắc cùng với em gái là Trưng Nhị (sử sách thường gọi chung là Hai Bà Trưng) kêu gọi nhân dân cả nước vùng lên đánh đuổi quân nhà Đông Hán, Thánh Thiên liền đem quân về tụ nghĩa. (Trích nguồn: vi.wikipedia.org)



Nói về dũng khí của Thánh Thiên, tác giả Trần Hưng đã có bài viết như sau:

Nữ tướng Thánh Thiên: “Dụng binh như thần, trí dũng thiên phương”

Đối mặt với nữ Đại tướng quân của Lĩnh Nam, Mã Viện thảm bại phải dâng biểu về Triều đình xin thêm viện binh, trong đó có viết: “Nam bang có nữ tướng Thánh Thiên dụng binh như thần, trí dũng thiên phương, không sao phục được. Xin bệ hạ phái thêm các tướng giỏi và tiếp thêm quân sĩ sang giúp sức”.

Theo dân gian lưu truyền, thời ấy tại làng Bích Uyển thuộc phủ Kinh Môn, quận Hải Dương có vị quan cùng vợ về quê ở ẩn tên là Nguyễn Huyến, gia đình vốn thuộc dòng tướng quân. Sau phu nhân mang thai, một lần nằm mộng thấy có người con gái “tự nơi dương đình khâm thụ mệnh Trời, xuống đầu nhập thai sinh”.

Sau 13 tháng mang thai, giữa ngày 12 tháng 2 năm Ngọ, phu nhân sinh hạ được một gái mày ngài, mắt phượng, tướng mạo oai nghiêm. Vợ chồng rất yêu quý con mà đặt mệnh danh là Thánh Thiên Công Chúa.

Thánh Thiên thông minh đĩnh ngộ, học một biết mười, năm lên 9 tuổi tam phần, ngũ điển, lục thao, tam lược đều quán thông. Năm 12 tuổi đã có tài văn chương, thông thạo võ thuật.

Ông Nguyễn Huyến thường ngày vẫn đem tâm sự gửi gắm trong mấy câu thơ ngâm nga:

Từ khi thất quốc, vong gia,

Vợ chồng, con cái đến nhờ thuyền môn.

Lòng riêng báo quốc không chồn,

Bình lương chứa chất luôn luôn đã nhiều.

Ai tài chửa thấy ai theo,

Một mình công việc trăm chiều khó đương.


Khi Thánh Thiên được 16 tuổi thì mồ côi cả cha mẹ. Vốn từ nhỏ đã thông võ thuật lại chăm chỉ đèn sách, nhận thấy cơ hội đã đến, Thánh Thiên bèn chiêu mộ quân sĩ khởi nghĩa chống lại nhà Hán.

Nghe tin cậu của mình từ quan, chiêu mộ trai tráng chống lại nhà Hán, Thánh Thiên đã cho quân kéo đến Ngọc Lâm phối hợp với cậu mình. Bà cho xây dựng căn cứ lớn ở Ngọc Lâm, ngoài việc thao dợt binh sĩ, còn khai hoang để tích trữ lương thảo, lập các lò rèn để trang bị vũ khí.

Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, nên quân của Thánh Thiên đã có nhiều trận thắng lớn, uy danh một phương. Thời điểm này các cuộc khỏi nghĩa có rất nhiều, nhưng lại không có sự liên kết giữa các nơi. Chính vì vậy cuối năm 39 sau Công Nguyên, Hai Bà Trưng khởi nghĩa, hiệu triệu tất cả các thủ lĩnh cùng quy tụ về. Thánh Thiên cũng như hàng chục thủ lĩnh khác kéo quân về dưới cờ của Hai Bà Trưng.

Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, nên quân của Thánh Thiên đã có nhiều trận thắng lớn, uy danh một phương. Thời điểm này các cuộc khỏi nghĩa có rất nhiều, nhưng lại không có sự liên kết giữa các nơi. Chính vì vậy cuối năm 39 sau Công Nguyên, Hai Bà Trưng khởi nghĩa, hiệu triệu tất cả các thủ lĩnh cùng quy tụ về. Thánh Thiên cũng như hàng chục thủ lĩnh khác kéo quân về dưới cờ của Hai Bà Trưng.

Năm 40 sau Công Nguyên, Hai Bà Trưng xuất quân. Đại hội quân sĩ được tổ chức tại Hát Môn, Trưng Trắc lập đàn tráng, cáo lễ với trời đất, tự xưng là Trưng Nữ Vương, rồi chia quân tiến đánh các nơi.

Thánh Thiên cho quân đánh đuổi quân Hán đến tận thủ phủ Luy Lâu (thuộc Bắc Ninh ngày nay), Thái thú Tô Định cùng quân Hán chạy trối chết về nước. Thánh Thiên cùng các tướng quét sạch quân Hán ra khỏi bờ cõi, tận đến biên giới là hồ Động Đình. Trưng Vương lên ngôi Vua và đặt tên nước là Lĩnh Nam.

Đầu năm 42 sau công nguyên, vua Hán là Quang Vũ sai Phục ba tướng quân Mã Viện cùng Phó tướng Lưu Long và Đoàn Chí đưa quân tiến đánh Lĩnh Nam, Thánh Thiên được lĩnh ấn “Bình Ngô Đại tướng quân” tức chỉ huy toàn quân chống lại quân Hán. Bà cắt cử các cánh quân chống giữ nơi biên ải.

Mã Viện cùng phó tướng Lưu Long tiến đánh hồ Động Đình, nơi đây có tướng quân Phật Nguyệt chống giữ. Theo một số nhà nghiên cứu thì quân của Phật Nguyệt chỉ có 7 vạn quân chống với 30 vạn của Mã Viện. Tuy nhiên số liệu này chưa được thuyết phục vì vào thời nhà Minh đô hộ thì những nguồn sử liệu của nước ta bị chở về Kim Lăng, bị tiêu hủy và thất lạc mất.

Quân của Mã Viện lúc đầu không sao tiến vào được hồ Động Đình, xác chất thành gò. Mã Viện phải xin thêm viện binh tinh nhuệ mới tiến vào được. Nhận thấy các chiến thuyền của mình to lớn hơn quân Lĩnh Nam, Mã Viện quyết định hợp quân ở Hợp Phố, nhằm tận dụng đường biển đánh vào quận Giao Chỉ. Tuy nhiên tại Hợp Phố, “Bình Ngô Đại tướng quân” Thánh Thiên đã chờ sẵn.

Cùng với trận chiến hồ Động Đình, trận chiến Hợp Phố là trận đánh nổi tiếng trong sử Việt trước đây. Mã viện 3, 4 lần cho toàn quân tiến đánh nhưng đều đại bại, thây chết ngổn ngang. Không chỉ thế, Thánh Thiên còn tiến đánh khiến Mã Viện phải cho quân lui về Mã Giang.

Bị quân Lĩnh Nam chặn các ngả đường không tiến được, Mã Viện một lần nữa phải phải dâng biểu về triều đình xin thêm tướng giỏi và quân tinh nhuệ giúp sức, trong có viết: “Nam bang có nữ tướng Thánh Thiên dụng binh như thần, trí dũng thiên phương, không sao phục được. Xin bệ hạ phái thêm các tướng giỏi và tiếp thêm quân sĩ sang giúp sức”.

Vua Hán lập tức cho thêm quân tướng tinh nhuệ sang giúp Mã Viện cùng mật truyền: “Nên dùng mưu mà đánh”. Có thêm quân tinh nhuệ, Mã Viện cũng không dám tiến đánh Thánh Thiên mà chia làm 2 cánh thủy bộ, cánh quân bộ tiến chiếm Thương Ngô rồi cho quân đi ngầm qua Quỷ Môn quan (ải Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn ngày nay) lẻn xuống vùng Lục Đầu rồi tiến ngược lên Lãng Bạc, cánh quân thủy bí mật xuống các chiến thuyền lớn ở Hợp Phố rồi theo đường biển đến Lãng Bạc. Hai cánh quân thủy bộ của quân Hán hội tại Lãnh Bạc (thuộc Tiên Du ngày nay).

Hai Bà Trưng cho quân rút đến Cẩm Khê lập căn cứ để chống quân Hán. Những nghiên cứu mới đây cho thấy Cẩm Khê có thể ở thung lũng Suối Vàng, ở chân ngọn núi Vua Bà cao 525m, trong dãy Ba Vì thuộc Hà Tây.

Quân Hán tiến đánh Cẩm Khê, các trận đánh rất ác liệt từ mùa hè năm 42. Đến mùa xuân năm 43 thì Cẩm Khê thất thủ.

Từ mạn Bắc, Thánh Thiên nghe tin Cẩm Khê thất thủ liền đưa quân về tiếp ứng nhưng không kịp, liền đưa quân đóng ở sông Nhật Đức (tức sông Thương ngày nay). Quân Hán tiến đánh với chiến thuật chia cắt đội hình, quân của Thánh Thiên không thích nghi được nên thất trận phải rút về Ngọc Lâm.

Quân Hán tiến đánh Ngọc Lâm, trong trận giao tranh ác liệt, bị bao vây tứ phía, Thánh Thiên đánh đến kiệt sức rồi hy sinh tại bến Ngọc (tên chữ là Ngọc Chử, là một bến của con sông nhỏ Đa Mai) thuộc địa phận làng Ngọc Lâm ngày nay.

Cảm phục trước khí tiết của Thánh Thiên, người dân làng Ngọc Lâm đã lập miếu thờ ở bên bến Ngọc.

Về sau ngôi miếu này được xây dựng khang trang thành đền Ngọc Lâm, hiện trong Đền vẫn còn câu đối ca ngợi Bình Ngô Đại tướng quân:

Phiên âm Hán Việt:

Đông hải chung anh, thiên vị Trưng triều sinh nữ tướng,

Bắc nhung kinh phách, nhân ư Ngọc chử ngưỡng thần uy.


Nghĩa là:

Nhân khí bể Đông, trời giúp nhà Trưng sinh nữ tướng,

Kinh hồn giặc Bắc, người nơi bến Ngọc ngưỡng thần uy.


Trong dân gian có lưu truyền bài thơ về Đại tướng quân Thánh Thiên:

Phiên âm Hán-Việt:

Thiên địa sinh ngô nữ tử thân

Trung chi ư quốc, hiếu ư thân

Càn khôn bất phụ tang bồng chí

Khả miễn tam quân quốc sự cần

Nghĩa là:

Trời đất sinh ta thân con gái

Trung lòng với nước, hiếu mẹ cha

Trời đất chẳng phụ người có chí

Chẳng bỏ việc quân, việc nước cần

Hàng năm cứ vào ngày 11 tháng 2 âm lịch (ngày sinh của Thánh Thiên), đền Ngọc Lâm có tổ chức lễ hội lớn để tưởng nhớ đến nữ Đại tướng quân.

(Trần Hưng)


Từ Vũ thôn Bùi Bến

(Kiến trúc nghệ thuật)

(BGĐT) - Từ vũ là một loại hình di tích gần gũi với từ chỉ, lăng mộ được người xưa xây dựng để thờ phụng những người, dòng họ có công lao với quê hương, đất nước. Ở thôn Bùi Bến, xã Yên Lư (Yên Dũng) còn lưu giữ một từ vũ tôn thờ vị tướng công họ Nguyễn tước Ngạn Trung Hầu có nhiều công trạng dưới vương triều nhà Lê thế kỷ XVIII.

Tấm bia trụ độc đáo tại từ vũ. (baobacgiang.com.vn)

Tấm bia hậu Thần ở từ vũ được soạn khắc năm Cảnh Hưng thứ 27 (1766) ghi: “Ở thôn Bến, xã Yên Xá, huyện Việt Yên có ông quan giữ chức vụ: Tả hữu cung trung, Phó thủ hiệu, Thị hầu, Phó cai quan, kiêm tri thị Nội thư, Tả Hộ phiên, Thị cận thị Nội giám, Tư lễ giám, Tả thiếu giám Ngạn Trung Hầu...”. Cũng trong nội dung văn bia, có đoạn ghi: “…Nay ngài thấy đình làng đổ nát, hư dột mới đem lòng tốt mà vỗ về, rồi đem tiền 300 quan cúng cho làng để tu sửa. Lại đem 10 mẫu ruộng tốt và 2 ao gọi là tỏ tấm lòng mình. Dân làng trên dưới đều chịu ơn ông nên đã ưng thuận lập cam đoan lập hậu Thần, ngàn vạn năm không đổi”.

Ghi nhớ công ơn của vị tướng công họ Nguyễn, nhân dân địa phương xây dựng từ vũ để tôn thờ ông và cha mẹ, phong các vị là hậu Thần. Ngôi từ vũ nằm trên xứ đồng Bãi Mô (xưa) thuộc thôn Bùi Bến. Quần thể khu di tích chia ba phần:

Phần thứ nhất là cảnh quan ngoại thất gồm hồ nước, sân hội… có liên hệ chặt chẽ với nội thất và được ngăn cách bởi 4 bức tường vây bảo vệ phần nội thất.

Phần thứ hai là cụm kiến trúc ngoài trời bao gồm các tổ hợp kiến trúc và các di vật được bài trí như sau: Cổng từ vũ kiểu cuốn vòm, tường xây đá ong. Qua cổng từ vũ theo đường thần đạo có một tấm bia hình trụ được khắc dựng vào niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 31 (1770). Bia có dáng độc đáo, mái nón cao 1,42m, chu vi 2,12m, giống như một “đại hồng chung”, thân được chia thành 4 ô, khắc kín chữ Hán - Nôm. Tấm bia độc đáo này được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm bởi kiểu dáng lạ và nội dung ghi công đức của một vị quan.

Hai bên tả hữu tấm bia trụ là tượng võ sĩ bằng đá đứng hầu, tượng được tạc dáng đứng nghiêm cẩn, đầu đội mũ trụ, áo giáp, tay cầm binh khí đứng đối diện mỗi bên 2 vị. Phía sau hai hàng võ sĩ có hai tấm bia hậu bằng đá gan gà niên đại thời Nguyễn (thế kỷ XIX), ghi tên người công đức ruộng, tiền để tu sửa, xây dựng từ vũ ở địa phương.

Phần thứ ba là khối kiến trúc thờ tự gồm tòa tiền tế ba gian nối liền với hậu đường bằng dải ống muống. Tòa tiền tế mới được tu sửa lại xây gạch kiểu bình đầu bít đốc, nền lát gạch vuông, to, dày. Chính giữa đường thần đạo bài trí một hương án đá. Hai bên đối diện đặt hai bàn đá giống nhau dùng để đặt đồ cúng lễ. Trước bàn đá đặt hai lư hương đá lớn và hai mâm bồng bằng chất liệu đá xanh hình bầu dục. Hậu đường còn tương đối nguyên vẹn dáng vẻ kiến trúc ban đầu: Tường xây đá ong, cuốn mái vòm bên trong, mái ngoài lợp bằng gạch dày 60cm.

Nền hậu đường lát gạch vuông, chính giữa đặt tấm bia đá xanh lớn bốn mặt khắc kín chữ Hán - Nôm. Đây là tấm bia đẹp có giá trị lịch sử và mỹ thuật, đầu bia dáng long đình, chạm nổi họa tiết hình hổ phù, lá đề cách điệu. Diềm bia chạm khắc nổi các dải hoa văn đề tài hoa dây cách điệu. Nét chạm khắc, tinh tế mang giá trị điển hình của nghệ thuật chạm khắc đá thời Lê thế kỷ XVIII.

Đồng Ngọc Dưỡng (Ban Quản lý Di tích tỉnh Bắc Giang)


Chùa Kem

Nằm trên mảnh đất rộng ở vị thế cao, chùa Kem dựa lưng vào dãy Nham Biền (thuộc xã Nham Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang).

Chùa Kem (thuộc thôn Kem) còn có tên gọi là Sùng Nham Tự, với gần 400 năm tuổi vẫn ẩn chứa đày ắp những giá trị về văn hóa lịch sử. Với những di tích còn sót lại tại đây, đặc biệt là bia “Tháp Thanh Phong chùa Sùng Nham” đã cho thấy chùa này được xây dựng vào năm Đinh Tỵ (1557) triều vua Lê Anh Tông, vị sư tổ hưng công xây dựng chùa là bà Hoàng Thị Tuế, theo dòng thiền phái Trúc Lâm do Giác hoàng điều ngự Trần Nhân Tông sáng lập.

Với không gian thoáng đãng, ngôi chùa trầm tịch dưới chân núi nằm lọt giữa làng, giữa xóm, bao bọc bởi dòng sông chảy xung quanh chùa, đã tạo nên không khí mát mẻ, cây cối tươi tốt của một phong thủy hữu tình. Không gian thanh bình với cây xanh tỏa hương thơm của mùa trổ hoa đơm trái, khiến người ta có cảm giác như đi lạc vào khu sinh thái. Phía trước là một dải đất đồng bằng, từ đây có thể phóng tầm mắt bao quát cả vùng rộng lớn. Ba mặt có núi che chở, ở giữa có dòng suối mát khai thông, là một địa điểm có giá trị chiến lược, đã được nghĩa quân dùng làm căn cứ kháng chiến, đặc biệt là phía sau chùa có thể dễ dàng rút lên núi ở thế phòng thủ hoặc di chuyển qua đường đồi núi hiểm trở thoát ra ngoài. Phía sau chùa là dải Nham Biền chạy dài như một chiếc cầu thiên tạo nối liền đôi bờ của hai con sông Nhật Đức và Như Nguyệt của đất Kinh Bắc ngày xưa. Một thung lũng nhỏ được hình thành từ dãy núi như hai con ngựa đứng bên nhau, tạo thành ải Nham Sơn mà phía trong khe núi, thuộc đầu ải là nơi ngôi chùa trầm mặc này đã đứng đó đã hàng trăm năm.

Vì lợi thế của khu vực chiến lược, năm 1884, Nguyễn Cao người làng Cách Bi (thuộc huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ngày nay) đã kéo nghĩa quân về chùa Kem xây dựng căn cứ chống thực dân Pháp, và sau này, khoảng những năm (1906 - 1908), Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân Yên Thế đã về đóng quân ngay ở phía sau vườn chùa. Đề Thám đã cho đắp lũy, làm tường thành, làm nhà, luyện tập quân sự, tạo nơi đây như một khu căn cứ chống Pháp. Những dấu tích của sự kiện lịch sử này hiện vẫn còn lưu lại tường lũy, nền nhà quan, giếng quan, trạm gác, cột cờ, …

Hiện vật cối đá giã gạo, cối đá mài gươm của Nghĩa quân Đề Thám


Theo tài liệu nghiên cứu của Tiến sĩ Hán Nôm Nguyễn Văn Phong, người nghiên cứu thư tịch Hán Nôm về chùa Kem thì: “Chùa kem được khởi dựng vào năm Đinh Hợi (ước định năm 1527). Vị sư Tổ hưng công xây dựng chùa là bà Hoàng Thị Tuế vốn theo dòng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Giác Hoàng Điều Ngự Trần Nhân Tông sáng lập. Đến thời vua Lê Hy Tông, niên hiệu Chính Hòa thứ 3 (1682), do bà Nguyễn Thị Đế, hiệu Diệu Nghiêm công đức tu bổ tòa Tiền đường, Thiêu hương và Thượng điện. Ngày 14 tháng 11 năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775), khởi công xây dựng tháp Thanh Phong ở phía Bắc núi Đẩu Sơn; dựng một tòa nhà cho sư Từ Hải soạn Kinh, một dãy ký túc xá đủ chỗ cho hàng trăm tăng, ni, Phật tử hằng năm về an cư kiết hạ, tụng kinh niệm Phật. Năm Thành Thái thứ 18 (1906), sư trụ trì hiệu Đàm Tích cùng các Phật tử hưng công trùng tu tòa Tiền đường và Thượng viện”.

Khi mới xây dựng chùa Kem có bố cục mặt bằng theo kiểu “nội Công ngoại Quốc” gồm tòa Tam bảo có tiền đường, thượng điện. Phía sau là nhà tổ, hai bên tả hữu là hai dãy nhà xảo xá dùng làm nhà ký túc xá và nhà tạo soạn cỗ bàn mỗi khi nhà chùa có công việc lớn. Bên ngoài khu nội tự được bao bọc bởi tường đắp đất ốp đá nhám. Công trình hiện gồm tòa Tam bảo có tiền đường 5 gian nối liền với 3 gian thượng điện theo bố cục hình chữ “Đinh”. Sau thượng điện là khoảng sân hẹp rồi đến 5 gian nhà tổ, 4 gian quan cử và nhà tạo soạn 12 gian. Kết cấu kiến trúc gỗ trong chùa làm theo lối kết cấu vì kèo trong đó có một số mảng điêu khắc cũ mang phong cách nghệ thuật thời Lê. Trải qua một số lần tu sửa, chùa được gắn thêm một số mảng điêu khắc thời Nguyễn tạo nên phong cách nghệ thuật có sự đan xen giữa hai triều đại Lê và Nguyễn.

Và từ bao đời nay, chùa Kem vẫn là nơi lưu giữ những hiện vật mang trên mình giá trị văn hóa lớn như hệ thống tượng thờ tương đối đầy đủ, mõ cổ, bệ thờ, bát hương, lọ hoa, khay thờ bằng sành, sứ, gốm cổ, câu đối, hoành phi, bia đá, cối đá giã gạo, cối đá để mài kiếm của nghĩa quân xưa, và vườn tháp, bia mộ, thư tịch… Đặc biệt chùa Kem vẫn còn lưu giữ 7 ngôi tháp cổ có giá trị, trong đó, ngôi tháp cổ nhất được dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 36 (1775) trên núi Đẩu Sơn (một trong những ngọn núi thuộc dãy Nham Biền); 6 tháp cổ còn lại nằm trong vườn tháp phía trước chùa, là nơi để xá lị các vị sư trụ trì chùa.

Hằng năm, vào ngày 24 tháng 8 âm lịch, hội chùa (ngày giỗ Tổ) được tổ chức long trọng để tưởng nhớ các vị sư Tổ có công trong việc xây dựng phát triển ngôi chùa. Trong ngày hội có đầy đủ các trò chơi dân gian độc đáo thu hút rất đông du khách gần xa đến hành hương tham quan dự hội.

(Tổng hợp từ các nguồn: mobile.coviet.vn * vnca.cand.com.vn)


2. Đặc Sản Yên Dũng

(Tổng hợp từ các nguồn: bacgiang.gov.vn * VietFlavour * dulichbacgiang.gov.vn * Hình ảnh: Internet)


Gạo Thơm Yên Dũng

Nói tới Yên Dũng, là nói tới hương lúa, hương người xưa. Nhờ được bồi đắp phù sa từ 3 con sông lớn, thổ nhưỡng Yên Dũng đã là nơi lý tưởng cho việc trồng lúa, để tạo nên thương hiệu Gạo Thơm Yên Dũng, sản phẩm của vùng đất thơm, người lành.


Gạo thơm Yên Dũng là những hạt gạo trắng ngần, hạt đều, có hương thơm đặc biệt, ăn ngon hơn các loại gạo khác. Vì chất lượng tốt, Gạo Thơm Yên Dũng có giá thành cao hơn khoảng 5 triệu đồng mỗi hecta so với lúa thuần, cũng chính vì thế, mà hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Yên Dũng đã gắn bó với cây lúa thơm này, đặc biệt tập trung tại Cảnh Thuỵ, Tư Mại, Đức Giang, Tiến Dũng...


Tương La

Hương vị thơm ngon đậm đà, một đặc sản của miền Trí Yên, Yên Dũng. Xã Trí Yên không chỉ được nhiều người biết đến vì là địa danh của chùa Vĩnh Nghiêm (còn gọi là chùa Đức La), được UNESCO công nhận là di sản tư liệu ký ức thế giới. Tại đậy, các nhà sư có được bí quyết quan trọng để làm ra một loại nước chấm chay truyền thống, đó là tương La.

Theo Nguyễn Hưởng trong bài “Về Đức La thẩm tương chốn Tổ”, được đăng trên dulichbacgiang.gov.vn, thì nghề... làm tương cũng lắm công phu:

Nguyên liệu làm tương La không thể thay thế được chính là gạo nếp cái hoa vàng và đậu (đỗ) tương hạt nhỏ. Đầu tiên, muốn tương ngon, là phải có nguyên liệu tốt, hạt gạo nếp để đồ xôi làm mốc phải đều, không lẫn gạo tẻ, không xát trắng quá. Xưa kia gạo nếp giã dập 600 chày là được. Còn bây giờ mua loại nào đều hạt, có màu vàng xen lẫn màu mận chín. Thứ nữa là đỗ tương, phải chọn loại đỗ ré hạt nhỏ, tròn, ăn bùi, thơm và béo. Để có một lít nước tương cần có 200 gram đỗ tương. Ngay cả việc chọn nước ngâm đỗ làm tương cũng phải chú ý. Tương ngon hay không cũng ở nguồn nước. Xưa các cụ sử dụng nước mưa đã được tích trữ vài tháng hoặc nguồn nước ngầm ở làng, nay sử dụng nước máy, nước giếng khoan.

Nói chung để làm ra một mẻ tương cần rất nhiều công đoạn mà công đoạn nào cũng quan trọng, chỉ cần bị lỗi một khâu nào đó là mẻ tương kém chất lượng ngay. Ví như nếu đồ xôi nát quá, tương sẽ bị đen. Xôi sống thì tương sẽ bị chua, nếu đỗ rang già quá thì cùi đen, màu tương sẽ bị đen. Nếu rang non quá thì cùi trắng, tương dễ bị thối…Có một điều khó lý giải được, mà chỉ dựa theo kinh nghiệm dân gian, đó là không phải chum vại nào dùng để đựng cũng cho ra những mẻ tương như ý, do đó việc chọn chum vại luôn được chú trọng.

Bà tôi vẫn thường dặn mẹ tôi mỗi khi làm tương rằng: Khi ủ hai ngày đêm thì cơm xôi xuất hiện nấm mốc tơ trắng. Lúc này phải cậy mốc ra đảo cho mốc rời từng hạt và tải đều ra nia, phủ vải màn ủ tiếp. Trời nóng ủ thoáng. Gặp trời lạnh thì phủ thêm bao tải để giữ nhiệt. Theo kinh nghiệm, mốc lên đều, ngả màu hoa cau, hoa thiên lý là đạt chất lượng. Mốc hỏng có màu đen hoặc màu đỏ. Tiếp đến cứ trộn đều mốc đến khi nào nắm mốc héo lại như nắm cơm chim, đặt cạnh nhau mà không dính vào nhau là được. Sau đó cho vào thúng ủ kín ba đến bốn ngày, tùy vào thời tiết nóng hay lạnh để cho mốc ra nước mật rồi cho vào chum vại.

Phải để những chum nước đỗ tương đó vào chỗ râm mát, nhiệt độ vừa phải. Đến khi nó bốc mùi hơi khó chịu là được. Các cụ có câu “cha thiu, mẹ thối”, nghĩa là xôi mốc phải hơi thiu, nước đỗ phải hơi thối thì làm tương mới ngon. Cứ sáng sớm, dùng đũa cả khuấy đều lên một lần rồi đậy lại. Làm liên tục trong 2-3 ngày. Tới ngày thứ 4, thứ 5 ta thấy có hiện tượng sủi bọt, lúc đó, ta đổ chum đựng mốc và hũ bột đỗ đã ngâm vào một chum thứ ba. Chế thêm nước vào, đặc hay loãng là tùy ta. Đem chum ra phơi hàng ngày từ 9 giờ sáng tới 5 giờ chiều. Mỗi ngày khuấy đều một lần rồi đậy lại. Chỉ mươi hôm sau là ta có tương để ăn. Để càng lâu tương càng ngon. (hết trích)

Bánh đúc Đồng Quan ngon nhất khi ăn với tương bần

Ảnh: Hoàng Hân

Bánh Đúc Đồng Quan

“Bánh đúc mà đổ ra sàn

Thuận anh anh bán, thuận nàng nàng mua”

Bánh đúc là một loại bánh dân dã của người Việt Nam khắp các mọi miền. Nhưng đặc biệt và nổi tiếng nhất vẫn phải kể đến Bánh đúc Đồng Quan của huyện Yên Dũng. Bánh đúc ở đây mang một hương vị rất riêng vừa dẻo lại vừa mát ăn rất ngon. Khi Yên Dũng đã nổi tiếng về gạo, thì bánh đúc nổi tiếng cũng là điều dễ hiểu. Bánh đúc ở đây rất đơn giản được nấu từ bột gạo pha với ít vôi. Vị bánh lạt, khi ăn cắt thành miếng nhỏ hoặc sợi để ăn kèm với các thực phẩm khác như mắm tôm, tương bần, mật ông, mật mía, mứt trái cây, cá kho, thịt kho…

Ngày nay, bánh đúc được biến tấu phong phú đa dạng nhiều chủng loại hơn, người ta có thể thêm lá dứa, đậu phộng, dừa hoặc ngô để làm tăng hương vị thơm ngon cho món ăn. Nhìn tấm bánh đúc Đồng Quan to tròn, trắng mịn lấm tấm dăm ba hạt đậu phộng hay vài sợi dừa béo béo bùi bùi rất hấp dẫn. Bẻ miếng bánh đúc chấm kèm chút xíu tương hay mắm tôm sẽ cảm nhận được hết sự thú vị của nó. Vị ngọt của bột gạo hòa quyện cùng vị béo bùi của đậu phộng, của dừa, kèm vị mặn của tương, khiến người ta một lần dùng thử sẽ nhớ mãi bánh đúc Đồng Quan.


Cua Da Yên Dũng

Cua da, cua gia hay cua ra vẫn là một tên gọi mà cho tới nay nhiều người vẫn chưa xác định được tên nào là đúng. Người gọi cua da thì cho rằng sở dĩ gọi là cua Da vì chúng có lớp da trên càng. Người gọi là “cua ra” vì gắn với câu tục ngữ “Tháng Chín cua ra, tháng Ba cua vào”, song cua Da vẫn được gọi phổ biến hơn cả.

Đây là một loại cua hiếm, mà trước đây coi như bỏ đi, nhiều người bắt cua này cho heo ăn, thế nhưng nay lại là đặc sản mà nhiều người ao ước, săn lùng được. Cua da có kích thước gần bằng con ghẹ, giống cua đồng nhưng to hơn cua đồng khoảng 3-4 lần, chân dài, càng có lớp lông như rêu bám vào, yếm cũng có lớp lông. Loại cua này sống chủ yếu trong các ghềnh đá dọc sông Thương và một phần sông Cầu chảy qua địa phận các xã: Đồng Việt, Đồng Phúc, Đức Giang, Thắng Cương, Yên Lư...

Món cua Da mà nhiều người ưa thích nhất là hấp bia. Cua còn tươi sống được làm sạch, đem hấp bia với chút gừng, sả, thêm chút bột canh, để vừa đủ vào đặt lên bếp lửa riu riu, đợi bia sôi nhẹ rồi cho lửa to để sôi bùng lên là có thể ăn được. Cua da chín có màu vàng cam nhìn rất hấp dẫn. So với cua đồng, cua biển, hay ghẹ, thịt cua Da ngọt, đậm hơn; mình cua to nhưng mềm, mỏng; khi chế biến vỏ vàng óng trông rất hấp dẫn, bắt mắt; ăn không phải dùng kìm để bẻ mai, càng. …

Cua da thuộc loại hiếm vì mùa đánh bắt chỉ vỏn vẹn 2 tháng cuối năm khi trời trở lạnh (tháng 9 đến tháng 11 âm lịch). Vào mùa bắt cua, người ta đua nhau đánh bắt, nhưng phải người nào may mắn mới có thể bắt được cua. Vì sống ở những ghềnh đá dưới đáy sông, nên muốn bắt được cua phải dùng lưới dầm vào ban đêm, dùng lưới bát quái, với hình thù đặc biệt để bắt cua. Vì đánh bắt khó, số lượng không nhiều nên với người dân sống ven sông Cầu, và với người sành ăn, cua da là sản vật đáng giá, đáng công. Cũng vì cua da hấp dẫn bởi hương vị ngọt ngào, đậm đà nên cua da càng ngày càng được săn lùng. Thậm chí, vào mùa cua, thực khách phải đặt trước mới có cua ăn.

Các món ăn được chế biến từ cua Da giờ đây đã xuất hiện trên những bàn tiệc sang trọng ở các nhà hàng, khách sạn.


Gốm Làng Ngòi

23-05-2017

Đến Yên Dũng, cùng với tham quan các địa danh nổi tiếng như chùa Vĩnh Nghiêm, thiền viện Trúc Lâm Phượng Hoàng, du khách không nên bỏ qua một nét đẹp độc đáo ở Làng Ngòi.

Tranh tường khổ lớn đắp nổi của Gốm làng Ngòi. Ảnh: BGP/Dương Thủy

Làng Ngòi thuộc xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang được mọi người biết đến bởi một sản phẩm truyền thống đặc trưng, đó là Gốm. Gốm Làng Ngòi mang nét mộc mạc, dân dã, gần gũi nhưng vô cùng độc đáo ở họa tiết trang trí và cách thể hiện trên mỗi sản phẩm.

Gốm làng Ngòi có hai màu đặc trưng là men nước dưa và xương đất. Sản phẩm gốm xù xì mang đậm phong cách dân gian và nét văn hoá làng quê đặc sắc.

Các sản phẩm đa dạng, phong phú đều đậm tâm hồn Việt. Đó là những bình, lọ hoa nghệ thuật, đèn vườn, gạch trang trí nội ngoại thất với hoạ tiết hoa văn như hoa sen, lá khoai, lá lúa, lá dáy, hoạ tiết thổ cẩm... Các hoa văn đều là hoa văn đắp nổi.

Dòng sản phẩm độc đáo thứ hai của Gốm làng Ngòi là gốm tượng dân gian, hiện nay đang rất được ưa chuộng với những tượng Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc..

Thế mạnh nổi bật của Gốm Làng Ngòi là tranh tường khổ lớn đắp nổi. Mảng tranh gốm ghép dựa trên nền một số dòng tranh nổi tiếng như tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống và cả những nét văn hóa vùng miền trên cả nước.

Người có công đưa nghề gốm thủ công truyền thống về làng là họa sĩ, nghệ nhân tài năng, tâm huyết - Lưu Xuân Khuyến đã thổi tình yêu vào đất - Người khai sinh, làm sống lại 1 nghề Gốm truyền thống - Gốm Làng Ngòi.

Năm 2007, anh được Nhà nước đã tặng bằng chứng nhận “Nghệ nhân làng nghề Việt Nam” trẻ nhất, Bằng chứng nhận “Giải thưởng Lương Định Của” do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng và hàng chục bằng khen của các ngành, các cấp.

Gốm Làng Ngòi đã xuất hiện tại triễn lãm "Hình ảnh APEC và Di sản văn hóa Việt Nam" (2007), được Hiệp hội làng nghề Việt Nam công nhận là "Sản phẩm tinh hoa làng nghề". Sản phẩm gốm làng Ngòi đã xuất hiện tại nhiều công trình ở khắp mọi miền đất nước cùng nhiều chuyến hàng xuất sang Nhật, Ấn Độ, Ai Cập, châu Âu…

(Nguồn: Dương Thủy www.bacgiang.gov.vn)

Xem tiếp: Huyện Yên Thế (Chương I B)