Paul Doumer

1857 – 1932




“... Ông Đề Thám đã vượt hơn hẳn chúng tôi. Ông ta bị gọi là giặc nhưng chính ông ta lại là người thượng võ… Đề Thám đúng là một con người ra con người.”

Paul Doumer,

Toàn Quyền Đông Dương (từ 1897 đến 1902) và sau đó là Tổng Thống Pháp (từ 1931 đến 1932)

Ngày còn bé, tôi được nghe bố kể về cụ Đề Thám, thường hay ghé qua làng thăm hỏi hoặc bàn thảo với Cha già Hạnh và các cụ. Với tuổi đời của bố tôi, có lẽ cũng chỉ là được nghe lại từ các cụ cao niên hay từ chính ông nội (cụ Chánh Diễn), hay từ ai đó. Mỗi lần nghe kể, tôi rất chăm chú, bởi tôi ngạc nhiên vì cái làng Bỉ "quê mùa" thế kia, cũng có anh hùng nổi tiếng đến thăm ư? Với tôi, những anh hùng nổi tiếng, những nhân vật lịch sử, những tài năng tên tuổi hay những người của đám đông, chỉ có ở trong sách vở, trong thi ca, trong truyện hay trên màn hình. Họ ở xa lắm, đâu đó trên đất nước Việt Nam, chẳng dính líu gì tới làng Bỉ.

Sau này lớn lên, khi tìm hiểu lại lịch sử mới thấy rằng, làng Bỉ, cũng là một phần của Huyện Yên Thế, nơi cụ Hoàng Hoa Thám và Nghĩa Quân đã tung hoành suốt 30 năm, từ núi rừng Yên Thế, trải rộng ra toàn tỉnh Bắc Giang, lan sang Thanh Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Sơn Tây, Nam Định, Phúc Yên, Vĩnh Yên... Trong 30 năm ngược xuôi của "Hùm xám Yên Thế", cụ đã đi khắp nơi tuyển quân, kêu gọi, mở rộng địa bàn hoạt động... Người ta biết đến cụ không chỉ là một nhà quân sự có tài điều binh khiển tướng, với hàng trăm trận chiến đấu đã trở thành danh tướng, mà còn là một nhà ngoại giao biết vận động, bôn ba mọi nơi kết nối, thu phục nhân tâm, nên rất được lòng mọi người.

Chuyện kể rằng, cụ Đề Thám thường hay đến thăm cha già Hạnh xứ Bỉ (xứ Bỉ Nội), cũng như đến uống rượu với cụ Thoan già và ông Chánh Sỹ. Cụ là người ở Xã Ngọc Châu, thuộc Tổng Ngọc Cục (xã có 2 làng là Trũng Trong và Trũng Ngoài -Trũng Ngoài là họ lẻ của Giáo xứ Bỉ Nội). Mỗi khi về làng, cụ thường có nghĩa quân đi mở đường cũng như canh gác những chốt quan trọng để bảo vệ an toàn cho cụ. Có lần cụ và nghĩa quân đóng tại khu rừng Cần (gần họ đạo Yên Lễ, một họ lẻ thuộc giáo xứ Bỉ Nội). Quân Pháp được mật báo đến bao vây, và ra lệnh bắt dân làng gánh rơm rạ đến chung quanh rừng để máy bay đến tưới xăng... đốt rừng. Chiều hôm đó, cụ ngửa mặt lên trời cầu xin Đức Mẹ Bầu Cử che chở cho cụ và nghĩa quân thoát nạn, bỗng dưng có cơn mưa kéo đến, cùng với sấm sét, mây đen kịt bầu trời. Nghĩa quân mở đường máu đưa cụ thoát ra khỏi trận lửa của quân Pháp. Đây là câu chuyện chính xác, vì các cụ cố của chúng tôi là những thú hạ (lính thú ngày xưa), hay là những dân làng, bị quân Pháp bắt phải gánh rơm đến rừng Cần.

Sau biến cố rừng Cần, cụ về lại Làng gặp cha già Hạnh để xin được xây một Thánh đường tại họ Trũng Ngoài để tạ ơn Đức Mẹ. Nhà thờ toàn bằng gỗ lim, nhiều tầng, mái ngói đỏ cổ kính, uy nghi. Phía trước Nhà thờ đề 3 chữ "Hoàng Kim Điện". Khi xây xong, dân làng mổ trâu ăn mừng, trong bữa tiệc có cả cụ Đề Thám và Cha già Hạnh. Trong lúc mọi người đang vui vẻ thì quân Pháp kéo đến. Một lần nữa, Cha và dân làng lại đưa cụ ra khỏi làng an toàn. Không bắt được cụ, quân Pháp hạch hỏi về 3 chữ Hoàng Kim Điện (có phải là nhà của ông Hoàng Hoa Thám?), một nho sĩ được đứng ra giải thích, tòa nhà này (người dân ở đây gọi là Nhà Thờ Đức Mẹ Bầu Cử), được ví như cung điện để kính thờ Đức Mẹ, vì Đức Mẹ là Mẹ Chúa Trời, cao hơn bất kỳ nữ hoàng nào trên trần thế. Quân Pháp nghe giải thích xong thì rút lui.

Được biết làng Trũng là nơi sinh sống thời thơ ấu của Hoàng Hoa Thám và được coi là quê hương thứ hai, đây cũng là nơi duy nhất có đền thờ ông.

“Yên Thế là đất cụ Đề

Tây lên thì có, Tây về thì không”


Chưa hết, mỗi lần cụ Đề Thám về Bắc Ninh để gặp Đức Giám Mục người ngoại quốc Maximino Velasco [1], cụ thường đến nhà xứ Bỉ Nội để tham khảo ý kiến cha già Hạnh. Có lần khi về tới Tòa Giám Mục Bắc Ninh, cụ bị quân Pháp phát hiện, bao vây nhà chung. Vì muốn bảo vệ cụ, Đức Giám Mục đã đưa cụ lên gian cung thánh, đứng phía sau tượng Đức Mẹ và trùm áo kín giữa Đức Mẹ và cụ Đề. Thánh lễ hôm đó, Ngài cố tình giảng rất lâu, nghe các cụ kể, chưa có khi nào Ngài giảng lâu như vậy, làm cho quân Pháp cảm thấy mệt mỏi. Sau thánh lễ, quân Pháp xin được kiểm tra khám xét. Ngài đồng ý, nhưng vì có việc phải đi gấp, không thể ở lại để chứng giám việc khám xét. Quân lính đồng ý. Ngài lên xe tay và có một phu xe kéo Ngài ra khỏi khu vực nhà thờ. Sau một hồi lục xét, quân Pháp không tìm thấy cụ Đề Thám nên bỏ ra về và để lại lời xin lỗi. Lúc này, Cụ Đề Thám và Đức Giám Mục đã ra khỏi khu vực lùng soát của quân Pháp. Người phu xe kia chính là cụ Đề Hoàng Hoa Thám.

------

Ghi Chú:

[1] Giám mục Maximino Velasco (1851-1925), người Tây Ban Nha, có tên tiếng Việt là Khâm. Ngày 05-01-1890 được tấn phong Giám mục phụ tá tại Giáo phận Bắc Ninh, hiệu tòa Amonia, và chính thức Đại diện Tông tòa Giáo phận Bắc Ninh từ năm 1902. Là người trung gian đại diện thương thuyết (mediator) giữa Hoàng Hoa Thám và quân Pháp. Với 50 năm truyền giáo và 35 năm Giám Mục, Ngài tạ thế năm 1925, thi thể được an táng trên gian cung thánh Nhà thờ Xuân Hòa (Kẻ Roi).