Viết tặng con dân Làng Bỉ

và kính dâng hương hồn bố tôi, cụ Đa Minh Nguyễn Ngọc Thuyết

người cả đời luôn tha thiết về nơi chôn nhau cắt rốn

Nhà xuất bản Hoa Hướng DươngDenver, Colorado, USA2020
Làng Bỉ Quê TôiLịch Sử - Văn Hóa - Tôn Giáo - Đời SốngBiên soạn: Nguyễn Ngọc BíchHình ảnh: Người Sông MángTrình bày, Ấn loát & Web Design: VietStudio, Multimedia ProductionsPhát hành: Sunflower PublicationsCopyright © 2020 by Nguyen Ngoc Bich & Sunflower PublicationsAll Rights Reserved
© Bản quyền hình ảnh: Trong cuốn sách này, người viết sử dụng rất nhiều hình ảnh để minh họa, được tổng hợp từ nhiều nguồn trên Internet, Google Images, Instagram, Facebook,…. cũng như một số hình do thân hữu gởi tặng.Bản quyền những tấm hình này thuộc về chính tác giả của bức hình đó. Chân thành cảm ơn.



Thay lời tựa


Làng Bỉ tre xanh bọc tứ bề

Quê tôi hương lúa quyện trăng thề

Núi Đài lệ tiễn con xa xứ

Sông Máng lả lơi gọi réo về

Vào một buổi chiều giữa tháng 6 năm 1995. Chúng tôi rủ một nhóm trẻ em Làng Bỉ ra cánh đồng chơi. Vừa ra khỏi phía sau Nhà Thờ, là một cánh đồng lúa mênh mông, đang khoe sắc dưới nắng chiều hồng tươi, rực rỡ, của mùa hè. Từng làn gió nhẹ rì rào nô đùa trên những thảm lúa xanh non, quyện lẫn tiếng chim líu lo, đang reo vui gọi nhau tung cánh bay giữa trời xanh, mây trắng, đã tạo nên một bức tranh thôn dã trữ tình tuyệt đẹp. Sau khi tìm được vị trí thích hợp, chúng tôi "mướn" hai em đóng vai mục đồng chăn trâu. Một đứa ngồi trên lưng trâu, một đứa dắt trâu đi dọc theo bờ ruộng. Chúng tôi chuẩn bị máy móc để quay phim, chụp hình.


-Không được rồi...

-Đánh vào đít nó...

-Mày xuống đi, để tao lên...

Cứ thế, bọn khán giả bắt đầu nhao nhao lên, trước sự bất lực của 2 diễn viên chính, không điều khiển được con trâu đang cắm đầu gặm bãi cỏ non bên bờ ruộng. Vì diễn viên chính chưa quen với việc "cưỡi lưng trâu đi trước ống kính", nên chúng tôi phải mất thêm thời gian tập dợt, và bọn khán giả lại có cơ hội... cười toe toét.


“Ai bảo chăn trâu là khổ, chăn trâu sướng lắm chứ...

Ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau, và miệng hát nghêu ngao...”

là câu hát quen thuộc ở miền Nam, từ những năm 1950, hầu như ai cũng có thể thuộc và hát được. Câu hát ấy như một khúc phim tài liệu đang hiện về trong trí tôi. Ở đây, không có ngọn cờ lau để phất, không có quân xanh, quân đỏ với khí thế Hoa Lư của Đinh Bộ Lĩnh năm xưa, nhưng nhìn vẻ mặt hồn nhiên và vui tươi của thằng bé đang ngồi trên mình trâu, cùng với đám khán giả háo hức vây bám xung quanh, đã cho tôi cảm nhận về một thời kỳ thanh bình, ở nơi hương đồng gió nội, với những thú vui đơn sơ, mộc mạc, của đời sống đồng nội chan chứa tình đất, tình quê. Cuối cùng, chúng tôi cũng chụp được những tấm hình như ý muốn. Và, sau đó lại kéo nhau lên núi Đài.

Ở nhà, tôi thường nghe bố mẹ kể về Núi Đài, núi Mỏ Thổ, mỗi khi ông bà hoài niệm về chốn xưa. Núi Đài ngày ấy vui lắm, nhất là vào những dịp lễ lớn, Nhà Xứ thường hay tổ chức ở trên đó, có rước kiệu, có đoàn trắc với trống to trống nhỏ, thanh la, não bạt, gõ vang một góc trời. Vào Mùa Thương Khó, một rừng người nối đuôi nhau theo hình xoắn ốc từ dưới chân núi đi lên để tái hiện cuộc Khổ Nạn với 14 Đàng Thánh Giá... Tôi bước lên núi với tâm trạng ngập đầy cảm xúc, cố hình dung về những câu chuyện mà bố mẹ đã kể.

Năm tiêu thổ kháng chiến, Núi Đài lệ tiễn con xa xứ, gần như toàn bộ con dân làng Bỉ xuôi nam về Lán Mỏ để lánh nạn. Cách nhau khoảng 5 cây số, là một khoảng cách không xa lắm, nhưng là khoảng cách của chờ đợi, của mòn mỏi, của nghìn trùng xa cách. Người ở. Người đi. Núi Đài ngày ấy thông thoáng, không có cây cối rậm rạp. Từ trên đỉnh núi có thể trải tầm mắt nhìn xa khắp nơi. Trên núi, chỉ còn một cây thánh giá đứng cô đơn giữa trời mây bao la. Cũng từ trên đỉnh núi này, tôi lại mượn được hai "người mẫu nhí" ngồi tạo dáng để chụp hình. Một bé trai, một bé gái ngồi cạnh chiếc nón lá và cùng hướng về núi Mỏ Thổ, để tạo thành bức tranh người ở lại ngồi dõi mắt theo hướng người đi, về phương xa vời vợi. Kẻ ở, mang nỗi niềm nhung nhớ. Người đi, đeo trĩu nặng quê hương cội nguồn.

Quê hương tôi, với dòng sông Máng lượn quanh ấp ủ thôn làng, từ bao đời đã đem nguồn sống đến cho người dân. Sông vẫn còn đó, đang chuyển tải hồn quê theo dòng nước chảy, như lời mời gọi thiết tha. Sông Máng lả lơi gọi réo về!. Vâng, cho dù đi đâu, ở đâu, người làng Bỉ vẫn về với nhau trong những dịp lễ, hội. Bởi làng Bỉ là nơi họ đã sinh ra và lớn lên, là cội nguồn của những người mang trong mình giòng máu làng Bỉ. Ở đó, có mùi thơm ngào ngạt của hoa bưởi, có những cánh cò bay trên đồng lúa xanh tươi bát ngát, có lũy tre xanh rì rào trong gió, có cầu Vồng, sông Máng, có núi Đài, nhà thờ Bỉ... Nơi ấy là quê hương chan chứa tình người, tình làng xóm.

Ới nhau vào xơi chén trà

Mời ăn điếu thuốc, đậm đà tình quê.


Nguyễn Ngọc Bích

Mùa Xuân 2020

Từ núi Đài nhìn về núi Mỏ Thổ (Ảnh: Người Sông Máng)



Trong phạm vi nhỏ bé của quyển sách này, người viết chỉ giới hạn ở một số lãnh vực thuộc 3 huyện: Yên Dũng, Yên Thế và Tân Yên, là những huyện mà Làng Bỉ trực thuộc về lịch sử Địa Lý, Hành chánh, cùng những ảnh hưởng về Văn hóa, Đời sống, Tôn giáo, Tín ngưỡng...




Khởi nguồn từ năm 1657...


Khái quát về Lịch Sử - Địa Lý - Hành Chánh


A. Huyện Yên Dũng

1. Các di tích lịch sử tại Yên Dũng (2019)

1a. Di Tích cấp tỉnh

1b. Di tích cấp Quốc gia

2. Đặc sản Yên Dũng

B. Huyện Yên Thế

1. Các di tích lịch sử tại Yên Thế (2019)

1a. Di Tích cấp tỉnh

1b. Di tích cấp Quốc gia

2. Đặc sản Yên Thế

C. Huyện Tân Yên

1. Các di tích lịch sử tại Tân Yên (2019)

1a. Di Tích cấp tỉnh

1b. Di tích cấp Quốc gia

2. Đặc sản Tân Yên


Cánh đồng làng Bỉ với Tháp chuông Nhà Thờ và Núi Đài, nhìn từ hướng Tân Lập (Ảnh Người Sông Máng)

Xem tiếp: CHƯƠNG I (Khái quát về lịch sử, địa lý, hành chánh)