Văn Thân Hữu 1

- KHÔNG CÒN - Lê Du Miên

- NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY MÀ ĐAU ĐỚN LÒNG - Hoàng Duy Liệu

- PRINTEMPS IMMORTEL - Lê Du Miên

- HÈ 68 - Nguyễn Ngọc Xuân

- THƯ GỬI CÔ NGỌC DUNG - Nguyễn Thị Ba

- LỄ HỘI HOA ANH ĐÀO - Hát Bình Phương

- MƯA MÙA HẠ VÀ NHỮNG NGƯỜI BẠN VỢ TÔI - Võ Đình Tuyết

- QUÊ NHÀ - Phạm Chinh Đông

nuoc-mat-em-cho-anh-large-content

06 Tháng Mười Hai 201312:00 SA

(lan man theo “Không Còn…” của Tưởng Dung ... Nghi ôm đầu gục xuống bàn. Hai vai nàng rung lên. Âm thanh của những tiếng nấc như tiếng thì thầm, tắc nghẹn:” bóng em tìm bóng anh đến cuối đời, có gặp?”

NHỮNG ĐIỀU TRÔNG THẤY MÀ ĐAU ĐỚN LÒNG

Ở dưới Los tui có biết con nhỏ kia thật là tài năng. Nó có thể vừa làm MC vừa ca hát, vừa viết văn vừa làm thơ lại còn sửa lỗi chánh tả dùm tui. Nó lại rất là hiền lành dể chịu bị tui chọc hoài mà không bao giờ giận hay là nổi tam bành lục tặc lên như cái bà kia.

Nên tui chọn nó cho cái cú chọc đầu năm Quý Tỵ. Luôn dịp trả ơn nó bày ra cái vụ tài tử râu ria hôm trước. Lâu lâu bị nó chọt một cú đau lắm.

Mỗi lần tui gặp đều thấy nó ăn mặc đàng hoàng sang trọng mà không kém phần hấp dẫn trông chẳng thua gì cô đào chớp bóng Elizabeth Taylor ngày son trẻ.

Chỉ có cái điều tui thấy không công bằng là cái cách nó chăm sóc anh chồng. Anh này ở Mỷ mà còn thua nhỏ Mai của tui ngày xưa, anh ta chỉ có một cái áo để mặc đi ra phố. Nhỏ Mai hồi đó còn có tới hai bộ đồ bộ.

Anh ta than là chỉ được cô vợ phát cho một cái áo màu xanh mặc quanh năm suốt tháng bất kể Xuân Hạ Thu Đông hay là đi dự tiệc tùng nào. Cứ cái điệu này thì kỳ họp mặt tới chắc là tui sẽ thấy nó đi với một anh nghèo.

Ăn hiếp người ta vừa thôi chứ ! Đầu năm mới anh Sinh hảy làm một cú vùng lên.

Xin hảy coi hình đinh kèm, tui nói có sách mách có chứng.

Hoàng Duy Liệu

July - 2012

Jan - 2013

PRINTEMPS IMMORTEL

Sáng nay như thường lệ, việc làm đầu tiên trong ngày của tôi là mở hộp thơ trên máy tính, đọc lướt qua những đề thơ nhận được. Bất chợt tôi thấy một lá thơ của Thanh, người bạn học năm xưa . Cái mail ngắn gọn:

-“Tôi báo cho ông một bí mật… Cái thiệp chúc xuân ông gởi cho tôi năm 1964… đến nay tôi vẫn còn giữ”.

-“Trời đất …Có thiệt không đó bà nội …”. Tôi cũng trả lời một cách cụt lủn như thế.

Reply cái mail đó xong, tôi đờ đẫn cả người . Cái thiệp chúc xuân tưởng như đã mục rữa theo thời gian, bữa nay bỗng hiện về… Lúc đầu mờ mờ ảo ảo nhưng sau nó hiện ra rất rõ: Cái thiệp này tôi mua ở tiệm sách Châu Hải, kích cỡ nhỏ, trên bìa mặt có vẽ một đôi chim … chắc là chim se sẻ… đang ríu rít bên nhau trên một cành mai vàng nở rộ, được dát bằng những hột … giống như là kim tuyến li ti óng ánh và mặt trong của tấm thiệp tôi chỉ viết vỏn vẹn có hai chữ :

“PRINTEMPS IMMORTEL”

1964

Đó cũng là cái thiệp duy nhất trong thời đi học tôi đã gởi đi, gọi là gởi đi chứ thật sự là trao tay. Tôi nhớ rằng để đưa được cái thiệp này tới tay Thanh tôi đã trằn trọc mấy đêm, không biết nên trao cho Thanh bằng cách nào, không biết nó có chịu nhận không … Nó mà “xí” một tiếng rồi quay mặt lạnh lùng bỏ đi thì mình có mà chết đứng như Từ Hải mất thôi.

Tôi chợt nhớ hai câu thơ của Tưởng Dung mà tôi rất thích:

“Người đã tắm cùng ta, ngày mưa cũ

Có nghe miền cỏ nhớ dậy hân hoan “(*)

Vâng hằng hà sa số những ngọn cỏ nhớ mơn mởn hân hoan trỗi dậy trong tôi, những ngọn cỏ nhớ mượt như nhung dắt tôi về những ngày mới lớn, tưởng chừng như mới đây mà đã … 50 năm.

50 năm qua đi với bao đổi thay, tôi ngồi ôn lại chuyện cũ. Ngôi trường trung học Long Thành thân yêu cũng đã dăm lần thay áo. Hồi tôi lững thững bước vào lớp Đệ thất, lạ lẫm và ngơ ngác với phương pháp học mới, nhất là với môn Giảng văn. Thày giảng bài, mình nghe và ghi chép … Mấy giờ học đầu tiên tôi chẳng ghi được gì … và dĩ nhiên tôi chẳng có bài để về nhà học. Thày Ẩn dạy Văn và Sử Địa hồi tôi học Đệ thất, thày giảng rất hấp dẫn, lôi cuốn và Ông cũng rất nghiêm nghị. Ông gọi đám học trò tụi tôi là “Anh”, “Chị”, mặc dù tụi tôi mới mười một, mười hai tuổi, còn bé tí teo… Tôi dốt văn chương lắm nên thày giảng mà tôi không cách gì ghi cho kịp, tôi mới quay qua hỏi nhỏ Nghiêm Văn Cẩu … Chưa được câu trả lời của Cẩu thì đã nghe tiếng thày giận dữ: “Anh kia…”. Tôi nhìn lên thấy thày chỉ tay ngay tôi. Tôi rón rén đứng lên. “Mời anh ra ngoài”. Tôi còn ngần ngừ như không hiểu … “:Anh đi ra khỏi lớp ngay”. Tôi sợ quá lúi húi bước ra khỏi lớp. Tôi không biết phải đi đâu. Sân trường vắng vẻ không một bóng người. Tôi đứng núp sau cánh cửa lớp trong khi tiếng thày đang rổn rảng giảng bài thản nhiên như không hề có chuyện gì xảy ra. Tôi tủi thân lắm, đứng ngoài lớp như một kẻ bàng quang, nước mắt tôi chảy dài, mới chỉ là mấy giờ học đầu tiên mà tôi đã lận đận với văn chương. Tôi trở nên ghét học văn từ đó …

Đang tần ngần núp sau tấm cửa khóc, bỗng tôi giật mình, thày giám thị Kham không biết từ đâu bước tới “Sao không vào lớp học lại đứng đây?”. “Thưa thày… Em bị thày Ẩn đuổi ra …”. Thày Kham đưa tay gầy khô ra xách tai tôi kéo về văn phòng, bắt tôi ngồi một góc. Đến giờ ra chơi đám học trò kéo nhau tới trước cửa văn phòng xem tôi như xem một con khỉ trong sở thú… tôi thật xấu hổ. Trong đám lố nhố đó tôi chợt thấy một ánh mắt … cảm thông, ánh mắt ấy làm dịu cơn lốc đang xoáy trong đầu tôi. Sau này tôi mới biết đó là Thanh, và tôi, sau đó luôn đưa mắt kiếm tìm Thanh, chỉ để nhìn Thanh thôi, chỉ mong được thấy cô bé mỉm cười với mình là ngày đó tôi vui… Nhìn Thanh với đôi mắt biết ơn vậy mà …Nhưng khi bắt gặp cặp mắt của cô bé thì tôi lại ngập ngừng, lúng túng nhìn đi nơi khác.

Dáng dấp nhỏ nhắn, mỏng manh và đặc biệt với một chiếc nón vải rộng vành cô bé trông kiều diễm như một tiểu thơ trong truyện tranh mà tôi thường say mê tìm đọc. Dáng dấp ấy đã làm mặt nước hồ thu tôi xôn xao khi tôi bước vào năm Đệ tứ. Tôi biết chờ mong mau tới giờ đến trường. Tôi sợ những ngày cuối tuần trống vắng. Tôi thật sự không hiểu trong tôi sao có sự thay đổi lạ lùng. Tôi muốn được trò truyện với Thanh, tôi để ý cô bé từng giờ từng phút, tôi theo cô bé mỗi buổi tan trường. Có lần cô bé thấy tôi cứ im lặng đi sau, khi tới nhà cô bé dừng lại hỏi tôi “Nhà Du cũng cùng trên con đường này?…”. Tôi ngập ngừng “Ừa …ừa …cùng đường…”. Nhưng thật ra con đường về nhà tôi hoàn toàn đối ngược, như cuộc đời tôi và Thanh chẳng có điểm cuối gặp nhau. Tôi nhớ phía sau nhà Thanh có một cây me thật lớn, đã có lần tôi cùng với “Quang dùi trống” và Cẩu tới thăm Thanh, chọc me dốt chấm muối ớt … Quang dùi trống biết tỏng tôi thích Thanh, nó bảo với Thanh “Ê Thanh… Có thấy thằng Du nó nhìn mày… ánh mắt lạ lùng …không?”. Tôi giật mình nhìn quanh. Thanh thì cười khanh khách “Đâu … đâu có thấy gì lạ lùng đâu …”. Im lặng một giây Thanh cắn nhẹ một đốt me, không nhìn tôi cô bé hỏi “Có phải đúng như Quang nói không đó? Bộ Thanh có gì … không ổn, xấu xí hả?” Tôi quay lại nhìn Thanh “ Thanh đẹp như một nàng tiên…Thanh ơi, nếu như …”. Tôi ngập ngừng, ấp úng … Thanh cắt ngang lời tôi “Nếu như … sao?”. Tôi nói nhỏ vừa đủ Thanh nghe “Nếu như me không chua… me ngọt… thì Thanh có thích ăn không? Thanh nguýt tôi một cái sắc như dao “Nếu gì mà…lạt nhách, vô duyên“. Tôi nói thật nhanh “nếu như Du nói Du… thích Thanh …”. Thanh bật đứng dậy: “Thôi Thanh không ăn nữa đâu… Me chua quá …”. Nói xong cô bé liếc qua tôi rồi đủng đỉnh bước lại đứng giữa những chậu kiểng, những cây kiểng được cắt xén, chăm sóc thật đẹp. Thanh đứng ơ hờ đưa tay bứt một chiếc lá nhỏ rồi tung chiếc lá lên cao. Tôi hụt hẫng ngồi cúi đầu. Một trái me chín khô vừa rụng xuống nỗi buồn tôi nghe như có mùi vị đắng.

Trở lại với tấm thiệp chúc xuân. Hôm đó tôi nhớ không lầm thì là ngày 27 tết, ngày học cuối cùng và trường sẽ nghỉ tết mười ngày. Tôi nghĩ hôm nay mà không đưa được cái thiệp này tới tay người nhận thì coi như là hết cơ hội và nó sẽ cùng tôi ăn cái tết ấm ức trong lòng.

Ngày hôm đó trời trong xanh, nắng hanh hanh, gió nhè nhẹ đủ để thổi một chút lạnh làm cho tôi đã run lại còn run thêm nữa. Kẻng ra chơi đã điểm, giờ quyết định cam go trong đời tôi đã cận kề. Tấm thiệp nhỏ bé đang nằm ngoan ngoãn trong túi áo của tôi. Tôi vỗ nhẹ trên túi áo và bước ra khỏi lớp. Nhìn dáo dác một vòng tôi thấy Thanh đang đứng chung với Yến, Thêm, Nga, Ngôn… Mấy con bé hình như đang ăn cóc, ổi, xoài… thì phải, tôi hít một hơi thở thật sâu, lấy hết can đảm bước chầm chậm về phía bọn họ, tiếng Thanh cười rúc rích làm chùn bước chân tôi .

- “Ê …Du …ăn cóc không ?”

Tôi rùng mình trả lời “không”. Chưa ăn đã thấy ê răng rồi.

Nhỏ Yến chu môi:

-“Không ăn… mày mò ra đây làm chi dzậy ?

Bọn họ hơn mười con mắt nhìn tôi như đồng tình với nhỏ Yến “Ừa… Đúng rồi … Ra đây chi… Chỗ con gái người ta…”

Tôi ngượng nghịu “Thì tao ra đây chơi không được sao… Đâu thấy bảng cấm con trai đâu… Mà nè phải gọi tao là “anh” đó nha, Thày Ân còn gọi tao là “anh” đó”.

“Xí… cùi sao mà gọi mày bằng anh”. Nói xong cả bọn cười hô hố, riêng Thanh không cười, Thanh nhìn tôi ra vẻ như ái ngại có một chút xót xa. Tôi đọc được cái tâm tư đó, tự nhiên tôi buột miệng “cám ơn”. Nhỏ Yến thôi cười nhìn tôi “Hứ… Cám ơn gì?”. Tôi ú ớ không biết trả lời sao …

Cùng lúc đó kẻng báo giờ vào lớp, chết tôi rồi, hết cơ hội rồi… Bọn Yến, Thêm, Nga, Ngôn… phủi phủi đôi tay, chạy ùa về phía cửa lớp, Thanh đưa mắt nhìn tôi rồi chậm rãi bước theo… Tôi gọi nhỏ: “Thanh…”, Thanh quay lại, tôi bước vội lên, rút tấm thiệp ra “Du có cái này gởi Thanh”. Thanh có vẻ hơi sửng sốt cầm tấm thiệp dấu vào vạt áo rồi chạy nhanh về cửa lớp xếp hàng. Còn tôi đi vòng qua hướng khác về lớp học, tay chân vẫn còn rung lẩy bẩy. Tôi rộn rã niềm vui, đã làm xong một việc lớn trong đời . Mưa rắc nhẹ hạt ngoài cửa lớp. Những chiếc lá cao su chao lượn trước khi nằm im trên mặt đất. Tấm thiệp xuân sao nghe cũng đang chao lượn trong lòng tôi. Cầu mong nó sẽ nhẹ nhàng rơi xuống êm ái trong lòng Thanh. Thanh ơi đừng xé nó mà quăng đi … đau lòng người ta lắm. Trên bục giảng thày Ân đang thao thao bất tuyệt với chất giọng mạnh bài thơ “Ông đồ già” của Vũ đình Liên:

Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua”

Tan lớp học hôm ấy, bọn con gái xúm lại bao quanh tôi “Ê… Mày gởi thơ tình cho nhỏ Thanh hả?”. Tôi cố chui ra khỏi đám đông bước đi, chống chế: “Đâu có…”. Bọn họ lại chận đường tôi “Đừng chối …Tụi tao nhìn thấy rõ ràng, đừng chối mày...”. “Tao đâu có làm gì mà phải chối”. Tôi nhìn ra phía cổng trường thấy Thanh cũng đang bị vây quanh với những tiếng cười chế nhạo. Tội nghiệp, vì mình mà con nhỏ bị quấy nhiễu ngượng ngùng.

Những ngày sau tết tôi vào lớp với tâm trạng bồn chồn. Thanh thì vẫn tỉnh bơ líu lo vui đùa như chim. Mọi chuyện qua đi lặng lẽ và tôi cũng dần quên chuyện của những ngày cuối năm.

Rồi chúng tôi rời trường Long Thành về Ngô Quyền, từ đó thưa thớt những lần gặp mặt. Ánh mắt tôi không còn biết dừng lại nơi đâu mỗi khi trống điểm giờ chơi. Giờ tan trường không còn biết theo ai, không còn thấy ai đâu nữa giữa đám đông áo trắng ngập đường . Tôi lạc mất Thanh từ những ngày tháng đó.

Rồi cuộc đời quay tôi như quay dế sau bảy năm làm lính chiến với sáu năm tù cải tạo tôi được thả về. Một tối, tôi lững thững đi ngang nhà Thanh, may mắn sao, thấy Thanh đang đứng thơ thẩn trước nhà. Tôi rủ Thanh, hai đứa thả bộ xuống cầu Quản Thủ . Đứng trên cầu nhìn con sông Đông Thành lờ lững uốn quanh. Hai đứa nói với nhau về những ngày tháng cũ nơi sân trường nhỏ bé quê nhà . Thanh nhắc tôi lần bị thày Ẩn đuổi ra khỏi lớp. Tôi kể Thanh nghe những cảm xúc mà tôi nhận được khi bắt gặp ánh mắt Thanh lúc đó. Thanh cười tủm tỉm:

- Thấy mà ghê… lúc đó còn nhỏ xíu …

- Có gì đâu mà ghê … tình cảm đó đâu phải “iêu ma” gì mà ghê …

- Vậy bây giờ thì sao?

- Sao gì nữa … Hồi đó Du ước ao được nắm bàn tayThanh…

- Đây nè… Cả hai tay nè…nắm đi …

- Thôi… Tay Thanh có người nắm rồi… Bộ cho Du nắm thừa hả? Không cần thương hại đâu nha.

Dòng sông vẫn trôi. Cuộc đời vẫn quay vòng quay vô định. Tôi và Thanh mỗi đứa lại lẩn quẩn với những vòng xoáy của mình. Vòng xoáy đưa hai đứa xa nhau hơn, xa hơn nửa vòng trái đất. Hôm nay bỗng dưng nhận được cái mail Thanh cho biết một bí mật “quốc gia” tôi thấy mình như trẻ lại. Có một đợt sóng ngầm lao xao nhẹ trong hồn. Tôi thấy tay tôi rung rung như ngày nào. Tôi thấy mình như đang ngồi trong lớp và bên tai tôi còn nghe vẳng vẳng tiếng Thày Ân say sưa diễn giảng bài thơ “Ông đồ già”:

Năm nay hoa đào nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ

Ôi! Những “người Long Thành” xưa đó giờ ở đâu???.

Cám ơn Thanh vẫn còn giữ tấm thiệp chúc xuân năm nào. Bốn mươi sáu năm rồi vẫn muốn gởi tới Thanh và các bạn: “Printemps immortel”

Lê Du Miên

(Trích trong Đặc San THLT Hội Ngộ 2010)

(*) Thơ Tưởng Dung (Bài Hoan Ca Vô Tận)

THƯ NHÀ : Lá Thư Gửi Muộn

(Phúc đáp Thư bạn VÕ THỊ NGỌC DUNG - CHS-NQ @ USA)

HÈ 68

Bạn thân mến,

Mùa Hè năm Mậu Thân 1968, 13 anh em bạn chúng tôi – một nhóm nam sinh cùng học lớp Đệ Nhị B Pháp Văn, trường Ngô Quyền - đèo nhau trên chiếc Traction Quinze hiệu Citroen mầu đen 9 seats, bóng loáng, do anh Phạm Sơn D. lái, đi từ Biên Hòa về Sài Gòn để xem kết quả kỳ thi Tú Tài I. Vào thời ấy, xe nhà (auto riêng - sau 1975 thường gọi là xe con) hãy còn ít lắm và chọn lọc lắm, chứ không phải nhiều và lộn xộn như bây giờ. Phong cách người sở hữu và đi xe cũng đường hoàng lịch lãm, chứ không tỏ vẻ khoe khoang, vênh váo, se sua như bọn cơ hội làm giầu bất chính trong xã hội Việt nam hiện nay...

Năm 1968, nhờ trong giấy khai sanh ghi năm sinh là 1950 nên anh D. vừa đủ 18 tuổi để lấy bằng lái auto theo luật định, thế nhưng trước đó anh đã biết lái xe nhà rất rành. Hơn nữa do Ba Má của D. biết rất rõ tính nết và gia đình của nhóm 13 bạn chúng tôi, nhất là biết trong sinh hoạt học tập chúng tôi chơi thân với nhau lắm, nên mới tin tưởng và cho phép D. dùng auto nhà để chở chúng tôi đi.

Không tin tưởng làm sao được nhỉ, khi đi xem kết quả thi về, mười ba đứa chúng tôi đều đỗ cả! Lại còn có bạn đỗ cao nữa, với những hạng ƯU (mention tres bien), hạng BÌNH (Mention Bien) và thấp nhất chỉ là BÌNH THỨ (assez bien) mà thôi!

Đỗ Tú Tài I rồi, đối với gia đình, trong thời chiến tranh, niềm vui trước nhất là Ba Mẹ yên tâm con mình chưa phải đi quân dịch, chưa phải ra chiến trường đối diện với cái chết thường rất bất chợt và vô tình, để có thể ở lại hậu phương tiếp tục con đường học vấn. Còn nếu chọn binh nghiệp, thì con mình sẽ là sĩ quan, chí ít cũng là sĩ quan trừ bị Thủ Đức! Mười ba đứa chúng tôi cũng cảm thấy vui một niềm vui chung, nhưng rất nhẹ nhàng. Liên hoan thi đậu, chỉ là một chầu cà phê ở Quán Cafe “TUYỆT”, đối diện Rạp Hát KHÁNH HƯNG (mới). Vào quán uống cà phê lắng nghe nhạc Trinh Công Sơn, bản gốc, phát ra từ cái máy AKAI kềnh càng, âm thanh được gọi là Stereo Hi-Fi, loa Pioner, với những cuộn băng thu to đùng, do KHÁNH LY hát và do chính Trịnh Công Sơn đệm guitare thùng. Những Tình Khúc, Ca Khúc Da Vàng ..., những “ Diễm Xưa “, “Mưa Hồng “, “Hạ Trắng “..., những “Gia Tài Của Mẹ “, những “ Ru Ta Ngậm Ngùi “..., với tiếng hát KHÁNH LY thời còn trẻ khỏe, với tiếng đệm đàn guitare mộc mạc (đôi khi bị lỗi kỹ thuật) của người nhạc sỹ sáng tác, phần phối âm, phối khí thật đơn giản, máy móc thiết bị thu và phát chưa hiện đại như bây giờ, nhưng đối với chúng tôi và các bạn trẻ đồng thời, nghe rất sâu lắng, thấm thía và mãi mãi là dấu ấn một giai đoạn đáng nhớ của lịch sử... Những cái chết của những chú bộ đội Cụ Hồ tuổi hãy còn trẻ măng, ngay trên đường phố Sàigòn hồi đầu mùa Xuân trong chiến dịch Mậu Thân, đã để lại ám ảnh trong nghĩ suy của những cậu “Tân Tú Tài“ về một cuộc “nồi da xáo thịt“ đang vào giai đoạn dầu sôi lửa bỏng... Nghĩ gì nhỉ? 13 đứa chúng tôi vui mừng còn cùng ngồi bên nhau, hạnh phúc trong không gian ấm cúng của một quán cà phê thanh lịch, nói với nhau về con đường phía trước, nhưng không thể không nhớ đến những người bạn cùng lớp đã thi rớt trong kỳ thi vừa qua, rồi đây sẽ thế nào, giữa thời binh lửa? Cũng không thể quên những bạn học đã rời lớp rất sớm, như bạn Chu M. đang học chung với chúng tôi thì, vì tuổi lớn, phải “thi nhảy “(bỏ một lớp) đỗ Tú Tài I trước chúng tôi một năm, vào làm tại Đài Truyền Hình Việt Nam ngay từ những ngày đầu thành lập, rồi làm phóng viên chiến trường, viết báo “SỐNG” của Chu Tử. Như bạn Nguyễn văn T. có gương mặt hiền khô, rất thân thiện với bạn bè (nhà ở cùng ngõ với nhà của một người Cô giáo rất hiền dịu, là Cô Bạch Thị Bê dạy chúng tôi Quốc văn), ai ngờ lại là người rải truyền đơn trong trường Ngô Quyền, bị lộ, phải bỏ trường bỏ lớp, bỏ bạn bè, thoát vào bưng biền đi theo Cộng Sản từ lúc tuổi 15... Bạn thân, trong lúc tuổi hãy còn thanh xuân cắp sách đến trường, đã chia tay nhau, mỗi người một ngã, mỗi người một hướng đi, mai này đến lượt 13 đứa chúng tôi, rồi sẽ ra sao, ai còn cùng nhau, ai sẽ chia tay? Thôi thì, trước mắt, hãy bằng lòng và cùng vui lên, vì 13 đứa sẽ còn cùng nắm tay vào trường Ngô Quyền học thêm một năm nữa ở lớp Đệ Nhất. Thế là , buổi chiều, vô tư cùng đi ăn Mì Hoành Thánh ở quán Chú Mừng, uống Sâm Bổ Lượng trong Chợ Biên Hòa... Ôi ! Những sợi mì vàng óng vừa dai vừa dòn, qua bàn tay chế biến tinh xảo của Chú MỪNG, bên thùng nước lèo nóng hổi bốc khói, sao mà ngon lắm vậy? Những tiếng cười dòn tan, những câu chuyện nói hoài không dứt, ngọt lịm như ly sâm bổ lượng thắm tình bằng hữu, biết đến bao giờ mới tìm lại được, bạn ơi? Rồi cùng nhau đi về làng quê Tân Ba, qua Bến Đò Trạm, sang sông nhìn thấy mây trời bay ngang ngọn núi BỬU LONG mà cao hứng làm thơ... thẩn thẩn thơ, hay về Cù Lao Phố, cùng đắm mình dưới dòng nước mát sông Đồng Nai giữa buổi trưa Hè, đàn địch, ca hát vang trời...

Miền Nam mưa nắng hai mùa, mùa nắng từ tháng 11 đến hết tháng 4, mùa mưa từ tháng 5 đến hết tháng 10. Miền Bắc 4 mùa rõ rệt: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Vì vậy, đối với miền Nam, gọi là mùa Hè nhưng đó thường là để chỉ khoảng thời gian 3 tháng mà học trò được nghỉ sau một niên học, thường là từ tháng 6 đến hết tháng 8, là thời gian “nghỉ Hè“ .Cho nên, vào “mùa Hè“ ở miền Nam, trời vẫn còn mưa. Sáng nắng, chiều mưa.

Sau cơn mưa, tôi thường ra sau vườn nhà, nhìn cây trái hoa lá còn đọng nước mưa, cảm nhận sự đổi thay của đất vườn đang khô vì nắng, vừa hấp thu đầy nước trời mưa đổ xuống. Đất quê nhà, sau cơn mưa, nghe rõ rệt một mùi hương, mùi hương thân thuộc, gần gũi làm sao!

Mùa Hè năm1968 ấy, khi ra vườn nhà sau cơn mưa, tôi nghe mùi hương của đất thấm đẫm hơn bao giờ hết. Trong cơ thể tráng kiện và trong tinh thần minh mẫn của một chàng thanh niên mới lớn 17 tuổi tràn đầy sức trẻ, cùng với những biến đổi của thời cuộc, tôi nghe trong tôi hình như có một sự chuyển động nào đấy, rất lạ lùng. (Khóa 7 chúng tôi đến năm ấy đã chứng kiến 2 biến cố chính tri lớn: cái chết cùng sự sụp đổ của Tổng Thống NGÔ ĐÌNH DIỆM năm 1963 và cuộc tổng tấn công hồi đầu mùa Xuân Mậu Thân 1968 của quân Bắc Việt). Tôi thơ thẩn nhìn mây trắng bay trên bầu trời xanh cao vút của đồng quê, suy nghĩ miên man... Thầy Hiệu Trưởng vừa trao vào tay tôi hai phong thư, một của trường Pétrus Ký và một của trường Chu Văn An (Sài Gòn), nội dung cả hai phong thư đều cho biết là các trường này có chủ trương thu nhận các học sinh trên toàn quốc vừa đỗ Tú Tài I thứ hạng cao (ưu và tối ưu) vào trường để học năm Đệ Nhất. Cho phép tôi mở phong thư ra đọc xong, Thầy Hiệu Trưởng chỉ nói vỏn vẹn hai từ:

“Tùy anh!“, sau khi cho biết sẵn sàng cho tôi rút hồ sơ học bạ để chuyển trường, nếu tôi muốn. Tôi biết, Thầy vốn rất ít lời, rất nghiêm nghị trước học sinh, nhưng ngay khi chỉ có hai Thầy trò trong Văn Phòng Hiệu Trưởng (một điều mà mọi học sinh đều rất ngán ngại khi được mời lên Phòng Hiệu Trưởng), tôi biết thực sự Thầy thương mến tôi nhiều lắm, vì sau khi từ Nguyễn Du đỗ đầu kỳ thi tuyển vào Ngô Quyền, trong suốt 6 năm học sau đó, từ Đệ Thất đến Đệ Nhị, tôi đều là học sinh giỏi và ngoan, tham gia tích cực và hiệu quả trong nhiều sinh hoạt của Ban Chấp Hành đại diện học sinh NQ qua nhiều niên khóa.

Khi về nhà đưa hai phong thơ ấy cho gia đình xem, Ba Má tôi cũng nói: “Tùy con!“. Anh trai và chị gái cũng chỉ bảo: “Tùy em !“. Lúc ấy tôi tự hỏi, vì sao, Thầy Hiệu trưởng, Ba Má, anh chị, lại trao cho tôi cái quyền hạn to lớn nặng nề đến thế, để quyết đinh việc đi hay ở? Sau này, khi lớn lên, phải đi xa, tôi mới dần hiểu ra, ai cũng biết rõ tâm lý cậu học trò mới lớn đã có một quá khứ đẹp đẽ gắn chặt với sông núi Đồng Nai, thì ai nỡ nói dứt khoát làm chi, việc bảo tôi nên quyết định rời cái tỉnh nhỏ êm đềm đầy kỷ niệm để về Sài Thành phồn hoa, rộng lớn và lạ lẫm? Dẫu việc ấy là việc để tiến thân trên đường học vấn? Đến bây giờ, trong cuộc sống tha hương, tôi càng cảm nhận sâu sắc bài học vỡ lòng từ thời đồng ấu trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư: ”Ôi! Quê hương là nơi đẹp hơn cả!“. Làm sao tôi có thể nhanh chóng rứt bỏ tình thân của nhóm bạn 13 đứa, xa con dốc Ngô Quyền quen thuộc những sớm mai đến trường đầy tiếng reo cười rộn rã? Về Sài Gòn là tôi phải tìm bạn mới, phải đi trên những đường phố lạ không quen... Làm sao tôi có thể xa những người Thầy, người Cô đã dạy cho tôi nhũng bài học đầu tiên khi tôi vừa chân ướt chân ráo bước vào ngưỡng cửa trường trung học Ngô Quyền? Nhớ Thày ĐINH VĂN SÁI, thày NGUYỄN VĂN THẠI, thày ĐỖ TRỌNG THẠC, tuổi già sức yếu vẫn bền bĩ ngày ngày rèn luyện những đứa học sinh tuổi hãy còn nhỏ như con của Quý Thầy, uốn lưỡi cong miệng, phát âm cho đúng prononciation những bài học vỡ lòng Francais elementaire. Nhớ Thày ĐINH HỮU QUYẾN trẻ khỏe, đưa chúng tôi vào vùng trời mới lạ, bao la, phong phú của ngôn ngữ và văn minh Pháp trong Cours de Langue et de Civilisation francaises...

Nhớ Cô ĐẶNG THỊ TRÍ bình dị, nhớ cô BẠCH THỊ BÊ dịu hiền, nhớ Cô PHẠM THỊ NHÃ Ý xinh đẹp (thường make-up rất kỹ trước khi đi dạy bằng auto do chính Thầy BS. Vương Tú Toàn lái), với những bài giảng Kim Văn và Cổ Văn, bằng giọng nói êm ái như tiếng ru của Mẹ, của Chị, gieo vào trí óc và tâm hồn những cô cậu bé học sinh NQ lòng yêu mến vô bờ văn học Việt Nam. Nhớ bàn tay Cô dịu dàng cầm lấy tay Trò, sửa lại cho đúng cách cầm cây bút lông thẳng đứng, chấm mực Tàu, để viết cho chính xác nét dọc nét ngang những chữ Hoa lạ lẫm và ngộ nghĩnh, vào quyển vở kẽ ô vuông, trong những giờ đầu tiên học Hán văn. Những câu Hán văn do Cô dạy, đâu có nhiều và cũng chỉ ngắn gọn thôi, nhưng xúc tích biết bao và đã trở thành phương ngôn của sự sống mà tôi nhớ mãi không quên trong những năm tháng dài của cuộc đời... Có gì là dài dòng khó hiểu để mà không nhớ nhỉ? Cũng chỉ là “Nhân chi sơ tính bổn thiện“, là “Nhân vô thập toàn“, là “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân“, là “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” , “Nhân bất học bất tri lý“ trong bài học chữ “NHÂN“, hoặc dài hơn một tý như trong bài học chữ TÂM, cũng chỉ là :"Nhân sinh nhất mộng, bất luận kiến tâm, Tâm vô sở cầu thị Phật" hay là trích dẫn thơ của Nguyễn Công Trứ cho dễ nhớ :“Mạo ngoại bất cầu như mỹ ngọc, Tâm trung thường thủ tự kiên kim”... Vậy mà, lời Cô dạy như mới hôm qua, cuộc đời sao vẫn còn có đầy dẫy những kẻ sống BẤT NHÂN, những người sống rất VÔ TÂM trước nỗi đau khổ của đồng bào đồng loại?!!

Rồi còn mảnh vườn sau nhà, nơi tôi thường nô đùa cùng các em tôi, với mùi thơm ngai ngái của đất sau những cơn mưa, mùi hoa bưởi, hoa chanh... đã trở thành mùi hương không bao giờ quên được. Tình bạn, tình gia đình, tình thương mảnh đất con sông quê nhà... Và còn biết bao thứ tình nữa, ray rứt lòng tôi, không cho trí óc tôi có đủ sáng suốt để quyết đoán trong một sớm một chiều... Cái mảnh bằng Tú Tài I ban B hạng ƯU là thành quả đâu phải chỉ của riêng tôi? Đó là thành quả tốt đẹp của nhiều người:

Mang ơn Thày TRẦN VĂN KỶ, Giáo Sư Toán dạy tôi năm Đệ Nhị, giảng bài (kể cả đọc đề Bài tập Toán) mà không cần nhìn giáo án xuyên suốt hai tiết dạy trong suốt năm học, viết và vẽ bằng phấn trắng trên bảng đen mà chữ - số - hình đều đẹp như trong sách in. Số điểm tuyệt đối 20/20 được chấm cho bài thi Toán của tôi trong kỳ thi Tú Tài I tại Hội Đồng Thi Sài Gòn, đâu phải là kết quả của riêng tôi, mà đó là kết quả công lao rèn luyện dạy dỗ của Thầy KỶ, với câu nói mà Thầy thường truyền đạt cho chúng tôi:

Làm toán không chỉ cần nhanh, mà phải còn cần chính xác và đầy đủ“. Câu nói này của Thầy, về sau, tôi đã ứng dụng không chỉ trong việc làm Toán không thôi, mà còn thực hành trong mọi việc làm khác của cuộc sống, và nghiệm thấy không bao giờ sai!

(Cây bút máy hiệu Pilot mầu xanh cẩm thạch, xài mực bơm Waterman mầu blue-black, có khắc dòng chữ “NHANH-ĐÚNG-ĐỦ “ trên thân cây bút do Thầy KỶ tặng cho tôi trước khi đi thi thay cho lời nhắc nhở của Thày, tôi vẫn còn lưu giữ mãi đến bây giờ, cất kỹ trong cái tủ thờ Tổ Tiên bằng gỗ cẩm, đặt ở chính giữa gian phòng chính của ngôi nhà thờ tộc họ, do Ba Má tôi đã xây dựng tại quê nhà từ năm 1960.)

Nhớ thương Thầy DƯƠNG HÒA HUÂN những giờ Sử Địa được mọi học sinh mong chờ, giống như hồi nhỏ hàng đêm mong đến giờ Bà kể chuyện. Bởi vì Thầy giảng Lịch Sử y như Thày kể chuyện, những câu chuyện hấp dẫn lôi cuốn, bằng giọng nói lưu loát trôi chảy, lâu lâu Thầy lại pha một chút hài hước rất có duyên. Những cặp mắt đau đáu chăm chú nhìn từng động tác của Thầy, những đôi tai vểnh lên lắng nghe lời Thầy, còn tiếc ngẩn ngơ khi tiếng chuông mãn giờ học vang lên. Thày đã chỉ cho chúng tôi phương pháp vẽ bản đồ địa lý một cách dễ nhớ và nhanh nhất. Thầy đã đưa chúng tôi đến những chân trời, những vùng đất mới lạ trên toàn thế giới cũng bằng một một phương pháp giảng giải tài hoa, đặc sắc. Hồi ấy, tôi thường nghĩ Thầy còn hơn cả một Sử Gia, vì phải có một trí nhớ tuyệt vời, siêu việt, mới có thể, không cần nhìn sách, thao thao bất tuyệt về những câu chuyện lịch sử từ ngàn xưa và về những vùng địa lý xa xôi ngàn dặm...Thầy nghiêm, nhưng lại thường rất khôi hài, dí dỏm, tôi yêu Thày nhất ở điểm ấy.

Rồi còn những người Thầy, người Cô mà tôi chưa bao giờ được học, nhưng đã trở thành một hình bóng quen thuộc hàng ngày, không thể thiếu, giống như một người thân trong gia đình mà mình không thể nào quên:

Nhớ Thầy Giám Học PHAN THANH HOÀI, tác phong nghiêm chỉnh đến độ nếu Thày đi trên phố, người xa lạ gặp Thày, không cần hỏi nghề nghiệp, cũng biết Thày làm nghề dạy học. Làm sao tôi quên được dáng người dong dỏng cao, y phục luôn luôn thẳng nếp lịch sự, nước da trắng hồng, giọng nói sang sảng của Thầy? Nhìn thầy là thấy ngay một gương mẫu, một chuẩn mực cần có trong đời sống nhà trường.

Nhớ Cô HOÀNG HƯƠNG TRANG với giọng ngâm thơ và những bài thơ tuyệt diệu, đã gieo vào hồn tôi biết bao cảm xúc, rung động với thi ca...

Nhớ Thầy NGUYỄN XUÂN HOÀNG dạy Triết cho các anh chị lớn ở lớp trên khi tôi còn là cậu bé ngồi ở các lớp Đệ Nhất Cấp. Đứng nhìn qua cửa số lớp học trên lầu, vào những buổi học sáng cuối tháng Chạp, trời lạnh, sương mù và mưa bay lất phất, thấy dáng đi của một người Thầy mặc pardessus từ Phòng Giáo Sư, ở dãy lớp phía trước, đi ngang qua cột cờ sân trường vào dãy lớp phía sau, thì biết ngay đấy là thầy HOÀNG .

Anh ruột tôi, lớn hơn tôi 4 tuổi, được học với Thầy HOÀNG, còn tôi thì không được cái may mắn ấy. Hôm nào có giờ học với Thầy, về nhà thế nào anh tôi cũng kéo tôi ra ngồi dưới gốc cây vú sữa sau vườn nhà, say sưa kể tôi nghe hàng giờ, chuyện về Thầy ở lớp. Thương kính anh, nên thấy anh kính mến Thầy, đâm ra tôi cũng mến và nghĩ về Thầy luôn, mặc dù còn ở lớp nhỏ chưa được học Thầy, thậm chí còn chưa lần nào được thưa chuyện với Thầy nữa .

Phải chăng là “thần giao cách cảm “giữa Thầy và tôi – khi ấy hãy còn là một cậu bé học lớp Đệ Ngũ -, khi mà Thầy chưa hề biết mặt mũi tôi thế nào, Thầy đã chấp bút sửa cho tôi một bài thơ do tôi viết gửi cho Đặc San Ngô Quyền Mùa Xuân, năm ấy do chính Thầy phụ trách cố vấn việc thực hiện? Quyển Đặc San NQ ấy là một trong những quyển đặc san mà tôi nhớ nhất, không chỉ vì tên tôi được đặt dưới một sáng tác được Thầy biên tập lại, mà vì quyển đặc san ấy rất hay và đẹp, từ hình thức đến nội dung. Mãi đến bây giờ, tôi hãy còn nhớ những tựa bài hay, như: “Tôi nhìn tôi trên vách “, “Tôi nhìn Thầy tôi”, cách trình bày, in ấn quyển đặc san cũng rất tao nhã, mang phong cách mới ... Bài thơ mà Thầy đã chấp bút cho tôi, được dành hẳn một trang lớn để đăng, có hình minh hoạ, với những câu mà tôi còn nhớ như vầy:

(Kính thưa Thầy, em xin Thầy cho phép em – NNX)

13 tuổi

Xuân này tuổi đã mười ba,

Buồn như nắng đổ xiêu qua sân trường

Xuân này tuổi đã đầy thương

Con chim câu nhỏ dọc đường xót xa

Ngẫng nhìn lên, tuổi mười ba

Mắt hoa còn thắm nụ hoa ai cười

Ngẫng lên ai dại một thời

Xuân này tôi đã trả đời mười hai

........

Thôi mai dù có ra gì,

Bàn chân thon nhỏ xin ghi dấu đời

Năm tôi lên lớp Đệ Nhất, thì Thầy HOÀNG đã rời trường Ngô Quyền, chắc là Thầy chuyển về dạy ở Sài Gòn cho tiện công việc phụ trách ở Tạp Chí VĂN, một tạp chí mà anh em tôi mua đủ không sót một số nào, đọc xong còn dành cất để đọc lại về sau, cùng với các tạp chí những năm trước đó như: “PHỔ THÔNG “, “BÁCH KHOA,” THỜI NAY”, ”GIÓ MỚI “...

Khi tôi về Sài Gòn học Đại Học và làm việc, những chiều Thứ Bảy Chủ Nhật thường ra phố dạo chơi, hoặc để tìm mua sách báo, xem phim hoặc uống cà phê, thường là ở Quán BRODARD (ngồi trên cái phòng nhỏ giống như cái “chuồng cu” nhìn người nhạc công violon chơi đàn), hay ở LA PAGODE (bỏ từng đồng jeton vào khe của cái máy to để chọn nhạc). Có lần vào khoảng cuối năm 1974, tôi đang ngồi với bạn ở GIVRAL, nhìn qua cửa kính tôi thấy Thầy đang tản bộ trên đường Tự Do về phía Hạ Nghị Viện, dáng đi có vẻ gấp rút lắm… Sau đó xảy ra ngày 30 /4 /1975, từ ấy tôi không còn được gặp Thầy nữa.

Mấy năm gần đây, nhờ trang web Ngô Quyền, tôi mới biết Thầy đang sinh sống ở Hoa Kỳ và vẫn hằng quan tâm đến sinh hoạt của Cựu học sinh Ngô Quyền ở hải ngoại.

Vừa qua, Cô DIỆU HƯƠNG có forward cho tôi xem bài nhận xét phê bình của Thầy HOÀNG về bài thơ “NHỮNG CHIẾC GHẾ CÒN BỎ TRỐNG “của thi sĩ TRẦN KIÊU BẠC, đăng trên Blog “NGUYỄN XUÂN HOÀNG VÀ BẠN HỮU“ của Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA). Người đọc bài thơ đã cảm thấy xúc động, mà lời đề bạt, giới thiệu bài thơ của người Thầy cũ còn gây nhiều cảm xúc hơn. Một điều thú vị là anh TRẦN KIÊU BẠC và tôi, đều là cựu hoc sinh Ngô Quyền, Biên Hòa. Ngày xưa Thầy HOÀNG giúp tôi làm thơ ở trường Ngô Quyền-Biên Hòa, và gần nửa thế kỷ sau, trên làn sóng VOA của nước Mỹ xa xôi, Thầy giới thiệu thơ của anh TRẦN KIÊU BẠC, một cựu học sinh Ngô Quyền khác. Phải chăng, đấy là sự kỳ ngộ của cái “duyên văn nghệ”, hay là cái duyên “Thày Trò“, đã vượt lên trên cả không gian và thời gian để gặp nhau, tôi cũng không biết nữa?

Nhắc đến đây, tôi lại chạnh lòng nhớ Cô Tư GIÀU, người nữ giám thị kỳ cựu của Ngô Quyền, xem học sinh như chính con em mình, chăm sóc lo lắng như một người mẹ người Chị trong gia đình. Cô Tư đã giúp đỡ, chỉ bảo biết bao lớp, bao thế hệ học sinh Ngô Quyền trong suốt sự trường tồn của nhà trường...

Mang ơn bè bạn 13 đứa (con số này, trong mùa Hè Mậu Thân 1968, chúng tôi đã kết hợp thêm, và nâng từ số 13 lên thành 24), đã cùng tôi tay nắm tay, như một thứ “hợp đồng tác chiến “, cùng tiến lên trên con đường học vấn không phải là không có chông gai và khó khăn thử thách. Mang ơn bạn những sớm mai thức dậy, đã thấy nụ cười nở trên môi bạn lúc gặp nhau, vì một bài học khó đã có được đáp án đêm qua, do chúng ta đã cùng nhau thảo luận trao đổi tìm lời giải... Những cuộc tranh luận tới nơi tới chốn về một đề tài nào đó, tưởng chừng như là một vấn đề lớn lao ghê gớm lắm, khó có lối ra, thế mà cũng chỉ cần những tràng cười rộn rã, tiếng cười rơi xuống từng trang sách cùng chụm đầu để xem, thế là rất hoan hỷ chợt thấy vấn đề đã được giải quyết, thoả thuê vì cùng tìm thấy lối thoát chung... Cảm ơn bạn đã cho tôi tình thân mến để thấy việc học dễ dàng hơn, học không còn là nghĩa vụ khó khăn ràng buộc, mà đã trở thành một việc làm tự nhiên, tự nhiên như ăn uống đi đứng hít thở... Học, để sáng mai gặp nhau, còn được thấy nụ cười dễ thương nở trên môi bạn, trên môi những người thân mến.

Trong mùa Hè 1968, ngoài 13 bạn toàn là “đực rựa“ đã có từ trước, nhóm chúng tôi còn tiếp đón thêm nhiều bạn nữ, đều là những đấng anh thư, như các Chị Phạm thị Kim Ch., chị Võ thi Kim Kh. nhà ở Khu Cư Xá Dưỡng Trí Viện, hai chị em chị Thanh L. và Thanh Ph. nhà ở gần Ty Công Chánh, Chị Yến N., chị Nguyễn thị Nh. nhà ở đầu dốc Ngã Ba Thành...Cũng có thêm các bạn nam, như các anh Ngô Đình D., anh Trần Phụng T. từ trường Khiết Tâm chuyển sang... Các bạn tôi, ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập, mỗi người đều có tài riêng... Như anh Trầm Vĩnh Ch. có tài vẽ tranh lập thể (sau này, anh Ch. vào ĐH Kiến Trúc và trở thành Kiến trúc sư), anh Phạm Sơn D. ngoài tài nhiếp ảnh, còn cùng với các anh Nguyễn L. và anh Ngô Đình D., có tài làm hoạt náo viên, kể chuyện tiếu lâm cười “pể pụng”, hát tân nhạc rất hay mà ca vọng cổ cũng rất “mùi”, nhất là bài “Dạ cổ hoài lang“ của Thầy Sáu Cao Văn Lầu, hay là bài “Tình anh bán chiếu” của soạn giả Viễn Châu do nghệ sĩ Út Trà Ôn thường hát. Anh Mai Quỳnh L., ngoài thiên khiếu chơi guitare moderne (anh Quỳnh L. chỉ cần nghe ban nhạc Ventures chơi qua một lần là anh có thể đàn lại y hệt), còn có tài viết và vẽ truyện tranh Lucky Luke không khác bản gốc chút nào... Chị Yến N. có mái tóc dài đen mượt, tha thướt trong chiếc áo dài Việt Nam, có giọng ngâm thơ rất đặc biệt, cùng với giọng ca truyền cảm của chị em chị Thanh P. Thanh L., luôn luôn được mời có mặt trong các sinh hoạt văn nghệ. Còn nếu bạn một lần gặp Chị Nguyễn thị Nh., được nghe Chị hát tình ca Trịnh Công Sơn, thì tôi chắc chắn bạn không thể nào rời đi được. Trên gương mặt xinh xắn (và... ”liêu trai” – xin lỗi Chi Nh.-NNX ), cặp kính cận thị gọng đen, Chị Nh. đắm đuối (và khiến thính giả cũng đắm đuối) trong lời ca tiếng hát và khi Chị kết thúc bài hát, mọi người đều ngẫn ngơ, vừa tiếc nuối vừa như lạc từ cõi xa về... Anh Trần Phụng T. mà chúng tôi thường ví von gọi là Lã Phụng Tiên (La Fontaine – nhà văn hào Pháp), vẻ mặt lúc nào cũng giống như một nhà hiền triết, có lẽ vì anh đọc rất nhiều, đi đứng nằm ngồi gì cũng thấy quyển sách trên tay anh. Nhớ anh Võ Ngọc B., thường cùng tôi viết bài gửi báo “Tuổi Hoa “, rất có tài hội họa, âm nhạc và giọng hát trầm ấm không hề kém nam danh ca SỸ PHÚ... Và có một người bạn mà tôi quý mến ngay từ những ngày mới vào Đệ Thất đến suốt 7 năm chung học ở NQ, không chỉ vì “nụ cười có chiếc răng khểnh” của bạn, mà vì ở bạn còn có nhiều đức tính tốt. Thoạt nhìn dáng vẻ bề ngoài giản dị, xệch xạc, dễ nhầm bạn không có gì đặc biệt, nhưng thực sự bạn giỏi lắm! Hồi ấy, đồng phục nam sinh là quần xanh, áo trắng “đóng thùng“ (áo bỏ vào trong quần), nhưng thường thấy áo bạn không được bỏ vô “thùng“, mà là… thùng bỏ vô áo, rồi bạn dùng hai ngón tay liên tục nhét nhét áo sau lưng. Bạn sống rất chân tình, đối với bản thân thì xuề xòa, không thích làm đẹp cho chính mình nhưng lại thích làm đẹp cho người khác, một cách toàn tâm toàn ý. Khi ai yêu cầu bạn làm điều gì, nếu bạn không đồng ý thì bạn trả lời ngay, nhưng nếu bạn nhận lời thì bạn tận tâm tận tình làm chí cốt cho đến nơi đến chốn, dẫu việc ấy khiến bạn hao tâm tốn sức đến đâu đi nữa. Vào những năm cuối thập kỷ 80, khi mà cả thế giới đều đã biết từ lâu cái ứng dụng tuyệt vời của hai con số 0 và số 1, thì môn informatics mới được giảng dạy ở các trường học Việt Nam. Lúc ấy, do có chuyện buồn riêng, sau khi may mắn được gặp gỡ Quý Thầy tại Thiền Viện Pháp Bảo, tôi lánh về tu tập ở Rừng Trúc Viên Thủ Đức, không liên lạc với Sài Gòn và bạn bè nữa. Không hiểu do nhân duyên thế nào, người bạn ấy lại liên lạc được với tôi. Hai đứa chúng tôi về lại con dốc Ngô Quyền ngày xưa, ngồi uống cà phê ở quán cóc, hàn huyên tâm sự về những ngày đã qua không gặp. Bạn kể, sau mấy năm gian khổ trong trại cải tạo, tiếp theo là những năm tháng cũng gian khổ không kém, bạn đi khai thác và trồng vườn cây cà phê ở Xuân Lộc, bây giờ về thành phố Biên Hoà, với mong muốn được cùng các bạn trong nhóm 13 đứa ngày xưa, thành lập trường dạy tin học. Để ghi nhớ tình thân hữu, Trường lấy tên là “AMI“. Đó là sự đóng góp vô điều kiện của tất cả 13 bạn học cùng lớp ngày xưa ở NQ. Có anh KTS.Trầm Vĩnh Ch. từ Sài Gòn về giúp vẽ thiết kế, có anh Mai Quỳnh L. giúp xem phong thủy. Các bạn ở hải ngoại như Nguyễn L., Trần Phụng T., Trần Minh T. cũng nhiệt tình cổ vũ, đóng góp tài vật, ý kiến. Anh Chị Diệp Cẩm Th., có bằng Cao Học Toán Tin, đứng tên Chủ Cơ Sở, và phụ trách giảng dạy. Nhưng nếu công việc dạy và học của “AMI” đạt được kết quả tốt đẹp và việc điều hành trôi chảy thì, cùng với các anh Lê Thành T, Nguyễn Thanh T., Ngô Đình D., công đầu phải kể đến người bạn ấy, vô cùng vất vả trong công tác “hậu cần”. Tôi đã nhìn thấy bạn, bằng chiếc xe gắn máy Honda 78 cà tàng, mỗi ngày chạy đi chạy về Biên Hòa – Sàigòn rất nhiều lần, để tìm mua từng thiết bị máy móc phục vụ cho công việc dạy và học, vừa xử dụng tốt lại vừa có giá cả phù hợp với ngân quỹ eo hẹp lúc ban đầu của Trường AMI. Đủ thấy nhiệt tình và công sức của bạn dành cho “ AMI” là rất lớn. Cơ sở dạy Tin Học “AMI”, với ý tưởng khai sáng, lòng quyết tâm và sự kiên trì của bạn tôi, ngoài thành công nhất định là đã kịp thời phổ biến và truyền đạt một môn học rất cần thiết cho xã hội, còn một thành công nữa mà tôi nghĩ rất đáng trân trọng, là: Sau nhiều năm rời ghế nhà trường NQ, sau những biến cố khốc liệt của đất nước, những người thành lập AMI vẫn giữ nguyên tình bạn thắm thiết ngày xưa ở Ngô Quyền, đồng lòng và cùng một ý chí chung, đem hết tâm sức làm việc hữu ích cho đời…

Chu Mai, Quý Hương, Nguyễn Liễu, Phạm Sơn Danh, Tô Anh Tuấn

Mùa Hè 68 rồi cũng sắp trôi qua, ngày tựu trường đã gần kề, mà tôi vẫn còn phân vân bất quyết việc có về Sài Gòn đi học hay không?... Cùng lúc ấy, Chị Cả tôi đang làm việc tại một Chi Nhánh Ngân Hàng ở Biên Hòa, được chuyển về Ngân Hàng Hội Sở ở phố Hàm Nghi Sài Gòn. Anh trai tôi khuyên : “Chỉ còn một năm nữa là em cũng phải về Sài Gòn học Đại Học, vậy nhân dịp có Chị Hai chuyển nhiệm sở, em nên về Sài gòn học năm Đệ Nhất đi, làm quen trước với không khí Thủ Đô, để khi vào Đại Học khỏi bỡ ngỡ. Việc ăn ở, đã có Chị lo“. Lời khuyên của anh trai cũng là lời quyết định. Thế là, tôi khăn gói theo Chị về Sài Gòn vào những ngày đầu năm Đệ Nhất, bùi ngùi ngoảnh lại nhìn dòng nước sông Đồng lặng lờ trôi dưới bốn nhịp Cầu Gành. Hai chị em cùng ở trên một căn gác trọ, phố Nguyễn Hoàng, đối diện với Nhà Máy Thuốc Lá MIC, gần Quán Phở “NGUYỄN HOÀNG“. Nhà nằm ở khoảng giữa hai trường Pétrus KÝ và CHU VĂN AN, đi đến trường nào cũng đều gần và thuận tiện như nhau. Ngày khai giảng, tôi vào trường Chu Văn An trước. Ở đó, học sinh đa phần là người Bắc. Tôi đến trường này được hơn một tuần, mới học Thầy Đinh Đức Mậu, thày Đàm Quang Hưng, mỗi Thày chỉ đúng được hai tiết đầu tiên. Sau, tôi chọn học ở trường Pétrus Ký, học sinh toàn là người Nam như tôi. Đúng là một ngôi trường có truyền thống tốt đẹp lâu đời, mọi việc dạy và học đều rất quy củ, tiện nghi. Ở đây, tôi được học môn Toán với Thày Giám Học CAM DUY LỄ. Buổi tối, tôi đi học thêm Pháp Văn ở Centre Culturel Francais trên đường Đồn Đất, gần Bệnh Viện GRALL.

Thế nhưng, bạn ơi, tôi nhớ Ngô Quyền quá! Nhớ Biên Hòa vô hạn! Vì vậy, chỉ sau hơn một tháng học ở Pétrus, tôi phải năn nỉ Chị Cả và anh trai về xin cùng Ba Má cho phép tôi được trở về học lại ở Ngô Quyền. Thầy Hiệu Trưởng trường Ngô Quyền (Thầy PHẠM ĐỨC BẢO) không hề trách móc tôi điều gì, rất vui vẻ chấp thuận cho tôi trở về Trường. Mãi mãi tôi ghi nhớ lòng khoan dung độ lượng của Thầy. Sau này, được biết Thầy cũng mở rộng vòng tay tiếp nhận anh Diệp Cẩm Th. về dạy Ngô Quyền khi anh Th. đã hết thời hạn quyền ưu tiên chọn nhiệm sở, tôi lại càng thấu hiểu tấm lòng cao cả của Thầy PHẠM ĐỨC BẢO, một nhà giáo luôn luôn chú trọng việc xử dụng và “trồng người” có tài năng.

Tôi trở lại trường, nhìn mặt điểm danh từng người bạn thân mến, mà trong lòng cảm động muốn khóc. Như trên tôi đã nói, trong mùa Hè qua, chúng tôi đã có thêm nhiều bạn mới trong nhóm. Thế nhưng, có bạn vừa đến, lại cũng có bạn đã rời đi .Tôi nhìn quanh quất các bạn trong lớp, trong trường mà nhớ nghĩ đến các bạn vắng mặt. Có bạn vào quân ngũ. Lại nghe có người đã đi theo “bên kia“! Một nỗi buồn sâu thẳm dấy lên trong hồn tôi, nhất là khi trong số các bạn vắng mặt ấy, có một người bạn khác phái, khác lớp, vì bạn học ở ban A, mà tôi đã quen biết và thương mến từ năm đầu học Đệ Nhị Cấp. Sau mùa Hè 1968, bạn đã giã từ bút nghiên, khoác chiến y, trở thành một trong những nữ quân nhân thông dịch viên trẻ tuổi và đầu tiên cho quân đội Mỹ tại Biên Hòa thời ấy. Khi tôi tìm đến gia đình để thăm bạn, gặp người mẹ hiền mặc chiếc áo túi bà ba trắng đang ngồi lặng lẽ ở thềm nhà. Gặp tôi, bà chỉ ngồi yên không nói, đôi mắt u buồn chỉ tay về phía chiếc tủ thờ đặt ngay chính giữa nhà. Sau cái bình hương đầy những cây chân nhang mầu đỏ, lờ mờ một khung hình lộng tấm ảnh người thiếu nữ mặc áo dài trắng, xiên xiên dọc theo đường khuy áo trên ngực là chiếc phù hiệu NGÔ QUYỀN! Tôi lặng người đứng chết điếng, cảm thấy cả bầu trời như sụp đổ… Bạn tôi đã ra đi vĩnh viễn trong một lần hành quân bằng trực thăng trên bầu trời mặt trận Chiến Khu D.

Bạn thân mến,

Thư bạn gửi cho tôi, hỏi về câu chuyện nhỏ của tôi ở Ngô Quyền ngày xưa trong bài thơ tôi viết. Thư bạn gửi đã lâu, đến nay tôi mới có dịp hồi đáp. Xin thành thật mong bạn thông cảm cho sự muộn màng của bức thư này.

Phải chăng cũng là một sự muộn màng, khi tôi trả lời bạn về một người bạn học cũ ở Ngô Quyền đã đi qua cuộc đời gần nửa thế kỷ? Và có muộn màng chăng, khi thư này dông dài kể lại những hồi tưởng, nghĩ suy từ trái tim tôi về một thời dấu yêu, đã xưa xa, dưới mái ấm ngôi trường của chúng ta? Nghĩ về nơi ấy, là nghĩ về những con người nơi ấy, có Thầy, có bạn, có những tà áo dài trắng Việt Nam tung bay trong nắng sớm hay gió chiều, đẹp tuyệt vời và vĩnh cữu, không bao giờ phôi pha theo thời gian... Có lẽ trong những năm tháng dài đã qua, có đôi khi, bạn cũng thoáng nhìn thấy hình bóng mình qua tà áo ấy? Vậy xin hãy cho phép tôi được cùng bạn, cùng tất cả bè bạn NQ trên toàn thế giới, chúng ta sẽ mãi mãi nhớ, mãi thương về một thời thanh xuân đi học dưới cùng một mái trường... Người bạn NQ trong bài thơ là ai ư? Tôi tin rằng bạn hỏi, tức là đã trả lời rồi vậy.

Thư viết không hết lời, cũng không bao giờ hết tình ý về Ngô Quyền của chúng ta. Câu trả lời không dành riêng tôi, vì Ngô Quyền nay không chỉ còn là một danh từ riêng rất trân trọng, mà đã trở thành một danh từ chung, một danh dự chung và là niềm thương nhớ đời đời của tất cả chúng ta.

Xin tạm biệt bạn và xin hẹn thư sau.

Thân mến,

NGUYỄN NGỌC XUÂN

Việt Nam – Tháng 4/2011

Thư Gởi Cô Ngọc Dung

Cô Ngọc Dung mến,

Lần trước em hứa viết cho Cô, viết thiệt dài, thì em phải giữ lời. Em nói em "mết" Cô, Cô biết tại sao hôn? Một là vì Cô không thắc mắc gì về em Ba, hai là vì Cô khen em có một câu thôi, mà câu khen thật là "chất lượng", làm em nức lòng, nức dạ vô cùng. Cái tật em kỳ lắm, ai khen em thì em yếu xìu hà, xin gì em cũng cho, còn ai đó mà chê em hả, thì em... hổng có ưa đâu.

Văn và thơ của Cô đọc thiệt là hay, mấy bài trong DSTHLTHN em đều thích, nhẹ nhàng, trong sáng, con gái như em ưa vậy. Cô lại viết bài cho Hợp Lưu, Talawas, rồi còn được đọc trên ra-dô nữa chớ. Cô làm sao mà hay vậy, thời giờ Cô thu xếp như thế nào, vừa lo cho Thầy, cho mấy em, lại còn đủ thời giờ cho văn chương? Hay là Cô cũng không có nhiều thời giờ, nhưng hể cứ đặt viết xuống là chữ chạy ra ào ào? Chẳng bù lại với em, muốn viết cái gì đó, ngồi gõ từng chữ một, mất cả hơn năm phút, mới ra được một câu cụt ngủn hà.

Bài thơ "Ở một góc đời" cô viết, em chịu bốn câu này lắm:

Ở một góc đời em nhớ quá

Những trưa biếng học, thả hồn rơi...

Theo chân mây trắng ngoài khung cửa

Bay giữa trời không... dõi bóng người

Đúng là hình ảnh tụi con gái thích mộng ưa mơ của chúng em, ngày còn ngày hai buổi cắp sách đến trường.

Em lại biết Cô là một "ca sĩ" nữa, trong bài của Thầy Vinh có viết như vậy mà. Cô hát tân nhạc hả Cô? Cô có biết ca vọng cổ hôn? Chắc Cô chỉ thích Tuấn Ngọc, Sĩ Phú, Thái Thanh hay Lệ Thu... thôi, tệ lắm cũng là Hương Lan, chớ Cô đâu có ưa Thanh Kim Huệ, Tấn Tài... như em. Sở thích mỗi người khác nhau, nhiều khi thấy gần như là đối nghịch, nhưng đâu có phải vì vậy mà không "đồng cảm" với nhau được đâu, em nói vậy Cô thấy có đúng hôn? Thì đây nè, hồi lúc mới quen nhau, ông xã em ưa nhạc trẻ híp pi, híp biếc, còn em lại chuộng vọng cổ, cải lương, vậy mà cũng... dính cứng ngắt từ đó đến giờ!

Để em kể chuyện hồi đó Cô nghe nhen.

Em thi hai lần tú tài không đậu, ở nhà lo phụ ba má chuyện vườn tược, rẫy nương. Thời gian này thiệt là sướng Cô ơi, em thích lối sống mộc mạc ở quê nhà, với hoa đồng cỏ nội, với bờ ruộng con trâu..., sống hoài như vậy em cũng chịu. Nhưng trời không chìu lòng người, một hôm má em gọi em ngồi nói chuyện. Con nè, má nghĩ lại rồi và cũng đã bàn với Dì Bảy, chuyện ruộng vườn giờ có Ba con và Chú Tư lo, má tính gởi con lên Sè Goòng với Dì Bảy, trước là trông coi mấy đứa nhỏ phụ Dì, hai là coi Dì có lo cho con ba cái chuyện học, chuyện hành thêm được chút nào hôn, chớ hoài như vầy... má thấy hổng đuợc. Cô ơi, em đâu có chịu vậy, nhưng em không thể cải lời ba má, phải đành khăn gói ra đi.

Ở Sài Gòn phồn hoa, nhộn nhịp, đèn đỏ đèn xanh, mà sao em buồn quá Cô ơi, nhất là mỗi khi đêm về, em nhớ nhà quá thôi là nhớ. Em nhớ tiếng chân con sóc nhỏ chạy sột soạt qua vườn trầu, em nhớ tiếng chim chích chòe gọi bạn, em nhớ hàng bông bụp đỏ thắm bên hông nhà và em nhớ cả tiếng ụt ịt của bầy heo nhà Cậu Năm bên cạnh. Nhớ... muốn rớt nước mắt. Nỗi nhớ này em không thể nào diển tả cho gọi là "đạt" được. Tình cảm này khắc thật sâu trong tim em. Cách nay khoảng hai mươi năm, em có đọc tập thơ " Của Mưa Gởi Nắng" của bà Trương Anh Thụy, trong đó có những bài thơ viết theo điệu Haiku của Nhật, đơn giản, mong manh, nhẹ nhàng, mà như nói lên hết tất cả nỗi nhớ nhà của em. Em chép lại vài đoạn Cô đọc nhen.

... ... ...

một vòm cây diều vi vút chim rào rạt

um tùm lá muỗi vo ve lá lao xao

một khe đá gió rì rào cành răng rắc

cá giật mình giọt sương tre vượn té nhào

tõm! độp! soạt!

(trích bài Thám Hiểm) (trích bài Tĩnh) (trích bài Thu)

... ... ...

gai níu áo chim rỉa lông gà eo óc

rễ quấn chân trên đồi trọc dế nỉ non

cỏ may đâm nhìn bầy sóc mõ khua dòn

xâm da thịt quẳng, ghẹo, chòng tranh nhỏ giọt

"ái"! chóe! tách!

(trích bài Hoang) (trích bài Vắng) (trích bài Nhạc Đêm)

Nhật Tiến viết bạt cho tập thơ này... Tôi hết sức ngạc nhiên khi được nghe những từ ngữ của Tiếng Mẹ rất mộc mạc, rất đơn sơ như "độp", "soạt", "tõm", "ái"..., những biểu tượng âm thanh rất bình dị, thông thường, nhưng đã được tác giả chuyển hóa vào thơ hết sức tự nhiên và thần tình... Vi Vút, Vo Ve, Rì Rào rồi Độp, ngần ấy âm thanh mà đặt tên cho bài là Tĩnh, thì phải là người ở quê mới cảm nhận được vẻ êm đềm, tĩnh mịch của đời sống thôn quê...

Thôi nhớ nhà bao nhiêu đó đủ rồi hén Cô, em kể tiếp chuyện đời xưa…

Dì Bảy thương em lắm, nói là coi chừng mấy đứa nhỏ dùm Dì, thiệt ra em có làm gì đâu. Dì với Dưọng có cái hãng ở quận tư mà văn phòng ở quận một. Bao nhiêu công việc chính Dượng em lo, mỗi ngày Dì ra văn phòng chừng ba, bốn tiếng đồng hồ, coi sóc và thu xếp ba cái giấy tờ, rồi dìa. Với lại nhà có hai người giúp việc, em chỉ có việc sáng sớm bảy giờ rưỡi đưa hai đứa em đi học thôi, trưa thì đã có Dì đón. Hai tuần, quen nước quen cái, Dì nói với em, Con Ba nè, tiếng Việt con học hổng xong, thôi thì bây giờ thử tiếng Tây, tiếng Mỹ coi có khá hơn hôn! Dì tính, buổi sáng con học ở Hội Việt Mỹ, buổi chiều con học ở Trung Tâm Văn Hóa Pháp, thứ hai này anh Sáu Hiếu - tài xế của Dượng em - sẽ chở con đi ghi danh! Chiều nay đi với Dì ra " Thiết Lập " may mấy cái áo dài soa Pháp, tay raglan, tướng con mặc mấy cái áo dài này, coi bộ cũng được lắm đó. Rồi thì mình ghé lại Lê Thánh Tôn, tiệm giày Dì quen, mua cho con hai đôi "sa bô" bọc da, sẳn dịp đặt đóng thêm đôi giày, để sẳn đó, khi cần thì có mà mang với người ta! Thôi... tiêu em rồi Cô ơi, lại phải cắp sách đến trường!

Qua một thời gian đi học thì em có... kép - Ông xã của em bây giờ đó. Cô ơi, nói ra nghe kỳ thấy mồ, mới quen lần đầu mà sao nó cứ... hít, cứ hút như nam châm vậy, và hình như là... định mệnh đã an bài rồi đó Cô! Mà ảnh đâu có ở chổ nào xa lắc xa lơ gì, cách nhà Dì Bảy em có mấy căn thôi. Ảnh theo dõi em hồi nào mà em đâu có biết, và trước đó, thiệt em cũng chưa thấy ảnh lần nào. Ra đường em đi ngay, nhìn thẳng... thùy mị, đoan trang hết biết, cụ Nguyễn Đình Chiểu có sống dậy cũng không thể nào chê bai hay phiền hà gì được em hết! Trong một buổi chiều ngồi ở thư viện Alliance Francaise - thư viện này thiệt bảnh nhen Cô, thiệt rộng và các bàn thiệt bự, thời đó mà máy lạnh chạy pẹc-ma-năng, mát mẻ vô cùng. Cô biết thư viện này chớ, đối diện với nhà thương Đồn Đất đó mà - coi sách và chờ giờ học, bỗng ảnh đến ngồi kế bên nói chuyện làm quen. Rồi thì... quen. Thế là cứ mỗi buổi chiều em đi học, lại gặp ảnh ở đó, hai đứa lại nói chuyện với nhau và... quen thêm! Có nhiều lần, trước giờ học, em muốn vào khuôn viên nhà thương Đồn Đất đi dạo, nhưng không dám,... sợ ảnh đến thư viện tìm em, mà... em không được gặp! Và chuyện gì xảy ra sau đó, Cô biết rồi,... yêu sao cho biết đêm dài, yêu say đắm nồng cay..., chớ còn gì nữa!

Có kép thì phải đi chơi... với kép. Em tưỏng Dì Bảy em không biết, Dì biết hết Cô ơi, và Dì lại quen thân với gia đình ảnh nữa chớ! Và lạy trời, cũng nhờ vậy mà cuối tuần em được cùng chàng dung dăng dung dẻ khắp phố, khắp phường. Em kể chuyện này nhen, có lẽ hơi khó tin nhưng có thiệt. Kép em biểu, kỳ này em phải nộp đơn thi tú tài lại, ảnh nói em học đâu có tệ,... số chưa danh đề bảng hổ thì chưa bái tổ vinh quy, giờ em ghi danh một lớp luyện thi và ảnh sẽ kềm cặp em mấy môn Toán Lý Hoá thôi - em học ban B Cô à - là đủ qua cầu rồi. Mà thiệt Cô ơi, thi xong là em biết em sẽ đậu, bài vỡ làm ngon ơ, kể cả mấy môn Pháp, Anh văn - có lẽ nhờ học thêm - đều đạt "chỉ tiêu" cả. Hình như là ... tình yêu đã làm em sáng mắt sáng lòng vậy. Qua cái kỳ thi không có trầy vi tróc vãy chút nào, em say men chiến thắng, thúc ngựa xông lên, ghi danh Đại học Khoa Học, chứng chỉ MPC, định sau đó sẽ học Vật lý Nguyên tử! Ngon mà. Thiệt ra, cái ý định ngông cuồng này em có, tại vì em nghe chàng cuả em mà các bạn anh ấy nói về Einstein với quan niệm hạt và sóng, Schrödinger lý giải tính chất của electron, thiết lập phương trình sóng mang tên ông ta và Heisenberg vớí quan điểm thực chứng về cấu trúc nguyên tử, làm em mê quá.

Thôi em không thích kể chuyện học hành nữa đâu, em thích kể chuyện... đi chơi hơn. Với lại em muốn "chứng minh" với Cô cái nhận định, đâu phải sở thích khác nhau thì không sống đời với nhau được, như em đã nói ở trên.

Mỗi thứ bảy một giờ rưỡi trưa, tụi em sáu đứa... đến hẹn lại lên. Đi chơi với kép thì phải ăn bận cho... lồng lộng vẻ thanh xuân. Có lúc em bận cái duýp mi-ni nhung màu xanh ô liu đậm, áo sơ mi lụa Pháp màu mỡ gà thiệt nhạt, thiệt sáng, lưng chít bốn lằn "ben", tay áo dài thiệt rộng, hơi phùng lên trên vai, cổ tay gài măng sết bạc có hai chữ TB, cổ áo với cái ve thiệt to. Cổ em đeo sợi dây chuyền pla-tin thiệt dài với cái mặt tròn có chữ Love thiệt bự. Em đánh nhẹ một lớp phấn hồng, màu son môi hường dịu và bóng mướt cho thêm phần... gợi cảm, chớ Cô nghĩ coi, giữa trời trưa nắng Sài Gòn mà son thiệt đậm, phấn thiệt dày thì chúng nó cười cho. Cô trợn tròn đôi mắt, hỏi em mặc mi-ni duýp? Ờ, đúng vậy đó Cô, em hổng biết sao mà sau vài tháng ở đây, mấy cái lớp phèn bám chân em, mốc thít, mốc cời, do lội ruộng, lội mương và dang nắng ở dưới quê, nó biến đâu mất tiêu, da dẻ bỗng dưng trở nên mềm mại và trắng như trứng gà bóc, Cô ơi. Mà đôi chân em cũng thon lắm Cô à - so với mấy cô người mẫu chân dài bây giờ thì còn thua chút chút - chớ nói thiệt, tụi con trai nhìn em bận duýp cũng phải nín thở, chớ chẳng chơi! Đôi khi em mới bận như vậy, thường thì em thích chơi jeans hơn, với cái T-Shirt có in hình Jimi Hendrix màu nâu đậm, tại vì mặc duýp thì phải ngồi hai chân một bên - trên chiếc xe Honda 90 của chàng - theo kiểu "nam nữ thọ thọ bất thân", kép của em khó mà bay bướm vẽ vời lạng xe trên đường phố. Bận jeans em có thể ngồi hai bên, tình tứ ôm chặt eo chàng, mặc cho chàng trổ tài yên hùng trên xa lộ. Nói vậy chớ bận jeans cho đẹp, cũng khó nhen Cô, nhờ trời cho, vòng số ba của em cũng đạt chỉ tiêu, chớ còn xẹp lép thì nhìn chẳng ra làm sao cả Cô ơi.

Điểm hẹn của tụi em là Cafeteria Rex, bàn sát quầy pha thức uống và dựa vào bức tường decorate nguyên cái hình cánh rừng vàng mùa thu của xứ nào đó ở Âu châu. Sáu đứa tụi em là anh Minh Cận với bồ ảnh là Yvonne, anh Minh Vồ cùng bạn gái Minh Trang và hai đứa em.

Có lần lấy làm lạ em hỏi, sao bạn thân của anh tên Minh không vậy? Ảnh nói, sao mà biết, Minh viết với bộ mịch hay là Minh viết với bộ nhật, Minh âm u tăm tối hay Minh trong sáng huy hoàng. Mặc kệ chúng, thắc mắc làm gì chuyện chữ nghĩa! Mà đâu có phải chỉ có hai thằng Minh này, còn ba thằng nữa. Để tiện việc "giao lưu", mỗi thằng đều được hay bị gán cho một cái tên phụ đề Việt ngữ, Minh Mập, Minh Bet Na va Minh Đui! Minh mập đơn giản, em hiểu rồi. Minh Bẹt Na, sao nghe tây quá vậy, gốc thực dân à, không đâu! Tên đầy đủ của nó là Minh Bẹt Cà Na. Nó thành danh là nhờ có cái đầu óc thật nhanh nhẹn và nhạy bén, còn mồm thì trơn như bôi mỡ. Việc gì xảy ra, bọn anh chưa kịp vận dụng mớ dây nhợ trong đầu để hiểu cho tỏ ngọn nguồn, nó đã tuôn ra một tràng phân tích rồi bình loạn, mà sau này kiểm chứng lại, làm thống kê thì thấy, mười phần nó nói đúng gần tới... ba phần lận. Thằng Minh Đui, em có lần gặp rồi đó, nó có đui đâu! Nó cận thị thôi, nhưng không được mang tên Minh Cận, vì nó mang số phận kẻ đến sau, đã có thằng "đăng ký" tên này rồi! Còn thằng Minh Vồ, anh không hiểu vì cái trán nó vồ mà nên danh nên phận, hay là vì cái tật khi gặp các em choai choai, thì bản tính…"vồ" của nó "hiện thực" thấy rõ. Cũng may, giờ có Minh Trang kềm kẹp nó rồi, không thì giang hồ cứ nổi sóng dài dài.

Ngồi uống nước, đấu hót, bán chuyện cở tiếng đồng hồ, tụi em phải lo cho mục kế tiếp, đi nghe nhạc. Ba cái ma-ti-nê, hip-pi à gô gô đó Cô. Thế là cả bọn lên xe, trước hết chạy qua Queen Bee Nguyễn Huệ, tổng đàn của Trường Kỳ, chạy xuống phòng trà Tự Do, đường Tự Do, nơi Tùng Giang bám trụ, lại vòng qua Nguyễn Huệ ghé Đêm Màu Hồng do Kỳ Phát làm thủ lãnh, xong thẳng tiến xuống Trần Hưng Đạo dòm vô Ritz, coi Jo Marcel hôm nay cho ai ra quân. Chổ nào vừa ý, tụi em nhào vô mua tích kê, mỗi đứa lảnh hai chai cô ca cô la ướp lạnh, ngồi nghe nhạc enjoy ba tiếng đồng hồ.

Để em ráng nhớ lại coi, hồi đó nghe nhạc nghe nhiếc ra làm sao nhen. À, cái ban nhạc đầu tiên phải kể là The Strawberry Four, sau đổi tên là The Revolution, với Đức Huy, Tuấn Ngọc, Billy Shane và Tùng Giang. Ban nhạc này khá bảnh, là ban nhạc đầu tiên được lên ti-vi quân đội Mỹ ở VN. Bài tủ của các anh này là "Sugar Sugar" ( The Archies ), lần nào trình diễn cũng được yêu cầu, và khúc giửa có đoạn eo éo, giọng anh chàng Billy Shane cất lên, là chúng nó vỗ tay ào ào, em chả biết tại sao? Tuấn Ngọc hát nhạc Mỹ nhuyễn nhừ, em chịu nhất là bài I´ ll Never Fall In Love Again và Ne Me Quitte Pas - đôi khi với lời Mỹ If You Go Away. Lúc này, trước 75, ít ai biết Đức Huy với Tuấn Ngọc lắm, vì họ đâu có hát nhạc Việt. Chỉ có Tuấn Ngọc, năm 73,74 gì đó có ra chung với Lệ Thu, Duy Trác, Khánh Ly một băng cát-sét tên là Tứ Quý, em hổng ngờ anh chàng ca sĩ này hát nhạc mình lại hay như vậy. Ban nhạc gì đó em quên tên rồi, có Trung Hành, Đức Vượng, Cao Giảng là ca sĩ chính, chuyên trị nhạc CCR, Creedence Clearwater Revival, những bài như Proud Mary, Have You Ever Seen The Rain hay Hey Tonight... bài tủ của ban này là "Venus" ( Shocking Blue ), nghe cũng đã lổ tai lắm. Ban The Dreamers của đám con bố già Phạm Duy, chán lắm Cô ơi, Thái Hiền hát " ông giăng xuống chơi..." hay Duy Quang "Thà Như Giọt Mưa" nghe đã làm sao, thì khi họ hát nhạc Mỹ, nghe lại buồn ngủ vô cùng. Ban nhạc mà em thích nhất là The Blue Jets, sau đổi tên là The Uptight của gia đình họ Lã, Thúy Hà Tú, Thúy Anh, Khánh Hà, Anh Tú. Ba anh chị em hát bè thật nhuyễn, chuyên trị nhạc The Carpenters... Close To You, Only Yesterday... và một số nhạc Pháp. Theo một tờ báo nhạc trẻ hồi đó em đọc, bộ ba này khi đi thử giọng để người ta đưa vào hát mấy cái club Mỹ, được chấm là phát âm chuẩn nhất đấy Cô. Bản nhạc Việt duy nhất mà lần nào trình diễn, Thúy Hà Tú cũng được đám choai choai bắt hát cho bằng được là liên khúc Cát Bụi Tình Xa, nghe phê lắm lắm. Ban nhạc cũng được yêu chuộng là The Enterprise, chuyên trị nhạc Santana, tiếng đàn Trung Nghĩa qua mấy bài Oye Como Va, Black Magic Woman... réo rắt chả kém gì Carlos. Đôi khi để thay đổi không khí, dẹp trống, dẹp bass, dẹp organ... Đức Huy và Thanh Tuyền bước lên sân khấu với hai cây đàn thùng ( Thanh Tuyền, con gái tài tử Đoàn Châu Mậu, chớ hổng phải Thanh Tuyền Chế Linh, nhen Cô ). Hai anh chị chơi những bài nhẹ nhàng của Simon and Garfunkel, ca khúc em thích nhất là...

Hello darkness, my old friend,

Ive come to talk with you again,

Because a vision softly creeping,

Left its seeds while I was sleeping,

And the vision that was planted in my brain

Stills remains

Within the sound of silence.

...

(The Sound Of Silence)

(Bây giờ tuổi đã hơn năm mươi mà tụi em cũng còn tình lắm Cô ơi, có những buổi tối con Nên đã đi ngủ, ảnh và em thắp ngọn nến lung linh, xách guitar ra làm văn nghệ. Và bản nhạc này của Simon and Garfukel, không lần nào tụi em không hát lại, hát để nhớ, để yêu thời mới lớn).

Mà vụ đi chơi này là tại vì em chìu chàng, chớ nói thiệt em vẫn khoái cải lương! Thì chàng cũng chìu lại. Dạ Lý Hương với Bạch Tuyết Hùng Cường, mỗi khi có tuồng mới em phải coi cho bằng được! Nhiều khi một tuồng em coi cả hai ba lần, lớp lang em thuộc hết. Dù đoàn này hát ở rạp Hưng Đạo, gần góc Nguyễn Cư Trinh - Trần Hưng Đạo, rạp Quốc Thanh của ông Tôn Ngọc Chắc với cái cư xá thiệt bự, đường Võ Tánh, gần nhà Cô Đăng Dung và Thầy Bình đó, rạp Quốc Tế sau chợ Thái Bình, hay là rạp Thủ Đô trong Chợ Lớn, đường Tổng Đốc Phương. Có khi đoàn trụ tận trong miệt Cây Gỏ, rạp Tân Bình, Hồng Liên đường Minh Phụng hay đường Hậu Giang, chàng đều chở em đi coi hết. Em nhớ trong tuồng "Yêu Người Điên", Bạch Tuyết đóng vai con một ông bán thuốc dạo, yêu chàng điên Hùng Cường... trăng trôi giữa dòng, trăng trôi chơi vơi, tim tôi bồi hồi, lòng tôi bâng khuâng... ai đó, vớt dùm trăng tôi lên... Cô bán thuốc cao đơn hoàn tán Bạch Tuyết yêu chàng điên Hùng Cường, yêu đắm, yêu say, yêu mê, yêu mệt, giống như em yêu kép em vậy, dù chàng hổng có điên chút nào hết - hay là có, khi chàng rất là can đảm... dám yêu em!!?

Ờ, mà Cô thích làm báo lắm hả Cô? Em cũng vậy. Hồi đó còn nhỏ em cũng mộng làm ký giả, ký thiệt, rồi từng bước tiến lên làm... văn sĩ! Em nhớ lần đó, đang ngồi với chàng và đám bạn ở Givral, bàn kế bên có một cô xinh ơi là xinh, đẹp ơi là đẹp, ngồi một mình với tách cà phê, em nhào qua làm quen. Qua câu chuyện, em mới biết cô ấy làm ở cái bar trên đường Tự Do này. Rồi hai chị em tâm sự cả mấy tiếng đồng hồ. Chuyện đời của cô làm em rơi nước mắt, ba đêm liền em ngồi xổ hết chữ nghĩa mình có, viết một bài hổng biết gọi là thể loại gì, mang tên "Kiều Nữ" và mang đến tòa soạn báo Tự Chủ hay Tự Cường gì đó cuả ông Trần Dạ Từ ( Cô nhớ ông này chớ, bút hiệu đó Cô ơi, tên ổng là Lê H. V., ổng có bài thơ "Thơ cũ của Nàng" được Phạm Đình Chương phổ nhạc...người đi qua đời tôi trong những chiều đông sầu...). Cô biết mà, buổi ấy báo chí mọc ra như nấm sau cơn mưa, ông bà văn sĩ, thi sĩ nào cũng có thể ra được tờ nhựt trình, đứng tên làm chủ nhiệm kiêm chủ bút, sau khi đã kiếm được ai đó - nhiều tiền, lắm bạc hay có một âm mưu ẩn ý nào đó - đứng sau lưng chi địa. Cả chục tờ báo, có tờ ra được vài chục số, có tờ ra được vài số, rồi ngủm củ đẻo. Đường Phạm Ngủ Lão là trung tâm làng báo nước ta bây giờ, chàng chở em đến và em vào một mình. Bước qua từng dưới ngổn ngang những cuộn giấy in báo và những thùng cạt-tông đựng gì đó, em leo cầu thang lên cái gác xép. Ông TDTừ ngồi đó, miệng ngậm ống bíp, mặt nhợt nhạt, rỗ hoa, dấu vết của một cơn bệnh đậu mùa hồi nào đó. Bàn bên cạnh là một anh chàng hơi đứng tuổi, ốm nhom ốm nhách, chắc là dân hít tô phe, đang gỏ lốc cốc trên cái máy đánh chữ cũ xì. Mời cô ngồi. Tôi có thể giúp cô việc gì? Em bày tỏ ý muốn của mình và chìa cái bài mà em viết. Ông ta hờ hững. Để bắt đầu làm báo, cô có thể về khu mình ở, quan sát, đầu phố cuối hẽm có chuyện gì lạ xảy ra, viết ngay một bản tin, mang thật nhanh đến đây trong ngày, chúng tôi sẽ chọn lựa, sửa đổi, cắt xén và cho lên báo! Cô ơi, thì ra ông này muốn một...thiên tài như em phải viết tin "xe cán chó, chó cán xe"! Em thất vọng, đứng dậy chào ông ta và ra về. Em không trách ông ta, vì sau này tìm hiểu, mới biết ổng khởi sự nghề làm báo của mình với những "chuyện dài nhân dân tự vệ", và ông ấy muốn em đi đúng con đường ổng đã đi.

Thật là tiếc...vài tháng sau, tờ báo này cũng phải tự ý đóng cửa. Đã nói mà, hổng có một ký giả cự phách như...em, làm sao ổng làm nên chuyện được. Trong cái vụ này có cái may ở trỏng nghen Cô, ông này mà để em mực bút tung hoành, thì chỉ vài năm sau thôi, có lẽ em đã mút mùa lệ thủy hổng ở Phan Đăng Lưu, Chí Hòa thì cũng Trảng Lớn, Hàm Tân gì đó rồi!

Không làm ký giả, nhà văn được thì em tiếp tục đi chơi, đi học và... yêu đương. Tuổi trẻ chúng em lúc đó, cơm nhà, quà...ngoài đường, cuộc đời thong dong, có gì mà quan trọng đâu.

Sài Gòn dạo đó đối với em quá đẹp quá lớn, ngoài những con đường đến trường, em không biết gì cả. Chàng của em nói, đến nay em chỉ có biết rạp Thuận Thiên ở LT, lúc có gánh cải lương về thì mở cửa hát, còn không, đôi khi chuyển qua chiếu bóng, phải không? Bây giờ anh sẽ đưa em làm một vòng các phố, qua các rạp ci-nê ở đây, để em vừa làm quen với đường xá, vừa biết một số các nơi du hí.

Sau một màn chè cháo lấy sức, tụi em bắt đầu từ đường Nguyễn Huệ. Rạp Rex, rạp này em biết mà, nhớ hồi còn nhỏ xíu, Cậu em có dẫn em từ LT lên đây coi phim Hồng Kông Lương Sơn Bá- Chúc Anh Đài. Rạp này có cái thang cuốn đầu tiên ở đất Sè Goòng, chủ nhân cho hoạt động vài năm, rồi để đó làm hàng mẫu. Lần cuối cùng em xem ở đây, phim "Bố Già", một ngày tháng tư 75. Rex còn có hai cái vệ tinh, Mini Rex A và B, một trang hoàng có vẻ tân thời, một hơi có phần cổ kính. Rạp nhỏ, chổ ngồi hạn chế, ghế bọc da và to như cái xa lông, lại còn cái bàn xếp, kéo lên để popcorn và nước uống. Dĩ nhiên giá vé dắt hơn bên Rex lớn với vài trăm chổ ngồi.

Đối diện Rex là Eden, nằm trong thương xá mang cùng tên. Eden là rạp duy nhất ở Sài Gòn có hai từng lầu và đây là điểm đặc sắc của rạp này. Ngồi trên lầu hai nhỏ xíu, nhìn màn ảnh phải cúi xuống, nhưng lại được những đôi tình nhân ưa chuộng vô cùng. Họ vào đây chắc hổng phải coi phim mà để... làm cái gì đó, nhất là ngồi hàng cuối sát tường, làm gì thì chỉ có… trời mới biết. Bởi vậy có nhiều người gọi từng này là "chuồng bồ câu" hay "chuồng chim", ai đi một mình, đừng leo lên đây...tủi thân lắm!

Trong thương xá Tax Nguyễn Huệ hồi xưa cũng có một rạp ci-nê nhỏ, nhưng giờ đã dẹp và là văn phòng của một cơ sở Mỹ nào đó. Tầng trệt của Tax có một quày giải khát, bán thức ăn nhẹ, món trứng gà lộn - vâng, trứng gà lộn chớ hổng phải hột vịt lộn, cho có vẽ văn minh hơn ở chợ Bến Thành - được truyền tụng là nhất Sài thành.

Chạy xuống Tự Do, chàng bảo em, nhà hàng ca nhạc Maxim ngày trước là rạp Majestic, kế bên khách sạn mang cùng tên.

Vòng trở lại Lê Lợi, đầu gần chợ Bến Thành là rạp Vĩnh Lợi, kế vài căn là nhà hàng tây Thanh Bạch, chổ tụi em thường ngồi ăn sáng cuối tuần. Vĩnh Lợi nổi tiếng là tổng đàn của dân PD, anh con trai nào vào rạp một mình thì coi chừng đó.

Quên, mình phải chạy lại Chợ Cũ, rạp Nam Việt đường Tôn Thất Đạm, rạp Kim Châu đường Nguyễn văn Sâm - rạp này của gia đình bà Bút Trà, chủ báo Sàigòn Mới, sau chính biến 01.11.63 bị người ta đốt phá - và rạp Cathay cuối đuờng Công Lý. Sau màn ci-nê, bụng hơi đói, ghé vào quán cháo cá nổi tiếng nhất Sài Gòn, đường Hàm Nghi, làm một tô, thì còn hơn là thượng đế...

Đối diện kem Mai Hương đường Pasteur là rạp Casino Sàigòn, em thấy không? Trong con hẻm kế rạp có đủ hàng ăn uống. Bánh cuốn ở đây danh vang bốn bể và tiệm phở Minh cũng danh bất hư truyền. Trước rạp mỗi buổi chiều có mấy chú người Tàu bán bò bía, lòng heo phá lấu ngon hết biết, và em nhìn qua góc đường bên kia, Nước Mía Viễn Đông, kế bên tiệm Mì, luôn có chai maggi chính hiệu con nai vàng trên bàn. Tiếp nhé. Đường Lê Thánh Tôn với rạp Lê Lợi, rạp này chuyên chiếu đi, chiếu lại các phim cũ, nhưng là phim hay không hà, ai lỡ dịp coi ở Rex, Đại Nam, cứ canh me ở đây...Bên kia đường, xe bánh ướt chả lụa, kèm chiếc nem chua và cái bánh tôm dòn rụm, dược dân sành ăn bình bầu là đệ nhất thủ đô.

Tới đường Gia Long, đây là rạp Long Phụng, chuyên trị những phim Ấn Độ phụ đề Việt ngữ như "Đứa con thơ trên dòng suối" hay "Sữa rừng thay sữa mẹ"... Quận một còn có rạp Diên Hồng ở Yersin và Long Duyên ở đường Hồ văn Ngà.

Mình về quận ba nhé. Đường Cao Thắng, khúc gần đầu đườngTrần Quý Cáp có rạp Capitol, xưa tên Việt Long rồi lại có lúc là Văn Hoa Sài Gòn, ở đây cũng có một rạp Mini, bắt chước Rex. Mình chạy tới nữa sẽ thấy rạp Đại Đồng Cao Thắng, để khỏi nhầm lẫn với Đại Đồng Gia Định. Em có thấy xe bò viên trước rạp không? Nhất đấy, nước dùng thật trong, trên mặt thoáng lớp dầu mè, điểm tí màu xanh của hành hương và ngò rí, thơm không thể tả. Viên thịt bò, dù thịt hay gân đều là đỉnh cao nghệ thuật ăn uống.

Ngã Bảy đây rồi, mình quẹo Phan Thanh Giản, rạp Long Vân, cũng ngày chớp bóng, tối có gánh nào về thì hát cải lương. Hồng Thập Tự đằng trước kia, đường này có rạp Olympic và cũng là trụ sở của Tiếng Chuông Vàng Thủ Đô, gánh Kim Chung. Đoạn đường Hồng.Thập Tự đối diện nhà bảo sanh Từ Dủ là trung tâm tiết canh, cháo lòng, heo gà vịt đủ cả, không dân chai lọ nào ở Sài Gòn mà không biết tiếng.

Trở lại Lê văn Duyệt nhé, em thấy trụ sở USAID không, hồi truớc là rạp Kinh Đô, cũng lớn và sang lắm. Đến góc đường Trần quý Cáp-Lê văn Duyệt là rạp Nam Quang, Chợ Đủi. Đi

xa chút nữa sẽ có những rạp như Minh Châu đường Trương Minh Giảng, Thanh Vân ở Hòa Hưng, Đại Lợi đường Thoại Ngọc Hầu, chợ Ông Tạ. Thôi nhé, mình kiếm cái gì giải khát chứ!

Tiếp, mình làm một vòng ra ngoài chơi. Đa Kao với Casino ĐaKao đường Đinh Tiên Hoàng và Văn Hoa đường Trần Quang Khải. Hàng ăn ở đây như bánh canh giò heo, bánh cuốn, bún riêu...cũng là một địa chỉ mà dân hay đớp hít đều ghi vào sổ tay. Trở lại Tân Định, rạp Kinh Thành đường Hai Bà Trưng. Qua cầu là đường Võ Di Nguy Phú Nhuận với Văn Cầm, Cẩm Vân. Đi tiếp Gia Định nhen em, Đại Đồng đường Nguyễn văn Học, Cao Đồng Hưng gần chợ Bà Chiểu và Đồng Nhị đường Lê Quang Định. Trưa nắng rồi, mình ghé qua Ánh Hồng làm một chầu bò bảy món, chiều đi tiếp nhé.

Chạy về lại khu Cống Quỳnh, chợ Thái Bình. Rạp Khải Hoàn, vị trí thật đắc địa, nằm ngay bùng binh Võ Tánh, Cống Quỳnh, Phạm Ngũ Lão, nhìn qua bên kia là viện trẻ mồ côi Dục Anh. Rạp Thanh Bình nằm sau chợ, sau này là rạp Quốc Tế với màn ảnh cong thật lớn, âm thanh surround, em có coi phim Cléopatra và phim Tora, Tora ở đây, cứ có cảm giác như là máy bay Nhật bay trên đầu mình sao đó. Rạp Thăng Long nằm cuối đường Cống Quỳnh, gần Nguyễn Cư Trinh. Đường Võ Tánh, khúc trên kia là rạp Quốc Thanh, em còn rành hơn anh nữa, rạp cải lương mà.

Quay trở lại đường Trần Hưng Đạo, đó là rạp Đại Nam, khi chưa có Rex, là rạp lớn nhất Sài Gòn. Tới chút nữa rạp Nguyễn văn Hảo, xập xệ quá hả em. Bên kia đường, rạp Hưng Đạo, em cũng rành sáu câu phải hôn. Hướng về Chợ Lớn là các rạp Oscar, Palace, nối dài thành đường Đồng Khánh, có rạp Lido, giờ đã thành một club Mỹ. Quẹo Tổng Đốc Phương, kia là rạp Thủ Đô, Đại Quang và Victory Lê Ngọc. Xem phim ở đây rồi ghé các tiệm cơm tàu, gà hấp muối ngon hơn ở...Hồng Kông nhiều!

Còn nhiều rạp ci-nê nữa ở vùng Chợ Lớn, mà mình hết thì giờ rồi. Anh kể sơ qua em nghe nhé. Này, Quốc Thái đường Trần Quốc Toản, Tân Bình đường Minh Phụng, Hồng Liên (Tân Lạc?) đường Hậu Giang, Mỹ Đô nằm ở góc đường Trần Nhân Tôn - Vĩnh Viễn, Hoàng Cung đường Triệu Quang Phục, Hào Huê đường Nguyễn Hoàng, Lệ Thanh đường Phan Phú Tiên, Rạng Đông với tên cũ là Hồng Bàng, rạp Hùng Vương nằm trên đường Pétrus Ký và bên Xóm Củi còn có rạp Phi Long...

Không biết những gì em nhớ có đúng hôn, hỏi lại ông xã em, ảnh nói quên hết rồ! Đầu óc ảnh bây giờ nghĩ gì đâu không hà, cứ hết Play Station rồi lại Nintendo với ba cái ghem này ghiếc nọ, chán quá đi. Mà thôi, em - người LT -không kể chuyện Sài Gòn nữa, không thôi quý Thầy Cô, người Sài Gòn, khóc thét lên quá! (Thiệt ra, trong phần này em muốn viết gởi Thầy Cô và các bạn từng sống ở SG trước 75, để cùng nhau nhớ lại Sài Gòn Một Thời Vang Bóng).

Trở lại chuyện tình yêu. Cô ơi, Cô có nhớ lần... đầu tiên hôn? Cô đừng nghĩ... quá xa. Ý em muốn nói là "Nụ Hôn Đầu" đó mà.

Lần đầu ta ghé môi hôn

Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang

Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng

Nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông

...

(Nụ Hôn Đầu / Trần Dạ Từ)

Em... sợ và thắc mắc vụ này lắm. Mấy đứa bạn của em, trường tình chông gai... nếm đủ, bình loạn rồi cố vấn em như sau: Những nụ hôn tình ái lần đầu, thì hít nhiều hơn hôn. Hít bằng mũi, chưa hôn bằng môi! Không có gì phải lo ngại cả!

Một lần, ngồi trong rạp Eden, trên cái "chuồng chim" mà em kể đó, kép em nói: Anh muốn hôn em! Trời, em run quá Cô ơi, hổng lẽ hổng cho, nhớ lại lời mấy đứa bạn kể, em làm gan nói. Má nè, hít nhè nhẹ thôi nghen anh!

Nhưng....

Khi thời gian như đứng im lặng

Quá điên dại ôi chiếc hôn đầu

Giữa hơi thở đê mê ngây ngất

Đắm say vị ngọt đôi môi....

(Vị Ngọt Đôi Môi / Lê Hựu Hà)

Tắt đèn. Buông màn và nói sang chuyện khác.

Ông xã em có đọc thơ trước em viết, ảnh cự nự em quá chừng. Ảnh nói em viết về vụ "chuyển hệ" đó, cái gì mà rô-bi-nê rồi lại ấm với vòi, Ba Trợn quá đi, mấy đoạn sau thì lại Ba Đía. Sao em không thêm sau cái tên Ba của em một chữ gì tương tự, nghe cho nó giống... văn sĩ một chút! Hay, có lý quá. (Ảnh có lý mà hổng có quyền nghen Cô, đời là vậy, mấy người có lý thì thường không được có quyền và ngược lại, có quyền thì không cần có lý! Cô nhớ nhen, hở ra mất quyền là chết đó Cô ơi!).

Em định thêm sau tên Ba của em là Xạo, nhưng để thêm phần "kinh dị", mờ mờ, ảo ảo, em chỉ ghi là Ba X. thôi. Ý, mà hổng được Cô ơi, người ta hiểu lầm là xxx hay xx hoặc chỉ x thôi, cũng khổ lắm! Mà đoạn ở trên em viết về chuyện hôn hít gì đó, chắc cũng là nửa x, chớ hổng ít đâu!

Hẹn Cô lần sau. Cô phải hồi âm cho em đấy nhá! Cô phải viết cho thiệt dài, kể chuyện lung tung như em vậy. Cô mà hổng viết cho em, mai mốt Cô có chuyện gì cần, kêu gọi, thì... hổng có em đâu!

NGUYỄN THỊ BA

Tháng 11 năm 2008

(Trích trong Đặc San THLT Hội Ngộ 2010)

Lễ Hội Hoa Anh Đào

Hằng năm, cứ vào cuối mùa đông, khi thời tiết bắt đầu ấm dần thì hoa anh đào nở rộ báo hiệu mùa xuân chớm sang. Cũng vào thời gian nầy, lễ hội hoa anh đào được tưng bừng tổ chức ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Thông thường, lễ hội kéo dài trong hai tuần lễ, từ khi hoa chớm nở đến lúc hoa tàn rụng đầy trên mặt đất. Đặc biệt năm nay, kỷ niệm 100 năm của vườn hoa anh đào ở thủ đô, lễ hội sẽ kéo dài năm tuần lễ, từ ngày 20 tháng 3 đến hết ngày 27 tháng 4 với rất nhiều chương trình đặc sắc để phục vụ khách thưởng ngoạn.

Thủ đô Hoa Thịnh Đốn mang vẻ đẹp yên bình với dòng sông Potomac bao bọc, có tượng đài Jefferson nổi bật bên bờ hồTidal Basin và những công viên cây xanh rải rác khắp thủ đô. Khách du lịch sẽ được thấy những cơ quan quyền lực nhất nước Mỹ, các cơ quan quốc tế cũng như những tòa đại sứ, đại diện cho các quốc gia trên thế giới có mối quan hệ với Hoa Kỳ. Mọi người sẽ ngạc nhiên vì những công trình kiến trúc ở thủ đô không có những tòa nhà chọc trời như New York hay các thành phố lớn khác, mà chỉ có những tòa nhà thấp hơn Tháp Bút. Đa số những công trình kiến trúc ở đây đều có các tầng hầm phía dưới mặt đất và nổi bật nhất là hệ thống xe điện ngầm được xây dựng đã mấy thập niên qua, để giải quyết nạn kẹt xe trên mặt đất. Bên cạnh đó là những bảo tàng viện lịch sử, quốc gia và rất nhiều tượng đài kỷ niệm để du khách đến thăm viếng. Mỗi năm, cứ vào dịp cuối tháng ba kéo dài đến giữa tháng tư, hoa anh đào lại nở rộ chung quanh bờ hồ Tidal Basin báo hiệu xuân về sau mùa đông lạnh giá.

Cách nay vừa đúng 100 năm, thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã nhận món quà quý giá 3,000 cây hoa anh đào do thủ đô Tokyo tặng, nhằm tăng tình hữu nghị giữa hai nước Mỹ - Nhật. Từ đó, người Mỹ đã chăm sóc và nhân giống cây hoa anh đào trồng khắp thủ đô Hoa Thịnh Đốn và một số thành phố khác, để hằng năm sắc hoa anh đào tràn ngập các con đường, vườn hoa, công viên, khu phố, in bóng trên mặt nước, thấp thoáng trên bầu trời xanh, hòa hương sắc cùng các loại hoa khác mỗi độ xuân về. Hoa anh đào có hai màu là màu trắng và màu hồng. Thời gian tồn tại của một đóa hoa anh đào thường kéo dài từ 7 đến 15 ngày, trung bình khoảng một tuần lễ từ lúc bắt đầu nở. Thời điểm hoa nở rộ là đẹp nhất, mới hôm trước những nụ anh đào còn e ấp trong những cành cây mà hôm sau đã bắt đầu xòe những cánh hồng phơn phớt đẹp tuyệt vời. Hoa anh đào là loại hoa xứ lạnh, cánh mỏng manh với sắc hồng lãng mạn. Đến khi hoa sắp tàn, chỉ cần một cơn gió nhẹ thoảng qua là vô số cánh hoa bay phất phới như một trận mưa phùn, rơi đầy mặt đất và trôi bềnh bồng trên mặt hồ lăn tăn gợn sóng. Tuy hoa tàn rơi khắp nơi nhưng những cánh hoa vẫn còn sắc trắng chứ không úa vàng như những loài hoa khác.

Năm 2012 là năm đánh dấu những cây hoa anh đào đầu tiên được trồng trên đất nước Hoa Kỳ được một thế kỷ. Hiện nay có khoảng gần 4,000 cây hoa anh đào được trồng bên bờ sông Potomac, xung quanh hồ Tidal Basin và quanh đài tưởng niệm Washington. Lễ hội hoa anh đào là một trong những lễ hội hoa thu hút đông khách du lịch nhất thế giới. Mỗi năm có hàng triệu du khách khắp nơi tới chiêm ngưỡng vườn hoa đào, thăm viếng những tượng đài cũng như các viện bảo tàng ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Trong lễ hội kéo dài hai tuần còn có các hoạt động thưởng thức món ăn Nhật Bản Sushi, rượu Sake, trình diễn trang phục Kimono, lễ hội đường phố, đua xe đạp quanh bờ hồ Tidal Basin.

Bản thân người viết vốn dĩ rất yêu thiên nhiên và cây cảnh nên đã có niềm mơ ước được một lần đến thủ đô vào mùa hoa anh đào để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của loài hoa vương giả. Cho tới 16 năm, sau ngày định cư ở đất Mỹ mới có cơ hội ngắm hoa anh đào, thực hiện giấc mơ từ bấy lâu nay. Đứng bên bờ hồ nhìn về phía Tháp Bút, đài tưởng niệm Washington, cao sừng sững vươn lên bầu trời rồi nhìn sang bờ bên kia là tượng đài Jefferson soi bóng dưới mặt hồ lấp lánh ánh nắng. Bao nhiêu khách nhàn du dạo bước dưới những cây anh đào dày đặc những chùm hoa trắng, hồng. Vườn đào tựa như chốn thiên thai mà Tạo hóa đã ưu ái ban tặng cho con người. Nét đẹp tuyệt vời của vườn hoa anh đào đã để lại một kỷ niệm đáng ghi nhớ:

Mùa Hoa Anh Đào

Đến Washington mùa hoa đào

Một ngày nắng đẹp gió lao xao

Hoa nở từng chùm khoe sắc thắm

Soi bóng mặt hồ đẹp biết bao!

Sừng sững uy nghi kia Tháp Bút

Đây đài Tưởng Niệm dáng cao cao

Du khách dừng chân hồn ngơ ngẩn

Lạc bước thiên thai chốn vườn đào...

(hbp)

Riêng với cựu học sinh Ngô Quyền, chúng ta có một vị cựu giáo sư Ngô Quyền đã định cư ở thành phố Fairfax, cạnh thủ đô Hoa Thịnh Đốn, đã bốn mươi năm kể từ lúc đi du học, đó là Thầy Phạm Gia Hưng. Vậy có dịp đến DC vào mùa hoa anh đào, chúng ta cũng sẽ có cơ hội đến thăm Thầy và được hướng dẫn xem lễ hội hoa anh đào. Trong những email gửi đến học trò cũ, Thầy vẫn nhắn nhủ có dịp về thủ đô thì ghé thăm Thầy với địa chỉ và số phone Thầy viết kèm theo. Đó là thứ tình cảm rất thân thương trìu mến mà Thầy luôn dành cho những học trò cũ đã cùng với Thầy một thuở Ngô Quyền.

Hãy cứ tưởng tượng có một ngày đầu mùa xuân, Thầy trò hội ngộ ở thủ đô vào mùa hoa đào, cùng bách bộ dưới những tàng cây tràn ngập những chùm hoa đào sắc hồng sắc trắng, nhắc lại chuyện xưa của hơn bốn mươi năm trước khi Thầy trò cùng dưới một mái trường. Ôi cái hình ảnh đó sao mà thân thiết và tuyệt vời biết bao! Vườn đào lại ghi thêm một kỷ niệm đáng quý của tình Thầy trò. Mong lắm thay!

Hát Bình Phương

Mùa Hoa Anh Đào

MƯA MÙA HẠ VÀ NHỮNG NGƯỜI BẠN VỢ TÔI

(Tặng Trần Hữu Phúc)

Bước xuống phi trường L.A (Los Angeles), bỏ lại sau lưng khung trời PA (Pennsylvania) sau những ngày đi và về chở trên vai những hắt hiu vui buồn cuộc sống tha hương. Ngoài kia trời nhiều mây trên thành phố thiên thần. Chúng tôi vừa bước xuống từ trên mây.

Nơi chổ quầy lấy hành lý, người em, nhà văn Hoàng Mai Đạt đã có mặt theo nụ cười hiền hậu, nụ cười mà Tuyết cho là rất dể thương. Lúc nào cũng vậy Đạt đến với vợ chồng tôi, nụ cười luôn luôn đi trước như tấm lòng đôn hậu của em.

“Cô, cô, em đây!”

Cô giáo Nguyệt Thu quay lại nhân ra người học trò cũ.

“Chừng, đó hả em!”

“Dạ! em ra đón thầy cô!”

Lạ thật! cả hơn bốn mươi năm gặp lại người cô giáo cũ thân yêu của mình. Cậu học trò nhỏ bé ngày nào, chỉ nói ra dăm lời đơn giản. Nhưng rõ ràng trong ánh mắt, vâng, trong ánh mắt ta đọc ra nhiều lời chân tình cảm xúc hơn cả ngôn ngữ của những vì sao.

Nhạc sĩ họ Trịnh viết: “Có con đường chở mưa nắng đi” Người học trò bác sĩ tên Chừng từ Canada đến LA, dìu cô giáo già qua đường, hình ảnh thật đẹp nên tôi nghĩ ngoài con đường chở mưa nắng, còn có chở thêm một thứ tình người, một chân tình Việt Nam trọng nghĩa, và một tấm lòng của học trò trung học Ngô Quyền đối với thầy cô. Một hình ảnh mang âm hưởng suốt những ngày tôi ở Cali. Những ngày hợp mặt kỷ niệm 50 năm.

Tiền hội ngộ

Đạt đưa vợ chồng tôi đến nhà anh chị Chung. Tôi đã đến đây một lần vào ba năm trước cũng trong ngày hợp mặt CHSNQBH.

Anh Kiệt chồng chị Chung cũng là rể giống tôi với Đạt, nên ngay giờ phút đầu chúng tôi thân thiện, mặc dầu dưới sự đô hộ của nữ sinh TH Ngô Quyền Biên Hòa nhiều năm, ba anh em chúng tôi vẫn hát bản “Anh không chết đâu em, anh chỉ về giúp mẹ con em!”

Gặp lại anh chị Trần Minh Tâm, chúng tôi nhớ lại thời mới gặp nhau tại tiểu bang Pennsylvana. Vợ tôi cùng anh chị Tâm Huê đã tìm nhau từ thời những bước chân buồn tị nạn đầu tiên xứ lạ. Những tâm hồn Ngô Quyền đã là những chia xẻ ngọt bùi từ phút ban đầu, Từ buổi nhìn tuyết rơi lần đầu tiên, từ buổi lên xe tiễn ai đi, chưa bao giờ buồn thế, trời mùa đông Phila suốt đời tìm nơi xa...bỏ đi!

Anh Tâm và nhà văn Kim Vy không thích... tuyết nên bỏ đi, dù tâm hồn vẫn ở lại cùng bạn cho đến bây giờ.

Cám ơn anh chị Chung, Kiệt, những người bạn có tấm lòng Ngô Quyền rất lớn. Trong ngày tiền hội ngộ anh chị đã góp không biết bao nhiêu nụ cười của thầy cô và bạn hữu chung nhau trải hồn mình ra, gom lại, thành những món ăn đầy tình tự, yêu thương.

Ngày hội ngộ

Những rộn rã vui mừng trong ngày hợp mặt sẽ trở thành những kỷ niệm khó quên, như một lần “Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa” Những vòng tay ôm, những ân cần, những hạnh phúc ngạc nhiên lâu ngày gặp lại từ bạn hữu. Xa từ những vòng xoay trái đất , tấm lòng cựu học sinh trường Ngô Quyền và Thầy Cô như một hội tụ hiện hữu trong đời sống có thật, như hơi thở của một thành phố thật xa quê nhưng nghe như gần gủi từ những trái tim cùng một nhịp đập ấm áp tình người.

Hollywood Studio.

Buổi sáng, những giọt sương chưa đủ tan theo ánh sáng. Thành phố như còn ngái ngủ. Chuyến đi tour của anh chị em CHSTHNQ khởi hành. “Chiều nay em ra phố về, thấy đời mình là những chuyến xe” Chuyến xe của giòng nhạc họ Trịnh buồn bao nhiêu thì chuyến xe đi Hollywood Studio của anh chị em CHSTHNQ vui biết bao. Tiếng cười trẻ thơ tưởng như lâu rồi bị đánh mất, nào ngờ lại cất lên rộn rã trên xe buýt. Những tiếng mày mày, tao tao tưởng chừng như không còn trong đời sống hằng ngày lại vang vang rộn rã hôm nay. Những điều mơ ước lúc gôm tiền mua vé số: Khi trúng sẽ xây một làng Ngô Quyền.

Lời anh Tô Anh Tuấn, ghi theo trí nhớ đại khái:

“Tui nghĩ mình sẽ xây một khu cao ốc thật lớn, nhiều tầng; trên để chs Ngô Quyền ở, từng dưới là shopping hàng quán. Mình có đã bác sĩ khám bịnh miễn phí, có đủ mọi ngành nghề....! Mà chỉ có chs Ngô Quyền mới được vào ở à nha”.

Thế là mỗi người một ý, náo loạn nước Mỹ. Niềm ước mơ nào mà không phong phú tuyệt vời. Nhưng nếu bạn không có một tâm tình yêu thương, thì nào ta làm gì có những hương vị ngây ngất như hôm nay.

Số thì không trúng! Nhưng những người anh như: Anh Xương, anh Tuấn, dẫn đầu đoàn người vào tham quan kỷ nghệ phim ảnh của người Mỹ thật vĩ đại, đã để lại bao ấn tượng cho thầy cô và anh chị em, nhưng ấn tượng lớn lao nhất là những giờ chúng ta có với nhau ngày hôm nay, như anh Trần Hữu Phúc đã nói với tôi.

Buổi tối trở về tìm những quán ăn. “Chiều nay em ra phố về, thấy đời mình là những quán không” Quán không thì buồn vô cùng .Nhưng nơi đây quán nào cũng đông khách. Anh Xương nói với chúng tôi: : “Không ai nghĩ gì cả, tôi lo hết” Không phải vì anh trả chi phí cho bửa ăn đông người, nhưng tôi biết ngay từ đầu gặp anh, một người anh như anh Xương quả thật là một người anh xứng đáng trong tấm lòng trung hậu của chsTHNQ. Xin cám ơn anh.

Las Vegas và Grand Cayon

Vào một hành trình xa, băng qua sa mạc, băng qua những cánh đồng khô bát ngát, băng qua những núi đồi chập chùng, băng qua những thị trấn nhỏ tưởng chừng trong huyền thoại phim ảnh người Mỹ. Chuyến xe cũng rộn rã tiếng cười vang. Chuyến đi tour đến xứ cờ bạc nổi tiếng và đại vực Grand Canyon vĩ đại. Trạm nghĩ đầu tiên tại một thị trấn có Shopping chấm dứt, bắt đầu ra xe đi tiếp:

Anh Tuấn hỏi mọi người trước khi xe rời bánh:

“Còn lạc ai chưa lên xe không?!”

Mọi người lao xao bàn tán, bỗng có người la lên:

“Còn! Chị Tuyết... vâng bà bác sĩ Tuyết!”

Chuyến xe phải chờ, mọi người xuống đi tìm trẻ lạc. 10 phút sau, bà bác sĩ từ Cannada khệ nệ xuất hiện, trên tay cầm một số hàng mua... nhưng toàn là… Bóp (ví xách tay) với nụ cười rất ư thân thiện.

Trong đời người, nhiều khi bây giờ là những kỷ niệm đẹp cho mai sau

Từ Đức Quốc; anh Trần Hữu Phúc qua dư đại hội. Nói chuyện với anh, tôi nhìn trong anh có tình thầy cô, huynh đệ rất lớn. Xa quê từ thuở mới lớn ra khỏi Trung học Ngô Quyền Biên Hòa đi du học Đức. Từ bao nhiêu năm khi trở lại anh vẫn là cậu học trò Ngô Quyền. Anh sống, anh thở, anh cười, anh nói, trong những ngày đi tour tôi nhìn thấy anh và tôi nhìn thấy những may mắn của trường Trung Học Ngô Quyền Biên Hòa, có anh, như có anh Ngãi, anh chị Tuấn, anh Vân, anh Phẩm, anh Minh, anh Xương, anh Phước, chị Mỹ, chị Chung, chị Huệ, Tưởng Dung và nhiều người khác v...v. Những buổi văn nghệ trên xe buýt, những câu hát giọng hò và nhất là những câu đố về truyện chưởng Kim Dung không ai giải đáp được, đều mang những dấu ấn đẹp theo cuộc đời nhiều bụi bặm nầy.

“Mưa! Mưa! Mưa! Chạy!”

Cơn mưa mùa hạ trên thành đại vực Grand Cayon, những bước chân hôí hả chạy vào nhà tạm trú. Trời bỗng nhiên lạnh! Những cánh tay ôm nhau giử hơi ấm. Những bước nhảy luân khơi của chị Nga từ Chicago, những nồng nàn tình bạn, những nụ cười hiền hậu Thầy Cô. Tôi nghĩ, từ những bao tỷ năm, lòng đại vực Cayon. Cũng như tấm lòng của người Da Đỏ không còn hiện hữu nơi đây “Những người muôn năm cũ, Hồn ở đâu bao giờ?” chắc cũng một lòng ưu ái cho những Tấm Lòng Ngô Quyền.

“Đêm bây giờ đêm quá âu lo, ôi con người mang trái tim khô!”

Không, đêm của thành phố cờ bạc Las Vegas đầy người và người. Chỉ lo thua bạc. Tiếng Việt được gọi nhau ơi ới cho những trái tim Ngô Quyền nồng cháy tìm nhau sợ bị ... lạc. Ngồi trên lề đường như những kẻ tị nạn chờ chuyến xe khuya trở về khách sạn. Những người khách da trắng, da đen, da nâu, cười hiền nhìm đám người Á Châu cười nói huyên thuyên. Đêm thật sự đã khuya, ánh sáng đèn màu vẫn nhấp nha vô số kể. Chuyến xe trở về nhộn nhịp nhưng trong lòng bạn hữu vẫn còn những niềm vui đã qua.

Chuyến xe dừng lại phố Little SàiGòn. Lòng mỗi người chở theo mỗi hoài cảm đi qua. Rồi ngày mai nào ai cũng phải... chia tay.

Phỏng Vấn nhẹ:

Này chị Đặng Thị Bạch Tuyết (Bác sĩ từ Canada)

“Chị có cảm nghỉ gì khi chị về dự đại hội?”

“Tui hả, có gì đâu! Chỉ có con bạn lâu năm gặp lại, nó ôm tui cứng ngắt làm tui muốn... khóc!”

Vâng! Có gì đâu! Những chân tình thật thà có ai lại nói nhiều bao giờ. Chỉ những giọt nước mắt mới có thể giải đáp những u uẩn lòng người.

Thưa cô Trí, còn cảm nghĩ của cô?

“Tui à! thiệt là tuyệt vời. Tui chỉ mong gặp lại các trò mỗi năm. Sau năm 1975, tui có đi dạy trường khác đó chứ... nhưng không có trường nào bằng trường Trung Học Ngô Quyền... nơi tui thương yêu cho đến ngày hôm nay! Thầy Cô sau năm 1975 đều khó khăn...với chính quyền mới... nhưng làm thầy cô phải biết hy sinh và tha thứ!”

Tạm Biệt

Trên chuyến bay trở lại Philadelphia. Tôi ngồi hồi tưởng những giờ tại nhà anh chị Tô Anh Tuấn:

“Em đêm cho anh một đóa Quỳnh,

Quỳnh thơm như môi em thơm”

Vâng, khuya Quỳnh nở, không phải một mà rất nhiều hoa. Những người bạn ngồi lại đàn hát cho nhau nghe bên cạnh mùi quỳnh hương thoang thoảng.

“Khơi lại chút tàn hong kỷ niệm

Khi hoàng hôn nhạt ý hoài xuân”

Bài viết của cháu Tô Nguyễn Đăng Khoa nhắc về kỷ niệm trong hiện tại lúc 3 giờ khuya. Và cháu nhìn những tâm hồn trẻ trong chân dung “thật... già nua” của bạn cha mẹ. Và cháu hiểu “Những người lớn đã từng là trẻ con, nhưng hầu như tất cả chúng ta đều quên đi điều đó”

Cháu ạ! Mỗi ai trong chúng ta đều có một tâm hồn trẻ nít. Hãy một lần quên đi những chua ngoa, những lưa lọc, những bôi bác, những cám dỗ, những nhọc nhằn cơm áo, những thủ đoạn, những thử thách hơn thua, là chúng ta trở thành trẻ nhỏ.Và chúng ta không quên, vì cháu nói kỷ niệm có thể cứu rỗi một linh hồn. Cám ơn cháu, những thế hệ trẻ tiếp nối vẫn còn những tâm hồn bao la phong phú, khi cháu nghĩ: “Kỷ niệm của cuộc hội ngộ trùng phùng năm nay sẽ kết tụ lại trong ký ức của mỗi ngưởi như những viên sỏi đá sỏi lớn. Đá nằm yên trong kỷ niệm cho ta cảm niệm mơ hồ về cõi trời miên viễn, vượt ngoài thời gian và vô thường”

Tuổi trẻ nghĩ như vậy!

Còn chúng ta thì sao?!!

Cuối

Giữa Hai Mùa Mưa Nắng. Này Hoàng Mai Đạt..

Cám ơn những lòng tốt của em.

Đã.

Cho anh chị những ngày ưu ái, chăm sóc.

Trong nụ cười đôn hậu

Và, như những trang giấy em viết nhân hậu gởi tới cho nhân gian đọc... chơi.

Ở chỗ “Nhân gian có thể hiểu”

Cám ơn

Võ Đình Tuyết

Mùa Thu Năm 2006

Hatfield.,PA

Quê Nhà

Quê Hiệp ở Cù Lao, Biên Hòa. Quê vợ hắn ở Long Vĩnh, Vĩnh Bình, bây giờ gọi là Trà Vinh. Thật tình Hiệp không biết nhiều về quê hương Biên Hòa của mình vì tuổi nhỏ của hắn được lang thang theo bước chân công vụ của người cha, đến khi vừa đủ lớn trở về thì lại quay quắt với việc học hành ở Sài Gòn, và cuối cùng, lúc vừa biết thế nào là quê nhà thì cũng vừa tình nguyện đi làm lính. Ra trường được 2 năm, nước mất, Hiệp vào tù, như mọi người. Sáu năm sau, được thả, gia đình cha mẹ đã bị đưa đi kinh tế mới Xuyên Mộc, Đồng Nai, Hiệp đành về ở quê vợ.

Hắn là con trai trưởng trong nhà, gọi theo miền nam là thứ hai. Như vậy rõ ràng hắn phải là Hai Hiệp nhưng không hiểu tại sao già trẻ lớn bé nơi quê vợ đều gọi hắn là Năm! Dượng Năm, Chú Năm, Anh Năm… A, vợ hắn có cái tên cúng cơm rất dễ chịu là Huỳnh Thị Bé Năm, chắc họ tưởng cô nàng thứ năm nên gọi theo thứ của vợ? Mà cũng không được, hết cái làng nhỏ xíu này, đầu trên xóm dưới ai cũng có dây mơ rễ má với nhau, không bà con gần thì cũng họ hàng xa (dĩ nhiên cũng có một mớ bà con đầu ông trời), chẳng lẽ người ta không biết vợ hắn là đứa con cu ky của ông bà Năm Cầm? A, hay là chơi theo kiểu cá kèo một lứa đây? Ông bà già vợ thứ Năm, con vợ tên là Năm vậy thì dện cho thằng rể một cái thứ Năm cho êm? Để rồi tự nhiên hắn trở thành Năm Hiệp một cách vui vẻ, thỏa thuận. Bằng chứng là không bao giờ nghe ai đó kêu Dượng Năm, Anh Năm…mà hắn lại tưởng họ đang gọi một tay nào đó không phải là mình.

Quê vợ Năm Hiệp nghèo lắm và tăm tối lắm. Kinh rạch chằng chịt khắp nơi, rừng cây mắm, cây giá, chà là, dừa nước chập chùng. Nhà cửa sơ sài rải rác bám theo con lộ đất duy nhất chạy dài xuống mé biển âm u. Đó là gân đất nổi, gọi là giồng, dài và mỏng như một ngón tay ốm. Xa con lộ hơn 2 công đất là đất thấp, nước mặn xâm xấp với đủ các loại cây hoang. Muỗi mòng xụp tối đã bắt đầu xôn xao dậy ổ. Đầu làng cuối xóm hun khói đuổi muỗi mịt mù. Có nhà hun bằng con cúi rơm. Có nhà hun bằng phân bò, mùi khói hăng hăng nhưng sao thân thiết lạ.

Túng nghề kiếm sống, ngoài nghề làm mướn bá nạp, vợ chồng Năm Hiệp mở tiệm bán quán. Nói nghe ghê gớm, thật ra cũng vẫn cái chòi lá đang ở, rọc cửa sổ dài thêm ra, kê thêm sát cửa sổ đó một miếng ván cũ đặt trên bốn nống cây chà là chôn dưới đất. Và chỉ vớ vẫn không hơn mươi món hàng. Nếu cần kể ra chi tiết thì đây là những món hàng ấy: mía chặt khúc, đường cát, bột ngọt, dầu lửa, hành, tỏi, nước tương, bánh, kẹo, thuốc hút, rượu đế. Hết! Đường, bột ngọt, bánh thì bỏ vào bọc mủ, hàn miệng, treo lỏng nhỏng phía trong cửa sổ mà biết bao lần những con mắt trẻ nhỏ đứng ngoài thèm khát nhìn vào. Để cho ai đó chợt nhớ thầm về một thời thơ ấu no đủ, cưng chìu của mình, và đôi lần ngăn không được nỗi xót xa, Năm Hiệp đã lén vợ cho mỗi đứa một cái bánh.

Những hôm đó, hắn tự an ủi rằng đi buôn bữa lỗ, bữa lời thì cứ coi như là bữa lỗ, có sao đâu! Mà thật ra lời lóm gì với không hơn mươi món hàng như thế. Cứ chịu khó ngồi tính nhẩm, tối đa một món lời 1 đồng thì sẽ lời được bao nhiêu?! Khách hàng quanh đi quẩn lại cũng chừng đó khuôn mặt xóm chòm. Năm khi mười thì mới có một tay đi ngang ghé mua vài điếu thuốc lẻ. Thấy con Ba Liêm thấp thoáng đầu ruộng, ở đây mẹ con đã sẳn sàng dầu lửa, chai đong. Thấy con Bảy Nó rề rề đi tới thì chắc mẻm là mua mỡ nước và vài viên kẹo công lao. Có lần mẹ nó chạy tới mắng vốn - bán gì mà mắc quá vậy, 200 đồng mỡ chỉ có chút xíu đây sao? Hỏi tới hỏi lui, hóa ra con nhỏ vừa cầm về vừa uống. Còn chút xíu đó là may rồi! Còn khách rượu thì cũng lòng vòng mấy ông anh em bà con, xa gần có đủ. Quán vốn nhỏ nhoi mà mấy cha thì quen tay ghi sổ, trả chậm mua nhanh. Thỉnh thoảng xỉn quá nên quên, nói quán ăn gian ghi thêm ghi bớt, rồi cãi lộn mà trừ! Chán quá, Năm Hiệp nói, thôi dẹp mẹ nó đi cho khỏe. Bé Năm thì kiên nhẫn có thừa. Có lẽ sáu năm nuôi chồng ở tù Cộng Sản đã dạy cho cô nữ sinh thơ ngây ngày nào trở thành một người đàn bà quán xuyến và cam chịu mọi điều. Nàng nói:

-Ráng bán bậy bạ để khỏi mua bột ngọt, dầu lửa vậy mà! Anh chịu khó đi làm mướn như mọi ngày còn quán để cho mẹ con em, từ từ rồi tính.

Tôi nghĩ như vậy cũng ổn rồi. Bán mà như không bán thì cũng được cái vui nhà vui cửa. Nhất là cho bé út Tường Vi, đứa con cầu con khẩn, mới biết bò, thỉnh thoảng vớ được nguyên cái bánh in nhai nhả lung tung!

Ở ấp kế bên có nhà chú Chín Dứt. Người con thứ hai học ở Cần Thơ, không biết nghiên cứu ở đâu trở về khai trương nghề làm bia chai. Bia không tên, không nhản, chỉ là một chất nước màu vàng đựng trong vỏ bia thiệt mua từ những chành ve chai ở trên thị xã. Uống vào không đâu ra đâu nhưng nhậu một hồi cũng có tay quay mòng, quậy dữ. Mọi người gọi là bia khùng. Bia được chế biến ẩu tả hay bia làm bợm nhậu khùng điên, nghĩa nào cũng được. Nhờ những mống ham vui, thích lạ nên bia khùng cũng phổ biến một thời. Quán nghèo Năm Hiệp từ đó có thêm món mới. Và cũng từ đó, khách rượu ghi chịu nhiều hơn, cãi lộn trừ nợ nhiều hơn. Rồi sập tiệm! Rất êm đềm, không thương tiếc gì cái ngử đó.

Dòng họ, bà con ở kế kế nhau. Sát một bên hướng mặt trời mọc là nhà Mợ Chín. Cậu Chín đã hy sinh lúc làm Xã Trưởng thời Việt Nam Cộng Hòa. Ngày đó Hiệp là tên Thiếu Úy mới ra trường, cậu Chín chưa là cậu vợ. Bởi không biết uống, Hiệp ngây thơ dứt khoát từ chối ly rượu mời nên ông Xã Trưởng hiểu lầm anh chàng này phách lối, giận không thèm nhìn mặt một thời gian. Đến khi hai bên vừa thông cảm nhau thì ông mất. Và không ngờ, sau này ông trở thành cậu vợ dù đã không còn. Mợ Chín ở với đám con. Lần lần, đám con lấy vợ, theo chồng tứ tán khắp nơi. Cuối cùng, Mợ ở với thằng con út, Út Làng. Mợ khóc lên khóc xuống vì ông quý tử này. Làm biếng như tinh, ăn nhậu quá siêng. Ngày Út Làng mới lớn, Mợ cho lên Tây Ninh học nghề thợ mộc với người anh rể. Được gần một tháng, Út trồi đầu về, ốm nhom. Mợ xót xa thương thằng con học hành cưa, bào, đục, đẻo cực khổ nơi xứ lạ quê người. Hỏi làm được gì rồi? Út nói tỉnh bơ, mắc nhậu xuyên suốt nên làm gì được! Đến bây giờ, Út cũng không khá hơn. Chỉ có cái bụng thì càng ngày càng lớn và da dẻ thì càng ngày càng xanh mét ra. Chắc Út đang tiếc không học cách đóng quan tài cho đẹp để hy vọng bỏ công ăn học chuyến này.

Cách nhà Mợ Chín một đỗi là nhà Ngọc Anh. Anh chàng này thời Việt Nam Cộng Hòa đi lính quân dịch. Bây giờ đánh bạc tối ngày. Gặp những hôm sòng bài bị động ổ, anh chàng ở không, qua nhà Năm Hiệp uống trà, nói chuyện trời trăng. Hỏi, sao không ráng cho sắp nhỏ đi học? Anh chàng đáp:

-Tui cũng học vậy! Lớp 12 trường Bồ Đề, Trà Vinh, chớ bỏ sao! Nhưng học rồi, được cái gì? Hồi xưa, sĩ quan hay lính lác gì cũng đưa lưng trâu cho mấy thằng tướng, tá làm giàu, mình bỏ xác đầy đồng, què chân cụt tay, có ai thương không? Đến khi thua trận, đến thằng tổng thống còn ôm tiền dông trước thì nói chi đến đám tướng lãnh ăn theo. Tui nhờ đem cái bằng vất đi, trốn lính rồi bị bắt quân dịch nên không bị ở tù. Bây giờ, có học cũng không qua nỗi cái cửa lý lịch, bè đảng. Nghĩ đời thấy chán, học để làm gì. Bài vở, thầy cô, bận bịu suốt mười mấy năm trời, sao không nhởn nhơ như cỏ cây, đách thèm học gì hết, có ai chết vì ngu đâu?

Thì ra vì thế Ngọc Anh chán đời mới đi đánh bạc! Vợ con đùm túm nheo nhóc nuôi nhau. Hai đứa con trai, tên nghe mắc cở, thằng Cu và thằng C., nhưng hiếu thảo vô cùng, suốt ngày lặn lội đầu mương cuối bãi chài tép, câu cua về cho mẹ bán. Tư Ngọt, người mẹ, ốm cao lỏng khỏng như con cò. Có lần Tư Ngọt và Bé Năm trong mùa lúa đổ, mỗi người đều nuôi một bầy vịt con khoảng hơn hai chục. Một đêm, bầy vịt của Bé Năm không tự ên về nhà như mọi khi. Quanh khu này chỉ có hai người này nuôi nên Bé Năm chạy qua nhà Tư Ngọt tìm vịt. Mẹ con Tư Ngọt khăng khăng không biết, không có, không thấy. Vịt con giống hệt như nhau, Bé Năm đành bó bụng chạy về. Suy nghĩ một hồi, cô nàng chạy lên vấn kế cậu Ba Dùng, một tay nuôi vịt mà nên nhà nên cửa. Ba Dùng cười sằng sặc:

-Có gì đâu, ngày mai mầy ráng giữ không cho nó lùa về chuồng. Về chuồng nó cho ăn, vịt no không thèm về nhà kiếm bữa ăn thêm đâu.

Sáng hôm sau, Bé Năm và thằng con lớn thay phiên nhau canh chừng bầy vịt đang lăng xăng dưới ruộng. Cứ thấy bóng thằng Cu, thằng C. đứng trên bờ ruộng thì mẹ con vội vã chạy ra, sẳn sàng. Ai dè hai ông nhỏ chỉ đứng dòm coi bầy vịt ở đâu rồi đi trở vô. Qua xế chiều, bầy vịt tự nhiên đi hết lên lộ cái, láo nháo một chặp rồi tẽ làm hai, bầy nào về nhà nấy. Bầy về nhà Bé Năm lại dẫn thêm một em vịt đèo lù khù lờ khờ của nhà Tư Ngọt. Tức khắc, thằng Cu chạy qua, nói:

-Má con biểu qua coi có lộn vịt bên cô Năm không.

Bé Năm bắt con vịt đèo trả cho nó. Không bao lâu, thằng Cu lại xách vịt chạy qua:

-Má con nói không phải con này, vịt của con mập hơn.

Bé Năm bực mình, kêu Tư Ngọt qua, nói rằng:

-Hôm qua cả một bầy mợ mầy không biết con nào của mình nên không thấy bầy vịt của tui nhập bầy trong đó, vậy hôm nay tại sao lại biết rành con ốm, con mập? Hay là muốn tui đem chuyện này nói cho xóm làng mỗi người nghe một chút?

Mẹ con Tư Ngọt cứng họng, xách vịt trở về. Năm Hiệp an ủi vài câu cho Ngọt bớt ngượng. Tội nghiệp, chỉ vì dân quê ít học đó thôi. Ít lâu sau, Ngọt trổ bịnh lao. Nhưng quyết chí nằm chịu vì...sợ nhà thương, sợ uống thuốc! Cuối cùng, chịu không nỗi, chết tươi. Ngọc Anh về sau rững mỡ, cưới một chị lỡ thời trong xóm, làm đám cưới đàng hoàng, rình rang. Có kêu thợ chụp hình. Ngồi ôm nhau dưới bụi cây ven đường cho thợ chụp lấy hình kỷ niệm. Lo cười cho tươi, lo ôm cho gọn đến hồi nhảy dựng, moi móc lung tung mới hay là đã ngồi ngay trên ổ kiến lửa! Có điều ly kỳ, từ đó Ngọc Anh bỏ đánh bài, chí thú làm ăn. Và nâng niu bà vợ mới.

Năm Hiệp vẫn tưởng là tên cô thân độc nhất nơi xứ vợ, không ngờ cũng có dượng Năm Úc làm bạn cùng xuồng. Quê dượng ở đâu đó bên Bến Tre. Những hôm trời lạnh, mưa phùn, dượng ngồi trong chòi uống trà, hút thuốc, đôi mắt mờ đục u buồn. Dượng nói nhớ quê, mấy chục năm rồi không trở lại. Không hiểu vì sao ngày đó dượng lưu lạc đến nơi này để rồi phải bó chân như vậy. Chỉ biết vợ con của dượng không lo lắng, săn sóc dượng đầy đủ, đàng hoàng. Nghe nói hồi còn trẻ, dì Năm hổn hào, chửi rủa chồng suốt ngày. Tức mình, dượng lập kế chèo xuồng đưa vợ đến một khúc mương vắng rồi đập cho một trận quá tay. Đã vậy còn hăm vụt vợ xuống sông cho chết. Bà vợ kẹt cứng trên xuồng, không có đường chạy phải lạy xin tha. Có phải từ đó đã bắt đầu một mối hận thù? Hay là duyên số an bài như thế? Dượng ở luôn trong chòi giữ xà ngôm giữa đồng, ăn uống tự nấu lấy, mỗi ngày dầm mưa dãi nắng bồi thố ruộng tôm không cho lở, mội. Đến con nước có tôm, có cua, dượng đem về cho vợ con bán lấy tiền. Cực khổ và thiếu thốn nên dượng ốm nhom như con khỉ già. Dì Năm Úc tối ngày đem bánh trái, cơm nước cho mấy ông thầy chùa. Mấy người con ra riêng từ lâu, năm khi mười thì về thăm giây lát rồi đi, không để tâm chuyện cực khổ của cha.

Còn ở trong nhà là cô con út, tuổi vừa trăng tròn. Dì Năm lo xa, đôn đáo tìm rể vì sợ cô út ế chồng. Thấy anh chàng con nhà chú Chín Dứt bỏ bia khùng cho các quán mỗi ngày chạy xe đạp chở bia qua lại, vừa đẹp trai, vừa lo làm ăn, vừa mới ly dị xong, dì Năm bỏ công vài bữa cuốc bộ bốn, năm cây số đến nhà chú Chín cho này, cho kia, nói kia, nói nọ. Dĩ nhiên là tiền mất tật mang, không ăn thua gì. Lúc đó lại có một tay thợ hồ ở quận khác, Cầu Ngang, xuống làm mướn, thấy rồi thương, xin cưới cô út. Dì Năm chê hắn nghèo, không chịu. Cuối cùng, theo lời mai mối, gả về làm dâu nhà tên cán bộ huyện nào đó đã về hưu. Tưởng ấm êm phận gái, ai ngờ gặp chỗ cũng ngang ngữa với tay thợ hồ. Thì ra chỉ có cái mã. Nên cô út xác xơ như giẻ rách, vài tháng chạy về khóc lóc, thở than với mẹ. Dì Năm buồn lòng, đi chùa thường hơn. Rồi một ngày, thằng nhỏ đi chài chạy vào mếu máo cho hay dượng Năm nằm chết lạnh ngoài chòi. Năm Hiệp đứt từng khúc ruột dù thật sự chỉ là người dưng. Nơi này không đãi ngộ dượng thì cũng đành thôi, biết sao hơn?

Và hình như nơi này cũng ít khi đãi ngộ những kẻ phương xa thì phải. Anh chàng Ngưu ở Bến Giá mua dàn gánh cải lương đem về hát kiếm lời. Mỗi đêm diễn tuồng, bán vé được nhiều hay ít thì Ngưu cũng phải trả cho gánh hát một số tiền thỏa thuận nào đó, lời ăn lỗ chịu. Nhìn đoàn văn nghệ bình dân này đã thấy thảm. Vải bạt quây kín phân nửa nhà lồng chợ làm chỗ ăn ngủ, tập tuồng. Phía ngoài, sát vách là nồi niêu, soong chảo, thùng lớn, thùng nhỏ, đủ mọi thứ trên đời. Ban ngày, kép, đào, công nhân, người đu đưa trên võng, người ngồi dưới ghế cho con bú, người cười dỡn lao xao, người cãi lộn, chửi thề um sùm. Những gánh không ai mua dàn, bữa nào hát khá thì còn êm ả, bữa nào hát ế thì cãi nhau rân trời, có khi đánh nhau đùng đùng rồi rã gánh, mạnh ai nấy đi. Có khi gặp mùa lúa, kép chánh, kép phụ cũng xúm nhau đi nhổ mạ mướn kiếm chút tiền về xe. Chắc sẽ bỏ nghề?

Gánh này Ngưu mua nên có vẻ yên chí. Đêm đầu khách coi cũng đỡ. Chỉ có vải bạt quây quanh nên cũng có một mớ con nít lòn vào. Khách coi già trẻ ngồi hết dưới đất, vừa coi vừa gãi rồn rột vì muỗi đầy trời. Con nhỏ cháu Bé Năm, mẹ mới đi Trà Vinh mua cho đôi dép Nhật, hí hững mang dép mới đi coi. Hề chọc cười nhắm mắt, nhắm mũi, đến khi vãn hát, mở mắt ra về thì đôi dép ai lấy mất tiêu. Đành thất thểu đi chân không mà về. Cười mất dép là vậy đó!

Bắt đầu từ đêm sau, khách thưa dần. Qua đêm nữa, gần nửa đêm Ngưu chạy đến nhà Năm Hiệp hỏi mượn chiếc xe đạp. Năm Hiệp sẳn sàng nhưng cũng thắc mắc:

-Đi đâu giác này, bộ có gì gấp?

Ngưu cười nhăn nhó :

-Sao mà không gấp, phải dọt lẹ nếu không chúng tới cào đầu. Lỗ quá sá, không đủ tiền chung!

Và Ngưu đạp như bay. Bến Giá còn xa hơn 12 cây số và cách một con sông rộng. Ngày hôm sau, Năm Hiệp đi lấy xe, tình cờ thấy ghe gánh hát dọn đi đang ghé nghỉ ở khúc sông đó.

Bây giờ, vợ chồng con cái Năm Hiệp cù bơ, cù bất ở đây. Nhìn quanh nhìn quất không một người bà con, dòng họ. Quê nhà đã xa nửa vòng trái đất. Những vui, những buồn chỉ còn là lãng đãng nhớ thương. Nhớ từng nơi, thương từng người, dù xấu, dù tốt. Như vết thương trầm, như người tình phụ, quê nhà nhói hoài những cơn đau vật vã trong lòng người. Và ước mơ sẽ có một ngày về lại quê xưa, khóc cười trên những bước chân qua. Thế thôi.

Phạm Chinh Đông

Quê Nhà - Thanh Hoa