Văn 3

- DÌ DẦN

- DUYÊN “TAM HẠP”

DÌ DẦN

Mãi đến năm 14 tuổi, tôi mới biết rằng mình có một dì Út khá giả, khá đẹp và khá… nghiêm khắc. Chị em tôi thường gọi là dì Út chứ tên thật của dì là Dần. Má tôi có ba chị em và mồ côi từ nhỏ. Tên của ba chị em được đặt theo tuổi của mỗi người. Má tên Hợi, dì kế tên Tý và dì Út tên Dần. Nhưng dì không thích ai gọi dì bằng cái tên này cả. Đám trẻ con chúng tôi lỡ gọi tên tộc của dì sẽ bị trách mắng và cho là “hỗn”. Còn người lớn thì đã có một cái tên gọi dành cho dì đi kèm với tên cửa hàng của dì nghe thanh lịch hơn nhiều: cô Út Đông Thành. Má tôi nói ngày xưa, con nhà nghèo ít có ai được mang tên đẹp, phần cho dễ nhớ phần để dễ nuôi không bị “ông bà” quở phạt nên cứ lấy tên của 12 con giáp hoặc lấy tên nào xấu xấu đặt cho con là… chắc ăn nhất. Đứa nhỏ sẽ ăn no, chóng lớn và khỏe mạnh cùi cụi.

Những năm tuổi thơ trước đó của tôi, ít thấy dì xuất hiện, dù dì ở cùng tỉnh, không biết vì lúc đó tôi còn quá nhỏ nên quên hay vì công việc làm ăn, dì ít tới lui nên tôi không để ý.

Má tôi mỗi khi nhắc đến Dì Út vẫn thường hay nói: “Đàn bà tuổi Dần “cao số” lắm, tính tình lại khó khăn, dữ dằn nữa, nên cũng khó lấy chồng vì mạng Cọp mà, dì Út tụi bây cũng vậy”. Nhà tôi có đứa em trai cũng tuổi Dần nhưng má tôi lại không lo vì cho rằng con trai tuổi Dần (con Cọp) cũng như tuổi Thìn (con Rồng) là tốt lắm. Chắc nhờ vậy mà gia đình tôi có đủ cả hai ông Cọp và Rồng chăng?

Làm đàn bà cũng khổ, không phải chỉ riêng má tôi nói vậy mà thiên hạ ai cũng cho rằng: “Đàn bà tuổi Dần, mạng lớn, khắc chồng, hai ba đời chồng chứ chẳng chơi.” hoặc “Ưng mấy người tuổi Dần dễ chết yểu lắm”. Cho nên đàn bà con gái ai lỡ tuổi Dần cứ phải dấu tuổi thật của mình nếu không muốn bị… ế ẩm.

Trong khi đó, đàn ông tuổi Dần lại được quí, quí lắm, sau này chắc sẽ phải làm quan lớn, đứng đầu thiên hạ, bởi con cọp là chúa tể sơn lâm mà... Ngày xưa, khi vũ trụ còn huyền bí, con người chưa chinh phục được thiên nhiên, bắt thiên nhiên phải phục vụ mình như ngày nay, người ta không dám kêu Cọp bằng con mà phải kêu bằng ông, thậm chí, còn lập đền, lập miếu thờ cọp nữa kìa.

Dì Út là một phụ nữ có nhan sắc, sống một mình lại siêng năng làm việc nên ở tuổi ba mươi dì đã có nhà, có tiệm và nhiều bạn bè quen biết. Không rõ có phải cái tuổi Dần nó vận vào người đã tạo cho dì một tính khí cứng rắn, đôi khi quá “ương ngạnh” (nói theo lời của má tôi) hay không, nhưng thật tình mà nói, dì rất hiếm khi chịu thua hoặc nhượng bộ ai trong những cuộc tranh cải hay quyết định điều gì, trong công việc làm ăn hoặc ngay cả trong vấn đề tình cảm. Tôi nhớ lần đầu tiên gặp và biết rằng mình có một bà dì khá đặc biệt trong một hoàn cảnh thật hi hữu. Đi cùng má vào thăm dì trong… bót cảnh sát. Người ta bảo dì bị bắt giữ vì đã nổi ghen, xông tới gây gổ và xô xát với người bạn trai của dì khi bắt gặp người này đang đi với một phụ nữ khác. Kết quả là người đàn ông phải vào nhà thương vì bị đứt một bên tai và dì vào bót cảnh sát với một vết thương trên trán. Sau chuyện đó, tim dì “đóng băng” với “bọn đàn ông” mà dì cho rằng toàn là thứ giả dối, lừa đảo, bạc tình… Hơn hai tuần cùng má đi thăm nuôi, tôi đã quen với gương mặt lạnh, ít cười, đôi môi thường mím chặt, chỉ có đôi mắt đen to và hàng mi rậm dài là sinh động của dì. Chắc dì cũng cảm động khi thấy má con tôi ngày nào cũng xách cơm vào thăm nên sau khi được trở về nhà, dì bắt đầu lui tới nhà tôi thường hơn, thỉnh thoảng mua quà bánh cho chị em tôi nữa, khiến chúng tôi rất vui mừng khi thấy bóng dì xuất hiện.

Dì khá đẹp và là chủ một cửa tiêm may lớn nên cũng rất theo thời trang. Mỗi khi đến tiệm dì, tôi thích ngắm tấm hình bán thân thật to của dì treo trên tường, dì đứng nghiêng người, mặc áo dài màu xanh rêu, có kết những chiếc lá nho nhỏ bằng vải lụa màu nhủ vàng, tay tựa hờ sau gáy, mắt ngước nhìn về phía xa xăm trông không khác gì hình các tài tử đóng phim. Tấm hình này, mỗi khi nhìn thấy, lòng ái mộ của tôi đối với dì lại càng nhiều hơn. Tết năm đó, dì dắt tôi lên Sài Gòn mua vải đặt cắt may một bộ “đồ tây” theo mẫu trong catalog đàng hoàng khiến con bé mới 14 tuổi, lần đầu được diện như Tây cứ đứng ngẩn ngơ trước bộ áo lịch sự, sang trọng mà tưởng như người trong mộng. Má tôi trách:” Nó còn lớn nữa, mày may làm chi ba cái đồ mắc tiền.” Dì gạt ngang: “Chị để tui lo, mốt bây giờ là phải mặc như vậy đó”. Rồi dì mua thêm một bộ áo tắm nói là để dành cho tôi đi Vũng Tàu chơi với dì. Tôi vui mừng và nghĩ mình thật là may mắn. Cho đến hôm dì rủ đi Vũng Tàu thì tôi mới thấy “thần tượng” dì Út của mình bị rạn nứt. Hôm đó, tôi bị đau bụng và đang lo chuẩn bị học bài thi lục cá nguyệt nên nói với dì là không đi được. Không ngờ, Dì nổi giận đùng đùng mắng cho tôi một trận và đòi tôi phải trả lại bộ áo tắm “Không đi thì để tao cho người khác”. Tôi vừa ngạc nhiên vừa… đau khổ, xin dì là để dành lần sau con đi, nhưng dì nhất định không đổi ý. Tôi đành trả áo lại cho dì mà lòng… ấm ức không thể tả. Dì giận tôi cả tháng và nói sẽ không cho tôi đi đâu với dì nữa. Tính dì là như thế đó, khi vui thì làm gì, nói gì cũng được nhưng ai làm nghịch ý hoặc làm dì thất vọng thì dì nhớ và nhắc đi nhắc lại… cả đời. Nhiều lúc thấy má dù là vai chị lớn nhưng vẫn luôn chịu “lép vế” trước cô em tuổi Dần của mình.

Dì không lập gia đình, sống cả đời thanh xuân của dì với cửa tiệm may. Suốt ngày ở tiệm, về tới nhà dì lại tiếp tục quần quật một mình dọn dẹp, không thuê mướn một người nào phụ giúp vì không tin ai và cũng không thấy ai làm vừa ý dì. Đôi khi mẹ tôi gợi ý dì Út nên nhận một đứa con nuôi hoặc một đứa cháu, con của dì Tý (dì cũng đông con như mẹ tôi nhưng nghèo và chật vật hơn) về ở chung để có người hủ hỉ, chăm sóc khi đau yếu nhưng dì Út cũng gạt đi và nói: “Tui sống một mình quen rồi”. Tính dì rất cẩn thận, cửa nhà dì ngoai lớp cửa gỗ, còn có thêm một lần cửa sắt bên trong. Dì luôn tự tin và cho rằng dì có thể đương đầu với mọi tình huống mà không cần bong một người đàn ông nào. Cho đến một hôm, dì bị cướp giả dạng là nhân viên công ty điện lực xin vào nhà để ghi số đồng hồ điện hàng tháng, thấy dì ở một mình nên đâm vào cổ dì một nhát bằng cây kéo dì thường dùng để cắt vải may quần áo và bỏ đi sau khi không tìm được tiền bạc gì trong nhà và tưởng dì đã chết. Lần đó, dì thoát chết trong đường tơ kẻ tóc nhờ mũi kéo chỉ lệch một chút về phía bên trái yết hầu nên khi đưa vào bệnh viện đã kịp thời cứu được. Má con tôi vào nhà thương thăm nuôi dì cho đến khi sức khỏe tạm ổn, dì trở về nhà thì tôi lại được cử vào nhà dì ngủ mỗi tối để săn sóc và trông chừng nhà cho dì. Mấy tuần đầu tôi rất sợ vì cái không khí im vắng, lạnh lẽo ở nhà dì khác hẳn với bầu không khí lúc nào cũng nhộn nhịp, đông đúc ở gia đình tôi, tôi chỉ biết tự an ủi là mình chỉ ở vào buổi tối trong một khoảng thời gian ngắn nữa mà thôi. Nhưng không ngờ, tôi “đến rồi đi” với dì như vậy cũng hơn nữa năm trời cho tới lúc dì chịu cầm chiếc nhẫn xoàn của má tôi đưa để đổi mấy cây vàng cho tôi và đứa em trai vượt biên.

Bao nhiêu năm trôi qua, giờ dì đã quá tuổi “thất thập cổ lai hy”, vẫn mạnh khỏe, vẫn sống một mình và mở cửa hàng tạp hóa ngay tại nhà để buôn bán cho vui tuổi già, nghe nói càng lớn tuổi dì đã bớt khó tính đi nhưng vẫn không chịu ở chung hoặc gần với đứa cháu nào cả.

Bây giờ, sống cách xa dì hơn nửa vòng trái đất nhưng mỗi khi nghe nói đến tuổi Dần và những hệ lụy của tuổi này là tôi nhớ ngay đến dì và những kỷ niệm đã có với dì lúc còn ở quê nhà mà tự hỏi: Không biết có phải những người đàn bà tuổi Dần đều có cùng số phận như dì Dần của tôi: cao số, cứng cỏi, khó khăn và suốt đời đơn độc?

Tưởng Dung

(Cuối năm Kỷ Sửu)

DUYÊN “TAM HẠP”

Cứ mỗi lần sắp sang năm mới là bà Tâm lo tìm lịch, coi tử vi rồi thông báo cho các con cháu, dâu rễ nhất là đứa nào rơi đúng vào năm tuổi với những lời căn dặn rất kỹ càng. Bây giờ, đang vào tháng Giêng dương lịch, chỉ còn một tháng nữa là bước sang năm Tân Mão, bà Tâm đã gọi phôn dặn dò Duyên từ mấy tuần trước: “Năm nay là năm tuổi của thằng Xuân đó nghen, người ta nói “nam La Hầu, nữ Kế Đô”, đàn ông năm tuổi mà “gặp” sao La Hầu là nặng lắm nhưng năm nay nó “gặp” sao Kế Đô tuy có nhẹ hơn một chút nhưng cũng là sao hạn, nói nó coi chừng sức khoẻ với lại cẩn thận chuyện xe cộ. Tụi bây bên đạo không tin nhưng năm tuổi đứa nào má cũng cúng sao hạn, để giải bớt tai ương, binh hoạn, đỡ lắm con à.”. Anh Xuân, ông xã Duyên là người Bắc, Công giáo, ít chịu tin về bói toán tử vi, lúc trước ở chung với gia đình vợ ba bốn năm, ông bà người Nam, theo đạo Phật, nghe bà nói về những việc cúng bái, kiêng cữ riết anh chỉ biết… cười trừ. Bây giờ, ông bà đã ra ở nhà riêng với lý do là có bảy đứa con mà ở với đứa này thì đứa khác phân bì, cho nên ngoài ba đứa em của Duyên ở Utah, mỗi năm gặp một lần vào dịp Giáng Sinh hoặc Hè, còn lại bốn chị em Duyên ở vòng quanh Los Angeles, cứ thay nhau đến thăm, chở ông bà đi chùa hoặc xuống phố Bolsa đi chợ, thăm bạn bè.

Duyên theo đúng sách vở “xuất giá tùng phu” nên đã là con chiên của Chúa từ sau ngày lên xe hoa, nhưng cũng vẫn nhớ… nằm lòng những câu nói đã trở thành “phong dao tục ngữ” hay “sấm truyền” từ thuở còn ở nhà với mẹ như: - “Dần Thân Tỵ Hợi, Thìn Tuất Sửu Mùi, Tý Ngọ Mẹo Dậu là Tứ Hành Xung”. Bốn tuổi trong mỗi nhóm này xung khắc với nhau lắm, làm ăn hay sống chung với nhau thì… khó thọ, khó phát tài, phát lợi, các con ráng tránh nghen.” Trong khi đó, Duyên thấy gia đình của mình đã có sờ sờ “Tam Hành Xung” trước mắt là bà Tâm tuổi Hợi, hai đứa em của Duyên rơi ngay vào tuổi Thân và tuổi Dần. Vậy mà bao nhiêu năm qua, Duyên chưa thấy có “cái xung” nào trầm trọng xảy ra cả.

Năm Duyên 15 tuổi, nhà từ con hẻm nhỏ ở đường Phan Đình Phùng được dời ra căn phố lớn hai tầng ở đường Phan Chu Trinh, ngay khu trung tâm chợ Biên Hòa, con đường từ đầu dốc dẫn xuống bờ sông Đồng Nai, cả ngày lẫn đêm, lúc nào cũng rộn rịp tiếng người và xe cộ. Không còn những buổi đi về nhà ban đêm phải chạy thật nhanh trong con hẻm tối, khi nhìn trước sau không một bóng người đồng hành, để cố vượt qua khúc đường có cây me lớn, cành lá xum xuê, đối diện ngay cánh cửa sau nhà chị Kiểm, tiệm bán chạp phô, vì nghe đồn có người đã thấy con ma ngồi vắt vẻo trên cây me hát ru con vào lúc nữa khuya. Ngôi nhà mới đã cho chị em Duyên một luồng sinh khí mới. Cô Út Yến cũng được ra đời sau đó. Ông bà Tâm ngày càng làm ăn phát đạt hơn. Con cái đều được học hành đỗ đạt, nên người. Một lần, khi phụ bà Tâm tính sổ lương cho thợ, Duyên nghe mẹ… tiết lộ: “Tao với ba mầy nằm trong nhóm tuổi Tam Hạp “Hợi Mẹo Mùi”, có duyên nên làm ăn khá giả chỉ có tội là hay “khắc khẩu” thôi”. Duyên tủm tỉm cười, quả thật, ba tuổi Mùi, mẹ tuổi Hợi coi như nhà đã có “nhị hạp”, vậy mà nói chuyện với nhau chừng đôi ba câu thì đã thấy không ổn rồi. Dù chỉ là những chuyện rất nhỏ nhặt, hai ông bà cũng cãi cọ vài câu mới chịu. Bà tiếp tục kể thêm một lô tuổi Tam Hạp cho Duyên biết, nào là: “Thân Tý Thìn, Sửu Tỵ Dậu, Dần Ngọ Tuất, Hợi Mẹo Mùi”, có duyên trong những tuổi này mới tốt con à!”.

Dòng đời trôi chảy rất êm đềm trong mái gia đình vừa có “tam hành xung” lẫn “nhị hạp” của Duyên. Cuộc sống thật chan hòa, hạnh phúc nếu không có biến cố 30 tháng tư, với biết bao cảnh gia đình chia lìa, tan nát. Đôi lúc Duyên tự hỏi: những con người phải chịu số phận đó không biết là vì đã đến lúc gặp phải cái “vận số” được định sẵn do năm tuổi, hoặc tới hạn xung khắc của họ không? Hay là do chính lòng người và mưu toan của những kẻ vô thần? Với cuộc sống khó khăn, thay đổi từng ngày, ông Tâm phải đi học cải tạo, Bà Tâm một mình đôn đáo tìm cách chay lo cho ông về nhà và các con tìm đường vượt biển. May thay, hai năm sau khi ông Tâm trở về nhà, bà Tâm đã lo được 5 đứa con ra nước ngoài. Duyên và đứa em trai là một trong những chuyến của các năm cuối cùng trước khi các trại tị nạn bắt đầu đóng cửa, ngăn cấm, không nhận các thuyền nhân đến nữa.

Gặp lại Xuân ở trại tị nạn Indo, lúc hai người đang chờ phỏng vấn để đi định cư ở Mỹ. Duyên đã biết Xuân vài lần qua các bạn đồng nghiệp khi còn ở Việt Nam, nhưng chỉ là sơ giao với những câu thăm hỏi thông thường. Không nghĩ là duyên nợ nên Duyên rất ơ hờ với những lời trêu chọc của bạn bè cùng barrack. Cho đến khi nhận lời anh tỏ tình, Duyên vẫn còn hoang mang, ngần ngại. Và khi biết anh tuổi Mẹo, Duyên suýt bật cười vì chợt nhớ đến câu “thần chú” của mẹ ngày xưa: “Hợi Mẹo Mùi, là duyên tam hạp”. Mình là tuổi Mùi. Anh ấy là tuổi Mẹo, vậy là tốt duyên rồi! Nghĩ thế chứ không dám nói ra, với lại “yêu người chứ có phải yêu tuổi đâu”. Nhưng sau một thời gian chuyện trò, quen biết, Duyên mới khám phá ra rằng anh Xuân và Duyên cũng có rất nhiều cái “hạp” nhau lắm! Anh thích nghe nhạc Trịnh, nhạc Vũ Thành An, Từ Công Phụng, thích đọc sách, nghiên cứu thơ văn, xem phim tình cảm… Bài thơ, văn hay chuyện phim nào Duyên vừa mới “nhấp nhứ” vài câu là anh đã tuôn ra một mạch. Tuyệt chiêu của anh là thuộc cả tập thơ “Tâm Tình Hiến Dâng” của Rabindranath Tagore mà Duyên rất “mê” từ thời trung học và cứ thế, mỗi chiều anh tìm đến barrack Duyên, trò chuyện hoặc đọc những đoạn trong tập thơ mà anh tâm đắc cho Duyên nghe. Mối tình đã nảy nở và lớn dần trong Duyên từ những “dây mơ rễ má” đó. Thời gian này, cô bạn thân của Duyên gửi cho tập thơ Nguyễn Tất Nhiên làm quà sinh nhật trên đảo, thế là có dịp cho những buổi tối thi nhạc giao duyên bên ánh đèn dầu dưới dãy bếp của barrack 35, trại Galang thật vô cùng… lãng mạn!

Đến lúc sang Mỹ, sau khi chấp nhận lời cầu hôn của Xuân, Duyên hơi lo ngại khi viết thư về báo tin và xin phép ba mẹ ở Việt Nam là Duyên sẽ theo chồng lẫn theo đạo. Để cho chắc ăn, Duyên còn nói rõ trong thư: “anh Xuân tuổi Mẹo, có duyên trong “tam hạp”, đừng lo má ơi!”. Không biết có phải vì thế mà ba mẹ Duyên viết thư qua trả lời đồng ý… cái rụp hay không? Bà còn khuyên:- “Đạo nào cũng là đạo, miễn mình ăn hiền ở lành, biết tu thân tích đức con ơi!”. Sau này, khi đã được qua Mỹ sum họp với các con, mỗi khi nói chuyện với Duyên, bà Tâm vẫn hay nhắc: “Con tuổi Mùi, thằng Toàn (con trai lớn) cũng tuổi Mùi, ẩn tuổi mẹ. Chồng con tuổi Mẹo, con Thúy (con gái thứ hai) cũng tuổi Mẹo, ẩn tuổi cha. Vậy mà tụi bây làm ăn không “phất” được thì má cũng không biết làm sao đây!”. “Phất” ở đây, ý bà muốn nói là “ăn nên làm ra”, tạo nhiều của ăn của để. Điều này, đôi khi cũng làm Duyên thắc mắc: “Ủa, vậy là tử vi… trật lất, tại sao gia đình mình “tụ” được toàn là những thứ “kiết” không, chứ đâu có cái nào “hung” đâu, mà sao không … giàu như người ta vậy kìa?”.

Một số bạn bè, người thân khi nghe Duyên nói thế đã gạt phắt đi bảo: “Này, ông bà giàu có như thế mà còn đòi hỏi gì nữa, giàu hào của sao bằng hào con. Gia đình hạnh phúc, con cái đông đúc mà lại ngoan ngoãn, biết vâng lời, có tiền đến mấy cũng không mua được đâu nhé!” khiến Duyên giật mình. Quả thật, từ ngày lấy nhau đến giờ rất ít khi vợ chồng to tiếng với nhau, chắc Xuân thuộc loại Mèo Tam Thể, nhủn nhặn, hiền lành, dễ tính nên cưng chiều vợ, mỗi khi Duyên giận thì Xuân luôn làm lành trước. Và khi Xuân nổi nóng thì Duyên… thổi cho nguội bằng cách… lặng thinh. Với hai cô con gái, và hai cậu con trai, mỗi đứa cách nhau ba tuổi, đã đủ cho thời khóa biểu của Duyên đầy kín một ngày, nhưng bù lại chúng luôn thương yêu, lắng nghe và vâng lời ông bà, bố mẹ, chăm chỉ học hành, siêng năng tham gia các sinh hoạt tôn giáo, xã hội. Bốn đứa con là bốn “tác phẫm” tuyệt vời. Không phải là Duyên đang có một kho tàng châu báu đó sao? Năm ngoái, Duyên và Xuân vừa mừng “Lễ Bạc”, nhân dịp anniversary ngày cưới, cả nhà chụp chung một tấm hình với gương mặt ai cũng tươi cười rạng rỡ. Duyên nghe hạnh phúc tràn trề!

Vì vậy, sáng nay khi bà Tâm gọi sang để nhắc Duyên lát trưa qua chở bà đi chợ Việt Nam mua thức ăn, tiện thể xin quyển lịch “Tam Tông Miếu” (loại lịch bóc từng tờ) để bà coi ngày giờ, kiêng cữ cho cả năm, Duyên đã cười vang trong phone và nói với mẹ rằng: ”Má ơi, cái duyên “Tam Hạp” má nói hồi xưa đó coi vậy mà cũng… ứng nghiệm lắm đó nghen!”. Bên kia đầu dây bà Tâm chưng hửng: ”Ủa , mà chuyện gì vậy con?”.

Tưởng Dung

Tháng Giêng, 2011