Một Thoáng Ngô Quyền

- CHỜ ĐỢI MỘT CƠN MƯA - Nguyễn Hữu Hạnh

- THẦY THÂN TRỌNG HƯNG & LỚP 11B1 (71-72) - Võ Thị Ngọc Dung

- THẦY PHẠM NGỌC QUÝNH VÀ GIA ĐÌNH NGÔ QUYỀN NAM CA - Võ Thị Ngọc Dung

- MỪNG SINH NHẬT CÔ ĐẶNG THỊ TRÍ - Võ Thị Ngọc Dung

- THẦY NGUYỄN VĂN PHÚ - Võ Thị Ngọc Dung

- THẦY NGUYỄN VĂN LỤC - Võ Thị Ngọc Dung

- NHÌN LẠI NHỮNG DẤU CHÂN - Trần Ngọc Danh

- CHUYẾN DU HÀNH SAN JOSE THAM DỰ PICNIC HÈ HỌP MẶT 2007 - Võ Thị Ngọc Dung

- TƯỜNG THUẬT VỀ BUỔI HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG NQ KỲ 6 - Võ Thị Ngọc Dung

pnvntc-2015-1

24 Tháng Tư 201511:28 CH

Những hình ảnh những khuôn mặt phụ nữ Việt Nam trong ngày hội ngô văn hóa toàn cầu 40 năm tị nạn, đáng vinh danh và trân trọng

Thầy Thân Trọng Hưng và lớp 11B1 (niên khóa 71-72)

Từ trái: Lâm Diễm, Thầy Thân Trọng Hưng, Minh Thủy, Ngọc Dung (1971)

(Ảnh do Minh Thủy lưu giữ)

Trước đó, không nhớ rõ là tôi và các bạn cùng lớp đã đến thăm Thầy Thân Trọng Hưng vào lúc nào, nhưng nhìn những tấm hình cũ chụp ở nhà Thầy tôi nhớ ngay đến căn nhà rất đẹp nằm phía sau trường Ngô Quyền, có vườn cây mát rượi, xum xuê mà chúng tôi đã tranh nhau lấy ''phông'' để chụp ảnh. Bây giờ, nghe Minh Thủy nhắc và gửi thêm tấm hình chụp với Thầy lúc đó, tôi mới nhớ ra là Thầy còn có một tiệm in ronéo ngay tại nhà mà tôi và Minh Thủy đã đến để in tập thơ thứ nhì của chúng tôi là tập "Thơ 16'' vào năm 1971.

Không ngờ năm sau, Thầy Thân Trọng Hưng lại dạy Quốc Văn cho lớp 11B1 chúng tôi (niên khóa 71-72), Thầy đến lớp chúng tôi như một làn gió lạ, với dáng người nhỏ nhắn, trang phục giản dị, xuề xòa, và giọng Huế đặc biệt không quá chuẩn nặng, thầy dạy bằng một thái độ rất tự tin, bình thản, lối giảng bài từ tốn nhưng lại hay ví von, tếu tếu mà vẫn giữ nét mặt... tỉnh bơ nên lớp học gồm nửa trai, nửa gái của chúng tôi trong những giờ Giảng Văn của Thầy thường thì im ắng, thỉnh thoảng mới có những tiếng cười rúc rích, những gương mặt đỏ bừng khi Thầy bắt đầu diễn tả bài giảng với những động tác thật cụ thể hoặc cao giọng so sánh những hình ảnh thơ mộng trong thơ văn và thực tế... phũ phàng. Như để chứng minh cho điều này, trong một giờ Văn Học Sử khi nói về các tác giả trong giòng văn học lãng mạn, Thầy thản nhiên bày tỏ ý kiến: "Làm thơ, viết văn thường ai cũng cường điệu cho dữ lên, nhưng thực tế thì rất... phũ phàng. Bài thơ nào cũng ca tụng "nụ hôn'' nào là ngọt ngào, thơm tho, mật ngọt... tôi thấy chả có thơm tho tí nào cả, toàn là nước miếng, hôi rình... đây nè..." Vừa nói Thầy vừa đưa tay lên môi, quẹt mấy cái rồi giơ ra trước mặt. Chao ôi! hình ảnh thơ mộng, đưa hồn người lơ lửng trên mây trong bài thơ "Nụ hôn đầu'' của Trần Dạ Từ: "Lần đầu ta ghé môi hôn. Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang. Vườn xanh cỏ biếc trưa vàng. Nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông"... bỗng dưng trở thành... chuyện cổ tich, huyền thoại, không có trên trần gian. Chúng tôi vừa tức cười vừa... tức tối vì mắc cở và thất vọng. Không biết các bạn trai lúc đó nghĩ thế nào chứ bọn con gái chúng tôi thì len lét nhìn nhau, hoặc cúi gầm nhìn xuống mặt bàn, miệng cười méo mó. Thầy Hưng là thế, với đôi mắt lúc nào cũng trông như buồn ngủ nhưng lại có tài đánh thức học trò với những câu khôi hài, châm biếm rất độc đáo.

Năm lớp 11 của chúng tôi là năm cuối cùng Bộ Giáo Dục còn bắt thi Tú Tài 1 nên đám sĩ tử, đặc biệt là nam sinh phải đối diện với 2 thử thách lớn: thi Tú Tài và lệnh Tổng Động Viên hứa hẹn nhiều sôi động trong mùa hè đỏ lửa 1972 trước mắt. Nên tất cả mọi nổ lực đều tập trung vào việc học hành, thi cử.

Các Thầy Cô từ đầu năm đã luôn nhắc nhở, dặn dò chúng tôi là phải cố gắng học hành cho đàng hoàng và dạy chúng tôi những bài vở "tủ" theo kinh nghiệm của từng người. Với hệ số 3, môn Quốc Văn luôn chiếm vị trí quan trọng trong điểm số các bài thi. Năm đó, Thầy Hưng giảng thật kỹ và nhất định bắt chúng tôi học cho thuộc bài "Kẻ Sĩ" của Nguyễn Công Trứ vì Thầy tin rằng đề thi quốc văn sẽ có 1 bài nghị luận về "Kẻ Sĩ".

Để cho chắc chắn, Thầy chỉ mọi cách cho chúng tôi thuộc nằm lòng bài thơ. Trước tiên, Thầy dặn chúng tôi tìm mua một vài tờ giấy cứng về cắt ra thành những tấm thẻ nhỏ cùng cỡ (như hình thức Flash card bây giờ) rồi viết chữ đầu của mỗi câu trên đó cho đến hết bài.

Ví dụ: Tước hữu...

Dân hữu...

Có giang sơn...

Từ Chu Hán...

.....

và phải luôn bỏ trong túi như "bửu bối'' để bất cứ lúc nào cũng có thể lấy ra để... dò. ''Đứng đợi xe, chờ lấy đồ ăn, ngay cả ngồi trong... cầu tiêu nữa (!!!) cứ phải nhẩm đọc, có quên thì móc túi ra coi thấy chữ đầu câu là mình nhớ ngay nguyên câu rồi. Học vậy mới mau thuộc bài.".

Thêm nữa, Thầy còn dặn anh trưởng lớp mang theo một cây thước kẻ khá to cứ mỗi lần vào giờ Thầy, khi nghe nhịp thước gõ trên bàn hoặc thấy thầy giơ tay lên làm ''hiệu lệnh'' là cả lớp bắt đầu ngân nga đọc: "Tước... hữu... ngũ, sĩ... cư... kỳ... liệt. Dân... hữu... tứ... sĩ... vi... chi... tiên..." Lúc đầu, chúng tôi vừa tức cười, vừa mắc cở gì mà cứ như là học sinh lớp tiểu học. Nhưng vài lần sau thì đọc oang oang, hăng hái và thuộc cả bài lúc nào không hay. Mãi đến giờ không chừng lớp tôi cũng còn nhiều bạn vẫn thuộc nằm lòng bài ''Kẻ Sĩ'' của Nguyễn Công Trứ đấy chứ.

Và quả thật hè năm đó, trong hai đề thi quốc văn phải chọn một có đề "Hãy phân tích hình ảnh Kẻ Sĩ trong thơ Nguyễn Công Trứ'', tôi đã không buồn đọc đến đề thứ hai xem là gì, cắm cúi viết một mạch, nhìn sang các bạn cùng lớp trong phòng thi của tôi đứa nào cũng mặt mày hớn hở và đang say sưa múa bút.

Sau cuộc thi, chúng tôi gặp lại, cám ơn Thầy tận tình dạy dỗ nên cả lớp đã "trúng tủ'' và thi đậu gần hết lớp. Thầy cười với đôi mắt... lim dim: "Thấy chưa, tao đoán đâu trúng đó mà".

Thoắt đó mà đã 40 năm... Kỷ niệm xưa nhắc lại vẫn còn như mới hôm qua, dù Thầy trò giờ đã ''tóc đã bạc như nhau'', đã nghìn trùng xa cách, hoặc kẻ còn người mất.

Nghe tin Thầy đang bệnh nặng, xin cầu nguyện cho Thầy sớm vượt qua những đau đớn, bệnh tật của thể xác và tâm hồn luôn đươc bình an. Chúng con vẫn mong có một ngày Thầy trò còn dịp gặp nhau ngồi nhắc lại chuyện ngày xưa dưới mái trường cũ Ngô Quyền.

Võ Thị Ngọc Dung (ChsNQ Khóa 11)

Tháng 10, 2012

Thầy PHẠM NGỌC QUÝNH

với Gia Đình Ngô Quyền tại Nam CA ngày 31/03/2012

Được Diệu Hương báo tin từ tuần trước là Thầy Phạm Ngọc Quýnh từ Canada đã đến CA hiện đang ở San Jose sẽ ghé thăm Orange County trong những ngày cuối tháng 3, và thầy Phan Thanh Hoài cũng đã gửi email đến cho web nhà từ sáng thứ sáu, ngày 23 tháng 3 để nhắc nhở, mời gọi mọi người tới họp mặt cùng quý Thầy Cô cho đông vui, nên nhóm học trò ở Nam Ca đã gắng thu xếp để gặp nhau tại nhà hàng Great Wall Seafood Palace, ở Westminster, vào lúc 11 giờ 30 trưa thứ Bảy, ngày 31/03/2012. Trước là để chào mừng Thầy Quýnh đến thăm Ca, sau là có dịp Thầy trò được hàn huyên tâm sự.

Anh Phẩm nghe tin đã vội vã viết bài tường thuật về chuyến đi công vụ của anh với trường Công Thanh, nơi mà Thầy Quýnh đã làm Hiệu Trưởng được 6 năm với những hình ảnh kỷ niệm của Thầy Quýnh ngày xưa và nhờ Ngọc Dung post lên web NQ cũng như copy chuyển đến Thầy Quýnh và các Thầy cô khác trong buổi họp mặt ở Nam CA như một món quà tặng Thầy làm kỷ niệm.

Từ sau cuộc Họp Mặt NQ Hội Ngộ Toàn Thế giới mùa hè vừa qua, đây là lần thứ hai Thầy Quýnh đã gặp lại bạn bè đồng nghiệp và học trò NQ. Cuôc họp mặt đón mừng Thầy Phạm Ngọc Quýnh, cũng là ngày họp mặt hàng tháng của quý Thầy Cô trường Ngô Quyền ở quanh vùng Westminster nhưng lần này đặc biệt hơn vì có… nhóm thứ ba (học trò) được tham dự.

Sáng thứ Bảy, thời tiết đang ở những ngày đầu Xuân, trời ít nắng và gió còn mang hơi lạnh. Anh Mai Trọng Ngãi là học trò ngoan nên đã đến sớm nhất, đang lo lắng, tay cầm điện thoại đi tới đi lui trước cửa nhà hàng trông rất… khẩn trương. Thấy Ngọc Dung đậu xe vào parking lot, mắt anh sáng trưng, dù miệng cười vẫn còn đang méo mó chắc vì chưa thấy bóng dáng của các bạn đồng môn. Ngọc Dung dù đến trễ một chút, 11 giờ 50, nhưng được xem là học trò ngoan thứ hai vì vẫn sớm hơn các anh chị khác. Các Thầy Cô hiện diện gồm có Thầy Kiều Vĩnh Phúc, Thầy Nguyễn văn Phố, Thầy Phan Thanh Hoài, Thầy Lê Tấn Đạt, Cô Nguyễn thị Thu, cô Đặng Thị Trí. Đặc biệt, hôm nay còn có một đôi uyên ương trẻ là hai em Quỳnh Thư và Vũ (con gái và con rễ Út của Thầy Quýnh), Quỳnh Thư là tác giả của bốn tấm hình hoa Thủy Tiên trong bộ hình “Những Bông Hoa Muộn trong vườn Thủy Tiên” của cô Thu trên web NQ, từ San Jose cùng đến dự. Tất cả vẫn còn đứng bên ngoài nhà hàng để chờ thêm các người đến muộn. Ngọc Dung nhanh nhẹn tiến tới chào Thầy Cô và đưa ngay bản copy màu bài viết của anh Phẩm đến tận tay Thầy Quýnh và quý thầy Cô sau khi nhắc lại lời nhắn nhủ của anh Phẩm đã viết trong email là: “Dung in ra vài bảng để đưa cho thầy Quýnh đem về Canada cùng vài copy cho các Thầy Cô tham dư ngày hôm đó.” Dù nói là đã đọc trên website sáng nay rồi, nhưng quý Thầy Cô vẫn vui vẻ nhận mang về làm kỷ niệm.

Đến hơn 12 giờ, mọi người vào trong và bắt đầu ngồi vào bàn thì anh Lữ Công Tâm, anh Tiêu Hồng Phước xuất hiện, chị Ngọc Huệ đến trễ hơn một chút với lý do chờ nướng xong khay bánh choux cream để làm quà cho Thầy Cô. Không khí nhộn nhịp hẳn lên khi các xe thức ăn với các món “dim sum” (điểm tâm)… trờ tới bàn, chị Ngọc Huệ được chỉ định chọn thức ăn, lúc đầu chị hơi ngần ngại nhưng sau đó được sự “hợp tác” của cô Thu và Cô Trí, chỉ trong chốc lát, trên bàn đã đầy những khay tròn nhỏ đựng các món hấp dẫn: xíu mại, há cảo, chạo tôm, bánh bột chiên…

Từ 2 chiếc bàn tròn được kéo sát lại để ngồi chung lúc đầu đã phải nối thêm 1 bàn thứ 3 để đón cô Bùi Thị Ngọc Lan, sư huynh Tô Anh Tuấn, sư tỷ Nguyễn thị Hiền và Cao Thị Chung đến trễ. Món đậu hủ chiên và cải làn chấm tương được gọi thêm đặc biệt dành cho ba vị ăn chay trường trông vừa thanh đạm vừa khiêm nhường bên cạnh những món cầu kỳ, lạ mắt đang bày biện la liệt trên bàn. Bây giờ thì bàn tiệc đã đông và rộn ràng tiếng nói cười.

Thầy Quýnh khai mạc buổi cơm thân mật với những lời chân tình: “Từ xứ lạnh xa xôi về đến đây được bạn bè, học trò đón tiếp như thế này thật là ấm áp, cảm động…”

Cô Trí, cô Lan ngồi cạnh nhau chuyện trò vui vẻ, riệng Quỳnh Thư và Cô Thu thì cứ như… sam, dù Thầy Đạt và Vũ đang ngồi bên cạnh. Chị Ngọc Huệ cho biết là Cô Thu đã nhận Quỳnh Thư làm con nuôi rồi vì Cô Quýnh vừa mới mất năm ngoái. Thảo nào, hai cô khắn khít với nhau như là mẹ con ruột.

Các thầy thay nhau kể những kỷ niệm về Biên Hòa và Ngô Quyền, những con đường, địa danh như nhà sách Huỳnh Hiệp, Thiên Tứ, quán cháo Huỳnh Của, tiêm mì Chú Mừng, Ga xe lửa, đường Quốc Lộ 1 dẫn từ trường NQ chạy dài ngang qua rạp hát Biên Hùng đến gần bờ sông Đồng Nai giáp ranh đường Hàm Nghi... được nhắc tới. Trường tư thục Phan Chu Trinh trên đường Trịnh Hoài Đức, Trường tư thục Tiến Đức trên đường Phan Đình Phùng … là những nơi mà Thầy Quýnh và Thầy Kiều Vĩnh Phúc vẫn còn nhớ.

Thầy Kiều Vĩnh Phúc có nêu thắc mắc về tên gọi của một ngôi chùa thờ Quan Công ở Cù Lao Phố mà Thầy không nhớ tên đã được anh Tâm và anh Tuấn trả lời đó là Chùa Ông, ngôi chùa có sớm nhất do người Minh Hương (người Hoa) xây cất, ngoài ra còn có một ngôi chùa lớn khác nữa là chùa Đại Giác cũng ở Cù Lao Phố. Ai cũng thắc mắc: “Chắc thầy Phúc đang tìm tư liệu để viết bài về lịch sử Cù LaoPhố hay các ngôi cổ tự chăng? Thầy nhớ cho chúng em đăng trên web NQ nha Thầy,”. Nhưng Thầy Phúc chỉ lắc đầu cười và nói: “Hỏi để biết thôi chứ chẳng có viết lách gì đâu.”.

Thầy Đạt lại hỏi: “NQ có 1 cô học trò ngâm thơ thật hay nhưng không nhớ tên gì, có ai biết không?” Thì mọi người đều ngẩn ngơ vì thực sự NQ rất ít người biết ngâm thơ (hoặc có mà chưa trổ tài nên chưa được biết). Mãi đến khi Thầy nói là đã có nghe cô học trò này ngâm thơ trong 1 buổi họp mặt NQ rồi, thì Ngọc Dung mới nhớ ra đó là chị Ngọc Phước, trong ban hợp ca ở miền Bắc CA, có ngâm 1 đoạn trong bài “Trung Học Ngô Quyền, 50 năm Hội Ngộ” của anh Huỳnh Quan Minh mà cả trường đã được nghe trong ngày Hội Ngộ Trùng Phùng năm 2006. Sau năm đó, chị đã dọn về Nam CA, dường như ở thành phố Corona, nhưng không thấy chị liên lạc và tham dự họp mặt NQ nữa.

Chị Ngọc Phước ơi, nếu có đọc bài này và biết Thầy Đạt vẫn nhớ tài ngâm thơ của chị thì liên lạc lại với Hội để mời chị về tham dự họp mặt hàng năm của Trường và để cho cả nhà được thưởng thức lại giọng ngâm hay tuyệt của chị nhé!

Bàn tiệc thì dài lại khá đông người nên chuyện trò không nghe hết được, các Cô ngồi phía dưới nên không tham gia được nhiều những câu chuyện của nhóm Thầy trò trên này. Nhưng mọi người đều hoan hỉ chia sẻ, gắp bỏ thức ăn cho Thầy Cô, người ngồi bên cạnh thật vui vẻ.

Tiệc sắp tàn, Chị Tất Ứng vì bận việc nhưng cũng gắng… lò dò đến kịp để chào Thầy Cô và chụp chung tấm hình lưu niệm. Thầy Quýnh lưu luyến chia tay và cho biết sẽ về lại Canada vào sáng thứ Ba và Quỳnh Thư – Vũ sẽ về lại San Jose sáng ngày thứ Tư.

Trong hành trang trở về Canada lần này của Thầy Phạm Ngọc Quýnh sẽ mang theo không ít những tình cảm, kỷ niệm về tình Thầy Trò, đồng nghiệp của ĐGĐ Ngô Quyền thắm thiết, khó quên.

Tạm biệt Thầy. Chúc Thầy luôn an vui và mạnh khỏe trên suốt quảng đường còn lại dù bây giờ đã vắng bóng Cô.

Võ Thị Ngọc Dung

4/4/2012

Hình ảnh buổi họp mặt ngày Thứ Bảy 31 tháng 3, 2012

MỪNG SINH NHẬT CÔ ĐẶNG THỊ TRÍ

Mấy ngày cuối tuần, CA mưa gió mù trời, may sao cho đến sáng chủ nhật trời lại quang tạnh, nắng rực rỡ, chỉ có gió là vẫn ào ạt thổi tung cây cối và quật vào người những cơn lạnh buốt da. Thời tiết như vậy càng khiến cho không khí buổi họp mặt mừng Sinh nhật cô Đặng Thị Trí do nhóm ChsNgô Quyền tổ chức tại nhà hàng SeaFood Capital thuộc thành phố Westminster, CA chiều chủ nhật ngày 18 tháng 3, năm 2012 thêm ấm áp và chan chứa nghĩa tình.

Từ ngày thành lập Hội AHCHSNQ đến giờ đã hơn 10 năm, cô Trí như một người Mẹ hiền đã luôn sát cánh, kề vai cùng đàn học trò ngày nào dù giờ đã khôn lớn thành cha mẹ, ông bà … để nâng đỡ, khích lệ, ủi an. Chẳng những cô luôn hiện diện với nhóm Chs NQ hầu hết mọi nơi, mọi lúc mà Cô còn là hình ảnh người mẹ thứ hai luôn hiện diện trong lòng của các ChsNQ đã từng sinh hoạt với Cô. Mọi năm, tiệc mừng sinh nhật Cô thường ở gia đình do các con Cô tổ chức và nhóm Chs của Cô đến tham dự. Năm nay, nhóm học trò của cô đã tổ chức riêng cho Cô buổi sinh nhật, trước là có dịp gặp gỡ, chuyện trò chúc mừng sức khỏe Cô, sau là để bày tỏ lòng biết ơn rất trân trọng đến sự quan tâm và tình thương của cô đã dành cho các ChsNQ nói riêng và cho Hội nói chung.

Người MC và cũng là chuyên viên viết tường thuật cho những buổi họp mặt náo nhiệt của gia đình NQ là anh Nguyễn Hữu Hạnh đã bận đi show “Lối về đất Mẹ” (mượn từ của đương sự dùng cho chính xác), nên cô em Ngọc Dung từ LA phải lo… cuốc xe chạy lên OC để làm nhiệm vụ thay cho ông anh đang dung dăng dung dẻ ở miền xa. Lần đầu tiên mới thấy Ngọc Dung (chuyên viên đi trễ, sau chị Mia Mỹ) đến đúng giờ 5:30 PM. Nhưng hỡi ơi! vào tới nơi thì mới biết là mình đã đi lầm nhà hàng. Trong email ghi là SeaFood Capital vậy mà khi phone hỏi anh Ngãi có phải là nhà hàng cũ chỗ tiệc mừng Thầy Nguyễn Văn Lục khi về Cali ra mắt sách không thì anh Ngãi gật lia: “Ừ, Đúng rồi! đúng rồi”. Trở ra xe xem lại địa chỉ thì mới biết đã đi nhầm qua nhà hàng SeaFood Cove cách “điểm hẹn” sinh nhật Cô khoảng 2 block đường. Đang vòng xe trở lại thì anh Ngãi gọi phone báo là đã cho sai tên nhà hàng, hai anh em vừa trả lời phone vừa ngó thấy nhau ngay đầu đường chỗ vào parkinglot.

Vì cô đã viết thư căn dặn: “Cám ơn các em đã định mang đến cô niềm vui. Cô vẫn rất ái ngại… Cô mong các em thực hiện ngày này một cách đơn giản và thân mật…”. Cho nên, các anh chị không dám mời thêm Thầy Cô, bạn bè khác mà chỉ gồm những học trò thân thiết, và có thời giờ thuận tiện để đến mà thôi.

Đúng 6 giờ chiều, chiếc bàn to rộng ngay góc phòng trong nhà hàng đã đầy người. Anh Mai Trọng Ngãi rước Cô và chị Cao Thị Chung đến trước từ lúc 5:30, sau đó là chị Ma Thị Ngọc Huệ, Võ Thị Ngọc Dung. Các anh chị Lữ Công Tâm, Trương Lê Minh Phương, Nguyễn Thị Mỹ, Nguyễn Thị Huê, Đinh Hoàng Vân, Nguyễn Thị Thưởng và cô con gái là Đông Phương đến sau cùng. Chị Nguyễn Thị Tất Ứng và sư huynh Tô Anh Tuấn vì bận việc nên không đến dự được. Tiếng cười nói, chúc mừng Sinh Nhật Cô cứ vang lên từng chập khi có người vừa đến. Bình hoa do chị Chung mang tặng Cô và chiếc bánh Sinh Nhật do chị Minh Phương chọn được đặt trên bàn để chụp hình “khai mạc” buổi tiệc trông thật vui tươi, sinh động. Anh Chị Vân Thưởng và cháu Đông Phương cũng có quà riêng cho Cô.

Ngoài hai chị Chung, Thưởng với hai món ăn riêng gồm đậu hủ chiên dòn và phở áp chảo chay, tất cả mọi người còn lại cùng ăn mặn đã nâng chén đũa, cụng ly trà, đá lạnh để mừng cô. Thức ăn hôm nay do chị Minh Phương chọn nên toàn những món thật hấp dẫn và ngon miệng. Bên cạnh các món như vịt quay ăn kèm với bánh bao, bò lúc lắc, rau spinach xào tỏi… món canh chua Việt Nam tại nhà hàng này thật tuyệt vời! bảo đảm không nơi nào hơn được, chưa kể một dĩa tôm hùm thật to nữa! Các chị nói với nhau: Buổi tiệc Sinh Nhật của Cô năm nay không thua gì đám cưới! Mọi người lại có dịp nhắc tới anh Nguyễn Hữu Hạnh và cười hỉ hả nói: “Kỳ này Hạnh đi vắng, thấy tụi mình ăn ngon chắc… tiếc lắm!”.

Hôm nay, trông Cô thật tươi trẻ với gương mặt sáng ngời và nụ cười luôn nở trên môi. Khi hỏi cô năm nay bao nhiêu tuổi Cô trả lời: “Cô 74 tuổi, tuổi con Mèo”. Chị Chung, ngồi bên cạnh vội đáp lời ngay: “Hỏng phải đâu cô nói lộn rồi, có 47 tuổi hà, cô tuổi con Mèo vậy Cô nhỏ tuổi hơn em đó, em tuổi con Trâu, Cô à.” khiến Cô và mọi người cùng cười một trận. Cô cho biết sinh nhật Cô đúng ngày là 19 tháng 3 nhưng các con Cô thường tổ chức ngày cuối tuần nên đã tổ chức cho Cô hôm thứ Bảy 17 rồi, hôm nay là dành cho học trò. Chị Ngọc Huệ nói: “Như vậy là bây giờ Má Cô đang chuyển bụng chứ Cô chưa được sanh ra đâu nha”. Cô lại cười, nụ cười thật hiền hậu và dễ mến. Mọi người chuyện trò rôm rả, nhắc những kỷ niệm với Thầy Cô và bạn bè cũ NQ tưởng như không dứt.

Lúc cắt bánh và hát mừng sinh nhật Cô các bàn tiệc bên cạnh cùng hát theo để chúc mừng, chắc khiến Cô xúc động, giọng Cô rưng rưng: “Cô không biết nói gì hơn. Cám ơn các em đã cho Cô niềm vui này và được gặp các em hôm nay”.

Nhớ lời Cô kể: “Huê cứ nói với Cô nó cứ đếm từng ngày, không phải đếm để chờ tới sinh nhật Cô đâu mà chờ tới giờ để…đi đó.” , và chị Huê giải thích: “Bởi thời giờ đâu còn bao nhiêu, nên cứ gặp nhau vui được ngày nào là cứ vui thôi.” mới nhận ra rằng Thầy Trò bây giờ “tóc đã bạc như nhau” và những giờ phút gần gũi, gặp nhau chuyện trò vui vẻ như thế này thật vô cùng quý báu.

Cuối tiệc, các anh Tâm, Ngãi, Vân rủ cả bàn hùn tiền mua vé số, vì Mega Lottery của CA hôm nay đã lên đến 240 triệu, anh Tâm nói: “Trúng số kỳ này tụi em sẽ mua tặng Cô căn nhà thiệt đẹp nha”. Chị Chung khiếu nại ngay: “Sao vậy? nếu trúng số Cô cũng được mấy triệu chứ bộ, đâu cần mua nhà cho Cô.” Mọi người cười to. Đúng là “chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng” rồi! Mọi người đồng ý nhờ Đông Phương mua vé số vì tin là cháu sẽ rất lucky.

Tiệc tàn lúc 8 giờ tối, mọi người vẫn còn lưu luyến nắm tay, ôm vai Cô nói lời từ giã. Vẫn giọng nói từ tốn, nhẹ nhàng cô nhắc lại lời cám ơn các học trò đã cho cô ngày vui hôm nay, đặc biệt là Ngọc Dung và Minh Phương đến từ xa và mặc dù bên ngoài trời đêm gió càng lúc càng lạnh hơn nhưng vẫn cố đứng chụp thêm tấm hình lưu niệm với Cô.

Mừng Sinh Nhật Cô, chúc Cô, người Mẹ thứ hai của nhóm CHSNQ chúng em, luôn mạnh khỏe, tươi vui… cùng tất cả quý Thầy Cô của NQ sẽ sống lâu trăm tuổi cho chúng em còn được dịp tổ chức những buổi tiệc mừng Sinh Nhật Thầy Cô trong nhiều năm sắp tới.

Võ Thị Ngọc Dung

LỜI CHÚC SINH NHẬT MUỘN CỦA CÔ NGUYỄN THỊ THU GỬI ĐẾN CÔ ĐẶNG THỊ TRÍ:

"Cô hỏi cô Trí về SN bởi vì cô có biết ngày sinh của cô Trí khi các cô rủ nhau làm giấy tờ đi cruise Alaska vào tháng 5 sắp tới, nhỜ đó mới được cô Trí forward cho cái website của NQ (bởi cô Thu đổi địa chỉ email mà quên không báo), và được xem các em tổ chức sinh nhật cho cô Trí. Trông vui quá là vui! Tiếc cô chẳng được xem đúng này để chúc SN một thể. Bốn năm trước cũng có đến nhà cô Trí để chúc thọ... 70, bây giờ lại chúc... trẻ 47 tuổi. Cô Thu muốn viết ngay vào dưới trang SN của cô Trí mà không biết viết cách nào (và có viết được không? hay cái gì cũng phải gửi cho em để nhờ post?).

Tiện đây nhờ em dán cái hình này vào mục của cô Trí, hình cách đây 4 năm khi 2 cô đi chơi vùng Yellowstone National Park. Happy Belated B-Day!"

Happy Belated B-Day!

Thầy Nguyễn Văn Phú

Năm 2002, gặp lại thầy Nguyễn Văn Phú trong buổi họp mặt CHS Ngô Quyền lần đầu tiên tại nhà hàng Regent West, hình ảnh Thầy với mái tóc bạc trắng và dáng dấp gầy gầy đã khiến tôi xúc động và gợi nhớ ngay đến bài hát “Ông lái đò” mà Thầy đã hát trong dịp Tất niên của lớp Tứ 1 chúng tôi năm nào. Nhân cơ hội, tôi đã mời Thầy lên hát lại bài này cho mọi người cùng nghe. Thầy có vẻ ngạc nhiên và rất xúc động bảo rằng: “Vì tuổi tác và quá mỏi mệt sau những năm cải tạo nên đã quên lời hát, xin đọc 4 câu thơ để cho tròn tình nghĩa”. Bốn câu như sau:

“Đò chìm, ông lái bơ vơ,

Bỏ thuyền, xa bến, ngẩn ngơ nỗi sầu,

Triều dâng sóng vỗ bạc đầu,

Khói sương hư ảo nhuốm màu tang thương”*

Từ đó, những lần sinh hoạt của Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Ngô Quyền sau này luôn có mặt Thầy với những lời hướng dẫn thân tình, thắm thiết.

Thầy Phú là giáo sư dạy môn Quốc Văn lớp Tứ 1 chúng tôi, niên khóa 69-70. Niên khóa 69-70 là niên khóa đáng ghi nhớ nhất của đám học trò đệ Tứ vì đó là năm cuối cùng của bậc trung học “đệ nhất cấp”, để sang năm tới tùy theo việc chọn ban A, B, C sẽ chia tay nhau lên “đệ nhị cấp”. Nhưng một lẽ đặc biệt hơn nữa, đó cũng là năm cuối cùng để rồi năm sau hệ thống giáo dục của toàn quốc đổi thành hệ 12 cấp lớp gồm trường tiểu học từ lớp 1 đến lớp 5 (thay vì lớp năm, tư, ba, nhì, nhất), trường trung học từ lớp 6 đến lớp 12 (thay vì đệ thất, lục, ngủ, tứ, tam, nhị, nhất) và bỏ hẳn tên gọi “đệ nhất cấp” và “đệ nhị cấp” ở bậc trung học. Vì vậy, Thầy trò chúng tôi đã tổ chức vài cuộc đi du ngoạn trong cái năm “bản lề” này thật vui vẻ và đầy thú vị!

Mỗi lần gặp lại Thầy là tôi nhớ đến những giờ học cũ khi cả lớp say sưa nghe thầy giảng Truyện Kiều của Nguyễn Du, một tác phẩm mà Thầy rất tâm đắc và thường gọi bằng cái tên “Đoạn Trường Tân Thanh”, nhớ đến 2 khuôn mặt đặc biệt mà Thầy đã đặt tên cho sau khi giảng trích đoạn tả tài sắc hai chị em Kiều. Chị Trương thị Thúy (Thúy Kiều), và Nguyễn thị Hiệp (Thúy Vân). Chị Thúy (gọi là chị vì tuy học cùng lớp nhưng chị cao lớn và hơn chúng tôi một, hai tuổi gì đó) hiện đang ở Việt Nam mà lần về thăm vào năm 2002, lúc họp mặt bạn bè cũ, tôi có gặp. Chị vẫn mặn mà, sắc sảo như Thúy Kiều trong câu “Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh” và Hiệp, hiện đang ở San Jose, chúng tôi cũng đã có dịp hàn huyên, tíu tít trong lần họp mặt NQ năm 2004 ở SanJose, vẫn khả ái, xinh tươi như Thúy Vân với “Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang”. Thời gian không làm thay đổi nhiều hai gương mặt đẹp “tiêu biểu” của lớp chúng tôi.

Gặp Thầy, lại nhớ đến giờ Văn học sử, khi giảng về dòng văn học lãng mạn, Thầy chuyển sang đề tài “Nghi án TTKH” khởi đầu với bài thơ “Hai sắc hoa Tigôn” khiến cả lớp xôn xao. Với lối kể chuyện sinh động và lôi cuốn, Thầy biến giờ Văn học sử vốn khô khan trở thành một buổi tranh luận về “huyền thoại” tên của tác giả ba bài thơ “Hai sắc hoa Tigôn, Bài thơ đan áo và Bài thơ cuối cùng” mà cho đến bây giờ vẫn chưa biết rõ là ai? thật hào hứng, sôi nổi khiến cả lớp say mê theo dõi. Đến lúc chuông reo, câu chuyện vẫn chưa dứt, chúng tôi đành tiu nghỉu đứng lên khi nghe Thầy hẹn đến…tuần sau sẽ tiếp. Sau buổi đó, không biết có bao nhiêu đứa bạn đã mê thơ TTKH như tôi? Nhưng tôi nhớ mình đã chạy ngay ra nhà sách Huỳnh Hiệp “bê” ngay một bộ “Việt nam Thi Nhân Tiền Chiến” gồm 3 quyển “Thượng, Trung và Hạ” về nhà để “nghiền ngẫm” và “tập tểnh”…làm thơ. Kết quả là cũng có được một vài…con cóc nhảy ra sau này. Cám ơn Thầy đã là động lực, khởi nguồn giúp cho con biết yêu thơ từ đó.

Nhắc đến Thầy không thể không nhắc đến một biệt danh khác của Thầy là “Ông lái đò”. Nhân buổi Tất Niên của lớp, mời Thầy lên gíúp vui, Thầy đã hát bài “Ông lái đò” sau khi ví von hình ảnh này với những người Thầy đã tận tụy, dìu dắt, đưa đường cho biết bao học trò sang sông tới bến tương lai và như những người khách vô tình, sang sông dễ có mấy ai còn nhớ đến “ông lái đò” nơi bến cũ vẫn ngày ngày “đưa mắt mỏi mòn trông”. Lời nhắn nhủ chân thành, cảm động đó khiến tôi nhớ mãi. Nhớ đến ân nghĩa của Thầy Cô mỗi khi nghe lại bài hát “Ông lái đò”.

Trong Tuyển Tập 2006, chắc cũng do cảm hứng từ bài hát và những kỷ niệm khó phai này. Thầy đã gửi đến cho đàn trò cũ một bài thơ đầy xúc cảm:

BẾN CŨ, ĐÒ XƯA

Mơ về bến cũ đò xưa,

Mà nghe như gió như mưa trong lòng.

Sông xưa nước vẫn xuôi dòng,

Chiều say nước lớn, nước ròng càng say.

Ai về xứ bưởi Đồng Nai,

Ngô Quyền bến ấy, biết ngày nào quên.

Đò tôi xuôi ngược, lênh đênh,

Giữa dòng sóng dữ, bập bềnh nổi trôi.

Bể dâu trải mấy, cuộc đời,

Thuyền không, khách vắng, đổi dời, đục trong.

Khách xưa giờ đã sang sông,

Biết ai còn nhớ tới ông lái đò.

ÔNG LÁI ĐÒ GIÀ

Bến Ngô Quyền 65-71

(Thân tặng các em cựu học sinh Ngô Quyền,

đặc biệt các em Ban Văn Nghệ Hiệu Đoàn thời 69-71)

Các bạn của Tứ 1 năm xưa, chắc rằng, không ít trong lòng chúng ta vẫn còn giữ được những kỷ niệm và mang cùng tâm trạng như tôi về hình ảnh của “Ông lái đò” ngày nào: Thầy Nguyễn Văn Phú.

--------------------------------------------------------------------------------------------------

* Bài thơ do Thầy Phú sáng tác trong những ngày đầu mới sang Mỹ. Dưới đây là nội dung toàn bài mà Thầy đã gửi cho và nói rằng : “Vào lúc đó, vì xúc động nên chỉ đọc bốn câu đầu. Nay ghi lại toàn bài để em tùy nghi sử dụng”.

“Đò chìm, ông lái bơ vơ,

Bỏ thuyền, xa bến, ngẩn ngơ nỗi sầu.

Triều dâng, sóng vỗ bạc đầu,

Khói sương hư ảo nhuốm màu tang thương.

Trời Tây làm khách tha hương,

Vẳng nghe đâu đó tiếng chuông gọi hồn.

Hoàng hôn, rồi lại hoàng hôn,

Hỏi người năm cũ, ai buồn hơn ai?”(1)

Chú thích:(1) Người năm cũ, ám chỉ cụ Nguyễn Du. "Bất tri tam bách dư niên hậu. Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như"?.

Võ Thị Ngọc Dung

THẦY NGUYỄN VĂN LỤC

Thầy Nguyễn Văn Lục dạy chúng tôi môn Triết trong niên khóa 1972-1973. Vào khoảng thời gian ấy, nếu tôi không lầm, có lẽ thầy chỉ ngoài ba mươi, nghĩa là quá… lý tưởng để cho các nữ sinh lãng mạn dệt mơ ươm mộng. Thật vậy, ngoài ba mươi, đủ trẻ để các cô cảm thấy dễ gần gũi, và đủ chững chạc trưởng thành để trở nên một thần tượng cao vời trong tầm mắt ngước lên.

Cao, khỏe, trẻ, nhanh, thầy lại được “trời cho” một khuôn mặt cương nghị đầy nam tính và nụ cười thật tươi. Đã thế, môn Triết của thầy không phải là thứ triết Luận Lý khô khan hay triết Đạo Đức cứng ngắt, hoặc triết khó nuốt “Buồn Nôn” của triết gia J. P. Sartre hay triết hóc búa kiểu“Hố thẳm của tư tưởng” của nhà văn Phạm Công Thiện. Thầy tôi dạy triết, nhưng là triết Tâm Lý cơ, với những tựa bài nghe qua đã thấy… hấp dẫn rồi, nào là “Cảm xúc”, “Đam mê”,… hèn gì mà “huyền thoại” về thầy trong giới nữ sinh, từ đàn chị đến đàn bạn và xuống tới đàn em của tôi, cứ thế mà mỗi ngày một dài.

Thú thật, tôi thuộc loại học trò cù lần, “chỉ biết học thôi chả biết gì,” nên “lời quê góp nhặt dông dài” được có bao nhiêu đây thôi. Lẽ ra cô nàng Nguyễn Trần Diệu Hương,“mẹ đẻ” của mục “Một góc thầy trò” này nên rao bảng“Viết về huyền thoại thầy Lục” như kiểu nhật báo Việt Báo mở mục “Viết về nước Mỹ”, thì chắc hẳn trang web của chúng ta sẽ có nhiều bút ký độc đáo hơn nhiều, phải không ạ?

Nguyễn Thị Minh Thủy

Năm 2006, lần đầu khi liên lạc được với Thầy Nguyễn Văn Lục để mời Thầy viết bài cho Tuyển Tập NQ, tôi đã nhắc về một “món nợ” mà tôi xem như vẫn thiếu Thầy khi còn là học trò lớp 10 ở trường NQ, Thầy đã viết trả lời tôi: “Lại kể những món nợ cũ ra, vậy thì lo mà trả nợ cũ trước khi nói truyện sắp tới nhé!”. Thầy làm tôi giật mình, nếu tính từ năm 1970 đến nay thì món nợ cũ chắc phải sinh lời đến… chóng mặt. Nhưng may là Thầy chỉ nói đùa thôi vì sau đó Thầy đã gửi bài cho Tuyển Tập NQ 2006, giữ liên lạc thường xuyên với sinh hoạt của Hội và website NQ cho đến bây giờ.

Tôi có cơ duyên được biết Thầy Nguyễn Văn Lục từ năm học lớp 10, lúc đó thầy mới về trường năm đầu tiên và phụ trách dạy môn Triết lớp 12, do một tình cờ khi than thở với người chị kết nghĩa, chị Duyên, đang là học trò của Thầy, về việc làm tập thơ của tôi và một người bạn cùng lớp chắc không thực hiện được vì không nhà in nào chịu nhận in ronéo một số lượng quá ít mà nếu in đúng theo tiêu chuẩn tối thiểu của nhà in ấn định thì sẽ lâm vào cảnh “thơ thừa” mà “tiền thiếu”… thảm thiết! Nghe vậy, chị Duyên đã bày cho tôi đến gặp Thầy Lục để xin Thầy giúp vì Thầy có tiệm in ronéo ở SàiGòn, và có hứa với học trò nếu cần in ronéo, copy bài vở gì thì Thầy sẽ sẵn sàng giúp. Thế là, Thầy đã hiện ra như một vị “mạnh thường quân” từ trên… trời rơi xuống để biến ước mơ đầu đời, to tát của hai “thi sĩ mầm non” là tôi và Ngọc Yến, trở thành hiện thực. Thầy vui vẻ nhận mang về nhà in dùm và thản nhiên bảo tôi khi tôi hỏi đến tiền ấn phí: “In chỉ 50 quyển mà lại còn đem đi để biếu không nữa thì tiền đâu mà có. Thôi tôi in dùm cho đấy.”. Ngạc nhiên, mừng rỡ, cám ơn Thầy rối rít… nhưng tôi cứ xem như mình đã mắc Thầy một món nợ rồi.

Sau đó không lâu, tên tuổi Thầy Nguyễn Văn Lục bỗng trở thành một… hiện tượng trong trường, được nhắc nhở thường xuyên với những huyền thoại đầy đủ các sắc màu rực rỡ trong các lớp nữ sinh. Theo lời “đồn đãi” thì ngoài việc có tiếng là dạy hay, giảng bài hấp dẫn với giọng miền Bắc thật ấm áp, truyền cảm, Thầy lại được các ưu điểm về sự trẻ trung, linh hoạt, đầy nam tính, và là một trong những vị Thầy của trường lái xe hơi đi dạy học (ngoài thầy Lâm Tấn Văn, thầy Nguyễn Thành Dũng và thầy Lê Quý Thể), cho nên hình ảnh Thầy Lục bấy giờ là “thần tượng” của khá nhiều nữ sinh đệ nhị cấp. Đoàn Chuẩn có bài hát “Tà áo xanh” để làm ngất ngây, thương nhớ thì các chị trường mình lại có “màu áo xanh” của Thầy Lục để ngắm những khi… mộng ngoài cửa lớp.

Có lẽ, một phần do muốn dễ “thẩm thấu” môn Triết học trừu tượng, khó nuốt, phần thì háo hức muốn biết lời “đồn đãi” của các bận đàn chị có đúng không? nên lớp 12A1 niên khóa 72-73 của chúng tôi khi thấy tên Thầy Nguyễn Văn Lục phụ trách môn Tâm Lý học trên thời khóa biểu của lớp, cả đám mặt mày hớn hở hẳn ra.

Triết là môn học chính thay cho Quốc Văn ở cấp lớp 12. Gồm Tâm Lý 2 giờ, Đạo Đức 1 giờ và Luận Lý 1 giờ cho mỗi tuần. Môn Tâm Lý khá hấp dẫn nên các giờ của Thầy Lục rất sinh động, lôi cuốn, so với giờ Luận Lý và Đạo Đức - có lẽ do các lý thuyết và nội dung chứa đựng quá lề luật, khô khan - dù Thầy Vũ Khánh Thành đã rất nhiệt tình giảng dạy. Đối với chúng tôi lúc đó, môn Triết là cả một thế giới vô cùng mới mẻ, một thế giới… siêu phàm của những “phạm trù”, “khái niệm”, “cảm nghiệm” đầy huyền bí, cao xa, nhưng qua cách giảng bài lưu loát, khoáng đạt với những cours tài liệu bổ túc bài giảng đã được Thầy biên soạn và phổ biến trong lớp, các lý thuyết về “bản chất, hiện tượng tâm lý và các mối quan hệ tâm lý v.v… và v.v…” lúc đầu như một cuộn chỉ rối mù, một cánh rừng hoang dã, mênh mông, một “đường đi không đến” đã được Thầy “khai sáng”, mở cửa và dần đưa những ý niệm về ngôn từ, tác giả, tác phẩm Triết học cao vời của Emmanuel Kant, Sigmund Freud, Jean Paul Sartre... đến với chúng tôi một cách nhẹ nhàng, tự nhiên hơn. Chúng tôi tập quen dần với những ngôn ngữ mới lạ nào là: vong thân, bản ngã, tha nhân, tha hóa, hiện hữu, nội tại, ngoại cảm... Đặc biệt bài học về các đề tài “Khuynh Hướng, Ý Thức, Vô Thức, Cảm Xúc, Đam Mê…” là những khám phá mới mẻ, đầy hấp lực đối với chúng tôi đang ở lứa tuổi thành niên, chuẩn bị hành trang để bước vào đời.

Sau năm học này, tôi rời trường đi học Văn Khoa ở SàiGòn, nhưng mỗi bận về nhà cứ nghe cô em kế của tôi đang học lớp 12A3 hí hửng khoe: “Thầy Lục không dạy Triết lớp em, nhưng tới giờ Tâm Lý của Thầy, em với mấy đứa bạn xin qua lớp Thầy để học “dự thính”, lớp thật đông, có lúc không đủ bài, vậy mà Thầy vẫn dành cours cho em đem về đọc thêm đó”.

Tôi quên không hỏi làm cách nào mà cô em tôi có thể bỏ giờ học của lớp mình để sang học lớp khác mà Giáo Sư không biết? Nhưng như vậy cho thấy là Thầy Lục của chúng tôi vẫn còn là “thần tượng” của các nữ sinh trong những năm sau này chứ không phải là đã hết.

Hiện nay, ngoài danh vị một nhà giáo đã nghĩ hưu, Thầy Nguyễn Văn Lục còn là một nhà văn, nhà biên khảo đã có tiếng ở hải ngoại với số lượng bài viết thật đáng kể. Viết bây giờ có thể nói là niềm “đam mê” mãnh liệt nhất của Thầy. Chúng ta hãnh diện được là học trò của các vị giáo sư, và cũng là những nhà văn học đã cống hiến phần tri thức của mình trong các công trình sáng tác, nghiên cứu để lưu lại cho hậu thế những món quà tinh thần vô cùng giá trị. Buổi ra mắt sách “Hai mươi năm miền nam VN 1955-1975” của Thầy trong đầu tháng Tám vừa qua tại miền Nam Cali đã thành công tốt đẹp và tạo được nhiều tiếng vang trong giới truyền thông, văn học hải ngoại, xem như là một phần thưởng quí báu dành cho "người cầm bút muộn" -theo lời Thầy- nhưng nhiều tâm huyết và lòng đam mê viết lách như Thầy. Hơn nữa, sự tham gia, ủng hộ nhiệt tình, đông đảo của Quý Thầy Cô và ChsNQ trong thời gian này đã thể hiện phần nào những tình cảm thân thương và lòng quý mến của ĐạiGiaĐìnhNQ dành cho Thầy Nguyễn Văn Lục vẫn nguyên vẹn như những ngày Thầy còn dạy môn Triết ở trường Ngô Quyền của chúng ta vậy.

Võ Thị Ngọc Dung

NHÌN LẠI NHỮNG DẤU CHÂN (2009)

Thế là tôi đã được dự Đại Hội Họp Mặt của Gia Đình Cựu Học Sinh Trung Học Ngô Quyền lần thứ 8 tại Nam Cali vào ngày 5 tháng 7 năm 2009 vừa qua. Những lần trước, dù có ước ao, tôi phải lỗi hẹn vì nhiều lý do khác nhau. Lần nầy tôi háo hức đến độ “ăn không no bụng, ngủ không thẳng giấc” với mong ước tham dự Họp Mặt Truyền Thống của trường xưa! Nhiều bạn đã viết thư hay gọi phone nhắc nhở, nhưng tôi còn phân vân vì sờ vào túi thấy trống không, nên trả lời theo kiểu chơi Tài Xỉu là 5 ăn 5 thua hay “không thể và có thể”. Tôi tưởng như mình lại lỗi hẹn rồi. Mà may mắn thay, giờ chót tôi vui như chưa lần nào được vui như vây: Tôi hốt được Hụi! Chuyện nhỏ như cái mỏ con thỏ mà hóa ra niềm vui lớn, oà vỡ và tràn vào tâm hồn tôi, ngập tới cổ lúc nào không biết! Tôi không thể lấy vé máy bay gấp vì giá vượt cao tới mây xanh. Thêm nữa, người bạn già ở Nam Cali không thể lái xe ra phi trường đón tôi dù là phi trường gần nhất. Thế là Xe đò Hoàng là phương tiện gần nhất và thuận tiện nhất mang tôi về với Thầy Cô và các bạn. Ngồi trên xe, đường dài, thời gian lâu, tôi lại có ý nghĩ liều lĩnh và bạo gan là nếu có thể tôi sẽ thử sửa lại câu văn nổi tiếng của Ông Nguyễn Bá Học như sau: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà tùy theo người có hốt hụi được hay không”. Tôi miên man với ý nghĩ ngộ nghĩnh đó mà xe đò đến chợ ABC lúc nào không hay!

Rồi cũng đến giờ họp mặt. 10 giờ 30 sáng ngày 5 tháng 7 năm 2009. Bạn tôi, Nguyễn Ngọc Ẩn E đến nơi tôi trọ và đưa tôi đi! Tôi hồi hộp lắm. Thắt cà vạt không ngay! Giày cột một dây, áo sơ mi tuột nút.

Khi tôi đến nhà hàng, đã có nhiều người ở đó. Mấy anh thì lo giăng bảng hiệu, mấy chị thi lo tiếp tân, lăng xăng túi bụi mà tôi thì cứ lan man như ở đâu đâu! Nhìn mấy cái Micro lặng im trên sân khấu tôi lại nhớ kỷ niệm cũ, hồi còn ở Trường Ngô Quyền năm nảo năm nao! Năm đó, chuẩn bị Văn nghệ Tất Niên, tôi có mặt trong ban văn nghệ phối hợp tập dượt với Ban Văn Nghệ của Trường bán công Trần Thượng Xuyên. Cũng xin nói rõ, tôi không có tài cán gì về ca hát. Với giọng ca như “cọp bị đạn”, tôi chỉ xứng đáng làm thợ vịn cho phần kỹ thuật âm thanh thôi! Cái Micro chắc thuộc ” Đời Cô Lựu” không chuyển âm thanh được. Tôi allo hoài, 1 2 3 4 hoài mà nó không kêu! Đến chừng nổi nóng, tôi xổ tiếng Đan Mạch (xin lỗi, trong đời tôi, cái sai lầm lớn nhất là đã nói tiếng Đan Mạch trong khi Trường mình chỉ dạy tiếng Pháp và tiếng Anh) “ĐM ! Sao kỳ vậy? …” thì cái Micro mắc dịch lại kêu to. Thầy Hiệu Trưởng Phạm Đức Bảo có mặt đúng lúc đó. Cũng may là đang lúc hân hoan chuẩn bị Tất Niên và Thầy Bảo nghiêm nghị nhưng bao dung nên tôi đã “được cứu một bàn thua trông thấy” …

Tôi về với Đại hội kỳ nầy, ngoài việc mong muốn gặp lại Thầy Cô và bạn bè, đã quen hoặc mới quen, còn háo hức muốn gặp ba người Thầy mà bấy lâu nay tôi hằng ngưỡng mộ: Đó là Thầy Nguyễn Xuân Hoàng, Thầy Hà Tường Cát, và Thầy Mai Kiến Phúc. Nhưng cuối cùng tôi đã thất vọng vì các Thầy đều không về …

Nếu gặp được Thầy Nguyễn Xuân Hoàng, tôi sẽ cúi đầu bắt tay Thầy, giữ tay Thầy trong tay tôi để nghe được cái cảm giác chắc là lạ lùng phát ra từ bàn tay của Nhà văn nổi tiếng.

Tôi sẽ mang cái cảm giác “thiên thần” ấy trao lại cho bạn bè tôi, những người không được may mắn như tôi trong Đại hội. Tôi đã có dịp bắt tay các Nhà Văn khác như Bình Nguyên Lộc và Sơn Nam trong lúc mấy Ông ấy còn trẻ và tôi thì còn nhỏ. Cảm giác rất êm dịu làm tôi nghĩ sao những người viết văn tài giỏi, tay họ cho mình cảm giác lâng lâng kỳ lạ vậy? Tay Ông Bình Nguyên Lộc ấm, còn tay Ông Sơn Nam lạnh hơn. Dù sao, tôi vẫn muốn thấy lại cảm giác đó nơi tay Thầy dù cho ấm lạnh khác nhau. Chắc trong Đại hội, tôi không có thời giờ để nói với Thầy cảm xúc mình khi đã đọc các tác phẩm của Nhà Văn Nguyễn Xuân Hoàng như Bụi và Rác, Sinh Nhật, Căn Nhà Ngói Đỏ, Sương Mù và Ý Nghĩ Trên Cỏ hay không đủ lời để nói lên lòng cảm phục Thầy qua những gì Thầy làm lúc còn ở Phụ Bản Tiếng Việt của Tờ Mercury News ỏ San Jose! Tôi không học lớp nào của Thầy, nhưng tôi thấy gần gũi Thầy qua những dòng văn. Thế mà …

Nếu gặp được Thầy Hà Tường Cát, tôi sẽ đứng nhìn Thầy từ xa trước, cẩn trọng và không vồ vập. Tôi nhìn để thấy Thầy độ nầy ra sao, vóc dáng thế nào? Ở đâu đó, như trên các Đặc San Ngô Quyền mà tôi đã đọc, tôi vẫn thấy Thầy gầy nhom, như không còn gì để gầy thêm nữa. Cái dáng mỏng manh, “phọt” thân ván ép của Thầy là độc quyền của Thầy, không thể nhầm lẫn với ai. Bù lại, Thầy có sức dẽo dai, bền bĩ và giọng nói gây cảm tình với học sinh hết sức! Tôi sẽ xin phép Thầy được ngồi chung bàn với Thầy trong giây lát, để thưa với Thầy là Thầy là người đưa Toán học vào thực tiễn cuộc đời một cách tài ba mà tôi chưa từng gặp Thầy Toán nào như thế! Tôi còn nhớ như in rằng trong vài lần Thầy gọi tôi lên bảng để giải toán, tôi cứ run vì tôi biết mình rất sợ Toán dù đang bon chen học ban B. Thầy ngồi, im lặng, tay áo sơ mi dài tay thật rộng, và thỉnh thoảng nhắc: Cẩn thận đấy! Coi chừng vô nghiệm! Và y như vậy, bài Đại Số vô nghiệm thật! Sau nầy, trong cuộc đời gió bụi, dù ở quê nhà hay nơi xứ lạ, mỗi khi cần giải quyết một vấn đề hóc buá, tôi vẫn nghe lại lời Thầy vẳng bên tai: Cẩn thận đấy! Coi chừng vô nghiệm! Và cũng đúng y như lơì Thầy nói, cuộc đời không bao giờ có nghiệm số, là mãi mãi vô nghiệm như những bài toán khó mà tôi đã gặp. Tôi sẽ cảm ơn Thầy về những lời cảnh báo về cuộc đời đầy giá trị như thế! Thế mà …

Nếu gặp lại Thầy Mai Kiến Phúc, tôi sẽ chạy lại Thầy ngay, không cần suy nghĩ, tôi sẽ ôm Thầy như một người thân xa nhau lâu ngày nay mới được gặp. Có thể tôi sẽ khóc vì xúc động hay có lẽ tôi khóc vì thấy tóc Thầy vẫn dày mà tóc tôi đã di tản nhiều hơn Thầy sau nhiều năm xa cách! Tôi mong thấy Thầy không đổi khác, vẫn kính trắng gọng đen (như lúc đó), vẫn sơ mi trắng và quần sẫm màu. Đó là model mà hồi còn trong lớp tôi vẫn ái mộ. Không nói quá, cái hình ảnh Thầy đứng trước bảng đen, say sưa với từng công thức Vật Lý làm tôi cũng như say. Thú thật, tôi mê Thầy và ao ước một ngày nào đó tôi trở thành đồng nghiệp đáng tin cậy của Thầy trước đám học sinh! Sau nầy khi đọc bài viết của Thầy ở Đặc San Ngô Quyền 2004, tôi càng cảm phục Thầy hơn qua ý tưởng sắt đá với nghề dạy học. Xin trích dẫn: “Có đến thì có đi. Ngày vĩnh viễn ra đi có thể là ngày mai, tháng tới, năm tới, hay ngay cả đôi ba chục năm nữa thì cũng phải tới. Lúc đó tôi chỉ cầu xin Thượng Đế cho tôi được mang theo tất cả kỷ niệm của quảng đời dạy học và cho tôi được đầu thai trở lại trần gian nầy với nghề đi dạy trong một xã hội không buộc tôi phải nói ngược với niềm tin và suy nghĩ của mình” (ngưng trích). Thử hỏi còn giá trị nào cao hơn với nghề dạy học mà Thầy gắn bó?

Tôi sẽ không bao giờ quên tư cách của Thầy trong lớp là nghiêm túc mà gần gũi học sinh cho nên không đứa nào xa cách hay sợ Thầy quá đáng. Có một thói quen của Thầy là trước khi chấm dứt giờ học, Thầy cần viên phấn nhỏ ném xuống đất. Là hết giờ! Bởi vậy khi gần cuối giờ Vật Lý, khi thấy mấy Cô bạn học Ban B là Hà Thị Nhung, Cao Thị Tốt, và Liêng Tuấn Tài vén vén tà áo dài, loay hoay với cặp sách và trước bảng đen, Thầy Phúc bẻ bẻ viên phấn cho nhỏ nhỏ, chuẩn bị, không biết cố ý hay vô tình, ném xuống đất, là tôi biết hết giờ học. Tôi ngẩn ngơ với bài học chưa hiểu hết hay ngẩn ngơ trước một phong cách thường nhật quá dễ thương của Thầy? Bây giờ tôi cũng chưa biết, nhưng mường tượng đó là lời chào tạm biệt hay câu hứa hen gặp lại lần sau như danh thủ Tennis Federer đã từng làm trước khán giả.

Tôi đã mong đợi gặp lại phong cách đầy cảm xúc đó! Thế mà …

Nói về những Người Thầy của Ngô Quyền, tôi phải tự thú là mình quá lỗi lầm khi không đến chào Thầy Hoàng Phùng Võ. Thật ra, tôi không học với Thầy nhưng lại có duyên gặp Thầy trong môi trường khác sau năm 1975. Vì thế tôi có thể xin phép gọi là Anh Hoàng Phùng Võ cho thân mật khi nhớ lại những năm tháng khổ đau sau khi đất trời Việt Nam dậy sóng. Lần nầy về Nam Cali, tôi nghĩ tạm nhà anh Trần Kim Thủy, là bạn cùng nghề trước kia và cũng là bạn hủ tíu bây giờ với anh Võ. Thú thật, khi Đại Hội khai mạc, người người vui vẻ trò chuyện quá nhiều nên tôi không thể theo dõi hết Thầy Cô hay Bạn bè đã được giới thiệu. Đến khi được thấy hình qua bản tin, tôi mới biết mình đã thiếu sót khi không đến chào Thầy (Anh) Hoàng Phùng Võ! Tiếc quá và hối hận quá!

Tôi không thể không nói về những người ban cũ cũng lớp ở Trung Học Ngô Quyền.

Nói là NHỮNG, nhưng thật tình chỉ có 2 thôi. Đó là Đỗ Hữu Phương, ngươì bạn vui tính, luôn có nụ cười trên môi và cả trên mắt , cùng vợ con có mặt trong Đại Hội. Phương đang là một doanh nhân thành đạt ở California Hoa Kỳ. Người thứ hai là Nguyễn Ngọc Ẩn E, một cây Toán của lớp Đệ Nhất B1, đậu Tú Tài hạng Bình, được du học ở Nhật Bản, sinh sống và làm việc ở đó, mới qua Mỹ vài tháng nay và rục rịch trở về với xứ của các nàng Gheisa và rượu Saké. Ẩn E mê Toán hơn mê Đào thành ra đến bây giờ vẫn là Tư Lệnh Phòng Không của lớp. Chúng tôi ngồi chung bàn và mọi người kêu gọi Ẩn E giúp vui văn nghệ bằng một bài hát Nhật Bản. Ẩn E từ chối, nói là quên, nhưng tôi nghĩ là chắc bạn cũng giống như tôi thôi! Ở Mỹ khá lâu mà tôi chỉ biết mỗi một bài hát Jingle Bell mà đã bị chế ra tiếng Việt rồi! “ Jingle Bell, Jingle Bell… Ta mua heo ta nuôi heo. Mua cám về cho heo …”

Tôi phải nói thêm ngay, kẽo quên thì mất điểm. Đó là những bạn mới gặp mặt dù đã biết qua ít nhất là ở WEB Ngô Quyền thân mến. Ma Thị Ngọc Huệ , Võ Thị Ngọc Dung và Nguyễn Thị Minh Thủy đều là những gương mặt mà ai cũng biết ngoại trừ tôi, mới gặp. Chúng tôi bắt tay, mừng nhau như đã quen mặt từ lâu. Xin cảm ơn những chân tình mà các em (xin được gọi thân mật như thế) đã dành cho người phương xa về như tôi. Tôi ngạc nhiên trước ba dung nhan khá ăn khách và ăn ảnh nầy. Dù nhan sắc của các cô không còn trên đỉnh cao của thời hoa mộng nhưng tôi tin mạnh mẽ rằng, với tình hình kinh tế đang hồi phục của Hoa Kỳ, các dung nhan đó vẫn tiếp tục tỏa sáng ít nhất là mươi mười lăm năm nữa! Tôi tiếc là mình không làm thơ được để ca tụng những nét đẹp vượt thờì gian như thế! Tôi cũng tỏ lòng thương mến anh Sinh, Ông Xã của Ngọc Dung, người mà tôi đã mạo muội nhận xét là quá dễ thương, không thương thì quá uổng!

Có một đôi vợ chồng rất hiếu khách và dễ thân mật là anh Tô Anh Tuấn và Chị Hiền. Suốt buổi tiệc, anh tiếp chuyện tôi như người quen thân từ lâu. Cách nói chuyện dễ gây cảm tình của anh Tuấn đã theo tôi suốt buổi, và ngay trên đường đi và về đến khu NHÀ THỜ KIẾNG mà Anh Chị đã đưa tôi đi xem và chụp ảnh. Xin gởi ngàn lời cảm ơn đến Anh Chị Tuấn.

Có một nét đặc sắc mà chắc không ít người đã nhận ra, đó là cặp MC Ngọc Dung và Hữu Hạnh. Hai ngườì đã làm tròn vai trò một cách tự tin và cho Đại Hội một nét son khó lòng quên lãng. Bản thân tôi, cũng lặn lội học hỏi và tham gia nhiều nơi với vai trò nây, cũng vô cùng khâm phục tài ăn nói và sự quăng bắt tự nhiên của anh chị Dung và Hạnh. Đó là chưa kễ Ngọc Dung đã xuất sắc trong bài hát Bên Cầu Biên Giới của Phạm Duy và Anh Hạnh đã cho mọi người thấy tài ca Vọng cổ mùi mẫn dễ làm xiêu lòng người! Xin cảm tạ và vinh danh những tài năng như thế!

Không thể kể hết, không thể nói ra bằng lời những niềm vui mà tôi có được khi về dự Đại Hội năm 2009 nầy. Những gì tôi nhớ và viết ra chỉ là một ít trong số nhiều những ưu điểm có trong Đại Hội. Tôi không muốn kết thúc bài viết vì đâu đó vẫn còn nhiều điều đáng nói. Tôi nhìn lại mình và nhìn lại hay nhớ lại những Thầy Cô, các Anh Chị lớp trước, bạn bè cùng lớp hay đàn em lớp sau. Tất cả còn trong nhau là kỷ niệm mà kỷ niệm bao giờ cũng đáng quý vì khó tìm. Tôi như lang thang trên những con phố Biên Hoà, những con đường dẫn tôi đến sân trường cũ, ở đó lời Thầy Cô còn vang vọng, tiếng lao xao của bạn bè còn nghe rõ như in, tà áo dài ai trắng đến tinh khôi và tiếng guốc ai còn gieo vào lòng tôi niềm bâng khuâng khó tả. Tôi chưa về được Trường xưa để thấy lại một trời yêu thương và hoa mộng thời xa xôi cũ, để có dịp đi ngang Cù lao Phố hay tắm lại khúc sông Đồng Nai thơm ngát hương bưởi quê nhà, nhưng tôi thấy được, qua Đại Hội nầy, những dấu chân in qua lớp bụi thời gian của nhiều thế hệ. Tôi nhìn và thấy rõ những dấu chân đang bước tới cho một tương lai tươi sáng làm rạng rỡ hai chữ NGÔ QUYỀN.

Cuối cùng, nếu được hân hạnh đứng trước Đại Hội, tôi sẽ nghiêng mình và thưa rằng: Kính thưa Quý Thầy Cô và Quý Bằng Hữu, Cựu Học Sinh Đệ Nhất B1, dỡ Toán, học lực trung bình tên Trần Ngọc Danh, xin Cám Ơn Thầy Cô và Bằng Hữu đã bỏ thời gian đọc hết bài nầy .

Trần Ngọc Danh

California, ngày 17 tháng 7 năm 2009

CHUYẾN DU HÀNH SAN JOSE THAM DỰ PICNIC HÈ HỌP MẶT 2007 CỦA HỘI ÁI HỮU CHS NGÔ QUYỀN, BIÊN HÒA

“Đoàn người tưng bừng về trong sương gió,

Hồ như đám mây trắng lững lơ…”

Có phải trời Nam CA đang đầy nắng ấm với những làn mây trắng vào buổi sáng thứ Bảy ngày 18 tháng 8 để chờ đón…đoàn Thầy Cô, Bạn Hữu của trường trung học Ngô Quyền trên chuyến xe Bus đi về miền Bắc CA để sống vui trọn vẹn hai ngày cuối tuần, nhân dịp Picnic Hè Họp Mặt của Hội CHS NQ được tổ chức ở San Jose chăng?

Chuyến đi này đã được tổ chức và chuẩn bị rất chu đáo từ hơn tháng trước do các anh chị Mai Trọng Ngãi, Lữ Công Tâm, Tô Anh Tuấn, Nguyễn thị Tất Ứng, Ma Thị Ngọc Huệ, Cao Thị Chung đảm trách từ việc thuê xe, mướn motel cho đến ẩm thực.

Mặc dù Ban Tổ Chức đã căn dặn rất kỹ “Xe bus sẽ khởi hành lúc 7 giờ sáng, xin nhớ đến đúng giờ, vì nếu trể, chúng ta sẽ gặp trở ngại ”, và từ 6 giờ 30 sáng, tại “điểm hẹn” là parking lot trước chợ ABC, Thầy trò Ngô Quyền cứ thế mà lũ lượt lên xe…tiễn nhau đi. Tuy vậy, đến 7 giờ 30 xe bus mới bắt đầu… rời bến vì phải chờ MC Nguyễn Hữu Hạnh, một “tài năng hiếm quý” của Ngô Quyền đã được phát hiện sau nửa ngày… rong ruỗi trên xe bus, anh đến trể vì phải đi đón gia đình một người bạn cùng đi trong chuyến này.

Với tổng số đã lên đến 51 người, chuyến xe bây giờ chỉ còn hai băng ghế sau cùng còn trống, ban ẩm thực dùng ngay vào việc dự trữ và phân phối thức ăn, nước uống cho cả đoàn. Được ngồi ở sát khu vực này, trông thấy hai khay xôi đậu xanh còn bốc mùi thơm phức do chị tổng khậu Cao thị Chung đã thức từ 3 giờ sáng để nấu, mấy thùng xoài xanh chín hườm, no nưỡng bên cạnh ổ bánh kem của chị Tư Hường mang tặng, ai mà có thể chợp mắt được? Ngoài ra, suốt cuộc hành trình nơi đây còn là… hậu cứ để cho Ban tổ chức hội họp bàn thảo chương trình sắp tới, thật là tiện lợi!

Trời vẫn còn sớm, nhưng nắng đã bắt đầu lên, một vài anh chị dường như vẫn còn chưa tỉnh táo hẳn. Nhưng nhờ anh Ngãi lên xuống…kiểm quân, chị Tất Ứng tới lui…thu tiền lệ phí, nên mọi người dần mở mắt,… móc bóp.

Hai khay xôi và những chai nước lọc bắt đầu được phân phối nhanh chóng cho buổi điểm tâm tại chỗ.

Theo dự định, Anh Nguyễn Hữu Hạnh và chị Nguyễn Thị Mỹ sẽ cùng làm MC cho chương trình văn nghệ…trên xe. Nhưng giờ cuối, chị Mỹ bệnh không thể đi được nên anh Hạnh đành phải “ôm show” một mình, không ngờ anh đã “ứng khẩu” thật tài tình và điều hợp chương trình văn nghệ, hoạt náo tự biên, tự diễn rất vui nhộn và phong phú trong suốt cuộc hành trình hai ngày…đi về có nhau.

Cô Minh Nguyệt, “tiếng hát vượt thời gian” của trường Ngô Quyền đã bắt nhịp bài “Học Sinh hành khúc” cho cả đoàn cùng hát để bắt đầu chương trình văn nghệ, chuyến xe dường như lắc lư, rộn ràng theo từng lời ca, từng nhịp vỗ tay…

Sau đó, với giọng đầy cảm xúc, MC Hạnh đã kể sơ qua chuyến đi về VN vào tháng 7 vừa qua với nhiệm vụ liên lạc, phổ biến DVD “50 năm Hội Ngộ Trùng Phùng” cho quý Thầy Cô và bạn bè trong nước, nơi mà mọi người ai cũng náo nức, đón chờ để được xem. Anh tiếp tục giúp vui với hai câu vọng cổ có những đoạn thật là độc đáo:

“….ngày xưa….chăn trâu, ngày nay…chăn bò.

….ngày xưa …đưa ghe, ngày nay…đưa đò .”

khiến cả xe cười nghiêng ngả.

Các giọng hát “chủ lực” của trường Ngô Quyền đang có mặt thay nhau làm “tằm nhả tơ” hát không ngừng nghĩ như Cô Minh Nguyệt, vừa hát vừa ngâm thơ, gần hết các bài nhạc tiền chiến “Cô lái đò, Đường lên sơn cước, Bóng chiều xưa, Ngậm ngùi, Thuyền Xưa, Con Thuyền xa bến…” hát không biết mệt “Em biết không, thấy đường dài xa quá sợ ông tài xế mệt, ngủ gục nên cô phải ráng hát cho ổng tỉnh đó mà….”, chẳng vậy thôi, cô còn hát cả tiếng Nhật nữa, bài hát “Thu trên đảo Kinh Châu” do Thầy Hoài yêu cầu. Cô Minh Nguyệt đoạt giải nhất kỳ này rồi đó cô ơi! Thầy Phú, ngoài bài “Ông lái đò” bất hủ đã gắn liền với tên của Thầy, hôm nay càng hoạt bát hơn với những mẫu chuyện vui, với thơ “Lục Vân Tiên” và hát bài “Căn nhà ngoại ô” rất…tình tứ. Lữ Công Tâm, còn được gọi là Sĩ Phú và Minh Phương là hai giọng hát mới, rất truyền cảm đã cống hiến những bài hát rất trữ tình như: “Thu hát cho người, Anh đến thăm em đêm ba mươi, Đời đá vàng, Khúc thụy du, Ai cho tôi tình yêu…”. Ngọc Dung, chuyến đi này vắng chị Mỹ, bị MC Hạnh…chĩa microphone lia chia, nào là “Lãng du, Cuối cùng cho một tình yêu, Nửa hồn thương đau, Tuyết trắng, Anh đi chiến dịch, Người đi qua đời tôi, Những ngày thơ mộng…” rồi thêm bài thơ “Hai sắc hoa tigôn” và “ Nghi án TTKH” nhắc lại kỷ niệm học với Thầy Phú và lớp Tứ 1 năm nào. Đặc biệt, chị Thoa với giọng nói nhẹ nhàng, êm ái như ru của…cô em Bắc kỳ nho nhỏ, người đã khiến cho anh Phạm Sơn Danh… mềm lòng, ngỏ lời xin “ái mộ”, mặc dù anh mới sang định cư được 5 tháng và bà xã đang ngồi bên cạnh, chị đã ru lòng người với những bài thật dễ thương “Hãy yêu nhau đi, Tưởng anh quên, Đừng…tha em đêm nay” đến nỗi anh Thoa phải đáp lại ngay với bài… “Xin còn gọi tên nhau”! Sao lạ vậy nhỉ?

Ngoài tài hát vọng cổ “mùi tận mạng”, kể chuyện vui “cười bể bụng”, anh Hạnh còn rất tài tình trong việc khám phá những tài năng mới, đưa ra ánh sáng những ca sĩ thân hữu trong chuyến đi như chị Ngọc Hạnh, chị Bạch Yến, đồng nghiệp lớp Sư Phạm Việt ngữ của chị Huệ. Các chị đã say sưa hát, hát thật nhiều. Từ chị Hạnh với “Cát bụi tình xa, Con đường tôi về” đến chị Bạch Yến được ví với Ý Lan “Bây giờ tháng mấy, Em Tôi, Mùa thu cho em, Dư Âm, Màu kỷ niệm…” làm cho bầu không khí càng thêm thân tình, ấm cúng.

Tiếng hát lời ca đã khiến mọi người quên hết đường xa, mệt mỏi. Đường đi đến Yosemite thật là quanh co, hiểm trở, trông dễ sợ hơn cả đèo Hải Vân ở Việt Nam và Sequoia ở CA nhiều. Xe dừng ở Yosemite lúc 1 giờ trưa, mọi người xuống xe đi ngắm cảnh, chụp hình. Yosemite với phong cảnh núi non hùng vĩ và những thác nước tuôn đổ quanh năm trên sườn núi tạo thành một thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng của nước Mỹ. Năm nay do hạn hán và gần cuối mùa hè, nên mọi người không có dịp để chiêm ngưỡng hình ảnh tuyệt đẹp này. Sau gần một giờ rong chơi, mọi người lại tiếp tục lên đường thẳng tiến đến San Jose, nghe nói còn 5 giờ nữa mới tới khách sạn dể nghỉ ngơi, chị Chung nói “Ủa, sao từ dưới mình lên đây có 6 tiếng mà bây giò còn tới 5 tiếng lận.” “Thì tại mình ghé chơi ở chỗ này phải đi xa hơn mà.”

Thế là “bánh xe quay nhanh nhanh, chiếc thân xe rung rinh, chìm trong làn cát trắng, xe nhịp nhàng lăn bánh…” và tiếng hát lại tiếp tục bay cao. Cô Minh Nguyệt và chị Ngọc Hạnh chỉ sợ ông tài xế buồn ngủ nên tình nguyện song ca hết bài này đến bài khác. Chị Huệ, chị Minh Phương kể chuyện ma. Cô Trí nói về chuyến đi Đông Âu của cô và khen “các em cái gì cũng giỏi hết…” trong lúc bánh mì thịt, xoài được các chị Chung, Huệ, Kim Huê, Tất Ứng cắt gọt sạch sẽ mang đi mời từng người, các chị vừa phân phát thức ăn vừa trêu chọc nhau, cười inh ỏi. Chị Huệ cười tỉnh táo và nói “Lạ thiệt, đường dài ghê mà sao hỏng thấy buồn ngủ chút nào hết trơn trọi”.

Đặc biệt cô Huỳnh Thanh Mai đã cho cả xe được thưởng thức tài xem bói của cô qua các chị Tất Ứng, chị Minh Phương và chị Huệ thật vô cùng hào hứng, khiến ai cũng biết thêm là các cô nữ sinh Ngô Quyền cũng tài giỏi chẳng thua ai, vừa đẹp người mà cũng lại vừa đẹp nết nữa.

Xe dừng trước motel lúc 7 giờ 30 tối, anh Tới đã chờ sẳn để hướng dẫn mọi người đi đến nhà hàng ăn sau khi đã ghi danh, lấy phòng, một số khác thì chờ người thân đón về nhà.

Sáng hôm sau, xe bus đến motel lúc 9 giờ đón Thầy Cô và các bạn NQ để bắt đầu một tour viếng thăm những địa danh nổi tiếng ở San Jose, do anh chị Đại-Nam Đào làm tour guides, đoàn đã đến thăm và chụp hình lưu niệm ở trạm đầu tiên là Grand Century Plaza, rồi đến San Jose City Hall, High Technologies Park, Catholic Church, Duc Vien Pagoda…Dù thời gian eo hẹp nhưng anh chị Đại-Nam Đào đã được Thầy Cô và Các bạn bầu cho là “The best Silicon Valley tour guides”.

Đến 11giờ trưa, cả phái đoàn Nam CA đã có mặt đông đủ ở Edenvale Park, anh Long đã đến giữ chổ từ 6 giờ sáng , nên cũng dành được bốn bàn, thức ăn đã chiếm mất hai bàn dài, nào là bánh bột lọc, bánh bò nướng, gỏi, mì xào…và cả một con heo quay thật to, mùi thịt heo quay, mùi sườn bò BBQ xông lên thật hấp dẫn, nhóm CHS trung học Long Thành cũng đến tham gia với món sausage của Ý cộng với nồi hột vịt lộn của anh Tới làm mồi nhậu thật…tuyệt cú mèo. Mọi người cùng ăn uống chuyện trò, gọi nhau ơi ới làm huyên náo cả một góc trời.

Khoảng 1giờ trưa, tất cả mọi người cùng tập trung lại để nghe BCH Hội cùng một số Thầy Cô ngỏ lời về mục đích, ý nghĩa của chuyến đi Picnic lần này. Trước tiên, anh Phẩm và anh Ngải đại diện BTC của hai miền ngỏ lời cám ơn các anh chị trong ban tổ chức và những người đã góp công, góp sức, vận động để thực hiện được buổi pininc này, đặc biệt là sự hợp tác của trường Long Thành qua đại diện là chị Kim Loan.

Anh Tô Anh Tuấn ngay những phút đầu tiên, sau khi xe khởi hành vào sáng thứ Bảy từ Westminster, đã nhắc nhở, nêu rõ mục đích của việc tổ chức picnic lần này: “Qua những trở ngại, khó khăn đã vấp phải, mới thấy rõ những tấm lòng thiết tha đối với nhau trong gia đình Ngô Quyền. Đi để bày tỏ tình đồng môn, đồng đội, để cố gắng mời gọi các anh chị Bắc CA cùng hợp tác trong mọi sinh hoạt sắp tới của Hội, từ nay sẽ không còn là miền Bắc hay miền Nam CA nữa mà chỉ là một khối thống nhất Hội CHS NQ mà thôi.” Lúc đó, toàn thể quý Thầy Cô và Bạn Hữu NQ trên xe đều tán thành và khuyến khích việc thực hiện mục đích, chủ trương của BTC Hội: không còn phân biệt Nam Bắc CA, đoàn kết để xây dựng Hội ngày càng vững mạnh hơn.

Bây giờ, trước quý Thầy Cô và bạn hữu miền Bắc, một lần nữa, anh Tuấn đã nhắc lại: “Xin được chuyển đạt ước nguyện tha thiết của BCH Hội ở miền Nam CA đến các anh chị ở miền Bắc, xin hãy nắm chặt tay nhau để cùng làm việc chung cho Đại gia đình Ngô Quyền, đừng bỏ anh em chúng tôi làm việc một mình, hãy xiết chặt tay nhau để cùng xây dựng và phát triển Hội”.

Thầy Hiệp cũng nhấn mạnh thêm: “Nên cũng cố, góp sức chung để phát triển Hội, không phân biệt Nam Bắc gì nữa”. Thầy Phú: “Lần sau không còn nghe Bắc tiến hay Nam tiến nữa mà chỉ nghe là đi đến trường Ngô Quyền thôi”. Thầy Hoài: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Ngoài ra, còn có Thầy Phạm Quang Bình của trường trung học Long Thành cũng lên chia sẻ niềm vui với Ngô Quyền và mong trường Long Thành sẽ thành lập được một nhóm để sinh hoạt như Ngô Quyền trước khi tiến tới hoạt động liên trường Biên Hòa.

Sau cùng, anh Tới công bố danh sách đóng góp về phần ẩm thực. Anh Phẩm, anh Ngải ngỏ lời cám ơn tất cả về những cố gắng đóng góp để hoàn thành tốt đẹp buổi Picnic Hè năm nay.

Những tràng pháo tay vang rên từng hồi rộn rã sau mỗi lời phát biểu của quý Thầy Cô và BTC như một lời hứa quyết tâm thực hiện tình đoàn kết, xây dựng và phát triển Hội AHCHS Ngô Quyền ngày càng vững mạnh hơn.

Sau đó, tất cả chụp hình lưu niệm và cuối cùng trước khi lên xe, thầy Nguyễn văn Minh của trường TH Long Thành đã hướng dẫn hát một số bài sinh hoạt cộng đồng như: Việt nam, Nối vòng tay lớn, Tạm Bìệt…thật là vui nhộn.

Đúng 2 giờ, xe bắt đầu khởi hành về lại miền Nam. Chương trình văn nghệ được tiếp tục thật sôi động, hấp dẫn, không ngớt tiếng cười theo từng câu pha trò của MC Hạnh, anh thay đổi không khí liên tục với các chủ đề thật là …lãng mạn. Đầu tiên là “Hát với thần tượng”, người hát được MC chọn cho một thần tượng để cùng hát chung hoặc là hát tặng, sau đó là “Hát cho riêng mình”, với chủ đề này, thầy Phú đã ngồi…lặng thinh khoảng một phút, và đưa microphone lại, nói với mọi người “hát xong rồi đó, hát cho riêng mình thì chỉ cần hát trong …bụng thôi, đâu cần có ai nghe”.

Một tiết mục khác cũng rất hào hứng nữa là “Để trả lời một câu hỏi”, các Thầy Cô và các bạn tha hồ đặt câu đố và mọi người đua nhau để trả lời. Thầy Võ nhờ tìm dùm giải đáp cho câu hát “Em gái Bắc Ninh, anh trai Biên Hòa”. Gái Bắc Ninh thì nổi tiếng đẹp và hát hay rồi, còn anh trai Biên Hòa có gì hay đâu nào? câu này được các anh thi nhau…ngẫm nghĩ, chị Hiền trả lời rất ư là…dễ thương “ con trai Biên Hòa thì hiền hòa, giỏi giắn, thủy chung…” Anh Tuấn thì phán : “hiền quá, hiền khô, đôi khi cũng hơi…tửng tửng”. Anh Danh thì lại nói “Hàng tốt, chất lượng cao, lại dễ …sai biểu, dễ ăn hiếp”. Anh Sinh thì cho rằng những đức tính tốt đẹp của người con trai Biên Hòa có được là do người mẹ đã ảnh hưởng đến.

MC Hạnh xen kẻ vào chương trình bằng những bài vọng cổ “Thà như giọt mưa, Xuân tha hương, Nữa đời hương phấn…” thật …mùi mẫn, Út trà Ôn nghe chắc cũng còn phải… gật gù, nhờ đó đã làm nguồn cảm hứng cho anh tài xế trẻ tuổi dù đang bận lái xe cũng xin tham gia hát một hơi 4 câu “Mời nghe vọng cổ” thật... rệu.

Nói đến vọng cổ, mãi đến hôm nay cả trường mới khám phá ra chị Tồng khậu Cao thị Chung của chúng ta ngoài tài nấu nướng vô địch, còn là một “cây vọng cổ” ăn đứt Út Bạch Lan, Lệ Thủy mấy bậc, nên sau khi nghe chị hát nguyên bài vọng cổ “Võ Đông Sơ”, anh Tô anh Tuấn đề nghị Hội sẽ thành lập ban văn nghệ, có hát cải lương do chị Chung và MC Hạnh trình diễn, thâu DVD bán để gây quỹ cho Hội chắc chắn sẽ thu được lời to, thay vì làm báo. Anh Hạnh đề nghị thêm màn hát cải lương…lồng tiếng do chị Tất Ứng diễn xuất và chị Chung hát, lý do là chị Tất Ứng khóc rất hay, làm đào thương chắc sẽ xuất sắc. Anh dẫn chứng về tài mau nước mắt của chị, đã khiến cho cả xe cười chảy nước mắt theo. Ngoài chị Chung, anh Hạnh và ông tài xế, không thể nào không nhắc đến một “thiên tai”, ý quên, “thiên tài” mới ra lò đó là anh Danh, người đã tuyên bố dám “ái mộ” cô em Bắc kỳ nho nhỏ, anh này mới qua có mấy tháng, là nhiếp ảnh gia thứ thiệt (con trai… rượu của Bác Ba Phạm Lung đó mà!), bây giờ lại thêm sáng chói vì biết ca vọng cổ và làm MC nữa chứ! Nghe anh ca “ Màu tím hoa sim” rồi đến “Tình anh bán chiếu” thật không thua gì Elvis Phương và Út Trà Ôn. Anh cũng “dám” tự thú là không muốn nói nhiều vì “ MC Hạnh sẽ …ganh tỵ sợ tui nói hay quá dành nghề MC của nó…”.

Trên xe, cũng có khoảng năm sáu cô cậu rất trẻ, ham vui, theo ba mẹ Ngô Quyền đi…hành hương, các cô cậu thấy ba mẹ hát hò, nói năng nhiều quá chắc cũng …khớp nên chỉ ngồi…im thin thít, duy có tiểu thư con gái anh chị Tuấn Hiền, thật không hổ danh con nhà giáo, đã đóng góp hai mẫu chuyện vui thật dễ thương của tuổi học trò: “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” và “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, rất dí dỏm.

Các bài hát “Con đường vui”, “Đèo cao dô ta…” được bắt giọng bởi anh Danh, anh Xuân khiến cho bầu không khí trên xe thật hào hứng không khác gì những buổi sinh hoạt cộng đồng ngoài trời thuở còn đi học.

Ngoài các anh chị trong Ban Tồ Chức, MC Hạnh là người được nhận nhiều lời khen và cám ơn nhất từ quý Thầy Cô lẫn bạn hữu, ngay đến quý Thầy rất ít nói như Thầy Phố, Thầy Chí, Thầy Võ cả anh Tài xế nữa cũng không ngớt lời khen anh Hạnh. Hãy nhớ dành cho Anh Hạnh một “Huy chương vàng Giải Thanh Tâm” của gia đình Ngô Quyền trong lần Đại Hội kỳ tới nhé!

Một khám phá cuối cùng trong chuyến đi này nữa từ một “chàng rể Bắc kỳ” của NQ đó là anh Sinh, theo lời anh Hạnh nói: “Tui phải phục anh Sinh đó nha, thấy anh thật quá…can đảm, dám ca một câu vọng cổ bằng giọng …rặt Bắc kỳ”, rồi còn đọc thơ Tagore nữa chứ! Nhưng điều làm cho mọi người bất ngờ nữa là khi ngang qua một vài địa danh trên đường đi và về, do cảm hứng từ câu chuyện Thầy Hoài kể về “Nam Kỳ Lục Tỉnh”, anh đã dẫn giải về lịch sử, đặc điểm của từng nơi thật rành mạch, lý thú. “À, lại một khám phá mới nữa rồi, một Tour Guide của NQ đó nha.” anh Tuấn vừa cười vừa nói.

Những giờ còn lại trên “chuyến xe…đông người” này, toàn thể quý Thầy Cô như cô Trí, cô Tuyết và Thầy, cô Phú, cô Nhiên, cô Huệ, Cô Mai và Thầy, thầy Phố, thầy Hoài, Thầy Võ, thầy Chí và các Bạn hữu ít nhất là cũng một lần được bày tỏ cảm tưởng, ý kiến của mình qua cuộc hành trình, tóm tắt trong những điểm chính sau đây:

_Học hỏi được tinh thần “Tôn Sư Trọng Đạo” từ các cô chú, học sinh Ngô Quyền, rất khó tìm thấy được sau ngày mất nước, nhất là ở Mỹ.

Chuyến đi vui nhất từ trước tới giờ mà tôi đã có. Mong sẽ có duyên để còn dịp lái xe cho Ngô Quyền trong những lần tới (anh Tài xế).

_ Tình Thầy trò, bạn bè NQ thắm thiết, vô cùng quí báu, làm nhớ đến thời còn đi học (Các Thân Hữu NQ). Sẽ mang về thuật lại cho bạn bè VN (một cô giáo đến từ VN)

_ Cám ơn Ban Tổ Chức đã tạo cơ hội để có được chuyến đi quá vui vẻ, đầy thú vị (Quý Thầy Cô, Bạn Hữu)

_ Cám ơn Anh Hạnh đã hoàn thành nhiệm vụ MC quá xuất sắc. “Không thể thiếu Hạnh trong những lần sau.” ( Thầy Phố, Thầy Chí, Cô Trí và…hầu hết mọi người).

_ “Chuyến đi này vui quá là vui, khiến cô cảm thấy được trẻ lại 30 tuổi” (cô Minh Nguyệt).

Cuối cùng,

“Trên đường về nhớ đầy,

Chiều chậm đưa chân ngày,

Tiếng buồn vang trong mây…”

Xe đã về bến…chợ ABC bình yên vào lúc 9 giờ tối Chúa Nhật 19 tháng 8.

Cám ơn quý Thầy Cô và Ban Tổ Chức Hội CHS Ngô Quyền đã tạo được một chuyến đi “làm nên lịch sử” nối kết hai miền Nam Bắc về chung một mối, một nhà. Gây tình thân ái ngày càng đậm đà trong mỗi một người Ngô Quyền với những kỷ niệm tươi thắm, ngọt ngào, không thể nào phai.

Võ Thị Ngọc Dung

TƯỜNG THUẬT VỀ BUỔI HỌP MẶT TRUYỀN THỐNG NQ KỲ 6

tại Nam Cali vào ngày JULY 01, 2007

Dư âm của Hội Ngộ Trùng Phùng NQ 2006 vẫn còn vang vang trong lòng của quí Thầy Cô, các cựu học sinh Ngô Quyền như mới ngày hôm qua. Thế mà đã một năm trôi qua. Cũng đúng vào thời gian này như năm ngoái - để tiếp nối truyền thống từ bao năm qua - trưa Chúa nhật ngày 1 tháng 7, 2007 một buổi họp mặt của Hội Ái Hữu CHSNQ Biên Hòa đã được tổ chức tại nhà hàng Seafood Kingdom ở thành phố Anaheim / Nam Cali . Đây là buổi Họp Mặt Truyền Thống lần thứ 6 của Hội.

Từ 10 giờ sáng, quí anh chị trong Ban Tổ Chức đã có mặt để tiếp đón Thầy Cô và Bạn hữu từ xa về. Ngay ở cửa vào nhà hàng, Ban Tiếp tân bận rộn, tíu tít làm việc, mọi người đều được nhận bảng tên có in phù hiệu của trường Ngô Quyền.

Vào bên trong, người thì gặp nhau, tay bắt mặt mừng, cười nói huyên thuyên… người thì ngồi vào bàn vừa chuyện trò vừa thưởng thức DVD Hội Ngộ Trùng Phùng đang được trình chiếu trên màn ảnh rộng ở góc phải nhà hàng. Quang cảnh thật là vui vẻ, nhộn nhịp…

Đến 12 giờ 30, anh Lữ Công Tâm trân trọng mời quí Thầy Cô cùng quan khách bắt đầu chương trình với nghi lễ chào quốc kỳ và một phút mặc niệm dành cho những người trong Đại gia đình Ngô Quyền đã ra đi, trong đó đặc biệt tưởng nhớ đến các Thầy vừa mới qua đời trong năm nay. Đó là thầy Phạm Thắng, Thầy Trần văn Kế, Thầy Nguyễn văn Thại.

Tiếp theo, anh Mai Trọng Ngãi với tư cách Chủ tịch BCH / Hội AHCHSNQ thay mặt ban tổ chức gửi lời chào mừng đến quí Thầy Cô và các bạn hữu đã đến tham dự. Sau đó, chị Nguyễn Thị Mỹ trưởng ban Sinh Hoạt & Văn Nghệ, một MC kỳ cựu của Hội đã giới thiệu anh Nguyễn văn Đạo -đến từ Virginia và từng là một trong những mạnh thường quân rất tích cực- sẽ cùng điều hợp chương trình với chị .

Hai anh chị đã lần lượt giới thiệu thật đầy đủ quí Thầy Cô, bạn hữu ở xa hoặc lần đầu đến tham dự họp mặt Ngô Quyền. Điểm đặc biệt năm nay dù chỉ là họp mặt thường niên mà con số người tham dự lên khoảng 130 người. Trong đó đã có khoảng 30 Thầy Cô như : Thầy Phan Thanh Hoài, Thầy Nguyễn Thất Hiệp (đến từ San Jose), Cô Đặng thị Trí, Thầy Nguyễn văn Phố, Thầy Hoàng Phùng Võ, Thầy Mai Kiến Phúc, Thầy Cô Nguyễn Văn Phú, Cô Đặng thị Tuyết, Cô Đinh thị Hồng Oanh, Thầy Nguyễn Sơn, cô Mã thị Ngọc Huệ, cô Hoàng thị Minh Nguyệt, Cô Nguyễn Ngọc Ẩn H, Thầy Cô Lê Thị Mỹ, Thầy Cô Hồ Minh Nguyệt ......

Bên cạnh còn có các Thầy Cô mới đến lần đầu như : Thầy Trương Hữu Chí, Thầy Tống Thành Đương, Cô Hà thị Nhung, Thầy Cô Nguyễn Xuân Kính .... Có một số Thầy Cô từ các trường khác cũng dành cho Ngô Quyền những tình cảm đặc biệt như : Cô Nguyễn Thị Loan (trường Trịnh Hoài Đức), Cô Hoàng thị Minh Tâm (trường Nguyễn Du), Thầy Cô Nguyễn Đình Hải (trường Khiết Tâm), Cô Nguyễn thanh Hoan (Cao đẳng Sư Phạm) .....

Ngoài ra còn có sự hiện diện của Bác Lê văn Nhơn - cựu Hội Trưởng Hội Phụ Huynh Học Sinh rất nhiều năm của trường Ngô Quyền - và Ba Mẹ của cố thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên - cũng là một cựu HSNQ.

Về các bạn hữu đến từ phương xa có các chị Nguyễn thị Hồng (Ohio), Lê thị Kim Huệ (Arizona), Mai thị Nhàn (San Jose), Nguyễn Trần Diệu Hương (San Jose), Anh chị Nguyễn văn Đạo và 2 con trai Nguyễn văn Nghĩa, Nguyễn văn Lộc (Virginia), anh chị Võ Thanh Vân (Quốc Mỹ-Utah), Phan Lệ Nga (Boston), Nguyễn Thanh Nga (Iowa), Nguyễn Thanh Nhung (Iowa), và Anh Phạm Sơn Danh (mới vừa định cư tại HK) ....

Đặc biệt hơn nữa có các chs NQ đến từ các Quốc gia ngoài Hoa Kỳ như chị Đỗ thị Kim Hoa, Đỗ thị Nguyệt Ánh (đến từ Germany), anh Nguyễn Ngọc Ẩn E (đến từ Japan), anh Huỳnh Thiện Đức (đến từ Việt Nam). - Những tràng pháo tay giòn giã vang lên không ngớt để chào mừng quan khách từ xa về khiến cho không khí buổi họp mặt càng thêm vui vẻ, sinh động.

Sau đó, lần lượt quí Thầy Cô đã được mời lên để nhận những bó hoa nghĩa tình, tươi thắm từ các học trò cũ và chụp hình lưu niệm với nhau.

Phần quan trọng của buổi họp mặt năm 2007 này là việc bầu lại Ban Chấp Hành mới cho nhiệm kỳ 2007-2009. Anh Đinh Hoàng Vân, đại diện Ban Giám Sát tuyên bố nhiệm kỳ của BCH cũ đã chấm dứt và cho biết trong thời gian qua, Hội đã thông báo việc ứng cử cho nhiệm kỳ mới trong lá thư NQ tháng 2/2007. Nhưng đến thời hạn chót vào cuối tháng Năm vẫn không có một liên danh nào ghi tên ứng cử. Do nhu cầu hoạt động của Hội và căn cứ vào những thành quả cùng uy tín mà Hội đã đạt được trong thời gian qua, Ban Giám Sát đề nghị lưu lại Ban Chấp Hành cũ và xin biểu quyết của toàn thể Hội viên đang có mặt. Hầu hết mọi người đều giơ tay tán thành và biểu quyết tín nhiệm. Qua đó, anh Đinh Hoàng Vân đã tuyên bố Ban Chấp Hành HCHSNQ Biên Hòa của nhiệm kỳ 2007-2009 sẽ do các anh chị Mai Trọng Ngãi, Nguyễn Thị Tất Ứng, Tô Anh Tuấn, Ma thị Ngọc Huệ tiếp tục đảm nhận.

Sau đó, Anh Mai Trọng Ngãi với tư cách Chủ tịch BCH ngỏ lời cám ơn sự tín nhiệm của mọi người và trình bày nhu cầu tăng cường nhân lực vì sự phát triển Hội.

Thứ nhất: Vì trọng trách nặng nề mà phải kiêm nhiệm 2 chức vụ của chị Ma Thị Ngọc Huệ nên qua vận động và được chấp thuận, anh Lữ công Tâm sẽ phụ trách chức vụ Phó chủ tịch Ngoại Vụ

Thứ Hai: Vì tính cách đa đoan của chức vụ Tổng Thư Ký mà anh Tuấn đã đảm nhận cùng các kế hoạch cho chương trình phát triển Hội thời gian tới nên BCH đã thuyết phục và được chấp thuận, chị Võ Thị Ngọc Dung sẽ phụ trách chức vụ Phó Tổng thư ký Hội.

Như vậy, Ban Chấp Hành mới của nhiệm kỳ 2007-2009 sẽ gồm: anh Mai Trọng Ngãi (Chủ tịch), anh Lữ Công Tâm (Phó Chủ tịch Ngoại vụ), chị Nguyễn Thị Tất Ứng (Phó Chủ tịch Nội vụ) , anh Tô Anh Tuấn (Tổng Thư Ký), chị Võ Thị Ngọc Dung (Phó Tổng Thư Ký), chị Ma thị Ngọc Huệ (Thủ quỹ). Cả hội trường đều vỗ tay nồng nhiệt cổ võ cho sự can đảm vác ngà voi của Ban Chấp hành mới.

Anh Tô Anh Tuấn thay mặt BCH tiếp tục chương trình với phần tường trình về sinh hoạt Hội trong hai năm qua với những thành quả rực rỡ như: phối hợp thực hiện tốt đẹp Tuyển Tập NQ 2006, phối hợp thực hiện 8 Ngày Hội Ngộ Trùng Phùng với Tiệc Tiền Hội Ngộ, Đêm Hội Ngộ, 5 chuyến du lịch liên tiếp trong 6 ngày, Tiệc Tiễn Đưa.... thật tuyệt vời, khó quên…

Ngoài ra Hội cũng đã phát hành Tập ảnh HNTP, DVD Đêm HNTP để lưu giử mãi những kỷ niệm để đời này. Kế hoạch tới bao gồm phát triển WebSite NQ và tổ chức ban Xã Hội, các chương trình này có thực hiện được hay không hoàn toàn tùy thuộc Nhân lực và Tài lực, nghĩa là tùy thuộc việc chung sức vác ngà voi của nhiều người trong đại gia đình NQ chúng ta hơn nữa. Mong được vậy lắm thay.

Đặc biệt, Hội cũng cám ơn anh Lý Thanh Phương đã bỏ nhiều công sức thì giờ giúp phần trang trí sân khấu rất đẹp hôm nay.

Chương trình văn nghệ “cây nhà lá vườn” được mở đầu với Ngọc Dung và bài hát “Trở Về Mái Nhà Xưa” như một nhắc nhớ cho mọi người về ý nghĩa của buổi họp mặt này, rằng chúng ta đang “ Trở về với mái ấm Ngô Quyền” rồi đây! Những bài hát tiếp theo với các tiếng hát NQ như : Mỹ Anh (Hoa học trò), MC Nguyễn Mỹ (Hạ trắng) thật tha thiết, nồng nàn như nắng mùa hạ đang trải đầy ngoài sân. Đôi song ca Quốc Mỹ-Ngọc Hưng với bài “Như vạt nắng” rất…tình tứ, khiến ban nhạc phải yêu cầu “đừng xuống, hát nữa đi…”. Không thể không nhắc đến các tiếng hát rất dễ thương đến từ Boston của Ngọc Bích (Nỗi buồn Hoa Phượng), Phan Lệ Nga (Tìm lại ngày xưa), hoặc “Đường xưa lối cũ” với Hương Xuân - một thân hữu Trần Thượng Xuyên -. Phần sôi động và khó quên của các tiết mục văn nghệ hôm nay vẫn là cách biểu diễn và những bài nhạc rất “hot” của Quốc Mỹ đến từ Utah ( Papa, Twist Again, Tình lính..) đã lôi cuốn MC Mỹ cùng hòa nhịp, quay cuồng trên sân khấu và lần đầu tiên đã kích động và đưa chân một số Thầy Cô, bạn hữu NQ ra sàn nhảy.

Nhưng đặc biệt là phần ngâm thơ của cô Minh Nguyệt, mặc dù tuổi xế chiều mà giọng ngâm vẫn còn mạnh mẽ, nồng ấm với bài thơ “Hội Trùng Phùng” của cô Nhã Ý đăng trong Tuyễn Tập NQ 2006, khiến cho bầu không khí càng thêm đậm đà tình nghĩa.

Hai nam ca sĩ cuối của chương trình là Nguyễn Đạo (Linh hồn tượng đá) và Nguyễn Đặng Ninh (Kiếp nào có yêu nhau), bất ngờ lại được lại được tán thưởng nồng nhiệt, các cô thay nhau lên tặng hoa ráo riết khiến cho MC Mỹ phải lên tiếng “Sao tui hát không có ai tặng hoa mà mấy anh này lại được hoa nhiều vậy?”, MC Đạo “galăng” bèn chia ngay cho MC Mỹ một bó hoa, khiến cho chị cười thật tươi…tươi hơn cả bó hoa vừa được nhận.

Chương trình văn nghệ thật phong phú và tưởng như là bất tận vì có rất nhiều anh chị sẵn sàng tham gia, đóng góp. Nhưng vì thời gian giới hạn, đành phải hẹn quí vị đến lần họp mặt NQ…năm sau.

Chương trình được tiếp tục với phần xổ số và những giải thưởng giá trị. Lô độc đắc là một iPod trị giá 300 đồng. Đa số các giải trúng đều về tay các Thầy Cô hoặc anh chị đến từ các nơi xa xôi. Thật đúng là những món quà ý nghĩa và đúng cách để đãi ngộ những người khách phương xa.

Ngoài ra, chị Nguyễn Trần Diệu Hương thay mặt cho nhóm CHS NQ miền Bắc Cali lên chuyển lời mời quí Thầy Cô, bạn hữu đến tham dự buổi Picnic Hè ở SanJose vào ngày Chúa nhật 19 tháng 8 sắp tới. Ban tổ chức ở Bắc Cali sẽ cung cấp phương tiện di chuyển và chổ ăn ở thật chu đáo. Thư mời và các chi tiết có thể xem tại www.ngo-quyen.org phan Tin sinh hoat NQ Bac Cali hoặc clink vào link sau đây:

http://www.ngo-quyen.org/default.asp?CatID=19

Cuối cùng, buổi Họp Mặt Truyền Thống NQ kỳ 6 của Hội Ái Hữu CHSNQ đã kết thúc lúc 3:30, sau khi Ban Tồ Chức cám ơn quí Thầy Cô, Bạn hữu đã đến tham dự và chào tạm biệt, hẹn sẽ gặp lại nhau đông vui hơn trong lần Họp Mặt Truyền Thống NQ kỳ 7 vào năm 2008 tại San Jose.

Võ Thị Ngọc Dung