Thơ

- KHÉP MỘT VẦNG TRĂNG

- XIN HÃY ĐỢI CON

- THÁNG GIÊNG

- KHI TÌNH YÊU GIÁNG SINH

- BỖNG DƯNG SAO LẠI BUỒN TÊ TÁI LÒNG

KHÉP MỘT VẦNG TRĂNG

(Cảm tác từ truyện ngắn “Khép Một Vầng Trăng” của Nguyên Nhung)

"Khép một vầng trăng" chia nỗi đau

Nửa in gối chiếc, (nửa) soi tuyến đầu

Chưa lần hò hẹn, lời son sắt

Nhưng nợ đã thầm, duyên đã trao

"Khép một vầng trăng" lạc mất nhau,

Vườn xưa lối cũ, mình em sầu

Dõi mắt hỏa châu tìm nhân ảnh

Chỉ thấy lệ tràn trong đêm thâu!

“Khép một vầng trăng” chung nỗi đau

Nhà tan, nước mất lắm gian lao

Mười năm tù ngục, đời tăm tối

Vẫn có em cùng chung khát khao!

“Khép một vầng trăng” hẹn kiếp sau

Người về tan tác cuộc bể dâu

Ngọc lan, hương vẫn nồng trong gió

Hiên vắng, tìm em biết chốn nào?

TƯỞNG DUNG

(Tháng 5–2010)

XIN HÃY ĐỢI CON

Lời tác giả: Bài thơ cảm tác sau khi đọc “Những câu chuyện thương tâm sau trận động đất, sóng thần xảy ra ở Nhật".

“Hình ảnh cậu bé 9 tuổi cầm hai tấm biển ghi tên cha mẹ và người thân đi dọc hành lang các khu tạm trú sau thảm họa kép ở Nhật Bản đã lay động tâm can hàng triệu người dân thế giới. Cậu bé đã trở thành một biểu tượng của nỗi đau mà người dân Nhật đang phải hứng chịu sau thảm họa động đất kèm sóng thần kinh hoàng xảy ra hôm 11/3.

Ngày qua ngày, cậu bé Toshihito Aisawa, 9 tuổi, đi hết từ khu tạm trú này đến khu tạm trú khác để tìm kiếm gia đình của mình.

Cầm chặt hai tấm biển ghi tên cha mẹ và người thân, cậu bé Aisawa suốt tuần qua đã mãi miết đi dọc khắp các hành lang ở những khu trú tạm trong thành phố quê hương Ishinomaki để tìm kiếm những người thân yêu của mình. Cậu bé dường như không biết mệt mỏi và không bao giờ hết hy vọng.

Lần cuối cùng, Aisawa nhìn thấy bố, mẹ, bà và anh họ của mình là khi cả nhà lèn vào một chiếc xe hơi và tìm cách chạy trốn những con sóng thần đen nghịt hung dữ. Nhưng chiếc xe của họ cuối cùng cũng chẳng thoát nổi. Những con sóng thần cao ngất đã nuốt chửng chiếc xe hơi trong vòng xoáy nước điên cuồng.

Aisawa đã thoát chết nhờ vào việc đập vỡ cửa sổ của xe và được các nhân viên cứu hộ lôi lên từ dòng nước trong tình trạng bất tỉnh.

Ngay sau khi tỉnh dậy, Aisawa đã đi tìm bố mẹ và những người thân của mình. Mỗi ngày cậu bé đều để lại lời nhắn trên giấy: “Con sẽ đến vào 11h ngày mai, xin hãy đợi con... Con sẽ đến vào ngày mai”. Những dòng chữ nhắn nhủ của cậu bé này đã khiến cho bất kỳ ai dù là cứng rắn nhất cũng phải rơi lệ.

Xin tặng cậu bé Aisawa bài thơ với lòng cảm xúc sâu xa sau khi đọc câu truyện và lời nhắn nhủ thiết tha của cậu.

XIN HÃY ĐỢI CON

“Xin hãy đợi, mẹ ơi xin hãy đợi.

Con sẽ về, sẽ đến vào ngày mai”

Đừng đi đâu, nếu mẹ ở nơi này

Con sẽ đến, chờ con đừng đi vội.

“Xin hãy đợi, cha ơi xin hãy đợi,”

Sáng ngày mai, con sẽ trở lại đây

Sóng thiên tai đưa chim lạc xa bầy

Con vẫn sống, chờ mong và hy vọng.

“Xin hãy đợi, bà ơi xin hãy đợi”

Tuổi hạc cao, bà tóc bạc, lưng còng

Giữa mịt mùng dâu biển, trãi mênh mông

Bà đừng sợ, ngày mai con lại đến.

“Xin hãy đợi, anh ơi xin hãy đợi!”

Còn niềm tin là sẽ có tương lai

Mới hôm qua, tay còn nắm chặt tay

Trong giông bão, sá chi trời đã tạnh .

Tìm nhau giữa tang thương, đời bất hạnh.

Không than van, không mòn mõi, hận sầu.

Nhắn dùm em giờ cha mẹ nơi đâu?

“Xin hãy đợi, ngày mai con sẽ lại”

“Xin hãy đợi, ngày mai con sẽ lại!”

Lời trẻ thơ như dao cắt lòng ai!

Aisawa, mong em có ngày mai

Cười rạng rỡ thay mắt buồn, khô lệ!

Tưởng Dung

23/03/2011

THÁNG GIÊNG

(Cho con gái Anh Thư và Anh Thy vào Đại Học ở Chicago)

Tháng Giêng đến phi trường O’Hare

Chỉ có bóng con và bóng mẹ

Sáng mùa Đông nên lòng trắng xóa?

Môi se khô, đôi mắt ướt nhạt nhòa…

Chưa bao giờ con đi thật xa

Như lần này về nơi xứ lạ

Tiễn con đi lòng đầy buốt giá

Lệ mừng rơi đưa con bước vào đời.

Chicago đón chân mẹ chơi vơi

Cũng như con lần đầu rời tổ ấm

Ngại từng tên phố, đường lạ lẫm

Nơi mai đây con ở lại một mình.

Trời sương mù, che khuất ánh bình minh

Nắng vẫn ngủ dưới hàng cây quạnh quẻ

Tìm đâu nữa những ngày bên gối mẹ

Cánh chim non giờ bay bổng biệt ngàn.

Tháng Giêng, mùa Đông đến nhẹ nhàng

Trên dấu tuyết, giữa sân trường im vắng

“Windy City”, niềm tin yêu, hy vọng

Là tương lai con ấp ủ, chờ mong.

Mai mẹ về, con nhắn nhủ gì không?

Nhớ Cali, chắc đầy trong giấc mộng?

Con sẽ quen những ngày mưa xứ lạnh

Sẽ luyến lưu “thành phố Gió” yên lành.

Đông sẽ tàn, Xuân về trời lại xanh.

Giọt sương mai tan nỗi nhớ long lanh.

Bước thênh thang, con say đời vẫy gọi

Mẹ sẽ cười thay giòng lệ mừng rơi!

Tưởng Dung

Tháng Giêng, 2010

KHI TÌNH YÊU GIÁNG SINH

(Cảm tác theo truyện ngắn "Tình Yêu đêm Giáng Sinh" của Nguyên Nhung)

Mùa Giáng Sinh xưa lại trở về

Gợi niềm xao xuyến mối duyên thề

Nhớ tiếng chuông ngân buồn, đêm Thánh

Nước mắt hay ngàn sao long lanh?

Thuở ấy, tình theo cánh thư xanh

Đếm từng ngày tháng, rất mong manh

Quê hương chinh chiến, anh dâng hiến

Tuổi trẻ, tình yêu… khắp mọi miền.

Em tuổi ngây thơ, thật hồn nhiên

Làm sao hiểu hết những ưu phiền

Bao mảnh đời tan trong giông bão

Chỉ biết nguyện cầu, mãi có nhau.

Mùa Giáng Sinh nào chung nỗi đau

Bên anh, biển rộng, dòng sông sâu

Đem yêu thương tưới đồng khô cạn

Sóng dạt dào tuôn, mạch nước tràn.

Chua xót đầu xanh, trắng khăn tang

Góa phụ sầu thương, duyên bẽ bàng!

Từ anh, em biết yêu nhân thế.

Là biết cho đi, chẳng nhận về.

Là giữ tình chân, nghĩa phu thê

Nghịch cảnh, điêu linh vẫn vẹn thề.

Qua bao gian khổ, thêm bền đỗ

Nghiệm chữ "tình yêu" rất nhiệm mầu!

Cám ơn anh và mối tình đầu

Chan chứa cả tấm lòng nhân hậu

Cho em sống một đời êm ả

Giáng Sinh về, thêm yêu người thiết tha!

Tưởng Dung

(9 tháng 12, 2010)

BỖNG DƯNG

SAO LẠI BUỒN TÊ TÁI LÒNG

Đêm qua tàn cuộc vui về.

Bỗng dưng sao lai buồn tê tái lòng!

Em dần quên mối tình… không.

Xui chi gặp lại để đong nỗi sầu.

Đã không duyên, chẳng tìm nhau

Áo xưa giờ đã bạc màu thương yêu

Đừng cho em thấy những điều

Làm tim em rạn với nhiều vết sâu!

Người vui, em cứ nghẹn ngào.

Sao không ngăn được sóng trào, lòng đau?

Tình như những nhánh sông sao.

Nhánh soi rực rỡ, nhánh vào hư không.

Bao phen lòng đã nhủ lòng.

Xin làm kẻ lạ, gặp không ngoảnh nhìn

Đêm qua, nhớ lại… giật mình.

Gặp người, sao vẫn lặng nhìn, hỏi han?

Tình ơi, đá nát vàng tan.

Sao em còn mãi đa đoan nỗi niềm?

Tưởng Dung

Tháng Giêng, 2008