Đừng mãi nương nhờ ánh sáng của người khác. Hãy là ánh sáng của chính mình

Về mặt tâm linh, một ma trận tôn giáo tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau. Họ vẽ ra thiên đường hay địa ngục, mê hoặc kêu gọi nhân gian theo con đường đạo người sáng lập dẫn dắt. Biết bao câu chuyện ta thấy trên đời thật đau lòng bởi niềm tin mù quáng do đức tin quá lớn như bị tẩy não. Đâu chỉ có người thường mà cả những người coi là có trí thức cao còn bị đức tin mù quáng. Những lời kinh kệ, những lời thuyết phát như mê hoặc, thôi miên tác động vào sóng não thay đổi dần hành vi con người. Cho nên có rất nhiều người ban đầu chỉ là tò mò sau dần trở thành tín đồ cuồng tín.

Trong các tôn giáo, cá nhân tôi vẫn đề cao trí tuệ của Đức Phật , một con người mở được trí huệ thấu suốt nhân gian. Tôi cho rằng những câu nói mà ngài để lại ngẫm đến nay muôn đời có giá trị, là những câu nói diễn tả mọi ảnh hưởng hành vi của cuộc đời con người. Đúng ra ngài là một triết gia nhưng các đệ tử của ngài lại dần biến nó thành một tôn giáo. Và tôn giáo đôi khi lại phục vụ mục đích chính trị....

Rất nhiều người đã lợi dụng tôn giáo và lòng tin của con người để trục lợi cá nhân, để hù doạ làm điều sai trái, có khi biến con người thành công cụ sai khiến.... Đó là không đúng với tư tưởng của người sáng lập.

Tôi đã có nhiều dịp mạn đàm với các nhà tôn giáo.... thật đáng tiếc nhiều người cả cuộc đời có lẽ vẫn chỉ là mãi nương nhờ ánh sáng của người khác, họ chưa hiểu điều mà người sáng lập đã chỉ ra cách thức để thế hệ sau nếu muốn có thể thành công như họ đã thành công. Câu chuyện Đức Phật trước khi tạ thế, Đức Phật để lại 1 câu nói giúp người người được giải thoát

Khi Đức Phật biết sắp ra đi, Ngài gọi các đệ tử nói rằng: "Đây là ngày cuối cùng của ta. Nếu có điều gì muốn hỏi, các ngươi hãy hỏi đi".

Đột nhiên, một thứ bóng tối vô hình như thể bao trùm lấy tất cả mọi người. Ananda, môn đồ gần gũi nhất với Đức Phật bắt đầu khóc lớn. Nước mắt rơi lã chã xuống mặt, xuống người ông. Ông gần như không thể kiểm soát được cảm xúc của mình.

Đức Phật hỏi: "Ngươi đang làm gì thế, Ananda?"

Ananda trả lời: "Chúng con sẽ làm gì đây? Khi Ngài ở đây, chúng con đã đi theo ánh sáng của Ngài. Mọi thứ đều an toàn và ổn dịnh. Chúng con đã hoàn toàn quên mất bóng tối là gì. Đi theo Ngài, mọi thứ đều là ánh sáng.

Bốn mươi năm qua đi, và giờ đây, Ngài sắp ra đi, Ngài sắp để lại chúng con trong bóng tối. Trước khi gặp Ngài, ít nhất chúng con còn biết hòa hợp với nó, giờ thì điều đó cũng không còn nữa. Đừng bỏ chúng con lại trong bóng tối.

Nếu không có Ngài ở đây, chúng con sẽ không thể nào được giải thoát. Chuyện gì sẽ xảy ra khi Ngài ra đi? Chúng con sẽ mãi lạc đường mất thôi".

Nói xong, Ananda lại tiếp tục nức nở.

Trước thái độ bi ai đến tột cùng của môn đệ, Đức Phật thong thả nói: "Ngươi hãy nghe đây. Trong 40 năm đi dưới ánh sáng của ta, các ngươi đã không thể tạo ra ánh sáng của mình. Các ngươi thử nghĩ mà xem.

Nếu ta sống thêm 40 năm nữa, liệu các ngươi có đạt được điều đó không? Dù là 4000 năm hay 4 triệu năm nữa cũng như vậy. Càng bước đi dưới thứ ánh sáng vay mượn của người khác thì các ngươi sẽ chỉ càng mất nhiều hơn mà thôi. Tốt hơn hết là ta nên ra đi".

Rồi trước khi Đức Phật tạ thế, Ngài đã để lại một câu nói cuối cùng cho các môn đệ, đó là "Hãy là ánh sáng của chính bản thân mình".

Và ngày hôm sau, Ananda đã được giải thoát.

Nhờ câu nói của Đức Phật mà Ananda, và sau đó là nhiều môn đồ đã ngộ ra họ phải là chính họ, 40 năm họ ở bên Đức Phật được ngài chỉ dẫn cách thức tu luyện để khám phá ra sức mạnh trong họ thì theo cách thức đó phải tự tạo ra ánh sáng của riêng họ, biến cái vay mượn đó thành ánh sáng của mình, ngộ ra sẽ được giải thoát và chạm tới cõi Niết Bàn.

Cho nên Muốn trở thành một minh sư, một bậc thầy địa lý hay bất cứ một chuyên gia trong lĩnh vực nào, để chạm ngưỡng tới đình cao là cả quá trình học hỏi tuy vay mượn từ nhiều nguồn kiến thức, nhưng để nó trở thành công cụ sử dụng tuỳ ý trong tay bạn thì Bạn phải là chính Bạn.

Nhất Đại Tông sư: Vũ Duy