Dẫn nhập (2)

Là một nguồn hiểu biết đáng tin cậy về Đức Giêsu Kitô?

Trong bài dẫn nhập trước, chúng ta đã thấy sự hiểu biết bằng đức tin đến với chúng ta như thế nào. Chúng ta đang nói đến đức tin siêu nhiên, và Đức Giêsu Kitô là nhân chứng mà tất cả chúng ta phải dựa vào. Một người công giáo đã rửa tội từ nhỏ thì dễ dàng chấp nhận điều này. Nhưng đối với một người không sinh ra trong môi trường Công Giáo thì cần phải chứng minh cho họ thấy rằng những gì Đức Giêsu đã làm và dạy là đúng và đáng tin thực sự. Chúng ta chứng minh như thế nào?

Trước hết, chúng ta phải đi sâu vào tận nguồn sự hiểu biết của chúng ta về Đức Giêsu Kitô. Chúng ta cần đi tìm các tài liệu lịch sử làm chứng về sự tồn tại của Đức Giêsu, cuộc đời và giáo huấn của Người. Chung chung người ta chấp nhận rằng các sách Tin Mừng là những tài liệu lịch sử quan trọng nhất. Nhưng rồi chúng ta phải chứng minh thêm rằng các sách Tin Mừng là những tài liệu đáng tin cậy. Để làm điều này, chúng ta cần chứng minh ba điểm sau đây:

    • Bản văn này đã được truyền lại một cách trung thành qua các thế kỷ (vấn đề trung thực)
    • Có thể xác minh được về các tác giả của các sách Tin Mừng (vấn đề tác giả)
    • Các tác giả của các bản văn này đã ở một vị trí có thể quan sát và ghi chép về các sự kiện mà chúng ta thấy trong Tin Mừng (nói khác đi, các sách Tin Mừng ghi lại những sự kiện có thật trong quá khứ, chứ không phải chỉ là những truyền thuyết (vấn đề lịch sử tính)

1. Vấn đề Trung thực.

Các tài liệu chúng ta có ngày nay có phải là các tài liệu gốc không?

Nhiệm vụ đầu tiên của chúng ta là chứng minh rằng các tài liệu mà chúng ta gọi là các sách Tin Mừng về cơ bản cũng là chính các tài liệu đã được viết ra từ nhiều thế kỷ trước đây. Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi này trong các tác phẩm khác có nhắc đến hay trưng dẫn các sách Tin Mừng, và trong các bản thảo.

1.1 Các chứng cớ ủng hộ

các chứng minh khác cho thấy các sách Tin Mừng chúng ta có ngày nay về cơ bản là giống các sách đã được dùng trong Hội Thánh vào thời kỳ đầu.

    • Một mảnh bản chỉ thảo (=giấy cói, papyrus) của sách Tin Mừng thứ 4 (của Th Gioan), có niên đại khoảng 140 CN, được tìm thấy tại Ai Cập (hiện có hơn 50 bản chỉ thảo trong danh sách chính thức).
    • Một trong các bản này là bằng chứng cho thấy việc biên soạn các sách Tin Mừng và các sách khác của Tân Ước đã được thực hiện vào khoảng từ năm 50 đến 100 CN. Người Kitô hữu đã đọc các sách Tin Mừng trong các cuộc cử hành Thánh Thể (xem Th. Giustinô, Biện hộ thứ nhất). Việc này đòi hỏi người ta đã phải có các bản thảo hay các bản sao chép viết tay.
    • Trong khi Th. Giustinô làm chứng về sự tồn tại của bản văn Hi Lạp, cũng có các bằng chứng khác cho thấy bản dịch Latinh cũng đã có rồi. Ví dụ, trong các phiên toà xét xử các Kitô hữu tử đạo đầu tiên, người ta ra lệnh cho các ngài phải nộp các Sách Thánh bằng tiếng Latinh để đem đi đốt. Các tài liệu xác thực cho chúng ta biết sự kiện này, chỉ đơn cử một ví dụ, tổng trấn Saturninus ở Numidia đã mở phiên toà xét xử 12 Kitô hữu vào ngày 17 tháng 7 năm 180 CN, tại phiên toà này ông ra lệnh đốt các Sách Thánh bằng tiếng Latinh.
    • Cũng có các bằng chứng về sự tồn tại của các bản văn bằng tiếng Syria. Có hai bản thảo hiện vẫn còn tồn tại: bản Curetonian Syriac và bản Sinaitic Syriac (hai bản tiếng Syria cổ).

1.2 Các Bản thảo

Vào thời cổ, chép tay là cách duy nhất để sao chép một bản văn. Ở đây chúng ta đang tìm kiếm ba yếu tố quan trọng:

    1. số lượng các bản thảo: số lượng bản thảo càng nhiều, chúng ta càng có nhiều điều để đối chiếu với các bản văn hiện nay;
    2. sự hoà hợp giữa các bản thảo với nhau: giữa các bản thảo càng có ít khác biệt, chúng ta càng dễ xác định là bản văn hiện nay của chúng ta thực sự sao chép bản gốc; và
    3. ngày viết bản thảo càng gần với các sự kiện được nói đến, thì việc tường thuật các sự kiện ấy càng chính xác.

So sánh giữa các bản thảo sách Tin Mừng với các tác phẩm kinh điển khác của các tác giả Latinh và Hi Lạp thế nào? Chúng ta lấy một vài ví dụ.

Xem bảng đối chiếu này giữa các sách Tân Ước và các tài liệu khác: Chúng ta có thể tin rằng Tân Ước là một tài liệu lịch sử không? Như ta thấy ở đây, số lượng các bản thảo Tin Mừng vượt xa số lượng các bản thảo của các tác phẩm kinh điển khác.

Giữa các bản thảo với nhau có các chỗ khác biệt không? Các bản Kinh Thánh Công Giáo ngày nay có các phần cước chú vạch ra các chỗ khác biệt giữa các bản thảo. Chúng ta sẽ nhận thấy rằng các khác biệt này không nhiều và không mấy quan trọng. Sự hoà hợp giữa các bản văn với nhau cho chúng ta thêm cơ sở để xác định rằng các sách Tin Mừng ngày nay về cơ bản có cùng nội dung với các bản thảo.

2. Vấn đề Tác giả

Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan có phải là tác giả thật của các sách Tin Mừng không?

Tại sao chúng ta phải bận tâm tới chuyện ai viết ra các sách Tin Mừng? Có quan trọng không? Có đấy. Khi biết rõ ai viết ra cuốn sách, chúng ta sẽ biết người ấy có thực sự ở một cương vị có thể chứng thực các sự kiện mà họ viết ra không.

Trước hết chúng ta sẽ nhìn vào các chứng cớ ngoại tại,1 các chứng cớ này nhắc đến cả bốn cuốn sách Tin Mừng (có nhiều chứng cớ khác nhắc đến từng cuốn). Sau đó chúng ta sẽ xét đến các chứng cớ nội tại,2 và so sánh chúng với các chứng cớ ngoại tại.

2.1 Các chứng cớ ngoại tại

2.1.1 Tertulianô ở Carthage (kh. 150-220)

Tertulianô là ai? (Click vào link “The Tertullian Project” để biết thêm rất nhiều chi tiết.)

Trong tác phẩm Adversus Marcionem, ông nói:

Vì vậy tôi khẳng định rằng trong số các sách này—và bây giờ tôi không chỉ đang nói đến các giáo hội của các tông đồ, nhưng mọi giáo hội liên kết với các giáo hội này trong sự thông hiệp mầu nhiệm—thì Tin Mừng của Luca mà giờ đây chúng ta đang có đã đứng vững kể từ thời kỳ đầu tiên nó được công bố, trong khi tin mừng của Marcio thì hầu hết mọi người thậm chí không hề biết đến nó, còn những người biết đến nó thì cũng chỉ vì những lý do đã bị lên án. Thật ra tin mừng ấy cũng có các giáo hội của nó, nhưng là những giáo hội riêng của nó, đến sau và lầm lạc: nếu bạn đi tìm về gốc gác của các giáo hội này, hẳn là bạn sẽ thấy chúng là phản đạo chứ không phải là tông đồ, người sáng lập ra chúng là Marcio hay một ai đó trong cái tổ tò vò của Marcio. Ngay cả con tò vò cũng làm được tổ, thì những người theo Marcio cũng làm ra các giáo hội. Cùng một thẩm quyền của các giáo hội tông đồ sẽ đứng ra làm chứng cho các sách Tin Mừng khác mà chúng ta hiện có nhờ tác động và theo bản văn của các sách ấy—tôi muốn nói đến sách Tin Mừng của Gioan và Matthêu, mặc dù Tin Mừng mà Máccô viết ra được kể là của Phêrô, vì Máccô là người phát ngôn của Phêrô.

2.1.2 Th. Irênê ở Lyon (kh. 140-202/203)

Th. Irênê ở Lyon là ai? (Click vào link “Early Christian Writing” để biết thêm chi tiết về Th. Irênê Lyon.) Một trong các thông tin quan trọng nhất về lý lịch của ngài là ngài là môn đệ của Th. Polycarpô ở Smyrna (155/156), mà Th. Polycarpô lại là môn đệ của Th. Gioan Tông Đồ! (Một thời đại lớn!)

Trong Adversus Haereses, Th. Irênê viết:

Mátthêu cũng đã viết một Tin Mừng giữa người Do Thái bằng thổ ngữ riêng của họ, trong khi Phêrô và Phaolô thì rao giảng tại Rôma, và đặt nền móng cho Hội Thánh. Sau khi các ngài ra đi, thì Máccô là môn đệ và người phát ngôn của Phêrô cũng đã viết lại cho chúng ta những điều Th. Phêrô đã giảng. Luca cũng thế, ngài là bạn đồng hành của Th. Phaolô và cũng đã ghi lại trong một cuốn sách những lời giảng dạy của Th. Phaolô. Sau này, Gioan, môn đệ của Chúa, người đã dựa đầu vào ngực Chúa, cũng đã viết một Tin Mừng trong thời gian ngài ở Êphêsô bên Tiểu Á.

2.1.3 Origen (kh. 185-254/255)

Origen là ai? (Click vào link “Early Christian Writing” để biết thêm về lý lịch Origen.)

Trong Bình luận về Mátthêu, Origen nói rằng:

Về bốn sách Tin Mừng là những sách duy nhất không bị tranh cãi trong Hội Thánh của Thiên Chúa dưới bầu trời này, tôi đã học được từ truyền thống rằng Tin Mừng theo Thánh Mátthêu đã được viết ra trước tiên và được viết bằng tiếng Do Thái rồi được công bố cho những người Do Thái giáo trở lại Kitô giáo. Th. Mátthêu từng là một người thu thuế và sau này là một Tông đồ của Chúa Giêsu Kitô. Sách Tin Mừng thứ hai là của Th. Máccô, ngài viết Tin Mừng này theo lời giảng dạy của Phêrô. Trong Thư Chung (Thư 1 Phêrô), Th. Phêrô nhìn nhận Máccô là con mình khi nói: “Hội Thánh tại Babylon, cũng được chọn như anh em, và Máccô, con tôi, gửi lời chào anh em” (1P 5:13). Và cuốn thứ ba là Tin Mừng theo Thánh Luca, viết theo lời dạy của Th. Phaolô cho những người Dân Ngoại trở lại Kitô giáo. Sau cùng là Tin Mừng theo Thánh Gioan.

2.2 Chứng cớ nội tại

Các chứng cớ ngoại tại có đủ để chứng minh về tác giả Tin Mừng không? Đủ, vì chúng rất dồi dào và thuyết phục. Vậy tại sao phải dùng đến các chứng cớ nội tại? Các tác giả Tin Mừng không tự giới thiệu. Chỉ có Th. Gioan có những gợi ý rõ ràng rằng ngài là người viết sách Tin Mừng. Liệu điều này có giúp ta xem xét các chứng cớ nội tại không thuyết phục không?

Các chứng cớ nội tại củng cố cho các dữ liệu do các nguồn ngoài Kinh Thánh cung cấp. Vì vậy chúng ta sẽ sử dụng một phương pháp so sánh khi thảo luận về các chứng cớ nội tại. Chúng ta có thể so sánh một số chứng cớ ngoại tại với những điều chúng ta gặp trong các sách Tin Mừng này. Nếu những gì chúng ta tìm thấy trùng hợp với các chứng cớ ngoại tại, thì chúng ta đã có thêm chứng minh về tác giả của các bản văn này.

2.2.1 Th. Mátthêu

Chứng cớ ngoại tại cung cấp bởi các tác giả như Th. Irênê, Th. Clêmentê Alexandria, Origen và Eusebius tuyên bố rằng

    • Mátthêu là tác giả của Tin Mừng thứ nhất,
    • Ngài viết Tin Mừng này cho người Do Thái,
    • Bản văn gốc được viết bằng tiếng Aram, và
    • Chủ đích là củng cố những người Do Thái giáo trở lại hay lôi cuốn những người muốn theo Kitô giáo.

Chúng ta có những chứng cớ nội tại nào để ủng hộ các dữ liệu do các tác giả khác cung cấp? Nghiên cứu bản văn sẽ củng cố lập trường rằng Tin Mừng này được viết cho người Do Thái.

    • Tin Mừng này sử dụng và trưng dẫn rất dồi dào Kinh Thánh Cựu Ước mà người Do Thái rất thuộc.
    • Mátthêu trưng dẫn các lời ngôn sứ của Cựu Ước nói về Đấng Mêsia.
    • Ngài nhắc đến các tập tục và truyền thống Do Thái, nhưng − khác với các tác giả Tin Mừng khác − ngài không cắt nghĩa chúng vì ngài giả thiết người đọc đã hiểu các tập tục mà sách Tin Mừng của ngài nói đến.

(Để thảo luận chi tiết, xem Catholic Encyclopedia về “Gospel of St Matthew”).

2.2.2 Th. Máccô

Các tác giả như Papias, Th. Irênê, Th. Clêmentê Alexandria, Origen và Tertullianô liên kết Th. Máccô với Th. Phêrô, và xác nhận rằng chính các Kitô hữu ở Rôma đã xin Th. Máccô viết ra những lời giảng của Th. Phêrô. Đây là những điều mà chứng cớ ngoại tại cho chúng ta biết.

Một ít sự kiện trong Tin Mừng này có vẻ xác nhận các chứng cớ ngoại tại:

    • Phêrô được nhắc tới 24 lần (trong Mátthêu, 26 lần; trong Luca, 29 lần; trong Gioan, 41 lần, nhưng ít là thường xuyên gấp hai lần mọi tông đồ khác. Nhưng khác với các sách Tin Mừng khác, trong Tin Mừng này Phêrô được mô tả với những yếu đuối của ông. Điều này chứng tỏ rằng Máccô chỉ viết theo lời giảng của Th. Phêrô, là người luôn luôn nói rất khiêm tốn về bản thân mình.
    • Khác với Tin Mừng Mátthêu, Tin Mừng Máccô không trưng dẫn một lời ngôn sứ nào của Cựu Ước hay các tập tục Do Thái.
    • Nhiều sự kiện tác giả kể lại là những sự kiện mà Phêrô đã tận mắt chứng kiến và giảng về chúng.

(Để thảo luận chi tiết, xem Catholic Encyclopedia về “Gospel of St Marc”).

2.2.3 Thánh Luca

Chúng ta có thể tìm thấy các chứng cớ ngoại tại được cung cấp bởi Th. Hiêrônimô, Eusêbiô, Origen, Tertulianô, Th. Irênê, Th. Polycarpô và Th. Giustinô Tử Đạo. Các tác giả này chứng thực rằng Tin Mừng Thứ Ba này được viết bởi Luca, một người ngoại trở lại, một thầy thuốc và là người thân cận với Th. Phaolô. Ngài viết Tin Mừng này cho những Kitô hữu gốc Dân Ngoại.

Các chứng cớ nội tại sau đây củng cố các chứng cớ ngoại tại:

    • Cấu trúc ngữ pháp cho thấy tác giả không phải người Do Thái.
    • Th. Phaolô ba lần nhắc tới mối liên kết mật thiết với “Luca, người thầy thuốc đáng mến.” Luca cũng được cho là tác giả của sách Công Vụ Tông Đồ, trong sách này ngài nhắc đến mối liên kết của mình với Th. Phaolô.
    • Ngài sử dụng kiểu mô tả của người thầy thuốc về các bệnh tật khi ngài kể về các phép lạ chữa bệnh của Chúa Giêsu.
    • Ngài nói với những người dân ngoại trở lại và khích lệ họ. Ngài nói nhiều về niềm vui của sự hoán cải.

(Để thảo luận chi tiết, xem Catholic Encyclopedia về “Gospel of St Luke”).

2.2.4 Th. Gioan

Th. Irênê là một môn đệ của Th. Polycarpô, môn đệ của Th. Gioan. Vì thế chứng tá của Th. Irênê rất có giá trị khi xác nhận rằng Th. Gioan là tác giả của Tin Mừng này. Eusebiô, Giustinô và nhiều tác giả khác cũng chứng thực rằng Th. Gioan là tác giả của Tin Mừng này.

Tin Mừng này có nhiều chứng cớ nội tại trực tiếp hơn ba Tin Mừng kia. Thánh Gioan nói trong câu 19:26: “Khi Đức Giêsu thấy mẹ Người, và môn đệ Người yêu dấu đứng gần đó, Người thưa với Mẹ Người, “Thưa Bà, đây là con Bà!”” Và rồi, ở câu 35 của cùng chương, ngài thêm: “Người xem thấy việc này đã làm chứng − và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật − để cho cả anh em nữa cũng tin.”

Hơn nữa, tác giả tự giới thiệu mình trong Chương 21:

20 Ông Phêrô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giêsu thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi: “Thựa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?” 21 Vậy khi thấy người đó, ông Phêrô nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” 22 Đức Giêsu đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy.” 23 Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giêsu đã không nói với ông Phêrô là: “Anh ấy sẽ không chết”, mà chỉ nói: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?”

(Để thảo luận chi tiết, xem Catholic Encyclopedia về “Gospel of St John”).

3. Vấn đề Lịch sử tínhMátthêu, Máccô, Luca và Gioan có ghi lại các sự kiện có thật hay không?

Chúng ta đã xét đến tính trung thực tác giả của các sách Tin Mừng. Chúng ta đã hỏi rằng liệu các sách Tin Mừng chúng ta có hôm nay về cơ bản có giống các bản thảo gốc không. Chúng ta cũng đã tìm hiểu những lời tuyên bố rằng các sách này được viết bởi Mátthêu, Máccô, Luca và Gioan. Câu hỏi tiếp theo là liệu các tác giả Tin Mừng có ở một vị trí thích hợp để biết sự thật về các sự kiện mà các ông kể lại trong các sách Tin Mừng không.

3.1 Tìm hiểu từng Tác giả Tin Mừng

Để tìm hiểu vấn đề này, chúng ta cần tham khảo các tác giả sống vào thời kỳ đầu của kỷ nguyên Kitô giáo, đặc biệt các tác giả được gọi là Tiền-Nicêa (nghĩa là trước Công đồng Nicêa năm 325). Sự thành thạo của các tác giả này về truyền thống liên quan đến các sách Tin Mừng cung cấp cho chúng ta một tiêu chuẩn chắc chắn. Trong số các tác giả này, chúng ta thấy có Eusebiô ở Caesaria (265-340), ông nói các tác giả Tin Mừng là những nhân chứng đáng tin cậy, đặc biệt trong Historia Ecclesiastica (“Lịch Sử Giáo Hội”).

3.1.1 Thánh Mátthêu

Th. Mátthêu lúc ban đầu đã giảng cho người Do Thái, nên khi ngài sắp sửa ra đi rao giảng cho các dân khác, ngài đã viết ra Tin Mừng bằng tiếng bản địa của ngài, nhờ đó bù đắp cho sự vắng mặt của ngài khi ngài buộc phải rời khỏi họ. (Quyển III, Ch. 24,6)

3.1.2 Thánh Máccô

Lòng sốt mến nồng cháy đã soi sáng tâm trí những người nghe Th. Phêrô rao giảng, khiến họ cảm thấy không mãn nguyện với việc chỉ nghe giảng một lần, không mãn nguyện với việc nghe Tin Mừng của Thiên Chúa bằng lời giảng mà thôi. Vì thế họ hết lòng nài xin Máccô, một môn đệ của Th. Phêrô và đang có Tin Mừng, xin ngài để lại cho họ một kỷ niệm bằng chữ viết về giáo huấn đã được truyền lại cho họ bằng miệng. Và họ đã nài nỉ mãi cho tới khi thuyết phục được ngài, và đó là cơ hội để chúng ta có được bản văn Tin Mừng mang tên Máccô. (Quyển II, Ch. 15,1)

3.1.3 Thánh Luca

Còn về Luca, ở đầu Tin Mừng của ngài, chính ngài đã nêu lý do khiến ngài viết ra Tin Mừng này. Ngài nói rằng vì có nhiều người khác đã mạnh bạo viết ra một tường thuật về các sự kiện mà ngài biết rất rành rẽ, nên chính ngài cảm thấy cần phải giúp chúng ta tránh khỏi những ý kiến không chắc chắn của họ, nên ngài đã cống hiến cho chúng ta trong Tin Mừng của ngài một tường thuật rành mạch về những điều mà ngài đã biết hoàn toàn đúng là sự thật, nhờ việc ngài được sống sát với Th. Phaolô và quen biết các vị tông đồ khác.

3.1.4 Thánh Gioan

Và sau khi Máccô và Luca đã viết ra các sách Tin Mừng, họ nói rằng Th. Gioan, vốn đã dành toàn bộ thời giờ của mình cho việc loan báo Tin Mừng bằng miệng, cuối cùng ngài đã bắt đầu viết ra Tin Mừng của mình vì các lý do sau đây. Sau khi ba sách Tin Mừng trên đây đã đến được tay mọi người và đến được tay của chính ngài, họ nói rằng ngài chấp nhận các sách ấy và xác nhận sự thật của chúng, nhưng trong các sách ấy còn thiếu phần tường thuật về các việc làm của Đức Kitô lúc Người bắt đầu thi hành sứ vụ. (Quyển III, Ch. 24,7)

3.2 Các Tường thuật Tin Mừng có giá trị đáng tin cậy

Có hai câu hỏi chúng ta cần trả lời:

    • Các tác giả Tin Mừng có thành thật không? Họ có cố gắng nói sự thật không?
    • Họ có biết rõ về những chuyện họ tường thuật không?

3.2.1 Sự Thành thật của các Tác giả

Trong Chương 1 sách Tin Mừng của mình, Th. Luca viết:

1. Có nhiều người đã ra công biên soạn bản tường thuật những điều đã được thực hiện giữa chúng ta. 2 Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. 3 Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, 4 mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc.

Trong khi đó, trong Chương 21 Tin Mừng của mình, Th. Gioan viết:

24 Chính môn đệ này đã làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực.

Một chứng minh quan trọng khác về sự thành thực của các ngài, đó là các ngài sẵn sàng chết vì những điều các ngài công bố. Phêrô và Phaolô, một vị do Máccô ghi lại, vị kia do Luca, cả hai vị đều đã chịu chết để bảo vệ sự thật của những sự kiện mà các ngài tuyên bố là đã xảy ra. Th. Gioan Tông đồ đã bị lưu đày sang đảo Patmos.

3.2.2 Tính đáng tin cậy của các thông tin các ngài cung cấp

Các tác giả Tin Mừng có biết rõ các thông tin không? Có thể nào các ngài sai lầm hay bị đánh lừa không?

Như đã thấy trên kia, các ngài hoặc đã chứng kiến tận mắt, hoặc đã có những tiếp xúc với những nhân chứng trực tiếp về các sự kiện các ngài tường thuật. Các ngài bảo đảm với chúng ta rằng những gì các ngài truyền lại cho chúng ta là đáng tin cậy.

3.2.3 Phải giải thích thế nào về các Khác biệt giữa các bản Tường thuật của các ngài?

Có nhiều cách cắt nghĩa:

    • Đức Giêsu đã giảng dạy giống như các kinh sư Do Thái. Ngài thường lặp lại cùng một điều vào những dịp khác nhau, đồng thời sử dụng các từ khác nhau, để giúp các môn đệ dễ nhớ. Vì vậy, có thể có những khác biệt trong các bản tường thuật khác nhau về cùng một sự kiện.
    • Mỗi tác giả Tin Mừng lấy tư liệu từ một nguồn khác nhau, và các nguồn này thường kể lại các sự việc một cách khác nhau.
    • Mỗi tác giả Tin Mừng thường nhớ các sự việc theo não trạng và cách hiểu riêng của mình.
    • Các tác giả Tin Mừng viết cho các nhóm khác nhau, và viết với một chủ đích chuyên biệt. Vì vậy các ngài thường nhấn mạnh những sự kiện nào hợp với chủ đích của các ngài nhất.

(Xin xem đoạn quan trọng này trong sách Kinh Thánh Navarre về Credibility of the Gospel Account − “Tính đáng tin của các Tường thuật Tin Mừng”).

3.2.4 Tại sao có người đặt vấn đề về Sự Thật của các sách Tin Mừng?

Trong bài dẫn nhập đầu tiên, chúng ta đã thấy rằng chúng ta đạt được sự hiểu biết bằng ba cách. Ngoài việc quan sát trực tiếp, chúng ta có thể sử dụng lý trí hay có thể chấp nhận lời chứng của những người khác. Khi chấp nhận lời nói của người khác, chúng ta cần phải có một thái độ muốn chấp nhận nó. Ý chí đóng một vai trò quan trọng cả trong sự hiểu biết của con người, bởi vì nó có thể bác bỏ các nguồn mang đến sự hiểu biết ấy. Điều này đặc biệt đúng khi liên quan tới niềm tin, dù là niềm tin nhân bản hay siêu nhiên. Vì vậy, rất có thể là bất chấp các chứng cớ hiển nhiên, một người vẫn có thể từ chối chấp nhận một sự hiểu biết như thế.

3.2.5 Có Tài liệu Lịch sử nào khác ngoài các tài liệu này không?

Chúng ta có thể sử dụng các nguồn tài liệu ngoại giáo và Do Thái để xác định tính lịch sử của các bản tường thuật Tin Mừng. Xem dưới đây để thảo luận chi tiết.

Đọc Thêm

    • Francois Amiot, Jean Danielou, Amedee Brunot, & Henri Daniel-Rops, The Sources for the Life of Christ. From the Twentieth Century Encyclopedia of Catholicism, vol 67.
    • Anthony F. Alexander, College Apologetics: Chapter 5 "The Integrity of the Gospels", Chapter 6 "The Authorship of the Gospels", Chapter 7 "The Historicity of the Gospels", pp 47-77.
    • Charles Belmonte, ed., Faith Seeking Understanding, vol 1, Chapter 11 "The Fact of Revelation: Historical Testimonies", pp 81-85.
    • Peter Kreeft and Ronald K. Tacelli, Handbook of Christian Apologetics: Chapter 10 "The Bible: Myth or History?", pp 79-87.

Websites

1 Chứng cớ ngoại tại = chứng minh bằng các tài liệu ở ngoài các sách Tin Mừng.

2 Chứng cớ nội tại = chứng minh bằng chính các sách Tin Mừng.