Bài 40: Cứ gọi Cha là "Cha"

Câu hỏi hướng dẫn

    • Kinh Lạy Cha quan trọng thế nào?
    • Tại sao Kinh Lạy Cha là kinh tuyệt hảo?
    • Tại sao ta bạo dạn đọc kinh Lạy Cha?
    • Kinh Lạy Cha có cấu trúc như thế nào?
    • Tại sao đọc Cha “của chúng con”, mà không đọc Cha “của con”?
    • “Ápba” có nghĩa là gì?
    • "Chúng con nguyện Danh Cha cả sáng” nghĩa là gì?
    • “Nước Cha trị đến” nghĩa là gì?
    • Cầu xin cho “ý Cha thể hiện” quan trọng thế nào?
    • Xin cho chúng con “lương thực hằng ngày” có nghĩa là gì?
    • Sự tha thứ quan trọng thế nào đối với việc cầu nguyện?
    • Thiên Chúa có đưa chúng ta vào cám dỗ không?
    • “Xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ” có nghĩa là gì?

1. "Lời Kinh hoàn hảo"

(9) "Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:

"Lạy Cha chúng con là Ðấng ngự trên trời,

xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,

(10) triều đại Cha mau đến,

ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

(11) Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;

(12) xin tha tội cho chúng con

như chúng con cũng tha

cho những người có lỗi với chúng con;

(13) xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,

nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

(Mátthêu 6:9-13)

1.1 Lời Kinh tuyệt hảo

Sách Toát Yếu Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo hay Giáo Lý Yếu Lược (GLYL 579; xem Giáo Lý Hội Thánh Công GiáoGLCG 2761-2764, 2774) cắt nghĩa tầm quan trọng của Kinh Lạy Cha hay Kinh của Chúa, nghĩa là kinh chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta.

Kinh Lạy Cha là “tóm lược toàn bộ Tin Mừng” (Tertullian), “kinh hoàn hảo” (Th. Tôma Aquinô). Được đặt ở giữa Bài Giảng Trên Núi (Mt Ch.5-7), Kinh Lạy Cha trình bày nội dung cốt yếu của Tin Mừng dưới dạng kinh nguyện.

Dựa theo lời cắt nghĩa của Thánh Tôma (xem Th. Tôma Aquinô, Summa Theologiae II-II q83 a9), Cha John Hardon SJ bình luận trong History and Theology of Grace (Lịch sử và Thần Học Ân Sủng, tr. 102-103) rằng đó là kinh rất quan trọng:

Trong Kinh Lạy Cha chúng ta có bản tóm lược tất cả các bài học mà người Kitô hữu cần học về cầu nguyện: Chúng ta phải cầu nguyện thế nào, phải ưu tiên cho các giá trị nào, phải xin những điều gì, và phải nói lên các lời cầu xin của chúng ta thế nào.

Hơn nữa, trong chính những lời cầu xin còn bao gồm toàn thể đạo Kitô thu gọn. Đức Kitô đã cho chúng ta một tập hợp đức tin và sự khẩn cầu có hiệu quả, và được các Giáo Phụ ví nó như là một bí tích. Đó là kinh nguyện được khuyên đọc nhiều nhất để NHẬN ĐƯỢC ƠN BỀN ĐỖ. Thánh Augustinô và Hội Thánh sau Công Đồng Trentô đã nêu bật Oratio Dominica (Kinh của Chúa) như là một phương thế gần như bí tích để nhận được ƠN THA THỨ các TỘI NHẸ ta phạm HẰNG NGÀY. “Vì chúng ta sống giữa thế gian, nơi không ai là không có tội, cho nên ơn tha thứ các lỗi lầm của chúng ta không chỉ có trong nước thánh Rửa Tội, mà cũng có mỗi lần chúng ta đọc kinh Lạy Cha nhiều lần mỗi ngày. Nó giống như phép rửa tội hằng ngày của chúng ta” (Th. Augustinô, Enchiridion 81, MPL 40, 270).

1.2 Không chỉ là những lời đọc

Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI dạy chúng ta rằng Chúa Giêsu không chỉ dạy chúng ta lặp lại một số lời. Nhưng còn nhiều hơn thế. Trong quyển Jesus of Nazareth (Baptism to Transfiguration, pp. 132-133) [Giêsu Nadarét (Từ Phép Rửa đến Hiển Dung)], ngài viết:

Đức Giêsu … đưa chúng ta vào trong kinh nguyện của chính Ngài; Ngài dẫn chúng ta vào cuộc đối thoại tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi trong tâm hồn chúng ta; ngài lôi kéo những nỗi vất vả cực nhọc của loài người chúng ta vào sâu trong lòng Thiên Chúa, có thể nói như thế.

Tuy nhiên, cũng có thể nói rằng những lời của Kinh Lạy Cha là những tấm biển chỉ đường vào kinh nguyện nội tâm, cung cấp cho đời sống chúng ta một hướng đi căn bản, và giúp chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Con. Ý nghĩa của Kinh Lạy Cha còn đi xa hơn chỉ là cung cấp cho chúng ta một bản kinh. Nó có mục đích hình thành con người chúng ta, huấn luyện chúng ta theo thái độ nội tâm của Chúa Giêsu (xem Thư Philíp 2:5).

Chúng ta phải cố gắng nhận ra những tư tưởng mà Chúa Giêsu muốn truyền lại cho chúng ta trong những lời này. Nhưng chúng ta cũng phải lưu ý rằng Kinh Lạy Cha bắt nguồn từ chính việc cầu nguyện của Chúa Giêsu, từ cuộc đối thoại của Con với Cha. Có nghĩa là nó đi sâu vượt quá những lời đọc…

1.3 Không phải lặp lại một cách máy móc

Đây là lý do tại sao Kinh Lạy Cha không thể chỉ được đọc bằng môi miệng. Sách GLCG số 2766 dạy chúng ta:

Ðức Giê-su không dạy ta một công thức để chúng ta lặp đi lặp lại như cái máy (x. Mt 6,7; 1 V 18,26-29). Cũng như mọi khẩu nguyện khác, Chúa Thánh Thần dùng Lời Chúa để cho con cái Thiên Chúa biết cầu nguyện cùng Chúa Cha. Ðức Giê-su không những dạy chúng ta lời kinh của người con mà còn ban Thánh Thần để nhờ đó những lời kinh này trở nên "thần khí và sự sống"(Ga 6, 63) trong chúng ta. Hơn nữa, "Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi"(Gl 4,6);điều này chứng tỏ chúng ta có khả năng dâng lên Chúa Cha kinh nguyện của người con. Khi cầu nguyện chúng ta nói lên những ước nguyện của mình trước mặt Thiên Chúa, nhưng thật ra, Chúa Cha "thấu suốt tâm can", Người "biết Thần khí muốn nói gì", vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho các thánh theo đúng ý Thiên Chúa" (Rm 8,27).

2. Lạy Cha chúng con ở trên trời

2.1 Chúng ta dám gọi Thiên Chúa là Cha

Chúng ta biết một trong những lý do chính khiến những người Biệt Phái và Kinh Sư giận dữ với Chúa Giêsu vì Ngài coi Thiên Chúa là Cha của Ngài. Thánh Gioan ghi lại (5:18):

Bởi vậy, người Do Thái lại càng tìm cách giết Ðức Giêsu, vì không những Người phá luật sabát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.

Thế thì chúng ta là ai mà dám gọi Thiên Chúa là Cha? Chúng ta là những tội nhân, những con cháu Ađam Evà. Sách GLCG (2777) cắt nghĩa:

Trong phụng vụ Rô-ma, cộng đoàn tham dự thánh lễ được mời đọc kinh Lạy Cha với sự dạn dĩ của người con; phụng vụ Ðông Phương cũng sử dụng và khai triển các kiểu nói tương tự: "Chúng ta dám tin tưởng nguyện rằng", "xin Chúa cho chúng con xứng đáng nguyện rằng". Trước Bụi Gai Rực Cháy, có tiếng phán bảo Môsê: "Chớ lại gần, cởi dép ra" (Xh 3,5). Chỉ một mình Ðức Giê-su có thể vượt qua ngưỡng cửa thánh thiện để đến gần Thiên Chúa, vì Người là Ðấng "đã tẩy trừ tội lỗi"(Dt 1, 3), chính Người dẫn chúng ta đến trước Thánh Nhan Chúa Cha: "Này Con đây, cùng với những con cái mà Cha đã ban cho Con" (Dt 2,13).

Ý thức tình trạng nô lệ của mình phải làm chúng ta ngập chìm dưới đất và thân phận phàm trần của chúng ta phải làm chúng ta tan ra tro bụi, nếu quyền năng của Cha chúng ta và Thánh Thần của Con của Người không thúc đẩy chúng ta kêu lên … ‘Abba, Cha ơi!’… Khi nào một người phàm mà dám gọi Thiên Chúa là ‘Cha’, nếu hữu thể thâm sâu của con người không được quyền năng từ trời làm cho sống động?” [Th. Phêrô Kim Ngôn, Sermo 71, 3: PL 52, 401 CD; (xem Galát 4:6)]

2.2 Ápba!

"Abba" là một từ trong tiếng Aram, được nhắc đến ba lần trong cả Tân Ước: khi Chúa Giêsu cầu nguyện trong vườn Ghétsêmani (Mc 14:36) và sau đó trong hai thư của Thánh Phaolô (Rm 8:15 và Gl 4:6).

(36) Người nói: "Ápba, Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự, xin tha cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha".

(15) Vì Thần Khí mà anh em đã lãnh nhận được, đâu phải là tinh thần nô lệ, khiến anh em phải sợ sệt như xưa; nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, khiến chúng ta được kêu lên: "Ápba! Cha ơi!"

(6) Ðể chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Ápba, Cha ơi!"

Gọi Thiên Chúa là "Ápba, Cha ơi!" không chỉ là chuyện lạ, mà còn có vẻ trịch thượng. Một người khùng mới dám nói như thế. Chính vì vậy mà Thánh Máccô quyết định trích trực tiếp nguyên văn tiếng Aram ("Abba") rồi thêm lời dịch bằng ngôn ngữ ngài đang viết là tiếng Hi Lạp (nghĩa là "Cha ơi"). "Abba", "Cha ơi" là một cách gọi thân mật hơn cách gọi thông thường với cha của mình, giống như những đứa trẻ thường gọi "Bố ơi, Ba ơi".

Vậy tại sao chúng ta dám gọi Thiên Chúa là "Abba", "Ba ơi"? Sách GLYL (582-583; x. GLCG 2777-2785, 2789, 2797-2800) cắt nghĩa:

Vì Chúa Giêsu, Ðấng Cứu độ, hướng dẫn chúng ta đến trước Tôn Nhan Chúa Cha, và vì Thánh Thần của Người đã làm cho chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Như thế, chúng ta có thể cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha với sự tin tưởng đơn sơ và hiếu thảo, với sự vui mừng an tâm, sự can đảm khiêm hạ và trong sự xác tín được Thiên Chúa yêu thương và nhậm lời.

Chúng ta có thể gọi Thiên Chúa là Cha, vì Con Thiên Chúa làm người đã mạc khải cho chúng ta và Thánh Thần của Ngài đã giúp chúng ta nhận biết điều đó. Việc kêu cầu Thiên Chúa Cha đưa chúng ta vào mầu nhiệm của Ngài, với lòng thán phục luôn mới mẻ, và gợi lên trong chúng ta sự ước muốn sống đời con thảo. Như vậy với kinh Lạy Cha, chúng ta phải ý thức rằng chính chúng ta là con Thiên Chúa, trong Người Con chí ái của Ngài.

2.3 Con cái Thiên Chúa ― Tình phụ tử của Thiên Chúa

Thánh Josemaria Escriva thường xuyên giảng về tình phụ tử của Thiên Chúa. Ví dụ, trong bài giảng ‘Sự hoán cải của các con cái Thiên Chúa" (Đức Kitô đang đi qua 64), ngài nói:

Tình phụ tử của Thiên Chúa là cơ sở tinh thần của Opus Dei. Mọi người là con cái Thiên Chúa. Nhưng một đứa trẻ có thể nhìn lên cha nó bằng nhiều cách. Chúng ta phải cố gắng là những đứa con nhận ra rằng Chúa yêu chúng ta như con cái của Ngài, nên Ngài đã đưa chúng ta vào nhà ngài, vào giữa thế giới, trở nên những thành viên của gia đình Ngài, để những gì của Ngài cũng là của chúng ta, và những gì của chúng ta cũng là của Ngài, và để phát huy tình thân mật và tin cậy khiến chúng ta xin ngài cho cả mặt trăng, giống như con cái dám xin cha mẹ chúng.

Con cái của Thiên Chúa đối xử với Chúa như Cha mình. Họ không khúm núm quỵ luỵ, cũng không chỉ hình thức và lễ phép: Họ hoàn toàn thành thật và tin tưởng. Loài người không làm cho Thiên Chúa khó chịu. Ngài có thể chịu đựng những bất trung của con người. Cha chúng ta trên trời tha thứ bất cứ xúc phạm nào của con cái khi họ quay trở về với Ngài, khi họ ăn năn và xin tha thứ. Chúa là người Cha vô cùng tốt lành, Ngài biết trước ước muốn được tha thứ của chúng ta và Ngài đến với chúng ta, mở rộng cánh tay đầy ân sủng của Ngài. (...)

...

Khi Thiên Chúa chạy lại với chúng ta, chúng ta không thể làm thinh, nhưng cùng với Thánh Phaolô chúng ta kêu lên: Ápba, Cha ơi: "Cha, Cha ơi!" bởi vì tuy là Đấng Tạo Hoá, Ngài không chấp việc chúng ta không dùng những tước hiệu cao sang để gọi Ngài, cũng không lo chúng ta không nhìn nhận sự cao cả của Ngài. Ngài muốn chúng ta gọi Ngài là Cha; Ngài muốn chúng ta nếm cảm được từ ấy, và đổ đầy niềm vui vào linh hồn chúng ta. (...)

Cuộc đời con người một cách nào đó là một sự liên tục trở về nhà Cha chúng ta. Chúng ta trở về với lòng sám hối, với sự hoán cải tâm hồn nghĩa là với ước muốn thay đổi, một quyết định vững vàng cải thiện cuộc đời và vì vậy được diễn tả bằng sự hi sinh và xả thân. Chúng ta trở về nhà Cha bằng bí tích tha tội, khi xưng thú tội mình, chúng ta lại mặc lấy Đức Kitô và trở thành những đứa em của Ngài, những thành viên của gia đình Thiên Chúa.

Thiên Chúa đang chờ đợi chúng ta, giống như người cha trong dụ ngôn mở rộng vòng tay, mặc dù chúng ta không xứng đáng. Cho dù món nợ của chúng ta lớn đến đâu. Giống như đứa con hoang đàng, chúng ta chỉ cần mở lòng mình ra, nhớ về nhà Cha, ngạc nhiên và vui mừng vì hồng ân Thiên Chúa ban cho, là cho phép chúng ta xưng mình là con cái Ngài, thực sự là con cái Ngài, mặc dù câu trả lời của chúng ta quá nghèo nàn.

2.4 Vừa là trách nhiệm, vừa là đặc ân

Là con cái Thiên Chúa có nghĩa gì đối với chúng ta? Sách GLCG số 2784 và 2785 cắt nghĩa:

Ơn nghĩa tử đòi chúng ta phải hoán cải không ngừngđể sống cuộc đời mới. Khiđọc kinh Lạy Cha, chúng ta phải có hai tâm tình căn bản:

Tâm tình thứ nhất là ước muốn được nên giống Người. Dùđược dựng nên theo hìnhảnh Thiên Chúa, nhưng phải nhờ ân sủng chúng ta mới được phục hồi nét giống Thiên Chúa hơn, nên chúng ta có bổn phận đáp lại ân sủng này.

Phải nhớ rằng: khi gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta có bổn phận sống như con Thiên Chúa [Th. Cyprianô, De Dom. orat. 11 PL 4:526B]

Phải nhớ rằng: khi gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta có bổn phận sống như con Thiên Chúa [Th. Cyprianô, De Dom. orat. 11 PL 4:526B]

"Hãy luôn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Cha Trên Trời, để tâm hồn mình thấm nhuần vẻ đẹp đó" .[Th. Grêgôriô Nyssa, De orat. Dom. 2: PG 44, 1148B]

Tâm tình thứ hai là lòng khiêm tốn và tin tưởng nơi Thiên Chúa, nhờ đó chúng ta "trở nên như trẻ em" (Mt 18,3); vì Chúa Cha "mặc khải cho những người bé mọn" (Mt 11,25).

(Khi đọc kinh Lạy Cha), chúng ta phải chiêm ngắm Thiên Chúa, lòng chúng ta bừng cháy lửa yêu mến. Nhờ đó, linh hồn tan biến và hướng tới việc yêu mến Thiên Chúa, thân tình trò chuyện với Thiên Chúa nhưngười Cha ruột, với lòng yêu mến thảo kính đặc biệt [Th. Gioan Cassianô, Coll. 9, 18 PL 49, 788c]

"Lạy Cha chúng con: danh hiệu này gợi lên trong lòng chúng ta tình yêu và sự tha thiết khi cầu nguyện... đồng thời tin tưởng sẽ được Thiên Chúa nhận lời. Thiên Chúa từ chối sao được, khi chính Người vừa nhận họ là con?" [Th. Augustinô, De serm. Dom. in monte 2, 4, 16: PL 34, 1276]

2.5 Lạy Cha "chúng con"

Dùng đại từ sở hữu số nhiều ("của chúng con") ở đây mang nhiều ý nghĩa, một "mối quan hệ mới với Thiên Chúa" như được cắt nghĩa ở các số 2786-2793 sách GLCG.

    • Sau khi Chúa Giêsu Kitô hoàn thành các lời tiên tri, chúng ta trở thành Dân của Thiên Chúa, và Ngài trở thành Thiên Chúa "của chúng ta".
    • Kiểu nói này cũng đưa chúng ta hướng tới thời cuối cùng, khi như lời Thiên Chúa đã hứa, "Ta sẽ là Thiên Chúa của nó, và nó sẽ là con của Ta." [Khải Huyền 21:7]
    • Nó nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta không cầu nguyện một mình, nhưng chúng ta sống trong một sự hiệp thông.
    • Nó cũng làm chúng ta ý thức nhu cầu phải đưa những người khác đến với sự hiệp thông này, và phải làm việc để đưa mọi người đến hiệp nhất.
    • Hơn nữa, nó cũng bao hàm ước muốn cho mọi người nhận biết Thiên Chúa là Cha.

2.6 "Ở trên trời"

Sách GLYL (586; x. GLCG 2794-2796, 2802) cắt nghĩa ‘ở trên trời’ là gì:

"Ở trên trời" là một cách diễn tả theo Thánh Kinh, không muốn chỉ một vị trí, nhưng muốn nói lên một cách hiện hữu: Thiên Chúa vượt quá và vượt trên tất cả. Thuật ngữ này diễn tả sự uy nghi, sự thánh thiện của Thiên Chúa, cũng như sự hiện diện của Ngài trong tâm hồn những người công chính. Trời, hay Nhà Cha, là quê hương đích thực mà lòng chúng ta hằng hướng đến trong niềm hy vọng, ngay khi chúng ta còn đang sống trên mặt đất này. Là những người "hiện đang tiềm tàng với Ðức Kitô nơi Thiên Chúa" (Cl 3,3), chúng ta đã sống trên trời.

3. Bảy lời cầu xin

"Lời Kinh của Chúa được cấu tạo như thế nào?" sách GLYL (587; x. GLCG 2803-2806, 2857) hỏi và trả lời như sau:

Lời kinh của Chúa có bảy lời cầu xin dâng lên Thiên Chúa là Cha. Ba lời đầu tiên, có tính đối thần, hướng chúng ta về Thiên Chúa, vì vinh quang của Ngài: lời kinh này tự bản chất thuộc về tình yêu và trước tiên nghĩ đến Ðấng chúng ta yêu. Ba lời đó cho thấy những điều mà chúng ta đặc biệt cầu xin: sự thánh hóa Danh Thiên Chúa, việc Vương Quốc sẽ đến và việc thi hành Ý của Ngài. Bốn lời cầu xin cuối trình bày với Cha nhân từ những thống khổ và những chờ đợi của chúng ta. Chúng ta van xin Người lương thực, sự tha thứ, sự trợ giúp trong các cơn cám dỗ và sự giải thoát khỏi Thần Dữ.

Cấu trúc này nhắc ta nhớ đến Mười Giới Răn, ở đó ba giới răn đầu nói về Thiên Chúa, còn bảy giới răn sau nói về tha nhân. Như có thể thấy rõ, kinh này kéo chúng ta ra khỏi bản ngã riêng của mình. Chúng ta đã cắt nghĩa trên kia khi nói đến "Cha của chúng con", không nói "Cha của con". Trong kinh Chúa Giêsu dạy, KHÔNG CÓ "CON", "CỦA CON", HAY "BẢN THÂN CON". Kinh này dạy chúng ta không sống ích kỷ, nghĩ đến Thiên Chúa trước tiên, RỒI nghĩ đến tha nhân, và quên bản thân mình.

3.1 Nguyện Danh Cha cả sáng

Sách GLYL (588; x. GLCG 2807-2812, 2858) cắt nghĩa:

"Nguyện Danh Cha cả sáng" trước hết là một lời ca ngợi công nhận Thiên Chúa là Ðấng Thánh. Thật vậy, Thiên Chúa đã mạc khải Danh Thánh của Ngài cho Môsê và Ngài muốn cho dân Ngài được thánh hiến dành riêng cho Ngài, là một dân tộc thánh thiện mà Ngài yêu thích cư ngụ nơi họ.

Sách GLYL số 589 (x. GLCG 2813-2815) hỏi: "Danh Thiên Chúa được thánh hóa nơi chúng ta và trên thế giới như thế nào?"

Thiên Chúa kêu gọi chúng ta "nên thánh" (1 Ts 4,7). Câu "Danh Thiên Chúa được thánh hoá" muốn nói lên đòi hỏi việc hiến thánh của Bí tích Rửa Tội phải làm sinh động cả cuộc đời chúng ta; ngoài ra còn mang ý nghĩa, chúng ta phải chăm sóc cuộc đời và lời cầu nguyện của chúng ta như thế nào để Danh Thiên Chúa được mọi người nhận biết và chúc tụng.

Chúng ta chuyển lời cầu xin này thành hành động khi chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nơi toàn thể con người chúng ta―xác và hồn. Ở Chương 6 Thư 1 Corinthô, Thánh Phaolô khuyên chúng ta tôn vinh Thiên Chúa nơi thân thể chúng ta bởi vì (1) chúng ta (hồn và xác) là những chi thể của Đức Kitô và (2) đền thờ Chúa Thánh Thần:

(15) Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Ðức Kitô sao? Tôi lại lấy phần thân thể của Ðức Kitô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao? Không đời nào! (16) Anh em chẳng biết rằng ăn ở với người kỹ nữ là nên một thân xác với người ấy sao? Thật thế, có lời chép rằng cả hai sẽ thành một xương một thịt. (17) Ai đã kết hợp với Chúa, thì nên một tinh thần với Người. (18) Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình.

(19) Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Ðền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, (20) vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.

Khi cầu nguyện cho Danh Chúa được cả sáng, chúng ta được nhắc nhớ rằng có những người không tôn kính Danh Thánh của Thiên Chúa. Vì vậy lời cầu xin này thúc đẩy chúng ta ĐỀN BÙ những tội báng bổ Thiên Chúa.

3.2 Nước Cha trị đến

Hội thánh xin gì khi cầu nguyện "Nước Cha trị đến"? GLYL số 590 (x. GLCG 2816-2821, 2859) nói:

Hội thánh xin cho Nước Thiên Chúa trị đến một cách dứt khoát qua việc Ðức Kitô trở lại trong vinh quang. Nhưng Hội thánh cũng cầu xin cho vương quyền của Thiên Chúa ngày càng lớn lên trong hiện tại qua việc thánh hóa con người trong Chúa Thánh Thần, và nhờ sự cố gắng của họ trong việc phục vụ công lý và hòa bình theo các Mối phúc. Lời cầu xin này là tiếng kêu của Chúa Thánh Thần và của Hiền thê: "Lạy Chúa Giêsu! xin hãy đến" (Kh 22,20).

Trong Đức Giêsu Nadarét (Từ Phép Rửa đến Hiển Dung, tr. 146-147), Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI cắt nghĩa về lời cầu xin cho Thiên Chúa hiển trị.

Điều đầu tiên và cơ bản là một TÂM HỒN LẮNG NGHE, để Thiên Chúa chứ không phải chúng ta hiển trị. Nước Thiên Chúa đến qua con đường của một tâm hồn lắng nghe. Đó là con đường của Nước Thiên Chúa. Và đó chính là điều chúng ta phải liên lỷ cầu xin.

Sự gặp gỡ với Đức Kitô làm cho lời cầu xin này còn sâu xa và cụ thể hơn. Chúng ta đã thấy Đức Giêsu chính là hiện thân của Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa hiện diện ở bất kỳ đâu có Chúa Giêsu hiện diện. Cũng vậy, lời cầu xin được một tâm hồn lắng nghe trở thành một lời cầu xin có sự hiệp thông với Chúa Giêsu Kitô, một lời cầu xin cho chúng ta ngày càng trở nên "một’ với Ngài (Galát 3:28). Điều được xin trong lời cầu này là việc thực sự theo Chúa Kitô, trở nên hiệp thông với Ngài và làm chúng ta nên một thân thể với Ngài…

Cầu nguyện cho Nước Thiên Chúa trị đến nghĩa là nói với Chúa Giêsu: Lạy Chúa, xin cho chúng con thuộc về Ngài! Xin thấm nhập chúng con, sống trong chúng con; xin tập họp nhân loại đang tản mác vào trong thân thể Chúa, để trong Chúa mọi sự có thể suy phục Thiên Chúa và rồiChúa có thể trao lại vũ trụ cho Chúa Cha, để "Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi sự" (1Corinthô 15:28).

3.3 Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời

Sách GLYL số 591 (x. GLCG 2822-2827, 2860) cắt nghĩa lý do của lời cầu xin này.

Ý muốn của Cha chúng ta là "tất cả mọi người được cứu độ" (1 Tm 2,3). Vì thế, Chúa Giêsu đã đến để chu toàn cách trọn hảo ý định cứu độ của Cha. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa là Cha kết hợp ý muốn của chúng ta vào ý muốn Con của Ngài, theo gương của Ðức Trinh Nữ rất Thánh và của các thánh. Chúng ta cầu xin cho ý định của tình yêu nhân hậu của Ngài được thực hiện trọn vẹn dưới đất như đã được thực hiện trọn vẹn trên trời. Chính nhờ lời cầu nguyện này mà chúng ta có thể "nhận ra ý muốn của Thiên Chúa" (Rm 12,2) và "kiên trì thi hành thánh ý" (Dt 10,36).

Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI, cũng trong sách trích dẫn ở trên (tr. 147-178), cắt nghĩa điều này như sau:

Lời cầu xin này cho thấy rõ ngay lập tức hai điều: Thiên Chúa có một ý định với chúng ta và cho chúng ta, và ý định đó phải trở thành thước đo cho ý muốn và đời sống chúng ta; và bản chất của "trời" chính là nơi mà ý định của Thiên Chúa được thể hiện một cách chắc chắn. Hay nói khác đi, ở đâu ý định của Thiên Chúa được thể hiện thì ở đó là trời. Bản chất của trời là sự hợp nhất với ý định của Thiên Chúa, hợp nhất của ý muốn và sự thật. Đất trở thành "trời" khi và trong mức độ ý định của Thiên Chúa có ở đó; và nó chỉ thuần là "đất", đối lập với trời, khi và trong mức độ nó rời xa ý định của Thiên Chúa. Đó là lý do tại sao chúng ta cầu nguyện cho dưới đất cũng như trên trời―nghĩa là cầu cho đất trở thành trời.

3.4 Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày

"Hôm nay": nhắc chúng ta nhớ đến những chỉ thị của Thiên Chúa cho ông Môsê về bánh manna Ngài ban cho dân Israel trong sa mạc như được kể lại trong Chương 16 sách Xuất Hành.

2 Trong sa mạc, toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en kêu trách ông Mô-sê và ông A-ha-ron. 3 Con cái Ít-ra-en nói với các ông: "Phải chi chúng tôi chết bởi tay Ðức Chúa trên đất Ai-cập, khi còn ngồi bên nồi thịt và ăn bánh thoả thuê. Nhưng không, các ông lại đưa chúng tôi ra khỏi đó mà vào sa mạc này, để bắt chúng tôi phải chết đói cả lũ ở đây!"

4 Ðức Chúa phán với ông Mô-sê: "Này, Ta sẽ làm cho bánh từ trời mưa xuống cho các ngươi ăn. Dân sẽ ra lượm lấy khẩu phần cho mình, ngày nào cho ngày đó; Ta muốn thử lòng chúng như vậy xem chúng có tuân theo Luật của Ta hay không. 5 Ngày thứ sáu, khi chúng dọn phần ăn đã đưa về, sẽ có gấp đôi phần chúng lượm mỗi ngày."

13 ... Và buổi sáng thì có lớp sương phủ quanh trại. 14 Rồi khi sương tan đi thì trên mặt hoang địa, có một thứ gì nho nhỏ mịn màng, nho nhỏ như sương muối phủ mặt đất. 15 Khi con cái Ít-ra-en thấy thế, họ liền hỏi nhau: "Man hu?" Nghĩa là: "Cái gì đây?" Vì họ không biết đó là cái gì. Ông Mô-sê bảo họ: "Ðó là bánh Ðức Chúa ban cho anh em làm của ăn! 16 Ðây là điều Ðức Chúa đã truyền: Mỗi người hãy tuỳ theo sức mình ăn được bao nhiêu mà lượm, mỗi người một đấu, tuỳ theo số người; mỗi người hãy lấy luôn cho những người ở cùng lều với mình."

17 Con cái Ít-ra-en đã làm như thế; họ lượm kẻ nhiều người ít. 18 Rồi họ lấy đấu đong: kẻ có nhiều thì không dư, người có ít thì không thiếu. Mỗi người đã lượm tuỳ theo sức mình ăn được bao nhiêu.

19 Ông Mô-sê nói với họ: "Ðừng có ai để dành cho đến sáng." 20 Một số người đã không nghe lời ông Mô-sê: họ để dành cho đến sáng, nhưng trong đó có giòi bọ và xông ra mùi hôi thối. Bấy giờ ông Mô-sê nổi giận với họ. 21 Sáng nào cũng vậy, mỗi người lượm tuỳ theo sức mình ăn được bao nhiêu. Và khi mặt trời toả sức nóng, thì nó tan ra.

22 Ngày thứ sáu, họ lượm bánh gấp đôi, mỗi người hai đấu. Tất cả những người lãnh đạo cộng đồng đến báo tin cho ông Mô-sê. 23 Ông nói với họ: "Ðây là điều Ðức Chúa phán: mai là ngày nghỉ, ngày sa-bát thánh để kính Ðức Chúa. Cái gì phải nấu, thì nấu; cái gì phải luộc, thì luộc; tất cả những gì còn dư, thì hãy cất đi, để dành cho đến sáng hôm sau." 24 Họ cất đi cho đến sáng hôm sau như ông Mô-sê đã truyền, mà không thấy hôi và cũng không thấy có giòi bọ. 25 Ông Mô-sê nói: "Hôm nay anh em ăn phần đó đi, vì hôm nay là ngày sa-bát kính Ðức Chúa; hôm nay, anh em sẽ không tìm thấy gì ở ngoài đồng. 26 Trong sáu ngày, anh em hãy lượm man-na; còn ngày thứ bảy là ngày sa-bát, thì sẽ không có." 27 Dầu vậy, ngày thứ bảy cũng có người trong dân đi ra lượm mà không tìm thấy. 28 Ðức Chúa phán với ông Mô-sê: "Cho đến bao giờ nữa các ngươi từ chối không tuân giữ các mệnh lệnh và luật lệ của Ta? 29 Các ngươi xem: Ðức Chúa đã ban ngày sa-bát cho các ngươi; vì thế, ngày thứ sáu, Người ban cho các ngươi bánh đủ ăn hai ngày. Ai nấy hãy ở yên một chỗ; ngày thứ bảy, đừng có ai ra khỏi chỗ ở của mình." 30 Vậy dân nghỉ việc ngày thứ bảy.

Tương tự như thế, Thiên Chúa cho chúng ta bánh manna―ân sủng hằng ngày. Ơn chúng ta nhận được mỗi ngày là ơn cho ngày ấy, không phải cho ngày tiếp theo. Vì vậy nhiều vị thánh và nhiều tác giả thiêng liêng đã gọi đó là ‘ân sủng cho lúc hiện tại’, hay ‘hiện sủng’. Và Chúa muốn chúng ta dùng ân sủng ấy để chu toàn các bổn phận của chúng ta cho ngày hôm ấy.

"Hôm nay": Thánh Josemaria viết trong The Way số 163:

Đừng đợi đến Tết để làm các quyết tâm của bạn. Mỗi ngày đều là một ngày tốt để làm các quyết định tốt. Hodie, nunc! ―Hôm nay, bây giờ!

Nữ tu Faustina từng cầu nguyện như sau (trích Nhật Ký: Divine Mercy in My Soul, Sổ Tay 1,1):

Lạy Thiên Chúa của con,

Con lo sợ mỗi khi nhìn đến tương lai,

Nhưng sao lại phải chìm vào tương lai?

Với con chỉ có giây phút hiện tại là quí

Vì tương lai có thể chẳng bao giờ vào được tâm hồn con.

Con không còn có quyền thay đổi, sửa chữa hay thêm gì cho quá khứ;

Vì ngay cả những bậc hiền triết hoặc tiên tri cũng chẳng thể làm được.

Vì vậy những gì của quá khứ con phải phó thác cho Chúa.

Ôi giờ phút hiện tại, ngươi thuộc về ta, hoàn toàn và trọn vẹn.

Ta muốn sử dụng ngươi tốt bao có thể.

Và mặc dù ta yếu hèn bé nhỏ

Ngươi đem đến cho ta ân sủng Đấng Toàn Năng.

Thế nên con tin tưởng ở lòng từ bi Chúa,

Bước đi trên đường đời giống như một trẻ thơ,

Dâng lên Chúa quả tim này mỗi ngày

Cháy bỏng tình yêu vì Vinh Quang Chúa vô biên.

Khi sống giờ phút hiện tại, chúng ta đem ra thực hành lời Chúa Giêsu đã dạy (Mt 6:34):

(34) Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.

Thời gian để đáp lại ân sủng chính là BÂY GIỜ, không phải ngày mai. Vì nếu chúng ta không sử dụng ân sủng hôm nay, ngày mai ân sủng ấy sẽ qua đi.

Sách GLYL số 592 (x. GLCG 2828-2834, 2861) cắt nghĩa lời cầu xin này như sau:

Với lòng phó thác tin tưởng của phận làm con, chúng ta xin Thiên Chúa ban lương thực hằng ngày để mọi người được sống và chúng ta công nhận Ngài là Cha chúng ta, Ðấng tốt lành vượt quá mọi sự tốt lành. Chúng ta cũng xin Ngài cho biết phải hoạt động thế nào để công lý và tình liên đới buộc những ai dư đầy biết giúp đỡ các nhu cầu của những kẻ thiếu thốn.

Đức Thánh Cha Bênêđitô XVI cũng cắt nghĩa (xem Giêsu Nadarét. Từ Phép Rửa đến Hiển Dung, tr. 151-152):

Chúng ta xin cho chúng con lương thực―nghĩa là chúng ta cũng xin lương thực cho nhữngngười khác. Những ai có của ăn dư dật phải biết chia sẻ với người khác. Trong phần bình luận về Thư 1 gửi tín hữu Corinthô liên quan đến gương mù của người Kitô hữu tại Corinthô, Thánh Gioan Kim Khẩu nhấn mạnh rằng "mỗi một mẩu bánh bằng cách này hay cách khác đều là một mẩu bánh thuộc về mọi người, mẩu bánh của thế giới." … Khi diễn tả lời cầu xin này bằng ngôi thứ nhất số nhiều ("chúng con"), Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta: "Thì chính anh em hãy cho họ ăn đi!" (Mc 6:37)

Tính từ "hằng ngày" được dịch từ tiếng Hi Lạp "epiousios". Đây là một từ lạ và hiếm, như ĐGH Bênêđitô XVI đã chỉ ra (xem trang 153 quyển Giêsu Nadarét đã trích dẫn). Từ này được dịch sang tiếng Latinh là "supersubstantialis"―tạm dịch là siêu-vật thể. Lương thực chúng ta cầu xin không chỉ là cơm bánh và nhu yếu phẩm hằng ngày, nhưng là cái gì vượt trên những thứ ấy, là cái cũng nuôi sống linh hồn chúng ta và trở nên bảo chứng cho đời sống vĩnh cửu―Thánh Thể. Vì vậy, lời cầu xin này mang một ý nghĩa Kitô giáo đặc thù. Sách GLYL số 593 (x. GLCG 2835-2837, 2861) nói:

Vì "người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi Lời miệng Thiên Chúa phán ra" (Mt 4,4), lời cầu xin này cũng bao hàm cả cơn đói khát Lời Chúa và Mình Thánh Chúa trong Bí tích Thánh Thể, cũng như đói khát Chúa Thánh Thần. Chúng ta cầu xin những điều này với lòng tin tưởng tuyệt đối cho ngày hôm nay của Thiên Chúa. Những điều này được ban cho chúng ta đặc biệt trong Bí tích Thánh Thể, một sự tham dự trước vào bàn tiệc của Vương quốc sẽ đến.

3.5 Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con

Sách GLYL số 594 (x. GLCG 2838-2839, 2862) cắt nghĩa:

Khi xin Thiên Chúa là Cha tha thứ cho chúng ta, chúng ta nhận biết mình là kẻ tội lỗi trước mặt Ngài. Nhưng đồng thời chúng ta cũng tuyên xưng lòng thương xót của Ngài, vì trong Chúa Con và qua các Bí tích, "chúng ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi" (Cl 1, 14). Tuy nhiên, lời cầu xin của chúng ta chỉ có thể được nhậm lời, với điều kiện là, về phần chúng ta, chúng ta phải tha thứ trước.

"Làm sao có thể tha thứ được?" GLYL số 595 (x. GLCG 2840-2845, 2862) hỏi và trả lời như sau:

Lòng thương xót chỉ có thể đi vào tâm hồn, nếu như chính chúng ta biết tha thứ cho cả kẻ thù của mình. Dù đối với con người, điều này xem ra không thể thực hiện được, nhưng một trái tim rộng mở cho Chúa Thánh Thần sẽ có khả năng, như Chúa Giêsu, yêu thương cho đến cùng, biến đổi thương đau thành lòng trắc ẩn, và sự xúc phạm thành lời chuyển cầu. Tha thứ chính là tham dự vào lòng khoan dung của Thiên Chúa và là một trong những đỉnh cao của kinh nguyện Kitô giáo.

3.6 Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ

Sách GLYL số 596 (x. GLCG 2846-2849, 2863) cắt nghĩa:

Chúng ta xin Thiên Chúa là Cha chúng ta, đừng để chúng ta đơn độc dưới quyền lực của cơn cám dỗ. Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần để biết nhận định, một đàng, giữa thử thách giúp ta tăng trưởng trong sự lành và sự cám dỗ dẫn đến tội lỗi và sự chết, và đàng khác, giữa bị cám dỗ và thuận theo cơn cám dỗ. Lời cầu xin này kết hợp chúng ta với Chúa Giêsu, Ðấng đã chiến thắng cám dỗ bằng lời cầu nguyện của Người. Lời cầu này cũng van xin ơn tỉnh thức và bền đỗ đến cùng.

3.7 Nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ

Sách GLYL số 597 (x. GLCG 2850-2854, 2864) nói:

"Sự Dữ" muốn ám chỉ một nhân vật là Satan, kẻ đối nghịch với Thiên Chúa, "kẻ chuyên mê hoặc toàn thể nhân loại" (Kh 12,9). Ðức Kitô đã chiến thắng ma quỷ. Nhưng chúng ta cầu xin cho cả gia đình nhân loại được giải thoát khỏi Satan và mọi việc làm của nó. Chúng ta cũng cầu xin hồng ân quí giá là sự bình an và ân sủng để kiên trì chờ đợi Ðức Kitô lại đến, Ðấng giải thoát chúng ta khỏi sự Dữ cách dứt khoát.

3.8 Nói "Vâng!" với Chúa

"Amen" nghĩa là gì? Sách GLYL số 598 (x. GLCG 2855-2856, 2865) nói:

Sau khi đọc kinh xong, bạn đọc Amen, nhấn mạnh lời Amen, nghĩa là 'xin Chúa cứ làm cho con như vậy', chúng ta quyết tâm đón nhận tất cả những điều Chúa dạy trong lời kinh này" (thánh Xyrilô thành Giêrusalem).

Sách Đọc Thêm

    • Toát Yếu Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Compendium of the Catechism of the Catholic Church), Nhà xuất Bản Tôn Giáo, 2011, các mục 578-598. (Trong bài trên viết là Giáo Lý Yếu LượcGLYL)
    • Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Catechism of the Catholic Church), Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2010, các mục 2759-2865. (Trong bài trên viết là Giáo Lý Công GiáoGLCG)
    • Tự Điển Công Giáo Anh-Việt của Nguyễn Đình Diễn, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2002
    • Tự Điển Thần Học Tín Lý Anh-Việt, Linh Mục Vũ Kim Chính, SJ và nhóm biên dịch, nhà xuất bản Quang Khải, 1996
    • Bộ Giáo Luật (The Code of Canon Law), bản dịch Việt ngữ của Đức Ông Nguyễn Văn Phương, Linh Mục Phan Tấn Thành, Linh Mục Vũ Văn Thiện, Linh Mục Mai Đức Vinh

Websites