Bài 01 : Thiên Chúa, Linh Hồn, và Tôn Giáo

Câu Hỏi Hướng Dẫn

    • Chúng ta có thể biết gì về Thiên Chúa hay không? Và biết bằng cách nào?
    • Chúng ta có thể chứng minh Thiên Chúa hiện hữu hay không?
    • Anh em giải thích thế nào về sự hiện hữu của Thiên Chúa cho người có tư duy độc lập?
    • Lý lẽ về đức tin của chúng ta quan trọng ra sao? Phải chăng sự tin vào Thiên Chúa là một điều cảm tính?
    • Vì sao có những người vô thần chủ nghĩa?
    • Bằng cách nào chúng ta biết chúng ta có linh hồn?
    • Chính Thiên Chúa đã nói cho chúng ta đôi nét gì về Ngài không?
    • Nếu con người có thể tự mình nhận biết được Thiên Chúa thì vì sao Thiên Chúa lại tự tỏ mình ra?
    • Tại sao chỉ có một tôn giáo thật? (Hay nói khác đi là phải chăng tôn giáo nào cũng thực sự thiện hảo như nhau?)

1. Tri Thức Tự Nhiên Về Thiên Chúa Thông Qua Sự Nhận Biết Của Chúng Ta Về Tạo Vật

Qua bài dẫn nhập, chúng ta biết có nhiều cách khác nhau để thu thập kiến thức. Chúng ta thường xem khả năng này của chúng ta là điều đương nhiên, nhưng khẳng định điều đó mới thực sự quan trọng vì đã từng có và hiện vẫn có những người quan niệm rằng con người không thể hiểu biết xác thực. Thài độ này đối với thực tại và chân lý được gọi là chủ nghĩa hoài nghi.

Chúng ta cũng nhận ra chúng ta có thể hiểu biết sự vật như thế nào thông qua 3 cách khác nhau. Chúng ta không thể nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa thông qua giác quan vì Thiên Chúa là Đấng vô hình. (Một bé gái từng viết cho Thiên Chúa với lời lẽ sau: "Lạy Chúa yêu thương, phải chăng Người thực sự vô hình hay đó chỉ là trò đùa thôi?"). Tri thức về sự hiện hữu của Thiên Chúa đến với chúng ta thông qua suy luận và thông qua đức tin.

1.1 Chúng Ta Nhận Biết Thiên Chúa Qua Mọi Sự Ngài Tạo Dựng

1.1.1 Bằng Chứng Từ Thánh Điển

Chính Thánh Điển minh chứng sự khả hữu này. Sau đây là hai đoạn, một ở Cựu Ước, và một ở Tân Ước.

    • Sách Khôn Ngoan 13: 1-9.
      • 1 Hết những ai không chịu nhìn nhận Thiên Chúa, tự bản chất là những kẻ ngu si. Từ những vật hữu hình tốt đẹp, chúng không đủ khả năng nhận ra Ðấng hiện hữu, và khi chiêm ngắm bao công trình, chúng cũng không nhận biết Ðấng Hoá Công. 2 Thế mà, lửa với gió, hay làn khí thoảng qua, hay tinh tú bầu trời, hay nước chảy cuồn cuộn, hay đèn trời thắp sáng, chúng lại coi là thần, là những bậc quản cai hoàn vũ. 3 Nếu chúng say mê những vẻ đẹp đó mà coi là thần minh, thì cũng phải biết rằng Chúa Tể của những vật đó còn đẹp hơn biết mấy, vì chính Ðấng sáng tạo mọi loài là tác giả của muôn vẻ đẹp. 4 Nếu quyền năng và sức mạnh của những vật kia làm cho chúng kinh ngạc thì chúng phải hiểu rằng Ðấng làm nên những vật đó còn mạnh mẽ hơn biết chừng nào. 5 Vì các thọ tạo càng lớn lao đẹp đẽ thì càng giúp nhận ra Ðấng tạo thành. 6 Tuy vậy, chúng cũng chỉ đáng trách phần nào thôi vì đã cố tìm và mong thấy Thiên Chúa, nhưng có thể chúng bị lầm lạc. 7 Bị chìm ngập giữa bao nhiêu công trình của Chúa, chúng ra sức tìm tòi, nhưng đã để cho cái vỏ bên ngoài mê hoặc vì vẻ đẹp mà chúng nhìn thấy. 8 Tuy nhiên, không vì thế mà chúng được thứ tha. 9 Vì nếu chúng có đủ khả năng hiểu biết để có thể nghiên cứu các sự vật trên đời, thì sao lại không sớm nhận ra Ðấng Chủ Tể của những sự vật đó?
    • Sách Roma 1: 10-23.
      • 19) Những gì người ta có thể biết về Thiên Chúa, thì thật là hiển nhiên trước mắt họ, vì chính Thiên Chúa đã cho họ thấy rõ. (20) Quả vậy, những gì người ta không thể nhìn thấy được nơi Thiên Chúa, tức là quyền năng vĩnh cửu và thần tính của Người, thì từ khi Thiên Chúa tạo thành vũ trụ, trí khôn con người có thể nhìn thấy được qua những công trình của Người. Do đó, họ không thể tự bào chữa được, (21) vì tuy biết Thiên Chúa, họ đã không tôn vinh hay cảm tạ Người cho phải đạo. Trái lại, đầu óc họ suy luận viển vông và tâm trí ngu si của họ hóa ra mê muội. (22) Họ khoe mình khôn ngoan, nhưng đã trở nên điên rồ. (23) Thay vì Thiên Chúa vinh quang bất tử, họ đã thờ hình tượng người phàm là loài phải chết, hay hình tượng các loài chim chóc, thú vật, rắn rết.

1.1.2 Bằng Chứng Từ Huấn Quyền

Huấn Quyền của Hội Thánh cũng dạy điều tương tự như thế. Sách Giáo Lý Công Giáo (CCC) và Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược(CCCC) tóm lược và xác định điều này.

    • Sách Giáo Lý Công Giáo (CCC), mục 36.
      • Giáo Hội, người mẹ chung của chúng ta, khẳng định và dạy chúng ta rằng Thiên Chúa, Đấng có trước hết và tồn tại sau hết mọi loài, có thể được nhận biết thực sự từ thế giới thụ tạo dưới ánh sáng của lý trí con người.
    • Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (CCCC), mục 3.
      • Làm sao có thể nhận biết Thiên Chúa bằng sự soi sáng của lý trí con người? Khởi sự từ thế giới thụ tạo, tức là từ thế giới này và từ con người, thông qua lý trí, con người có thể thực sự nhận biết Thiên Chúa là Đấng khởi đầu và cùng đích của muôn loài, là Đấng Chân, Thiện, Mỹ.

1.2 Sự Nhận Biết Thiên Chúa Ảnh Hưởng Sâu Sắc Đến Cuộc Sống Và Giá Trị Của Con Người

Sự nhận biết Thiên Chúa hiện hữu không đơn thuần là vấn đề lý thuyết. Sự nhận biết này sẽ làm thay đổi toàn bộ trạng huống cuộc sống. Điều này tựa như việc biết rằng trong văn phòng của chúng ta có một trưởng phòng. Chúng ta không thể dời chuyển đồ đạc theo ý mình. Chúng ta không thể nghỉ bất cứ lúc nào mình muốn. Và nhiều thứ khác nữa mà chúng ta không thể làm theo ý mình. Chúng ta có cảm tưởng rằng tự do của mình bị tước bớt đi. (Bill Cosby từng châm biếm rằng đàn ông thường nghĩ lầm là mình sẽ trở thành sếp khi lập gia đình.)

Nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa sẽ tác động mạnh mẽ đến đời sống thường ngày và đòi hỏi một sự thay đổi triệt để trong cách sống của chúng ta. Quá trình dẫn tới sự nhận biết này không phải dễ dàng. Chính vì vậy, Sách Giáo Lý Công Giáo, mục 30, viết:

Mặc dù con người có thể quên hoặc chối bỏ Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không bao giờ ngưng mời gọi mỗi người hãy tìm kiếm Ngài để tìm được sự sống thật và hạnh phúc thật. Tuy nhiên, sự tìm kiếm Thiên Chúa đòi hỏi nơi con người mọi nỗ lực trí năng, một ý chí mạnh mẽ, ’ một con tim chân chính ‘, và sự chứng thực của những người dạy mình tìm kiếm Thiên Chúa.

Tìm hiểu và nhận ra sự hiện hữu của Thiên Chúa vừa là một công việc trí tuệ (nên không dễ dàng gì) vừa là một nỗ lực tinh thần. Để nhận biết Thiên Chúa, điều cần thiết là phải có sự khát khao muốn biết Ngài.

Điều chúng ta đang trình bày ở đây là mặc dù có những bằng chứng rõ ràng về sự hiện hữu của Thiên Chúa nhưng có người vẫn phủ nhận điều đó. Chủ thuyết gạt Thiên Chúa ra khỏi tâm trí và đời sống con người chính là chủ thuyết vô thần. Chúng ta sẽ bàn về chủ thuyết này sau.

2. Từ Thế Giới Vật Chất Đến Thiên Chúa

2.1 Bằng chứng từ Huấn Quyền

Mục 31 Sách Giáo Lý Công Giáo (CCC) viết:

Được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa và được mời gọi hãy nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, người nào tìm kiếm Thiên Chúa sẽ tìm ra những cách dẫn đến sự nhận biết Ngài. Các phương cách này còn được gọi là những bằng chứng về sự hiện hữu của Thiên Chúa, nhưng bằng chứng ở đây không hiểu theo nghĩa của khoa học tự nhiên mà theo nghĩa là ” những tranh luận thuyết phục và đồng qui “, cho phép chúng ta đạt được sự vững tin vào chân lý. Những cách tiếp cận Thiên Chúa từ loài thụ tạo như nói trên có xuất phát điểm gồm hai phần, đó là: thế giới thể lý và bản thân con người.

Có thể nhắc lại như sau: Thiên Chúa có thể được nhận biết thông qua (1) sự thụ tạo thể lý và đồng thời thông qua (2) bản thân con người. Bây giờ chúng ta cùng đề cập về nguồn tri thức thứ nhất, đó là thế giới thể lý.

Mục kế tiếp (32) trong Sách Giáo Lý Công Giáo (CCC) viết:

Thế giới thể lý: bắt đầu từ sự dịch chuyển, sự hình thành, sự bất thường hằng (sự có thể có hoặc không) và trật tự cùng vẻ đẹp của vũ trụ, con người có thể đi đến sự nhận biết Thiên Chúa là khởi thủy và là cùng đích của vũ trụ.

Lưu ý là có 5 khởi điểm: sự dịch chuyển, sự hình thành, sự bất thường hằng, trật tự và vẻ đẹp của vũ trụ. Những điểm này được trích ra từ các bằng chứng mà Thánh Thomas Aquinas đã đưa ra để minh chứng sự hiện hữu của Thiên Chúa. Những bằng chứng này lần lượt được truyền đạt bởi Platon, Aristotle, Avicenna, Thánh Augustine và Thánh John Damascene. Hãy nhớ lại cách thứ hai (sự quan sát) mà nhờ đó chúng ta thu thập tri thức. Thánh Thomas dạy rằng qua sự quan sát những hiện tượng trong thế giới thụ tạo, tâm trí chúng ta tự nhiên hướng đến Đấng Tạo Hóa. Chúng ta biết nguyên nhân nhờ thấy hệ quả, cũng giống như chúng biết có họa sĩ khi nhìn ngắm một họa phẩm nào đó.

Kết quả thực tế của việc này là gì? Có nghĩa là một ai đó cho dù không phải là Kitô hữu, hoặc sinh ra ở một nơi hẻo lánh xa cách ánh sáng văn minh thì người đó vẫn có thể hình thành ý niệm về sự hiện hữu của một Đấng Tối Cao nếu như người đó có vận dụng lý trí để suy luận.

2.2 Lý Giải Triết Học

Từng cái trong năm bằng chứng mà Thánh Thomas đưa ra đều đòi hỏi sự hiểu biết về những từ ngữ triết học dùng trong đó. Ở đây chúng ta tự giới hạn là chỉ mô tả các phương cách (bằng chứng) này chứ không đi sâu vào chi tiết. Mỗi phương cách có cơ cấu hình thành như sau:

    1. Khởi điểm: một cảm nghiệm; được xem xét từ quan điểm triết học.
    2. Áp dụng nguyên lý nhân quả: những cái không thể tự xảy ra (tức là hệ quả) luôn phải có một nguyên nhân. (Điều này dựa vào nguyên lý "Nemo dat quod non habet"-- "Không ai có thể cho những cái mà mình không có".)
    3. Viện dẫn sự bất khả hữu (sự không thể có) của chuỗi nguyên nhân vô hạn; chuỗi nguyên nhân vô hạn không giải thích vì sao có một căn nguyên như thế lúc khởi thủy.
    4. Kết luận: căn nguyên đó chính là đấng mà chúng ta gọi là Thiên Chúa.

Chúng ta cùng nhau khái quát tùng phương cách theo cấu trúc nói trên.

2.2.1 Qua Sự Dịch Chuyển

    1. Khởi điểm: chúng ta quan sát sự dịch chuyển hoặc sự thay đổi. Sự dịch chuyển hoặc sự thay đổi là cách chuyển từ trạng thái tiềm ẩn sang trạng thái thực hoặc trạng thái kiện toàn.
    2. Áp dụng Nguyên Lý Nhân Quả: sự thay đổi từ trạng thái tiềm ẩn sang trạng thái thực hoặc trạng thái kiện toàn cần một nguyên nhân ngoại tại; nguyên nhân này thực sự đã nằm trong bản thân trạng thái thực.
    3. Sự bất khả hữu của chuỗi nguyên nhân vô hạn: chuỗi vô hạn các sự việc trong trạng thái thực hoặc kiện toàn không giải thích được vì sao chúng mang tính thực. Phải có một căn nguyên của thực tại hoặc của sự kiện toàn đang truyền lan trong sự thay đổi đó.
    4. Kết luận: căn nguyên của sự kiện toàn này chúng ta gọi là Thiên Chúa.

2.2.2 Qua Nguyên Nhân - Hệ quả

    1. Khởi điểm: chúng ta nhận thấy rằng mọi vật không tự hình thành.
    2. Áp dụng Nguyên Lý Nhân Quả: mọi vật quanh chúng ta luôn có nguyên nhân tạo nên sự hình thành của chúng.
    3. Sự bất khả hữu của chuỗi nguyên nhân vô hạn: chuỗi nguyên nhân vô hạn không thể giải thích vì sao có những nguyên nhân tạo các hệ quả này. Phải có một căn nguyên của mọi nguyên nhân.
    4. 1.Kết luận: căn nguyên này chúng ta gọi là Thiên Chúa.

2.2.3 Qua Sự Thiết Yếu Và Sự Bất Thường Hằng (Sự Có Thể Có Hoặc Không)

    1. Khởi điểm: chúng ta nhận thấy mọi vật quanh chúng ta hiện hữu và rồi ngưng hiện hữu (tiêu tan) _ chúng không thường hằng, nhưng có thể có hoặc không; chúng không nhất thiết phải hiện hữu; và ở một thời điểm nào đó chúng đã không hiện hữu.
    2. Áp dụng Nguyên Lý Nhân Quả: nếu chúng được hình thành thì chắc chắn một sự vật hiện hữu nào đó đã tạo cho chúng hiện hữu. Nếu mọi sự đều có thể có hoặc không thì ở một thời điểm nào đó, chúng đã không hiên hữu. Phải có một thứ luôn luôn hiện hữu (thường hằng) (vì nó hiện hữu bởi tính thiết yếu của mình) đã tạo sự hiện hữu cho những sự vật có thể có hoặc không (sự vật bất thường hằng).
    3. Sự bất khả hữu của chuỗi nguyên nhân vô hạn: chuỗi vô hạn của những sự vật bất thường hằng vốn nhờ vào sự vật khác mà hiện hữu không thể giải thích vì sao mọi vật hình thành được; phải có một hữu thể thiết yếu trường tồn, hằng hữu.
    4. Kết luận: Đấng Hằng Hữu này chúng ta gọi là Thiên Chúa.

2.2.4 Qua Những Cấp Độ Hoàn Hảo (truyền đạt bởi Platon)

    1. Khởi điểm: chúng ta nhận thấy mọi vật quí giá, hoặc tốt, hoặc đẹp… theo những cấp độ khác nhau.
    2. Áp dụng Nguyên Lý Nhân Quả: chúng ta thường dùng những từ như "hơn" hoặc "kém" liên quan tới mức tối ưu nào đó, tới một thứ Cao Quí nhất, Lành Thánh nhất, Tuyệt Mỹ hoặc Toàn Bích…, và là Nguyên Nhân của mọi cấp độ hoàn hảo.
    3. Sự bất khả hữu của chuỗi nguyên nhân vô hạn: -----
    4. Kết luận : Đấng Cực Trọng, Đấng Chân, Thiện, Mỹ này chúng ta gọi là Thiên Chúa.

2.2.5 Qua Trật Tự Và Hữu Dụng Tính Trong Vũ Trụ

    1. Khởi điểm : chúng ta nhận thấy ngay cả những sự vật không có trí óc cũng luôn luôn làm theo một mục đích nào đó. Hành động với một mục đích trong tâm trí chính là tác động của trí thông minh.
    2. Áp dụng Nguyên Lý Nhân Quả: Mọi vật không có trí óc nói ở trên chắc chắn đã được dẫn dắt bởi một Thần Trí nào đó.
    3. Sự bất khả hữu của chuỗi nguyên nhân vô hạn: ---
    4. Kết luận: Thần Trí hoặc Trí Thông Minh hướng dẫn mọi thụ tạo theo trật tự hải hòa đó chúng ta gọi là Thiên Chúa.

3. Từ Tâm Linh Đến Thiên Chúa

Không phải chỉ thế giới bên ngoài mới nói cho chúng ta vế Thiên Chúa. Khi nhìn vào bản thân mình, chúng ta cũng sẽ thấy có con đường dẫn chúng ta đế Thiên Chúa. Gắn liền với sự nhận biết về sự hiện hữu của Thiên Chúa là vấn đề về ý nghĩa cuộc đời. Sự tìm kiếm Thiên Chúa cũng chính là sự tìm kiếm ý nghĩa cuộc đời. Không sớm thì muộn, từng người cũng sẽ tự hỏi những câu như:

    • Vì sao mình ở đây?
    • Mình từ đâu đến?
    • Mình sẽ đi về đâu?
    • Vì sao mình là mình mà không là người khác?

3.1 Sự Hiện Diện Của Linh Hồn Thiêng Liêng Nơi Con Người Dẫn Con Người Tới Thiên Chúa

Trước khi vào đề tài chính, chúng ta cần minh định những thuật ngữ trong thảo luận của chúng ta, đặc biệt là thuật ngữ "linh hồn". Linh hồn là gì? Làm sao chúng ta biết một hữu thể nào đó có linh hồn hay không?

    • Quan sát: một số hữu thể có tính trơ lì và thụ động trong khí những hữu thể khác có khả năng phát triển nội tại, nuôi dưỡng, sinh sản và phản ứng với môi trường chung quanh.
    • Chúng ta gọi những hữu thể có khả năng nói trên là sinh thể.
    • Sinh thể có một thứ gì đó mà vô sinh thể không có, một thứ mà làm cho sinh thể có khả năng thực hiện các chức năng nói trên.
    • "Thứ" mà sinh thể có mà vô sinh thể không có chính là thứ mà chúng ta gọi là linh hồn. (Trong tiếng Latin anima là linh hồn, là sinh khí; vì thế, chúng ta có thể nói rằng linh hồn tạo sinh khí cho thể xác, làm thể xác sinh động).

Vì sao chúng ta nói con người có "linh hồn thiêng liêng" ? Điều này mang ý nghĩa gì?

3.1.1 Những Bằng Chứng Triết Học

    • Quan sát: chúng ta nhận thấy có những khác biệt nơi các sinh thể.
    • Một số sinh thể có thể cảm nhận và di chuyện từ nơi này sang nơi khác (có sự vận động) trong khi những sinh thể khác thì không. Như thế, chúng ta phân biệt động vật với thực vật.
    • Tuy nhiên, có những sinh thể mang những khả năng tinh tế, phức tạp hơn động vật.
    • BẰNG CHỨNG TỪ TRÍ NĂNG CON NGƯỜI
        • Động vật dường như thực hiện các hoạt động của chúng theo cách đã định sẵn (Ong thì làm tổ ong; chim làm rổ chim; kiến làm tổ kiến… Sự nuôi dưỡng và sinh sản đều tuân theo khuôn mẫu đã định). Động vật, trừ con người, dường như không có ” ý tưởng mới “ về phương cách điều hành cuộc sống của chúng.
        • Thực ra, động vật dường như không có chút ” ý tưởng “ gì. (Con người thì hầu như mỗi ngày đều có những ý tưởng mới, và nhiều khi họ phải trả giá cho những ý tưởng mới đó!)
        • Con người có khả năng khái niệm hóatruyền đạt những khái niệm của mình bằng ngôn từ. (Loài vật phát ra những tín hiệu thể hiện cảm giác. Chúng ta chưa có bằng chứng nào cho thấy những tín hiệu đó thể hiện khái niệm hoặc ý tưởng.)
        • Người nói và người nghe không đơn thuần làm như những thếit bị phát và nhận tín hiệu; họ ý thức về những gì chính họ đang làm và những gì liên quan tới bản thân, tới cái tôi của họ. Khả năng này chỉ có được nhờ sự hiện diện của một thực thể thiêng liêng trong con người, đó là linh hồn.
        • Hơn nữa, con người không những có khả năng hình thành ý tưởng mà còn có khả năng phản tỉnh. Phản tỉnh có nghĩa là xem lại, suy nghĩ lại về chính mình, một khả năng không thể có đối với giác quan. (thí dụ, mắt không thể nhìn tháy hành động nhìn của nó; tai không thể nghe hành động nghe của nó …). Sự phản tỉnh đòi hỏi sự tách biệt hoàn toàn với chủ thể. Sự phản tỉnh chỉ có thể thực hiện được bởi thực thể thiêng liêng.
        • Thêm vào đó, con người còn có khả năng hiểu biết những thứ phi vật thể, những điều thiêng liêng như công lý, sự bình đẳng, tình yêu… Sự hiểu biết các đối tượng phi vật thể như thế đòi hỏi một khả năng phi vật thể nhưng là một khả năng có thực. Khả năng nảy được gọi là trí năng.
    • BẰNG CHỨNG TỪ Ý CHÍ TỰ DO CỦA CON NGƯỜI
        • Động vật dường như thực hiện các hoạt động của chúng theo cách đã định sẵn (Ong thì làm tổ ong; chim làm rổ chim; kiến làm tổ kiến… Sự nuôi dưỡng và sinh sản đều tuân theo khuôn mẫu đã định). Động vật, trừ con người, dường như không có ” ý tưởng mới “ về phương cách điều hành cuộc sống của chúng; chúng dường như không có những chọn lựa thông minh. Cái có thể gọi là chọn lựa của chúng chỉ là do bản năng.
        • Lẽ dĩ nhiên sự chọn lựa thông minh tùy thuộc một phần vào khả năng khái niệm hóa.
        • Hơn nữa, con người không những khao khát mọi thứ vật chất hoặc những tiện nghi, thoải mái; mà còn khát khao những thứ phi vật thể (tức là những điều thiêng liêng) nữa. Nắm giữ những điều thiêng liêng đòi hỏi một năng lực tinh thần để nhận biết và giữ chúng. Năng lực này được gọi là ý chí.
        • Gắn liền với sự tin tưởng vào tự do (khả năng chọn lựa thông minh) là sự tin tưởng chung vào trách nhiệm cá nhân. Ở đâu không có khả năng chọn lựa tự do, nơi đó không có trách nhiệm giải trình. Trái lại, ở đâu có tự do, nơi đó có sự bàn thảo về những qui tắc ứng xử. Loài vật không "hành xử sai". Con người mới như thế.
        • Trí năng và ý chí là những năng lực (nói theo kỹ thuật là những "tính năng") vốn có nơi linh hồn con người. Chỉ linh hồn thiêng liêng mới có được những năng lực tinh thần hoặc tính năng thiêng liêng nói trên.
        • Do đó, linh hồn phải là thiêng liêng.
    • BẰNG CHỨNG TỪ TẬP TỤC VĂN HÓA Ở KHẮP MỌI NƠI LIÊN QUAN TỚI SỰ TÔN TRỌNG NGƯỜI CHẾT
      • Ở tất cả các nền văn hóa, người chết đều được tôn trọng theo cách này hay cách khác; chẳng hạn như thi thể của họ được an táng trang trọng.
      • Con người tin có kiếp sống bên kia nấm mồ.
      • Nếu thân xác chết đi, nó trở thành phần nhân thể khác vẫn tiếp tục tồn tại.

3.1.2 Bằng Chứng Từ Huấn Quyền

Sách Giáo Lý Công Giáo (33) dạy rằng:

Con người: với sự rộng mở đón nhận chân lý và vẻ đẹp, với cảm thức về sự thánh thiện, với sự tự do và tiếng nói của lương tâm, với khát vọng về đấng vĩnh hằng và hạnh phúc, con người tự hỏi về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Tong tư duy này, con người nhận ra những dấu hiệu của linh hồn thiêng liêng. Linh hồn, ” hạt giống vĩnh hằng mà chúng ta mang trong mình, không thể xem là chất thể đơn thuần “ [Vatican II, Gaudium et Spes, 18 #1; cf. 14 # 2], có nguồn cội nơi Thiên Chúa mà thôi.

3.2 Khát Vọng Tự Nhiên Về Hạnh Phúc Dẫn Con Người Tới Thiên Chúa

Thánh Augustine nói:” Chúa hãy biến đổi chúng con theo ý Người; lòng chúng con chưa an vui cho đến khi nào nó an nghỉ trong Chúa. “ (Confessions I,I,I: PL 32, 659-661)

3.3 Qui Luật Tự Nhiên Đưa Con Người Tới Thiên Chúa

    • Theo lẽ tự nhiên, chúng ta tuân giữ một số qui tắc đạo đức căn bản.
        1. Mọi người phải phân biệt thiện và ác (tốt và xấu).
        2. Mọi người chấp nhận qui tắc là làm điều thiện, tránh điều ác. (Sự khác biệt nảy sinh ở chỗ là "thiện" và "ác" được minh định như thế nào.)
    • Những nguyên tắc đạo đức này cần có một điểm tham chiếu để phán đoán tính thiện hoặc ác của hành vi.
    • Điểm tham chiếu khách quan đó chính là Thiên Chúa.

3.4 Nhân Loại Có Niềm Tin Chung Vào Thiên Chúa

Sự tin vào đấng thần linh nào đó có thể tìm thấy ở mọi nền văn hóa và suốt trong lịch sử nhân loại. Đây là dấu hiệu cho thấy con người có thể đi đến sự nhận biết Thiên Chúa bằng chính khả năng tự nhiên của mình.

4. Tính Khả Hữu Của Sự Phủ Nhận Thiên Chúa (Thuyết Vô Thần) Hoặc Phủ Nhận Tính Khả Hữu Của Sự Nhận Biết Thiên Chúa (Thuyết Bất Khả Tri).

4.1 Thuyết Vô Thần

    • Vì không nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa qua bằng chứng trực tiếp (mà qua những loài thụ tạo) nên con người nhất định từ chối tìm hiểu Thiên Chúa và cố tình ngăn trí năng của mình đi tìm sự thật về điều đó. Đây là chũ thuyết vô thần.
    • Giáo Hoàng Pius XII, trong Thông Điệp Humani generis, số 561 (đã được trích dẫn trong Sách Giáo Lý Công Giáo [CCC], đã dạy:
      • Nghiêm túc mà nói, lý trí con người, do khả năng tự nhiên và sáng suốt của nó, thực sự có thể đạt được sự nhận biết xác thực về Thiên Chúa duy nhất, Đấng cai quản và điều hành vũ trụ qua sự quan phòng của Ngài; đồng thời có thể nhận biết luật lệ tự nhiên mà Tạo Hóa đã ghi trong tâm khảm chúng ta; nhưng có nhiều trở ngại cản ngăn lý trí vận dụng khả năng thiên bẩm này một cách hữu hiệu. Đối với những chân lý về mối liên hệ giữa Thiên Chúa và loài người mà hoàn toàn vượt trận tự hữu hình của mọi sự, và nếu những chân lý đó được diễn dịch theo hành động của con người và tác động đến hành động đó, thì chúng đòi hỏi sự tự tuân phục và sự khước từ tìm hiểu. Đến lượt mình, trí óc con người bị cản ngăn trong việc thâu đạt những chân lý đó, không chỉ do tác động của giác quan và óc tưởng tượng, mà còn do những ham muốn lệch lạc vốn là hệ quả của tội nguyên tổ. Vì thế, trong các vấn đề nói trên, dường như con người dễ dàng thuyết phục mình rằng những gì mà họ không muốn biết thì đều là sai hoặc đầy hoài nghi.
    • Tuy nhiên, thuyết vô thần không bao giờ là một quan điểm đúng lý vì lý trí có thể cho biết rằng Thiên Chúa hiện hữu, và vì con người mà không có Thiên Chúa sẽ không thể tìm ra lởi giải cho những vấn đề cơ bản về sự tồn tại. (Xem thêm Thư Roma 1:18; và CCC 2125).
    • Một số người nghĩ rằng sự tin vào Thiên Chúa đối nghịch với phẩm giá con người vì điều đó làm giảm thanh danh con người. Do đó, những người này đẩy Thiên Chúa ra khỏi đời sống cá nhân của họ, hoặc ném Thiên Chúa ra khỏi đời sống xã hội. (Xem thêm CCC 2126).
    • Sự tin có thiên Chúa đặt ra cho chúng ta một bổn phận là phải chăm lo cho anh em láng giềng sự an vui, và tạo dựng thánh đô nơi thế trần.

4.2 Thuyết Bất Khả Tri

    • Ngược lại, thuyết bất khả tri cho rằng không thể khẳng định hoặc phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa.
    • Tuy nhiên, chúng ta đã trình bày ở trên là chúng ta thực sự có thể nhận biết Thiên Chúa chân thật và hằng hữu nhờ sự soi sáng tự nhiên của lý trí con người thông qua tạo vật. Điều này được truyền dạy bởi Công Đồng Vatican I.
    • Hơn nữa, Thiên Chúa là Đấng thiện hảo. Ngài ban cho chúng phương cách để nhận biết và yêu mến Ngài. Mọi sự phủ nhận Thiên Chúa và mọi sự phản bác sự mặc khải siêu nhiên đều mang một sai lầm đáng chê trách của trí năng.
    • Người chối bỏ Thiên Chúa vẫn biết từ sâu thẳm trong lương tâm mình là sự tự do của mình đã can thiệp vào hành động đó.
    • Điều quan trọng là giúp những người đó hiểu rằng sự chối bỏ Thiên Chúa hoặc Hội Thánh không những là một vấn đề sai lầm tri thức mà còn là một đại tội chống lại đức tin.

5. Tôn Giáo Tự Nhiên & Tôn Giáo Mặc Khải (Siêu Nhiên)

    • Tôn giáo là mối quan hệ hoặc sự liên kết ràng buộc giữa loài thụ tạo và Hóa Công thể hiện trong
        1. toàn bộ những điều tin tưởng, giáo lý hoặc tín lý,
        2. những qui tắc hành xử hoặc giáo luật, và
        3. hành vi thờ phượng hoặc nghi thức tế lễ.
    • Tôn giáo có thể được công nhận một cách khách quan lẫn chủ quan.
        1. Khách quan
            1. "Tôn giáo tự nhiên là tên gọi chung cho tổ chức có những tín điều và giới luật do con người sáng lập nhờ sự soi sáng tự nhiên của lý trí." (Anthony Alexander, College Apologetics, p 36)
            2. Vì thế, nó là một thực thể khách quan, không đơn thuần là cảm tính chủ quan (vì Thượng Đế, loài thụ tạo và sự tôn phong là những thực thể khách quan.)
        2. Chủ quan
            1. "Sự công nhận của con người đối vói sự hiện hữu của Thiên Chúa và thờ phượng Ngài vì sự cao trọng và quyên uy của Ngài trên hết thảy mọi sự." (Anthony Alexander, College Apologetics, p 39)
            2. Tôn giáo (có lẽ xuất phát từ tiêng Latin là re-ligare) có nghĩa là ràng buộc bằng những mối liên kết chặt chẽ.
            3. Nhờ tôn giáo, con người ca tụng Đấng Tạo Hóa vì biết rằng mình có được mọi thứ tốt đẹp là nhờ Ngài, và mình không thể nào đáp lại cho tương xứng.
            4. Đức hạnh giúp con người sống hòa họp với thực thể khách quan này.
    • Chúng ta có thể phân biệt tôn giáo tự nhiên với tôn giáo siêu nhiên.Tôn giáo tự nhiên là kết quả của sự con người tìm kiếm Đấng Chí Tôn (Thượng Đế, Thiên Chúa). Còn tôn giáo siêu nhiên là kết quả của sự Thiên Chúa tỏ mình ra cho con người. Các tôn giáo ngoài Judeao-Christian đều là tôn giáo tự nhiên. Chỉ có Judeao-Chistian mới có thể tuyên xưng: "Thiên Chúa phán dạy chúng ta".

5.1 Tôn Giáo Tự Nhiên

    • Tôn giáo tự nhiên là sự con người dùng lý trí tìm kiếm Đấng Chí Tôn (Thượng Đế, Thiên Chúa).
    • Vì thế, tôn giáo tự nhiên bao gồm mọi chân lý về Đấng Chí Tôn mà con người nhận biết được nhờ lý trí; chẳng hạn như:
        1. về tín lý hoặc giáo thuyết: sự hiện hữu của Đấng Chí Tôn và những thuộc tính của Ngài;
        2. về giới răn hoặc giới luật: qui tắc đạo đức tự nhiên uốn nắn hành vi và thái độ của con người;
        3. về sự thờ phượng hoặc nghi thức tế lễ: sự thờ phượng tự nguyện của con người đối vói Đấng Chí Tôn thông qua kinh nguyện, nghi lễ và sự hiến tế.
    • Những hình thức biểu đạt này rất phổ quát. Sách Giáo Lý Công Giáo, mục 28, viết:
      • Bằng nhiều cách, suốt từ xa xưa tới ngày nay, con người biểu đạt sự tìm kiếm Thiên Chúa qua tín ngưỡng và hành vi tôn giáo của mình: cầu nguyện, hiến tế, nghi lễ, suy niệm … Những hình thức biểu đạt tôn giáo này, dù con nhiều mơ hồ trong chúng nhưng phổ quát đên nỗi có thể gọi con người là sinh linh tôn giáo.
    • Con người có khuynh hướng tự nhiên là tìm hiểu và giao tiếp với Thiên Chúa, chứ không có xu hướng vô thần hoặc dửng dưng với tôn giáo. Theo bản tính, con người là một sinh linh tôn giáo.
    • Nhiều nhân tố góp phần vào thái độ từ bỏ việc tìm kiếm Thiên Chúa hoặc chối bỏ Ngài; trong số đó là:
        • sự ngu muội;
        • sự chống lại cái ác trên thế giới;
        • sự lãnh đạm của rất nhiêu người đối với tôn giáo;
        • gương xấu của một số tin hữu;
        • sự mải mê tìm kiếm của cải, thú vui thế trần;
        • thái độ của kẻ mắc tội trốn lánh Thiên Chúa vì sợ hoặc để bào chữa cho hành vi của mình;
        • lẩn tránh thiên hướng… của mình (xem thêm CCC 29)
    • Còn về sự ác thì saol?
        • Chỉ có Thiên Chúa giáo có lời giải đáp cho vấn đề làm thế nào mà sự hiện diện của cái ác có cùng với sự hiện hữu của Thiên Chúa.
        • Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ tốt lành. Ngài ban cho chúng ta hạnh phúc miên viễn. (Trên Thiên đàng không có sự ác).
        • Cái ác xâm nhập thế gian do hậu quả của tội lỗi. (Chủ đề này sẽ được nghiên cứu trong bài sau).
        • Tuy nhiên, cái ác cho chúng ta thấy sự toàn thiện và toàn năng của Thiên Chúa.
        • Nhờ sự Nhập Thể và Cứu Chuộc (Đức Giêsu đã tự nguyện gánh lấy hậu quả của tội lỗi), sự đau khổ trở nên phương cách yêu thương và hợp nhất nhân ý với Thiên Ý.
        • "Cuộc đại cách mạng Kitô giáo là sự biến đau thương thành sự hy sinh đem lại nhiều hoa trái; là sự biến điều xấu thành điều tốt đẹp. Chúng ta tước khỏi tay ma quỉ vũ khí này, và với nó chúng ta đạt được sự sống vĩnh hằng". (Thánh Josemaría, Furrow 887) (xem thêm CCC 37) Làm sao điều này có thể có được? Chúng ta sẽ đề cập trong những bài sau này.

5.2 Tôn Giáo Mặc Khải

    • Do con người gặp nhiều khó khăn trong việc nhận biết Thiên Chúa bằng lý trí nên Thiên Chúa muốn tỏ mình ra để Ngài được con người ” nhận biết một cách dễ dàng, xác thực và không lầm lẫn “. (xem thêm CCC 38, 50)
    • Kitô giáo không hẳn là sự con người tìm kiếm Thiên Chúa; chính Thiên Chúa là Đấng khởi xướng; chính Thiên Chúa tìm kiếm con người.
    • Tôn giáo mặc khải có nền tảng là những chân lý Thiên Chúa tỏ bày cho cong người và được ghi chép lại trong Cựu Ước và Tân Ước.

6. Chỉ Có Một Tôn Giáo Thật

    • Vì chỉ có một Thiên Chúa thật nên cũng chỉ có một tôn giáo thật.
    • Các yếu tố của tôn giáo đều có ở vùng Công Giáo:
        1. Toàn bộ những tín lý, giáo thuyết (KINH TIN KÍNH),
        2. những qui tắc hành xử hoặc giáo luật (10 ĐIỀU RĂN và 8 MỐI PHÚC THẬT), và
        3. sự thờ phượng và nghi thức hiến tế (PHÉP BÍ TÍCH; và KINH NGUYỆN, nhất là KINH LẠY CHA).
    • Đức Giêsu Kitô là đấng trung gian duy nhất. Tất cả các yếu tố của tôn giáo nói trên hội tụ nơi Đức Giêsu Kitô.
    • *Chữ "Messiah" trong tiếng Hebrew (tiếng Do Thái cổ), chữ "Christos" trong tiếng Hy Lạp, và chữ "Christus" trong tiếng Latin đếu có nghĩa là "Đấng Được Xức Dầu Thánh". Trong Cựu Ước, chỉ có ba thành phần nói trên mới được xức dầu thánh.
    • Trong Thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô (8:5-6), Thánh Phaolô viết:
      • (5) Thật thế, mặc dầu người ta cho là có những thần ở trên trời hay dưới đất, quả thực, thần cũng lắm mà chúa cũng nhiều, (6) nhưng đối với chúng ta, chỉ có một Thiên Chúa là Cha, Ðấng tạo thành vạn vật và là cùng đích của chúng ta; và cũng chỉ có một Chúa là Ðức Giêsu Kitô, nhờ Người mà vạn vật được tạo thành, và nhờ Người mà chúng ta được hiện hữu.
    • Thánh Gioan chứng thực điều này trong Tin Mừng của Ngài (1:18):
      • (18) Không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ; nhưng Con Một là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, chính Người đã tỏ cho chúng ta biết.
    • Thánh Mathêu chép lại lời Đức Giêsu tuyên xưng mình là Đấng trung gian duy nhất (11:27):
      • (27) "Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết Người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không biết Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho.
    • Thánh Phaolô viết cho Timothy (I Tim 2:5):
      • (5) Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người: đó là một con người, Ðức Kitô Giêsu.
    • Tỏ mình ra cho loài người, Thiên Chúa đã thiết lập một tôn giáo siêu nhiên duy nhất, đó là Công Giáo. Trong bài 12 và 13, chúng ta sẽ biết được Đức Giêsu Kitô hứa xây dựng Hội Thánh của Ngài như thế nào; và Ngài nói về sự qui tụ tất cả thành một đàn chiên duy nhất dưới quyền một Mục Tử duy nhất như thế nào.
    • Quan niệm rằng tôn giáo nào cũng như nhau đuợc xem là sự lãnh đạm tôn giáo. Sự lãnh đạm này là một sai lầm nghiêm trọng.
    • Tôn giáo tự nhiên đưa con người tới sự nhận biết và yêu mến Thiên Chúa, thờ phượng Ngài toàn tâm toàn ý. Từ đây nảy sinh một nhiêm vụ là tìm hiểu và đón nhận sự mặc khải của Thiên Chúa.
    • Trọng trách của mọi Kitô hữu là dẫn dắt những người khác đến tôn giáo thật.

7. Về Các Tôn Giáo Khác?

          • Các tôn giáo tự nhiên
          • Có phần siêu nhiên, đa phần tự nhiên
          • Các tôn giáo siêu nhiên (tôn giáo mặc khải) và những hệ phái.
              • Ấn Độ giáo (Hinduism)
              • Phật giáo (Buddhism)
              • Lão giáo (Đạo giáo) (Taoism)
              • Hồi giáo (Islam)
              • Do Thái giáo (Judaism)
              • Thiên Chúa giáo (Christianity)
                  • Công giáo (do Đức Giêsu Kitô lập)
                  • Chính Thống giáo Hy Lạp (tách ra từ năm 1054)
                  • Tin Lành giáo (tách ra từ năm 1517)
                      • Hội Thánh Tái Thanh Tẩy (Anabaptist) (1521)
                      • Hội Thánh Thanh Tẩy (Baptist) (1609)
                      • Hội Thánh Phục Lâm (Adventist) (1820)
                      • Cơ Đốc Phục Lâm Đệ Thất Nhật (Seventh Day Adventist) (1820)
                      • Giáo phái Luther (Lutheran Church) (1526)
                      • Giáo phái Calvin (Calvinism) (1536)
                      • Hội Thánh Trưởng Lão (Presbyterian) (1560)
                  • Anh giáo (gồm Anh giáo và Hội Thánh Công Hội) (Anglican & Episcopalian) (1534); Hội Thánh Giám Lý (Methodism) (1739)

Đọc Thêm

    • Compendium of the Catechism of the Catholic Church, nos. 1-5.
    • Catechism of the Catholic Church, nos. 26-49.
    • Anthony F Alexander, College Apologetics, Chapter 2 "The Existence of God", Chapter 3 "The Existence of the Soul", and Chapter 4 "The Necessity of Religion", pp 14-44.
    • Charles Belmonte, ed, Faith Seeking Understanding, vol 1, Chapter 22 "Knowledge of the Existence of God". Manila: Studium Theologiae, 1993, pp 151-160.
    • Card Avery Dulles, SJ, The New World of Faith, Chapter 2, pp 30-34.
    • John Paul II, "Does God Really Exist?" in Crossing the Threshold of Hope.
    • John Paul II, "'Proof': Is It Still Valid?" in Crossing the Threshold of Hope.
    • John Paul II, "If God Exists, Why is He Hiding?" in Crossing the Threshold of Hope.
    • Peter J Kreeft, Catholic Christianity, Chapter 2, no. 4.

Websites