Bài 34: Sự Sống Là Điều Thiêng Liêng

Câu hỏi hướng dẫn

  • Chúng ta có được giết muông thú không?
  • Phải chăng mọi tín hữu Công Giáo phải chống đối việc phá thai trong mọi trường hợp?
  • Kitô hữu cần có thái độ thế nào đối với thể xác mình?
  • Hút thuốc lá có phải là tội không?
  • Sử dụng ma túy có phải là tội không?
  • Lời dạy của Hội Thánh về vấn đề cấy ghép cơ quan là gì?
  • Lời dạy của Hội Thánh về vấn đề nghiên cứu phôi thai là gì?
  • Hội Thánh có lời dạy gì về việc thắt vòi trứng và cắt ống dẫn tinh?
  • Hội Thánh có lời dạy gì về sự phá thai? Sự phá thai có thể được biện minh là đúng như trong trường hợp mang thai sau khi bị hiếp dâm hay không?
  • Tạo cái chết êm ái cho bệnh nhân nan y có được xem là đúng hay không?
  • Lời giải của Hội Thánh cho vấn đề trên là gì? Lời dạy của Hội Thánh về vấn đề thụ tinh trong ống nghiệm là gì?
  • Hội thánh có lời dạy gì về sự nghiên cứu phôi và tế bào gốc?
  • Giết người trong trường hợp tự vệ là được phép phải không?
  • Người Công Giáo có thể từ chối liệu pháp hóa trị đối với bịnh ung thư hay không?
  • Người Công Giáo có được tháo bỏ ống dinh dưỡng ra khỏi người đã hôn mê nhiều năm trời hay không? Y tá có được phụ giúp bác sĩ trong ca phá thai hay không?
  • Bác sĩ có thể tạo điều kiện cho việc phá thai nếu đương sự nài nỉ khẩn khoản hay không?
  • Người Công Giáo có thể làm nhân viên tiếp tân ở bệnh viện phá thai hay không?
  • Người Công Giáo có nên để mình bị cuốn hút vào thế giới thời trang và phim ảnh hay không? Nếu có, thì vì sao nên như thế?
  • Thế nào là hòa bình?
  • Người Công Giáo có thể chiến đấu cho đất nước mình hay không? Và trong cuộc chiến đó, anh ta có được sát hại đối phương hay không?

1. Tôn trọng sự sống con người

1.1 Sự sống con người là điều thiêng liêng

Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (YL, mục 466; xem thêm Giáo Lý Công Giáo--GLCG--mục 2258-2262; 2318-2320)

Sự sống con người phải được tôn trọng vì là điều thiêng liêng. NGAY TỪ ĐẦU sự sống con người cần đến một tác động sáng tạo của Thiên Chúa và sự sống mãi mãi nằm trong liên hệ đặc biệt với Đấng Sáng Tạo, Đấng là cùng đích duy nhất của mọi sự sống. Không ai được phép hủy diệt một con người vô tội. Điều này đối nghịch nghiêm trọng với phẩm giá con người và với sự thánh thiện của Đấng Sáng Tạo. "Ngươi không được giết người vô tội và người công chính" (Xuất Hành 23:7)

1.2 Vì sao bảo vệ con người và xã hội một cách hợp pháp không đối nghịch với luật tuyệt đối này?

Sách GLYL (mục 467; xem thêm GLCG mục 2263-2265) giảng giải:

Vì trong việc chọn sự tự vệ hợp pháp, người ta tôn trọng quyền sống (của bản thân hoặc của người khác) và không chọn việc sát hại. Thực ra, đối với người có trách nhiệm về mạng sống của người khác, sự bảo vệ hợp pháp không những là nột quyền mà còn là một nhiệm vụ quan trọng, miễn là không sử dụng sức mạnh quá mức cần thiết.

Hình phạt có mục đích gì?

Sách GLYL (mục 468; xem thêm GLCG mục 2266) viết:

Hình phạt được chính quyền dân sự hợp pháp đề ra nhằm mục đích uốn nắn sự xáo trộn gây ra bởi việc phạm luật, nhằm bảo vệ trật tự công cộng và an ninh cho mọi người, và nhằm góp phần cải hóa phạm nhân.

Phải chăng cần có án tử hình hoặc án này được chấp nhận về mặt luân lý?

Mục 469 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 2267) viết:

Hình phạt được chính quyền dân sự đề ra phải tương ứng với tính chất nghiêm trọng của hành vi phạm tội. Ngày nay, với những khả năng Nhà Nước có thể sử dụng để chế ngự tội ác một cách hữu hiệu bằng cách làm cho kẻ phạm tội không còn khả năng gây tác hại, thì những trường hợp nhất thiết phải sử dụng án tử hình "từ nay sẽ hiếm đi, nếu không muốn nói là hầu như không còn tồn tại nữa" (Thông Điệp Evangelium vitae). Khi những phương cách không hủy sinh (non-lethal means) đã đủ hiệu nghiệm, thì nhà cầm quyền nên sử dụng các phương cách đó vì

    • chúng đáp ứng tốt hơn với những điều hiện cụ thể của CÔNG ÍCH,
    • chúng phù hợp hơn với PHẨM GIÁ CỦA NHÂN VỊ, và
    • chúng không tước bỏ vĩnh viễn KHẢ NĂNG CẢI HÓA của phạm nhân.

1.3 Điều răn thứ năm cấm những gì? Những tội nào phạm đến nhân sinh?

Mục 470 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 2268-2283, 2321-2326) chỉ rõ:

Điều răn thứ năm cấm những hành vi đối nghịch nghiêm trọng với luật luân lý:

    • GIẾT NGƯỜI cố ý và trực tiếp; SỰ ĐỒNG LÕA, HỢP LỰC trong việc trên;
    • PHÁ THAI TRỰC TIẾP, có ý xem đó là mục đích hoặc phương tiện, và sự cộng tác trong việc phá thai. Hình phạt gắn liền với tội này là VẠ TUYỆT THÔNG, vì ngay từ lúc tượng thai, con người phải được tôn trọng và bảo vệ một cách tuyệt đối và toàn vẹn;
    • TRỤC TIẾP TẠO CÁI CHẾT ÊM ÁI CHO BỆNH NHÂN NAN Y; hành động này bao gồm việc kết liễu sự sống của người tật nguyền, người bệnh nan y, hoặc người hấp hối bằng hành động cụ thể hoặc qua việc không thực hiện những hành động cứu giúp cần thiết;
    • TỰ TỬ và cố ý CỘNG TÁC vào việc tự tử, tội này là sự xúc phạm nghiêm trọng đến chính tình yêu đối với Thiên Chúa, đối với bản thân và đối với tha nhân. Trách nhiệm của người tự tử càng nghiêm trọng hơn nếu hành động tự tử gây gương xấu cho người khác. Trách nhiệm này được giảm thiểu khi người tự tử là người bị rối loạn tâm thần, hoặc đang trong cơn hoảng sợ tột cùng.

Những biện pháp y khoa nào được phép khi cái chết cận kề?

Sách GLYL mục 471 (xem thêm GLCG mục 2278-2279) viết:

Khi cái chết được xem là cận kề, SỰ CHĂM SÓC THÔNG THƯỜNG dành cho người bệnh đó không được phép ngưng hoặc dứt bỏ. Tuy nhiên, được phép dùng những thuốc giảm đau không nhằm đưa tới cái chết và được phép từ chối "việc trị liệu khắc nghiệt", nghĩa là áp dụng những phương cách trị liệu ngoại thường (disproportionate) nhưng không hy vọng khả quan về hiệu quả tích cực.

Tại sao xã hội phải bảo vệ mọi thai nhi?

Sách GLYL (mục 472; xem thêm GLCG mục 2273-2274) trình bày cho chúng ta như sau:

Một quyền bất khả nhượng của mọi cá nhân là quyền được sống NGAY TỪ LÚC MỚI TƯỢNG THAI; quyền này là một yếu tố cấu thành xã hội dân sự và nền luật pháp của nó. Khi Nhà Nước không dùng quyền lực của mình vào việc phục vụ quyền lợi của mọi người, đặc biệt là những người yếu đuối nhất, trong đó có các em bé còn trong bụng mẹ, thì chính những nền tảng của một Nhà Nước pháp quyền đã bị lung lay.

Khám thai là điều được phép phải không?

Sách GLCG (mục 2274) giảng giải:

Vì phải được đối xử như một NHÂN VỊ ngay từ lúc tượng thai, nên phôi thai phải được bảo vệ toàn vẹn, phải được tận tình chăm sóc, chữa trị như bất kỳ con người nào khác.

Việc khám thai là điều hợp pháp về mặt luân lý, "nếu việc đó tôn trọng sự sống và sự toàn vẹn của phôi thai và thai nhi; đồng thời nhắm đến việc bảo tồn hoặc chữa trị thai nhi như một cá thể nhân linh …

Việc khám thai sẽ trái ngược nghiêm trọng với luật luân lý khi thực hiện với ý đồ là sẽ phá thai tùy theo kết quả như dự kiến hay không; việc khám thai không được trở thành tương đương với việc tuyên án tử hình “. [Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin (CDF), Huấn Thị Donum vitae I, 2]

Mục kế tiếp trong sách trên (2275) trích lời trong Huấn Thị Donum vitae.

"Được xem là hợp pháp đối với những biện pháp (y học) thực hiện trên phôi người khi những biện pháp này tôn trọng sự sống và sự toàn vẹn của phôi thai, đồng thời không kèm theo các rủi ro bất tương ứng cho phôi, nhưng nhắm tới việc chữa trị, cải thiện tình trạng sức khỏe, hoặc cứu sống phôi thai". [CDF, Huấn Thị Donum vitae I, 3]

"Sản xuất phôi người nhằm để khai thác như vật liệu sinh học khả dụng là việc phi đạo đức". [CDF, Huấn Thị Donum vitae I, 5]

"Một số thử nghiệm can thiệp trên bộ nhiễm sắc thể và gien di truyền nhưng không nhằm để trị liệu mà nhằm tạo ra những con người được chọn lọc theo giới tính hoặc theo những tính chất khác đã định sẵn. Những thử nghiệm sai quấy đó đối nghịch với nhân phẩm, với sự toàn vẹn và căn tính vốn độc đáo và không trùng lắp của con người. [CDF, Huấn Thị Donum vitae I, 6]

2. Tôn trọng phẩm giá con người

2.1 Tôn trọng linh hồn tha nhân: vấn đề gây gương mù gương xấu

Thế nào gọi là gương xấu? Tính chất nghiêm trọng của nó thế nào?

Sách GLCG (mục 2284) giải thích "gương xấu" là

thái độ hoặc hành vi dẫn người khác tới chỗ làm điều xấu. Ai gây gương mù gương xấu, người đó trở thành KẺ CÁM DỖ THA NHÂN. Người đó làm hại đến nhân đức và sự chính trực; người đó có thể đưa anh em mình tới cái chết về phần thiêng liêng.

Gương xấu trở thành một trọng tội nếu bằng hành động hoặc sự thiếu sót nhiệm vụ, gương xấu cố tình lôi kéo tha nhân đến chỗ phạm tội trọng.

Mục kế tiếp trong sách trên (2285) giảng thêm:

Gương xấu mang tính chất đặc biệt nghiêm trọng khi liên quan tới UY THẾ của người gây ra nó, hoặc liên quan tới sự yếu đuối của người bị tác động bởi gương xấu. Điều đó đã khiến Thiên Chúa kết án: "Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin Thầy đây phải sa ngã, thì thà treo cối đá lớn vào cổ nó mà xô cho chìm xuống đáy biển còn hơn" [Mátthêu 18:6; xem thêm I Côrintô 8: 10-13]. Gương xấu càng nghiêm trọng hơn khi gây ra bởi những người, mà do bản chất hoặc nhiệm vụ, có bổn phận dạy dỗ và giáo dục kẻ khác. Đức Giêsu đã quở trách các kinh sư và các Pharisêu về điều đó: Ngài ví họ như sói dữ đội lốt chiên cừu [xem thêm Mátthêu 7:15]

Những nguyên nhân có thể phát sinh gương xấu là gì?

Các mục 2286-2287 Sách GLCG cảnh báo chúng ta:

Gương xấu có thể phát sinh do luật pháp hoặc do các thể chế, do thời trang hoặc dư luận. Do đó, người mắc tội gây gương xấu là những ai thiết lập luật lệ hoặc cơ cấu xã hội dẫn đến sự suy thoái đạo đức và suy sụp đời sống đạo hạnh, hoặc do chủ tâm hay vô ý thức đưa tới "những hoàn cảnh xã hội làm cho việc sống và tuân theo Giới Răn Thiên Chúa của Kitô hữu trở nên khó khăn hoặc hầu như bất khả thi" [Diễn từ của Giáo Hoàng Piô XII, ngày 1/6/1941]. Cũng sẽ mắc tội làm gương xấu khi

    • các chủ doanh nghiệp đề ra những qui định khuyến khích gian lận,
    • các bậc cha mẹ, thày cô giáo kích động con trẻ giận dữ [xem thêm Êphêsô 6:4; Côlôsê 3:21],
    • hoặc những kẻ khích động công luận một cách ác ý khiến công luận rời xa những giá trị luân lý.

Ai sử dụng quyền lực mình đang có mà dẫn dắt người khác tới việc làm điều xấu thì mang TỘI GÂY GƯƠNG XẤU và phải gánh TRÁCH NHIỆM về điều xấu mình đã trực tiếp hoặc gián tiếp khuyến khích. "Không thể không có những cớ làm cho người ta vấp ngã, nhưng khốn cho kẻ là cớ cho người ta vấp ngã!" [Luca 17:1]

Như thế, người gây gương mù gương xấu có TRÁCH NHIỆM PHẢI SỮA CHỮA những tác hại do mình tạo nên.

2.2 Tôn trọng sức khỏe

Chúng ta có bổn phận gì đối với thể xác chúng ta?

Sách GLYL (mục 474; xem thêm GLCG mục 2288-2291) viết:

Chúng ta phải có SỰ CHĂM SÓC ĐÚNG MỨC đối với sức khỏe thể lý của chính mình và của tha nhân; tuy nhiên, cũng cần phải

    • TRÁNH TÔN THỜ THÂN XÁC và
    • TRÁNH mọi sự THÁI QUÁ ...
    • TRÁNH sử dụng MA TÚY vì nó gây nguy hại nghiêm trọng cho sức khỏe và sự sống con người
    • TRÁNH LẠM DỤNG thực phẩm, rượu bia, thuốc lá, và dược phẩm.

Xã hội có trách nhiệm gì về phương diện này?

Mục 2288 Sách GLCG nêu rõ:

Sự quan tâm đối với sức khỏe của công dân đòi hỏi xã hội phải giúp họ có được những điều kiện sống nhờ đó họ lớn mạnh và đạt sự trưởng thành như: thực phẩm, áo quần, nhà cửa, sự chăm sóc y tế, nền học vấn căn bản, việc làm, và trợ cấp xã hội.

Ý nghĩa chính xác của "Sự tôn thờ thân xác" và "sự thái quá" là gì?

Sách GLCG (mục 2289) giảng rằng điều đó ám chỉ đến một kiểu tôn sùng vẻ đẹp thân xác:

một quan điểm tân ngoại giáo (neo-pagan) chủ trương … hy sinh mọi thứ cho thể xác, thần tượng hóa sự hoàn mỹ thể lý và những thắng lợi trong lãnh vực thể dục thể thao.

Sách GLCG trình bày tiếp ở mục này lời cảnh giác chúng ta về ước vọng tạo nên chủng tộc siêu nhân. Thuyết này được gọi là "thuyết ưu sinh" (eugenics). Đây là điều mà Hitler nỗ lực thực hiện ở Đức trước đây, và bây giờ điều này ẩn sau cái gọi là SỰ THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM.

Qua chủ trương ưu tiên chọn lọc người mạnh khỏe, loại bỏ người ốm yếu, quan điểm trên có thể dẫn tới chỗ làm băng hoại mối tương quan nhân linh.

Sách GLCG (mục 2290) trình bày rõ về sự cần thiết của ĐỨC TIẾT ĐỘ và những SỰ THÁI QUÁ bắt nguồn từ sự thiếu đức tính này như: ăn uống quá độ, lạm dụng thuốc gây nghiện, lái xe liều lĩnh, v.v…

Đức tiết độ giúp chúng ta tránh mọi sự thái quá như: ăn uống quá độ, lạm dụng rượu bia, thuốc lá, hoặc dược phẩm. Những người trong trạng thái say rượu, hoặc mê tốc độ, gây nguy hiểm cho sự an toàn của chính mình và của người khác trên đường bộ, trên biển hoặc trên không, đều mắc trọng tội.

Buôn bán ma túy thì sao?

Mục 2291 Sách GLCG trình bày rõ như sau:

Việc sản xuất lén lút và buôn bán ma túy là những hành động gây gương xấu nghiêm trọng. Những việc này tạo nên SỰ CỘNG TÁC TRỰC TIẾP GÂY ĐIỀU SAI TRÁI, vì chúng thúc đẩy người ta làm những điều trái nghịch với luật luân lý.

2.3 Khi nào các thí nghiệm khoa học, y khoa, hoặc tâm lý thực hiện trên từng con người hoặc nhóm người là hợp pháp về mặt luân lý?

Để có được những tiến bộ trong chăm sóc y tế, rất cần tiến hành các thí nghiệm khoa học, y khoa hoặc tâm lý. Vấn đề là việc thí nghiệm này phải có một số giới hạn nhất định. Mục 475 Sách GLYL tóm lược lời đáp cho câu hỏi trên như sau:

Các thí nghiệm trên là hợp pháp về mặt luân lý khi

    • chúng nhằm PHỤC VỤ LỢI ÍCH TOÀN VẸN CỦA CON NGƯỜI VÀ XÃ HỘI,
    • KHÔNG GÂY RA NHỮNG RỦI RO BẤT TƯƠNG ỨNG cho sự sống và sự toàn vẹn thể lý cùng tâm lý của những đối tượng thí nghiệm,
    • Những đối tượng thí nghiệm phải được THÔNG TIN ĐẦY ĐỦ và đã ƯNG THUẬN.

Khoa học và công nghệ phải nhằm PHỤC VỤ mọi cá thể và xã hội. Tuy nhiên, một số người xem khoa học công nghệ như một loại tôn giáo mà trên bàn thờ của tôn giáo này, cá thể nhân linh có thể phải hy sinh cho cái được gọi là "sự tiến bộ".

2.4 Sự cấy ghép và hiến tặng cơ quan có được phép thực hiện trước và sau khi chết (của người hiến tặng) không?

Sách GLYL (mục 476; xem thêm GLCG mục 2296) viết:

Việc cấy ghép cơ quan được chấp nhận về mặt luân lý

    • Với SỰ ƯNG THUẬN của người hiến tặng và
    • KHÔNG GÂY NGUY CƠ QUÁ MỨC cho người hiến tặng.
    • Trước khi cho phép hành động cao quí là HIẾN TẶNG CƠ QUAN SAU KHI CHẾT, phải xác định người hiến tặng thực sự đã chết.

2.5 Những hành động nào trái ngược với việc tôn trọng sự toàn vẹn thể xác của con người?

Mục 477 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 2297-2298) liệt kê những hành động đó như sau:

    • bắt cóc, bắt giữ con tin,
    • khủng bố,
    • tra tấn
    • bạo lực, và
    • trực tiếp gây ra vô sinh.
    • Sự cắt cụt chi thể và cắt bỏ cơ quan nội tạng chỉ được chấp nhận về mặt luân lý trong trường hợp đó là phương cách trị liệu y học nghiêm túc.

2.6 Tôn trọng người hấp hối

Phải chăm sóc người hấp hối như thế nào?

Sách GLYL (mục 478; xem thêm GLCG mục 2299) viết:

Người hấp hối có QUYỀN ĐƯỢC SỐNG những khoảnh khắc sau cùng của cuộc sống thế trần đúng với phẩm giá con người, và điều quan trọng hơn hết là được nâng đỡ bằng LỜI CẦU NGUYỆN cùng CÁC PHÉP BÍ TÍCH để giúp họ chuẩn bị diện kiến Thiên Chúa hằng sống.

Phải đối xử với thân xác người quá cố như thế nào?

Mục 479 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 2300-2301) chỉ rõ:

Thân xác người quá cố phải được đối xử bằng ĐỨC ÁI và với sự TÔN TRỌNG. Việc HỎA TÁNG được Hội Thánh CHO PHÉP nếu việc này không phải là hành động biểu lộ sự phủ nhận niềm tin vào sự sống lại sau này của thể xác con người.

3. Gìn giữ hòa bình

3.1 Giận dữ và căm ghét

Sách GLCG (mục 2262) nhắc nhở chúng ta:

Trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Kitô nhắc lại điều răn này:"Ngươi chớ giết người" [Mátthêu 5:21], và thêm vào đó điều cấm giận dữ, căm ghét và báo thù. Hơn nữa, Đức Kitô còn đòi hỏi môn đệ của Ngài phải đưa thêm má bên kia cho kẻ tát mình nơi má bên này; phải yêu kẻ thù của mình [xem thêm Mátthêu 5:22-39; 5:44]. Chính Ngài đã không tự vệ và bảo Phêrô xỏ gươm vào bao [xem thêm Mátthêu 26:52]

Hai mục kế tiếp nhau (2302 và 2303) trong sách GLCG giảng giải cho chúng ta về tính chất nghiêm trọng của tội GIẬN DỮ và CĂM HỜN.

GIẬN DỮ là một ước muốn báo thù. "Ước muốn báo thù nhằm gây hại cho người đáng bị phạt là điều không hợp pháp", nhưng bắt phải đền bù "nhằm sửa chữa các thói xấu và duy trì lẽ công bằng là điều đáng khen ngợi" [Tổng Luận Thần Học của Thánh thomas Aquinas, II-II q 158 a 1 ad 3]. Nếu giận dữ đến mức chủ tâm giết hoặc gây trọng thương cho tha nhân, là xúc phạm nghiêm trọng tới đức ái; đó là tội trọng. Chúa phán dạy:"Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra tòa". [Mátthêu 5:21]

CĂM GHÉT có chủ tâm là trái với đức mến. Căm ghét tha nhân là có tội khi người này chủ ý mong muốn tha nhân gặp sự dữ, bị tai ương. Căm ghét tha nhân là một TỘI TRỌNG khi người này chủ tâm mong muốn tha nhân bị nguy hại. "Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời" [Mátthêu 5:44-45]

3.2 Chúa đòi hỏi mỗi người điều gì về hòa bình?

Mục 480 Sách GLYL nói rõ thêm về lời dạy trong mục 2303 Sách GLCG :

Đức Kitô phán:"Phúc cho ai xây dựng hòa bình" (Mátthêu 5;9). Ngài đòi hỏi sự bình an của tâm hồn và kết án sự trái luân lý của lòng giận dữ vì giận dữ là muốn được báo thù cho những điều xấu đã hứng chịu. Ngài cũng kết án lòng căm ghét ví nó dẫn người ta tới chỗ chỉ mong muốn điều ác, nạn dữ cho tha nhân. Những thái độ này, nếu CHỦ TÂM và ƯNG THEO TRONG NHỮNG TRƯỜNG HỢP QUAN TRỌNG, đều là TỘI TRỌNG xúc phạm tới đức ái.

Vì thế, điều bất thiện là ẤP Ủ SỰ GHEN GHÉT hoặc NUNG NẤU CĂM THÙ. Chúng là những kẻ hủy diệt bình an trong tâm hồn, bình an trong gia đình và xã hội.

Mặt khác, nói theo lời của Thánh Josemaria Escriva, Đấng sáng lập Opus Dei, mọi Kitô hữu được mời gọi trở nên "NGƯỜI GIEO AN BÌNH VÀ MỪNG VUI". Nhưng chúng ta không thể cho những thứ chúng ta không có, nên chúng ta cần phải có bình an trong tâm hồn; nó chính là kết quả của lòng tin yêu và sự vâng phục của người con trước ý cực thánh và chí minh của Thiên Chúa. Ngài không khi nào chúc dữ cho chúng ta. Thiên Chúa luôn luôn ban cho chúng ta ĐIỀU TỐT ĐẸP NHẤT. Làm sao có thể khác được khi chính Ngài là Đấng Chí Thiện. Ngài biết và Ngài quan phòng mọi sự.

Hòa bình trên thế giới là gì?

Sách GLYL (mục 481; xem thêm GLCG mục 2304-2305) viết:

Hòa bình trên thế giới là điều cần thiết để tôn trọng và phát triển sự sống con người. Hòa bình này không đơn thuần là sự vắng bóng chiến tranh hoặc là sự cân bằng các quyền lực đối nghịch. Nó là "sự bình lặng của trật tự" (Thánh Augustine), là "thành quả của công lý" (Isaiah 32:17) và là hiệu quả của đức mến. Hòa bình thế trần là hình ảnh và hoa trái của sự bình an nơi Đức Kitô.

Thực nghĩa của "sự bình lặng của trật tự" là gì?

Trật tự nghĩa là có những ưu tiên chuẩn xác và làm theo đúng những ưu tiên đó. Nó còn hàm nghĩa là sự sắp đặt những điều hệ trọng bậc nhất lên hàng đầu. Điển hình là chúng ta luôn phải nhớ rằng điều răn thứ nhất lúc nào cũng phải đặt ở hàng đâu, ở ưu tiên một. Tuy nhiên, chúng ta thường quên như thế nên chúng ta luôn đặt những bận tâm khác của mình lên hàng đầu danh mục. ”Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.". (Mátthêu 6:33)

Hòa bình thế trần đòi buộc điều gì?

Sách GLYL (mục 482; xem thêm GLCG mục 2304, 2307-2308) liệt kê các đòi buộc này như sau:

Hòa bình thế trần đòi buộc

    • SỰ PHÂN PHỐI CÔNG BẰNG và SỰ BẢO VỆ TÀI SẢN của con người,
    • SỰ TỰ DO GIAO TIẾP giữa con người,
    • SỰ TÔN TRỌNG PHẨM GIÁ của con người và các dân tộc, và
    • Sự kiên trì thực thi CÔNG BẰNG và TÌNH HUYNH ĐỆ [tức là đức mến]

Để phòng vệ, quốc gia cần có quân đội. Trong trường hợp nào sự sử dụng sức mạnh quân sự được chấp nhận về mặt luân lý?

Mục 483 Sách GLYL (xem thêm GLCG mục 2307-2310) nói rõ:

Sự sử dụng sức mạnh quân sự được biện minh về mặt luân lý khi hội đủ các điều kiện sau:

    • sự khổ đau và thiệt hại gây ra bởi kẻ xâm lược có tính cách [1] LÂU DÀI, [2] NGHIÊM TRỌNG và [3] CHẮC CHẮN;
    • mọi GIẢI PHÁP HÒA GIẢI khác đã CHO THẤY là VÔ HIỆU, BẤT KHẢ THI;
    • có nhiều TRIỂN VỌNG khả quan về THẮNG LỢI;
    • sự sử dụng vũ khí, nhất là những loại vũ khí hiện đại có sức hủy diệt hàng loạt, KHÔNG ĐƯỢC TẠO RA THẢM HẠI NẶNG NỀ hơn thảm hại đang cố diệt trừ.

Trước nguy cơ chiến tranh, ai chịu trách nhiệm về việc thẩm định công minh những điều kiện trên?

Sách GLYL (mục 484; xem thêm GLCG mục 2309) trả lời:

Trách nhiệm này liên quan tới sự phán đoán khôn ngoan của CÁC QUAN CHỨC CHÍNH PHỦ, những người có quyền đề ra cho công dân NGHĨA VỤ BẢO VỆ TỔ QUỐC. Cá nhân có QUYỀN PHẢN ĐỐI VÌ LÝ DO LƯƠNG TÂM đối với nghĩa vụ chiến đấu vì tổ quốc, nhưng khi đó, nghĩa vụ này phải được họ thực hiện bằng một hình thức phục vụ khác cho cộng đồng nhân loại.

Trong trường hợp chiến tranh, luật luân lý đòi buộc điều gì?

Mục 485 Sách GLYL tóm lược lời dạy trong Sách GLCG (mục 2312-2314, 2328) về vấn đề này.

Ngay cả trong chiến tranh, luật luân lý vẫn luôn có hiệu lực.

    • Luật này đòi buộc phải ĐỐI XỬ NHÂN ĐẠO với thường dân, với thương binh và tù binh.
    • Những hành động cố ý đi ngược với quyền của các dân tộc, và những mệnh lệnh buộc thi hành các hành động đó, đều là tội ác; SỰ TUÂN HÀNH MÙ QUÁNG CÁC LỆNH TRÊN KHÔNG ĐƯỢC THA THỨ.
    • Những hành động HỦY DIỆT HÀNG LOẠT phải bị kết án nghiêm khắc. Sự tận diệt chủng tộc hoặc sắc tộc thiểu số cũng phải bị kết án mạnh mẽ vì tất cả là những tội ác nghiêm trọng nhất.
    • Bổn phận luân lý đòi hỏi phải CHỐNG LẠI NHỮNG MỆNH LỆNH buộc thực hiện những hành động hủy diệt nói trên.

Những gì cần phải làm để tránh chiến tranh?

Sách GLYL (mục 486; xem thêm GLCG mục 2315-2317, 2327-2330)

Vì chiến tranh gây ra sự dữ và bất công nên chúng ta phải làm mọi điều hợp lý để ngăn chặn chiến tranh. Để đạt được mục đích này, điều hết sức quan trọng là phải tránh:

    • tích trữ và buôn bán VŨ KHÍ không do chính quyền hợp pháp qui định;
    • mọi BẤT CÔNG về kinh tế và xã hội;
    • mọi KỲ THỊ tôn giáo và sắc tộc;
    • GANH GHÉT, NGHI KỴ, KIÊU CĂNG, và chủ tâm BÁO THÙ.

Mọi hành động được thực thi nhằm chế ngự những điều trên và những bất ổn khác sẽ đóng góp vào việc tạo dựng hòa bình và ngăn chặn chiến tranh.

Sau cùng, chúng ta đừng quên một điều quan trọng khác nữa, đó là cầu nguyện.

Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa.

Để con gieo yêu thương vào nơi oán thù;

Đem thứ tha vào nơi lăng nhục;

Đem tin kính vào nơi nghi nan;.

Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng;

Rọi ánh sáng vào nơi tối tăm;

Đem niềm vui đến chốn u sầu.

Lạy Thầy Chí Thánh,

xin dạy con tìm an ủi người hơn được ngưởi ủi an;

tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết;

tìm yêu mến người hơn được người mến yêu.

Vì chính khi hiến dâng là khi được nhận lãnh.

Chính lúc thứ tha là khi được tha thứ,

và chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Amen.

Đọc Thêm

    • Sách Giáo Lý Công Giáo Yếu Lược (Toát yếu Giáo lý Giáo hội Công giáo), 466-468.
    • Sách Giáo Lý Công Giáo (Giáo lý Giáo hội Công giáo), 2258-2330.

Websites

v. 2011-04

Nguyen Anh Dung