Bài 19: Căn Nguyên và Tâm Điểm Là Đức KiTô

Câu hỏi gợi ý

  • Bí tích Thánh Thể là gì?
  • Vị thế của bí tích Thánh Thể trong các phép bí tích?
  • Bí tích Thánh Thể khác với các bí tích khác ở điểm nào?
  • Bí tích Thánh Thể được lập khi nào?
    • Chất thể (matter) và mô thức (form) của bí tích Thánh Thể là gì?
  • Thừa tác viên cử hành bí tích Thánh Thể là ai?
  • Những ai được lãnh nhận Thánh Thể?
  • Để lãnh nhận Phép Thánh Thể cần có những điều kiện gì?

1. Định Nghĩa, Tầm Quan Trọng, Lời Hứa và Sự Thiết Lập Bí Tích Thánh Thể

1.1 Bí Tích Thánh Thể là gì?

Bí tích Thánh Thể là một hiện thực bao hàm một vài hiện thực khác; nói cách khác, đó là một HiệnThực đa diện. Chúng ta có thể gọi đó là BÍ TÍCH, là HY TẾ, và là TIỆC THÁNH, nơi Mình, Máu, Linh Hồn, và Thiên Tính của Chúa Giêsu được LƯU GIỮ, HIẾN DÂNG, và NHẬN LÃNH dưới HÌNH SẮC bánh và rượu.

Trong bí tích cao trọng nhất trong các phép bí tích này, Đức Giêsu Kitô HIẾN DÂNG chính Ngài làm LỄ VẬT HY SINH dâng lên THIÊN CHÚA CHA theo cách thức không vương máu (THÁNH LỄ), làm của ăn NUÔI DƯỠNG linh hồn TÍN HỮU, và hiện hữu giữa chúng ta – luôn Ở cùng chúng ta – để ĐỒNG HÀNH với chúng ta và để chúng ta SÙNG KÍNH Ngài.

Sách Giáo Lý Yếu Lược (GLYL), mục 271; [xem thêm Giáo Lý Công Giáo(GLCG) mục 1322-1323, 1409) định nghĩa bí tích Thánh Thể như sau:

Bí tích Thánh Thể là chính hy tế Mình và Máu của Chúa Giêsu, mà Người đã thiết lập để lưu tồn hy tế thập giá của Người qua bao thế kỷ cho đến khi Người lại đến trong vinh quang. Như thế, Người ủy thác cho Hội Thánh việc tưởng nhớ cái Chết và cuộc Phục Sinh của Người. Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ hợp nhất, dây bác ái, bữa tiệc vượt qua, nơi chúng ta lãnh nhận Ðức Kitô, linh hồn được tràn đầy ân sủng và được bảo đảm cho đời sống vĩnh cửu.

1.2 Bí tích Thánh Thể quan trọng thế nào đối với Kitô hữu và đối với Hội Thánh?

Thánh Josemaria Escriva viết: (Thư 2 Tháng 2,1945):

Hỡi các con trai con gái yêu quí, cha luôn dạy các con rằng CĂN NGUYÊN và TÂM ĐIỂM của đời sông thiêng liêng chính là Hy Tế Thánh nơi Bàn Thờ.

Từ khi Opus Dei được thành lập năm 1928, Thánh Josemaria thường nhắc lại ý tưởng trên cho nhiều người, khi bằng lời, khi bằng văn viết. Trong thập niên 1960, Công Đồng Vatican II tiếp nhận ý tưởng này và đưa lên thành lời dạy chính thức của Hội Thánh. Lumen Gentium (Ánh Sáng Muôn Dân, Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh), phần 11, khẳng định rằng bí Tích Thánh Thể là "CHÓP ĐỈNH và NGUỒN MẠCH của đời sống Kitô giáo". Hội Thánh còn dạy thêm rằng Phép Thánh Thể không những là chóp đỉnh (hoặc tâm điểm) và là nguồn mạch (hoặc căn nguyên) của đời sống của từng Kitô hữu, mà còn là chóp đỉnh và nguồn mạch của đời sống và sứ mệnh của cả Hội Thánh.

Sách GLYL (mục 274; xem thêm GLCG mục 1324-1327, 1407) viết:

Bí tích Thánh Thể là nguồn mạch và tột đỉnh của toàn bộ đời sống Kitô giáo. Thánh Thể là tột đỉnh hoạt động thánh hóa của Thiên Chúa đối với chúng ta và là tột đỉnh của hoạt động phượng tự chúng ta dâng lên Ngài. Bí tích Thánh Thể chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Hội Thánh, đó chính là Ðức Kitô, Ðấng là Chiên Vượt Qua của chúng ta. Việc hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa và sự hợp nhất của dân Thiên Chúa được diễn tả và thực hiện nhờ bí tích Thánh Thể. Qua việc cử hành Thánh Thể, chúng ta được kết hợp với Phụng vụ trên trời và tham dự trước vào đời sống vĩnh cửu.

Phần trích dẫn trên cho chúng ta biết rằng Bí Tích này là bí tích cao trọng nhất vì nó không những ban ân sủng – như các bí tích khác – mà còn chứa đựng chính ĐẤNG BAN ÂN SỦNG. Ân sủng mà chúng ta lãnh nhận nơi các phép bí tích là ơn do Thiên Chúa ban. Nhưng nơi bí tích Thánh Thể, chúng ta không những lãnh nhận ân sủng mà còn đón nhận chính Đấng Tác Tạo muôn ơn lành, trong hình thức một Ngôi Vị!

Chúng ta nhắc lại điều đã học trong một bài trước đây được trích từ Sách GLYL:

Tất cả các bí tích đều qui hướng về bí tích Thánh Thể, vì"đó là mục đích tối hậu". (Thánh Thomas Aquinas).

1.3 Lời Hứa và Sự Thiết Lập Bí Tích Thánh Thể

Tầm quan trọng của bí tích Thánh Thể còn được thể hiện qua việc Đức Giêsu nói rất nhiều về bí tích này để chuẩn bị cho những người tin theo Ngài hiểu được về nó. Chương 6 Sách Tin Mừng Thánh Gioan chép LỜI HỨA nơi bí tích Thánh Thể:

(27) "Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Ðấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận."

(30) …Họ lại hỏi … (31) Tổ tiên chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh từ trời". (32) Ðức Giêsu đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Môsê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, (33) vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian".

(34) Họ liền nói: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy".

(35) Ðức Giêsu bảo họ: "Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!

(41) Người Do Thái liền XẦM XÌ phản đối, bởi vì Ðức Giêsu đã nói: "Tôi là bánh từ trời xuống". (42) Họ nói: "Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: "Tôi từ trời xuống?"

(43) Ðức Giêsu bảo họ: "Các ông đừng có xầm xì với nhau! … (47) Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. (48) Tôi là bánh trường sinh. (49) Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết. (50) Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. (51) Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống"

(52) Người Do Thái liền TRANH LUẬN sôi nổi với nhau. Họ nói: "Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?"

(53) Ðức Giêsu nói với họ: "Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. (54) Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, (55) vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. (56) Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. (57) Như Chúa Cha là Ðấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. (58) Ðây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời". (59) Ðó là những điều Ðức Giêsu đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Caphácnaum.

(60) Nghe rồi, nhiều môn đệ của Người liền nói: "Lời này CHƯỚNG TAI quá! Ai mà nghe nổi?"

(61) Nhưng Ðức Giêsu tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: "Ðiều đó, anh em lấy làm chướng , không chấp nhận được ư? … (64) Nhưng trong anh em có những kẻ không tin". Quả thật, ngay từ đầu, Ðức Giêsu đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người.

(66) Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, KHÔNG CÒN ĐI VỚI NGƯỜI NỮA.

(67) Vậy Ðức Giêsu hỏi Nhóm Mười Hai: "Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?"

(68) Ông Simon Phêrô liền đáp: "Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. (69) Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Ðấng Thánh của Thiên Chúa."

(70) Ðức Giêsu đáp: "Chẳng phải Thầy đã chọn anh em là Nhóm Mười Hai sao? Thế mà một người trong anh em lại là quỷ!" (71) Người muốn nói về Giuđa, con ông Simon Ítcariốt; thật thế, chính y, một môn đệ trong Nhóm Mười Hai, sẽ nộp Người.

Đức Giêsu không làm giảm ý của những lời Ngài giảng. Ngài không nói những lời đó chỉ mang tính biểu tượng, mà thực sự đó chính là ý của Ngài muốn truyền dạy. Điều này lý giải tâm trạng sốc của những người đang nghe Ngài giảng. Chỉ có người điên mới nói chướng tai như thế.

Không những Đức Giêsu đã hứa mà Ngài còn thể hiện lời hứa của Ngài. Về SỰ THIẾT LẬP bí tích Thánh Thể, mục 1323 Sách GLCG dẫn lại lời trong Hiến Chế Sacrosanctum Concilium (Hiến Chế về Phụng Vụ) (mục 47) của Công Đồng Vatican II như sau:

"Trong khi ăn bữa Tiệc Ly, trong đêm Người bị nộp, Đấng Cứu Độ chúng ta đã thiết lập Hy Tế Thánh Thể bằng Mình và Máu Người, để nhờ đó, Hy Tế Thập Giá trường tồn qua các thời đại cho tới khi Người đến, và cũng để ủy thác cho Hiền thê yêu quí của Người là Hội Thánh việc tưởng nhớ sự chết và sự sống lại của Người. Đây là bí tích tình yêu, là dấu chỉ sự hợp nhất, là mối dây bác ái, là Bữa Tiệc Vượt Qua, nơi chúng ta lãnh nhận Đức Kitô, linh hồn ta được tràn đầy ân sủng và nhận được sự bảo đảm về vinh quang tương lai Người hứa ban cho chúng ta."

Chúng ta có thể đọc sự tường thuật về việc này trong Tin Mừng theo Thánh Mátthêu, Thánh Máccô, Thánh Luca, và trong Thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô.

Chúng ta nhận thấy các động tác: cầm lấy, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cũng được thể hiện khi Đức Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều; sự việc này được Thánh Gioan tường thuật ở Chương 6 Sách Tin Mừng của Ngài. Phép lạ này được cả bốn tác giả Tin Mừng ghi chép, một sự việc thực sự lạ thường (xem Bài Dẫn Nhập 2 nói về sự tương quan giữa Tin Mừng Nhất Lãm với Tin Mừng Thánh Gioan). [Synoptic Gospels: Tin Mừng Nhất Lãm, là ba sách Tin Mừng của ba Thánh Sử: Mátthêu, Máccô, và Luca].

Sau này, cũng chính những động tác đó đã giúp hai tông đồ trên đường đi Emmaus nhận ra Đức Giêsu sau biến cố Phục Sinh. Thánh Luca viết lại trong Chương 24 Sách Tin Mừng của Ngài:

30) Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra cho họ. (31) Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người nhưng Người lại biến mất. (32) Họ mới bảo nhau:"Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?" (33) Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giêrusalem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. (34) Những người này bảo hai ông:"Chúa sống lại thật rồi, và đã hiện ra với ông Simon." (35) Còn hai ông thì thuật lại những việc đã xảy ra dọc đường, và mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

2. Những tên gọi của Bí Tích này

Mục 275 Sách GLYL tóm lược các mục từ 1328 tới 1332 của Sách GLCG như sau:

Nguồn phong phú vô tận của bí tích này được diễn tả qua nhiều tên gọi khác nhau, gợi lên những khía cạnh đặc biệt. Những tên gọi thông dụng nhất là: Thánh Thể, Thánh Lễ, Bữa Tiệc Của Chúa, Lễ Bẻ Bánh, Cử Hành Thánh Thể, Tưởng nhớ cuộc khổ nạn, cái chết và sự Phục Sinh của Chúa, Hy Lễ Thánh, Phụng Vụ Thánh và Thần Linh, Mầu Nhiệm Thánh, Bí Tích Cực Thánh nơi Bàn Thờ, Bí Tích Mình Máu Thánh Chúa.

3. Các yếu tố chính của bí tích Thánh Thể

Chúng ta cùng nhau luận bàn trước về vấn đề Thánh Thể là một BÍ TÍCH. Còn sự hy tế của Đức Kitô trong Phép Thánh Thể, và sự hiện diện của Đức Kitô trong bí tích này và Thánh Thể là của ăn nuôi dưỡng linh hồn sẽ được đề cập lần lượt trong Bài 20 và Bài 21.

3.1 Chất thể

Sách GLCG (mục 1412; xem thêm mục 1333) viết

Dấu chỉ chính yếu của bí tích Thánh Thể là bánh lúa mì và rượu nho. Lời chúc phúc của Chúa Thánh Thần được khẩn cầu ban xuống trên bánh và rượu này, và linh mục đọc lời thánh hiến (truyền phép) đã được Đức Giêsu nói trong bữa Tiệc Ly;"Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con … Này là Chén Máu Thầy …"

3.1.1 Chất thể xa

Có hai yếu tố chính và cần thiết để cử hành bí tích Thánh Thể, đó là: [1] BÁNH lúa mì và [2] RƯỢU nho. (xem thêm mục 279 Sách GLYL)

3.1.2 Chất thể gần

Ba việc chính yếu được thực hiện đối với chất thể gần: [1] chúng được HIẾN DÂNG; [2] NGUYỆN XIN ơn Thánh Linh, bánh và rượu được THÁNH HIẾN, và [3] Mình và Máu Thánh Chúa được NHẬN LÃNH (được ăn). Chúng ta nhận thấy đây là ba việc quan trọng nhất trong Phụng Vụ Thánh Thể.

3.2 Mô thức

3.2.1 Đối với bánh

"ANH EM CẦM LẤY MÀ ĂN, ĐÂY LÀ MÌNH THẦY, HIẾN TẾ VÌ ANH EM."

3.2.2 Đối với rượu

"TẤT CẢ ANH EM HÃY CẦM LẤY VÀ UỐNG CHÉN NÀY, VÌ ĐÂY LÀ CHÉN MÁU THẦY, MÁU TÂN ƯỚC VĨNH CỬU, SẼ ĐỔ RA CHO ANH EM VÀ MUÔN NGƯỜI ĐƯỢC THA TỘI. ANH EM HÃY LÀM VIỆC NÀY MÀ NHỚ ĐẾN THẦY."

4. Thừa tác viên

4.1 Tư Tế (người hiến tế) và Lễ Vật Hy Sinh (hiến lễ)

Sách GLCG (mục 1410) giảng rằng người dâng lễ (tư tế) và của lễ dâng hiến (lễ vật hy tế) chính là Đức Giêsu Kitô – Ngài là Sacerdos et Victima (Tư Tế và Hiến Lễ). Nhưng Ngài thực hiện hy lễ này thông qua các linh mục.

Đức Kitô, vị Thượng Tế đời đời của Giao Ước Mới, Đấng đang hoạt động thông qua thừa tác vụ của các tư tế, dâng hy tế Thánh Thể. Cũng chính Đức Kitô, Đấng thực sự hiện diện trong hình bánh và rượu, là lễ vật của hy tế Thánh Thể.

Thánh Josemaria giảng giải (trong bài giảng "A Priest Forever" [Linh Mục Đời Đời], ngày 13/ 4/ 1973):

Bí tích Truyền Chức Thánh đã thực sự đưa linh mục đến việc hiến dâng giọng nói, đôi tay, và trọn vẹn hữu thể của mình cho Chúa chúng ta. Trong Thánh Lễ, chính Đức Giêsu Kitô, qua lời thánh hiến (truyền phép), sẽ biến đổi chất thể bánh và rượu thành Xác, Hồn, Máu và Thiên Tính của chính Ngài.

Mục 278 Sách GLYL (xem thêm GLCG, mục 1348, 1411) hỏi: "Ai là thừa tác viên cử hành bí tích Thánh Thể?"

Thừa tác viên bí tích Thánh Thể là vị tư tế đã được truyền chức thành sự (giám mục hoặc linh mục); vị này cử hành trong cương vị (in Persona) Ðức Kitô là Đầu Hội Thánh, và nhân danh Hội Thánh.

Vị tư tế là thừa tác viên, tức là TÔI TỚ đã hiến dâng bản thân mình cho Đức Giêsu Kitô, vị Thượng Tế Đời Đời.

4.2 Tư tế của Giao Ước Mới

Trong Bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu truyền cho các Tông Đồ:"… Hãy làm việc này…" để cử hành hy lễ Ngài đã lập cho tới khi Ngài lại đến. Qua việc này, Đức Giêsu đã làm cho họ trở thành những tư tế của Giao Ước Mới, tư tế của Tân Ước. (xem thêm mục 1337 Sách GLCG)

4.3 Những tư tế đã được truyền chức thành sự

Người được truyền chức thành sự mới được cử hành Thánh Lễ. Nếu chưa lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh thì không ai có quyền năng biến đổi bánh và rượu thành Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu.

5. Đối tượng: Ai có thể lãnh nhận Phép Thánh Thể?

5.1 Người đã chịu Phép Rửa và không bị cấm đoán theo Giáo Luật

Bộ Giáo Luật, Điều 912 nói:

Bất cứ ai đã chịu Phép Rửa và không bị cấm đoán gì theo Giáo Luật đều có thể và cần được đón nhận đến với bí tích Thánh Thể.

Đến tuổi nào thì trẻ em có thể được rước Mình Thánh Chúa?

Bộ Giáo Luật qui định:

Điều 913 Khoản 1 – Sự ban phát bí tích Thánh Thể cực trọng cho trẻ em đòi buộc rằng chúng phải có đủ nhận thức và sự chuẩn bị kỹ lưỡng để hiểu mầu nhiệm Đức Kitô đúng với tầm khả năng của chúng, và để rước Mình Thánh Chúa Kitô với đức tin và lòng sùng kính.

Khoản 2 – Tuy nhiên, bí tích Thánh Thể cực trọng có thể ban cho trẻ em trong trường hợp nguy tử nếu chúng vẫn còn biết đó là Mình Thánh Chúa Kitô, không phải bánh thông thường, và rước Thánh Thể một cách tôn kính.

Ai đảm nhiệm việc chuẩn bị cho trẻ rước Thánh Thể?

Điều 914 – Trước tiên là cha mẹ rồi đến những người thay quyền cha mẹ và kể cả cha xứ có bổn phận lo cho các trẻ em đã đủ trí khôn dọn mình thích đáng để có thể, sau khi đã xưng tội, các em được bổ dưỡng nhờ của ăn thánh này càng sớm càng tốt. Cha xứ cũng có bổn phận canh chừng không cho các trẻ em rước lễ khi chúng chưa đủ trí khôn hoặc chưa chuẩn bị đúng mức.

Mục 1385 và 1415 Sách GLCG nhắc lại điều này và lời của Thánh Phaolô (Thư Côrintô 11:27-29):

Bất cứ ai ăn Bánh hoặc uống Chén của Chúa cách bất xúng thì phạm đến Mình và Máu Thánh Chúa. Ai nấy phải tự xét mình rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thánh Thể Chúa là ăn và uống án phạt cho mình.

Những ai bị Giáo Luật cấm không được rước Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu?

Điều 915 – Không được nhận rước lễ những người bị VẠ TUYỆT THÔNG hoặc bị CẤM CHẾ sau khi hình phạt đã tuyên kết hoặc tuyên bố; và những người cố chấp trong một tội trọng công khai.

Điều 916 – Ai ý thức mình phạm tội trong mà chưa xưng tội trước thì không được làm lễ và không được rước lễ trừ khi có lý do quan trọng và chưa có dịp tiện để xưng tội. Trong trường hợp này, họ phải tâm niệm về lòng thống hối trọn vẹn bao gồm sự quyết tâm đi xưng tội trong thời gian sớm nhất.

Một ngày có thể rước lễ nhiều lần được không?

Điều 917 – Ngoại trừ qui định ở Điều 921, khoản 2, ai đã rước lễ rồi thì có thể rước lễ một lần nữa trong ngày đó, nhưng chỉ ở trong thánh lễ họ tham dự.

Có thể rước Thánh Thể ngoài Thánh Lễ chăng?

Điều 918 – Hết sức khuyến khích tín hữu rước lễ trong chính ThánhLlễ. Tuy nhiên, nếu có người xin với lý do chính đáng, thì có thể ban Phép Thánh Thể ngoài Thánh Lễ miễn là giữ các nghi thức phụng vụ.

Vấn đề chay Thánh Thể là gì?

Điều 919 – (1) Ai muốn rước lễ phải kiêng ăn và uống ít nhất là MỘT GIỜ trước khi rước lễ, trừ nước thường và thuốc chữa bệnh.

(2) TƯ TẾ (Linh Mục) nào dâng lễ hai hay ba lần trong một ngày có thể ăn uống đôi chút trước thánh lễ thứ hai hoặc thứ ba cho dù khoảng cách thời gian không đủ một giờ.

(3) Những NGƯỜI CAO NIÊN, NGƯỜI ĐAU YẾU, và những NGƯỜI CHĂM SÓC HỌ có thể rước lễ cho dù đã ăn uống đôi chút trong vòng một giờ trước đó.

Có luật buộc phải rước lễ hay không?

Điều 920 – (1) Sau khi rước lễ lần đầu, mọi tín hữu buộc phải rước lễ ÍT NHẤT MỖI NĂM MỘT LẦN.

(2) Luật buộc này phải được chu toàn VÀO MÙA PHỤC SINH; tuy nhiên có thể chu toàn vào mùa phụng vụ khác trong năm nếu có lý do chính đáng.

Điều 921 – (1) Các Kitô hữu LÂM CƠN NGUY TỬ vì bất cứ lý do gì cần được bổ dưỡng bằng việc rước lễ như Của Ăn Đàng.

(2) Cho dù hốm đó họ đã rước lễ rồi, nhưng rất cần cho họ rước lễ lần nữa nếu mạng sống của họ lâm nguy.

(3) Bao lâu cơn nguy tử kéo dài, họ cần được rước lễ thường xuyên nhưng vào từng ngày khác nhau

Điều 922 – Không được khoan giãn việc đem CỦA ĂN ĐÀNG cho bệnh nhân; các chủ chăn cần lưu tâm kỹ lưỡng sao cho các bệnh nhân được bổ dưỡng bằng Của Ăn Đàng khi họ còn tỉnh trí.

Tín hữu Công Giáo theo Lễ Điển Latin có thể nhận lãnh Phép Thánh Thể theo lễ điển khác hay không? *

Điều 923 – Kitô hữu có thể tham dự hy lễ Thánh Thể và rước lễ theo bất cứ lễ điển Công Giáo nào miễn là giữ qui định của Điếu 844.

5.2 Dáng vẻ bên ngoài

Việc thờ phượng đòi hỏi sự cung kính của cả linh hồn và thể xác. Để chuẩn bị nhận lãnh bí tích Thánh Thể, tín hữu phải chuẩn bị trọn vẹn cả linh hồn và thể xác. Họ phải hết sức lưu tâm tới cử chỉ, cách ăn mặc của mình sao cho tương xứng với tính chất cao trọng của Bí Tích mà họ sẽ lãnh nhận (xem thêm mục 291 Sách GLYL, và mục 1387 Sách GLCG). Họ nên mặc y phục trang trọng nhất! Thánh lễ không phải là trận đấu tennis, hoặc là bữa tiệc bãi biển. Nó không phải là buổi họp mặt ở câu lạc bộ hoặc cuộc gặp mặt ăn trưa. Nó là thời gian để thờ phượng Thiên Chúa.

Huấn Thị Bí Tích Cứu Độ (Instruction Redemptionis Sacramentum) Về một số điều cần phải tuân giữ hoặc phải tránh liên quan tới bí tích Thánh Thể Cao Trọng Nhất (do Thánh Bộ Phụng Tự và Bí Tích [Sacred Congregation for Divine Worship and the Discipline of the Sacraments], 25 tháng 3/ 2004), hướng dẫn thêm như sau:

[90] "Tín hữu quì hay đứng khi rước lễ sẽ do Hội Đồng Giám Mục qui định" nhưng phải được sự chấp thuận cũa Tòa Thánh. "Tuy nhiên, nếu họ đứng khi rước lễ thì cần phải có sự tôn kính đúng chuẩn mực khi lãnh nhận Phép Thánh Thể." (xem thêm Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma, mục 160)

[91] Khi cho rước lễ, cần phải nhớ rằng "thừa tác viên có chức thánh không được từ chối ban Phép Thánh Thể cho bất cứ tín hữu nào có tư thế đúng mực khi rước lễ, đã dọn mình đầy đủ và không bị Giáo Luật cấm rước lễ." [Bộ Giáo Luật, Điều 643, Khoản 1; xem thêm Điều 915]. Theo đó, mọi tín hữu Công Giáo đã rửa tội và không bị cấm đoán gì bởi Giáo Luật đều được lãnh nhận bí tích Thánh Thể. Vì thế, sẽ là SAI LUẬT KHI KHƯỚC TỪ ban Phép Thánh Thể cho bất cứ tín hữu nào của Đức Kitô chỉ vì một lý do nào đó, chẳng hạn như vì người đó đứng mà không quì khi rước lễ.

[92] Mỗi tín hữu có QUYỀN DÙNG LƯỠI ĐỂ RƯỚC LỄ theo cách chọn lựa của người đó [xem thêm Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma, mục 161], nhưng nếu người rước lễ muốn nhận Bánh Thánh bằng tay khi cách rước lễ này được Hội Đồng Giám Mục cho phép với sự chấp thuận của Tòa Thánh, thì Bánh Thánh phải được trao cho họ theo cách đó. Tuy nhiên, cần hết sức lưu tâm để chắc chắn rằng người rước lễ ăn Bánh Thánh trước mặt thừa tác viên nhằm tránh trường hợp người đó rời đi mà vẫn cầm Bánh Thánh trong tay. Nếu có dấu hiệu xem thường hoặc bất kính, Bánh Thánh không được trao nơi tay của người rước lễ. [Thánh Bộ Phụng Tự và Bí Tích, Dubium: Notitiae 35 (1999), trg 160-161]

[93] Khi cho tín hữu rước lễ, PHẢI CÓ dĩa hứng phía dưới để phòng hờ Bánh Thánh hoặc vụn Bánh Thánh rơi xuống đất [xem thêm Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma, mục 118].

[94] Tin hữu KHÔNG ĐƯỢC PHÉP TỰ MÌNH LẤY VÀ TRAO CHO NHAU Bánh Thánh hoặc Chén Rượu Thánh [xem thêm Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma, mục 118]. Tuy nhiên, trong Lễ Cưới, hai phối ngẫu trao Bánh Thánh và Rượu Thánh cho nhau là điều hợp thức.

Đức Thánh Cha Benedict XVI, khi trả lời trong cuộc phỏng vấn do Peter Seewald thực hiện, đã đưa ra nhận định sau: (dẫn trong cuốn Light of the World [Ánh Sáng Thế Gian], trg 158):

Về nguyên tắc, tôi không bác bỏ cách nhận Bánh Thánh bằng tay, bản thân tôi từng ban và nhận Thánh Thể theo cách này. Sự khuyên nhủ của tôi hiện nay là tín hữu nên quì và nhận Bánh Thánh nơi lưỡi và ý tưởng ẩn sau lời khuyên đó là thể hiện một dấu hiệu và nhấn mạnh sự Hiện Diện Thực Sự Của Đức Giêsu bằng một dấu cảm thán. Một lý do rất quan trọng là thực sự đang có sự thờ phượng mang tính hình thức ở các sự kiện đông người tham dự mà chúng tôi tổ chức trong Thánh Đường cũng như tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Tôi từng nghe nói có nhiều người sau khi được trao Bánh Thánh đã dán dính nó vào tronng vi và đem về nhà giữ làm quà lưu niệm. Trong bối cảnh lễ như thế, khi mà mọi người nghĩ rằng ai cũng mặc nhiên được rước lễ - ai cũng lên rước lễ thì mình cũng lên rước lễ - thì tôi muốn đưa ra một tín hiệu rõ ràng hơn, và tôi muốn tín hiệu đó thật cụ thể. Một điều rất đặc biệt đang diễn ra nơi bàn tiệc thánh. Đó là chính Đức Kitô đang hiện diện nơi đây, Đấng mà trước mặt Ngài chúng ta phải quì gối kính cẩn tôn thờ. Hãy lưu ý điều này! Đây không phải là nghi lễ xã hội mà chúng ta có thể đến dự nếu thấy thich.

5.3 Chúng ta cần lãnh nhận cả bánh thánh và rượu thánh hay không?

Điều này được trình bày ở mục 1390 Sách GLCG như sau:

Vì Đức Kitô hiện diện cách bí tích dưới mỗi hình dạng nên việc rước lễ dưới hình bánh mà thôi vẫn nhận được TRỌN VẸN HIỆU QUẢ ân sủng của bí tích Thánh Thể. Vì lý do mục vụ, cách rước lễ này được chính thức qui định là hình thức thông thường nhất trong nghi lễ Latin. Nhưng "dấu chỉ của việc rước lễ toàn hảo là khi được trao ban cả hai hình dạng, vì theo cách này, dấu chỉ của bàn tiệc Thánh Thể trở nên rõ nét hơn." [Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma, mục 240]. Đây là cách rước lễ thông thường trong các nghi lễ Đông Phương.

Huấn Thị Bí Tích Cứu Độ viết:

[101] Việc ban Phép Thánh Thể dưới cả hai hình thức Bánh và Rượu cho giáo dân trong cộng đoàn tín hữu Đức Kitô cần phải được xem xét theo từng trường hợp, và trước tiên là phải được chuẩn thuận của Giám Mục giáo phận. Việc này phải được ngăn cấm NẾU CÓ DẤU HIỆU, DÙ NHỎ NHẶT NHẤT, VỀ SỰ BẤT KÍNH ĐỐI VỚI HÌNH SẮC THÁNH THỂ (Sacred species) [xem thêm Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma, mục 283] …

[102] Rượu Thánh KHÔNG ĐƯỢC trao ban cho giáo dân trong cộng đoàn tín hữu Đức Kitô Ở NHƯNG NƠI có RẤT NHIỀU NGƯỜI RƯỚC LỄ [xem thêm Huấn Thị Về Bí Tích Thánh Thể, 22/6/1970: AAS 62 (1970), trg 665 của Thánh Bộ Phụng Tự và Bí Tích; Qui Tắc Nghi Thức Phụng Vụ, mục 6a: AAS 62 (1970), trg 699] đến độ không thể ước tính được lượng rượu sẽ được truyền phép khi cử hành bí tích Thánh Thể; và có khả năng là " lượng Rượu Máu Thánh Chúa Kitô còn lại nhiều không thể trao ban hết vào cuối thánh lễ." [Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma, mục 285a]. Qui chế trên cũng áp dụng ở những nơi mà sự tiếp cận Rượu Thánh khó sắp đặt, tổ chức, hoặc ở nơi mà lượng rượu cần để dúng cho Phép Thánh Thể quá lớn đến nỗi khó biết được xuất xứ và khó thẩm định được chất lượng; hoặc ở nơi không có đủ thừa tác viên có chức thánh hoặc thừa tác viên ngoại thường để ban Phép Thánh thể đúng cách thức qui định; hoặc ở nơi mà đa phần tín hữu ,vì những lý do nào đó, không muốn rước lễ dưới hình sắc Rượu Thánh; điều này làm cho sự hiệp nhất trong Thánh Thể mất ý nghĩa.

[103] Qui chế trong Sách Lễ Roma chấp nhận nguyên tắc là trong những trường hợp rước lễ dưới cả hai hình thức, thì "Máu Thánh Chúa có thể được nhận lãnh bằng cách uống trực tiếp từ chén Thánh, hoặc bằng cách nhúng Bánh Thánh vào Rượu Thánh, hoặc dùng ống hút hay muỗng." [Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma, mục 245]. Về việc ban Phép Thánh Thể cho giáo dân trong cộng đoàn tín hữu Đức Kitô, các Giám Mục được quyền loại bỏ cho rước Rượu Thánh bằng ống hút hoặc muỗng nếu địa phương không có tập tục này mặc dù cách cho rước lễ BẰNG HÌNH THỨC NHÚNG BÁNH THÁNH VÀO RƯỢU THÁNH vẫn thường được thực hiện. Tuy nhiên khi áp dụng cách ban Thánh Thể này, bánh lễ không được dầy quá hoặc nhỏ quá, và người rước lễ phải NHẬN LÃNH Thánh Thể NƠI LƯỠI VÀ DO LINH MỤC TRAO BAN. [Qui Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma, mục 285b và 287].

[104] Người rước lễ KHÔNG ĐƯỢCPHÉP TỰ MÌNH NHÚNG BÁNH THÁNH vào chén Rượu Thánh, cũng KHÔNG ĐƯỢC DÙNG TAY NHẬN LÃNH Bánh Thánh đã nhúng Rượu Thánh. Bánh lễ sẽ được dùng cho cách rước lễ này phải được làm bằng chất liệu qui chuẩn, và phải được thánh hiến (truyến phép). Nghiêm cấm dùng bánh chưa được truyền phép hoặc làm bằng chất liệu không đúng qui chuẩn.

Đọc Thêm

    • Toát Yếu Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Compendium of the Catechism of the Catholic Church), Nhà xuất Bản Tôn Giáo, 2011, các mục 271-294. (Trong bài trên viết là Giáo Lý Yếu LượcGLYL)
    • Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo (Catechism of the Catholic Church), Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2010, các mục 1322-1419. (Trong bài trên viết là Giáo Lý Công GiáoGLCG)
    • Tự Điển Công Giáo Anh-Việt của Nguyễn Đình Diễn, Nhà Xuất Bản Tôn Giáo, 2002
    • Tự Điển Thần Học Tín Lý Anh-Việt, Linh Mục Vũ Kim Chính, SJ và nhóm biên dịch, nhà xuất bản Quang Khải, 1996

Websites